Thứ Tư, 4 tháng 12, 2024

Nhà thơ Bích Khê: Rồi những mùa thu vô hạn thương

Nhà thơ Bích Khê: Rồi những
mùa thu vô hạn thương…

Bích Khê là trường hợp hiếm hoi – nếu không nói là duy nhất – trong các nhà Thơ Mới từng gọi mình là “thiên tài’. Ông cũng là người hạ quyết tâm rất cao trong việc làm thơ: “Trong 6 tháng sẽ trở nên một thi sĩ phi thường, bằng không sẽ không bao giờ làm thơ nữa”. Tên các tập thơ cũng cho thấy ước vọng cao độ của ông. Thử hỏi, trong làng thơ Việt Nam, đã mấy ai dám đặt tên cho tác phẩm của mình như vậy? “Tinh huyết” thì có thể, chứ “Tinh hoa”, ai dám gọi thơ mình là “Tinh hoa”?
Nhóm “Bàn Thành tứ hữu” (tức nhóm thơ Bình Định, gồm Quách Tấn, Hàn Mặc Tử, Yến Lan, Chế Lan Viên) hay “Trường thơ loạn” (gồm Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Bích Khê) có đặc điểm là rất chịu tìm tòi trong phương thức thể hiện. Họ không làm thơ đơn thuần như phần đông các thi sĩ “ngứa cổ hát chơi” (“Tôi là con chim đến từ núi lạ/ Ngứa cổ hát chơi” – thơ Xuân Diệu) mà làm thơ với một ý thức nhà nghề rất cao. Không chỉ làm thơ, họ còn giỏi biện luận, thuyết trình, năng viết tựa, bạt cho nhau.
Bích Khê từng khen thơ Quách Tấn: “Chỉ một bài “Đêm thu nghe quạ kêu“, chừng nấy thôi cũng đủ cho ta thấy thi sĩ đã vượt lên trên những thi sĩ có tiếng như: Bà Huyện Thanh Quan, Yên Đổ, Chu Mạnh Trinh…”. Đổi lại, Quách Tấn khen thơ Bích Khê: “Đặng Trần Côn bị Đoàn Thị Điểm chê dốt, mà nỗ lực học hành, sáng tác nên tập “Chinh phụ ngâm” hay tuyệt. Những “khiêu khích mỉa mai” của Hàn Mặc Tử làm cho Bích Khê “bật nảy thiên tài”. Và đây là lời khen thơ Bích Khê của Hàn Mặc Tử: “Một bông hoa lạ nở hương, một thứ hương quý trọng, thơm đủ mọi mùi phước lộc. Ta có thể sánh văn thơ của Bích Khê như đóa hoa thần dị ấy”. Cứ vậy, người tung kẻ hứng rất rôm rả. Sự thật thì đến nay, ngoại trừ Hàn Mặc Tử và Chế Lan Viên, còn thì các thi sĩ được nhắc tên trên, không ai nằm trong số những tác giả có khả năng chinh phục công chúng rộng rãi.
Từ thời “Thi nhân Việt Nam”, Hoài Thanh đã kín đáo thể hiện sự “khó cảm” của ông đối với thơ Bích Khê. Bản thân Chế Lan Viên, gần nửa thế kỷ sau, trong lời giới thiệu “Thơ Bích Khê” (Sở Văn hóa – Thông tin Nghĩa Bình xuất bản năm 1988) cũng đã phải rào trước: “Sợ e bây giờ người ta cũng chưa quen anh dễ dàng đâu”.
Nhiều bài thơ của Bích Khê cho ta cảm giác đó là những ngọn núi hiểm trở. Người leo không chỉ khó lần tìm được đường lên đỉnh (tức xác định được cái tứ của bài thơ) bởi luôn vấp phải cành lá ngôn từ rậm rạp, chữ nọ lấp bóng chữ kia, mà họ còn mệt mỏi bởi các bậc đá cheo leo, ngoắt nghéo của giai điệu… Đọc thơ Bích Khê, nhiều lúc ta không khỏi có cảm giác của người thiếu dưỡng khí bởi phải đi lâu dưới các tán lá âm u. Nói như Hoài Thanh trong “Thi nhân Việt Nam“, thơ Bích Khê nếu “đọc đôi ba lần thì cũng như chưa đọc”. Còn đọc nhiều lần hơn thế? Hẳn nhà phê bình không đủ độ… kiên nhẫn, hoặc giả ông không có hứng?
Tuy nhiên, ở những ngọn núi ấy, ta vui mừng bắt gặp những bông hoa mang hương sắc lạ. Và đó chính là sự đóng góp đáng quý của Bích Khê vào làng thơ Việt Nam.
Từ xưa tới nay, đã có bao thi nhân thể hiện cái cảm xúc ngỡ ngàng, xao xuyến trước cảnh thu sang, lá vàng rơi. Trước Bích Khê, cụ Nguyễn Khuyến từng viết “Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo“. Tản Đà thì viết “Vèo trông lá rụng đầy sân”. Vậy mà đến Bích Khê, người đọc lại thêm lần xốn xang xúc động khi gặp hai câu trong bài “Tỳ bà”:
Ô hay buồn vương cây ngô đồng
Vàng rơi! Vàng rơi: Thu mênh mông
Đành rằng cái hay là do nét đẹp của cảnh trí gợi nên, song những cảnh như vậy trong văn học đâu có ít? Hai câu thơ trên hay chính bởi sức gợi ở cách diễn đạt rất tài tình của tác giả. Chí ít thì với cách diễn đạt ngữ nghĩa thông thường, để tạo được hiệu ứng… gần gần bằng với những gì mà câu thơ “Vàng rơi! Vàng rơi: Thu mênh mông” tác động được tới giác quan người đọc thì các tác giả phải dùng số chữ nhiều hơn (sau Bích Khê trên bốn chục năm, thi sĩ Trần Hòa Bình cũng có hai câu thơ khá khơi gợi: “Thêm một chiếc lá rụng/ Thế là thành mùa thu“, nhưng sức ôm chứa của hình ảnh thì không thể bằng).
Cũng vậy, thơ ca Việt Nam từ trước tới nay đã có bao nhiêu bài ca ngợi vẻ đẹp của ánh trăng, song đọc hai câu của Bích Khê (trong bài “Xuân tượng trưng”): “Nâng lên núm vú đồi/ Sữa trăng nhi nhỉ giọt”, người đọc vẫn ấn tượng đến ám ảnh. Trước Bích Khê, trong bài “Ca tụng”, Xuân Diệu từng viết: “Trăng, vú mộng đã muôn đời thi sĩ/ Giơ hai tay mơn trớn vẻ tròn đầy“. Từ liên tưởng trăng như “vú mộng” của Xuân Diệu tới liên tưởng ánh trăng như sữa của Bích Khê có gì khác nhau lắm đâu? Ví ngọn đồi như bầu ngực người phụ nữ cũng không phải là mới. Cái mới chính là việc tác giả liên tưởng cái vầng trăng đang từ từ “dâng” lên, đậu trên đỉnh đồi ấy, như thể nụ nhũ hoa (chú ý mấy chữ “núm vú đồi”), từ đó “Sữa trăng nhi nhỉ giọt“, ánh trăng lặng lẽ chảy xuống triền đồi. Ấy là tôi hình dung vậy – từ hai câu thơ ngắn chỉ có 10 chữ của Bích Khê. Biết bao khơi gợi từ hai câu thơ trên, mà chắc chắn để diễn đạt cho hết điều đó, các tác giả khác phải cần tới lượng chữ nhiều hơn. Rõ ràng, phải là người có bút pháp cao cường mới viết được hai câu hàm súc đến vậy.
Tả vẻ đẹp hình thể người phụ nữ, trong “Tranh lõa thể”, Bích Khê đã có những câu rất tài hoa, tráng lệ:
Dáng tầm xuân uốn trong tranh Tố Nữ
Ô tiên nương! Nàng lại ngự nơi này?
Nàng ở mô? Xiêm áo bỏ đâu đây?
Đến triển lãm cả tấm thân kiều diễm
Nàng là tuyết hay da nàng tuyết điểm?
Nàng là hương hay nhan sắc lên hương?
Mắt ngời châu rung ánh sóng nghê thường
Lệ tích lại sắp tuôn hàng đũa ngọc
Đêm u huyền ngủ mơ trên mái tóc
Vài chút trăng say đọng ở làn môi.
Cái hay đâu phải ở cách ví von da nàng trắng như tuyết, người nàng toát lên mùi hương quyến rũ? Bởi cách ví von ấy, các thi sĩ đông tây chẳng phải chờ đến Bích Khê mới có được, họ đã viết như thế tự ngàn năm nay rồi. Cái hay trong mấy câu thơ trên của Bích Khê vẫn chính là ở cách diễn đạt – một cách đảo ngữ rất sáng tạo: “Nàng là tuyết hay da nàng tuyết điểm?/ Nàng là hương hay nhan sắc lên hương?“. Nó khiến câu thơ trở nên lộng lẫy, trang hoàng hơn. Tất nhiên, nếu phân tích kỹ lưỡng về mặt ngữ nghĩa thì chữ “hay” (hay là) ở đây hơi… vô lý. Đã khẳng định “nàng là tuyết”, “nàng là hương” thì còn đặt câu hỏi “hay” ở đây làm gì nữa, hỏi thế là bằng thừa. Nhưng vấn đề là người đọc không mấy ai tỉ mẩn soi xét câu chữ như vậy, bởi câu thơ mới đọc lên, chỉ bằng trực giác họ đã “cảm” được cái hay rồi, đã thấy cách tác giả viết “nhan sắc lên hương” là rất tinh diệu, tài hoa rồi.
Chính vì thế mà sau này, khi Bích Khê chữa hai câu thơ trên ra thành: “Nàng là tuyết: làn da nàng tuyết điểm/ Nàng là hương: nhan sắc mộng lên hương” (xin xem bản in trong tập “Tinh hoa” do gia đình Bích Khê biên soạn, NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 1997), bạn đọc thấy ngay là câu thơ được sửa đuối hơn. Điều ấy chứng tỏ cái hấp dẫn của hai câu thơ cũ chủ yếu ở cách diễn đạt hơn là ngữ nghĩa đã được chỉnh sửa cho chính xác và được trình bày theo cấu trúc câu thông dụng.
Bởi rất chú trọng tới cách thể hiện nên về mặt hình thức, thơ Bích Khê khá đa dạng. Đặc biệt, Bích Khê tỏ ra rất có duyên với lối thơ mà cả bài chỉ dùng toàn thanh bằng, ví như bài “Tỳ bà” với những câu: “Nàng ơi! Tay đêm đương giăng mền/ Trăng đan qua cành muôn tay êm/ Mây nhung pha màu thu trên trời/ Sương lam phơi màu thu muôn nơi/ Vàng sao nằm im trên hoa gầy/ Tương tư người xưa thôi qua đây/ Ôi nàng năm xưa quên lời thề/ Hoa vừa đưa hương gây đê mê”. Cả bài thơ 7 khổ, 28 câu đều được đan dệt bằng các chữ mang thanh bằng như vậy, nghe du dương như một bản đàn. Nhiều nhà phê bình thường liên hệ bài thơ này với các bài “Nhị hồ” của Xuân Diệu, “Bình tàn thu” của Nguyễn Xuân Sanh, nhưng ở cả hai bài của Xuân Diệu và Nguyễn Xuân Sanh, chỉ những chữ cuối câu mới mang thanh bằng (chứ không phải tất cả các chữ trong bài).
Chưa kể ở bài “Nhị hồ” còn có một khổ mà hai chữ kết của câu thứ 2 và câu thứ 4 mang thanh trắc, và ở bài “Bình tàn thu” thì nhiều câu chỉ có tác dụng về âm điệu chứ nội dung rất vô nghĩa (kiểu như: “Cổ mây người nhạc dịu vườn tươi/ Da xuân mười tám tuổi buồn người/ Mi thơm chanh buổi chĩu buồn da/ Rượu tóc loan tháng đượm mùa ngà“). Nói vậy để thấy, viết được một bài rặt một kiểu âm vận, lại khá sáng sủa về ngữ nghĩa như trường hợp “Tỳ bà” của Bích Khê là một trường hợp hiếm hoi (nó khó như trường hợp vừa phải lặn từ bờ này sang bờ kia của một con sông rộng lại không được quờ quạng lung tung làm ngầu dòng nước).
Sự thật đến nay, bài thơ “Tỳ bà” cũng đã được dành một vị trí xứng đáng trong sự nghiệp thơ của Bích Khê nói riêng và trong thi đàn Việt Nam nói chung. Chỉ tiếc là sau đà thắng lợi đó, Bích Khê đã làm khá nhiều thơ theo dạng này, trong khi đây là loại thơ kiểu dạng “cơm nếp”, “ăn” nhiều cũng chóng ngán.
Paustovsky từng có lần trách mình đã “đặt trang sách lên trên cuộc đời”, trong khi đúng ra phải “đặt cuộc đời lên trên trang sách”. Bích Khê là mẫu nhà thơ đã đặt trang sách lên trên cuộc đời. Đời ông ngắn ngủi (Bích Khê mất năm 1946, khi mới 30 tuổi), lại nhiều năm tháng phải chống chọi với bệnh lao – căn bệnh được xem là “tứ chứng nan y” thời đó, gần như mọi tinh lực, tinh huyết của ông chỉ dồn vào một thú đam mê: Đó là làm thơ và làm thơ. Điều này có cái hay và cũng có cái dở. Cái hay là tâm thế của tác giả rất tập trung. Cái dở là nó ít được khơi thông, dễ dẫn tới những ý nghĩ, cảm xúc bệnh hoạn. Hơi thở cuộc sống vốn dĩ ít lọt vào tâm hồn các nhà Thơ Mới lại càng ít lọt vào tâm hồn gần như bị bưng bít bởi tật bệnh và quay cuồng trong các mộng ước nghệ thuật cao siêu của Bích Khê.
Bích Khê làm thơ và – đúng như nhận xét của Quách Tấn – “những thi sĩ có tài – ngoài nước cũng như trong nước một khi đi ngang qua tâm hồn Bích Khê thì đều để lại trong thơ Khê ít nhiều vang bóng và hơi hám hoặc trên hình thức hoặc trong tinh thần”.
Riêng nhận định sau đây của Quách Tấn chỉ đúng… một nửa: “Nhưng những ảnh hưởng ấy chẳng những không làm hại đến bản sắc thơ Khê mà còn giúp thi tài của Khê nảy nở”. Bắt chước Chế Lan Viên viết về cái sọ người “Ta muốn cắn mi ra từng mảnh nhỏ/ Muốn điên cuồng nuốt cả cái xương khô” (bài “Cái sọ người”), Bích Khê đã thi vị hóa cái thứ ghê sợ ấy bằng những câu: “Ôi bình vàng, ôi chén ngọc đầy hương/ Ôi hồ nguyệt đọng nhiều trăng lấp loáng” (bài “Sọ người”). Thật là một cách liên tưởng gây phản cảm!
Dường như Bích Khê viết chỉ để mà viết, để mà đua ganh cùng chúng bạn. Nghĩa là nó không xuất phát từ nhu cầu tình cảm. Còn một khi cuộc sống nội tâm của Bích Khê đủ mạnh, nó hoàn toàn có thể kết hợp một cách nhuần nhị với các yếu tố vay mượn tự bên ngoài để tạo nên một thi phẩm đặc sắc. Có thể lấy ví dụ từ bài “Nấm mộ” – một “bản di chúc bằng thơ” của Bích Khê mà nhiều người từng biết:
Mây, tuyết, thời gian bay tợ nhạc
Hồn tôi đã thoát để tiêu dao
Những tờ thơ nát đầy hơi hám
Tay khách đa tình sẽ chuyển trao.
Rồi những mùa thu vô hạn thương
Trở về dưới nguyệt chập chờn hương
Mùa thu ám ảnh nhà thi sĩ
Muốn thổi tiêu vàng dưới khói sương.
Gió tiêu sẽ quạt buồn thanh tịnh
Về chốn thôn gia viếng mả tôi
Đầy cỏ xanh xao mây lớp phủ
Trên mồ con quạ đứng im hơi.
Đây là một bài thơ kết hợp được nhuần nhuyễn hơi hướng phương Đông trong cách cảm và hơi hướng phương Tây trong cách nghĩ; vừa gợi nhớ tới Baudelaire với thuyết tương giao “Hương thơm, màu sắc và âm thanh tương giao cùng nhau” (qua câu thơ mở bài và các câu thứ 5, thứ 6) và Edgar Poe – tác giả bài thơ “Con quạ” (qua hình ảnh ở câu kết bài thơ); vừa ký thác được nhiều tâm sự của Bích Khê, người mà những năm tháng cuối đời luôn có niềm tin mãnh liệt vào sự trường tồn của thơ mình…
25/8/2011
Phạm Khải
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những ngày xưa không thể quên

Những ngày xưa không thể quên... Nếu ai đã từng đến Nha Trang, phải công nhận với tôi rằng biển ấy thật là đẹp. Một bãi biển dài thoai tho...