Thứ Tư, 3 tháng 9, 2014

Đi qua mùa nước lũ

Đi qua mùa nước lũ

Mùa Thu ở miền Đông thường bắt đầu bằng những cơn mưa. Buổi sáng nắng tinh khôi, e ấp chùm hoa chúm chím hơi sương. Trưa đến gió trở lao xao, mây xám kéo về ủ dột cả bầu trời. Ngày chợt dài hơn bởi những cơn gió lạnh triền miên. Người ở một góc trời này mà lòng sao cứ nhớ về một vùng đất nào đó ở mãi bên kia bờ đại dương.
Mảnh đất nhỏ bé có dáng lưng cong còm cõi của bà mẹ quê lam lũ. Mùa này ở nơi ấy cũng bắt đầu cho những ngày se sắt lạnh.
Quê hương em nghèo lắm ai ơi
Mùa Đông thiếu áo, hè thời thiếu ăn
Trời rằng, trời hành cơn lụt mỗi năm…
Tiếng sông Hương – Phạm Đình Chương
Ngày mưa lũ về, nước từ thượng nguồn đổ xuống, nước từ sông lớn dâng lên. Ghe thuyền chèo chống qua từng dãy phố, làng mạc. Nước lấp liếm mảnh ruộng hoa màu của người nông dân cả năm trời đổ mồ hôi chăm chút. Nước mắt của trời cũng là nước mắt của người. Nước mắt rơi trước cơn thiên tai bão lụt hàng năm đổ lên thân phận người lam lũ. Đường từ miền Trung xuôi về phía Bắc không có những cánh đồng bao la cò bay thẳng cánh ngút ngàn trên ruộng lúa chín vàng như đất phương Nam. Đất miền Trung khô cằn, thời tiết lại khắc nghiệt với người dân nghèo chỉ có hai bàn tay, cái rựa cái cuốc thì làm sao chống chọi được với những đổ vỡ, điêu tàn của mùa bão lụt. Có lẽ vì thế mà cái nghèo cứ đeo đẳng mãi không thôi.
Chiều xa xăm trên tầng cao ốc giữa phố thị đông người. Ngoài trời sương giăng mờ mịt. Công việc của những ngày cuối năm chất ngất bộn bề, cứ ngưng tay là anh lại nghe tiếng trống hộ đê vang lên dồn dập trong tâm tưởng. Trong cơn mưa lũ con đê oằn mình chống đỡ làn sóng dữ dội vào bờ. Anh thấy thấp thoáng bóng dáng mẹ anh liêu xiêu gánh đất hộ đê dưới cơn mưa xối xả trên đầu. Chiếc nón lá sũng nước mềm oặt che ngang khuôn mặt khắc khổ của mẹ anh, của chị anh, của những người dân nghèo lam lũ.
Nhìn lại hình ảnh của quê mình sau cơn bão lụt.  Người phụ nữ chân trần len lỏi qua ruộng bắp vừa bị cơn bão tàn phá tìm mót những trái bắp còn sót lại trên cánh đồng đầy bùn đất. Xóm làng xơ xác những rác rưởi, người lại còng lưng tìm bới trong mảnh điêu tàn mong mót lại được chút mất mát vừa qua. Người dân đã nghèo lại nghèo thêm khi bao vốn liếng cho một vụ lúa giờ chỉ còn lại cánh đồng lở loang bùn đất. Những tấm lưng lại còng thêm đi vì gánh nặng âu lo trước miếng cơm manh áo đổ về. Chị đã thẫn thờ ái ngại trước số phận hẩm hiu của người dân quê và dường như có đôi chút ích kỷ khi thầm so sánh với đời sống mình đang có. Vùng đất nơi chị sống bình yên hơn, trẻ con vẫn đến trường đều đặn mỗi sáng trong bộ quần áo sạch sẽ tươm tất. Người dân có những nhu cầu thiết yếu của xã hội từ những đồng tiền đóng thuế lợi tức hàng năm. Và chị đã tự an ủi lòng trắc ẩn của mình bằng phần số. Mỗi con người là bấy nhiêu số phận. Số phận của quê mình mong manh như thế đó, có thương có tủi cũng chỉ thế thôi. Và chị yên tâm tắt máy, dỗ giấc ngủ bằng tiếng nhạc miên man “ruộng khô, có những ông già rách vai cuốc đất bên đàn trẻ gấy… có người bừa thay trâu cày…” (Quê nghèo – Phạm Duy )
Và trong giấc ngủ giữa đêm về sáng, chị thấy những con người nón lá, áo tơi lầm lũi đi trong cơn bão. Họ cong tấm lưng chịu đựng trận gió lũ quật mạnh lên người mình nhưng đầu vẫn chúi về phía trước, về phía con đê lấp lánh ánh đèn chống lũ.
Ở con sông kia, nước dâng lên cuồn cuộn…
Nguyên Tú My
Tiếng sông Hương
Nhạc sĩ: Phạm Đình Chương – Ca sĩ: Mai Hương



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nghệ thuật ca dao từ cái nhìn đối sánh

Nghệ thuật ca dao từ cái nhìn đối sánh Nhà thơ Minh Hiệu là một trong những hội viên khóa đầu của Hội VHNT Việt Nam. Ông cũng là những hội...