Thứ Ba, 3 tháng 12, 2024

Thao thức với cội nguồn

Thao thức với cội nguồn

Nhà báo, nhà thơ Phạm Thùy Vinh sinh năm 1977, hiện là Phó Chủ tịch Hội VHNT Nghệ An, Tổng biên tập Tạp chí Sông Lam. Chị làm báo, sáng tác thơ văn. Viết nhiều viết hay nhưng chị chưa chịu tập hợp bài vở để in sách. Năm 1996, chị đã đoạt Giải nhất thơ “Tác phẩm tuổi xanh” báo Tiền Phong. Đến năm 2010, chị mới in tập thơ đầu tiên Bỗng nhoài ra biển.
Đọc thơ hay tản văn của Phạm Thùy Vinh, người đọc đều có thể thấy một tâm hồn tinh nhạy, tràn trề cảm xúc và luôn thao thức với cội nguồn, văn hóa và lịch sử. Vanvn.vn trân trọng giới thiệu đến bạn đọc tản văn Chiều cuối năm người về mau và Nắng mưa một cánh đồng làng của chị.
CHIỀU CUỐI NĂM NGƯỜI VỀ MAU
Bạn có tin rằng, cùng một quãng đường ấy, cùng một con người, cảnh vật ấy… nhưng trong ta lại có những ý nghĩ khác nhau, tâm trạng khác nhau và mang lại những buồn vui khác nhau.
Và dù giống, khác nhau đến đâu, như thế nào thì tôi vẫn luôn tin rằng, tất cả chúng ta, giờ khắc chiều ba mươi Tết đều có chung một ý nghĩ rộn lên trong lòng mình, rằng, hãy đi mau, về mau với sum vầy, với nguồn cội, với giờ khắc chỉ có thể ở nhà mình mà thôi. Điều riêng ấy, văn hoá thay, lại là điều chung của cả dân tộc này từ ngàn đời nay, trở thành bản năng, ý thức của hết thảy mọi người.
Vâng, hãy bắt đầu từ một quãng đường, rất cụ thể, là đường từ cơ quan, đơn vị, bản làng, trường lớp, từ ngôi nhà thân thuộc của mỗi người hướng về quê cha, đất tổ. Một năm ròng rã xa quê, mê mải kế sinh nhai, được mất mùa vụ nơi cánh rừng cà phê Tây Nguyên hay hoạch định những vấn đề quốc kế dân sinh ở thủ đô Hà Nội, lặn lội nơi rừng sâu biên giới Việt – Lào hay trải lòng với những trang viết đằm sâu, lo một chương trình trước mắt hay âm thầm cho một tương lai táo bạo…tất, tất thảy đều lắng lại, dừng nghe trước nhịp gõ của thời gian tích tắc đổ về ngày cuối năm thiêng liêng và ấm áp.
Ấy là khi những chuyến xe chở nặng niềm mong mỏi xuất bến náo nức trong gió lạnh. Những nhịp đập ríu ran, những đôi vai bìu ríu, những món quà dành dụm…lăn dài theo bánh xe lăn, theo niềm đón đợi phía quê nhà. Nhưng tôi biết, giữa ngược xuôi những chuyến xe, những hành trình ấy, luôn có những nỗi niềm, những điều không dễ nói và dễ biết.
Đã có lần tôi được một đồng nghiệp kể về chuyến ngược rừng những ngày cuối năm để đi chúc tết đồng bào, cán bộ và chiến sĩ ở vùng biên giới Việt – Lào. Núi rừng âm u sương giăng muôn ngả, người đi sau không nhìn rõ người đi trước. Chỉ nghe tiếng nói, nghe hơi ấm từ bàn tay cầm níu mình khi cùng nhau vượt qua con suối lạnh thấu tim gan, khi tay kéo bàn tay, tay mình nhấc chân mình qua chướng ngại vật theo lối mòn men lên đỉnh dốc mù sương, trơn trượt.
Trên ấy, có những người lính về quê từ trước Tết, đón Tết sớm với cha mẹ, vợ con, người yêu và về lại đỉnh đèo này cắm chốt, thực sự đón Tết trong lặng thầm mong mỏi. Không ai nói câu gì to tát vì đó là việc bình thường của người lính vùng biên, nhưng khi gặng hỏi vì sao anh lại tình nguyện ăn Tết xa nhà, người lính ấy bỗng nhiên đỏ mặt, khiến người đồng nghiệp vội xua tay không muốn hỏi tiếp.
Vâng tôi hiểu, rất hiểu những người bình dị như người lính ấy, như nhiều người khác âm thầm đón Tết dọc miền biên viễn này khi phải nói về mình. Người lính ấy nhờ mang hộ về quê một cành đào đá núi để trang trí trong nhà. Người miền xuôi, nhất là phố thị lâu nay đã không ưa dùng những cành đào được bón chăm quá cẩn thận, màu mè. Trái lại rất nhiều người sẵn sàng bỏ tiền triệu để mua một cành đào thân nhánh mốc xù, rêu đen, càng thô mộc thì nụ hoa mới hé càng đỏ tươi.
Để có được sự đối lập ấy, tạo được bố cục độc đáo ấy đã phải mất rất nhiều công sức của người đi rừng…Nhưng người lính thì không nghĩ như vậy mà đơn giản đây chỉ là món quà miền núi đá, cánh hoa miền núi xa gửi về xuôi góp vào sắc xuân sum họp. Mọi người đã nâng niu, che giữ cành đào đá ấy và trao tận tay gia đình người lính biên phòng đúng chiều ba mươi Tết bâng khuâng…
Cũng lần ấy, khi về qua Nghĩa trang Hữu nghị Việt-Lào, anh bạn đồng nghiệp của tôi cùng Đoàn công tác không quên dừng chân thắp hương viếng các liệt sỹ yên nghỉ nơi đây. Chiều ba mươi Tết, những hàng bia có tên, không tên đứng trang nghiêm, thẳng tắp. Khói hương nghi ngút, bay về xa xa, lắng vào gió thơm.
Không phải tất cả các ngôi mộ đều có người thân đến viếng, nhưng tất cả đều được thắp nhang kính cẩn. Ngày nào nhà thơ Trần Ninh Hồ phát hiện những nén nhang thắp lên các phần mộ liệt sỹ khác xung quanh khi có người phụ nữ đến viếng chồng, là khi “nh có chị đây rồi!” thì nay việc làm đó đã trở nên giản dị như cuộc sống hàng ngày.
Ai cũng biết chắc chắn rằng, những người đến viếng đều cầu mong linh hồn người đã khuất chiều ba mươi ấy hãy trở về sum họp với cha mẹ, vợ con, họ hàng. Ai ai cũng tin trên chuyến xe chiều ba mươi ấy, có rất nhiều những mong mỏi, hy vọng, bao tâm nguyện của người sống và người đã khuất cùng đồng hành lặng lẽ, tin cậy, cùng náo nức tụ về…
Vâng, cũng một con người, là mình đây, nhưng mỗi năm cứ đến chiều ba mươi Tết lại thường mang tâm trạng như …không phải là mình, mà còn nữa những điều không dễ nói ra. Lúc bé thơ gắn với cuộc sống kham khổ, niềm mong mỏi thường trực của rất nhiều người gắn liền với những tấm áo mới, đôi dép mới và một bữa ăn cỗ, một lần đi chơi thật xa… Rồi con mắt mộng mơ, rồi trang sách mở ra chân trời lạ, rồi cuộc sống như nó vốn có với những khó nhọc, buồn vui.
Người ta thường diễn tả thời gian của đời người qua sự biến đổi lặng lẽ nhưng vẫn nhìn thấy được của màu tóc. Sự ăn nên làm ra hay lụn bại của ai đó cũng dễ được nhìn thấy qua tấm áo, manh quần, chiếc xe đời mới, ngôi nhà kiểu tân kỳ hay chức tước hay quà cáp, lì xì ngày xuân… Nhưng chắc chắn rằng, tôi hay anh hay chị cứ đến chiều ba mươi Tết là yên tâm rũ bỏ mọi thứ cần rũ bỏ của năm cũ, tìm niềm vui của năm mới từ việc may mắn có người tốt đến xông nhà sáng mồng một, thắp hương cháy đỏ và đẹp, cành đào trong nhà nở vô vàn nụ hồng, đứa con gái học giỏi và chăm ngoan, bài báo nhỏ mang lại ánh sáng cầm đếm được cho vợ chồng người hát dạo trên hè phố.
Vẫn là tôi đây, vẫn chiều ba mươi Tết lắc rắc mưa bụi bay, nhưng năm nay tôi có thêm niềm vui từ những lời nhắn gửi của một người mới quen, lời chúc vững vàng của một người bạn vong niên, lời lặng im từ những hiểu và tin yêu không thể nói hết bằng lời…
Vâng, ngày nào cũng thế, chiều ba mươi nào cũng thế, cây gạo đầu làng lại vẫy vẫy cánh tay khẳng khiu, chờ đón người quê trở về. Từ xa tôi đã nhìn rõ dáng cây gạo cao vút giữa cánh đồng mới cấy. Quanh thân gốc gạo vẫn vương bùn rơm ngai ngái. Người quê chiều ba mươi gặp nhau vội vàng, nhưng cũng kịp hỏi nhau cấy xong chưa, củi cỏ thế nào, bao giờ gói bánh, con cái đã về hết chưa…Trên con đường quê ấy, tôi đã đi về, đã được đùm bọc, nâng bước, đón đợi và tin cậy.
Có phải vì những điều như thế mà chuyến xe chiều cuối năm thường đi như lâu hơn, chậm hơn, thường nặng hơn qua mỗi bước đường. Có phải vì thế mà chuyến xe chiều cuối năm luôn khiến mình nghĩ suy, trăn trở, luôn là khác biệt trong vô số chuyến đi về trong cuộc đời…
Tôi đã luôn mang tâm trạng của kẻ tha hương, lữ thứ, khi thao thức, lúc đắm mình trong những tiếng ầm ì của xe khách đường dài trên Quốc lộ 1A chạy qua nhà tôi ở. Những chuyến xe mang đầy gió bụi, qua nhiều miền đất, chở bao số phận, tâm trạng người xa quê.
Là cô bé công nhân một xưởng giày da ở Bình Dương và đem theo người yêu, một anh công nhân ở xưởng may gần nơi mình làm việc ra mắt bố mẹ. Họ tạm quên nỗi vất vả một năm, về quê trong ấm áp, tươi rói hy vọng. Rồi họ sẽ đắp xây hy vọng ấy, trong một căn nhà trọ chật hẹp, nơi những đứa con sẽ lần lượt ra đời, và mỗi năm, bà nội, bà ngoại từ hai quê lại cơm đùm cơm nắm lần lượt đi trông trẻ.
Là hai chị em dắt díu nhau vào miền đất đỏ đã trọn 10 năm, nhọc nhằn, chắt chiu mỗi ngày, nghe tin mẹ ốm nặng, bán vội mấy tạ hạt điều về cho kịp gặp mẹ. Họ đi vội vàng, mang theo chiếc xe đạp cũ, để tính quãng đường đêm khi xuống xe tại bến, không có xe khách về vùng quê heo hút sẽ chở nhau về bằng xe đạp.
Là một bác già trầm ngâm, ngồi ngoài phía ô cửa xe khách, đốt thuốc liên tục. Năm nay, nhiều bão gió, những vuông tôm của bác với bao công sức đã trôi ra bể Đà Nẵng. Nhưng, những thất bại ấy không làm người lính cụ Hồ một thuở nản chí. Về quê, thắp nén hương cho tiên tổ, tìm thêm chút sức mạnh từ mảnh đất chôn rau cắt rốn của mình, để vững tin khi lại bước chân đi…
Trên những chuyến xe ấy, không biết có bao nhiêu người đã lưu lạc nhiều năm, nay bạc tóc trở về? Có bao nhiêu người đã chôn giấu trong lòng những khổ đau, cay đắng? Có bao người náo nức, hân hoan? Vẫy gọi họ phía trước là con đường ấm vết chân trâu ngày thơ bé, là tiếng rì rào của những con sóng bạc đầu, hay dáng vẻ trầm ngâm những ngọn núi cao mây phủ?
Nơi những giấc mơ được sinh ra, bay đi và một ngày trở về. Hiểu vì sao, có nhiều người quê, chưa một lần rời lũy tre làng, mà biết lo chuyện cà phê rớt giá, thấp thỏm ngóng về miền xa mỗi lần bão gió, xem thời sự bình luận chuyện xuất khẩu tôm sang Mỹ. Mới hiểu vì sao, có nhiều lúc lòng dạ bồn chồn không yên, nghe tiếng con chim khách mà ngày nào cũng lặng nhìn phía đường xa.
Tôi đã luôn nhìn theo thật lâu những chuyến xe ầm ì ấy, với những gương mặt người nhòa dần sau ô kính. Mong sự bình yên, ấm áp, sum vầy. Mong bàn tay được nắm lấy bàn tay trong giờ khắc thiêng liêng. Mong những vòng hương ấm đỏ trên bàn thờ tiên tổ với bao nhiêu thành kính. Và ai ai, cũng như tôi, được đùm bọc, nâng bước, đón đợi, cậy trông trên con đường trở về…
Có những chiều chật hẹp trong lòng phố, tôi đã nhớ biết mấy cánh đồng của tôi. Cánh đồng bạc thếch đất đai, phấp phỏng những hạt mầm mùa vụ, cần mẫn nuôi lớn những giấc mơ, những hy vọng, tin vào phù sa ngày mai rồi sẽ “còn chồi nảy cây” ngay cả khi lũ bão vừa qua…Và rồi, tôi đã mải miết đi tìm …
Chỉ cách trung tâm phố Vinh vài cây số, chạy dọc con đường đê sông Lam là đã chạm bạt ngàn cói Hưng Hòa. Trên cánh đồng cói tháng bảy, tôi đã gặp một ông lão xóm Phong Thuận đang miệt mài gặt cói, chẻ cói. Nhìn tấm thân vạm vỡ của ông đánh trần dưới nắng chiều, không ai nghĩ ông lão Lê Xuân Thùy chạm tuổi 70, lại còn là một thương binh. Ông kể: “Nhà tui làm cói từ đời cố, can. Khi vừa mở mắt là thấy cây cói, là nghe mùi cói. 6 tuổi đã biết kéo gon. 10 tuổi đã ra đồng cùng cha mẹ gặt hái. Các o không quen, thấy gốc cói sắc, đâm vào chân trần là đau, chớ như bầy tui lại quen đi trên gốc cói, trên ruộng mấp mô này. Đi đất bằng có khi thấy chân mình lạ lẫm, chông chênh”.
Những lời nói thủng thẳng, tưởng chừng xù xì của ông, ấy vậy mà khiến tôi sửng sốt. Không chỉ bởi nó giản dị, mà còn đầy sâu sắc, yêu thương. Ông kể với tôi về những vụ cói ngày xưa, thời hoàng kim của cây cói Hưng Hòa, về cái thời làm hợp tác, tiếng cười nói rộn rã cả cánh đồng bạt ngàn gần 70 ha trồng cói. Rồi ông nói về gia đình mình, hiện còn 6 sào cói, mỗi năm thu hoạch 2 vụ thay vì 3 vụ như trước đây mà “nguyên nhân là cói thoái hoá hết rồi”.
Ông thở dài, không giấu nỗi ngậm ngùi, rằng 4 con ông giờ đây đã chẳng ai theo nghề cói, “2 đứa rời quê vào Nam lập nghiệp, 2 đứa làm thợ xây”. Vậy là nghề cói 4 đời rồi sẽ khó mà giữ được. “Là cũng mừng cho chúng, vì làm cói xem chừng vất vả, nhưng mà tiếc cái nghề truyền thống cha ông”. Nhưng rồi ông vẫn hy vọng “Có thể rồi người Hưng Hòa cũng phải tìm được hướng đi bền vững cho cây cói, biết đâu rồi nông dân trồng cói lại có một ngày được hưởng ấm no nhờ vào đồng đất của mình”.
Ông cũng kể về năm mình ra trận, nắm cơm cuối mình ăn trên chính cánh đồng này, có thể cũng ngồi trên chính là những gốc cói này, mà cây cói ngày xưa cắt rồi lại lên mãi đến giờ. Ông đã chiến đấu 81 ngày đêm ở chiến trường Quảng Trị nóng bỏng, trong giấc mơ bom đạn chập chờn vẫn thấy bạt ngàn cánh đồng cói quê hương. Rồi ngày trở về, từ bỏ súng đạn, cởi áo lính để khoác lên người tấm áo nông dân, ông lại miệt mài với cánh đồng này.
“Cùng độ tuổi của tui, người còn ra lấy gon được hiếm lắm. Dưới tôi chừng dăm tuổi còn có ông Dư bên ruộng kia kìa, ông ấy cũng trở về từ chiến trường miền Nam, cũng là thương binh, hoàn cảnh khó khăn hơn, sức khỏe yếu hơn và vẫn bám lấy cây cói mà sống”.
Theo tay ông Thùy chỉ, tôi gặp ông Dư. Ông Dư sinh năm 1954, là thương binh 2/4. Con ông Dư là đời thứ 5 cũng đang làm cói trên cánh đồng này. Cuộc sống còn nhiều vất vả, nên ông, dù đã yếu vẫn phải ra đồng. “Mà mùa cói, không ra cũng nhớ. Tui quen bà tui cũng trên cánh đồng này. Cảm mến nhau vì cái đức siêng năng, chăm chỉ mà nên đôi, nên lứa. Có thể nói, trừ quãng đi bộ đội, thì cả cuộc đời tui, cuộc đời vợ tui đã diễn ra trên cánh đồng”
Tôi còn gặp ở đây những chị Hiếu, chị Duyên… rộn rã tiếng cười, đẫm ướt giọt mồ hôi trên cánh đồng đầy nắng lóa. Nghề cói là thế, cần nắng. Có biết bao nhiêu khó khăn nghề cói, cùng nỗi lo mai một, nhưng giây phút này đây, tiếng máy chẻ, tiếng dao cứa vào từng lá cói xanh tươi, tiếng bước chân giẫm lên từng thớ đất rậm cỏ, và tiếng đàn châu chấu nhảy rào rào sau khi bị đánh động bởi bàn chân người khiến tôi cảm thấy tất cả như trong một điệu nhạc vui…
Những người nông dân Phong Thuận ra đồng từ lúc 4 giờ sáng, trưa về nhà, chiều lại ra cho đến tận 7, 8 giờ tối. Bao nhiêu năm qua, họ đã quen với cái mùi ngai ngái của đất bốc hơi khi nắng vừa lên, mùi của những giọt sương tan ra trong bình minh, mùi của cỏ dại, của cói lúc đã cao ngang tầm với. Và mùi của mùa màng, cái mùi mang đến niềm vui dìu dịu và một nỗi trìu mến khó tả mà phải gắn bó lâu năm trên cánh đồng, người chủ nhân của chúng mới thực sự cảm nhận được.
Khác với màu xanh bạt ngàn cói Hưng Hòa, thì trên cánh đồng Khánh Sơn (Nam Đàn), lại ngập màu nâu vàng xao xác. Người đàn bà nhỏ thó thoăn thoắt khiêng những bao tải ngô đặt lên cân dọc con đường nhỏ dẫn ra bến đò Vạn Rú quệt mồ hôi nói với chúng tôi. Bà tên Tuyết, 60 tuổi, là dân ở Khánh Sơn 2, vượt đò Vạn Rú sang cánh đồng Khánh Sơn 1 này bẻ ngô, phơi ngô thuê.
“Năm nay, chỉ có cỏ là xanh, còn ngô thì cháy”. Bà nói với bao nhiêu xót xa, rồi chỉ cho tôi “ông chủ ngô”. “Ông chủ” Phạm Việt Xuân, năm nay 51 tuổi, bao năm tận dụng đất bãi trồng vài mẫu ngô, nhưng năm nào cũng thấp thỏm.
“Đất cát đã khó trồng, mà năm nay hạn quá, ngô không thể ra bắp cho trọn”. Anh Xuân cũng cho hay, “làm thì làm chứ xác định là lỗ. Phải thuê bà con bẻ tại ruộng, rồi bóc, phơi luôn trên con đường nhỏ này, đóng bao, cân luôn. Phần lớn ruộng ngô năm nay đành bỏ vì ngô không ra nổi hạt, thu hoạch được ít lắm”.
Trên cánh đồng rộng hút tầm mắt, nắng đã khiến cây ngô khô giòn gãy gục. Thảng hoặc, có bóng một người đi mót trên những ruộng đã bỏ không thu hoạch. Bà Tuyết nói, cả cuộc đời bà làm lụng trên đồng, hết việc nhà mình lại kiếm việc đi làm thuê để trang trải cuộc sống.
Nghề nông, với bà là nghề “cha truyền con nối”, hết đời nọ sang đời kia, nên cánh đồng này bà thuộc từng ngách cỏ, từng lối mòn. Bà đơn thân nuôi 1 cô con gái, “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, năm nào cũng trông cậy “ơn giời”. Thế nhưng, bà hay cả anh Xuân, bao năm nhìn nắng hạn, nhìn mưa lụt vẫn tin “ngày nay nước bạc, ngày sau cơm vàng” và nhắc nhở nhau rằng: “chớ bỏ ruộng hoang”…
Giống như mọi người nông dân trên khắp các cánh đồng đất Việt, người dân Khánh Sơn dành cho đất đai một tình yêu da diết. Họ không biết diễn tả tình yêu đó bằng ngôn từ, nhưng tôi biết, nó ở ngay đây, trong trái tim họ, trong ánh mắt xao xuyến niềm vui của họ khi được hỏi về nghề nông, trong nụ cười hiền hậu rạng rỡ của họ ngay cả trong lúc đang lao động mệt nhọc nhất.
Tình yêu ấy thấm đẫm trong từng giọt mồ hôi nhỏ xuống cánh đồng, và những mùa vụ đã trôi qua bấy lâu nay đều có thêm vị mặn nồng của mồ hôi và nước mắt. Tình yêu ấy đến một cách tự nhiên như những cơn gió vốn đã thênh thang hiện hữu giữa cõi trời.
Trong sâu thẳm, nó là sự gắn bó một cách tự nhiên giữa người nông dân và công việc của mình, cái công việc ngàn đời nay ông bà tổ tiên cha mẹ họ vẫn làm, vừa là một cách để duy trì sự sống vừa như cuộc chơi mà họ dành cả đời đặt vào đấy, một cách tự nguyện đến gần như nghiễm nhiên.
Như một nghệ sĩ yêu sân khấu của mình, người nông dân cũng yêu cánh đồng bởi trong phần lớn cuộc đời đó chính là khoảng trời của họ. Mồ hôi đổ xuống để những nhánh lá xanh tươi mọc lên, lung linh trong nắng.
Tôi vẫn luôn tin vào một thứ tình cảm mang tính chất gắn bó cội rễ với tâm thức người Việt, đó là tình yêu đối với đồng ruộng. Dù bạn là ai, một đứa trẻ sinh ra ở miền thôn quê hay trong đô thị phồn hoa, dù là người từ nhỏ đã quen với cái tấp nập của phố phường hay những kẻ chân lấm tay bùn quanh năm bán mặt cho đất.
Một thứ tình yêu không đơn giản như yêu một nơi ta đã sinh ra hay gắn bó lâu dài. Mà có lẽ là một tình yêu sẵn có, một tình yêu đã tồn tại ngay cả trước khi con người sinh ra, nó vừa rất hiện thực lại vừa mang tính tâm linh. Bởi trên quê hương hình chữ S, người ta đâu thể đếm hết được những cánh đồng.
Từ ngàn đời nay, người ta sinh sống và hít thở trong bầu không gian của chúng. Và không chỉ sinh nhai, đến khi chết đi, người ta cũng nằm xuống cánh đồng, dưới những nấm mồ xanh cỏ. Hết thế hệ này đến thế hệ khác, cánh đồng thực sự là máu thịt của con người vì lẽ đó. Nó chính là nơi họ muốn quay về để vĩnh viễn nằm xuống khi đã già.
Là nơi những kẻ tha hương muốn quay đầu trở lại chỉ để đứng tần ngần trong một chiều đầy ráng đỏ. Là nơi trong một thời điểm đau buồn hay thất bại của cuộc đời, con người muốn được nhìn ngắm để vơi bớt nỗi lòng. Là nơi, cứ mỗi dịp Tết đến hay thanh minh, giỗ tổ, người ta lại hẹn nhau quay về để thắp nén nhang lên những nấm mồ và thầm thì gửi vào thiên thu những niềm thương nỗi nhớ…
Và như thế, cánh đồng không chỉ là nơi làm việc của người nông dân. Đó đôi khi là cả bầu trời của họ. Đó là mẹ. Là quá khứ, hiện tại và cả tương lai của con người.Có lẽ vì thế, tôi yêu tha thiết những vần thơ viết về nông dân của nhà thơ xứ Nghệ Nguyễn Sỹ Đại, và cũng luôn lấy nó để nhắc nhớ mình:
Nông dân sống lặng thầm như đất
Có thể hoang vu, có thể mùa màng
Xin chớ mất, chớ niềm tin sai lạc
Chín phần mười đất nước – nông dân.
17/11/2022
Phạm Thùy Vinh
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Một buổi tối ám ảnh ở Boston

Một buổi tối ám ảnh ở Boston Một trong những bài thơ nổi tiếng của ông là bài Chơi bóng rổ với Việt cộng. Bài thơ này viết tặng nhà văn Ng...