Thứ Ba, 3 tháng 12, 2024

Cát mặn - Truyện ngắn của Nguyễn Thị Phước

Cát mặn - Truyện ngắn
của Nguyễn Thị Phước

Nhà thơ, nhà văn Nguyễn Thị Phước sinh năm 1963 tại xã Diễn Xuân, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Bà đã xuất bản các tác phẩm: Mưa đầu hạ (thơ, in chung, 1993); Lời ru (thơ 1996); Lời cánh đồng (thơ 2001); Cho đồng thơm gió (thơ, 2005); Chuyến tàu tháng bảy (truyện ngắn, 1999); Gió mùa đi qua (truyện ngắn, 2007); Người tìm mật (bút ký 2005)…
Nguyễn Thị Phước đã được nhận các giải thưởng văn học: Ủy ban toàn quốc Liên hiệp VHNT Việt Nam, Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, Tạp chí Hồng Lĩnh, Tạp chí Xứ Thanh, Giải thưởng VHNT Nguyễn Du, Giải thưởng VHNT Hồ Xuân Hương, Cúp của Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ NN&PTNT,…
“Văn của Nguyễn Thị Phước tựa như một khu vườn mang nhiều hương vị, hương của các loài hoa, hương của những cọng cỏ nhành cây, hương của những loài sinh ra lớn lên trong vườn, mà tạo nên thứ hương vị mộc mạc của đất. Truyện của chị luôn đẩy người đọc xô lệch vào những miền khác biệt, dường như không có cố kết liên đới gì với nhau. Rồi vặn dần từng sợi kết nối, kéo gần lại. Và cơ bản là chị không màu mè câu chữ. Cứ mộc như đất mà cũng sâu như đất vậy” – nhà văn Võ Thị Xuân Hà nhận định.
Vanvn.vn trân trọng giới thiệu đến bạn đọc truyện ngắn Cát mặn của nhà văn Nguyễn Thị Phước.
Cửa sổ nơi tôi ngồi mỗi tuần năm ngày, nhân tám giờ vàng ngọc, nhìn ngay trân cửa sổ buồng ngủ của ngôi nhà bên kia đường – con đường vừa đủ hai chiếc xe tải khéo lách tránh nhau, thực ra lúc đầu là một cái ngõ cụt dài đúng hai trăm tám mươi bảy mét. Cứ đếm các ô màu mà nhân với mỗi màu bảy mét thì ra con số hai trăm tám mươi bảy ấy. Chẳng ai bóc ai đọc mà mỗi màu cứ tự nó bày ra xưng ra cái “gu” của chủ nhân, hoặc giả cái năng lực tài chính, và cái cách sử dụng đồng tiền của họ. Các bức tường, các ban – công, mái ngói, các tháp lớn tháp bé, các kiểu đắp… cũng rất khác nhau: có nhà toát lên vẻ uy quyền, nhà có vẻ là công chức biết “đánh quả”, nhà lại rõ ra là tay chơi hào hoa, sành sỏi, đường nét và màu sắc rất sang trọng; lại có nhà mang vẻ trọc phú thời hiện đại không giấu nổi cái rễ cái gốc nhà bần. Ngõ có nhà hai vị quan chức tầm cỡ của thành phố nên nó được người ta giải tỏa một khu tập thể công nhân để thông sang đại lộ Hàm Hoan.
Thành phố, từ gần chục năm trước đây, đã có một chủ trương tuyệt vời là xóa bỏ nhà ống, nghiêm cấm làm những cái hộp xi măng mỏng như hộp diêm, chèn kín sít, đều tắp. Thế là đường đẹp nhà đẹp, thành phố chỉ mấy năm đã có được vẻ trẻ trung, trang nhã, đường hoàng đi lên, chứ không vá víu tạt ngang tạt  ngửa và dị hợm như ở nhiều thành phố khác. Nhưng chuyện đất cát ở nước mình từ xưa đến giờ và nhất là bây giờ, cũng còn nhiều chuyện nhiều việc lắm. Duy cơ quan tôi, nhờ cái phố này thông mà xây thêm được bốn ki-ốt, loại “xịn” hẳn hoi. Chứ còn ngõ thì có xây cũng chẳng ma nào thuê mà lại thuê với cái giá trời ơi ấy! Quỹ công đoàn nhờ vậy hàng tháng được thu thu phát phát, ai nấy được thêm một ngày mặt nở như hoa hướng dương. Đàn ông thì ra chợ xách về cho vợ con gà, xong, quành xe vào cái quán bia vốn chiều nào cũng đông kín đàn ông. Đàn bà thì rủ nhau vào shop, hoặc lên chợ trung tâm, sắm cho mình hoặc cho con món hàng hiệu, rồi tất tả vào quầy thức ăn sẵn, vài ba túi ni-lông là xong. Chứ cũng chẳng ai làm giàu làm có gì! Cơ quan nào có mặt đường mà chẳng thế!
Phòng tôi ở cuối tầng hai, có hai cửa sổ mặt phố mới, vừa vặn đối diện với hai bộ cửa của ngôi nhà số 3 bên kia đường. Thế nên những gì diễn ra ở căn buồng ấy, nếu chủ nhân quên khép cửa, và tôi vô tình bất chợt nhìn sang – mà tôi thì lại hay nhìn qua cửa sổ lắm, để nghỉ dưỡng mắt, nhất là khi gặp những tập bản thảo “thơ đồng nội”, thơ ca tụng vĩ nhân, thơ “tâm trạng” hoặc bày tỏ lòng“yêu quê hương đất nước…” mà lại viết rất ẩu tả rất loằng ngoằng rất sai chính tả, ngữ pháp, mà vần điệu thì lại không tồi (thà nó tồi còn thấy dễ chịu!) – thì tôi đều thấy hết. Chẳng hạn, hễ có tiếng còi xe – tiếng còi xe tải, khoẻ, vừa dịu dàng vừa sốt ruột, thì vài phút sau bộ cửa chính bốn cánh lim màu cánh gián ở tầng một, được mở ra hai cánh  (bình thường nó đóng im ỉm, chỉ có cửa phụ là hay mở). Chừng mươi lăm phút sau thì cả cửa lớn cửa nhỏ đều đóng kín. Một cánh tay trần tròn trịa, trắng trẻo, bàn  tay nhỏ nhắn, thon dài, với ra khép hai cánh cửa sổ.
Con chó lai cao lớn, béo mượt, sau những phút mừng rỡ, vắt đuôi đến oằn cả mình, đã trở về chỗ nằm ở góc sân, bên cánh cổng sắt đã khóa. Thỉnh thoảng nó ngước về phía buồng ông bà chủ, giương tai nghe ngóng những động tĩnh phát ra từ đó. Nó hiểu là ông bà chủ lại đang yêu nhau. Tôi cứ suy từ cái chuyện yêu đương của con Bin nhà tôi thì biết. Hôm nào bị nhốt trong cổng mà thấy cái gã vàng loam nhoam ở ngõ 81 (nhà tôi ngõ 87) cứ sang săn đón, liếm láp, ngửi hít ả chó vàng thấp béo mũm mĩm và rất tơ non của nhà hàng xóm, là gã lồng lộn, gào rít, cào vào cánh cổng sắt đến tróc cả sơn. Đợi tôi mở cổng dắt xe vào là nó bắn người ra, nhảy xổ vào kẻ tình địch. Hai hàm răng kinh khiếp của nó ngoạm cứng vào cổ đối phương. Hai chân trước của nó cào cấu, muốn kẹp con kia lại mà cắn xé. Đúng là chó cậy gần nhà! Nhưng gã kia cũng không phải tay vừa. Nó cũng cao lớn và rất khoẻ. Sau khi chịu đựng vài cú đòn cho phải phép là thân phận kẻ chiếm đoạt, nó bắt đầu đánh trả dữ dội. Có thể nó phải tự vệ trước một con đực đang điên cuồng vì ghen tuông, nhưng cũng có thể nó phải bảo vệ tư thế của nó trước mắt ả người tình mới của nó. Lúc đó cuộc chiến mới thật khốc liệt. Những hàm răng nhọn hoắt trắng lóa liên tiếp cắm vào mình nhau, những cái móng vuốt cào vào mặt nhau. Và ánh mắt căm hờn mới thật là kinh sợ. Ả chó cái run rẩy lùi vào cổng nhà mình đứng ngó hai con đực mà nó đều yêu thích, cắn xé, lăn xả vào nhau. Đúng là đồ chó cái! Mới buổi sáng còn không chịu rứt khỏi con Bin khi tôi đuổi Bin vào để khoá cổng, trưa, nó đã liếm láp, thèm thuồng, và đứng yên để con đực khác ôm ngang lưng nó mà nhảy, và có lẽ cả hai mệt nhoài rồi mà vẫn đứng bất động chứ không chịu bứt khỏi nhau…
Cuộc chiến rồi cũng kết thúc khi một con đực bỏ chạy, hoặc có con người can thiệp vào (tôi chỉ dám lại gần khi đã tìm được một cây sào dài). Thường thì kẻ xâm lược bỏ chạy trước. Có thể vì nó sợ người bệnh vực chó nhà, cũng có thể nó đuối sức hơn vì vừa mới yêu một trận điên cuồng. Nhưng cả hai con đều máu me, tơi tả… Có một dạo, con Bin bỏ ăn mấy ngày. Tôi trộn cơm cá thật ngon, thứ cá mua cho người và đắt nhất chợ cổng thành, nhưng ghé tận mũi dỗ dành mãi mà nó vẫn không ngửi. Nó nằm yên lặng, nước mắt rỉ ra, người gầy mòn. Tôi mua thuốc về hòa vào nước, nó không cho đổ. Định bụng ngày hôm sau mời bác sĩ thú y về tiêm, thì… trời ạ! Tối hôm đó nó ăn hết tô cơm cá. Và tôi nhìn thấy ả vàng đứng dí mũi vào cánh cổng sắt đã khóa, ánh mắt van vỉ, khẩn cầu, đầy vẻ hối hận. Tôi chợt hiểu tất cả! Thế là tôi mở cổng cho chúng gặp nhau. Con Bin dè dặt bước ra. Ả Vàng dịu dàng đi quanh nó, âu yếm, mơn trớn. Và một lúc sau, con Bin đã trở lại phong độ cũ, có khi còn dũng mãnh hơn. Nó yêu như người ta đói khát lâu ngày ăn, trả bữa? Nó yêu như muốn bắt con vàng phải trả món nợ đã bỏ nó chạy theo kẻ thù của nó? Hay đơn giản nó yêu chỉ vì nó thèm khát yêu?
Con chó lai ở ngôi nhà số 3, có lẽ còn khôn hơn cả con Bin nhà tôi. Nó chỉ không biết nói thôi! Tôi thấy khi những cánh cửa được mở ra, nó vụt đứng dậy, lại vắt đuôi mừng, nhưng bây giờ có chút giận dỗi, ghen tị. Có lẽ nó là phận chó lai, ăn sung ở sướng hơn chó khác, nhưng lại phải ngoan ngoãn hơn trung thành hơn, giỏi nghề bảo vệ hơn, vì thế nó không dám hạ mình chạy rông để tìm đàn bà như bọn kia.
Có hôm nhìn sang tôi lại bắt gặp bà mẹ trẻ, một phụ nữ trắng trẻo, úp mặt vào giữa hai cái đùi nồng nỗng có ngấn, có cái tí hin xinh xinh như trái ớt của thằng bé con chừng hai tuổi trắng múp míp. Hai mẹ con cười khinh khích cả giờ. Tôi nhìn hai mẹ con họ chơi cũng không thấy chán. Thằng bé, tiếng cười trong và giòn như gõ ngọc vào nhau. Bà mẹ, vẻ mặt mãn nguyện như kẻ no nê mọi thứ, chẳng nói chẳng rằng, nằm dang tay bên con, thở. Có lần, tôi lại thấy chị ôm con ngồi trên giường, nhìn ra cửa sổ, vẻ mặt bất động. Cả khuôn cằm, cần cổ và ngực chị, cả thế ngồi như đức Phật ngự đài sen, làm thành một cái tổ cặp chặt lấy đứa con, trông như một bức phù điêu tuyệt đẹp. Tôi tưởng thằng bé ngủ, hóa ra không phải. Nó ngồi im thít, cứ như sợ rằng hễ nó cựa quậy là mẹ sẽ thay đổi tư thế. Có lẽ nó thích được mẹ nó bựng chặt lấy như vậy. Mặt nó ngẩn ra như thế vì hạnh phúc hay đang mải nghĩ? Một đứa trẻ lên hai thì nghĩ những gì? Có thể nó nghĩ đến bố nó, người lái xe tải. Tôi đã nhìn thấy anh ta chơi với con thì kéo tuột quần nó xuống, dụi cằm vào cái chỗ mẹ nó vẫn úp mặt vào để cù nó, rồi lại phùng miệng thổi bạch bạch vào bụng nó. Thằng bé cũng cười rằng rặc, nhưng có vẻ là cười gượng để lấy lòng bố, vì nó không cười thành tràng thật giòn, thật trong như khi mẹ nó cù. Có lẽ bố nó làm nó đau chứ không buồn, không nhột, không an lành sung sướng.
Một lần, có lẽ chị hàng xóm “của tôi”, chủ quan vì biết căn phòng phía trước mặt chỉ có một người đàn bà, mà công sở đã hết giờ làm từ lâu, chị cứ đứng hướng mặt ra cửa sổ mở toang mà thay áo. Tôi bất ngờ đến sững ra trước cặp vú tròn mẩy trắng nõn của chị và phần thân thể thon gọn nhưng đầy đặn và có vẻ săn chắc. Tôi thì lạ gì cơ thể đàn bà! Phim ảnh bây giờ đâu có tiết kiệm da thịt phụ nữ. Hồi sinh viên, bọn con gái chúng tôi toàn phải tắm chung vì mấy trăm nữ sinh chỉ có bốn cái buồng tắm, cửa là mấy miếng cót rách ngược rách xuôi. Hồi bé ở làng, các bà các chị chuyên tắm sông, tắm giếng làng, toàn nhờ bọn tôi kỳ lưng, ai xấu đẹp thế nào chúng tôi biết cả. Ôi cái giếng làng tôi, trong vắt, mát lạnh, chẳng bao giờ cạn. Ruộng đồng nứt nẻ, giếng to giếng nhỏ trong làng cạn hết, vậy mà cả xóm ra gánh, rửa, giặt giũ, nó vẫn gắng gỏi để không cạn. Đến khuya, có hôm chỉ múc được lưng gàu, sáng ra nước lại đã đầy giếng. Giá như cái giếng ấy bây giờ vẫn còn, những người làng tôi phải đi xa nhất định sẽ chăm về quê hơn.
Mấy chục năm nay, tôi chưa bao giờ được múc một gàu nước từ một cái giếng như vậy, cũng chưa bao giờ thấy một vầng trăng đẹp như vầng trăng dưới đáy giếng làng mình… Không biết có kẻ nhìn trộm, chị chậm rãi xỏ từng cánh tay vào áo, sửa sang cổ áo rồi chậm rãi cài cúc, từng chiếc một, từ dưới lên. Vừa làm chị vừa ngắm ngực mình. Hai cái bầu gọn ghẽ, thanh tân! Không mặc áo lót ngực! Tôi chưa nhìn thấy tận mắt bộ ngực nào đẹp như thế. Gần ba năm nay, tôi quan sát chị nhưng lại không để ý đến chị lắm. Cũng vóc mai, da trắng, mắt to, miệng rộng, mặt hơi gầy… tức là tôi thấy chị cũng đẹp, nhưng đẹp vừa thôi, chẳng có gì ghê gớm. Chỉ từ hôm tôi “nhìn phải” phần cơ thể chị và bộ ngực mê ly ấy, tôi mới bắt đầu để ý. Rõ ràng là tôi có mắt như mù! Thế này mới gọi là đẹp! Chứ không phải kiểu phụ nữ mặt trái bầu, trái xoan hay mặt nguyệt, môi mòng mọng đỏ chót hình tim run run hé mở, mắt đen mi dài chớp chớp búp bê… Gã lái xe, tưởng loại vai u thịt bắp, hóa ra hắn cũng “bợm” thật! Hay là hắn mèo mù vớ cá rán? Có khi bà vợ không biết mình đẹp đến thế đâu! Cái miệng rộng mà càng nhìn càng thấy nó vừa sang, vừa kín đáo lại đa tình, không nhìn thì thôi, nhìn rồi là bị hút mắt vào, hút hết hồn vía. Nhưng mà mắt mũi tầm thường như tôi, chỉ nhìn lướt qua thì không thấy gì là phải. Chị ta rất giản dị. Chẳng mấy khi thấy son phấn. Có thể chị ta rất biết mình đẹp, giản dị một cách cố ý là cách chơi sang, làm tăng vẻ quyến rũ, lại tránh được cặp mắt đói khát của bọn phàm phu tục tử chăng?
***
Người đàn bà ngồi trước mặt tôi, rõ ràng tôi chưa gặp ở đâu, sao cứ thấy quen quen. Chị giống một ai đó! Tôi cố vắt óc mà không nghĩ ra. Càng cố nghĩ lại càng  không biết chị giống ai. Cao lớn. Trắng trẻo. Bôi phấn hơi dày nhưng nhìn vẫn biết da trắng. Màu son hơi gắt. không son phấn có lẽ trông chị sẽ dễ coi hơn. Chị ngồi có vẻ ngượng ngùng. Tôi đoán chị đến gửi bài, sẽ nói rằng nhờ tôi đọc hộ, được thì in không thì thôi, và tôi cứ biên tập thoải mái. Tôi cảm giác hồi hộp như cầm chiếc phong bì nét chữ lạ. Hoặc là tôi sắp bắt được một chùm quả chín lâu nay “lấp lá”, với những ý tưởng và câu chữ bất ngờ. Hoặc là chị sắp đưa một cuốn vở học trò chép đầy kín, có bài dài vài ba trang, chủ yếu là diễn ca, là ca dao ca ngợi đất nước, quê hương đang đổi mới, ca ngợi cái võng gai, bờ rào dâm bụt…
Chị vẫn tỏ ra lúng túng. Chắc là lần đầu tiên đến một tòa soạn báo? Tôi chờ chị đặt vấn đề để nói với chị rằng nếu bài chị viết hay thì tôi mừng như vớ được của trời cho, và sẽ in ngay, và chúng tôi rất biết ơn chị, còn nếu… Và rằng, tôi có không nhiều thời gian, không đọc nổi cả quyển thế này, chị nên chọn lấy vài dăm bài vừa ý nhất mà gửi, rằng bài không đăng được thì không trả lại bản thảo, cũng không trả lời từng người được, vì người làm thơ, làm báo bây giờ cũng rất nhiều, vân vân…
Chị không nhìn tôi mà nhìn ra cửa sổ. Bất ngờ, chị đứng dậy, đến bên cửa sổ, khép bớt cánh vào, rồi đến ngồi sát vào tôi trên ghế salon, thầm thì:
– Cho chị ngồi nhờ một tí! Chồng chị là lái xe, theo con đĩ bên nớ. Hắn xây nhà cho con đó rồi ở đây, tháng chỉ về chị vài ngày. Người làng chị đi mua đồng nát, nhận ra xe nhà chị. Ba năm rồi, giờ chị mới biết. Bọn họ đã có con với nhau. Con trai…
Chị nói một mạch, rồi nghẹn ngào quá mới dừng lại. Tôi nhạc nhiên, ngồi ngây như khúc gỗ.
Chị rút khăn lau mắt, rồi quả quyết:
– Chị sẽ bắt quả tang, cho khỏi già mồm. Khốn nạn! Rứa mà chị đã hầu hạ hắn, đã cung phụng hắn như vua bao nhiêu năm ni rồi. Lần ni chị sẽ cho bọn hắn biết tay!
Tôi không biết nói gì, đành vu vơ:
– Đàn ông cũng lạ thật! Vợ đẹp thế này mà còn theo gái. Có khi lại lú lẫn vì cái đứa không đáng xách guốc cho vợ mình!
Chị nhìn tôi, vẻ cảm tình lộ rõ trong mắt. Tôi đã nói đúng cái điều mà các bà vợ bị phụ tình muốn nghe. Chị đẹp, chị duyên. Chị trẻ hơn tuổi. Hồi con gái chắc nhiều anh mê chị lắm… Ừ! rứa mà chị đã chọn hắn để bây giờ khốn khổ, ra thân con dại rồi! Chị chết mất! Chị không thiết sống nữa!… Nếu là cách đây vài tuần, thì điều tôi vừa nói là hoàn toàn thật lòng. Chị, một người đàn bà đầy sức sống, chỗ nào cũng căng tròn. Loèo khoèo như tôi, nhìn thấy cũng thèm. Thèm được một góc cái vẻ phồn thực của chị! Nhưng bây giờ, khi tôi đã ngắm kỹ người đàn bà bên kia, đã thực mục sở thị một nửa thân thể chị ta, thì đấy chỉ là những lời nói dối. Chị cũng đẹp, nhưng là vẻ đẹp từa tựa như tôi vẫn thấy ở ngoài đường ngoài phố kia. Còn chị ta, đẹp không giống ai. Vẻ duyên dáng thầm kín cao sang không ai bắt chước được. Chưa kể bộ ngực tuyệt mỹ mà hai quả bầu quá cỡ của chị không thể sánh được, chỉ cần đôi cánh tay mềm mại thon thả của chị ta… – không riêng chồng chị, thằng đàn ông nào được đôi cánh tay ấy cuốn chặt một lần, thì sẽ phải khát nhớ một đời, thì sẽ không quên được, sẽ u mê và chẳng ai gỡ ra nổi!
Nhưng tôi còn biết nói gì với chị? Lòng tự trọng của chị bị tổn thương và nó cần được vuốt ve, chỉ có lời nói dối là giúp được chị lúc này!
Tôi ngồi sang nơi khác, tránh hẳn để cho chị tự do. Chị vẫn nhìn sang đường một cách chăm chú, quyết liệt. Chị không để ý đến giờ tan sở. Tôi muốn khuyên chị bỏ cuộc không phải vì vội về. Nếu chị làm điều gì đó thì chị sẽ mất hẳn chồng, con chị sẽ phải xa bố thôi. Nhưng tôi cũng biết rõ, người đàn bà bị xúc phạm, sẵn sàng đổi tất cả những gì mình có lấy một khoảnh khắc được trả hận. Trả hận được rồi thì mình còn lại gì thì không ai nghĩ đến. Đức Phật dạy, còn ái là còn khổ. Vậy chị chỉ có một cách để hết khổ thôi! Người đàn ông ấy của chị, bây giờ là cát mặn trong tường nhà vậy. Nếu chị không đập hết để xây lại, thì hãy chấp nhận những bức tường sủi mốc bong sơn… Nhưng tôi biết, chị chẳng tin đâu. Tôi cũng đã chẳng tin, chẳng nghe lời ai và cả lời tôi! Hỏi có ai tin nghe lời người ngoài cuộc. Chỉ có thời gian sẽ giúp ta được…
Trời tối hẳn, ngoài phố đã sáng đèn. Người phụ nữ ngượng ngùng xin lỗi vì đã khiến tôi về muộn. Tôi vừa ái ngại cho chị, vừa mừng cho cả hai người đàn bà. Nhưng chị vẫn nắm tay tôi, khẩn khoản nhét vào tay tôi chiếc phong bì.
– Em ở đây, nhất định giúp chị được. Chị gửi chút quà cho cháu. Trên này có số điện thoại của chị. Nếu em thấy lão ấy về đây thì phôn cho chị. Chỉ vài tiếng sau là chị có mặt. Nhất định phải cho nó tan nát rồi muốn ra sao thì ra. Chị hận lắm… Và chị lại nấc lên.
Tôi nắm tay chị, bóp nhẹ, và trả lại chị những tờ bạc, chỉ giữ lại cái vỏ phong bì. Em sẽ giúp chị. Để chị tận mắt nhìn, cho “ra ngô, ra khoai”. Dù không bỏ được hắn thì chị cũng khỏi phải cúc cung tận tụy phục dịch hắn…
Tôi còn có một ý tưởng chợt đến, nó khiến tôi khinh ghét chính tôi: rằng tôi sẽ ghi lại hình ảnh một người đàn bà đang biến thành hổ cái, cắn xé, có lẽ không phải kẻ tình địch, mà là chính con đực của mình. Có giống như con Bin nhảy xổ vào gã chó vện? Và tôi sẽ tặng đoạn phim ấy cho cái người đã làm tôi đau đớn tưởng có thể chết đi được! Ôi! lâu nay tôi cứ ngỡ mình sắp vào được cõi an lạc. Những bài tập Yoga tôi cho la đạt được bậc bẩy rồi cơ đấy! Đi mãi mà không thoát khỏi chữ “khổ” được là làm sao? Hóa ra tôi vẫn còn một hạt sạn trong lòng chưa tan được.
Một tháng sau, tôi còn bắt gặp chiếc xe tải ấy đậu ở cổng số 3 thêm mấy lần, nhưng tôi vẫn nấn ná chưa gọi cho chị, thì một sáng, tôi nhận được một chiếc phong bì với nét chữ lạ. Không phải thơ. Nhưng với tôi, nó giống một bài thơ.
“Em ạ. Chị cảm ơn em đã có ý muốn giúp chị. Nhưng chị nghĩ lại rồi. Chị phải để các con chị được sống và lớn lên bình thường cho đến khi chúng nó có thể chia sẻ với mẹ câu chuyện đầy đau khổ này. Không biết chị có chịu nổi đến lúc đó không. Sức mình cũng có hạn mà! Nhưng chịu được ngày nào thì cố ngày đó. Chị nghĩ là anh ta và cả cái cô gái rất đẹp và trẻ ấy, cũng chẳng sung sướng gì đâu!
Thôi, lúc nào có dịp vào chị chơi nói chuyện nhé. Đến bến xe Cát Mặn hỏi chị Toàn bán hàng bách hóa, ai cũng biết. À, không thôi, em cứ gọi vào di động, chị sẽ ra đón. Lần nữa cảm ơn em và chúc em vui khỏe. Toàn”.
16/11/2022
Nguyễn Thị Phước
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Một buổi tối ám ảnh ở Boston

Một buổi tối ám ảnh ở Boston Một trong những bài thơ nổi tiếng của ông là bài Chơi bóng rổ với Việt cộng. Bài thơ này viết tặng nhà văn Ng...