Bùi Kim Anh - Tự chưng cất "Lời buồn
trên đá"
Cầm trên tay một tập thơ vuông vắn của Bùi
Kim Anh mà lang thang trong cõi độc hành, tách biệt cái phồn hoa đô hội, ta bỗng
trầm mình lại bởi những nỗi buồn vừa có tên vừa không tên âm âm trong cõi lòng
mà thấy như từ đâu đó vang vọng một "Lời buồn trên đá".
Viết về nỗi buồn xưa nay đã có quá nhiều nhà
thơ khai thác chủ đề này, thậm chí là né tránh khi không muốn thoả hiệp với cái
cũ. Nhưng xét đến cùng bản chất của thơ ca đa phần được lên men từ nỗi buồn. Vì
thế buồn vừa là cái dễ viết vừa là cái khó viết. Dễ viết vì nó là tâm trạng rất
thật luôn tồn tại trong mỗi con người lúc nào cũng trực ào ra trên ngòi bút để
đợi sự xẻ chia của những trang giấy. Còn khó viết bởi lẽ đi trên con đường mòn
sẽ trở thành thách thức cho bất kì ai tạo được cho mình một lối đi riêng. Và để
bắt đầu cho lối đi ấy, Bùi Kim Anh đã tự làm mới mình ngay bước chân đầu tiên bằng
một sự di chuyển đầy khó nhọc và âm thầm để tồn tại cái giọi là "Lời buồn
trên đá".
Cả tập thơ với 59 bài nằm rải rác và đan xem
nhau với những chủ đề về thơ, về gia đình... Nhưng xuyên suốt trong những chủ đề
ấy là nỗi buồn, nỗi trăn trở ngự trị trong từng tứ thơ mỗi bài. Có một con số
trùng lặp ngẫu nhiên liên quan đến con số 59, đó là nhà thơ Bùi Kim Anh sinh
năm 1948, năm 2007 cũng là năm nhà thơ vừa tròn tuổi 59. Thành ra, 59 bài thơ
như là 59 nỗi buồn của một phần đời đã qua đi và bây giờ được nhà thơ kể lại.
Và mỗi bài thơ như một câu chuyện của riêng Bùi Kim Anh ẩn lấp dưới những con
chữ để nhận lại đồng cảm với cuộc đời, phác lộ cái tôi khi hoà vào cái ta.
Sự hoá thân của con người trong mối quan hệ
gia đình được dồn nén và vỡ bung lên bởi những đau thương mất mát, xa cách thường
gặp, từ : Nhớ cháu, Viếng ông, Vọng cõi thiên thu, Mẹ bên con, À ơi, Mong
chỉ là con... Điểm tựa làm vực dậy những bình yên trong mỗi con người muôn đời
vẫn là gia đình. Đôi khi nó chỉ là một điều hết sức bình dị: "Lúc này tiếng
cháu gọi bà/ Vỡ tan quạnh nắng vỡ oà nỗi đau", là những âm thanh nối dài
ngày và đêm, nối những thế hệ trong cái cảm giác buồn mênh mang và không xác định
rõ căn nguyên: "Người đàn bà ngồi ru con rồi ru cháu/ Câu hát ru dài đêm
mùa đông"...
Những độc thoại trong phần thơ tự sự có thể
coi là điểm nhấn của "Lời buồn trên đá". Tự suy ngẫm về chính bản
thân mình, về tình yêu, về hạnh phúc và cả về thơ ca. Bắt gặp trong thơ Bùi Kim
Anh những thảng thốt đầy lo xa tựa như "Ta là ai/ Cát bụi kín chân người",
"Cõng thời gian từ lúc đập chân xuống nền gạch/ Ta chỉ còn dành cho
ta câu thơ viết vội/ Ngày hôm nay đi hết hôm nay". Ý thức về sự trôi chảy
tuần hoàn của thời gian đồng nghĩa với những nỗi buồn ập tới trong từng khoảng
khắc đời người, nhà thơ trầm mình trong một đúc kết: "Rồi một ngày thương
nhớ phôi pha/ Anh lặng lẽ khắc lời buồn trên đá". Nỗi buồn cứ tự nhiên mà
đến như tự nhiên vốn có, không chịu nhiều chi phối của tác động khác. Những câu
thơ kết dính nỗi buồn vô tình "tạm trú" trong con người nhà thơ đã trở
thành "thường trú" trong sự tồn tại của tâm hồn. Bùi Kim Anh đã hoán
vị sự tồn tại đó từ nơi cất giấu mơ hồ không nhìn thấy đến rõ ràng cụ thể
"trên đá". Đá là biểu tượng của tự nhiên, của những liên tưởng đầy
huyền bí. Một thế giới của hoang vu, của ẩn náu để tạo ra những giá trị của
"thiên tạo". Với mỗi một lần thêm và bớt những chất khác nhau dù là tự
nhiên hay nhân tạo người ta lại quy định “độ quý” cho nó. Đá có nhiều loại nhiều
lớp, và những lớp này khoác trên mình nó một tên gọi tương ứng với giá trị,
cũng như "lời buồn" được cắt, được chia ra nhiều lớp mà nhìn vào đấy
mỗi người lại thấy như thấp thoáng có cả thân phận, cuộc đời của mình ở trong
đó. Chỉ với riêng điều này đã là một trong những bước thành công đầu tiên của
người làm thơ: Nói về cái tôi mà diễn đạt được cái ta.
Lời buồn trên đá còn ấn tượng bởi một
hình thức thể hiện khá phong phú của các thể thơ từ truyền thống đến hiện đại.
Nhìn vào cấu trúc thơ ta liên tưởng đến một rừng hoa đủ màu sắc và hương thơm.
Bắt đầu từ thể thơ lục bát như: Đem vàng ra phơi, Cho người tôi thương,
Nén nhang giao thừa.. đến những bài thơ vắt vần: Rộng hẹp ở lòng mình thôi, Ta
chỉ là ta thôi, Trưa tháng 7, Mong một ngày bình thường...phần còn lại là thơ tự
do. Nhưng thơ tự do trong Lời buồn trên đá của Bùi Kim Anh lại
phân ra hai loại: tự do về vần và tự do về câu chữ. Đan xen những bài thơ tự do
của các thể thơ 7 chữ, 8 chữ... X chữ đến thơ văn xuôi. Đọc những bài thơ này bỗng
thấy khả năng kì diệu của con chữ cũng "co duỗi nhịp nhàng" theo tâm
trạng của người tiếp nhận thơ. Những câu thơ văn xuôi không cố định chữ, không
có dấu câu và chỉ được “ngắt” bằng các chữ viết hoa. Bùi Kim Anh không cần tạo
vần cho những bài thơ văn xuôi và tự do này nhưng lại đem vào trong câu chữ đó
những "năng lượng" đặc biệt để giai điệu ngân lên. Người đọc thơ vẫn
bắt được cái "vần" của thơ khi bắt được cái “hồn” của ngôn từ. Hãy thử
lắng nghe chính những câu thơ của Bùi Kim Anh lên tiếng: "Thả câu thơ để
đi tìm tứ thơ", "Thơ là phận nói lời thân phận/ Người có tạng thơ
xoay vần theo tạng" và rồi chiêm nghiệm như một sự thú thật: "Những
câu thơ không viết được tứ thơ/ Những câu thơ không giải thoát được người làm
thơ/ Những điều tồn tại không có mặt trong thơ/ Những điều không tồn tại lại kết
thành câu chữ"... Có thể khẳng định những câu chữ của Bùi Kim Anh đã tự
làm mới những câu thơ khỏi cách nghĩ, cách diễn đạt thông thường và đem đến cho
người đọc "một cái gì đó" đáng để suy ngẫm. Đây là hành trình đi tìm
cái mới của một cây bút không còn trẻ.
Ở Lời buồn trên đá có cảm giác là
môt tập thơ đầy đủ nhưng trong một sự dè dặt thận trọng của những tiếp nối giữa
cái cũ và cái mới, mà không hẳn nghiêng rõ rệt về phía nào. Tiếp cận tập thơ bằng
một con mắt của đời thường sẽ thấy thấp thoáng những cái buồn ghé chân trong mỗi
phút tồn tại của con người. Nhưng đó thực sự là cái buồn của đồng cảm, xẻ chia
chứ không phải để tạo ra một nỗi buồn nối tiếp, nỗi buồn mới bởi sự hoán vị từ
một nỗi buồn cũ của chủ thể. Để hiểu cuộc đời hơn, để lắng mình trong những nốt
nhạc trầm của cuộc sống mà nhìn lại bản thân mỗi chúng ta, được cầm trên tay một
tập thơ như "Lời buồn trên đá" của NXB văn học năm 2007
cũng đáng trân trọng!
SONG NGUYỄN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét