Thông qua những bài văn chính luận còn để lại, thiên tài của
danh nhân Nguyễn Trãi không chỉ thể hiện ở những tư tưởng thấm đượm đạo lý nhân
nghĩa, tinh thần yêu nước sâu sắc, khả năng lập luận chặt chẽ mà còn cho thấy ở
ông có một khả năng hiểu biết sâu sắc về các thể văn, để tùy từng trường hợp sử
dụng nhằm phục vụ cho các mục đích được đặt ra ở các giai đoạn khác nhau của cuộc
đấu tranh giải phóng dân tộc và giành lại độc lập chủ quyền quốc gia hồi đầu thế
kỉ XV.
Ngay từ ngày đầu tìm đến với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, Nguyễn
Trãi đã soạn để dâng lên Lê Lợi cuốn Bình Ngô sách, một tập văn nghị
luận mang tính chất tổng hợp, trong đó ông phân tích cục diện tình thế đương thời
và đề xuất những phương hướng, biện pháp đấu tranh cho cuộc kháng chiến chống
giặc Minh xâm lược. Tiếc rằng ngày nay chúng ta không còn được thấy áng văn bất
hủ này, do vậy không thể tìm hiểu cụ thể xem ông đã làm thế nào mà thuyết phục
được lãnh tụ Lê Lợi tin dùng và đem ra áp dụng trong suốt quá trình tiến hành
khởi nghĩa. Đến khi đã được tín nhiệm giao cho phụ trách toàn bộ công việc từ
hàn trong quân đội, ngòi bút chính luận của Nguyễn Trãi mới có điều kiện phát
huy. Người đời sau thường gọi chung những công văn của ông soạn thảo trong thời
gian này là Từ mệnh, nhưng trong thực tế, nó gồm nhiều thể loại văn
chương khác nhau, biến hóa vô cùng phong phú. Để đấu tranh hòa đàm với các viên
tướng giặc Minh trên chiến trường, Nguyễn Trãi sử dụng thể loại Thư từ, như Thư
cho Vương Thông, Thư cho Thái đô đốc, Thư gửi Liễu Thăng ...; Khi cần đấu
tranh địch vận với quân sĩ giặc thì ông viết những tờ Dụ. Nhưng ngay trong thể
loại này Nguyễn Trãi cũng phân biệt đối tượng mà vận dụng một cách tinh tế. Để
dụ hàng quân sĩ giặc Minh thì ông dùng Thư dụ, như Thư dụ thành
Xương Giang, Thư dụ thành Tam Giang, Thư dụ hàng thành Bình Than, khi nhằm
kêu gọi thức tỉnh ngụy quân người Việt ông lại dùng Lệnh dụ, như Lệnh
dụ các tướng hiệu quân nhân ở Nghệ An, Tân Bình, Thuận Hóa, và để động
viên các lực lượng trong nước tham gia kháng chiến thì ông lại dùng thể Chiếu
dụ như Chiếu dụ các hào kiệt trong thiên hạ. Ngay sau khi cuộc
kháng chiến chống giặc Minh xâm lược giành được thắng lợi, để tổng kết toàn bộ
cuộc chiến tranh vệ quốc, Nguyễn Trãi đã sử dụng thể Cáo để viết nên
áng "thiên cổ hùng văn" bất hủ Bình Ngô đại cáo. Và trong
những ngày tháng đầu của triều Lê Sơ, để tham gia củng cố chính quyền mới thành
lập đang còn non trẻ, Nguyễn Trãi lại đóng góp công sức mình bằng cách thay mặt
vua soạn thảo một loạt các tờ Chiếu để điều hành đất nước,
như Chiếu cầu hiền tài, Chiếu bàn về phép tiền tệ, Chiếu truyền bách quan
không làm lễ nghi khánh hạ, Chiếu cấm các quan tham lam lười biếng v.v...
Ta thấy Nguyễn Trãi có sự hiểu biết uyên bác về các thể loại văn đương thời và
đã chủ động sử dụng chúng một cách thành thạo và tài tình vào các mục đích, đối
tượng khác nhau trong thời kỳ chiến tranh và giai đoạn sau khi đã giành lại
chính quyền.
Trở lại với thời gian cuối của cuộc kháng chiến. Vào năm
1426, sau khi tiến ra phía Bắc, nghĩa quân Lam Sơn đã lần lượt tiêu diệt hàng
loạt thành trì của giặc Minh dựng lên trên chiến trường Giao Chỉ, khiến chúng
cuối cùng phải co cụm vào cứ điểm thành Đông Quan để cố cầm cự với ta và chờ đợi
viện binh từ trong nước kéo sang. Cục diện chiến trường đã cho thấy khả năng
chiến thắng trong cuộc chiến tranh và mục tiêu giải phóng dân tộc trở nên rõ
ràng hơn bao giờ hết. Trước diễn biến tình hình mới, một mặt nghĩa quân suy tôn
lãnh tụ Lê Lợi là "Đại thiên hành hóa"(1), một danh hiệu chỉ dành
cho bậc thiên tử, và thực hiện chia các lộ trấn ở Đông Đô thành bốn đạo, đặt
quan lại văn võ trong ngoài(2) nhằm chuẩn bị cơ sở cho một chính quyền của nhà
nước độc lập sau kháng chiến, đồng thời quyết định đẩy mạnh hơn nữa cuộc đấu
tranh chính trị, chuyển đổi hoạt động giao thiệp với người Minh từ đấu tranh
hòa đàm, địch vận lên thành cuộc đấu tranh ngoại giao đòi độc lập chủ quyền dân
tộc. Tương ứng với điều đó, đối tượng của cuộc đấu tranh lúc này không còn là
những tướng sĩ người Minh trên chiến trường như trước nữa, mà là nhằm vào triều
đình nước Minh và trực tiếp là Hoàng đế của họ ở tận phương Bắc xa xôi. Trong
điều kiện mới này, thay vì sử dụng những Thư từ, Lệnh dụ trước đây, tài năng của
ngòi bút Nguyễn Trãi lại một lần nữa thể hiện rõ trong một thể loại công văn
khác là Tấu 奏 và Biểu 表.
Theo quy định đối với văn bản thuộc loại hình công văn thông
dụng thời phong kiến trước đây, thì Tấu và Biểu cùng là thể
loại văn chương chuyên dùng để kẻ dưới đệ trình lên người trên, chủ yếu được
dùng trong trường hợp bề tôi thần thứ trình lên nhà vua. Sách Hậu Hán
thư chú dẫn Hán tạp sự chép rằng: "Phàm giấy tờ của quần
thần dâng lên thiên tử gồm có 4 loại: Chương, Tấu, Biểu và Bác nghị". Tuy
vậy, giữa Tấu và Biểu lại có sự khác nhau khá rõ rệt trong
mục đích, nội dung và cả về hình thức.
Chương Thích thư khế sách Thích danh giải
thích: "Biểu là kẻ dưới biểu đạt ra ngoài cho người trên biết về những
tâm tư suy nghĩ trong lòng", tức là nhằm diễn đạt tình cảm, tâm tư, nguyện
vọng của người viết đối với Thiên tử; trong khi Tấu được dùng khi muốn
đề đạt lời nói, trình kể sự việc (tiến ngôn trần sự) lên bề trên. Có
thể thấy giữa Tấu và Biểu có một sự "phân công"
tương đối rõ ràng, theo đó kẻ bề tôi tùy theo mục đích đệ trình của mình mà chọn
dùng thể loại thích hợp. Ví dụ khi cần giải thích, thanh minh, tố cáo hoặc tâu
thuật về một sự việc cụ thể có nhiều tình tiết hay diễn biến phức tạp thì phải
dùng thể loại Tấu. Còn khi muốn bày tỏ nguyện vọng của mình như xin
tha tội, cầu sách phong, hoặc bày tỏ sự trung thành, lòng biết ơn đối với bề
trên khi được phong ban tước lộc, hay chúc mừng nhân một dịp khánh tiết nào đó
thì phải dùng thể loại Biểu. ở một số trường hợp, ví dụ cầu phong, tạ
ân, khánh chúc... thì Biểu hầu như được dùng như một thể thức bắt buộc.
Vì có sự khác nhau về nội dung, mục đích và công năng như vậy
nên khi thể hiện, hai loại công văn này phải tuân theo những quy định chặt chẽ
khác nhau về hình thức.
Để trình bày một vấn đề, một sự việc lên Thiên tử, ngay ở câu
mở đầu, sau khi xưng tên họ và thân phận của người gửi, văn kiện thể loại Tấu đòi
hỏi phải nêu rõ về "chủ đề" hoặc "nội dung tóm tắt" của vấn
đề cần tâu theo công thức:
[Thân phận] thần [Họ tên] cẩn tấu vị [chủ
đề hoặc nội dung tóm tắt] sự.
Ví dụ:
安
南 國
大 頭
目 , 臣 黎 利 謹 奏 為 呈 情 事 。
(An Nam quốc đại đầu mục, thần Lê Lợi cẩn tấu vị trình tình sự.)
Nghĩa là: Đại đầu mục nước An Nam, thần là Lê Lợi kính cẩn
tâu lên về việc trần tình.
hoặc:
安
南 國
先 陳
主 三
世 孫
臣 陳
暠 ,
大 頭
目 臣 黎
利 等 謹 奏 為 求 封 事 。
(An Nam quốc tiên Trần chúa tam thế tôn, thần Trần Cảo, Đại đầu
mục, thần Lê Lợi cẩn tấu vị cầu phong sự.)
Nghĩa là: Cháu ba đời của vua Trần đời trước, thần là Trần Cảo
và Đại đầu mục nước An Nam, thần là Lê Lợi kính cẩn tâu trình về việc cầu
phong.
Thông qua câu mở đầu này, người đọc (nhà vua) chỉ cần xem qua
là biết rõ ngay về người tâu cũng như vấn đề mà người đó muốn tâu trình.
Đối với Biểu, sự việc chỉ là lý do để bày tỏ tâm
tư, nguyện vọng, do vậy câu mở đầu không cần nêu ngay lý do đó mà trước hết phải
biểu lộ lòng thành kính bằng công thức:
[Thân phận] thần [Họ tên] thành hoàng thành khủng
khể thủ đốn thủ cẩn thướng ngôn.
Ví dụ:
安
南 國
大 頭
目 , 臣 陳 暠
誠 惶
誠 恐
稽 首
頓 首
謹 上
言 。 (An Nam quốc đại đầu mục, thần
Trần Cảo thành hoàng thành khủng khể thủ đốn thủ cẩn thướng ngôn).
Và trước khi kết thúc, ở cuối tờ Biểu người viết vẫn
phải tiếp tục bày tỏ sự thành kính, sợ hãi trước Hoàng đế, nên thường kết thúc
bằng những câu chữ: “下 情
無 任 hạ
tình vô nhậm" (nghĩa là: "khôn tỏ hết tấm lòng kẻ dưới") và
"不 勝
屏 營
之 至 bất
thăng bình doanh chi chí" hoặc "激
切 屏
營 之
至 kích thiết bình doanh chi chí" (nghĩa là:
"vô cùng cảm kích, run sợ"). Vì những câu chữ này đã trở thành công
thức bắt buộc của thể loại Biểu văn, nên ta có thể bắt gặp rất nhiều
trường hợp trong tài liệu Hán Nôm (như Bang giao lục, Cổ kim bang giao bị
lãm, Hoàng các di văn...), người sao chép các văn kiện này thường lược chép
không đầy đủ hoặc thay các câu chữ đó bằng chữ "云
云 vân vân". Trong khi đó, đối với Tấu thì
không cần phải dùng công thức này.(3)
Trong phần nội dung chính, tờ Tấu do mục đích là phải
trình bày sự việc cho rõ ràng nên câu văn thường giản dị, trong sáng, nhẹ
nhàng (bình triệt nhàn nhã), còn Biểu cốt nhằm bày tỏ tâm
tư tình cảm trong các trường hợp trình xin, tạ ơn, khánh chúc, vì thế cần sử dụng
nhiều ngôn từ hoa mĩ, điển cố cầu kỳ, câu văn phải ngắn gọn hàm súc, đặc biệt
là Biểu đòi hỏi tuân theo luật biền ngẫu chặt chẽ hơn là thể loại Tấu.
Có thể nêu ví dụ đoạn văn trong hai tờ Tấu và Biểu của
Nguyễn Trãi để thấy được sự phân biệt trong phương pháp biểu đạt giữa hai thể
loại công văn này:
Tấu:
太
祖 高
皇 帝
龍 飛
之 初
, 臣
祖 日
煃 先
入 朝
貢 ,
特 蒙
褒 寵
, 賜
以 王
爵 。
自 是
世 守
封 疆
, 朝
貢 罔
缺 。
頃 因
胡 氏
篡 逆
, 太
宗 文
皇 帝
興 師
討 罪
。 克
平 之
後 ,
求 陳
氏 子
孫 以
奉 宗
祀 。
時 總
兵 官
未 及
求 ,
遞 聽
土 人
所 言
奏 陳
氏 子
孫 俱
被 胡
氏 誅
滅 盡
絕 。
遂 置
郡 縣
, 設
官 分
治 。
“Hồi đầu khi Thái Tổ Cao Hoàng đế mới lên ngôi, ông tổ của thần
là Nhật Khuê đã sớm vào triều cống, được đặc biệt thưởng khen ân sủng, ban cho
tước Vương. Từ đó nối đời coi giữ cõi bờ, không thiếu triều cống. Mới rồi nhân
bị họ Hồ ngỗ ngược cướp ngôi, Thái Tông Văn Hoàng đế mới cất quân hỏi tội. Ngay
sau khi dẹp yên đã xuống chiếu tìm kiếm con cháu dòng dõi họ Trần để cho nối giữ
việc thờ cúng tổ tông. Bấy giờ quan Tổng binh chưa kịp hỏi han tìm kiếm rộng khắp
đã nghe theo lời bọn thổ dân nói con cháu nhà Trần đều đã bị họ Hồ giết hại hết
cả, thế rồi bèn đặt quận huyện, cắt đặt quan lại chia ra cai trị.” (N.V.N dịch).
Cũng với một nội dung đó, Biểu lại có cách diễn đạt
khác:
迨
我 太
祖 高
皇 帝
之 啟 運
; 而
臣 祖
父 先
諸 國
以 來
朝 。
遞
年 入
貢 於
帝 庭
; 累
世 襲
封 於
王 爵
。
頃
因 胡
氏 之
失 德
, 致
勞 天
罰 之
遠 加
。
“Thái Tổ ta lúc ban đầu mở vận, ông cha thần trước các nước
vào chầu.
Hàng năm tiến cống sân triều, nối đời được phong Vương tước.
Vì họ Hồ mới rồi phạm điều thất đức; khiến oai trời vất vả
chinh phạt phương xa.
Triều đình khoan nhân, chiếu tìm họ Trần để thừa tự tổ tông;
biên thần tâu xằng, xin đặt quận huyện rồi cắt quan cai trị.” (N.V.N dịch)
Là một nhà Nho uyên bác đã qua đỗ đạt, Nguyễn Trãi nắm rất vững
tính chất và công năng của từng thể loại công văn Tấu, Biểu. Trong thực
tiễn ứng dụng, ông đã vận dụng rất chính xác đúng lúc, đúng chỗ trong quá trình
giao thiệp với triều Minh; không chỉ để giữ gìn thể diện của một "văn hiến
chi bang", không cho người Minh kiếm cớ từ chối gây khó khăn cho mối quan
hệ giao thiệp qua lại mà ta chủ động nối lại sau hơn hai chục năm đứt đoạn; mà
chủ yếu là nhằm phát huy hết công năng của từng thể loại văn kiện, để chúng trở
thành những vũ khí sắc bén phục vụ cho mục tiêu của cuộc đấu tranh.
Có thể nêu một vài ví dụ để thấy sự tài tình của Nguyễn Trãi
trong cách sử dụng hai thể loại công văn này trong quá trình giao thiệp với triều
Minh.
Tháng 11 năm 1426, nghĩa quân tìm được Trần Cảo, coi là dòng
dõi vua Trần, liền dựng lên làm vua. Để yêu cầu nhà Minh sách phong công nhận địa
vị chủ nước Nam cho Trần Cảo, Nguyễn Trãi đã soạn thảo tờ Biểu cầu
phong.(4)
Sau khi tờ Biểu nói trên chuyển đến triều Minh, vua
Minh thấy trên mặt trận quân sự họ đã hoàn toàn thất bại, yêu sách của họ về việc
tìm khôi phục họ Trần cũng được đáp ứng, cực chẳng đã, vua Minh đành phải sai
Lý Kỳ, La Nhữ Kính sang ta ra lệnh rút quân và sách phong cho Trần Cảo. Nhưng
đoàn sứ của họ đến Thăng Long (ngày 8 tháng 3 năm 1428) thì thấy đội quân bại
trận của họ ở Giao Chỉ đã theo Vương Thông tự động kéo nhau về nước từ trước,
còn Trần Cảo thì cũng đã chết. Cả hai sứ mệnh đều không thực hiện được, sứ Minh
đành bỏ về nước. Tình hình trở nên căng thẳng. Ngày 18 tháng 3, Lê Lợi bèn cử một
đoàn sứ giả đi cùng sứ Minh sang Yên Kinh, chia thành hai nhóm với nhiệm vụ
khác nhau, một nhóm gồm Hộ bộ Lang trung Lê Quốc Khí và Phạm Thành sang tạ ơn
việc ban sắc phong, nhóm kia có Khu mật thiêm sự Hà Phủ, Hà Liễn sang báo tang
và giải trình về cái chết của Trần Cảo(5). Tư liệu Hán Nôm hiện vẫn còn lưu giữ
được cả hai văn kiện của lần giao thiệp này, trong đó văn kiện tạ ơn được viết
theo thể Biểu, còn văn kiện trình bày về cái chết của Trần Cảo thì viết
theo thể Tấu.
Những hoạt động đấu tranh ngoại giao tiếp sau đó diễn ra
trong tình hình rất gay gắt. Nhà Minh tuy thua trận nhưng vẫn rất ngoan cố
không chịu thừa nhận địa vị đại diện chính thức của triều Lê Sơ, đồng thời lại
gây rất nhiều trở ngại khó khăn trong vấn đề tuế cống và trao trả quân nhân sau
chiến tranh. Phía ta phải khéo léo vận dụng rất nhiều lí lẽ, viện dẫn rất nhiều
sự việc, có khi phải trình bày, giải thích cụ thể đến chi tiết để giải trình,
thuyết phục triều đình nhà Minh. Trong những trường hợp này, với một tờ Biểu đề
đạt nguyện vọng, yêu cầu của ta rõ ràng là chưa đủ, vì thế Nguyễn Trãi thường
soạn ra một bản Tấu đệ trình kèm theo để giải thích, nói rõ thêm về
nguyên nhân hoặc các tình tiết sự việc dẫn tới nguyện vọng, yêu cầu đó. Bằng
cách này đã khắc phục được sự hạn chế trong công năng trình bày của thể loại Biểu.
Trong những lần phía ta cử sứ giả sang thực hiện cống nạp định
kì hay dâng tiến phương vật, nhân một dịp khánh tiết tạ ơn nào đó, thì ngoài một
tờ Biểu ca ngợi chúc tụng theo đúng nghi thức của một phiên quốc đối
với Thiên triều ra, danh sách các đồ cống tiến cũng là một bộ phận quan trọng,
được lập thành một bản Tấu đệ trình riêng. Chuyến sang Minh tiến cống và trần
tình ngày 29 tháng 11 năm 1427 của đoàn sứ Lê Thiếu Dĩnh là một trường hợp như
vậy. Vì lẽ đó, qua ghi chép của chính sử kết hợp với thực tế văn bản hiện còn
đã cho thấy, trong thời gian đầu của triều đình Lê Sơ, trong mỗi lần sang Minh
giao thiệp, thường sứ giả của ta đều mang theo đồng thời một tờ Biểu và
một tờ Tấu.
Qua phần trình bày trên đây, ta thấy Biểu và Tấu tuy
cùng là hai thể loại công văn cổ thời phong kiến được quy định chuyên dùng để bề
tôi, thần dân đệ trình lên triều đình hoặc Hoàng đế, nhưng mỗi thể loại lại có
tính chất, công năng và hình thức thể hiện khác nhau. Trong quá trình tiến hành
đấu tranh ngoại giao với triều Minh hồi đầu thế kỷ XV, Nguyễn Trãi đã nắm rất vững
hai thể loại công văn này và chủ động sử dụng chúng một cách linh hoạt, tài
tình để phát huy hết công năng của mỗi thể loại nhằm đạt tới mục đích do phía
ta đặt ra. Vì vậy, ngày nay khi xử lý khai thác số văn kiện đấu tranh ngoại
giao còn lại của Nguyễn Trãi, chúng ta cũng phải lưu ý phân biệt rõ thể loại của
chúng để tránh những nhầm lẫn đáng tiếc có thể xảy ra.
Ví như trong Ức Trai tập(6) (q.4, tờ 41a) có in một văn
kiện mang nhan đề 求 封
表 文 (Biểu
cầu phong) kèm lời tiểu dẫn nói việc Lê Thái Tổ tìm được Trần Cảo, lập lên
làm vua, rồi đến tháng 8 năm Đinh Mùi (1427) sai sứ sang Minh cầu phong. Sự kiện
nêu trong Tiểu dẫn là phù hợp với chính sử. Sách Toàn
thư chép: "Trước đó vua đã lập Trần Cảo, hồi tháng 8 đã sai sứ cầu
phong".(7) Văn kiện sử dụng trong lần giao thiệp này cũng được đề cập đến ở
một đoạn khác nói rằng: "Trước đó vua sai Nguyễn Trãi soạn thư cầu phong
và sai người dâng biểu của Cảo xin lập làm dòng dõi họ Trần, chuyển tới Quảng
Tây và Vân Nam nhà Minh mỗi nơi một bản".(8) Như vậy Toàn
thư cho ta biết, Lê Lợi đã sai Nguyễn Trãi thảo 2 văn kiện, một bản được gọi
là Thư và một bản là Biểu, cả hai văn kiện đều mang nội
dung cầu phong cho Trần Cảo, riêng tờ Biểu thì được nói rõ là mang
tên Trần Cảo.
Liên quan đến sự kiện này, chính sử của nhà Minh cũng chép rằng:
"Liễu Thăng [viên tướng chỉ huy cánh viện binh hướng Quảng Tây] phụng mệnh
đã lâu, nhưng còn phải đợi tập hợp quân sĩ, nên đến tháng 9 [năm 1427] mới đến Ải
Lưu Quan. Lê Lợi đã có hẹn ước với Vương Thông, bèn giả xưng là họ Trần vẫn còn
con cháu, dẫn bọn đầu mục lớn nhỏ đến trước cửa quân của Thăng, đệ trình bức
thư xin bãi binh và lập hậu duệ họ Trần. Thăng nhận thư không mở ra xem, sai
người đem tâu ngay về triều".(9) Sau khi Hồng lô tự nhận được thư này lập
tức đem dâng trình lên: "vua [Minh] nhận được thư, trong lòng đã hơi thuận.
Đến hôm sau, biểu của Cảo cũng gửi đến nơi, tự xưng Thần là Cảo, cháu ba đời của
Tiên vương Phủ, lời lẽ cũng đại để giống như thư của Lợi".(10)
Như vậy Minh sử cũng ghi nhận về hai văn kiện Thư và Biểu này,
đồng thời cho biết rõ tờ Biểu là do một mình Trần Cảo đứng tên,
còn Thư là của Lê Lợi.
Căn cứ vào ghi chép trong chính sử của cả Việt Nam và Trung
Quốc, đem đối chiếu với văn kiện chép ở tờ 41a quyển 4 của bộ Ức Trai tậpnói
trên ta thấy rõ ràng văn kiện này không phù hợp với tên gọi là Biểu cầu
phong như đã ghi trên nhan đề, bởi lẽ:
Về hình thức, văn kiện này không có đoạn bày tỏ lòng thành
kính, sợ hãi đối với Hoàng đế (thành hoàng thành khủng...) ở đầu văn
kiện và (hạ tình vô nhậm... ) ở câu kết thúc như quy định phải có đối
với thể loại Biểu văn; trong khi lại theo đúng quy cách của thể Tấu
văn ở câu mở đầu xưng danh... cẩn tấu vi cầu phong sự) và câu kết
thúc (... cẩn tấu dĩ văn). Mặt khác, cách hành văn trong văn kiện này là một
thứ văn xuôi trần thuật, trình kể sự việc và không hoàn toàn tuân theo luật chặt
chẽ của thể văn biền ngẫu.
Về nội dung, căn cứ vào sự mô tả trong Minh sử, ta có thể tin
là hai văn kiện sử dụng trong lần giao thiệp này là không có gì khác nhau lắm.
Nhưng xét về người đứng tên trong văn kiện thì ta thấy, ở dòng mở đầu văn kiện
này có đề tên hai người là "Cháu ba đời của tiên Trần chúa nước An Nam, thần
là Trần Cảo cùng Đại đầu mục, thần là Lê Lợi, kính cẩn tâu trình về việc cầu
phong". Rõ ràng văn kiện này không thể là tờ Biểu được, vì cũng
theo Minh sử, tờ Biểu là "của Cảo", và Toàn
thư cũng khẳng định "... sai người dâng biểu của Cảo xin lập làm dòng
dõi họ Trần".
Như vậy, ta có thể khẳng định văn kiện này là một bản Tấu do
Lê Lợi và Trần Cảo cùng đứng tên trình bày với vua Minh về nguyên do và nguyện
vọng xin sách phong Quốc vương cho Trần Cảo. Đó cũng chính là văn kiện được gọi
là Thư trong Toàn thư và Minh sử. Có thể do gửi đồng thời với văn kiện
này còn có một tờ Biểu của riêng "đương sự" Trần Cảo, nên
chính sử hai bên đều gọi đây là Thư của Lê Lợi. Còn tại sao tờ Tấu này
lại được gọi là Thư, có lẽ vì phương thức chuyển đạt đặc biệt của nó.
Trong điều kiện chiến sự khẩn trương lúc bấy giờ, hai đạo viện binh Vân Nam và
Quảng Tây của giặc đang áp sát biên giới, chỉ còn một tháng nữa là tiến đánh
vào nước ta. Rõ ràng phía nghĩa quân không có điều kiện cử sứ giả mang công văn
sang tận Yên Kinh trình lên vua Minh, mà phải dùng phương thức gián tiếp, gửi
chúng cho hai viên tướng chỉ huy hai đạo viện binh để rồi thông qua họ chuyển
tiếp về triều đình.
Với cách làm khảo sát tương tự như trên, chúng ta còn có thể
cải chính sự nhầm lẫn thể loại đối với 3 văn kiện khác nữa trong số công
văn Tấu, Biểu ngoại giao thuộc thời kỳ này hiện còn lưu giữ được. Đó
là:
Văn kiện sử dụng trong lần giao thiệp ngày 18 tháng 3 năm
1427 được mang nhan đề 呈 情
謝 罪
表 文 Trình
tình tạ tội biểu văn (Ức Trai tập, q.3, tờ 3b);
Văn kiện sử dụng trong lần giao thiệp ngày 29 tháng 11 năm
1427 được mang nhan đề 呈 情
謝 罪
表 文 Trình
tình tạ tội biểu văn (Ức Trai tập, q.3, tờ 1a);
Văn kiện sử dụng trong lần giao thiệp ngày 19 tháng 10 năm
1428 được mang nhan đề 謝 冊
封 表 Tạ
sách phong biểu (Ức Trai tập, q.3, tờ 14a).
Theo kết quả khảo sát của chúng tôi, cả ba văn kiện này cũng
đều thuộc thể loại Tấu văn. Sở dĩ chúng bị ghi nhầm thể loại
thành Biểucó lẽ vì nguyên nhân mà chúng tôi đã trình bày bên trên, tức là
vào lúc đương thời, mỗi lần đi giao thiệp, sứ giả của ta thường mang sang triều
Minh đồng thời hai văn kiện, gồm một tờ Biểu và một tờ Tấu. Trải
qua thời gian, những văn kiện đó đã bị thất tán trong quá trình lưu truyền, một
trong số hai văn kiện đó có thể đã bị mất, nên người sưu tập đời sau chỉ căn cứ
vào mục đích của sự kiện đi sứ dâng biểu để đặt nhan đề cho văn kiện còn lại
là Biểu cầu phong hay Biểu trần tình tạ tội v.v... mà không
xem xét kỹ về thể loại của chúng. Sự nhầm lẫn này không phải bắt nguồn từ đợt
sưu tập của Dương Bá Cung hồi thế kỷ XIX, mà chắc đã được khởi đầu từ trước đó
khá lâu, có thể từ công trình của Trần Khắc Kiệm hay Giáp Hải lưu truyền lại.
Điều đáng tiếc là sai sót đó vẫn chưa được sửa chữa trong một số công trình
mang tính tuyển tập hay tổng tập văn chương Nguyễn Trãi của
các nhà nghiên cứu đương đại, thậm chí cho cả tới năm 2000.
Các công văn ngoại giao xưa vốn không có nhan đề, nên chuyện
đặt một cái tên dùng để phân biệt cho mỗi văn kiện có chính xác hay không, có
thể chẳng phải là vấn đề lớn, nhưng việc xác định đúng thể loại của văn kiện đó
lại là một vấn đề văn bản học cần thiết để tạo cơ sở khoa học cho công tác
nghiên cứu khai thác. Nhất là đối với những công văn đấu tranh ngoại giao hồi đầu
thế kỷ XV, việc xác định văn kiện là Biểu văn hay Tấu
văn còn là một yếu tố góp phần khẳng định thêm một khía cạnh về thiên tài của
Nguyễn Trãi trong quá trình ông dùng ngòi bút phục vụ cho sự nghiệp chung của
dân tộc.
CHÚ THÍCH:
(1) Toàn thư, Bản kỷ, Q.10, tờ 18b.
(2) Toàn thư, Bản kỷ, Q.10, tờ 24a.
(3) Xin tham khảo thêm mục giải thích mục từ Tấu 奏 và Biểu 表 trong Hán ngữ đại từ điển .
(4) Theo Cương mục (Chính biên, Q.13, tờ 34a-b).
(5) Toàn thư, Bản kỷ, Q.10, tờ 57a.
(6) Ức Trai tập, Phúc Khê tàng bản, ký hiệu A.179.
(7) Nguyên văn: 先 是
帝 立
陳 暠,八 月 遣
使 求
封. (Toàn thư, Bản kỷ, Q.10, tờ 45b).
(8) Nguyên văn: 先 是
帝 遣
阮 廌
撰 求
封 書,差 人 進
暠 表
乞 立
為 陳
氏 後
遞 明
國 廣
西,雲 南
各 一
本 (Toàn thư, Bản kỷ, Q.10, tờ 44b-45a).
(9) Nguyên văn: 升 奉
命 久,俟 諸 軍
集,升 奉
命 久,俟 諸 軍
集,九 月
始 抵
隘 留
關。利 既
與 通
有 成
言,乃 詭
稱 陳
氏 有
後,率 大
小 頭
目 具
書 詣
升 軍,乞 罷 兵,立 陳 氏
裔。升 不
啟 封,遣 使 奏
聞。(Minh sử, Q.321).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét