Thứ Tư, 1 tháng 1, 2025

Bằng chứng về thói tự thị của một người hay chữ lỏng

Bằng chứng về thói tự thị
của một người hay chữ lỏng

Nhân đọc đoạn văn bà Thụy Khê phê bình tôi trong sách Phê bình văn học thế kỷ XX, NXB Hội Nhà văn, 2017.
Cuốn sách Phê bình văn học thế kỉ XX của Thụy Khuê, NXB Hội Nhà văn 2017, là một cuốn sách được đón chào rôm rả. Tôi được tặng một cuốn, đọc qua các bài viết về trường phái hình thức Nga và về Bakhtin, tôi biết bà chưa nắm vấn đề. Tôi cũng không hứng thú bàn về cuốn sách này. Nhưng ở chương 4, bàn về “Phê bình phân tâm học của Freud”, bà có nhã ý phê bình và dạy tôi một bài học. Toàn văn đoạn bà phê bình tôi như sau:
“Nhưng đáng buồn nhất là hiện tượng hiểu sai phân tâm học Freud, hiểu sai phê bình phân tâm học của Freud, mặc dù có sự cảnh báo của Nguyễn Văn Trung, vẫn kéo dài đến ngày nay và có vẻ còn tô đậm hơn, đưa tới những tuyên bố sai lầm về tình hình phê bình phân tâm học của Tây phương, như lời sau đây của Trần Đình Sử:
“Phê bình phân tâm học là một trường phái phê bình rất thịnh hành ở phương Tây ở nửa đầu thế kỉ XX. Sức ảnh hưởng của nó đối với phê bình văn học phương Tây đương thời có thể nói không phương pháp phê bình văn học nào sánh được. Cội nguồn của nó không ngoài phân tâm học của bác sĩ người Áo S. Freud và của nhà tâm lí học phân tích người Thụy Sĩ là K. Jung (…) Hai lí thuyết này thực sự đã trở thành làn sóng mạnh mẽ, cuốn theo cả phong trào phê bình văn học phương Tây, làm xuất hiện nhiều tên tuổi nổi tiếng như Ch. Baudouin, Ch. Mauron, P. Guiraud, G. Bachelard… Theo nhận xét của P. Guiraud thì “không một nhà phê bình văn học hay nghiên cứu phong cách học hiện đại nào có tầm cỡ mà không chịu ảnh hưởng của phân tâm học, cũng như lí thuyết mẫu cổ của Jung thì đó là chỗ dựa của toàn bộ nền phê bình chủ đề học hiện đại. Từ L. Spitzer đến G. Bachelard (…)”. Quả đúng như thế. Ngay J. P. Sartre khi nghiên cứu sự hình thành cá tính sáng tạo của Flaubert với phương pháp “vận động thường xuyên từ tác phẩm đến con người và từ con người đến tác phẩm”, ông đã chú ý đến lịch sử phát triển thần kinh của nhà văn, mà đặc biệt là cái vô thức thời thơ ấu” (Trần Đình Sử, “Đỗ Lai Thúy và bút pháp của sự ham muốn”, in trong tập sách cùng tên, NXB Tri Thức, Hà Nội, 2009, tr.7-8)
Không hiểu tại sao chỉ một đoạn văn ngắn như vậy mà lại chứa nhiều cái sai như vậy?
Thực ra, phê bình phân tâm của Freud chưa bao giờ có ảnh hưởng đến độ không phương pháp phê bình văn học nào sánh được, vì có mấy ai biết đến những bài phê bình của Freud mà chúng tôi vừa giới thiệu ở trên đâu, trừ một số rất ít người nghiên cứu văn học.
Baudouin và Mauron, tuy được coi là hai nhà phê bình phân tâm, cũng không làm việc theo lối Freud, mà họ chỉ ghép một số khái niệm của Freud, hòa với những lập thuyết khác, để hình thành lý thuyết văn học của họ và họ cũng không có ảnh hưởng gì lớn trong phê bình văn học thế kỉ XX.
Spitzer không dính líu gì đến phân tâm học (xem chương 10, Leo Spitzer).
Tuy phê bình phân tâm vật chất của Bachelard và phê bình phân tâm hiện sinh của Sartre, đều có chữ phân tâm, nhưng cũng không dính dáng gì đến Freud cả, chữ phân tâm này chỉ có nghĩa là phân tích cặn kẽ (xem chương 13 và 14, về Sartre và Bachelard).
Riêng Sartre, sự phủ nhận vô thức của Freud, đã rành rành trong cuốn Hữu thể và Vô thể, mà chúng tôi vưà trình bày ở trên.
Qua những điều này, ta có thể rút ra bài học: thà rằng ta không viết gì về Freud, còn hơn là ta viết mà không đọc ông, hoặc viết theo những những điều “nghe nói”, hoặc trích những tác giả không rành rẽ vấn đề. Làm như vậy rất hại cho cho những bạn đọc trẻ, bởi vì ta hướng họ theo những lầm lạc của ta. Sự lầm lẫn về Freud, từ những năm 40 của thế kỉ trước, tưởng đã đến lúc nên được chấm dứt.” (Phê bình văn học thế kỉ XX, 2017, tr. 133-134). Đó là toàn văn đoạn bà Thụy Khuê phê bình tôi trong sách của bà.
Bây giờ tôi xin nêu ý kiến của tôi.
Trong đoạn văn trên, tôi chỉ nói về một vấn đề: ảnh hưởng của phân tâm học (cả Freud và K. Jung) đối với phê bình văn học, chứ không bàn gì liên quan tới bản chất tư tưởng của Freud, về phê bình của Freud. Tôi không quan tâm, bởi tôi không đi theo hướng phân tâm học. Sở dĩ tôi đề cập ảnh hưởng này bởi vì tôi đang nói tới phê bình của Đỗ Lai Thúy. Phân tâm học đã trở thành một trào lưu nghiên cứu, phê bình văn học của thế kỉ XX, không ai là không thừa nhận. Vào thời điểm đầu thế kỉ XX thì đúng là không có phương pháp nào sánh được. Cho đến nay, không một sách nào nói về phê bình văn học thế kỉ XX mà không nhắc đến phê bình phân tâm học. Từ sách Nhập môn lí luận văn học (University of Minnesota Press, 1983) của Terry Eagleton đến sách Phê bình văn học thế kỉ XX (La Critique littéraire au XXe siècle, Belfond, 1987) của Jean-Yves Tadié năm 1987 và tất cả các sách khác về lịch sử phê bình văn học thế kỉ XX. Để nói cho gọn, tôi đã lấy ý kiến của Pierre Guiraud mà tôi đã trích rất dài và có ghi xuất xứ hẳn hoi. Câu đó đã cho thấy phân tâm học đương thời (kể cả Freud và Jung), từ đầu thế kỉ cho đến những năm 60, 70 không phương pháp phê bình văn học nào sánh được và trở thành trường phái từ năm 1939. Và từ đấy cũng đã lan sang nước ta. Xin trích thêm một câu nữa của bà A. Clancier, người nghiên cứu vai trò của phân tâm học trong phê bình văn học: “Freud đã mở ra những con đường mới trước phê bình văn học” và bà khẳng định: “về thực chất, hầu như không còn một nhà phê bình văn học nào mà ít hoặc nhiều không bị tác động bởi những phát hiện của Freud, mặc dù tác động này không phải bao giờ cũng trực tiếp, và không phải bao giờ cũng được họ thừa nhận.” (A. Clancier, Psychanalyse et critique littéraire, Privat, 1973, p. 30, TĐS nhấn mạnh). Thử hỏi có phương pháp phê bình văn học nào mà thu hút được hầu hết sự quan tâm của các nhà phê bình văn học đến như vậy? Đến Roland Barthes trong bài Phê bình là gì (“Qu’est-ce que la critique?”, trong Essais critiques, Seuil, 1964, pp. 252-257) cũng đã nói: “Có dòng phê bình phân tâm theo tư tưởng Freud mà đại biểu ưu tú nhất ở Pháp hiện nay ai cũng thấy là Charles Mauron (những công trình về Racine và Mallarmé). Nhưng ở đây, giống như phê bình mac-xit, có hiệu quả hơn cả lại hoá ra là nhánh phân tâm học “ngoại biên” của G. Bachelard”.
Ảnh hưởng ở đây có trực tiếp, gián tiếp, công khai hoặc không công khai, ít hoặc nhiều. Hiểu đúng là chịu ảnh hưởng, mà hiểu sai cũng là ảnh hưởng. Tiếp nhận nguyên xi là ảnh hưởng, mà biến hóa thêm thắt cũng là ảnh hưởng.
Để chứng minh là tôi sai, bà Thụy Khuê nói rằng trên thế giới rất ít người đọc các bài phê bình của Freud bà đã giới thiệu. Đó thực là một ngộ nhận lớn. Có ai thực sự nghiên cứu phân tâm học mà không đọc? Xin bà cho biết chứng cứ?
Để chứng minh tôi sai, bà cho rằng ông Pierre Guiraud mà tôi trích dẫn là “người không rành rẽ.” Nhưng xin bà đừng dìm người khác ý kiến với mình, cả Guiraud lẫn Lancier đều được giới thiệu và nêu tên trong cuốn Phê bình văn học thế kỉ XX của Jean-Yves Tadié (1987) như là những tác giả phê bình thế kỉ XX. Ông P. Guiraud là người nghiên cứu phong cách học theo lối thống kê học, là người nêu ra cách tìm từ chìa khóa để xác định phong cách nhà văn, còn Lancier là người đầu tiên hệ thống hóa và nghiên cứu về trường phái phân tâm học. Không phải ai cũng được nhắc tên trong cuốn sách của Tadié đâu. Giữa bà Thụy Khuê và hai nhà học giả Pháp, dĩ nhiên tôi tin họ hơn bà. Bà Thụy Khuê phủ nhận ý kiến của Guiraud và của tôi, thì tất nhiên bà phải phủ nhận hết những ai mà tôi đã nêu tên là có chịu ảnh hưởng của phân tâm học Freud.
Kì cục nhất là Ch. Baudouin và Ch. Mauron là hai nhà phân tâm học rất nổi tiếng, mà trên kia R. Barthes đã khen công trình của Ch. Mauron về Racine và Mallarmé, thì bà Thụy Khuê lại phủ nhận họ là người chịu ảnh hưởng của Freud. Bà lập luận: “Baudouin và Mauron, tuy được coi là hai nhà phê bình phân tâm, cũng không làm việc theo lối Freud, mà họ chỉ ghép một số khái niệm của Freud, hòa với những lập thuyết khác, để hình thành lý thuyết văn học của họ và họ cũng không có ảnh hưởng gì lớn trong phê bình văn học thế kỉ XX.” Ý của câu này là gì? Là họ không chiụ ảnh hưởng của Freud chăng? Cách giải thích của bà Thụy Khuê chứng tỏ bà không hiểu thế nào là ảnh hưởng. Có phải chỉ chuyên học một món Freud mới là chịu ảnh hưởng đâu, có một chút Freud rồi pha thêm cái khác vẫn là chịu ảnh hưởng. Vậy tôi nói có sai đâu?
Điều nhận định của bà Thụy Khuê hoàn toàn trái với Tadié. Hãy giở sách của ông này, ở chương về phân tâm học, thì sau Freud là đến các mục viết về hai ông này, mỗi ông một mục riêng, đủ thấy vị trí của họ trong phân tâm học.
Vậy các ông Léo Spitzer và Gaston Bachelard có chịu ảnh hưởng của phân tâm học không? Rất tiếc khi trích dẫn lại đoạn văn của tôi, bà Thụy Khuê không biết vì lí do gì mà đã cắt bỏ đi một đoạn quan trọng của P. Guiraud giải thích vấn đề này như sau: “Từ L. Spitzer đến G. Bachelard phong cách học phát sinh ít nhiều đều công khai thừa nhận mối liên hệ của mình đối với phân tâm học, đồng thời phê bình phân tâm học của Ch. Mauron hoàn toàn dựa trên các mô hình phân tâm học được biểu hiện một cách lộ liễu.” Câu này cho thấy Spitzer và Bachelard đã thừa nhận có liên hệ ít nhiều với phân tâm học. Chắc chắn Guiraud có căn cứ khi viết điều này, và ông ấy sẽ chịu trách nhiệm. Trên kia Roland Barthes cũng đã nói Bachelard là “phân tâm học ngoại vi”. Trong sách Phân tâm học về lửa (La Psychanalyse du feu, Gallimard, 1949), Bachelard đã dùng chữ “phân tâm học” và chữ “mặc cảm”, ông còn viết “mặc cảm Promethéus là mặc cảm Oedipe về mặt tinh thần” đều là chữ của Freud cả. Theo quan điểm của tôi, trong khoa học, dùng một chữ của người ta cũng là chịu ảnh hưởng của người ta. Trong khoa học các nhận định thường thay đổi theo thời gian là lẽ thường, đâu phải lúc nào cũng chỉ có một chân lí duy nhất, theo kiểu, hễ bà Thụy Khuê đúng, thì ai khác với bà đều sai? Nếu bà Thụy Khuê có ý kiến khác thì xin mời tranh luận ông với P. Guiraud trên diễn đàn Pháp. Tôi là người nghiên cứu ở Việt Nam, tôi lại không chuyên về phân tâm học thì tôi sử dụng tư liệu gián tiếp cũng là chuyện bình thường.
Vây J. P. Sartre có chịu ảnh hưởng của phân tâm học không? Trong bài về Đỗ Lai Thúy tôi đã viết: “J. P. Sartre khi nghiên cứu sự hình thành cá tính sáng tạo của G. Flaubert với phương pháp “vận động thường xuyên từ tác phẩm đến con người và từ con người đến tác phẩm”, ông đã chú ý đến lịch sử phát triển thần kinh của nhà văn, mà đặc biệt là cái vô thức thời thơ ấu.” Đây là tôi lấy ý kiến của nhà nghiên cứu Nga Z. I. Khovanskaya trong sách Phân tích tác phẩm văn học trong ngữ văn Pháp hiện đại (Nxb Đại học, M. 1980, tr. 48). Ở đây đề cập đến tác phẩm L’Idiot de la famille của Sartre viết vào những năm cuối đời, lúc này ông đã yếu, đề cập đến ngày thơ ấu của nhà văn G. Flaubert. Bà Thụy Khuê phủ nhận điều này bằng cách chứng minh rằng trong triết học Sartre đã phủ nhận vô thức. Tôi cho rằng trong triết học có thể là thế, mà trong nghiên cứu văn học không hẳn như thế. Con người ta rất phức tạp. Tôi chưa thấy bà Thụy Khuê phân tích tác phẩm này để bác bỏ, cho nên có thể coi lời phê bình của bà là vô hiệu.
Việc bà Thụy Khuê phủ nhận hết những người chịu ảnh hưởng của Freud mà tôi nêu sẽ dẫn đến điều gì? Khi bà cố tình phủ nhận hết những ai chịu ảnh hưởng của Freud thì tất nhiên là sẽ không có trường phái phân tâm học nào hết mà chỉ có trơ trọi một ông Freud. Những người Việt Nam từ đầu thế kỉ XX đã hiểu sai Freud, đến chúng tôi sau này cũng hiểu sai hết, mà hiểu sai nặng hơn! Chỉ một mình bà Thụy Khê hiểu đúng. (Nhưng ai đảm bảo bà Khuê hiểu đúng? Qua lối tư duy khoa học ở chương 4 này, thì tôi hoài nghi khả năng hiểu của bà.) Và do đó trên thế giới, theo cách hiểu của bà, không hề có trào lưu phê bình phân tâm học, mà chỉ có “Phê bình phân tâm học của Freud” mà thôi. Đó chính là cái tên của chương 4 trong cuốn sách đồ sộ của bà Thụy Khuê viết về phê bình văn học thế kỉ XX! Tên chương này thể hiện nhận thức sai lầm phi khoa học của bà về phê bình phân tâm học. Bởi vì Freud trước hết là nhà phân tâm học, bác sĩ tâm thần học, ông chưa bao giờ là nhà phê bình văn học thực sự. Ông nghiên cứu văn học chủ yếu để minh họa cho lí thuyết phân tâm của ông. Còn các nhà phê bình văn học phân tâm học thì khác, họ vận dụng một số nguyên lí của ông để giải quyết các vấn đề của bản thân văn học. Đáng lẽ phải viết về họ thì bà lại bỏ hết họ đi.
Bà còn viết: “Phê bình phân tâm học của Freud, thực ra, chỉ là môt khuynh hướng rất nhỏ trong phê bình văn học, nay đã lỗi thời, nhưng vì tên tuổi của Freud và vì hai chữ phân tâm, nó đã được một số tác giả khuếch trương lên.” Nhận định này hoàn toàn sai. Ngoài Pháp ra, bà không biết đến các tác giả phân tâm học của các nước khác trên thế giới. Nhận định của bà trái ngược hết so với các nhà lí luận lớn trên thế giới. Bà không hiểu khi tiếp nhận Freud, hiểu đúng cũng là chịu ảnh hưởng, mà hiểu sai cũng là chịu ảnh hưởng. Bà có biết không đọc trực tiếp Freud cũng vẫn chịu ảnh hưởng của Freud không? Bà có biết lí thuyết nó “du hành” và biến đổi không?
Hiểu sai cũng không ảnh hưởng gì, miễn là có sáng tạo, trong khi bà chỉ chăm chăm tìm cách hiểu đúng! Chỉ có hiểu đúng Freud thì mới chịu ảnh hưởng của ông ta! Đó là cách hiểu kì cục. Cho nên, chỉ nêu phê bình phân tâm học của Freud là vô nghĩa. Trên thế giới không có ai đặt một cái nhan đề chương như thế. Nên nhớ rằng sở dĩ Freud được nhắc đến là vì ông gây ảnh hưởng cho hàng loạt nhà phê bình khác. K. Jung phản đối Freud cũng là người chịu ảnh hưởng của Freud. Jacques Lacan cũng chịu ảnh hưởng của Freud. Các nhà phê bình nữ quyền luận như Julia Kristeva, Hélène Cixous cũng đều chịu ảnh hưởng của Freud. Cả Harold Bloom, cả Jacques Derrida đều chịu ảnh hưởng của Freud. Phê bình phân tâm học không chỉ có ở Pháp, mà còn có cả ở Anh, ở Mĩ, ở Nhật và nhiều nước khác trên thế giới. Hẳn bà Thụy Khuê không biết năm 1924 ở Nhật Bản có sách Biểu tượng của đau khổ của Kuriyagawa Hakuson (1880-1923), viết theo tư tưởng của Freud, văn học là giấc mơ ban ngày? Hẳn bà không biết tác phẩm Hamlet và Oedipus của Ernest Jones ở Anh năm 1954? Và có lẽ bà cũng không biết quyển Postmodern Psychoanalysis của Norman N. Holland ở Mĩ năm 1990? Thế cho nên bà mới nói nó là “một khuynh hướng rất nhỏ”. Tư tưởng phân tâm học luôn được hiểu theo các bình diện mới, cho nên nó không lỗi thời. Người ta không chỉ nghiên cứu về động cơ sáng tác, cá tính tác giả, mà còn nghiên cứu tác phẩm, nghiên cứu người đọc. Ấy thế mà khi viết về phê bình văn học thế kỉ XX mà chỉ nói đến phê bình phân tâm học của một mình S. Freud, phủ nhận cả trào lưu phê bình phân tâm học trên thế giới thì thử hỏi có khoa học hay không?
Vậy đó, bà Thụy Khuê phê bình tôi rất nặng nề, tôi không lấy làm điều, bởi tôi gặp lối phê bình này nhiều lắm rồi. Nhưng chính bà mới là người hiểu sai vấn đề khoa học. Qua việc bà phê bình tôi, chẳng những không nói được tôi sai, ngược lại đã bộc lộ trình độ hiểu biết rất hạn chế của bà. Chẳng những thế, bà còn có tham vọng lên tiếng dạy chúng tôi về thái độ khoa học. Tôi coi đây là một bằng chứng về thói tự thị vô lối của một kẻ không tự biết mình.
Bà Thụy Khuê viết cuốn sách này vì thấy “phê bình trong nước còn phôi thai”, muốn đóng góp (dạy) cho lớp trẻ (và cả lớp già như tôi) ở trong nước. Cuối cuốn sách này, còn có lời giới thiệu không thể nhiệt tình hơn của nhà văn Tạ Duy Anh: “Đây có lẽ là cuốn sách mà những người yêu văn học nước nhà chờ đợi từ lâu. Thụy Khuê, tên bà đã là một đảm bảo bằng vàng về sự nghiêm túc…, có khả năng phi thường trong việc truyền đạt, diễn giải kiến thức… Tôi tin rằng đây là cuốn sách công phu nhất, đầy đủ nhất, có hệ thống nhất…”. Nhà văn của chúng ta tin rất mực chân thành và đáng yêu và đáng kính trọng nữa. Ông tin những điều tốt đẹp. Nhưng sự đời giữa niềm tin và sự thật nhiều khi khác nhau như trời vực.
Tôi thuộc nhà phê bình “phôi thai ở trong nước”, xin góp một ý nhỏ để bạn đọc thấy “cái đảm bảo bằng vàng của cái tên Thụy Khuê” nó thực ra là thế nào. Chỉ trong một chương sách thôi, ta đã thấy bà thiếu công phu, thiếu nghiêm túc (khi trích dẫn tôi bà đã phạm ba lỗi, bỏ sót ý cơ bản, tự tiện thay đổi dấu phẩy, dấu chấm [*]), thiếu kiến thức, thiếu hệ thống, thiếu hiểu biết. Bà không hiểu trường phái phê bình phân tâm học, không hiểu thế nào là ảnh hưởng lí thuyết, không biết thế nào là hiểu đúng, hiểu sai trong nghiên cứu văn học. Toàn cuốn sách của bà tràn ngập các thuật ngữ triết học và văn học mà người ta chỉ sử dụng trước năm 1975 ở miền Nam. Người đọc chớ lầm là thuật ngữ mới.  Mong bạn đọc già trẻ tỉnh táo.
Chú thích:
[*] Chẳng hạn về việc tùy tiện thay đổi dấu phẩy, dấu chấm. Nguyên văn tôi viết: “Theo nhận xét của P. Guiraud thì “Không một nhà phê bình văn học hay nghiên cứu phong cách học hiện đại nào có tầm cỡ mà không chịu ảnh hưởng của phân tâm học, còn như lí thuyết mẫu cổ của Jung thì đó là chỗ dựa của toàn bộ nền phê bình chủ đề học hiện đại. Từ L. Spitzer đến G. Bachelard phong cách học phát sinh ít nhiều đều công khai thừa nhận mối liên hệ của mình đối với phân tâm học, đồng thời phê bình phân tâm học của Ch. Mauron hoàn toàn dựa trên các mô hình phân tâm học được biểu hiện một cách lộ liễu.” Thụy Khuê cắt bỏ “phong cách học phát sinh ít nhiều đều công khai thừa nhận mối liên hệ của mình đối với phân tâm học, đồng thời phê bình phân tâm học của Ch. Mauron hoàn toàn dựa trên các mô hình phân tâm học được biểu hiện một cách lộ liễu” và thay dấu chấm cuối câu thứ nhất bằng dấu phẩy, biến “Từ L. Spitzer đến G. Bachelard” của câu thứ hai trở thành phần phụ cho câu thứ nhất, khiến nội dung tôi viết bị thay đổi hẳn.
Hà Nội, 24/9/2021
Trần Đình Sử
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mái tóc người vợ

Mái tóc người vợ HỘI LÀNG MẤT VUI Thuở ấy, giặc Minh đang xâm chiếm nước ta. Ở một vùng khuất nẻo, hội vật làng Liễu đang vào ngày cuố...