Thứ Năm, 27 tháng 4, 2017

Tạp bút Trần Huy Thuận

Tạp bút Trần Huy Thuận
Chiếc thang 
Nhân loại sáng tạo ra chiếc thang để... trèo lên cao được dễ dàng (và đương nhiên, cũng để thuận lợi khi từ trên cao, muốn ... xuống thấp!). Nhưng chung quanh cái thang, cũng có nhiều chuyện buồn, vui muốn nói.
Tuổi thanh xuân tôi, có một kỷ niệm nhớ đời: Năm ấy, tôi từ quê len Hà Nội để dự thi vào học trường "Bách Nghệ". Sau phần thi lý thuyết trôi chẩy, tôi bước sang phần thi thực hành. Trong phòng thi lúc ấy, chỉ có giám thị và tôi. Sau khi kiểm tra tên, tuổi, người giám thị lặng lẽ đưa cho tôi một cái búa và một cái đinh năm phân, rồi hất hàm chỉ vào chiếc thang tre đang đặt chênh vênh cạnh bức tường trước mặt: "Anh trèo lên thang, đóng chiếc đinh này vào tường!". Tôi đi đến bên chiếc thang, lưỡng lự giây lát, rồi trèo lên thang với một quyết tâm đầy quả cảm thường thấy ở tuổi trẻ! Nhưngchỉ đợi tôi vừa đặt một bàn chân lên bậc thang thứ nhất, người giám thị đã ra hiệu bảo tôi dừng lại và tuyên bố cuộc thi thực hành kết thúc! Tôi sững sờ nhìn người giám thị, không hiểu điều gì đã xẩy ra? Nhưng ông ta đã lạnh lùng đọc tên gọi thí sinh tiếp theo vào phòng thi. Mãi sau này tôi mới biết, mình bị loại vì "thiếu ý thức an toàn trong lao động": Thang chưa đặt lại ngay ngắn, trèo lên rất có thể bị đổ ngã, thế mà tôi lại tưởng người ta muốn tôi thể hiện sự "dũng cảm", nên đã "hung hăng thể hiện mình"! Ôi! Đây là trường đào tạo thợ, chứ đâu phải trường tuyển diễn viên xiếc?!.
Tuổi trung niên, tôi lại gặp một trường hợp khác liên quan đến cái thang: lần này không phải thang tre mà là thang tự hành (loại thang điện có nhiều bậc, chỉ cần đứng lên một bậc, thang sẽ tự chuyển động đưa mình lên hoặc xuống). Năm ấy, tôi được đi tham quan nước ngoài, khi đến một siêu thị, gặp loại thang đó lần đầu. Khi thấy mọi người bước lên, chả đắn đo gì, tôi cũng nhanh nhảu lên theo. Nhưng đặt chân lên bậc thang rồi, tôi mới giật mình, toàn thân tôi cứ muốn ngửa ra phía sau. Hoảng quá, tôi vội nắm lấy tay vịn, đồng thời cố giữ thăng bằng cơ thẻ, để khỏi bị ngã!
Tết năm nay, tôi bước sang tuổi bẩy nhăm, con cháu túm vào lo mừng thọ. Thôi thì theo nhẽ đời, cũng phải để cho chúng khoe khoang cái sự hiếu thảo với thiên hạ, mà mình cũng được tiếng thơm! Tiệc tùng xong, khách khứa ra về hết, tôi gọi anh con cả lại bảo: "Anh cả này, từ đầu năm đén giờ, thầy thấy trong mình có gì đó khang khác. Anh cũng nên bàn với các em anh về "việc đại sự" của thầy đi là vừa. Trước tiên thầy đề nghị, anh nên dọn dẹp cái phòng nhỏ dưới tầng trệt, rồi chuyển cái giường của thầy trên gác xuống. Phòng nhỡ thầy có mệnh hệ nào, chiếc cầu thang nhà mình hẹp thế, không thể khiêng thầy xuống được đâu. Chớ để xẩy ra như ông bạn già của thầy, con cháu phải cưa thang đi, rồi dùng chão thòng lọng thả xuống, trông tội nghiệp lắm!".

Than ôi! Sự đời là thế, cái việc lên, xuống thang, tưởng đơn giản, hóa chẳng đơn giản chút nào!.. 
Thở!
Đối với động vật nói chung, con người nói riêng, "thở" là một loại hoạt động để tồn tại - Một khi ta còn thở, cho dù là thở "thoi thóp", là ta còn tồn tại. Ngừng thở là lúc sự sống đã kết thúc!
Nhưng ở đời, "thở cũng có sự phân biệt đẳng cấp đấy: "thở hổn hển", "thở phì phò", "thở bở hơi tai", "thở không ra hơi",... là những kiểu thở của người lao động chân tay, của các vận động viên thể dục thể thao - những người phải đem sức lực, cơ bắp của mình ra để đổi lấy áo cơm! "Thở dài thườn thượt", "thở vắn than dài" hoặc rất khó thở, là kiểu thở của người không kiếm ra tiền, hay không kiếm ra ... quyền! Còn "tức thở", "nghẹt thở" là kiểu thở của người dân bị oan ức, kêu "không thấu trời"!..
Khi những kẻ bị "đồng tiền bịt miệng", thường thở ra những mùi..."không ai ngửi được!
Với các "quan", đặc biệt là các "quan tham", thì kiểu thở có khác (xưa nay, dân gian thường nói: "miệng nhà quan có gang, có thép" mà lị!). "Thở ra đã thấy hơi tiền" - kiểu thở phổ biến nhất của loại quan "hành dân là chính". Với các quan nhờ lợi dụng chức quyền, vừa "trúng mánh" lớn trót lọt; hoặc bị "bể mánh" nhưng chưa bị đệ tử khai ra quan là "người đứng đằng sau", là kẻ "bảo kê"; thì "thở phào" là cách thể hiện rõ nhất của họ! Còn với "quan" không "chạy" thoát, bị "bể mánh",phải chấp nhận tra tay vào còng, thì lúc ấy, quan chỉ còn nước thở..."hắt ra"!
Cuối cùng, chúng ta cần phân biệt hai cum từ "tắc thở" với "tắt thở". "Tắt thở" là ngừng thở hoàn toàn, là chêt, là ra đi vĩnh viẽn, là "sang thế giới bên kia",...Còn "tắc thở" là do bị "tắc họng"; mà tắc họng thì có nhiều nguyên nhân: Do "nuốt không trôi", do được cấp dưới ... "đấm họng" nhiều quá; hoặ còn do "ngậm miệng (ăn tiền)" quá lâu! Tắc thở, nếu không được mổ xẻ cứu   chữa kịp thời, tất sẽ dẫn đến... "tắt thở, đương nhiên!..           
Tại sao... ngu?!.
Loài người đã thuần hoá được khá nhiều động vật để nuôi trong nhà, nào Chó, nào Mèo, nào Gà, nào Vịt, nào Trâu, nào Bò,.... thậm chí cả Hổ Báo nữa. Nhưng chỉ có ba giống vật bị ghép cho cái tội là... "ngu"! Đó chính là con Chó, con Lợn và con Bò!
Con Lợn bị coi là "ngu" có lẽ bởi... giống này chỉ ăn cám (thứ bột thải ra từ hạt gạo) ăn bèo (thực vật trôi nổi trên tất cả các mặt nước hồ ao, rẻ như... bèo!) thôi, mà cung cấp cho con người nhiều món ăn từ thịt của nó, ngon đến thế! Nào giò, nào chả, nào dăm bông, nào thịt quay, nào ninh, nào mọc, nào ruốc, nào giả cầy, nào kho Tầu,...
Con Chó bị coi là "ngu" có thể là bởi... nó quá trung thành với chủ, trong khi chủ chỉ cho nó nằm gậm giường, ăn các thứ cơm thừa, canh cặn; thậm chí ở nông thôn ta, nhiều khi chó sống chỉ bằng... thu lượm các chất thải sinh học (các chuyên gia về chó nói rằng: món "khoái khẩu" của chúng chính là... phân trẻ con đấy!).
Còn Bò thì sao? Cái rõ nhất, ai cũng nhận ra ngay: Bò ngu vì chúng là giống "làm thật, ăn giả"! "Làm thật" vì chúng là loài "cổ cầy, vai bừa", thường xuyên phải làm việc, lao động rất cực nhọc, vất vả vì cuộc sống của chủ - con người. "Ăn giả" vì chúng đâu có ăn cơm, ăn thịt? Chúng chỉ có ăn cỏ, ăn rơm mà thôi!.
Nhưng trên cõi đời này, đâu chỉ có Bò "làm thật, ăn giả"? Trâu cũng thế, cũng "làm như trâu như bò" (!); cũng chỉ ăn cỏ ăn rơm, sao người đời lại chỉ nói: "ngu như Bò" mà không thấy ai mắng ai "ngu như Trâu", là nghĩa làm sao?
Có lần tôi đã hỏi bố tôi câu trên thì được Cụ hỏi lại: "Thế anh đã từng uống "sữa bò" chưa? Đã từng ăn "phở tái lăn" chưa, đã từng sơi "bít-tết" chưa? đã từng ăn "bơ", "phó mát" chưa? Được mẹ cho ăn cả rồi hử! Thế có thấy ngon, thấy bổ không? Toàn những món khoái khẩu hả!" Rồi Cụ thủng thẳng trả lời:
- Thế đấy! Đã "làm thật, ăn giả", mà lại còn... ngon và bổ như thế, bị chửi là ngu, thì phải quá đi rồi, còn oan uổng nỗi gì nữa?!.
Trần Huy Thuận
Theo http://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị Đèo Prenn ngun ngút sắc trời// Hờ hững ngang chiều dải lụa nàng tiên rơi mùa hội trẩy/ Lả lướt theo ...