15 năm kể từ ngày nhạc sĩ Trịnh Công Sơn về với cát bụi, nhưng
người Huế vẫn vẹn nguyên một tình yêu sâu lắng, da diết với âm nhạc của
ông.
Sâu đậm hơn
Mấy hôm nay, nhóm cựu học sinh Huế rôm rả với lịch tập dày đặc,
chuẩn bị cho chương trình âm nhạc “Hãy yêu nhau đi” kỷ niệm 15 năm ngày mất
nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, một công việc quen thuộc từ nhiều năm nay của nhóm.
Căn nhà nhỏ ở 76 Kim Long tràn ngập tình yêu dành cho Trịnh. Những
giọng ca “vượt thời gian” sôi nổi với tiếng đàn, tiếng hát. Những nữ sinh Đồng
Khánh, Thành Nội ngày xưa, bây giờ trên dưới 70 tuổi mà giọng hát vẫn tình
cảm, đầy đặn cảm xúc như những ngày xưa khi họ hát nhạc Trịnh và xuống đường.
Đêm nhạc “Níu tay nghìn trùng” tưởng niệm
nhạc sĩ TrịnhCông Sơn
ở phòng trà Hoàn Kiếm
Một trong những giọng hát ngọt ấy là bác sĩ Đoan Trang, cựu nữ
sinh Thành Nội, hiền thê của Giáo sư Bùi Đức Phú (Giám đốc Bệnh viện Trung
ương Huế). Bác sĩ Đoan Trang tâm sự: “Trịnh Công Sơn với chúng tôi là cả một
quá trình gắn bó từ trước giải phóng. Nhạc của anh đã thấm vào máu thịt.
Sau 1975, cô sinh hoạt trong nhóm văn nghệ của Thành đoàn. Hồi ấy, nhạc sĩ
Trịnh Công Sơn ở Sài Gòn thường về giao lưu với nhóm, cô có dịp tiếp xúc với
anh nhiều. Bây giờ, cứ đến dịp này, bao nhiêu kỷ niệm thời học sinh ùa về.
Lúc trẻ nghe nhạc Trịnh thấy rạo rực như bắt gặp mình ở trong đó, bây giờ lớn
tuổi, nhìn đời sâu hơn lại thấy những trải nghiệm của cuộc đời như đều có
trong ca từ của anh”.
Nhà báo Hoàng Thị Thọ chia sẻ: “Không đơn thuần là ngẫu hứng
như những dịp kỷ niệm trước ở Gác Trịnh, 15 năm tròn anh Sơn đi xa, chúng
tôi muốn tổ chức chương trình tưởng niệm sâu đậm hơn. Dành nhiều công sức tập
luyện, chúng tôi muốn chuyển cái hồn của nhạc Trịnh đến người nghe”.
Đêm nhạc “Níu tay nghìn trùng” tưởng niệm
nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ở phòng
trà Hoàn Kiếm
Bao năm rồi, ở cái tuổi hoa râm, họ vẫn một tình yêu chung thủy
âm nhạc của Trịnh. “Hẳn ai cũng thắc mắc vì sao tụi cô lại làm những việc
như thế? Vì sao nhạc sĩ này để lại trong nhiều thế hệ ấn tượng đẹp đến vậy?”.
Cô Thọ hỏi rồi tự trả lời: “Bởi, nhạc Trịnh là một phần trong đời sống tâm
hồn của chúng tôi thuở ấy và cho đến bây giờ. Một thời tuổi trẻ của chúng
tôi gắn bó, đắm mình trong âm nhạc của Trịnh Công Sơn với những ca khúc hát
cho quê hương, trong những đêm không ngủ hát cho đồng bào nghe, những ngày
xuống đường trong phong trào đấu tranh đô thị”. Tình cảm ấy chính là ngọn lửa
để suốt nhiều năm qua, nhóm cựu nữ sinh Huế vẫn duy trì đều đặn chương
trình tưởng niệm nhạc sĩ.
Cũng một tình yêu vẹn nguyên mà từ năm 2013 đến nay, một nhóm
văn nghệ sĩ, có cả người đạp xích lô, xe thồ “lại gần với nhau”, cùng chung
sức từ đồng lương hưu ít ỏi làm ấm Gác Trịnh, để “tạ ơn” một nhạc sĩ tài
hoa. Với chương trình âm nhạc bốn mùa, căn gác nhỏ năm xưa của người nhạc
sĩ tài hoa xứ Huế mãi ấm.
Nối tiếp
Huế có quá nhiều người yêu nhạc Trịnh với một tình yêu chung thủy.
Ngọn lửa ấy tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác. Họ cùng nhau họp mặt,
tự tạo ra cho mình không gian hát Trịnh, mộc mạc và ấm cúng. Cùng hát, lắng
nghe, trò chuyện để tưởng nhớ về Trịnh Công Sơn, bất cứ không gian nào, thời
gian nào, cảm xúc nào, đối tượng nào, dù là quán cà phê hay công viên… Đôi
khi chỉ với đàn Guitar và ánh nến.
Cũng bằng tình yêu nhạc Trịnh, từ khi mở phòng trà đến nay,
Phùng Mỹ Hạnh - cô chủ phòng trà Hoàn Kiếm luôn tạo ra những không gian âm
nhạc của Trịnh. Đêm nhạc nào cũng vậy, phòng trà kín chỗ nhưng ai cũng muốn
vào, dù phải đứng nghe. Hạnh kể: “Dịp kỷ niệm 14 năm ngày mất và sinh nhật
năm nay của cố nhạc sĩ, phòng trà tổ chức một đêm nhạc tưởng niệm nhưng dường
như không đủ, lúc nào cũng hết chỗ. Năm nay, chúng tôi tổ chức hai đêm nhạc
vào tối 31/3 và 1/4”.
Cô chủ phòng trà Hoàn Kiếm thuộc thế hệ 8x và rất mê nhạc Trịnh. Ngoài tổ
chức chương trình, cô còn thổi sáo tây, chơi piano, thỉnh thoảng cũng lên
sân khấu hát nhạc Trịnh. Hạnh bày tỏ: “Mình yêu nhạc Trịnh từ lúc còn nhỏ,
chỉ bởi đơn giản mình là người Huế. Nhạc Trịnh cũng giúp mình xoa dịu, vượt
qua những nỗi đau trong cuộc đời”.
Theo http://hoangstudio.net/
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét