Thứ Tư, 4 tháng 12, 2024

Sẻ bố và đại ca Bồ Chao

Sẻ bố và đại ca Bồ Chao

Khi sẻ mẹ quay lại đã thấy sẻ bố đang chen chúc trong lồng sắt của người thợ săn với ánh mắt tuyệt vọng. Sẻ mẹ chết lặng vì hiểu rằng đó là cái lồng tù ác nghiệt của con người, chỉ đến trưa hoặc chiều là sẻ bố cũng nhóm sẻ bạn sẽ bị vặt lông nướng ớt…
Sẻ bố
Mẹ vừa bay  vù vào nền trời xám rét, ba chị em sẻ đã ngọ ngậy, sẻ út ngóc cái đầu đỏ hỏn lẩy bẩy gạt mấy cọng cỏ tơ ra cằn nhằn:
– Sao vướng thế, cái gì mà toàn cỏ không à?
Nó không hiểu  suốt mấy ngày nay, khi trời có những cơn gió lạnh tràn về, rít i ỉ trên các kẽ ngói thì bố mẹ chúng phải hối hả đi nhặt từng cọng cỏ tơ mềm mại, khô cong trên vạt đất cuối vườn để lót cho các con đỡ lạnh. Sẻ chị hai gõ cái mỏ vàng vào đầu cô em nhắc: “Nằm im, coi chừng cảm lạnh đó!” Chỉ nở trước có ba ngày mà  sẻ chị hai đã lớn hẳn, biết rất nhiều điều, không ngờ nghệch như hai đứa em. Không như  sẻ út, sẻ ba cứ ngủ khìn khịt, chỉ có điều khi bố mẹ tha mồi trở về thì nó há mỏ đầu tiên và chẳng cần hé mắt nó đớp gọn miếng mồi khi còn đang trên mỏ mẹ. Nó tham ăn, ngủ nhiều nên béo mũm, lấn hết một nửa cái ổ bé xíu của ba chị em. Khi tối về chỉ còn đủ chỗ cho sẻ mẹ nằm ấp ở góc nhưng phải dang cánh che ấm cho ba đứa, còn sẻ bố phải nằm núp ở hốc cây chỗ giao nhau của ba cây kèo chụm lại. May dạo này lũ chuột ít qua đây, chứ có dạo còn ấp trứng ban đêm sẻ bố với sẻ mẹ phải thức canh để đuổi bọn mỏ khoét táo tợn ấy.
Ở cái xóm kho này là họ hàng nhà chim sẻ, vì có tới mấy dãy nhà xưa cũ gần như bỏ hoang, ít người qua lại. Ở dưới đất cỏ mọc tràn trên nền đất khô, thỉnh thoảng khi trời tối bọn mèo hoang chạy ra đùa giỡn chán rồi cắn nhau chí chóe. Chính có lũ mèo mà bọn chuột chết khiếp chạy dạt đi nơi khác. Còn trên các các vì kèo sát mái ngoài  họ hàng nhà sẻ chiếm cứ các hốc để làm tổ thì có mấy anh tắc kè cận thị hay núp ở đó. Không hiểu mấy anh ấy nằm chỗ nào, chỉ tới tối mới cất tiếng kêu lanh lảnh như còi thì mới biết. Có lần  có anh tắc kè quên đeo kính lúc trời sáng bảnh  bò tới   gác đầu gần tổ nhà sẻ gào rống nên làm sẻ mẹ sẻ bố đang thiu thiu giật bắn bay nhào ra, còn ba chị em sẻ  chưa bay được đành rúc đầu sâu xuống ổ chịu trận. Mãi tới khi sẻ bố bay lại mổ vào đầu anh tắc kè mắng : “Về đi ông, điếc tai lắm!”  Tắc kè quê độ im lặng bò  về cuối mái.
Sáng nay, ba chị em sẻ đã mở mắt, đôi cánh đã mọc chi chít lông măng nhọn nhưng chẳng làm được gì cả ngoài gác đầu ra viền tổ ngắm nhìn xuống dưới. Cứ mỗi cơn gió mùa đông thổi xuống thì từ trong các trảng cỏ lại tung ra vô số nhưng hoa lông nhông chạy như đèn cù, các ngọn cỏ  thì rạp xuống, hết cơn lại ngóc lên thở. Đây là kiểu chơi nhau quen thuộc của gió với cỏ. Thực ra gió mùa đông không chỉ chơi với cỏ, mà nó chọc giỡn với tất cả các loài cây, mấy chị chuối xanh nón hôm nào, chỉ vài trò  là đã rách bươm như kiểu ngựa tuồng. Khi đó gió thổi lanh tanh như cười mà giống khóc. Gió mùa đông chỉ thua mỗi mấy anh phi lao kiêu hãnh, cho dù thổi bao nhiêu đi nữa thì chỉ làm cho chao nghiêng một chút, những chùm lá kim vi vu như  tiếng sáo.
Nhìn mãi rồi cũng chán, mà không ngủ được bởi trong bụng từ sáng giờ có mấy con sâu bàng bé nhỏ nên sẻ ba bắt đầu rên, sẻ chị hai cũng đói nhưng nó không nói gì, sẻ út thì cứ há mỏ ngoạm mấy cọng cỏ khô. Mấy hôm nay khi trời lạnh sẻ bố sẻ mẹ khi thì tha về mấy hạt gạo bé xíu, lúc thì miếng cơm nguội, có cả mấy hạt cỏ nữa ăn khô xác chưa được bữa ăn no nê với cả nắm sâu bàng béo ngậy như hôm trước. Có lần vừa ăn xong hạt cơm có dính cám sẻ chị hai hỏi mẹ :“Sao cơm lại có cám mặn thế mẹ ?” Sẻ mẹ nói nhỏ :“ Ừ mẹ với bố phải  vào tận chuồng gà nhặt của mấy con gà đó con”. Mà để có mấy hạt cơm đó sẻ bố cùng với mấy chú sẻ khác phải nhào vào giành nhau với mấy con gà mới có được, vì nếu chậm có khi chỉ còn mấy mẩu rau muống thái khô trong máng thôi. Khác với loài chim khác, loài sẻ toàn ở thành phố, không bay xa ra ngoại ô nơi có những cánh đồng, bãi cỏ lớn nên kiếm thức ăn rất khó khăn. Gần như là đi nhặt của dư thừa như gạo vãi, cơm thừa của người. Nhiều lúc không giành được của gà phải nghe ngóng tìm nơi ăn của lũ chó, mèo để nhặt. Mùa đông kiếm thức ăn rất khó khăn.
Sau bữa cơm trưa nay toàn hạt cỏ khô, sẻ mẹ với sẻ bố rướm rướm nước mắt nhìn các các cố nuốt. Ngước nhìn bầu trời  trên cao có từng đàn chim bay về phương nam, đó là những loài chim thiên di. Loài sẻ không bay được như thế, chỉ quanh quẩn bên góc phố, hàng cây bé nhỏ. Sẻ bố thì thào với  sẻ mẹ: “Thôi ta đi, lúc này anh thấy ở  mái nhà cách đây không xa có nắm cơm nguội phơi!”
Nghe thế ba sẻ con đều kêu lên :“Đúng đấy  bọn con nuốt hạt cỏ đau họng lắm!” Hai vợ chồng sẻ bay vù đi.Chẳng mấy chốc trên mái ngói đầy rêu xanh đã hiện ra nhưng nơi đó đầy chim sẻ đang chí chóe nhặt hạt cơm cuối cùng. Thật buồn, vì chậm bước.
Ờ dưới  sân nhà kia có gạo rắc kìa! Chim sẻ bố hét lên rồi cùng bay vù  tới cùng với mấy sẻ bạn, sẻ mẹ bay theo…
Cả đàn sẻ đang nhặt gạo hối hả, thì chợt có tấm lưới ụp xuống như cơn mưa rào, tất cả đều giãy dụa trong đám lưới…may mắn làm sao sẻ mẹ  trước đó đã nhặt mấy hạt rồi bay vù đi.
Khi sẻ mẹ quay lại đã thấy sẻ bố đang chen chúc trong lồng sắt của người thợ săn với ánh mắt tuyệt vọng. Sẻ mẹ chết lặng vì hiểu rằng đó là cái lồng tù ác nghiệt của con người, chỉ đến trưa hoặc chiều là sẻ bố cũng nhóm sẻ bạn sẽ bị vặt lông nướng ớt…
Tối đó đôi cánh sẻ mẹ giang rộng ra như lớn hơn để chắn cơn gió mùa đông mà ba chị em sẻ non vẫn cảm thấy lạnh, vì lần đầu tiên trong đời chúng không thấy bố ở bên.
Khi biết chuyện bố bị bắt lúc nhặt gạo nuôi con sẻ chị hai nói với mẹ :“Mẹ ơi, mẹ đừng đi nhặt gạo nữa, cứ lấy hạt cỏ hay sâu bàng cho chúng con ăn cũng được.”
Đại ca Bồ Chao
Tất cả lũ chim đều giật thót mình khi bóng một con to sụ như nắm đấm kêu choàng choạc được  ném vào. Sau một hồi bay loạn xạ quanh bốn vách lưới như điên loạn, cuối cùng nó cũng đậu xuống cành cây to nhất mặc dù đôi mắt vẫn long sòng sọc vì tức giận.
Anh chàng Kéc Xanh hé mắt nhìn : thì ra là tên Bồ Chao đầu bạc! Ngay lập tức nó gào lên như cái loa bể làm cho lũ khác càng sợ hơn : “Tên Bồ Chao!Tên Bồ Chao!”
Dù biết được tên kẻ mới vào rất có máu mặt nhưng mụ Cu Cườm vẫn nằm im như hạt thóc ở góc chuồng.Tay Sáo Đá cũng giả lảng không biết gì, vì hơn ai hết Sáo hiểu lũ Bồ Chao này ghê gớm như thế thế nào. Bồ Chao là vua loài chim trên vòm cây. Mụ Yểng Phụng giả bộ gật gù lúc lắc đầu kiểu điếc lác nhưng thực ra là kiểu bái phục của  kẻ yếu hèn. Trong đầu  mụ đã biết sắp tới mình phải làm gì rồi, mụ hé mắt quan sát vị đại vương mới vào nhưng tránh ánh mặt rực lửa của hắn. Ở góc chuồng còn cả hai thằng tiểu nhân chim sẻ vì tham ăn nên mắc bẫy đành bị nhốt chung. Ngay cả mấy tên Chào Mào nằm riêng trong lồng treo gần đó khi nghe tiếng choang choác của Bồ Chao cũng im bặt, tất cả đều nghe ngóng. Với chúng nếu thua tiếng hót thì tốt nhất hay im lặng hoặc vục mỏ vào lọ thức ăn  cho xong, đừng có rướn cổ lên gào, chỉ có mà quê thôi. Loài chim chỉ hơn nhau tiếng hót mà thôi. Kẻ hót hay thì ở trên cao, đứa hót dở thì ở thấp, dưới đất chỉ là gà vịt.
Ngay tối đó, khi Bồ Chao sau cơn hoảng loạn vì nếm trải cảnh tù đày mới đành chấp nhận sự thật đau buồn này. Nhưng dù có thểu não thế nào đi nữa thì đã vương thì cũng là vương. Bồ Chao có cái mũ  chóp nhọn cao vút màu trắng như tuyết trải dài xuống tới bụng. Cái mũ này là niềm kiêu hãnh của Bồ Chao nên tuy rất mệt nhưng nó vẫn cố ngước lên. Chính động tác đó đã không lọt được mắt mụ Yểng Phụng. Không chỉ Yểng Phụng thằng Kéc Xanh lắm mồm cũng có kế sách nịnh đại ca mới rồi. Còn lũ chim khác đầu im lặng để  chờ qua đêm xem tình hình thế nào mới tính được.
  ***
   Bồ Chao giật mình vì trên đầu mình có ai đang gãi gãi như gãi chí…  Dù trong đêm tối nhưng nó vẫn nhận ra bộ lông vàng chói như nghệ của mụ Yểng Phụng. Thì ra mụ ta đã lần mò xán đến gần Bồ Chao. Do thấp bé, mãi Yểng Phụng mới tìm được vị trí đắc địa để đứng gãi hầu đại ca. Bồ Chao gắt :“Mày làm cái gì thế ? Tính cắn tao hả?”. “Đại vương đừng nóng để em gãi đầu cho ngài!” Rồi Yểng Phụng sục cái mỏ khoằm vào mớ lông chóp rối tung lên, hậu quả của cái đầu nóng từ chiều đến giờ làm mất uy phong của vị vương. Bồ Chao hiểu, nó nghiêng đầu khoái trá vì không ngờ vào đến chốn tù đày này mà vẫn có kẻ hầu hạ, ở ngoài kia ngay cả vợ nó cũng đỏng đảnh chẳng mấy khi gãi cho nó. Yểng Phụng nổi tiếng tinh ranh, nó chẳng biết ba la như vẹt, chẳng biết nói lắp như sáo hay hót như chào mào… Nó chỉ biết chẹc chẹc cãi nhau giành ăn và đẻ con. Nhưng nay gặp Bồ Chao nó dùng chiêu nhằn hạt kê để bắt những con rận mẩy hay chải cho mượt những sợi lông rối làm Bồ Chao sướng tê  đi. Yểng Phụng làm thành thục như một thợ gội đầu chuyên nghiệp làm Bồ Chao cứ buồn ngủ chíp mắt, suýt ngã chúi đầu mấy lần….
Mới sáng sớm khi Bồ Chao thức giấc đã thấy xung quanh mình đầy đủ lâu la như buổi thiết triều. Mụ Cu Cườm đứng vòng cánh mắt ướt ướt hạt cườm như muốn nói : “Em thân quê mùa chỉ biết ăn lúa, gáy vài câu vớ vẩn”. Thằng Kéc cố nhịn nói nhưng không nổi vì cái lưỡi nó cứ đẩy ra đẩy vào liên tục nếu không nói thì khó chịu vô cùng :“Bẩm đại ca Bồ Chao! Em là Kéc Xanh xin làm đệ tử ruột của ngài!”. Câu nói của Kéc Xanh, gặp cái hỉ mũi của Yểng Phụng :“Còn khuya nhé, tối qua đại ca ngủ ngon được là nhờ con này gãi đầu bắt chí cho ngài đấy!”. Thằng Sáo Đá dù đã lột lưỡi có thể bập mấy câu thớ lợ giống người nhưng nó không dám hỗn đành thỏ thẻ:“Thân em chỉ chuyên bắt rận trên lưng trâu, không dám so tài với ka ka!”. Hai vợ chồng lính tốt đỏ Sẻ Nâu cúi đầu rạp xuống như mắc rù, bái lạy:“Bọn tiểu nhân này được chung chuồng với đại ca là diễm phúc lớn!”. Ngay cả mấy thằng Chào Mào ở mấy chuồng bên ngoài cũng không dám vểnh đuôi, chúng hiểu uy lực âm thanh của Bồ Chao là khủng khiếp.
Bồ Chao gật gù buồn rầu:“Cùng thân tù đầy, làm vương làm tướng gì ở đây? Thôi anh em cứ vô tư đi!” Nói vậy nhưng Bồ Chao vẫn chễm chệ đảo quanh các lọ thức ăn để xem món nào hợp khẩu vị mình. Liếc qua lọ thóc, nó không thèm nếm, hạt kê cũng không khoái, sâu cũng tạm nhưng hôi mù.Cuối cùng nó dừng lại bên lọ trứng kiến trắng ngần, món ăn khoái khẩu. Nhưng khi thằng Sáo vừa đớp một con cào cào đã bị bẻ cẳng Bồ Chao gằn tiếng:“ Sáo, lui ra để lũ đó cho tao!” Sáo giật thót mình lùi ra và nhảy xuống phía dưới, nó biết rằng bữa sáng nay chắc chỉ nhặt được mấy cái cánh cào bị ném ra đây! Bất công quá đi thôi. Còn thằng Kéc hả hê ôm chặt lấy cái bắp non gặm nhoàm nhoặm, rồi nhai khoái chí. Nó cũng như Cu Gáy hay bọn Sẻ biết đại ca Bồ Chao không ăn được những thứ hạt này.
Ních một bụng trứng kiến béo ngậy cùng xơi cả nắm cào cào non ngọt ngào, Bồ Chao mới để cho thằng Sáo mon men tới hưởng chút xái. Tuy nhiên sợ đại vương  đói bất tử sẽ nhảy xổ  ra nện cho toác đầu nên Sáo ta chỉ dám nhấm nháp mấy con kiến già  bị bắt cùng trứng kiến. Sáo hiểu rằng từ nay nó sẽ phải ăn khiêng khem đây! Còn Bồ Chao no say, nó liền  vươn cổ giương cái mũ trắng cất tiếng hót lảnh lót như còi đồng làm âm vang cả góc vườn. Hiển nhiên tất cả lũ chim đều rạp mình nghểnh tai lắng nghe tiếng vàng ngọc đó của đại vương. Khi Bồ Chao vừa dứt tất cả đồng thanh kêu lên:“Tuyệt tác !Tuyệt tác”. Tuy nói đồng thanh nhưng thực ra như cái chợ vỡ vì rất nhiều kiểu gào: the thé, ồm ồm, chua như chanh ủng hay léc xéc mảnh thiếc… Bồ Chao rất cảm thông vì đây là đa chủng bị tù đày mà. Thực ra ở ngoài đời chẳng mấy khi Bồ Chao cùng đậu chung một cành với lũ này, có đứa cả đời chẳng thấy chỉ biết nhau qua lời đồn giang hồ mà thôi. Nhưng nay cùng chung một mâm, ngủ một cành và ngắm trời xanh qua mắt lưới sắt đáng ghét.
“Thưa đại ca! Cho bọn em được cất tiếng hót chào mừng đại ca?”  từ bên ngoài ba con Chích Mào lễ phép, Bồ Chao gật đầu:“Được, chẳng mấy khi nghe các chú kêu!”. Dù hiểu câu ban lễ có vẻ chế diễu nhưng ba thằng Chào mào không phật ý. Ngay lập tức ba con cong đuôi dựng thẳng lộ cái đít đỏ chót như bôi ớt, chúng cất tiếng hót. Quả là tiếng hót hay, Bồ Chao gật gù, nó không nghĩ Chích Mào thứ chim bay vùn vụn ở các vườn hoang lại hót hay thế. Thế giới của Bồ Chao là những vòm cây um tùm cao vút nơi rừng thẳm nơi có chim Thiên Đường, Bách Thanh, Chào Mào Hồng Y, Phượng Hoàng, Công, Trĩ…những loài chim làm cho con người mê mệt về màu sắc cũng như tiếng hót.
Sau đó rồi thằng Kéc Xanh cũng xin phép được biểu diễn màn chào hỏi. Chỉ có điều không hiểu sao nó lại bắt chước lời của cậu chủ nhà nói ngọng:“Con ứ tơi( chơi)đâu!” làm cả bọn cười muốn vỡ ruột, nhưng Kéc không chút quê gì cả. Thằng Sáo dù chưa được no bụng nhưng vẫn thanh giọng xin nói mấy câu học thuộc lâu nay “…Đồ ngu ! Đồ ăn hại!” làm Bồ Chao dựng ngược tóc lên tính nhảy bổ xuống nện cho nát đầu cái thằng cưỡi lưng trâu hỗn láo nhưng thằng ngu kia rất thông minh đã hiểu mình lỡ lời liền sụp cẳng la khóc:“Xin đại ca tha cho em ! Tha cho em, em chỉ học được mỗi câu nói đó của ông chủ thôi, em không biết nói câu gì cả!”. Bồ Chao thở dài thương hại cho cái lũ chuyên ăn theo nói theo khốn khổ này. Nó lắc đầu ngao ngán:“Sao chúng mày đã bắt chước thì bắt những âm thanh  hay đẹp chứ việc gì mà phải cố công học những câu bẩn thỉu thế?”.  Sáo Đá nước mắt nước mũi dàn dụa như bị cúm, khóc:“Phận em nó thế đã bắt chước rồi thì không được bỏ được đành chịu. Thôi từ nay đại ca hiểu ngược lại em nói đồ ngu là anh minh, đồ ăn hại là tài năng đại ca nhé!”  Cả bọn cười, Bồ Chao cũng cười vì sự lanh trí của thằng láu cá này.
Sau vụ Sáo Đá, lũ còn lại chẳng đứa nào dám diễn phục vụ nữa, vì chúng sợ không khéo đại ca hiểu lầm là tiếng chửi nhau, tranh ăn thì phiền khó đỡ. Cỡ như con Sẻ còm này, Bồ Chao mổ một nhát thì lủng não luôn. Hay phận tôi đòi như Cu Cườm thì ra gì mà khoe khoang. Riêng  mụ Yểng Phụng nó hiểu màn bắt chí chải tóc cho  đại ca là tuyệt rồi chẳng cần léc xéc làm gì. Rồi sau đó mỗi đứa kiếm một việc phải làm. Thằng Kéc lại bám vào trái bắp gặm tiếp. Mụ Cu Cườm lịch bịch tới lọ thóc nhằn nốt mấy hạt lép sót.Vợ chồng Sẻ nhặt mấy hạt kê do Yểng Phụng ném ra nhấm nháp. Sáo Đá  không thể trở lại lọ thức ăn được đành trầm ngâm. Nó nhớ  lại những ngày nhảy múa trên lưng trâu, ca hát với bạn bè rồi cùng nhau tắm nước sông lấp lánh nắng hạ. Ờ mùa hạ đã về, chắc lũ bạn đi chơi xa cũng về khúc sông thân thương ấy rồi. Thế mà mình phải bị tù đày trong cái chuồng bẩn thỉu này, bất giác Sáo chảy nước mắt chứa chan. Hình ảnh của Sáo làm Bồ Chao cũng hiểu, nó càng buồn hơn vì nó nhớ đàn con thơ đang ngóng cổ chờ. Chắc giờ này trên mình cổ của con đã hết lông măng nhọn rồi. Không biết mẹ nó có đủ sức kiếm thức ăn cho sắp nhỏ không ? Chợt nó thắt lòng khi nhớ đến… Ở cách tổ nó có mấy con rắn lục, cả rắn vàng nữa. Hôm trước khi mới thấy lũ ác ôn đang hít hà hơi chim non, nó đã xà xuống đánh nhưng chưa thắng. Định nhờ bác Gõ Kiến có cái mỏ to sắc giúp sức nhưng chưa kịp thì sa vào bẫy người để hôm nay như thế này. Nước mắt chảy nhưng đã mang thế đại ca nên ngay lập tức nó gạt ngay đi để lũ lâu la không cười, mặc dù bụng vẫn quặn đau như cắt.
 ***
   Mụ  Yểng Phụng sau khi chén đầy diều hạt kê, lạch bạch mò tới chỗ đại ca Bồ Chao. Nó nghĩ rằng bây giờ rảnh thì chỉ còn nước  massage gội đầu cho lão ấy thôi. Cũng như buổi tối qua nó trèo mãi mới tới được cái cành nhỏ để đứng vừa chỗ đầu Bồ Chao. Khổ nỗi vốn tính bép xép và ngu đần, mụ ngó nghiêng ngó ngửa thấy mắt lão đại vương ngấn nước liền toét lên:“Ơ đại ca khóc à ? Có phải nhớ nhà vợ con bạn bè không?”  Bồ Chao bị bắt quê liền đá cái phặc một cái làm mụ Yểng ngã lăn quay ra như trúng đạn, đau điếng, khóc ầm lên. Chưa hết Bồ Chao còn nhảy xuống mổ cho mấy nhát vào cái đầu ngu kia làm mụ lịm đi. Kéc Xanh chứng kiến cười văng cả hạt bắp nhai:“Đúng là đồ ngu, mày là cái thứ cùng lứa gà chuồng vịt ao làm gì có rừng cây núi thẳm mà nhớ thì làm sao hiểu được những anh hùng rừng xanh sa cơ!” Quay sang Bồ Chao, Kéc Xanh lúc lắc gạt sạch mấy mày bắp còn dính ở mỏ lễ phép:“Đại ca để em gãi đầu, gãi lưng cho đây chính là nghề của em!” Rồi ngay lập tức nó leo thoăn thoắt tới Bồ Chao.
Hết cơn đau, Yểng Phụng nhỏm dậy. Mụ cáu lắm, lầm bầm chửi đồ vong ơn, đồ bạo chúa và cả đồ mít ướt chứ đại vương gì ? Ghé tai bên mụ Cu Cườm, Yểng Phụng dè bỉu: “Bà xem kìa, cái chóp mũ của lão ta y như cái mũ của thằng bán bánh bao dạo chứ vương tước gì? Bà biết không? Trông trắng trẻo bảnh bao thế nhưng hôi lắm! Hơn cả mụ gà mái ấp đấy!”  Cu Cườm cười mỉm và gật gù.  Chưa hết, thấy Bồ Chao nhắm tít mắt gật gù  sướng khi được cái mỏ đỏ của Kéc Xanh nhằn từng sợi lông… Yểng Phụng càng cú, nó bỏ Cu Cườm lẻn tới góc chuồng với  Sáo Đá thì thào:“Sao mày cũng nhớ nhà à? Mày khóc làm lão ấy khóc theo đấy!” Sáo tính buột miệng nhưng liếc lên đành ngậm ngay cọng rơm cho chắc ăn. Mụ Yểng liếc xéo đá miệng cái rẻng:“Rồi mày chết rũ thôi con, những thứ mày ăn lâu nay chính là món lão ấy thích….Mày phải tập ăn thóc với mụ cu cườm đi là vừa…he he ! À nhưng đừng có mà tập ăn hạt kê của tao đấy nhé!” Rồi mụ  chui vào góc chuồng ngủ luôn. Sáo Đá ngẫm thấy cũng đúng, cứ kiểu này mình sẽ giơ xương mất, như sáng này chỉ vào bụng được mấy con kiến già, phải tới chiều ông chủ mới cho thêm mà không biết cái tay bạo chúa kia có biết điều không hay lại xúc sạch như hồi sáng?  Mệt mỏi đây! Sáo càng chán đời làm sao, nó làu bàu:“Đồ ngu ! Đồ ăn hại!”.
Tình hình trong chuồng trở lên chán ngắt, nếu như mấy ngày trước khi chưa có bồ Chao thì ngậu xị, hỗn quân hỗn quan, đến con nhóc chim sẻ cũng có thể giỡn mặt được với thằng Kéc Xanh. Mụ Yểng Phụng lúc lắc đánh đuôi vào mặt Cu Cườm. Sáo lợi dụng học nói cứ chõ thẳng mỏ vào tai từng đứa bạn đứng quanh quát:“Đồ ngu ! Đồ ăn hại!” Không biết trò thật hay giả. Rồi chửi nhau om xòm hơn đàn gà. Chỉ tới trời tối om thì mới thôi. Bây giờ tất cả nem nép như mất hồn, đúng là sống trong sợ hãi. Ngay cả chuyện hồi trưa mụ Yểng thì thào với Cu Gáy hay Sáo cũng đều đến tai đại vương Bồ Chao rồi chỉ có điều vị vương này im lặng cho gác đòn lại để mai tính. Nên cả chuồng đều khiếp, gần như không con nào đứng gần con nào vì sợ mang tiếng nói xấu đại vương. Ngay cả chim sẻ chồng cũng đẩy vợ đứng ra xa như đuổi tà, biết đâu đại vương lại suy diễn lằng nhằng. Thật bi đát, cứ kiểu này ngày mai sống ra sao, phận chim chuồng cá chậu khốn khổ thế này mà còn bị ức hiếp thế này ư?Đã thế ở ngoài chuồng từng đàn chim sẻ tung tăng đùa giỡn với lũ gà, thỉnh thoảng tạt qua bám vào lồng sắt vừa giỡn vừa đùa:“Chà ở trong đó sướng nhỉ, chẳng cần kiếm thức ăn, no đủ quá!” Làm Bồ Chao dựng chóp đầu lên còn lũ kia chỉ cúi đầu không biết nói sao.
 ***
   Tối đó khi trời vừa sẩm nhưng lũ chim đã đi ngủ sớm, Bồ Chao cũng bực mình đuổi thằng Kéc Xanh về không cho gãi đầu nữa. Ở mỗi góc đều lù lù một thân, chỉ mỗi Bồ Chao vẫn chễm chệ đậu ở cành ổi to giữa chuồng.
…. Lúc nửa đêm. Chợt có tiếng Bồ Chao hét lên: “Mèo! Mèo!”. Qua ánh đèn hắt le lói … trong chuồng hiện lên một con mèo già hai mắt xanh lè như mắt con cú. Thì ra không hiểu sao lúc tối ông chủ quên cài cửa chuồng. Thằng Mèo Khoang đi chơi khuya về tạt qua phát hiện thấy. Nó không thể bỏ lỡ cơ hội vàng này, vì đã bao ngày nó đã đứng ngoài ngáp muốn xái cả hàm thèm muốn món  chim sống này. Đấy chưa kể chính tai nó đã bị con Sáo chửi mấy lần:“Đồ ngu ! Đồ ăn hại !” Thằng Kéc Xanh còn giương chân như thách thức nó…và cả con Bồ Chao mới vào mà làm thánh làm tướng ở cõi này.
Cả chuồng bừng tỉnh bay loạn xạ nhưng con mèo già cực khôn. Nó bình tĩnh trấn ở cửa chuồng bằng cái lưng to như bắp chuối, hắn hiểu rằng không thể nhào theo vồ từng con được, càng không thể  tự đóng cửa lại thì chỉ tổ tự dâng mạng nó cho quán tiểu hổ mà thôi. Phải lừa thế mới được, nó quơ tay như giỡn để chọc lũ chim ngu này…
Bồ Chao hiểu rằng, đây là thời điểm phải thể hiện bản lĩnh đại ca của nó. Là cơ hội vàng để giải thoát đàn em về với bầu trời. Vì thế nó gào lên:“ Anh em, cẩn thận đừng để thằng mèo nó vồ….chuẩn bị trốn nghe!”  Nói xong nó nhào xuống nhắm hai con mắt xanh mổ  tới tấp. Bị bất ngờ thằng mèo cáu tiết tung cẳng lao lên chụp lấy Bồ Chao nhưng hụt. Việc thằng mèo bỏ cửa nhào lên mở toang cửa, Bồ Chao mừng quá liền quát:“ Sáo, Sẻ bay ngay ra đi!”  hai tên dạ vang liền lẻn bay vụt ra.  Đến lượt Kéc với Cu Cườm đang  chuẩn bị thì con mèo trở lại vị trí trấn giữ cửa. Bồ Chao liền nhào xuống mổ …ngay lập tức mèo đã thủ sẵn liền tát bay một cái làm Bồ Chao văng vào góc chuồng mèo nhào theo vồ lấy. Bồ Chao dù bị nanh mèo ngoạm vào đùi đau điếng nhưng vẫn cố quát, nó hiểu chỉ chút thôi thằng mèo đè xuống ngoạm vào cổ là xong đời hết “điều binh khiển tướng” nên cố  quát với: “Lũ kia Kéc, Cu, Yểng mau chạy đi!” Không kịp cảm ơn, cả ba bay vụt ra khỏi cửa chuồng. Cùng lúc đó thằng mèo cũng lao ra ngoài tất nhiên trên miệng nó là con mồi đầu trắng… cả lũ hoàn hồn thoát ra ngoài đứng trên cành cây run lẩy bẩy, đứa nào cũng nghe tiếng kêu của bồ chao xa dần vào bóng đêm cùng con mèo.  Tất cả tự nhiên đều cùng đồng thanh  khóc òa:“ Đại ca ! Đại ca!”
Buổi bình minh hôm  sau trên cành cây cao lũ : Kéc Xanh, Cu Cườm, Sáo Đá,Sẻ Nâu và Yểng Phụng gặp nhau lần cuối rồi mỗi đứa bay theo một ngả. Bầu trời mùa hạ đang xanh biếc… Kéc Xanh  với Sáo Đá đi tìm gia đình Bồ Chao để kể lại câu chuyện bi tráng này. 
30/10/2022
Lê Đức Dương
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những ngày xưa không thể quên

Những ngày xưa không thể quên... Nếu ai đã từng đến Nha Trang, phải công nhận với tôi rằng biển ấy thật là đẹp. Một bãi biển dài thoai tho...