Thứ Tư, 4 tháng 12, 2024

Nhà văn Gabriel García Márquez và sự hối tiếc ở chương cuối

Nhà văn Gabriel García Márquez
và sự hối tiếc ở chương cuối

Nhà văn Colombia – Gabriel García Márquez từng viết: “Chỉ cần còn sống thì vẫn có thể viết. Điều khiến tôi đau lòng nhất là “chương cuối cùng” của cuộc đời, tôi lại không thể viết được…”.
Theo nhà văn Gabriel García Márquez, “chương cuối cùng của cuộc đời có thể là một chương thú vị”.
Từ bất an về tương lai…
Trong cuốn “20 trí tuệ kiệt xuất làm thay đổi thế giới” của NXB Mỹ thuật do Bích Lộc dịch đã nói về nhà văn, nhà báo nổi tiếng người Mỹ Latinh – Gabriel García Márquez. Người ta kể lại rằng, khi ông Gabriel Eligio García – bố của Gabriel García Márquez được sinh ra, một thầy bói đã nói rằng: Đứa trẻ này sau này sẽ có một đứa con trai. Bé trai ấy sẽ được đặt tên giống bố và bé trai ấy một ngày nào đó sẽ nổi danh khắp thế giới”.
Vào đúng 26 năm sau, ngày 6/3/1927, Gabriel García Márquez chào đời tại thị trấn Aracataca (Magdalenca, Columbia) và được đặt tên giống bố.
Vì bố mẹ chuyển tới nơi khác để mở cửa hàng thuốc, cậu bé Márquez được ông bà nuôi từ khi chỉ vài tháng tuổi. Ông ngoại là Nicolás Márquez thường dắt tay cậu bé mỗi ngày qua điền sản của mình, nơi ông trồng ổi và cafe.
Ông thường kể cho cháu nghe các câu chuyện hấp dẫn về doanh nghiệp của mình, về những người còn sống sau chiến tranh, những người bị sát hại trong thời bình và sự thật đằng sau một số biến cố chính trị. Mỗi ngày được ở cùng ông ngoại là một khám phá đối với Márquez, đồng thời ảnh hưởng sâu sắc tới cách nhìn nhận, quan sát của cậu bé về sau.
Ngược lại, bà ngoại hay kể cho cháu trai nghe một kho tàng những truyện dân gian, các lý giải kỳ thú về hiện tượng siêu nhiên hay những câu chuyện của họ hàng, những người đã khuất. Dù nhiều câu chuyện hoang đường nhưng bà luôn có cách kể khiến cậu bé “tin sái cổ”. Chính phong cách kể chuyện này đã được nhà văn thể hiện trong cuốn “Trăm năm cô đơn” theo chủ nghĩa hiện thực huyền ảo.
Márquez yêu thích vẽ tranh, nhưng khi lên 9 tuổi, nhờ có giáo viên tiểu học, cậu đọc được cuốn “Nghìn lẻ một đêm” và khám phá ra phép màu của việc đọc sách. Từ đó, cậu đọc ngấu nghiến những cuốn sách của Emilio Salgari, Jules Verne, Alexander Dumas, anh em nhà Grimm và bất cứ cuốn truyện phiêu lưu nào mình có trong tay. Những tác giả xuất sắc đó đã dạy cậu viết văn.
Sau khi ông ngoại qua đời, Márquez đến sống với bố mẹ và các em trong cảnh thiếu thốn. Quãng thời gian đó rất khó khăn nhưng cậu không sống cùng họ vì không lâu sau đó, Márquez đi học phổ thông rồi vào học trường luật. Nhưng chàng trai trẻ sớm bỏ học để làm báo.
Công việc làm báo đã cho Márquez nhận thức đầy đủ về tình hình chính trị. Đồng thời, thôi thúc ông tìm hiểu hiện thực xung quanh từ Bogota tới Pháp, Ý tới London, từ Venezuela tới Mỹ… Chính trong những năm tháng đó, ông nhận ra rằng mình muốn trở thành nhà văn. Nhưng Márquez lại khó khăn để viết ra những câu chuyện hình thành sẵn trong đầu. Vì vậy, ông thường băn khoăn và bất an về tương lai của chính mình.
Nhà văn đã cố gắng xuất bản Dead leaves (Giờ xấu) năm 1955, Nobody Writes to the Colonel (Ngài đại tá chờ thư) năm 1958 và sau này là tuyển tập truyện ngắn Big Mama’s  Funeral (Đám tang bà mẹ vĩ đại) năm 1962. Tuy nhiên, dù các tác phẩm được giới phê bình và khán giả hoan nghênh, nhà văn vẫn gần như không ai biết tới, cũng như khánh kiệt tới mức phải đi vay tiền bạn bè để mua thực phẩm. 
…đến giải Nobel Văn học
Márquez liên tục viết nháp và viết lại “Ngôi nhà” (tên ban đầu của “Trăm năm cô đơn”). Tiểu thuyết kể về ngôi nhà thời thơ ấu của ông ở Aracataca, nhưng nhà văn dường như không tìm được một kết thúc hợp lý cho tác phẩm.
Thời điểm đó, ông đã kết hôn với bà Mercedes, người vợ đã ở bên ông đến tận cuối đời. Hai vợ chồng đã chuyển đến thành phố Mexico rồi có hai mặt con. Để trang trải cuộc sống, Márquez trở thành một biên kịch và bắt đầu làm việc trong lĩnh vực điện ảnh.
Ông gần như đã từ bỏ ý định viết lách thì vào một sáng nọ, trong khi lái xe đưa vợ con đi nghỉ ở Acapulco (Mexico), tâm trí nhà văn hiện lên rõ ràng phần mở đầu hợp lý cho câu chuyện đã ấp ủ bao năm. “Rất nhiều năm sau này, trước đội hành hình, Đại tá Aureliano Buendia đã nhớ lại buổi chiều xa xưa ấy, cái buổi chiều cha chàng dẫn chàng đi xem nước đá”.
Márquez quay sang nói với vợ: “Anh biết mình phải biết “Ngôi nhà” như thế nào rồi. Chúng ta quay về ngay thôi”. Ông quay xe trở về, viết liền một mạch. Cứ thế hơn một năm, câu chuyện tuôn chảy từ đầu ngón tay nhà văn sang máy đánh chữ mà không hề tốn chút công sức nào như một phép màu.
Trong khi Márquez sáng tác, vợ ông đã phải bán ô tô, quần áo, đồ trang sức, và đồ gia dụng trong nhà, thậm chí xin nợ tiền nhà và nợ tiền mua thực phẩm.
Khi được xuất bản lần đầu tiên, cuốn One Hundred Years of Solitude (Trăm năm cô đơn) đã bán hết trong một tuần. Tiểu thuyết này đến nay vẫn được coi là một trong những tiểu thuyết hay nhất thế kỷ 20, một kiệt tác lôi cuốn do nhà văn Mỹ Latinh sáng tác.
Gerald Martin – người viết tiểu sử của Garcia Márquez, nói rằng “Trăm năm cô đơn” là cuốn tiểu thuyết đầu tiên mà người Mỹ Latinh thấy mình trong đó. Nó tôn vinh đam mê của họ, các cảm xúc mãnh liệt và cả sự mê tín, xu hướng thất bại của họ.
Tiểu thuyết này đã được dịch ra hơn 30 thứ tiếng và bán được hơn 30 triệu bản trên toàn thế giới. Trăm năm cô đơn cũng mang đến cho nhà văn vinh dự đạt giải Nobel Văn học năm 1982.
Gabriel José García Márquez mất ngày 17/4/2014 tại nhà riêng ở Fuego, Mexico. Ba tuần cuối, trí óc vốn minh mẫn của Márquez sa sút nghiêm trọng.
Sinh thời, nhà văn Colombia – Gabriel García Márquez – từng viết: “Chỉ cần còn sống thì vẫn có thể viết. Điều khiến tôi đau lòng nhất là “chương cuối cùng” của cuộc đời, tôi lại không thể viết được, dẫu biết nó có thể là một chương thú vị”.
Là người chứng kiến toàn bộ câu chuyện cuối đời của cha, nhà biên kịch Rodrigo García thay ông viết nên Gabo và Mercedes: Lời tạm biệt. (Gabo là cái tên mọi người thường gọi Márquez và Mercedes là vợ).
Ngày 8/6/2021, cuốn truyện ký ra mắt độc giả. Cuốn sách được Nhà xuất bản Văn học Random House phát hành ở cả Colombia và Tây Ban Nha.
Cuốn sách tổng hợp những khoảnh khắc, giai thoại mà tác giả Rodrigo García cùng cha đối diện với “ba tuần cuối cùng”, kể từ khi Marquéz nhận được thông báo từ bệnh viện rằng, thời gian ông sống được chỉ còn tính theo tuần.
Trang hồi ký được viết bằng cảm xúc và tình yêu tác giả dành cho cha mẹ, thấm đẫm buồn nhưng cũng lôi cuốn người đọc bởi nhiều “giai thoại” có thật. Trên tất cả, cuốn sách là lời tạm biệt sâu lắng và chân thành nhất mà người con trai muốn gửi gắm tới cha mẹ mình – “Gabo” và Mercedes.
4/11/2022
Ngọc Trang
Nguồn: Giáo Dục và Thời Đại
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những ngày xưa không thể quên

Những ngày xưa không thể quên... Nếu ai đã từng đến Nha Trang, phải công nhận với tôi rằng biển ấy thật là đẹp. Một bãi biển dài thoai tho...