Thứ Ba, 3 tháng 12, 2024

Giàn mướp

Giàn mướp

Xếp mấy gói phân hóa học vào chiếc thùng nilon có quai xách cho tiện việc đem xuống xuồng, cụ Lâm nhớ lại lời dặn của thằng Minh,
-Bố nhớ, khi mướp bắt đầu ra bông cái và đang có trái, loại phân trong gói màu đỏ phải được dùng nhiều hơn vì loại này làm cho cây đượm trái; gói màu vàng phân ngay khi mướp bén rễ bởi nó giúp cho cây ra nhiều rễ hút chất đất; còn gói màu xanh, độ chừng bốn tuần khi mướp leo tới giàn thì phân tiếp theo với gói màu vàng. Màu vàng khi mướp bén rễ, màu xanh giúp cho lá, và màu đỏ để có nhiều quả, bố cũng đừng bỏ phân nhiều quá một lúc vì mặn, mướp sẽ chết...
Quăng dây cột xuống đầu mũi, cụ Lâm dùng bai chèo chặn xuồng sát mé cầu gỗ được bác nhô ra khỏi bờ nước cho tiện việc lên xuống, đưa mắt quan sát xuôi theo khoảng trống chạy dài phân chia khối xanh dây, lá tựa hai đoàn quân đối nghịch ra công lấn lướt trên chiếc giàn băng từ bên này qua bờ bên kia con lạch được nâng đỡ bằng những sợi dây cáp giăng ngang. Cụ để ý những ngọn mướp là đà rời khỏi giàn, định bụng sau khi bỏ phân sẽ bắt lại cho leo ra phía khoảng rộng. Nắng rực rỡ xuyên qua kẽ lá phản chiếu từ mặt nước tạo nên ánh sáng trắng, đẩy màu xanh lá mạ của những trái mướp hương song song buông thõng rộ niềm kiêu hãnh như muốn chứng tỏ công lao của cụ đã đem lại thành quả là hoa trái... Một rừng mướp, cụ Lâm thầm nghĩ. Nhìn chiếc giàn trải rộng tới tận bên kia bờ nước và dọc theo con lạch, cụ tưởng mình đang bước vào cõi thiên thai. Cả một bầu trời trong tầm tay với dưới ánh nắng chan hòa hoa lá bao trùm một cõi khiến tâm hồn thoát khỏi mọi bon chen dành sống cũng như những náo nhiệt, ồn ào của xe cộ nơi phố thị.
Đôi khi khí trời đột ngột thay đổi giữa lúc gắt nắng làm cho nước bốc hơi. Làn hơi hòa vào ánh nắng tạo thành những chùm sáng rọi xuyên hoa lá tựa những vầng hào quang mỗi buổi chiều khi mặt trời nấp sau đám mây; khung cảnh riêng tư của cụ Lâm trở nên mờ ảo. Những trái mướp buông thõng từ giàn dáng chừng có ma lực cuốn hút làn sương hơi nước, chuyển vận qua năng lực biến đổi của lá, thúc đẩy màu hoa đậm nét vàng hơn, khoe sắc thi đua cùng ánh mặt trời. Hoa lá đua chen che sức nóng gay gắt nung đốt khối nước; khối nước tỏa làn sương tạo những bụi trắng tinh nguyên thẩm thấu bồi bổ lá hoa; cụ Lâm không nhớ rõ ý nghĩ này đã đến với mình tự bao giờ, chỉ biết nó thường mờ mờ ẩn hiện mỗi lần nghĩ về cuộc đời của mình với những mối liên hệ họ hàng thân thuộc cũng như bạn bè anh em, những ai còn sống ở lại, những ai đã ra đi vào lòng đất lạnh...
Lãng đãng đâu đây vọng về nơi tâm tưởng lời ca dao ngọt ngào: "Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn," dường như nhắc nhở cụ mối dây liên kết tình người bên kia và bên đây nửa quả địa cầu. Đã mấy lần cụ trồng thêm khóm bầu nước cho leo cùng giàn với mướp nhưng chẳng bị sâu ăn thì cũng bị mấy con rái cá leo lên cắn nát. Cụ không dám trồng nhiều bầu nước vì khi thằng Minh thấy cụ bắt nhánh bầu cho leo lên giàn nó nói bầu nước trái nặng coi chừng dây chăng chịu không nổi chùng xuống gần mặt nước khó bơi xuồng. Trong thâm tâm, cụ chỉ muốn thấy hình ảnh vài cánh hoa bầu trổi lên lác đác giữa một rừng hoa mướp. Những lần đi nhà thờ về ngang bên kia con lạch, cụ cảm thấy ấm lòng khi nhìn một giãi bông vàng trải rộng ôm sát mái nhà màu nâu che gần hết chỉ còn nhô lên phần nóc... gợi lại hình ảnh mái ấm miền quê cũ.
Nhà cụ ngày ấy, lúc thằng Minh mới chập chững, được dựng trên thửa đất ngay bên con sông đào, phía đàng sau có ao thả cá. Cụ thường đứng ở bậc lên xuống té nước tưới mấy gốc mướp leo kín khung giàn nối liền nhà trên và căn bếp, vừa có trái nấu canh, vừa cho bóng mát những trưa hè. Chẳng những thế, nụ và lá mướp non còn được bà cụ hái xào hoặc nấu món nhắm rượu mỗi khi có khách khiến cụ cảm thấy hãnh diện vì tài tháo vát của vợ. Những chùm nụ mướp chúm chím gần nở xào với ếch hòa lẫn mùi thơm đậm đà hành tỏi, và thoang thoảng hương rau húng quế, ngò gai, thêm vào đó vài cọng ngổ, mấy khúc hành hoa nhai sồn sột, mới nghĩ tới đã bắt thèm. Cụ Lâm nuốt nước bọt, ngẫm nghĩ không hiểu hương vị quê hương làm cho những món ăn đơn giản thêm phần hấp dẫn hay vì cảnh đời nghèo túng đã khiến cho khẩu vị dễ chấp nhận và hài lòng với những gì mình có. Sống trên đất này, thịt cá nào có thể địch lại món ốc ao xào bông chuối với mẻ, trộn lẫn mùi rau răm và những miếng ớt thái mỏng xanh xanh đỏ đỏ nổi bật giữa màu nâu tím bông chuối và đen đen, ngà ngà của miệng ốc? Kiếm đâu cho được món lươn um gói lá mướp non, lá mướp nhậu ngon hơn thịt lươn? Gia vị nào tuyệt bằng mắm rươi chấm thịt ba chỉ luộc? Những hương vị món ăn quê hương nhắc nhở tình thân làng xóm cũ... Năm nay mướp được mùa, cụ đã bán được vài trăm. Chỉ ít ngày nữa trời bắt vào lạnh; mai hay mốt cụ gieo xu hào, cải xanh và rau diếp, hành hoa... Thằng Minh nói tuần tới sẽ mua dăm cây sắt về làm khung che mảnh vườn trồng rau thơm... Cầu xin cho dự tính xuôi chảy, cụ Lâm thầm nghĩ, mình sẽ có được chút quà tết gửi về cho ông anh, mấy người em và các cháu... Thế mà đã gần hai chục năm, hôm nọ thằng cháu viết thư qua nói căn nhà của mình gia đình vợ chồng Ty đang ở...; nhà nó những sáu đứa con... kể cũng tội; chẳng hiểu anh chồng có biết đặt dậm quanh bờ ao bắt cá lẹp nấu ăn qua ngày không... Nhưng nghèo như thế tiền đâu mua dậm? Ừ, đã thương thì thương cho trót; gửi cho vợ chồng anh chị ta vài chục mua cái dậm may ra giúp họ đỡ cực khổ hơn, ít nhất là có miếng ăn qua ngày... Với ý định ấy, cụ Lâm cảm thấy công việc làm vườn mang giá trị tình người... Mình ở đây dù sao chăng nữa cũng không bao giờ thiếu một bữa...
Từ ngày dọn về New Orleans, mảnh vườn sau nhà đã là niềm vui của cụ. Kỳ mới xuống, cụ bà gieo mấy hạt mướp đắng, mướp hương mang về từ miền lạnh; gặp đất mới, những cây mướp chẳng mấy chốc leo kín hết đám chà rào khi phá vườn cụ để dành lại, leo qua trùm luôn mấy cây bên đất hàng xóm... Mướp lan ra đủ mọi nơi mọi chỗ trông đến thích mắt, lại có thể được dùng làm quà biếu mấy người thân quen. Kỳ thằng Minh ra trường, mấy người họ hàng ở miền lạnh xuống thăm, khi về, mỗi người được biếu một bịch mướp đắng, mướp ngọt ra chiều quí hóa lắm... Và mấy gốc mướp đã đem lại niềm vui tuổi già. Cụ Lâm tính toán kiếm cây bắc giàn trong mùa lạnh năm ấy chuẩn bị cho mùa nóng gần tới... Thế là cụ đi bộ vòng qua cầu sang bên kia con lạch mãi tận đám rừng cách nhà cỡ nửa cây số, và suốt một ngày chui rúc chọn cây, đốn gốc, chặt cành, cụ vác về nhà bốn cây cột cao gấp đôi đầu người... Thằng Minh ở xa, cách nhà cụ cỡ hơn tiếng lái xe, hôm sau về thăm cụ ngạc nhiên hỏi:
-Bố đốn cây về làm chi mà nhiều vậy?
-Tôi định làm cái giàn mướp để trồng vào mùa nắng. Mướp leo chà rào khó chui vào hái trái mà lại chẳng được bao nhiêu.
-Thế bố định làm giàn ở đâu? Trồng vài cây mướp cần chi phải giàn!
-Thì cả cái khu vườn này, chứ để nó leo lên cây bên hàng xóm khó coi quá... cũng may họ tốt lành không nói chi hết.
-Bố định làm cái giàn lớn như thế thì bao nhiêu cây cột mới đủ? Bố có tuổi rồi tội chi làm nhiều cho mệt.
-Tôi tính cứ hai sãi một cây, được bao nhiêu làm bằng đấy. Hôm qua lội qua khu rừng mãi đầu phía bên kia con lạch, tôi đã đếm được những mười mấy cây... chỉ đốn vài buổi là hết.
-Tính như vậy thì các cây đà bắc ngang bố kiếm đâu ra cho đủ... Thôi đi bố, nghỉ cho khỏe, hơi sức đâu...
-Đành chấp nhận được đến đâu hay đến đấy chứ không có thì biết sao bây giờ!
-Cứ như ý định của bố, bề ngang cần bẩy cây, bề dài hai mươi sãi phải có mười một hàng, vị chi bẩy nhân với mười một là bẩy mươi bẩy cây cột; đà ngang thì không biết bao nhiêu mà kể, cây đâu kiếm cho ra. Tuy nhiên bố đã thích vậy để con tính xem... Phải làm giàn kiểu khác... Bố chịu khó đan lưới, con nghĩ chỉ cần mười cây cột và căng lưới lên là xong; bố đỡ phải vất vả.
-Ban nãy anh tính những bẩy mươi bẩy cây cột sao bây giờ lại chỉ cần có mười cây thì sao chịu nổi cái giàn.
-Con không làm cột bằng gỗ mà mua cột sắt hoặc đổ bêtông kéo dây cáp làm rường rồi đan lưới căng lên trên. Mười hai sãi bề ngang, mỗi cột cách nhau ba sãi nên cần năm cột một phía vườn do đó cần mười cột...
-Được vậy thì còn nói gì nữa; có cái giàn như vậy, phía sau nhà tha hồ mát...
Và rồi đến mùa nắng kế tiếp, chiếc giàn mới bắt đầu được coi là to tát cũng trở thành quá chật hẹp không đủ cho năm gốc mướp hương và mười gốc mướp đắng khiến dây lá chồng đống lên nhau đến nỗi những trái mướp ngọt không có chỗ thòng xuống nằm gác trên đám lá che khuất trở thành già quá lứa.
-Bố trồng nhiều gốc mướp quá; cây chạm lá, cá chạm vi thì làm sao có trái.
-Tôi tưởng rằng cũng cùng một công tưới nên trồng thử mười mấy gốc. Ấy là mới có vậy, giả sử trồng bốn mươi gốc thì không biết tính sao nữa...
-Trồng mướp cho thích mắt chứ trồng nhiều làm chi...
-Tôi tính không có việc gì làm cũng yếu người ra, ngủ không ngon, ăn không được. Hơn nữa, mình ở bên này dù sao cũng không đói khổ; tuy mình trồng chơi nhưng cũng cùng công làm, may ra có được thêm đồng nào gửi về cho mấy đứa cháu nghèo khổ ở quê nhà còn hơn là để phí uổng thời giờ.
-Bố nói cũng có lý, vậy thì bố để kha khá hạt giống, sang năm mình trồng bốn chục gốc mướp ngọt, và cái giàn này chỉ dành riêng cho mướp đắng leo mà thôi.
-Những bốn chục gốc mướp ngọt thì chỗ nào cho nó leo?
-Bố đan lưới, con căng dây là có chỗ leo...
-Nhưng chẳng lẽ cho mướp leo bên trên nóc nhà thì sao mà hái trái.
-Bố đừng lo, mình cho nó leo băng ngang con lạch mới thơ mộng. Từ bên đây sang bên kia cỡ ba chục sãi, chạy dài cả năm chục sãi đã đủ cho bốn chục gốc mướp leo chưa?
-Thế rồi làm sao hái mướp, chẳng lẽ đi xuồng?
-Chứ còn gì nữa, chèo xuồng hái mướp tha hồ thích...
Và chiếc xuồng được mang về để rồi giàn mướp băng ngang con lạch thành hình từ đó... Mấy cụ hàng xóm thi thoảng ghé qua mượn cảnh giàn mướp vỗ về nỗi nhung nhớ thôn làng cũ. Một hôm, cụ Châu đến chơi, nhân lúc cụ Lâm rảnh rỗi, sau khi ngắm cảnh, hai cụ cùng nhau chén tạc chén thù. Cụ Châu cảm hứng tặng câu thơ lục bát:
"Ngọc Lân có giãi mướp hương,
Có chợ Chồm Hỗm vấn vương lòng người."
Hương mướp trộn lẫn hương thơ, hai cụ đắc ý cưa đôi chai rượu thuốc bởi mềm môi qua những câu chuyện liên tưởng về làng xưa thôn cũ. Cụ Lâm nhớ mãi buổi chiều hôm ấy; nhớ vì được tặng câu thơ lục bát thì ít mà nhớ vì hàng ngày cụ có được niềm vui thanh thản nhìn thấy công trình của mình triển nở nơi từng ngọn mướp leo cao, được nhắc nhở do nét lay động nhẹ nhàng của cánh hoa, phiến lá, qua làn gió thoảng... Mảnh vườn nhỏ nhoi và giàn mướp băng ngang con lạch chẳng những đem lại cho cụ niềm vui tuổi già mà còn cả niềm vui tình người.
Năm trước, cụ Lâm còn làm thêm mảnh vườn bên kia con đê để trồng khoai sọ. Chừng nửa buổi sáng vào mùa ấm sau khi bán mướp, cụ chạy chiếc Mobilet lủng bô kêu phành phạch, dọc trên đường đê, và rồi vượt sang bên kia làm cỏ, vun khoai. Cụ thích đứng trên đê phóng tầm mắt nhìn những mảnh vườn kề nhau san sát nối tiếp từ chân đê đuổi ra tận mãi khu rừng nước mặn. Cả một vùng bao la được cắm vè, ngăn đường, luồn lạch chẳng có một thứ tự lớp lang nào, nhưng chúng mang cả một màu sắc quê hương của cụ. Đám chuối nhà ai vươn những tàu lá óng ả được chăm sóc và rọc bán cho người gói bánh gai; dãy sắn mì tốt ngập đầu người được chia hai khu một bên cuộng trắng, một bên cuộng tím. Những giàn mướp ngọt và mướp đắng được làm bằng gỗ không khác chi mái chòi nơi nương rẫy miền nam đất Việt. Nào vườn rau thơm đủ loại đôi khi gió xuôi chiều đem hương về thoang thoảng. Những luống rau xanh đậm của mùng tơi, kế bên, màu nhạt hơn là rau cải ngọt, rau đay... Những giàn bầu nước, các khoảnh bí đao, bí đỏ, dưa hồng, dưa gang trái xanh trái vàng..., tất cả nói lên lòng nhung nhớ tình quê, nhung nhớ vườn rau ao cá của con dân Việt được thể hiện bằng công việc vườn tược của quí cụ ông, cụ bà... đem lại không những niềm vui tuổi già mà còn một phần nào nói lên tình tự dân tộc chan hòa nơi người Việt tha hương. Sống nơi nước người, đất đai tuy rộng nhưng quí cụ bị bó chân bó tay. Muốn đi đâu, lái xe không được nên phải nhờ con, nhờ cháu, mà nào chúng có giờ rảnh để giúp... Làm việc tại công sở lo kiếm miếng cơm manh áo hoặc mài miệt lo việc học hành chuẩn bị cho tương lai đã quá đủ bận rộn đối với họ; quí cụ có tuổi cảm thấy bị quanh quẩn ở nhà chẳng còn phương tiện nào tiêu pha ngày tháng. Ra đường, tiếng người không hiểu sao có thể đi đây đó; nguồn an ủi độc nhất là mớ phim truyện tiếng Việt thì coi mãi cũng chán; mở truyền hình lại càng mù tịt, người ta cứ nói thứ tiếng mình không hiểu. Hơn nữa, xưa nay được nuôi dưỡng nơi bầu khí thảnh thơi của đồng ruộng, chôn chân mãi nơi phòng khách, phòng ngủ khiến cơ thể bứt rứt khó chịu... Và thế là một vài người khởi công phá cây dọn cỏ, trồng sắn vun khoai... tiếng đồn chuyền tai quí cụ... Khu rừng bên kia bờ đê vài năm sau đã mang hương sắc đồng quê đất Việt...
Vào gần dịp tết trông mới thích mắt; những luống xu hào chạy dài phơi bày công sức chăm sóc, phân bón được kết tinh thành những củ mọng bóng màu trắng xanh no tròn. Vàng lên cả khu vực bên kia, màu lá non trổi vượt của những liếp rau diếp... Ước gì có cá rô kho nhan nhát để chấm rau; ăn vào chỉ còn nước quên chết...
Thêm vào đó, tính chất cần kiệm, ưa hoạt động của người dân quê Việt còn được dây chuyền thể hiện bằng khu chợ Chồm Hổm. Mới mờ sáng, người ta đã đèn đóm họp chợ. Thôi thì đủ thứ hoa trái, rau cỏ, sản phẩm từ khu trồng tỉa bát ngát bên kia bờ đê và những mảnh vườn tí hon tại nhà. Ai có dịp ghé qua vùng Versaille, được người Việt đọc trại thành Vực Sâu thuộc danh địa East New Orleans, tiểu bang Louisiana, thường được gọi Ngọc Lân, mà không cảm thấy thích mắt với những luống rau chạy dọc theo con lạch sát bên ngôi Thánh Đường gần khu thương mại người Việt. Nào rau cần, rau muống, giàn bầu, giàn mướp... tất cả sản phẩm nơi vườn tược được đem ra chợ Chồm Hỗm phơi bày. Chợ Chồm Hổm có thể được coi là nơi nối kết tình người của những con dân mang tóc đen da vàng. Ai đã một lần đi chợ Chồm Hổm mới cảm nhận được những gì lẩm cẩm, lỉnh kỉnh của sắc dân mình đang vun xới cho tình người mang mang nơi dòng máu. Mới sáu giờ sáng đã nổi lên tiếng gọi nhau ơi ới, vang dội giữa những lời chào hỏi ồn ào khi người quen gặp nhau hòa vào lời mời mua hàng quà, bánh trái... Thịt tươi màu đỏ hồng nóng sốt, lòng heo mới luộc còn đang bốc hơi, phèo phổi, gan ruột và những cuộn giồi hấp dẫn, bắt mắt. Cá mới lưới còn đang ngáp không khí nhớ nước... chả giò, chả chìa... bánh trôi, bánh tét, bánh ướt, bánh lá... kẻ đến người đi cùng nhau tạo thành thời điểm họp chợ cho tới bẩy rưỡi, tám giờ mới trả lại khung cảnh bình thường cho các gian hàng bán lẻ, khác xa với hàng quán Tây Phương.
Cụ Lâm nhớ dạo mới về miền nam nghe người ta đồn thổi khen vùng "Cà Phê Đu Mông" (French Quarter) thế nên đã có lần bảo thằng Minh đưa cụ đi xem thử. Buổi tối, loanh quanh khu vực French Quarter kể cũng vui vui. Cảm nhận đầu tiên đến với cụ khi đặt chân vô nơi nổi tiếng của văn hóa Tây xa xưa để lại là bầu trời tràn ngập ánh sáng đèn điện tạo cho du khách cảm giác đang được tắm dưới ánh trăng của đêm rằm trời quang đãng. Sau vài phút đi bộ vòng vo, leo lên leo xuống những bậc xi măng, ngọn tháp nhà thờ St. Louis sừng sững im lìm đếm khách thản du ghi vào ký ức theo năm tháng dần trôi, hình như có vẻ ngậm ngùi bởi người người còn mải mê tìm kiếm những gì thoải mái chóng qua, giả tạo cuốn hút sát mặt đất mà quên ngẩng mặt vươn lên vùng thượng tầng thoát khỏi cảnh bon chen là đà ấy. Màu xi măng bạc dần theo năm tháng nơi chân tháp mờ xám dưới ánh điện gợi lòng cụ mối cảm thương cho thân phận bị bỏ rơi... hoặc là không còn hợp thời hấp dẫn, hoặc không thể hòa vào thị hiếu kẻ đang mê đắm chốn bụi trần. Một nhạc công hát dạo, tiếng trumpet lạc lõng kêu gọi sự bố thí của khách qua đường... Cách một khoảng, người nghệ sĩ đang rên rỉ với chiếc kèn Sexophone kêu gọi lòng xót thương rộng tay cho tiền... Giữa đường, chàng thiếu niên Mỹ đen kiểu cách giống như đang lên cơn động kinh làm đôi chân giật giật tạo thành những nhịp điệu khô khốc của cặp đế giày đập xuống mặt đường chờ tiền du khách quăng vào chiếc mũ lật ngửa.
Khu này, một dãy những thợ vẽ truyền thần hoặc cắt hình bằng giấy đen, trắng; nơi kia, các cửa tiệm bán đồ ăn thức uống... Cụ Lâm mỏi cẳng theo bén gót thằng Minh trên những đường ngang, lối dọc ngào ngạt người và người. Có những cửa tiệm đi ngang chợt nhìn vào qua khung cửa kiếng khiến cụ chóng cả mặt... Ai đời nào một chị thân hình phốp pháp, hầu như không mặc quần áo đang nhún nhảy theo những tiếng kèn, tiếng trống của dàn nhạc... và người ta thì kẻ vỗ tay, kẻ uống rượu, cười nói... Mới vô tình liếc qua mà cụ đã cảm thấy tự thẹn, thầm nghĩ mình không thuộc về giới người đó. Nơi cụ thích nhất là quán Cà Phê Đu Mông; nó chẳng khác gì một quán ăn bình dân bên Việt Nam. Kiếm một bàn ngồi vào, gọi cà phê và bánh ngọt nhâm nhi nhìn người lũ lượt từ muôn phía đến rồi đi không hàng lối, thứ tự cũng bõ công cho chuyến xe từ nhà đến phố Pháp. Dẫu là quán cà phê nhưng có lẽ nó nổi tiếng về cà phê thì ít mà nổi tiếng vì người ta được ngồi đó thoải mái, hút thuốc không cần gạt tàn, cứ quăng phần dư của điếu thuốc hút còn lại xuống nền hồ, lấy giầy di cho tắt cũng là một cái thú. Ngoại trừ những dãy nhà cổ, những thú ăn chơi mình không bao giờ bén mảng tới, khu phố Pháp không thể nào địch lại với khung cảnh họp chợ Chồm Hổm, cụ Lâm so sánh. Phố Pháp làm sao có lòng heo, huyết bò mua về băm tiết canh; tìm mỏi mắt cũng không thể nào kiếm ra rau thơm, bánh ướt, tôm tươi, tép gạo còn đang nhẩy trong rổ hoặc cá bông lau, ngò ôm, bạc hà... nơi khu vực tứ chiếng ấy. Đi xem phố Pháp cho biết nhưng lúc đang trên đường về, cụ Lâm đã tự nhủ mình không nên đến nơi đó lần thứ hai... Đồng ý rằng, văn minh nước người có điểm hay riêng của nó, cụ lý luận, nhưng cũng có rất nhiều phương diện không hợp với con người mình. Những gì hay thì nên theo là lẽ cần nhưng những gì quá lố, với tuổi của mình, không nên bén mảng để ít nhất tránh cho tuổi trẻ cơ hội mượn cớ học đòi. Cứ coi trên truyền hình vào thời kỳ gần ngày Mardi Gras thì biết; cả một thói quen tốt lành bị lạm dụng có thể nói nhiều khi sinh ra hủ tục... Tổ chức những buổi diễn hành phô bày những nét đẹp là điều nên nhưng lạm dụng chúng để che mặt, làm những chuyện tệ hại, ở trần trước công chúng lại là điều quá lố... Những cái được gọi là văn minh quá trớn ấy sao có thể so sánh với những buổi họp chợ Chồm Hổm chan hòa sắc thái tình thân dân tộc được thể hiện qua sự trao đổi những hoa trái như kết quả của cá tính tự lập cánh sinh, với những món ăn thuần túy lòng heo, bánh cuốn, bánh dày... Nghĩ đến lòng heo, tiết canh, rau húng, mùi vị quê hương nhắc nhở hơi men dẫn câu thơ lục bát giàn mướp vọng về, không ngờ đã có lần mình uống nhiều rượu thuốc như vậy, cụ thầm nghĩ, dùng bai chèo ép xuồng sát cầu gỗ bước xuống.
Chiếc xuồng lướt êm trên mặt nước tạo thành những gợn sóng nối tiếp đuổi nhau dạt vào bờ hoặc nấp sau những cụm lục bình lững lờ trôi, đua chen khoe từng đọt bông màu tím hoa cà phô bày sự hòa hợp màu sắc giữa các tàu lá xanh viền quanh dưới ánh nắng nhạt nhưng không kém phần nóng nực của buổi sau trưa thượng tuần tháng mười. Những cụm lục bình trôi nổi xuôi theo làn gió đổi hướng bất chợt, khi dồn lại san sát tạo thành khoảnh rừng xanh mướt che kín mặt hồ nhỏ tận mãi đầu hướng phía nam con lạch, gợi về hình ảnh những cánh đồng lúa con gái bát ngát thân thương ngày nao của vùng lúa xạ, lúc lại rong ruổi kéo nhau từng đám trôi ngược hướng bắc, rồi chen kẽ khít khao chiếm ngự hết phần đầu con lạch tạo thành chướng vật ngăn cản bất cứ ghe, xuồng nào muốn vượt qua. Mới tháng trước cụ Lâm căng hai sợi dây ngang con lạch ngăn lục bình trôi về cản lối xuồng hái mướp, con bé Huyền vi, cháu ngoại, trông thấy đám lục bình đọng lại cứ nằng nặc đòi cụ tháo dây thả cho chúng trôi; màu xanh lá mạ của những cánh lá lục bình tạo cho con bé niềm vui thích nhìn nét sinh động vươn lên nơi cảnh vật...; thế mà giờ này đã đầy những bông vươn cao sung mãn, cụ Lâm chợt nhớ nét thơ ngây của con bé mà lòng dâng lên niềm hãnh diện...
-Ngoại à, ngăn dây như thế lục bình không trôi được, cá không cắn câu...
-Cắt dây chúng trôi đầy về đây sao chèo xuồng hái mướp... Hơn nữa, lỡ người ta về xịt thuốc khai quang giết lục bình thì mướp sẽ bị đui hết...
-Mướp nhiều bông vàng, lục bình xanh trôi phía dưới, ngồi câu cá thích lắm.
Cụ Lâm nhìn cháu gái, lòng rộn niềm vui. Mới sáu tuổi đầu mà đã nhận biết cảnh thơ mộng của thiên nhiên. Ngày ngày, hai ông cháu quấn quýt bên bờ lạch, dưới bóng mát giàn mướp. Con bé học đòi cụ cũng thích câu cá; thế nên cụ đã phải bỏ ra suốt hai ngày trời đóng khung, vây lấy một phần sàn gỗ làm chỗ cho cháu ngồi câu. Con bé líu lo hỏi đủ chuyện nhiều khi cụ không biết trả lời làm sao.
-Ngoại, mau lên, mau lên, con cá nó giãy quá cháu không giữ được... Huyền Vi dùng hết sức nắm cần câu ghì xuống thành ngăn trong khi con cá lùng dưới nước cố vẫy vùng tìm đường tẩu thoát...
-Khi gặp cá to, cháu kéo lùi cần câu vào phía sau, đặt nó vào khấc trũng này rồi ghì xuống...
-Cái con cá này nó giãy dữ quá cháu sợ vuột mất... Con cá rô nó giãy ít hơn.
Dẫu đang bận làm cỏ, cụ Lâm cũng ngưng tay mỗi lần cháu gọi gỡ cá hoặc mắc mồi câu. Kể ra, con bé câu cũng sát cá, cứ thi thoảng lại gọi ông ngoại gỡ cá hay mắc mồi. Những ngày trở trời cá ít cắn câu, con bé ngồi lẩm nhẩm như đọc thần chú: "Cá không ăn câu, mồ cha con cá dại." Và, "Cá ơi cá mày ăn đá chẳng ngon, lại đây tao có mồi tôm, mày đớp tao giựt cái phựt..." Lẩm nhẩm chán, con bé cất giọng ca những khúc hát đạo nhớ được bởi thường đi nhà thờ với ngoại, câu được câu chăng khiến cảnh êm đềm thêm sinh động. Mới chừng hơn tháng từ ngày có chiếc cần câu tí hon, con bé câu đã có vẻ lành nghề. Mỗi khi phao động đậy, con bé dường như dồn tất cả tâm trí vào đôi tay, chờ chiếc phao vừa chìm khỏi mặt nước là hất ngược cần câu lên. Lúc đầu, giật mạnh quá khi cá đớp sẩy mồi, lưỡi câu bung lên mắc vào giàn mướp phía trên phải kêu cụ gỡ; và dẫu con bé có vẻ hối tiếc công lao của ngoại nhưng cũng khôn khéo nhắc nhở:
-Ngoại ơi, thôi, con lại dính câu trên giàn mướp rồi...
Con bé có bộ điệu giống hệt mẹ từ nét mặt, đôi mắt, dáng người và sự thông minh. Huyền Lan là con gái út của cụ, mẹ của Huyền Vi. Vợ chồng con rể và đứa cháu ngoại sống với ông bà đem lại niềm an ủi tuổi già. Thấy con gái và con rể hòa thuận lại hiếu thảo, cụ thường tưởng nhớ về thời son trẻ của mình những năm tháng đầu hai vợ chồng mới cưới. Tưởng rằng hiếm hoi chỉ có được hai người con, thằng Minh và Song Nguyệt... May mắn, Trời cho thêm được con bé Huyền Lan. Con bé thật dễ thương. Cưới nhau những ba năm sau bà mới sinh thằng Minh đầu lòng... có thể cũng vì muộn mằn và hai vợ chồng chịu khó làm ăn, chắt chiu dành dụm nên đã tạo dựng được căn nhà bên sông. Lại cũng ba năm sau khi thằng Minh đã biết chạy chơi mọi nơi mọi xó, Trời mới ban thêm cho bé gái Song Nguyệt. Đặt tên cho con cũng là một giai thoại kỷ niệm tình yêu thương vợ chồng... Bà nhất quyết đặt tên cho con gái có chữ "song" vì hy vọng có thêm được mụn gái nữa trong khi ông lại không mấy để ý.
-Đặt tên Song, lỡ người ta dại mồm dại miệng nói thành chữ xong có phải là phiền không... nhất là người ta hay đánh vần lộn chữ x và chữ s theo lối nói địa phương...
-Bố cứ nói bậy, em muốn đặt tên đệm cho con là chữ Song, còn tên thì bố đặt...
Từ khi có thằng Minh, bà gọi chồng bằng tiếng bố xưng em để tự mình nhắc nhở là đã có con. Có con, bà cảm thấy đời mình cao trọng hẳn lên; có con, có người gọi bằng mẹ, và bà được xếp vào một trong những bức tranh đẹp nhất trên đời, hình ảnh người mẹ âu yếm ẵm con. Hơn hai năm đầu mới cưới, bà đã lo lắng khổ sở vì trông chờ... Người ta con đông con tây mà mình vẫn còn son sẻ. Thấy thiên hạ bế con đi đây đi đó bà rầu rĩ phải tránh đường e họ cho rằng gặp người hiếm muộn thì xui xẻo, ảnh hưởng mấy đứa nhỏ khiến chúng khó ăn khó ở. Đứa em gái cưới sau một năm mà con nó đã biết bò...; thi thoảng gặp cháu, bà bồng, bà ẵm, bà hôn lấy hôn để đôi má bầu bĩnh của nó lắm lúc làm thằng bé khóc thét lên... Nhưng cũng không bằng có được đứa con của mình... bà ngậm ngùi thầm tủi...
Ông nào có ơ hờ chi nhưng vì thương vợ, ngại bà âu sầu có hại nên cố tỏ ra kiên nhẫn chấp nhận. Lắm hôm hai vợ chồng thủ thỉ, ông phải dỗ bà...
-Mình à, hay em đi cắt thuốc uống...
-Em đau hay sao mà uống thuốc bắc; nếu cảm đã có thuốc viên...
-Em muốn uống thuốc bắc để mau có con... Nghe đâu ông lang Thuật giỏi lắm; họ nói mấy người lâu có con, ông ấy chỉ cắt cho chục thang, uống chưa hết đã có bầu...
-Ối giời ơi, rồi đến lúc đẻ "la phan," để mũi rãi con cái thề lề lại làm khổ anh thôi...
-Anh chỉ nói bậy. Có con, khổ thế nào em cũng chịu được...
-Thế em muốn con trai hay con gái?
-Con nào cũng được, miễn là con của mình...
-Anh tưởng con hàng xóm, mai đi vơ quàng mấy đứa tha hồ cho em hầu hạ...
-Anh cứ nói bậy! Em rầu muốn chết mà còn giỡn.
-Em đừng lo, vợ chồng chúng mình khỏe mạnh... không sớm thì muộn cũng có con, không việc chi em phải lo lắng...
-Nhưng nhỡ ra...
-Không nhỡ chi hết, chỉ sợ em không đủ sức chăm sóc con cái sau này...
Có được thằng Minh, bà yên tâm, vui tươi... nhiều khi ông chọc bà thương con quên cả chồng. Đến khi có được bé gái, thật khó kiếm tên để phụ họa với chữ đệm là Song theo ý muốn của bà. Tuy nhiên, sau một lúc ngẫm nghĩ ông chọn tên Nguyệt, ánh trăng đêm rằm...
-Vậy anh đặt tên cho con là Nguyệt, Trần Trần Song Nguyệt.
-Sao lại Trần Trần giống như nói lặp...
-Anh họ Trần, em cũng họ Trần, đem ráp hai họ vào tên con để về sau nó nhớ mẹ cũng họ Trần... Thằng con trai là Bắc Minh, con bé em là Song Nguyệt; em ráng chuẩn bị chọn tên đặt cho đứa tiếp theo...
-Em muốn anh đặt tên cho con...
-Anh đặt hai tên rồi, vả lại, em là mẹ của chúng nên anh không thích độc quyền...
-Không, em muốn anh đặt tên cho những đứa con của em...
-Anh chỉ đặt tên cho con của anh thôi...
-Vậy từ nay, con trai là con của em, con gái là con của anh...
-Em muốn có thêm đứa con gái nữa sao không nhận con gái là con của em mà lại nói là của anh?
-Em biết đứa sau sẽ là gái nên để anh đặt tên luôn...
-Có được thêm đứa con gái đẹp như em cũng thích... Xem nào, nếu em sinh thêm một bé gái có đôi mắt đen và đẹp như mắt của em, anh sẽ đặt cho nó là Huyền Lan... Trần Trần Huyền Lan.
Ba năm sau, Huyền Lan chào đời, đôi mắt tròn và đen huyền giống mẹ... Cụ Lâm khuấy nhẹ bai chèo mơ màng nhìn mấy cụm lục bình lững lờ theo chiều gió, so sánh với thân phận đời người lênh đênh, ba chìm bảy nổi chưa biết đâu là bến bờ. Làm thân tỵ nạn có nơi dung thân đã là may mắn, biết bao người bỏ nhà bỏ cửa không bị chết mất xác trên biển thì giờ này vẫn còn đang chầu chực thanh lọc không biết phận số của mình sẽ ra sao. Và rồi anh em, họ hàng thân thuộc, những người ở lại, nghe đâu miếng cơm manh áo đang là nỗi âu lo hằng ngày.
Sang tới đất này, có miệng có tai mà cũng không hơn gì kẻ câm điếc. Mới sang, không biết đường đi nước bước thế nào, cuộc sống sẽ ra sao sau này, tiền đâu chi dụng lúc trợ cấp chấm dứt, tiền đâu cho con đi học, may sắm, mua xe, mua nhà... Và thế là mới hơn ba tháng từ khi định cư, ngày ngày, tờ mờ sáng cụ đã phải lần mò ra trạm xe buýt tới hãng mổ heo làm việc. Ngày đầu tiên đi làm, người Mỹ bảo trợ đến nhà, dẫn cụ ra trạm xe, đi theo tới hãng thông dịch và chỉ dẫn cụ từng chút... Tất cả công việc chỉ quanh đi quẩn lại đánh rửa những chiếc nồi, chảo nấu thịt heo to lớn, rửa chuồng nhốt heo, những bàn xẻ thịt, và nền nhà... loại công việc nặng nhọc mà người Mỹ không ai muốn làm. Đã quen sống khổ cực cộng thêm sự chịu khó, cần cù, qua mười hai năm làm việc lương cụ từ hai đồng hai mươi cents cuối cùng đã lên đến tám đồng bốn mươi cents một giờ. Công việc nặng nhọc nơi hãng không làm cụ ngại bằng đi bộ từ nhà ra trạm xe và từ đó tới hãng nhất là trong những ngày mùa đông tháng giá. Vào mấy năm cuối trước khi về hưu, cụ đã nhờ được người cai của mình cho đi chung xe. Người cai thường ở lại xem xét hãng xưởng thế nên cụ có thêm một giờ làm việc được trả lương gấp rưỡi, trả tiền xăng xe đi về chưa hết lương phụ trội của một giờ... cụ cảm thấy mình may mắn.
Sau mười hai năm làm việc và nhờ có sức khỏe, bẩy mươi hai tuổi cụ mới nghỉ dưỡng lão; thế nên tiền hưu cao, giúp cho cụ ông cụ bà đỡ phải lo lắng vấn đề sinh kế hằng ngày. Hơn nữa, nhà cụ đã mua, lại có vợ chồng Huyền Lan trả tiền điện, nước và phôn nên cụ cảm thấy thảnh thơi vui với vườn rau, giàn mướp cầu mong có được thêm đồng nào giúp cho anh em, con cháu chẳng may lâm cảnh túng bấn. Niềm an ủi lớn lao nhất là con cái đã trưởng thành, đứa nào đứa nấy lo làm ăn chăm chút cho gia đình. Cụ còn có đứa cháu ngoại xinh xắn ngày ngày bầu bạn... chẳng dám ước mơ gì hơn... nhưng nỗi ưu tư về làng xóm thân thương và anh em họ hàng vẫn luôn khiến cụ vương vương xót dạ. Thêm vào đó, nhận thực đời mình chẳng còn sống được bao lâu, cụ mơ một lần về thăm quê cha đất tổ, ngó lại căn nhà cũ, và chân mình bước trên lối xưa, miền đất đã trổ sinh hoa trái, những sông lạch, vườn rau ao cá đã nuôi lớn cụ nửa phần đầu đời, đã ấp ủ con cái cụ những ngày còn tấm bé... Cụ khao khát gặp lại anh em, những người thân quen nói chuyện ôn về kỷ niệm ấu thơ và nghe được giọng nói địa phương kết thành bởi luống rau, dãy sắn... Hai tiếng quê hương chất chứa muôn ngàn nỗi lòng thao thức... Ôi dân Việt... ôi anh em...
Hình ảnh mấy cụm lục bình nổi trôi gợi sự so sánh thân phận kiếp người bao nhiêu, cụ cảm thấy xót dạ bấy nhiêu. Nơi đất nước này, làm ăn cực nhọc và không dễ chi kiếm được đồng tiền của những chủ hãng nhưng không ai phải thiếu ăn thiếu mặc. Mờ mịt bên kia nơi làng thôn cũ, thời xưa nhiều lần cụ đã phải lòng không nhảy xuống sông giữa trời giá lạnh căm căm mò tôm bắt cá kiếm của ăn sống qua ngày; ấy là hãy còn may mắn vì cụ có được ngón nghề đặc biệt ít người học được. Đưa tay bắt cá bơi trong chậu đã khó, đàng này, cụ có thể mò cá dưới sông. Những người dân quê, dẫu chăm chỉ việc cấy cày, trồng rau, làm rẫy nhiều khi vẫn lâm vào cảnh có được chén cơm chan chút mắm cáy đã là niềm hạnh phúc được gọi ấm no. Những ngày ấy, bao nhiêu người đi gặt không công, chỉ mong được bữa cơm chắc bụng... và bây giờ...
Cụ Lâm đẩy mạnh bai chèo, chiếc xuồng vội vã lướt tới đưa cụ qua bên kia con lạch. Thầm tính toán sau khi phân cho mướp và bắt ngọn, cụ sẽ chuẩn bị dăm luống đất gieo cải bẹ, xu hào, cấy hành hoa, và chừa lại một phần đất. Thằng Minh nói cuối tuần mua sắt làm khung nhà che lạnh để trồng rau thơm mấy tháng đông giá... Cụ phải làm cho miếng đất trổ hương trước khi tết đến.
Lã Mộng Thường
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Một buổi tối ám ảnh ở Boston

Một buổi tối ám ảnh ở Boston Một trong những bài thơ nổi tiếng của ông là bài Chơi bóng rổ với Việt cộng. Bài thơ này viết tặng nhà văn Ng...