Thứ Sáu, 3 tháng 3, 2017

Đến với những bài ca giao duyên

Đến với những bài ca giao duyên
Ca dao Việt Nam có vô vàn bài ca đối đáp rất hay, rất đẹp. Trai gái làng quê đã hát đối đáp để giao duyên, để tỏ tình rất trong sáng, lành mạnh, thể hiện nét đẹp văn hóa truyền thống mang tính nhân văn rất cao. Đó là những tiếng hát giao duyên mượt mà, nhuần nhị được vun trồng từ mảnh đất của người lao động nhiều gian lao vất vả nhưng cũng rất lãng mạn và giầu tình nghĩa, thủy chung như bài ca dao:
“Ai về cuốc đất trồng cau,
Cho em vun ké dây trầu một bên.
Chừng nào trầu nọ bén lên,
Cau kia có trái, lập nên cửa nhà”
Đọc bài ca dao nhiều người tự hỏi tại sao người lao động không hỏi là trồng khoai, trồng rau, trồng cà hay trồng đậu... mà lại là trồng cau? Có lẽ từ xa xưa dân ta vẫn thường lấy “Miếng trầu làm đầu câu chuyện”, mà trong đó cau trầu là thành phần làm nên miếng trầu. Hơn nữa lá trầu, quả cau vẫn được dùng làm sính lễ trong ngày chạm ngõ, ăn hỏi và xin dâu của các đôi uyên ương. Hình ảnh dây trầu mềm mại leo quanh cây cau dựa vào cây cau khỏe mạnh vững trãi để lớn lên giúp cho ta nhớ tới câu chuyện “Sự tích trầu cau” một chuyện tình rất đẹp về tình cảm anh em, vợ chồng thắm thiết keo sơn mà không một người dân Việt Nam nào lại không biết đến. Phải chăng câu hỏi “cuốc đất trồng cau” và “vun ké dây trầu” không thể là vô tình mà đã hàm chứa một ý nghĩa rất sâu xa.
Sau đó ta bắt gặp một câu ngỏ lời chân thật để gửi gắm lời trao duyên tế nhị, kéo léo của cô thôn nữ:
“Chừng nào trầu nọ bén lên
Cau kia có trái, lập nên cửa nhà”.
“Trầu nọ - cau kia” đã cụ thể hơn, ý nhị hơn khi “trầu nọ bén duyên” và “Cau kia có trái”, đó vừa là hình ảnh đẹp về sức sống của cây lá vườn nhà, là kết quả của người lao động, vừa chứa đựng một tình cảm đang sinh sôi nảy nở của con người. Trầu và cau vừa mở ra vừa kết nối suốt bài ca dao đã thể hiện ngụ ý của người con gái gửi gắm trong đó. Bởi vậy bài ca dao không dừng lại ở việc quả cau lá trầu mà đó chỉ là cái cớ để hướng đến việc “lập nên cửa nhà”. Các từ ngữ “vun”, “bén”, “lập nên cửa nhà” đã có một ý nghĩa gợi tả rất lớn, vừa là nghĩa vật chất chỉ mái ấm gia đình, nơi sinh sống trú ngụ, che nắng che mưa, đồng thời cũng là nghĩa tinh thần. Đó là sự vun vén, kết nối, nảy nở tình yêu đôi lứa trong cuộc sống của người lao động chân chính. Họ kiên trì, bền bỉ, vun vén cho tình yêu, cho hạnh phúc lứa đôi đến ngày “đơm hoa, kết trái”.
Bên cạnh bài ca dao này ta còn bắt gặp nhiều bài ca dao khác thể hiện tình cảm của trai gái làng quê rất ý nhị, trong sáng, lành mạnh, óng ánh như những viên ngọc quý:
“Đêm trăng thanh, anh mới hỏi nàng,
Tre non đủ lá, đan sàng nên chăng?
Đan sàng thiếp cũng xin vâng,
Tre vừa đủ lá, non chăng hỡi chàng?”
Đôi trai gái này đã chọn một khung cảnh rất đẹp của vùng quê Việt Nam đó là “đêm trăng thanh”, gió mát, làng quê yên ấm, êm đềm rất thơ mộng. Đó cũng là nơi tình tự tuyệt vời của biết bao đôi lứa từ xưa đến nay. Trong truyện Kiều của Nguyễn Du, Từ Hải cũng gặp Thúy Kiều trong khung cảnh như vậy:
“Lần thâu, gió mát, trăng thanh
Bỗng đâu có khách biên đình sang chơi.”
Mượn một đêm trăng đẹp để hỏi về hình ảnh “tre non đủ lá” đó là cách nói ẩn dụ mà tác giả dân gian hay dùng để nói về vẻ đẹp non tơ, mỡ màng, trẻ trung, xinh đẹp như một bông hoa còn “phong nhụy” của cô thôn nữ, vừa là sự ướm hỏi, tỏ tình, kín đáo “đan sàng nên chăng”? “Sàng” là muốn nói về một dụng cụ của nhà nông, khi chưa có máy xay máy sát người ta phải xay thóc giã gạo và sàng sẩy thủ công bằng tay. Bởi vậy đây là lời ướm hỏi rất tế nhị của chàng trai xem người con gái đã đến tuổi lấy chồng, làm vợ, làm dâu, có thể quán xuyến công việc gia đình chưa? Bằng các âm điệu nhẹ nhàng, êm ái cho ta thấy lời tỏ tình của chàng trai thật ân cần, chân tình, tế nhị, bóng bảy và biểu cảm vì đó là ngôn ngữ của con tim, của tâm hồn yêu thương trong đằm thắm.
Qua không gian, thời gian và cách ướm hỏi lời đó ta đã bắt gặp một chàng trai đa tình, hào hoa, phong nhã, rất lịch thiệp và tế nhị. Lời ướm hỏi đó đằm thắm, mặn mà bao nhiêu thì câu trả lời của cô thôn nữ càng thông minh, sắc sảo và có duyên bấy nhiêu. Lời của cô vừa là xác nhận lại vừa đặt câu hỏi lại với chàng trai:
“Đan sàng thiếp cũng xin vâng,
Tre vừa đủ lá, non chăng hỡi chàng?”
Lời cô gái “thiếp cũng xin vâng” thật nhẹ nhàng, lễ phép như một lời đồng thuận chấp nhận lời tỏ tình của chàng trai. Đồng thời cô gái đã kín đáo mượn hình ảnh “tre non đủ lá” để khẳng định mình đang ở độ tuổi “Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê”. Câu hỏi từ tốn, dịu dàng cứ ngọt ngào thấm thía, cô gái như ngầm xác định một nhân cách thiếu nữ đã có đủ phẩm hạnh để bước vào đời, đến với tình yêu.
Chỉ dẫn ra đây hai bài ca dao trong rất nhiều bài ca đẹp của kho tàng văn học dân gian nước nhà ta đã thấy đó là những bài ca dao đẹp từ lời đến ý, thể hiện cách tỏ tình trang nhã, duyên dáng của những đôi trai gái xứng đôi vừa lứa trong một không gian thật nên thơ của những hình ảnh “trầu”, “cau” của những “đêm trăng thanh gió mát”. Lời bài ca cất lên ta nghe như có tiếng nhạc lòng, như tiếng hát giao duyên của lứa đôi ngân vang hòa quyện càng thêm đắm say ngọt ngào, mang vẻ đẹp nhân văn thể hiện tâm hồn trong sáng của trai gái làng quê. Ngày nay, trong thời đại bùng nổ của khoa học công nghệ thông tin bạn trẻ hay tìm đến với chuyên mục “tìm bạn” trên báo chí hoặc kết bạn trên Internet, nhưng mỗi lần đọc lại các bài ca giao duyên vẫn không khỏi xúc động, bồi hồi trước khát vọng tình yêu của người lao động và học tập được cách nghĩ, cách tỏ tình giao duyên phong phú, đẹp đẽ của người Việt Nam đã được trau chuốt qua nhiều thế hệ, thành những viên ngọc quý để mãi mãi về sau con người mới Việt Nam vẫn rung cảm với những gì mang đậm đà bản sắc văn hóa, con người Việt Nam.
Nguyễn Thị Thu Hà
Nguồn: Báo Bắc Ninh
Theo http://www.maxreading.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...