Nguyên Minh và những khúc hoài niệm
Đến với nhau
trong văn chương không phải là sự tình cờ. Và vì vậy, khi Nguyên Minh đến với
thế giới chữ nghĩa là mang đến cả một niềm đam mê không biết mệt mỏi.
18 tuổi anh và bạn bè làm tờ Gió Mai ở Huế. Và từ đó đến nay anh
có hơn 50 năm tuổi nghề, mặc dù có những lúc, thời gian đã chặn anh lại nửa
đường. Nhưng thời gian mang những dấu ấn lịch sử kia đã không thể trói tay
chân, đầu óc anh. Hết Gió Mai, ở Phan Rang anh lại cùng Nguyễn Hữu
và bạn bè ra tờ Ý Thức, tờ báo in ronéo đẹp nhất miền Nam thời bấy giờ và
cũng tập trung đông đảo người viết trẻ nhất.
Cả cuộc đời
Nguyên Minh không thể thiếu mùi mực in, mùi giấy và kim chỉ. Vắng chúng chừng
như anh không thể nào sống nổi thêm giây phút nào nữa, như một Trần Hoài Thư ở New
Jersey vừa khâu sách trên bàn ăn tối vừa tiếp bạn xa! Thời in ronéo chấm dứt,
có lúc Nguyên Minh thẩn thờ như kẻ mất hồn giữa thị trấn tràn gió và cát bay.
Anh quyết định bỏ Phan Rang, chốn quê nhà yêu dấu của mình, vào Sài Gòn để làm
một điều gì đó cho văn chương, cho tuổi trẻ. Vậy là Ý Thức từ ronéo chuyển sang
in typo, rồi ofset, có nhà in riêng hẳn hoi, có thư ký tòa soạn, có
nhân viên phát hành... đặt tại 666 Phan Thanh Giản. Phải thừa nhận công sức anh
bỏ ra khá nhiều cho Ý Thức, nhưng từ nội dung tới hình thức không thể “tranh”
được một chỗ đứng “xứng tầm” trong làng báo văn học ở miền Nam thời kỳ văn
chương phi lý, hiện sinh lẫn với tình tự dân tộc... đang nở rộ. Có lúc tôi bạo
miệng đề nghị anh xem lại và mạnh dạn làm một cuộc cách mạng cho tờ báo, may ra
mới có độc giả và sống được. Là nói vậy chứ trong đầu cũng chưa hình dung sẽ
cách tân thế nào (nếu như Nguyên Minh giao chuyện cách tân đó cho tôi)?
Hết giờ dạy giữa cuối tuần, từ Mỹ Tho phóng xe về, tôi lôi xệch Nguyên
Minh ra quán cà phê cóc trong con hẻm bên kia đường, trước mặt tòa soạn và đưa
ra ý kiến thay đổi khổ báo từ chữ nhật ra khổ vuông, thêm các mục biên khảo,
phê bình, triết học... bìa in trên giấy couché láng và nhờ họa sĩ trình bày
thật đẹp để bắt mắt độc giả, may ra có thể có được một chỗ đứng vững vàng bên
cạnh những Văn, Bách Khoa, Trình Bày, Thời tập... Nguyên minh chỉ ngồi yên và nghe. Nghe mà không có ý kiến gì. Không nói
lại, đồng nghĩa với sự không bằng lòng về kiểu cách tân của tôi đưa ra? Nguyên
Minh đứng lên. Tôi đứng lên.
Hai ly cà phê chưa động muỗng. Anh bước qua đường vào tòa soạn. Tôi dắt xe chạy
về Phú Nhuận. Hai tháng sau đó tôi không hề đặt chân về ngôi nhà Ý Thức với tâm
trạng một cậu bé con, nên không biết ông Lê Ký Thương, Thái Ngọc San có còn
ngồi gò lưng sửa bài, trả lời thư độc giả và những ai đến ai đi?
Nhắc lại chút
chuyện cũ, để thấy rằng, Nguyên Minh đến với văn học bằng cả tâm hồn và tấm
lòng, cùng niềm đam mê rực lửa.
Có lẽ, do quá
bận bịu với công việc in ấn, phát hành nên suốt cả thời gian này Nguyên Minh
không viết được gì nhiều, ngoài tập truyện dài thiếu nhi Đám tang đa đa.
Và rồi, sau ngày u ám kia Nguyên Minh có thời gian nhiều hơn cho việc viết
lách, mặc dù anh cũng phải chạy chợ từng ngày như bao nhiêu người khác để nuôi
sống vợ con.
Ba tác
phẩm viết sau năm 1975 là một nổ lực được ghi nhận một cách trân trọng đối với
Nguyên Minh: Căn nhà hoang (2000), Tưởng chừng đã
quên (2007) và gần đây là Ngôi nhà số 11 (2009)
Truyện của Nguyên Minh không
có gì mới lạ, nói theo cách nói của các nhà văn mang dòng văn học hiện sinh vào
miền Nam để thổi bùng ngọn lửa sáng tạo, đứng về phía cái mới, cái hiện đại,
xóa đi cái bóng ma của TLVĐ kéo dài mãi sau này với Giòng sông Thanh thủy của
Nhất Linh, hay một Đỗ Tốn, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng.... thì Nguyên Minh vẫn
là một Nguyên Minh điềm tĩnh trên từng trang giấy với những hoài niệm về một
quá khứ xa gần, trong đó nổi đậm lên những tình cảm bè bạn, quê nhà, cha mẹ,
miền đất, dòng sông, con phố; thứ đến là mối tình với cô nữ sinh tên T. mấy
mươi năm năm sau vẫn sâu nặng, không thể quên...
Cho nên khi
đọc Nguyên Minh là đọc về cuộc đời anh, về quá khứ của anh cùng những bi khúc
rời của cuộc đời đưa đẩy, nổi trôi. Truyện ngắn “Tưởng chừng đã quên”,
đồng thời là tên chung cho cả tập truyện dày 256 trang là những hồi tưởng về
công việc của mình trong quá khứ. Đó là niềm say mê được làm báo. Làm báo không
phải để kiếm sống như bao người khác có tí chút nhuận bút còm, mà là niềm say
mê tưởng đã ngủ yên trong quên lãng nay bỗng nhiên nổi dậy như những đợt sóng
vỗ vào bờ. Mẫu đối thoại ngắn trong truyện này đã phác họa chân dung một Nguyên
Minh có một không hai trên đời này: “Ba may cái gì vây?/ Tôi trả lời nhát
gừng/Sách/ Hồi giờ con không thấy ba may. Bộ ba biết đóng sách hả?/Đừng hỏi, để
ba yên/ Một vài lần mũi kim châm vào đầu ngón tay tôi, đau nhói. Ba mươi năm
tôi không sử dụng tới. Công việc tôi làm đâm ra vụng về. Nước mắt cay cay. Ừ.
Mình đã già. Tôi lục đục tìm mãi hộp hồ mới đây thợ dùng còn bỏ dở. Vợ tôi moi
nó ra từ một góc kệ. Nàng cũng ngạc nhiên hỏi:/ Sao anh không đưa xuống bảo thợ
dán gáy cho?/ Tôi cầm lấy hộp hồ, trả lời vội rồi bỏ vào phòng/ Anh thích tự
làm lấy.../ Ba đưa thợ làm vừa nhanh vừa đẹp mà ba đỡ mệt/ Tôi bực dọc/ Mày
biết gì, tao thích vậy”. (Tưởng chừng đã quên, trg 10-11).
“Mày biết gì,
tao thích vậy”. Câu trả lời cho đứa con của anh trong truyện cũng là câu trả
lời với bạn bè tại sao suốt ngày anh cặm cụi trong căn phòng chỉ rộng
chừng 9 mét vuông, với nào là máy móc, giấy mực, dao xén, máy đóng
chỉ, sách báo chất ngổn ngang...? Niềm đam mê ấy đã cuốn hút anh đến nỗi đã hẹn
trước với T. người yêu bé nhỏ, đi ăn sáng anh cũng quên mất? Sau đó
bào chữa một câu, mà trong tình yêu, không dễ gì tha thứ: “Không đi ăn sáng giờ
ăn trưa vậy, thôi đi em”, rồi thay vì chở nàng đế nhà hàng hay quán ăn nào đó
thì anh lại đưa T. tạt ngang qua tòa soạn, như thể nơi đó là khối nam châm
khổng lồ cuốn hút lấy anh. Không nhân viên nào có mặt, anh lại bắt người yêu
ngồi sửa bản in, cuối cùng thì hai người ăn cơm hộp tại chỗ?! Trên đời này,
hiếm có người nào như nhân vật “Tôi” của Nguyên Minh. Vậy mà có đó. Đó là hiện
thân của anh, người luôn thao thức với công việc in ấn, sách báo: “Cả một
khoảng đời dài, một phần tư thế kỷ, chúng tôi đã ngừng bút. Trong những buổi
họp mặt đó, tôi chỉ ngồi lặng câm, không nở nổi một nụ cười. Những mộng ước văn
chương còn dang dở. Sao không ai nhắc đến món nợ phải trả. Cuộc chơi cay nghiệt
của thời tuổi trẻ đã từng làm tôi đam mê đến nỗi đã đánh mất đoạn kết tốt của
một mối tình” (Tưởng chừng đã quên, trg 15).
Những hồi ức về một thời trai trẻ cứ lướt thướt trôi qua. Anh
lại nhớ về người cha ham mê đá gà và cầu thủ bóng đá, về người mẹ và sau này là
người chị ruột với những canh bài tứ sắc. Cha mẹ người trước người sau qua đời
bằng nhiều cách khác nhau: bệnh tật, tự tử bằng thuốc ngủ... đã để lại trong
tâm hồn anh một khoảng trống. Và cái khoảng trống ấy là nỗi khắc khoải trong
cơn mộng du cuộc đời. Hình ảnh những người thân mãi ám ảnh anh bằng
giọng văn kể chuyện trầm tĩnh, không than oán, không chút giận hờn, để người đọc
hiểu rằng, với những người chung quanh anh như thế, sự chọn lựa con đường văn
chương cho riêng mình và mọi người là con đường đẹp, phủ đầy cỏ lạ hoa thơm.
Nhân vật “Nữ tặc” trong truyện “Mây trôi” là nhân vật
đặc biệt, khiến tôi nhớ đến các nhân vật của Duyên Anh, Nguyễn Thụy Long nhưng
khác một chỗ: Cô ta là người có học, buồn đời, buồn chán chiến tranh kéo
dài đã giáng xuống cuộc đời cô bởi cái chết của người yêu ngoài mặt trận. Vân
Phi duyên dáng, đẹp ở thời khắc ban đầu bỗng trở nên “dữ dội” ở giai đoạn là “Nữ
tặc” với đám đàn em quậy phá các quán cà phê, với những điếu thuốc nhả khói
vòng tròn, uống một lúc hai ly cà phê đen không đường! Nhưng trong một khoảnh
khắc tiếp cận với cái Đẹp khi quán cà phê Tao Nhân của Nguyên Minh tổ
chức một đêm nhạc của bạn mình, Trịnh Công Sơn thì “Nữ tặc” lại hiện nguyên
hình là một người nữ hiền thục, và “Nữ tặc” đã hát, vừa đàn vừa hát, hát hết
bài này đến bài khác đến nỗi chính tác giả của nó cũng phải kinh ngạc: “Tiếng
hát buồn quá, nghẹn ngào, tiếc nuối, trông ngóng.Tôi ngồi dậy, châm một điếu
thuốc. “Chiều chủ nhật buồn, nằm trên căn gác đìu hiu... Ô hay mình vẫn cô
liêu... Chiều một mình qua phố, âm thần nhắc đến tên em...”. Hết bài hát này nối
tiếp ngay bài khác. Tôi không thể ngờ người con gái mà cả thị trấn
nhỏ bé này muốn dẫm nát nàng khi nàng muốn đứng dậy sau khi ngã gục xuống bên lề
đường phố, lại có một giọng ca truyền cảm như thế” (Tưởng chừng đã quên,
trg 131-132). Nhân vật nữ kia với chỉ một đêm gặp nhau qua giọng hát trình bày
những bản tình ca của mình khiến TCS cũng phải ngạc nhiên, sau này hỏi lại: “Cô
ấy giờ ở đâu?/ Tôi hỏi lại: Cô nào?/ Cô Mây Trôi/... Sơn kể: Có vài lần ngang
qua thị trấn đó, mình nhớ đến quán Tao Nhân nhớ đến cô gái đã hát cho mình nghe
những bản tình ca của mình. Hồi đó mình hỏi tên, cô nói cứ gọi cô là Mây Trôi/
Té ra, Vân Phi của mọi người, còn Mây Trôi chỉ của Trịnh Công Sơn”. (Tưởng chừng
đã quên, trg 133-134)
Nhiều người đọc truyện ngắn “Mây trôi” trong tập
truyện này (TCĐQ) ít nhiều đều cho Nguyên Minh “triết lý” về cõi vô thường, về
có về không, về xấu về đẹp trong cuộc sống đầy dẫy những hệ luy này. Riêng tôi,
tôi không nghĩ thế. Cả đời Nguyên Minh chưa hề triết lý với ai, bất kỳ cái gì
hiện hữu trong cuộc sống, trước mắt anh, bởi nhân vật Vân Phi, Nữ Tặc, Mây Trôi
là có thật trong giai đoạn lịch sử u ám nhất. Cái lịch sử khốn nạn kia đã xổ đẩy,
chi phối con người, đã giết chết người yêu của cô ngoài mặt trận. Đó là sự phi
lý trong chiến tranh. Sự phi lý đó đã khiến cô gái đớn đau, thất vọng và không
tin vào bất cứ điều gì, cho nên từ một cô giáo hiền thục trở thành một Nữ Tặc
chỉ là điển hình của những con người đang phải gồng vai gánh những khổ nạn cho
một giai đoạn đen tối, bi thảm nhất. Riêng cô, Vân Phi hay Nữ Tặc hay Mây Trôi
trong đời sống, đã chuyển động theo từng trạng thái khác nhau, nhưng cô không hề
đánh mất chất Người trong bản thân cô, khi người đọc “nghe” cô hát hết những
bài tình ca này đến bài tình ca khác, như để giải tỏa những ẩn ức cho căn bệnh
thời đại đang ẩn náu trong chính mình.
Đậm đặc nhất trong Tưởng chừng đã quên, có lẽ là truyện “Những
linh hồn đứng”. Đọc hết truyện, mà đọc trong đêm khuya, ta dễ có cảm giác
gai lạnh sống lưng, như lạc vào mê đồ ma quái. Nhân vật chính ở đây không phải
là Phan, là chị Chi, là Tôi hay Hoàng Nga... mà là cây đoát, một loại cây họ dừa,
giống như cây chà là, mọc hoang trên rừng núi. Nhưng cây đoát của Nguyên Minh
thì không mọc hoang, nó được trồng ngay hàng thẳng lối đằng sau khu nhà xác bệnh
viện Huế. Những đêm trăng sáng, nghe tiếng gió hú rít từ sông Hương dội về
qua những tàu lá, thân cây âm thanh nghe ma quái, ghê rợn. Những thân cây ấy
không chỉ là loài thảo mộc mà nó là chứng nhân của lịch sử hãi hùng, hứng chịu
mọi tai họa. Cách ẩn dụ nhẩn nha của Nguyên Minh khi lồng vào câu văn kể chuyện
như thể dẫn dắt người đọc đi trong bóng đêm lờ mờ, ẩn hiện những hình bóng như
có mà như không có, cái thứ hình bóng của địa phủ âm ti hiện về: “Thả người ngồi
xuống giữa lòng đường nhựa, nhìn những cây đoát vẫn trơ trơ, bất động giữa trời
đất, Phan thốt lên rất khẽ nhưng cũng đủ cho tôi nghe: “Như những linh hồn từ
đâu đó vất vưởng nhập vào những hàng cây đoát này đứng sững sờ giữa đêm trăng”... Tôi
rợn cả người, như có một luồng khí lạnh buốt xuyên thấu vào tim. Hình như tôi
cũng cảm nhận như Phan nói, có một bóng, một người trùm áo dài trắng mỏng dính,
khuôn mặt người đàn bà sao tôi thấy quá quen thuộc, chân lướt đi không chạm mặt
đất, cứ thẳng đến gốc cây đoát đầu đường, và chạm vào đó rồi tan biến mất. Tôi
nhận ra bóng dáng của mẹ tôi. Còn Phan linh cảm điều gì? Sau một đêm thao thức,
trên bàn viết ở một góc phòng của chúng tôi, Phan xếp đầy những trang bản thảo
của một truyện ngắn. Phan đưa cho tôi đọc. Bấy giờ tôi mới hiểu, cũng như tôi
Phan mơ hồ chợt nhận ra cái bóng của người đàn ông mặc bộ đồ bà ba đen vất vưởng
từng bước chập choạng nhập vào thân cây đoát và tan lẫn mất. Phan không nhận được
khuôn mặt đó quen hay lạ vì nơi màng tang người đó tuôn ra một dòng máu chảy.
Loang lổ một màu đỏ cả châu thân...” (Tưởng chừng đã quên, trg 168).
Những cây đoát kia, một người thì nhìn thấy như bóng người
đàn bà bước tới, không chạm đất và nhập vào đó, người kia lại thấy như hình
bóng người đàn ông là cha mình đã chết vì một viên đạn từ chiến khu về thăm
nhà! Và qua hàng cây đoát lờ mờ trong đêm là bóng người không nhận ra quen lạ,
chỉ thấy dòng máu đỏ ở màng tang, loang lổ cả châu thân... “Tôi” đã ân hận vì
không kịp về khi động quan người mẹ thân yêu và Phan thì chỉ biết lờ mờ về cha
mình theo lời kể lại của mẹ. Những ám ảnh đen đúa một đời đeo đuổi họ, khi hoài
nhớ lại những kỷ niệm xa xưa về người thân, về bạn bè đứa bên này, đứa bên kia
bị dòng lịch sử cuốn hút, phũ phàng và cuối cùng nhấn chìm xuống đáy vực máu
me? Nhớ về chốn xưa, rồi tự hỏi: “Bao nhiêu năm qua tôi vẫn tự hỏi: “Tại sao
Phan lại đặt cái tên Những linh hồn đứng cho một con đường nên thơ. Những linh
hồn đứng đó là ai? Tại sao lại đứng. Có phải đó là những linh hồn của những người
thân yêu chết tức tưởi trong cuộc chiến tranh thế hệ chúng tôi phải gánh chịu” (Tưởng
chừng đã quên, trg 178).
Đến tập truyện Nhập vai, Ý Thức&Thư ấn quán xuất
bản năm 2007, chỉ có 6 truyện ngắn cũng đều xoay quanh những hồi ức về bạn bè,
người thân một thời. Nhưng đáng chú ý hơn cả là truyện Có một thời, ở cuối
tập sách. Với giọng văn kể chuyện, truyện được ghi lại những khoảnh khắc cơ hàn
nhất, dã man nhất thời kỳ sau 75. Mấy năm trước, sau khi đọc xong truyện này,
tôi gọi điện hỏi anh: Có thật vậy không? Anh nói: chuyện do người bạn kể lại,
thật trăm phần trăm, khiến tôi phân vân, lục lọi trí nhớ về những năm 75-86. Chừng
ấy năm là cảnh ngăn sông cấm chợ, “nhân dân” được chăm sóc theo kiểu “Trại súc
vật” của G. Orwell. Và cách hành xử của kẻ chiến thắng là đày đọa “nhân dân” đến
quá giới hạn chịu đựng, đến nỗi hàng hàng lớp lớp người chấp nhận lao vào “thủy
mộ quan” để có cơ may sống theo đúng nghĩa cuộc sống trên cõi đời này.
Những năm đó, ngay quanh phi trường Tân Sơn Nhất, trên các
con phố, lề đường chưa lát gạch, người ta thấy những luống đất bị lật tung lên
và thay vì thảm cỏ xanh là những luống rau, cải, bắp... nghĩa là trồng bất cứ
thứ gì để “cải thiện” cái bao tử bị bao vây bằng những tấm tem phiếu dã man,
kéo con người xích lại gần hơn với bầy người nguyên thủy; điều chưa từng xảy ra
với mọi người ở miền Nam trước đó và cả trên mặt đất này!
Nhưng dã man hơn cả, tán tận lương tâm hơn cả, vượt lên trên
đạo đức làm người là chuyện mang những thai nhau về làm thức ăn cho heo và tệ
hơn ngâm làm rượu bổ!
Nguyễn Huy Thiệp cũng có một truyện ngắn về đề tài này, nhưng
chỉ lớt phớt xoay quanh tình cảnh một ông tướng già về hưu. Còn ở truyện Có
một thời, Nguyên Minh lại vẽ ra từng chi tiết khiến người đọc thấy buồn nôn vì
mức độ cộc cằn của con người đã biến chất, đánh mất hết cả nhân tính. Đó là bà
thím, ông chú và những kẻ chiến thắng trở về chiếm lĩnh những khu chung cư, hay
những căn nhà bị gán cho tội liên quan đến Mỹ-Ngụy, vượt biển...
Nhân vật Tôi trong thời điểm này cũng lâm vào tình cảnh dở sống
dở chết như bao người dân miền Nam khác cùng thời và buộc lòng Tôi phải đi buôn
bán kiếm đồng lời nuôi sống vợ con. Tôi đi buôn thuốc tây qua đường dây của bà
thím tập kết: “...tôi gặp lại người bạn cũ gợi ý và chỉ đường cho tôi đi buôn
thuốc tây. Như ngày xưa mẹ tôi đã từng cất giấu trong gùi phủ lá chuối mang vào
chiến khu cho cách mạng. Còn bây giờ, tôi phải giấu diếm trong ổ bánh mì để
thoát qua mấy trạm kiểm soát mang về bán cho mấy y sĩ lén lút chữa bệnh cho dân
trong làng xã. Thím tiếp tay bán cho tôi những lọ thuốc kháng sinh đặc biệt của
các nước xã hội chủ nghĩa như Tiệp Khắc, Liên Xô viện trợ cho các bệnh viện” (Nhập
vai, trg 147)
Nhưng tình trạng buôn bán thuốc tây kéo dài không lâu, bởi: “...
nửa đêm tôi thức giấc ngang qua phòng thím còn thắp ngọn đèn ngủ, nhìn vào, tôi
thấy thím lom khom mở những viên thuốc thật, trộn vào một thứ gì đó. Sáng dậy
tôi hỏi thím sự việc. Thím trả lời tôi một cách thản nhiên: “Có chết chóc đâu
mà sợ, chỉ thêm một nửa bột mì”. Từ đó, tôi không dám đi buôn thuốc tây nữa.
Tôi không vào Sài Gòn. Ở quê cùng vợ cuốc đất trồng rau” (Nhập vai, trg
164).
Hai mẫu người, hai nền giáo dục khác nhau và tính cách đạo đức
làm người cũng khác nhau. Đã đành con người phải mưu sinh để tồn tại, nhưng
cách mưu sinh của ba thím thì chà đạp lên trên niềm tin về một cõi tâm linh: “Có
gì lạ đâu cậu, những tấm bia của người chết toàn là ngụy quân ngụy quyền... lật
úp nó xuống, những tên những tuổi nằm xuống mặt đất, đưa lưng đá xanh còn tốt,
mình nuôi heo, bán ra có tiền nuôi sống biết bao nhiêu con người, như gia đình
chú ruột cậu đây. Cậu ỏ tư tưởng tiểu tư sản ấy đi” (Nhập vai, trg 158).
Mang những tấm mộ bia về lót nền nuôi heo là sự báng bổ vong
linh người chết, nhưng còn mang những thai nhi về băm nhỏ, trộn lẫn với cám cho
heo ăn thì đó lại là hành động nặng thú tính, dã man nhất trên đời này: “...
Tôi mang máng nhận ra có gì rất lạ đến kỳ quái từ những mớ thịt làu nhàu đó cho
đến một hôm thím vội vàng đi đâu đó liệng vội vào chuồng heo một miếng thịt sống,
lũ heo như một bầy quỷ dữ nhào vào cắn xé giành giật, mỗi con mang một miếng nhỏ
vào riêng từng góc mà nhai ngấu nghiến. Hình ảnh đó làm tôi rợn người tưởng chừng
như trước mặt mình là bầy cọp đói đang xâu xé một con người”. (Nhập vai, trg
154-155).
Truyện còn kể về những giọt nước mắt máu của bức tượng đồng
người lính bồng súng trước nghĩa trang, về những tiếng khóc của trẻ con trong
đêm sâu ở nhà bà thím, về thẩu rượu ngâm thai nhi, và về hậu quả của những hành
động dã man kia.
Khép lại những dòng cuối cùng của truyện ngắn này, người đọc
cảm thấy nghèn nghẹn, tim thì bóp thắt đến rát đau nhoi nhói và nghĩ rằng dẫu
trên đời này có thừa sự tàn ác, dã man nhưng có sự dã man tàn ác nào hơn thế
không?
Năm 2009, Nguyên Minh lại cho xuất bản tiếp Ngôi nhà số
11. Có thể gọi đây là tập truyện ngắn cũng được, mà gọi là truyện dài có chương
hồi cũng xong. Bởi 6 phần trong tác phẩm này đều dùng giọng văn tự sự, để kể lại
cho bạn đọc về cuộc đời của những người thân yêu trong gia đình, về bạn bè và
những hoài nhớ một thời trai trẻ của anh. Tác phầm được khởi đầu bằng truyện
Ngôi nhà, tức Ngôi nhà số 11. Nơi đây anh từng có quãng đời thơ ấu lẫn trưởng
thành rất thơ mộng. Thơ mộng bởi tuổi tơ gắng liền với bãi cát mênh mông, trắng
xóa của con sông Dinh, phía bên này cầu Đạo Long, với ngồi đền của người Hoa, với
ngôi thánh đường một thời in dấu chân hai người trên những thềm cao để nhìn
nhau, nhưng rồi không được nhìn về một hướng. Không được nhìn về cùng hướng khiến
anh rưng rưng hồi tưởng lại những giây phút êm đềm bên nhau, giờ đã hút xa mịt
mờ những mất mát.
Chuyến trở về thị trấn nhỏ, anh mang tâm trạng của kẻ lúc mới
bỏ xa nó, nghĩa là đầu óc anh vẫn nghĩ cái thị trấn bé nhỏ này vẫn lưu giữ một
cách nguyên vẹn những hình ảnh anh mang theo lúc mới khởi hành. Khốn thay mọi
chuyện đều thay đổi. Bãi cát mênh mông kia, có lúc là khu nghĩa địa bỗng biến
thành con đường thẳng tắp, nhà cửa cao ngất ngưởng hai bên. Và cả căn nhà yêu dấu
của anh chị em anh thời thơ ấu cũng biến dạng, méo xệch đi, giờ là
nơi người em kinh doanh. Anh đành quay lại căn nhà cũ kỹ nhất của mình: “Đêm
nay, tôi không trở lại ngôi nhà mới của em tôi. Tôi muốn ngủ lại nơi căn nhà
yêu dấu này, bao nhiêu khuôn mặt thân yêu của ba tôi, mẹ tôi, các anh chị tôi,
cùng người tình cũ và bạn bè tôi cứ lần lượt hiện ra, từ trong cõi lòng, từ lâu
họ nằm tận đáy sâu, giờ có dịp trỗi dậy”. (Ngôi nhà số 11, trg 11).
Nguyên Minh không chấp nhận những thay đổi của kỷ niệm, của một
thời anh từng sống, hít thở. Cho nên khi trở về, nhìn thấy thị trấn xưa của
mình bỗng lộng lẫy, cao ngất, bề dáng... anh cảm thấy như bị xúc phạm khi mất
đi tiếng khua móng ngựa “ ... bến xe ngựa lưa thưa vài ba chiếc, lọc cọc
chở khách chạy trên những con đường đất đỏ nham nhở những sỏi đá”. (Ngôi nhà số
11, trg 6). (Khi đọc đến đoạn này, tôi bỗng có ý nghĩ, rằng giữa nhà văn và nhà
chính trị giống như hai đường ray tàu lửa, không bao giờ gặp được nhau, không
bao giờ có tiếng nói chung, mặc dù bên dưới chúng có những thanh đà níu chúng lại
với nhau!).
Kết thúc câu chuyện, anh vẫn giữ nguyên ý tưởng ban đầu, thị
trấn xưa, căn nhà xưa vẫn là nơi chốn yêu dấu nhất đời mình, không hề đổi thay
trong cõi lòng, nó cứ vẫn tồn tại bằng những kỷ niệm của những người thân yêu
vây quấn lấy anh: “Trước khi thân xác tôi tan biến mất, chập chờn những bóng ma
thân yêu là mẹ tôi, ba tôi, chú Vĩnh, anh Chín, anh Tân đang nắm tay nhau xoay
tròn quanh tôi. Như một vòng chắn không cho tôi thoát ra khỏi ngôi nhà số 11
này” (Ngôi nhà số 11, trg 14).
Như vậy ngôi nhà số 11 của anh là nơi chốn thiêng liêng nhất,
huyền nhiệm nhất từ trong tâm thức sâu thăm thẳm của kẻ đã lỡ vuột mất nó. Và họ,
những người thân chính là những bóng ma kỳ diệu và thiêng liêng kia, một cách gọi
gây chút ngạc nhiên đến sững sờ cho người đọc!
Trong lời bạt viết cho tập Chàng nho sinh dưới gốc tùng,
Nguyên Minh đã viết như thế này: “Phải, viết như một ăn năn. Viết như một thú tội.
Nhưng cũng viết như đi tìm hạnh phúc. Sau 25 năm tôi cầm bút trở lại tôi mới nhận
ra điều này. Ngoài ra, với tôi, bây giờ, viết như trả nợ. Món nợ mà tôi đã
mang nặng trong lòng về những người đã ra đi vào đời tôi. Và...”.
Với anh, chuyện cầm bút trở lại sau 25 năm, anh thú nhận: viết
như ăn năn, thú tội đồng thời là hạnh phúc, và bởi vậy anh
phải viết như trả nợ. Ta mới đặt câu hỏi: Anh nợ gì và nợ ai đây?
Tôi cũng có nhiều bạn như ai: Bạn là anh giáo quèn, anh nhà
văn, anh thầy thuốc, kẻ bán buôn... thậm chí cũng có vài người bạn bặm trợn, từng
giang hồ tứ chiến, thống lãnh một cõi và ai trong số họ cũng có lần nói với
tôi: Nợ, tôi mắc nợ nhiều lắm!
Cũng dễ hiểu. Bởi anh thầy thuốc là để cứu người bằng “dao
kéo”, anh nghệ sĩ là cứu đời bằng ngôn ngữ, màu sắc, âm thanh; anh nhà giáo là
cứu lấy từng thế hệ bằng bụi phấn... Ở đây Nguyên Minh mắc nợ cuộc đời của
chính mình, và anh phải dùng ngôn ngữ để trả nợ bằng những tác phẩm tự mình viết
ra. Đó cũng có thể coi là tiếng kêu bi thống của cả thế cầm bút như anh còn ở lại
trong nước bị vây hãm bằng những rào cản khiến họ không tài nào trả hết nợ đời
chứ chưa nói chi đến chuyện cứu đời!
Và hỏi thêm: Nguyên Minh đã trả hết nợ chưa? Chắc chưa. Tôi
nghĩ vậy. Vì các truyện sau đó anh đều xoay quanh những người thân yêu ruột thịt
của mình là cha mẹ, anh chị... cùng tí chút bạ bè, người yêu buổi đầu đời.
Truyện Ông bầu, anh xoay quanh cuộc đời cha mẹ anh từ khi lấy
nhau, trải qua những nơi chốn họ nương thân. Anh vẽ lại căn nhà dưới chân tháp
Nhạn với bầy khỉ để có dịp cha anh làm “anh hùng cứu mỹ nhân” rồi cùng mỹ nhân
sóng đôi cả cuộc đời. Tính các người cha trong Ông bầu cũng khác lạ, dám chửi
thẳng vào mặt quan chức người pháp: “... có lần ông mắng ba tôi là đồ
An-nam-mít, đồ mọi. Ba tôi không dằn được cơn giận nên đã thoi vào mặt ông ta
và bảo: Đồ thực dân” (Ngôi nhà số 11, trg 23).
Những truyện sau trong Ngôi nhà số 11, anh đều mượn vị trí của
các cầu thủ bóng đá để tạ tội với người thân, bạ bè. Đó là trường hợp Tôi giận
dữ khi nghĩ rằng anh Tỵ đã làm chết chị Giỏi và Tôi đã khóc khi mãi sau này mới
khám phá ra anh Tỵ đã mắc bệnh phong: “Anh hỏi tiếp hiện nay anh Tỵ sống ra
sao? Tôi đưa hai bàn tay những ngón tay cong quắt giả làm bàn tay của người cùi
đã bị sứt mất mười lóng tay quờ quạng vào không khí. Rồi, tôi kể lại cái chết của
anh Tỵ cùng mối tình cả anh đã mang theo” (Ngôi nhà số 11, trg 54).
Đó cũng là trường hợp của người anh ruột tên Thương, khi trở
về đã phủ nhận những kỷ niệm thời xa xưa mà mẹ và Tôi đã chắt chiu gìn giữ cho
Thương. Người anh kia đã bị nhồi nhét, tẩy não một cách sạch sẽ: “Mà mẹ giữ nó
lại làm gì? Sao không hủy đi những thứ nhạc vớ vẩn này/ Lúc này tôi giận anh vô
cùng. Tay chân tôi run lên. Máu trong cơ thể tôi chạy rân rân. Anh Thương vất tập
vở chép nhạc đó xuống đất. Tôi, hình như nghe tiếng kêu, từ một cõi xa xôi nào
đó, vọng vào tim mình. Thảng thốt. Rên rỉ. Đau đớn. Khuôn mặt buồn phiền, thất
vọng. Đôi mắt ngẩn ngơ. Rớm lệ. Từng giọt nước mắt rơi xuống. Của mẹ tôi. Theo
từng trang giấy lật tung lên” (Ngôi nhà số 11, trg 111). Nhưng, qua thời gian
và trên giường bệnh, Thương cũng nhận ra những sai lầm ngu ngốc của mình ngày
trước về những kỷ niệm: “Một giọt nước nóng hổi của anh rơi xuống vai tôi. Rồi
tiếng nấc nghẹn ngào từng hồi tuông ra/ Cuối cùng anh mới mấp máy: tập vở chép
nhạc...” (Ngôi nhà số 11, trg 116).
Nguyên Minh còn tạ tội với những Khánh, những Hữu, những T.
và những Hắn: “tóc hắn bạc phơ. Cặp kính cận càng ngày càng dày thêm. Hắn cũng
vừa bị cho thôi việc...” (Ngôi nhà số 11, trg 225).
Tôi nghĩ rằng, những điều mà anh gọi là ăn năn, thú tội, trả
nợ... cũng là cách để anh tự vòng mình vào con đường anh đã lựa chọn từ rất
lâu, vẫn còn nóng hôi hổi trong trái tim anh: Được tiếp tục làm báo, viết văn
như một cách để trả nợ cho đời.
May mắn thay, qua cơn bạo bệnh vừa rồi, anh không ngã xuống
mà tiếp tục lao vào con đường văn chương với bạn bè trong, ngoài nước.
Viết mấy dòng này cũng là cách để những người cầm bút chúng
tôi tạ tội với anh, rằng con đường đi vẫn còn hun hút xa mà chúng ta chưa chạm
tới đích.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét