Thứ Ba, 3 tháng 12, 2024

Phan Bội Châu và Hàn Mặc Tử xướng họa thơ Đường luật

Phan Bội Châu và Hàn Mặc Tử
xướng họa thơ Đường luật

Cụ Phan sinh năm 1867, khi Pháp chiếm Nam kỳ lục tỉnh, đậu Giải nguyên khoa Canh Tý 1900, 12 năm sau Hàn Mặc Tử mới sinh (1912), vậy mà Hàn được một vị đậu Giải nguyên khen “chưa gặp được bài nào hay đến thế” là vinh hạnh biết dường nào…
Trên báo Người Mới số 5 ra ngày 23.11.1940, Chế Lan Viên viết rằng: “Tôi xin hứa hẹn với các người rằng, mai sau, những cái tầm thường, mực thước kia sẽ biến tan đi, và còn lại ở cái thời kỳ này, chút gì đáng kể đó là Hàn Mặc Tử”. Nhận định này được Hoài Thanh dẫn lại trong Thi nhân Việt Nam.
Có thể Chế Lan Viên vì cùng thành lập trường thơ Loạn (còn gọi là trường thơ Điên) trong nhóm Bàn thành Tứ hữu, Hoài Thanh xếp là xóm thơ Bình Định (Chế Lan Viên, Yến Lan, Quách Tấn và Hàn Mặc Tử), nên nhận định thiên vị và chủ quan ở thời điểm ấy. Thế nhưng qua năm tháng, nay đã 82 năm ngày Hàn Mặc Tử mất, cũng là 110 năm ngày sinh Hàn, giá trị thơ ông ngày càng khẳng định và được đưa vào sách giáo khoa giảng dạy ở bậc phổ thông và giáo trình chuyên đề ở các khoa văn chương bậc đại học.
Cũng trên báo Người Mới số 6 ra ngày 30.11.1940, Quách Tấn viết rằng: Phan Sào Nam – một trong những bút danh của nhà yêu nước, nhà thơ Phan Bội Châu – khi xem thơ Đường luật của Hàn Mặc Tử có nói: “Từ về nước đến nay, tôi được xem thơ Quốc âm cũng khá nhiều, song chưa gặp được bài nào hay đến thế”. Cụ Phan sinh năm 1867, khi Pháp chiếm Nam kỳ lục tỉnh, đậu Giải nguyên khoa Canh Tý 1900, 12 năm sau Hàn Mặc Tử mới sinh (1912), vậy mà Hàn được một vị đậu Giải nguyên khen “chưa gặp được bài nào hay đến thế” là vinh hạnh biết dường nào.
Trong sinh hoạt văn chương, nhất là thơ phú, có quý nhau, tôn trọng tài của nhau mới xướng – họa (trường hợp Phan Văn Trị cùng một số nhà thơ yêu nước và Tôn Thọ Tường; Nguyễn Huy Lượng trong Tụng Tây hồ phú ca ngợi Tây Sơn và Chiến tụng Tây hồ phú của Phạm Thái phản bác lại, có khác). Phan Bội Châu khen tài thơ Hàn Mặc Tử khi làm thơ Đường luật lấy bút danh là Minh Duệ Thị, Phong Trần, mang ý nghĩa tích cực về văn chương. Theo Hoài Thanh trong Thi nhân Việt Nam thì có 3 bài thơ Đường luật của Hàn Mặc Tử được Phan Sào Nam họa lại cả ba, đó là bài Thức khuya, Chùa hoang và Gái ở chùa. Sách này không in 3 bài của Hàn và của Phan Bội Châu, may mắn chúng tôi tìm gặp ở một sách khác.
Trong Thi nhân Việt Nam có dẫn lại hai câu thơ Đường luật của Hàn và nhận ra ngay hơi hướng tư tưởng mới không gò ép “phong hoa tuyết nguyệt” dù niêm/luật khó bắt bẻ:
Nằm gắng đã không thành mộng được
Ngâm tràn cho đỡ chút buồn thôi
(bài Buồn thu, Thi nhân Việt Nam không ghi tựa bài nào)
Thơ Đường luật qua thi nhân Việt cách tân, ý tưởng hiện đại và nhiều sách dẫn hai câu này của Hàn trong bài Thức khuya, lúc này ký bút danh là P.T, tức Phong Trần:
Bóng nguyệt leo song rờ rẫm gối
Gió thu lọt cửa cọ mài chăn.
Bài Thức khuya in ở báo Thực Nghiệp Dân Báo năm 1931 thì mãi đến năm 1935 cụ Phan mới họa lại và in trên báo Công Luận số 6790 ra ngày 23.3.1935.
Bài của Hàn, có sách ghi tựa là Đêm không ngủ:
Non sông bốn mặt ngủ mơ màng,
Thức chỉ mình ta dạ chẳng an.
Bóng nguyệt leo song rờ rẫm gối,
Gió thu lọt cửa cọ mài chăn.
Khóc giùm thân thế hoa rơi lệ,
Buồn giúp công danh dế dạo đàn.
Trở dậy nôm na vài điệu cũ,
Năm canh tâm sự vẫn chưa tàn.
Cụ Sào Nam họa lại:
Chợ lợi trường danh tỷ chẳng màng
Sao ăn không ngọt ngủ không an?
Trăm năm ngán đó tuồng dâu bể,
Muôn họ nhờ ai kẻ chiếu chăn?
Cửa sấm gớm ghê người đánh trống,
Tai trâu mỏi mệt khách đưa đàn.
Lòng sen đắng đót tơ sen gắn,
Mưa gió bao nhiêu gộc chửa tàn.
Bài Gái ở chùa của Hàn Mặc Tử hai câu thực và luận là:
Cuộc thế chưa chi mà vội chán,
Trò đời mới đó đã lo xa.
Lợt mùi son phấn say mùi đạo,
Chán cảnh phiền ba mến cảnh chùa
4 câu họa nguyên vận của Phan Sào Nam:
Một chữ đã đành thân gắn bó,
Trăm năm phải tính cuộc gần xa.
Tủi vì cái kiếp con không mẹ,
Hổ cũng như ai sãi có chùa.
Bài Chùa hoang 4 câu cuối bài, luận và kết của Hàn:
Hương rầu khói lạnh nằm ngơ ngác,
Vách chán đêm suông đứng dãi dầu.
Rứa cũng trơ gan cùng tuế nguyệt,
Trước thềm khắc khoải giọng quyên kêu.
4 câu họa tương ứng của cụ Phan:
Bờ nọ thuyền đưa dòng họ tới,
Trời này mưa khóc có cây rầu.
Xưa nay Phật pháp vô biên lượng,
Muôn nước ngàn non một tiếng kêu.
Một sinh hoạt văn chương từ những tên tuổi lớn, nhiều tờ báo thời ấy in cả bài xướng và họa như Thực Nghiệp Dân Báo, Công Luận, Phụ Nữ Tân Văn…
Xin thưa thêm là bài Chùa hoang của Hàn có hơi hướng của bài Thăng Long thành hoài cổ (Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt) và bài Qua đèo Ngang (Nhớ nước đau lòng con quốc quốc) của Bà Huyện Thanh Quan nhưng không hề giảm giá trị của thơ và việc xướng họa.
Thơ Đường luật của Hàn Mặc Tử có nhiều người họa, nhưng 3 bài họa của nhà ái quốc Phan Bội Châu đặc biệt có ý nghĩa, nhất là nội dung yêu nước thể hiện trong đó.
5/11/2022
Trần Phi Châu
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Một buổi tối ám ảnh ở Boston

Một buổi tối ám ảnh ở Boston Một trong những bài thơ nổi tiếng của ông là bài Chơi bóng rổ với Việt cộng. Bài thơ này viết tặng nhà văn Ng...