Võ Thanh Hùng: "Một hồn thơ chiến sĩ"
Việt Nam là đất nước của nghệ thuật và thi ca như lời nói của
người xưa. Ở mỗi người dân Việt, dù thuộc giai tầng nào cũng mang một tâm hồn
nghệ sĩ. Trong hai cuộc kháng chiến oanh liệt chống thực dân Pháp và đế quốc
Mỹ, từ nhân dân lao động cần cù đến người trí thức làm việc bằng tim óc ở hậu
phương đến người chiến sĩ chiến đấu với kẻ thù xâm lược nơi tiến tuyến, cán bộ
lãnh đạo và lãnh tụ, tất cả đều thể hiện một tấm lòng thiết tha yêu văn
chương nghệ thuật. Nhớ lại một thời tiếng hát át tiếng bom chống kẻ
thù chung của dân tộc, với tinh thần lạc quan, chiến sĩ và quần chúng vừa
sáng tác thơ nhạc, vừa chiến đấu. Họ đã để lại nhiều khúc hát bài thơ chứa đựng
nội dung xây dựng lành mạnh: Chúng ta là chiến sĩ/ Lý tưởng như mặt trời/ Ở đâu có cách mạng/ Đá cũng nẩy mầm tươi (Lời thơ của chiến sĩ Cốn Cỏ
thời chống Mỹ)
Từ
miền cuối Việt trước ngày giải phóng cũng không thiếu những con người như thế.
Cụ thể là anh Võ Thanh Hùng, tỉnh Cà Mau, chiếc nôi kháng chiến vững chắc
của đất nước Nam bộ thành đồng. Sớm giác ngộ, chàng thanh niên
Võ Thanh Hùng trở thành một nhà giáo yêu nước, nặng nợ với văn chương. Trong
vùng đất quê hương còn bóng dáng kẻ thù, anh vẫn gan góc vừa đứng lớp dạy trẻ
ở nhà trường, vừa sớm cầm bút làm thơ. Do vậy, những vần thơ của Võ Thanh
Hùng có thể coi là những bức tranh đa dạng, rực rỡ sắc màu mô tả tình cảm và
cuộc đời nhà thơ trong lao động và chiến đấu tại quê hương nhau rún của mình.
Nhà thơ đấu tranh chống thù xâm lược tổ quốc và cũng không thể vô tư trước những kẻ
thù tiềm ẩn dưới nhiều bộ mặt tiêu cực khó coi quanh mình trong xã
hội.
Với ‘Chim được về đàn’, ta cảm nhận trước tiên ở nhà thơ tất cả cái tâm hồn rạo
rực chan hòa niềm tin, hạnh phúc thực sự của một thanh niên được vào đội ngũ
những chàng trai yêu nước dũng cảm, quyết tâm chiến đấu vì đại nghĩa dân tộc: Chim được sổ lồng tung cánh bay/ Nghe lòng mở cửa đón tương lai (Chim
được về đàn). Tác giả đã mở đầu bài thơ chủ lực mang tên thi tập của anh bằng
hai câu thơ mới bảy chữ đẹp từ tứ thơ đến từ ngữ đầy hình tượng nghệ thuật, dạt
dào nhạc điệu, minh họa tinh tế được trọn vẹn tình cảm và khí tiết của mình.
Tôi có cảm nghĩ đây là hai câu thơ giá trị nhất trong cả tập thơ của Võ Thanh
Hùng; giọng thơ mang phong vị khá gần gũi với ông Chúa thơ tình: Chim
nghe trời rộng giang thêm cánh (Thơ duyên - Xuân Diệu). Có lẽ cái hay kết
tinh đúng như thế. Bởi vì, vào một buổi hoàng hôn bãng lãng, khi chia tay tôi
nơi bến Ninh Kiều tại Tây Đô, thả hồn bềnh bồng trên chuyến tàu cao tốc vụt
vù trên mặt sông Hậu Giang để bay về đất Mũi, Võ Thanh Hùng còn hăm hở gọi điện
nhắc tôi từng chữ một trong hai câu thơ tâm đắc ấy sau khi anh đã hoàn thành
việc giũa mài chỉnh sửa để có được những vần thơ tuyệt bút. Cao đẹp và đáng
quý khôn cùng thái độ gieo vần nghiêm túc của người thơ đất Mũi!
Chim được sổ
lồng muốn nói lên hoàn cảnh anh thanh niên Võ Thanh Hùng yêu nước
tạm rời vùng đất tề, được thảnh thơi về khu kháng chiến với
đồng chí anh em cùng chung lý tưởng: Ngắm trời cao rộng chim vui hót/ Trút hết đọa
đày với đắng cay. Đã là chiến sĩ, luôn giữ chặc súng bên mình đang cận kề
với sống chết, nhưng anh vẫn không quên cảnh giác chiến đấu trước kẻ thù vì đồn
giặc còn bũa giăng đây đó ngay trên đất mẹ yêu thương: Tử thần lẩn quẩn
luôn đeo bám/ Đồn bót tư bề giặc bũa giăng. Nắm giữ vững đội hình,
mật hiệu khi công tác và chiến đấu: Hai trước - ba sau theo đội
hình/ Trao nhau mật hiệu để truyền tin., Võ Thanh Hùng chiến sĩ
đinh ninh với một niềm tin sáng trong ở một ngày mai chiến thắng: Nguồn
vui thắp sáng trong đôi mắt/ Chân bước nghe lòng phơi phới bay. Tình đồng
đội thắm thiết ở quân trường mồ hôi nắng lửa, nghĩa anh em mặn nồng thể hiện
trong sự san sẻ nhau từng bát cơm, miếng cá ở xóm nhỏ Bần Quỳ là những kỷ niệm
không bao phai nhạt với người thơ chiến sĩ Võ Thanh Hùng: Quân trường
ba tháng quen từ đó…; Xóm nhỏ Bần Quỳ với chúng tôi/ Tình sâu nghĩa nặng được
nhân đôi.
Lòng anh rất trong sáng với bạn bè đồng chí và phân minh rõ ràng với những ai
không cùng một chiến tuyến. Những vần thơ thất ngôn bát cú Đường luật điêu
luyện mà ý nghĩa sâu sắc của anh không khác gì những mũi tên nhọn bay vút thẳng
tới kẻ thù, là những mũi súng A.K không do dự, nổ trực diện về chế độ ro-bốt
do thế lực đế quốc tác động: Tổng Giôn dàn dựng một chiêu bài/ Đậm nét
khôi hài khó dối ai (Vu khống); Lính dù hống hách, bò lê lết/ Biệt
động ngông nghênh chạy nháo nhào (Cú đá móc hàm). Sau ngày thống nhất đất
nước, trong hòa bình xây dựng quê hương, kẻ thù của nhân dân ta hóa thân
thành những bộ mặt khác. Với nét bút trào phúng mang tính đả kích phảng phất
sắc thơ Tú Mỡ, Võ Thanh Hùng không quên phê phán những kẻ tham lam ích kỷ, chỉ
biết sống vì lợi danh vật chất, ỷ thế dựa thời tham quyền cố vị để có được cuộc
sống giàu sang sung sướng riêng tư.
Những tên quan tham, lại nhũng với bộ mặt
khả ố, mất nhân cách, đạo đức được lần lượt phơi bày trong những vần thơ thi
pháp vững vàng của Võ Thanh Hùng: Anh tột đỉnh cao, tầm cỡ xã/ Anh
ngôi đầu bảng dựa nhờ oai/ Cậy quyền ỷ thế lo tư túi/ Kéo cánh kết bè
xếp thứ vai (Nhân nào quả nấy). Tâm hồn nhạy cảm như bao nhà thơ khác,
đôi lúc thơ Võ Thanh Hùng hạ cung bậc xuống giọng trầm không xa Nguyễn Bỉnh
Khiêm, thể hiện nỗi lòng ngao ngán của tác giả trước tình bạn đổi thay trong
thế thái nhân tình: Giờ được vững vàng ngôi chủ cả /Hết hồi cơ cực hết
than van/ Anh làm mặt lạnh lơ là bạn/ Kẻ trách người chê…khó được bền! (Đen
bạc tình đời).
Võ Thanh Hùng là con người lãng mạn tích cực và yêu đời tha thiết. Nỗi buồn
màu xám không thể có chỗ đứng lâu dài trong tình cảm lành mạnh của nhà thơ.
Vì trong lòng nhà thơ còn dập dồn nhớ lại sự chịu đựng hy sinh cao đẹp của
người vợ son sắt thủy chung của anh trước những đòn thù tàn bạo: Quanh
co tao chẳng dung tha/ Tơi bời thân liễu xót xa cuộc đời/ Hỡi người thương
của tôi ơi/ Thủy chung son sắt nửa lời không khai/ Thà cam chịu cảnh tù đày/ Gìn vàng giữ ngọc không phai sắc hồng/ Biển trời lai láng ai đong/ Vần
thơ đền đáp tấm lòng thủy chung (Nhớ mãi không quên). Yêu thương vợ cùng
với mình gian nan chia lửa trong chiến đấu, nhà thơ cũng không quên thể hiện
niềm vui của cha mẹ khi hay tin con vào Sư phạm để mai sau nối nghiệp cha theo
nghề dạy học: Nghề sư phạm hoàn toàn mẹ chịu/ Nối nghề cha…(Ngày con
vào Cao đẳng) và động viên con mãi phấn đấu học tập để vươn lên suốt đời: Học,
học nữa, học mãi suốt đời.
Lòng yêu thương con, biết cực khổ vì con
cái nhắc Võ Thanh Hùng càng khắc ghi nhớ những lời dạy quý báu thiêng
liêng của các bậc phụ mẫu sinh thành để được sống và chết sao cho ý nghĩa : Giọng
run run nhìn con, cha khẽ bảo/ Nhớ nghe con “Sanh vi tướng tử vi thần”/ Đời
mấy ai chết đến hai lần/ Một lần chết, chết sao cho xứng đáng (Nhớ lời
cha).. Vào một buổi chiều thu se lạnh gió heo may, trong đời sống tình cảm ấp
e thầm kín, nhà thơ không tránh khỏi đã một lần cảm thấy con tim mình xao xuyến trước bóng
giai nhân với hình ảnh áo dài
truyền thống và chiếc nón bài thơ: Còn nhớ không em một
buổi chiều/ Mưa thu lành lạnh gió hiu hiu/ Áo em ôm ấp thân tròn trĩnh/
Nón lá nghiêng che dáng mỹ miều (Mưa ướt áo em). Ta
rất dễ thông cảm và yêu mến thêm nhà thơ đất Mũi. Nghệ sĩ
tài hoa tự nghìn xưa vốn đa cảm đa tình không phải là điều khó hiểu với người
đời!
Chim
được về đàn - một thi tập hơn 120 bài thơ trước hết đã là một công trình
lao động nghệ thuật không nhỏ mà chỉ được giới thiệu trong vài trang cảm nhận
quả là chưa thể nói lên được nhiều về chân dung văn nghệ của tác giả. Ở đây,
tôi chỉ xin chân thành bày tỏ đôi điều suy nghĩ một công trình lao động nghệ
thuật đáng quý của nhà thơ Võ Thanh Hùng. Yêu say đắm thơ, miệt mài làm
thơ ngay tử thuở nhỏ, tác giả xuất thân là nhà giáo, lại sớm tham gia cách mạng
nên thơ anh là những bức tranh khá đủ màu sắc về hồn cốt và cuộc đời mình
trong bối cảnh lao động, dạy học và chiến đấu tại quê hương anh tại miền đất
Mũi mênh mang rừng đước rừng tràm. Nhìn tổng thể, nội dung thơ Võ Thanh Hùng
tập trung quanh các chủ đề: tình cảm, tự sự và trào phúng mang tính đả kích. Tính anh thẳng
thắn như thân cây đước cây tràm, lập trường anh chắc chắn không khác gì
rễ cây đước, cây mắm Võ Thanh Hùng mạnh dạn nói lên những chướng tai gai mắt
xảy ra chung quanh anh mà chẳng chừa bỏ ai. Những vần thơ Võ Thanh Hùng được
coi là một tinh kết tư tưởng văn chương đúng nghĩa, đa phần thơ anh vẫn tập
trung đủ những yếu tố nghệ thuật chân chính: một hồn thơ đích thực được thể
hiện qua những tứ thơ sâu lắng và một bản lĩnh thi pháp vững vàng dù anh làm
thơ với chủ ý cởi mở nỗi lòng với tha nhân.
Ở những vần thơ của Võ Thanh
Hùng, người đọc không khó phát hiện ra những ưu điểm: niêm luật khá bài bản
dù anh ít chú ý đến phép đối kinh điển bắt buộc ở thể thơ Đường luật thất
ngôn bát cú. Tuy nhiên nhưng vần điệu trong thơ anh chuẩn mực sát sao ở các
thể loại thơ truyền thống như lục bát, song thất lục bát, ngũ ngôn. Riêng ở
thể loại thơ mới bảy chữ và tám chữ, thơ thự do… nhà thơ họ Võ cũng chứng
minh được ở mình một khả năng gieo vần và sử dụng ngôn từ: từ láy, tu từ, nhạc
điệu…. Điểm sáng của tập thơ là cái suy nghĩ lắng sâu và tình cảm trong sáng
mang giá trị nhân văn cao đẹp bàng bạc trong từng vần điệu. Đó là điều
đáng trân trọng mà ta ít tìm gặp trong một số bài của người làm thơ dễ dãi
trong thi đàn hôm nay!.
Qua lăng kính của xã hội nặng về vật chất hiện tại, người làm văn học nghệ
thuật tiêu biểu nhất là họa sĩ, nhà thơ, thường được nhìn như những kẻ mộng
du khá xa lạ với nhiều người… Nhưng thôi nhé, xin nhà thơ Võ Thanh Hùng hãy
đừng băn khoăn! Cảm nhận một tác phẩm văn nghệ nhất là thơ không phải là điều
đơn giản vì nó không tránh khỏi mang dấu ấn chủ quan của con người chỉ đứng ở
một góc trời riêng của mình. Xã hội nhân gian hôm nay vẫn không thiếu những mặc
khách tao nhân và người đồng điệu với ta, biết trân trọng và yêu thương ta:
Đời thơ dù lắm vẩn vơ,
Đêm đêm cũng được người tơ tưởng thầm.
Nghênh phong các, Xuân 2017
Nguyễn Thanh
Theo http://www.vanchuongviet.org/
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét