Thứ Tư, 4 tháng 12, 2024

Nhà thơ Trần Chấn Uy "Về từ nẻo cỏ may"

Nhà thơ Trần Chấn Uy
"Về từ nẻo cỏ may"

Thú thật cảm giác khi cầm tập thơ của chàng thi sĩ họ Trần trao cho, tôi liên tưởng ngay đến “âm hưởng Phạm Công Trứ” với bài thơ “Lời thề cỏ may” nổi tiếng nhưng lật trang đầu tiên gặp bài “Hồn quê”: Làng tôi đó trong đắm sâu ký ức/ Bàn chân vẹt gót đợi ngày về/ Đêm phương nam lòng tôi thao thức/ Phía hừng đông thấp thoáng hồn quê.”
Thì hiểu rằng đây chính là miền sâu thẳm tràn ngập yêu thương khắc khoải của một người con khi hoài nhớ về quê hương xa mờ. Chính tác giả cũng bày tỏ rằng với tập thơ đồ sộ và sang trọng như một tòa lâu đài thơ thì phần “Quê hương” là một trong ba phần mà thi sỹ muốn dâng tặng cho mọi người đầu tiên. Hai phần kia là tình yêu và đương đại với tất cả nhân tình thế thái đang ẩn hiện trước mặt.
Người về từ nẻo heo may – Tập thơ của Trần Chấn Uy – NXB Văn học năm 2022.
“Người về từ nẻo cỏ may” là tập thơ thứ 10 của nhà thơ Trần Chấn Uy (Hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam sống tại Nha Trang, Khánh Hòa) – nó tiếp nối tập thơ mùa trước có tên “Bóng làng”  cũng vô bề thế sang trọng làm sửng sốt bạn bè văn thơ cùng bạn đọc. Tập  thơ “Người về từ nẻo cỏ may” nhìn qua thì vẫn bề thế sang trọng và đồ sộ hơn 300 trang in trên giấy tốt với 125 bài thơ cùng 19 bài viết của bạn bè dành cho thi sỹ vì thế  nên giống như “tổng tập” một chặng đường vừa trải qua! Tuy nhiên thực tế đây chỉ là một thời gian cảm xúc sáng tác tiếp nối của thi sĩ vì với cảm hứng dạt dào, thi pháp nhuần nhuyễn như hiện nay thì ai cũng hiểu sẽ còn nhiều những “Người về từ nẻo cỏ may” nữa. Đó là điều chắc chắn với thi sĩ họ Trần.
Theo Trần Chấn Uy tập thơ lần này anh dành tất những tinh hoa nhất của kỹ thuật-chất liệu in ấn để ra một ấn phẩm toàn bích. Tất nhiên điều cốt yếu chính là hồn thơ mà tập sách chứa đựng mới là quan trọng và Trần Chấn Uy đã không làm cho người mở sách đọc thất vọng riêng với cá nhân tôi – người rất ngại đọc thơ (vì nghĩ hiếm thấy bài thơ hay) trên sách báo nhưng mở trang thơ của Trần Chấn Uy tôi đọc chân tình như đọc của: Anh Thơ, Đoàn Văn Cừ, Hàn Mặc Tử, Huy Cận, Lưu Trọng Lư… trong “Thi nhân Việt Nam”. Đây là điều bày tỏ thật không thấy ngại cho là sáo nịnh. Bởi thơ của Trần Chấn Uy tuy có  bút pháp rất vững vàng nhưng lời thơ uyển chuyển và giản dị gần gũi với người yêu thơ thiên về cảm xúc.
Đúng như lời của thi sĩ, Trần Chấn Uy đã đưa người đọc về miền quê ký ức suốt tuổi thơ đến tận bây giờ khi bóng mình đã thấp thoáng hoàng hôn. Với tất cả bờ cỏ, bông lúa, tiếng chim, côn trùng hay lảng bảng ráng chiều hay lấp lánh bình minh ở quê đều làm anh thổn thức lay động và làm thơ. Suốt mấy chục trang đầu thi sỹ như “quẩn quanh – lang thang-khắc khoải đêm ngày” với làng, với quê, với sông với cánh đồng vườn tược. Ta sẽ gặp: Hồn quê, Đêm ở làng, Tản mạn với hồn quê, Nhớ quê, Quê nghèo, Nhớ làng, Thăm làng, Về thăm sông La…với tất cả không gian sâu lắng, ám ảnh và thổn thức của người vừa nhớ vừa thương vừa buồn: “Người về từ nẻo cỏ may/ Con chuồn ớt bỗng làm cay mắt chiều/ Gần tàn một kiếp rong rêu/ Buồn mưa bán gió, bao nhiêu lỡ làng/ Con đò ghếch mũi sang ngang/ Cô đơn lèn chặt một khoang nắng đầy.”
Có lẽ hiếm thi sĩ đương đại đã đưa những điều bé nhỏ đầy mộc mạc của quê hương: tiếng chân trâu, tiếng chim hót hay tiếng côn trùng bước trên cỏ trên sương, hay âm thanh hư ảo của sự huyền diệu của giấc mơ… Tất đều  thành những câu thơ tinh tế như sương mai làm người đọc thấy thổn thức. Với hơn 1/ 3 dung lượng là “nẻo cỏ may” thực sự là bức tranh quê vừa đa dạng vừa chi tiết tới tỉ mỉ. Trần Chấn Uy từng là đạo diễn những bộ phim tài liệu rất ấn tượng bằng ngôn ngữ điện ảnh và lời bình sâu sắc thì ở “Người về từ nẻo cỏ may” này thực sự là bộ phim tài liệu lớn nhất của sự nghiệp nghệ thuật của mình bằng thi pháp ngôn ngữ thơ ca. Đọc những bài thơ có hơi hướng cổ điển làm cho người yêu thơ thấy như Anh Thơ, Đoàn Văn Cừ hay Lưu Trọng Lư đã trở lại nhưng với âm hưởng mới rất hiện đại. Đây là điều mà người đọc thấy ấm áp và như được sưởi một tình yêu với đất quê với cánh đồng ký ức của mình.
Nhà thơ Trần Chấn Uy với tập thơ Người về từ nẻo heo may
Ai đọc thơ của Trần Chấn Uy trong mọi bài thơ mọi câu thơ và những ý tưởng tinh tế của anh đều thấp thoáng hình dáng mỹ nhân, nói như Trần Viết Thiện trong thơ Trần Chấn Uy luôn có “Miền gái đẹp”. Hay như nhà thơ Lê Khánh Mai nhận xét, Trần Chấn Uy đa đình đa mang, viết về người đẹp, thơ Uy đậm ngôn ngữ thân thể đàn bá trong nhiều khoảnh khắc yêu, mà những người thiếu yêu, vốn yêu…nên thơ của của anh đậm khí chất “dương tính”. Nhưng với “Người về từ nẻo cỏ may” chúng ta sẽ có nhận thức khác bởi nhiều câu thơ, bài thơ rất tinh tế và tràn đầy hương vị tình yêu màu “cỏ may” : Ái lả, Bóng giai nhân, Đêm Thị Màu, Mơ, Lưới tình, Miền em, Cảm nhận: “ Duỗi cặp chân dài thăm thẳm/ Quằn quại vào hoang đêm? Môi hé nụ hồng/ Mắt khép cánh rừng hoang/ Ngực nhấp nhổm giấc mơ sính nở/ Em trôi tuột vào anh.”
Rạo rực, nồng cháy nhưng vẫn có những mảng  phả phất màu tình yêu giống Nguyễn Bính hay Xuân Diệu và cả Huy Cận. Đây là điều cực hay vì thơ của Trần Chấn Uy đã hợp nhịp với dòng chảy tâm hồn yêu của con người vừa hiện đại vừa mang mác cổ điển đầy xao xuyến. Được biết thơ tình của Trần Chấn Uy đã được các nhạc sỹ phổ nhạc rất nhiều nên anh nói vui có thể làm hẳn một đêm nhạc đồ sộ. Nói thế để hiểu rằng Trần Chấn Uy yêu người và yêu thơ biết chừng nào nên hạ bút xuống là đã ra cả một miền thơ yêu dào dạt như miền cỏ may bên sông đón nắng. Mảng tả cảnh, diễn cảm theo mùa theo vị thiên nhiên sắc trời quê hương với những miền đất mà bước chân thi sỹ đã qua có rất nhiều bài đặc sắc rất dịu dàng thơ mộng đầy lãng mạn : Bến thu, Thơ tình tháng hai, Hoa gạo tháng tư, Sen, Hương xưa, Chớm thu, Đêm Mèo Vạc, Mùa thu Hà Nội, Mắt biếc…
Thật xúc động, chỉ mới hôm qua thôi với hình ảnh những đoàn người, những gương mặt hay những âm thanh đau thương của dịch bệnh covid mà đã thổn thức trên trang thơ của Trần Chấn Uy. Có thể sau này lớp trẻ chưa hiểu chưa thấm nhưng đương đại thì thực sự rỉ máu với dòng thơ nóng hổi. Thật nhói lòng khi đọc những câu thơ đầy tính biểu tượng và hiện thực của âm thanh thăm thẳm tận cõi vĩnh hằng mà chỉ Trần Chấn Uy nghe được làm sửng sốt bất cứ ai giở đọc tập thơ này: Đại dịch, Giấc mơ nào không nước mắt, mồ hôi, điện thoại trong mùa dịch: “Tôi gọi nhiều cuộc điện thoại trong đỉnh dịch? Tín hiệu bị ngắt? Tôi gọi vào Zalo/ Những hồi chuông vẫn đổ/ Tín hiệu không kết nối âm phủ/ Tôi vào facebook/ Avatar bao  trùm một màu đen..”
Có thể nói những câu thơ đương đại pha trộn của Trần Chấn Uy thực sự thể hiện hết những cảm xúc vừa ngang tàng nhưng đầy nhân hậu và trách nhiệm của anh với cuộc sống với thời cuộc thời thế với hình ảnh làm anh hay mọi người không chấp nhận. Nhưng vào thơ anh tuy mạnh mẽ nhưng lấp lánh một sự tinh tế không chút thô mộc. Đây là điều rất tài của người nghệ sĩ.
Với gần 40 năm làm thi sĩ, Trần Chấn Uy vẫn hừng hực một khát vọng dâng hiến. Nếu như nhiều người coi thơ là chơi là vui thì với anh thơ là đạo là đời mà anh góp phần gánh vác vì thế mỗi tập thơ anh xuất bản đều thực sự là những thi phẩm xuất chúng trên mọi phương diện thi ca. Trần Chấn Uy xứng đáng là cây bút thơ lớn ở miền thùy dương  cát trắng Nha Trang, đó là tình yêu tràn đầy trái ngọt của tâm hồn tài hoa.
3/11/2022
Lê Đức Dương
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những ngày xưa không thể quên

Những ngày xưa không thể quên... Nếu ai đã từng đến Nha Trang, phải công nhận với tôi rằng biển ấy thật là đẹp. Một bãi biển dài thoai tho...