Tiết Thanh minh sắp đến. Giữa vô vàn được mất của cuộc đời, nỗi thiếu
vắng cha mẹ càng dội lên khi mùa tảo mộ bắt đầu. Mùa xuân là mùa của những tìm
kiếm và trở về. Có gì là chậm đâu khi tôi cứ muốn sống lại ngày xưa, trong tiết
“đạp thanh” thương nhớ.
Tết Đinh Dậu vừa qua, tôi sắp xếp về Việt Nam 10 ngày. Lần đầu tiên
tôi “ăn” Tết ở Hà Nội sau 30 năm hầu như không có Tết.
Tác giả Thẩm Hoàng Long - con trai út của cựu
Thị trưởng thành phố
Hà Nội Thẩm Hoàng Tín
Nhớ Tết Hà Nội xưa
…Dòng chảy ngược xuôi đan trong ý nghĩ tôi. Lúc Hà Nội, khi Paris.
Nay ở đền Ngọc Sơn, băng qua cây cầu Thê Húc đỏ son, mà bố tôi đã cho dựng lại
đầu xuân 1952. Dược sĩ Thẩm Hoàng Tín (1909-1991), con người Tây học ấy nổi tiếng
ăn mặc đẹp, quảng giao, trọng nghệ thuật và nghệ sĩ, đã truyền cho anh em tôi nếp
sống thanh lịch, tao nhã của người Hà Nội xưa.
Nhớ lại Tết xưa, là con út, tính chăm chỉ, nên tôi được phân công
đánh bóng đồ đồng trên bàn thờ, lau dọn nhà cửa. Lại được nết khéo tay nên cùng
các anh chị gói bánh chưng. 30 Tết, cả nhà đi chợ Hàng Lược sắm hoa thược dược,
cẩm chướng, violet, cành đào... Bữa cơm tất niên, không thể không kể đến những
món ăn của bà nội, người làng Yên Thái, Bưởi.
Nói giọng Bưởi, bà nhuộm răng đen, không biết chữ nhưng làm thủ quỹ
của hiệu thuốc số 5-7 Cửa Nam của gia đình không bao giờ nhầm một đồng nào. Món
ăn bà nấu cực ngon. Bữa cơm tối 30 Tết đủ món truyền thống của các gia đình Hà
Nội xưa: canh măng khô ninh, canh bóng cùng nấm, mọc, su hào, xôi, thịt gà luộc,
giò lụa, chả quế, hạnh nhân xào... Bố tôi bảo: “Khổng Tử chỉ ăn những miếng thịt
gà chặt vuông góc”, tôi 10 tuổi chêm vào: “Thế thì phải lấy ê-ke để đo!”.
Giao thừa, cả nhà tập trung ở phòng khách. Bố tôi mở champagne. Mọi
người chúc mừng nhau trong tiếng pháo đón xuân mới. Nhìn ra phố, khói pháo mù mịt
hòa quyện với làn sương mờ mờ, trời se se lạnh, mưa phùn lất phất...
Cho đến giờ, tôi vẫn nghĩ: Tết Hà Nội phải là như vậy. Năm nay, 26
Tết, tôi trở về Hà Nội trong ánh nắng ấm áp, không còn cảnh mưa phùn se lạnh, nên
Tết thiếu không khí. Mỗi Tết lại càng thấy thiếu, khi vắng dần người thân, bạn
bè…
Mỗi cuộc gặp thành kỷ niệm hiếm có, bởi lần sau làm sao lặp lại,
không thể có những bữa ăn đông vui y như cũ. Thế nên, khó quên buổi gặp mặt Tất
niên sau mấy chục năm, tại nhà mới của anh Trần Duy Ly và Vũ Thúy Hà trên tầng
24 ở khu Times City, nhìn xuống Hà Nội đang thay da đổi thịt với nhiều khu đô
thị mới, hàn huyên với các thầy giáo cũ vừa là đồng đội nhập ngũ tháng năm
1972, vào chiến trường Quảng Trị.
Sáng mùng 1 Tết, tôi đi lễ chùa Láng và chùa Hà. Người dân chen
chúc, khói hương mù mịt, vẻ mặt thành kính, phấn chấn của ngày đầu xuân. Một
hình ảnh quý giá của 65 năm về trước như hiện ra…. Mùng 6, thăm chùa Một Cột, lần
đầu tiên tôi chứng kiến cảnh cúng giải oan. Mỗi người ngồi trước một chậu nước,
cầm đồng xu, khấn rì rầm...
Nơi này hơn 30 năm trước, có thầy Nghiêm Xuân Cẩn, em ruột của bà
ngoại tôi, làm trụ trì chùa Một Cột, thầy học cùng với thầy Thích Thiện Châu tại
Nhật Bản, sau này thầy Châu sáng lập, trụ trì Trúc Lâm thiền viện Paris. Bao
nhiêu nỗi nhớ đuổi dồn nhau như lớp lớp sóng… Hồi trẻ con, đi đá bóng cùng bọn
trẻ ở vườn hoa Ba Đình, khát nước, chạy vào chùa, múc nước mưa bằng gáo dừa
trong bể nước mưa của chùa uống trộm! Cảnh chùa ngày ấy hoang vắng, tĩnh mịch
biết bao…
Ấn tượng nhất cuộc trở về năm 2017 là chuyến đi Hà Giang, nóc nhà của
dải đất hình chữ S thân yêu. Khởi hành mùng 3 Tết, du xuân lên núi là chuyến xuất
hành đầu năm Đinh Dậu. Lần đầu tiên, tôi tận mắt ngắm dòng Lô thơ mộng, trước
kia được biết qua “Trường ca sông Lô” (1947) của nhạc sĩ Văn Cao viết.
Cầm máy ảnh lâu năm, tôi không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ hùng vĩ của
núi rừng Việt Bắc, xe chui qua mây mù, bên cạnh là vực sâu thẳm nhất của Việt
Nam: Mã Pí Lèng, mờ mờ hiện lên dòng sông Nho Quế dưới thung lũng, lấp lánh bởi
ánh mặt trời ló rạng. “Đất nước mình quá đẹp phải không em” - tôi nói với cô bạn
đi cùng, bác sĩ người Sài Gòn.
Hạnh phúc còn là những gì thuộc về quãng thời gian đã trôi đi không
thể lặp lại, nhưng vẫn có thể gặp ở phía trước, bởi ta luôn hướng đến sự sum vầy
trong sáng, nguồn cội và sự trở về.
Trời se lạnh và lất phất mưa, nhưng không cản được cả đoàn leo lên
cột cờ, chủ quyền ở cột mốc biên giới Lũng Cú. Lá cờ rộng 54m2, tượng trưng cho
54 sắc tộc Việt Nam, hiên ngang tung bay trong gió xuân. Bấm máy ảnh liên tục,
tôi ghi lại khuôn mặt cô gái, chàng trai, em bé xúng xính trong bộ quần áo rực
rỡ sắc màu, ghi lại khoảnh khắc không thể lặp của đời mình.
Chiều 29 Tết, ngồi uống bia hơi ở vỉa hè phố Hàng Tre cùng nhà thơ,
nhà báo Lưu Trọng Văn, bạn học cùng cấp I và II trường Lý Thường Kiệt, bao
nhiêu chuyện trên trời dưới bể. Bia hơi Hà Nội với đậu rán “lướt ván”, thú vị
là vẫn cái cốc thủy tinh to xù xì ngày xưa của thời bao cấp.
Đường phố náo nhiệt, xe cộ chạy ầm ầm, người Hà Nội lúc nào cũng vội
vã chen, chắc thuộc top đi xe máy giỏi nhất thế giới. Điều phối được giao thông
ở Việt Nam thật can đảm và dũng cảm, lại có những cô gái khả ái làm Cảnh sát
Giao thông, càng đáng ngạc nhiên. Bên kia đường, quán cà phê nổi tiếng Hà Nội
những năm 70, 80 thế kỷ trước, điểm quen hò hẹn của nhiều người các thời.
Cà phê Lâm, 60 Nguyễn Hữu Huân, bọn thanh niên chúng tôi la
cà, tán gẫu, nhâm nhi ly cà phê đậm chất Hà thành với điếu thuốc lá quấn sợi Lạng
Sơn, ngắm tranh của Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng... đã gán nợ
cho chủ quán để uống cà phê. Thời đó là thời của quần loe và tóc dài.
Một hôm, vừa xem xong phim ở rạp Công Nhân, bạn gái, bạn trai của
tôi bị đội cờ đỏ giữ lại vì tội quần loe, tóc dài. Đang bộ đội, bất bình trước
thái độ của đội cờ đỏ và chủ trương của việc làm này, tôi mời anh đội trưởng ra
“nói chuyện”, tôi phân tích rành rọt có lý lẽ, cậu ấy bảo đây là lệnh của trên
anh ạ. Cuối cùng, các bạn của tôi được tự do. Có nơi quần loe bị rạch xong thì
có hàng bán kim băng ngay bên cạnh để cài lại.
Đám cưới cô dâu Phạm Thị Phú và chú rể Phước năm 1956. Ông Thẩm
Hoàng Tín (Thị trưởng Hà Nội 1950-1952) thứ 4 từ phải qua và vợ - dược sĩ Phạm
Thị Thành (chị ruột cô dâu). Hai bé trai là Thẩm Hoàng Long (áo len kẻ ngang)
và Đào Đức Hoàng.
Mùa vẫn trở về
Thập niên 60, cả nhà tôi hay xem phim ở rạp Kim Đồng, là những phim
thời sự, hoặc trượt băng nghệ thuật của Liên Xô (cũ). Thả bộ dọc phố đêm yên
tĩnh, một lần anh Hoàng tôi thấy hòn gạch to giữa vỉa hè, anh gạt vào gốc cây
bên cạnh. Bố tôi bảo ngay, các con cũng cần làm như vậy để tránh cho người
khác, việc nhỏ mà ý nghĩa lớn, tạo nên sự quan tâm đến mọi người.
Bố tôi thường dạy các con “cầm - kỳ - thi - họa”, đời người biết được
thêm cái gì thì sẽ làm cho cuộc sống phong phú hơn. Hiệp định Paris
(27-1-1973), rơi đúng vào sinh nhật của tôi. Nhưng phải mấy năm sau, tôi mới được
nghe bài hát “Mùa Xuân đầu tiên” (1976) của nhạc sĩ Văn Cao, tôi rất thích bài
này của ông.
Tối 19-3, ở Paris, tôi xem qua VTV4 - phim tài liệu nói về “Con đường
hạnh phúc” mà tôi đã đi qua để đến được Hà Giang. Được khởi công từ 1961, với
1.500 thanh niên xung phong lao động ngày đêm, đoạn nguy hiểm nhất vách đá dựng
đứng, một bên là vực sâu thẳm hiểm trở nhấtViệt Nam, Mã Pí Lèng, 47 người đã hi
sinh, đến năm 1966 thì hoàn thành. Đúng là phải vượt qua bao gian khó, hy sinh
thì mới có được hạnh phúc!
Tôi viết bài này đúng ngày Quốc tế Hạnh phúc 20-3-2017. Sống tại
Paris gần 30 năm nay, bất giác tôi nghĩ về hạnh phúc. Đấy đâu chỉ là cảm giác của
tình yêu đôi lứa, đấy là sự kết nối của tình cảm, ký ức giữa những người thân
và những người ta yêu thương, cùng biết trân trọng, nâng niu từng thời gian cuộc
đời. Đấy là những gì thuộc về quãng thời gian đã trôi đi không thể lặp lại,
nhưng vẫn có thể gặp ở phía trước, bởi ta hướng đến sự sum vầy trong sáng, nguồn
cội và sự trở về.
Cứ mỗi xuân về, tôi lại tin, cha tôi lại cùng các con trở về Hà Nội.
Như lúc này đây, đương xuân, đâu cần phải là Tết hay đang còn Tết. Tết ở trong
nỗi nhớ của mình. Ngôi nhà xưa giờ không còn người ruột thịt ở đó. Tôi vẫn như
bước vào mỗi lần đi qua, mỗi mùa vẫn như trở về bé thơ với phong bao mừng tuổi,
xúng xính cùng cha từ vườn hoa Cửa Nam trước nhà ra phố phường.
Tôi không khi nào chán khi dạo quanh hồ Gươm, hồ Tây, những con đường
quen. Quen thuộc lắm mà vẫn khác. Bao chi tiết của ký ức gắn với những bối cảnh
ấy, trong đó, sống động nhất là hình ảnh cha mẹ và anh chị em tôi năm tháng sum
vầy trong ngôi nhà Cửa Nam - ngôi nhà Hà Nội.
Thẩm Hoàng Long
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét