La Paloma - Ca khúc lập kỷ lục Guiness
với dàn đồng ca 88.600 người
hát
Đã 150 năm trôi qua kể từ ngày chính thức ra mắt công chúng, La
Paloma vẫn giữ nguyên được nét quyến rũ của một ca khúc mang màu sắc Latin nồng
nàn, lãng mạn và đầy hoài niệm. Với khoảng 5.000 phiên bản khác nhau được ghi
âm và biểu diễn, cũng không ngoa khi nói rằng đây chính là ca khúc phổ biến nhất
thế giới, hơn cả Yesterday của tứ quái Beatles…
Bìa album La Paloma do nghệ sĩ saxophone
Billy Vaughn chơi cùng dàn
nhạc.
Là người yêu nhạc, hẳn ai cũng ít nhất một lần nghe La Paloma (có
thể bằng các ngôn ngữ khác nhau), nhưng có lẽ việc ca khúc này đã tồn tại 150
năm thì ít người biết hơn. Tuy đậm đà phong vị âm nhạc của vùng đất Trung Mỹ
nhưng tác giả của La Paloma lại là một người Tây Ban Nha. Sebastián Iradier
(1809 – 1865) đã hoàn thành kiệt tác âm nhạc này với nguồn cảm hứng dạt dào sau
chuyến viếng thăm Cuba và thưởng thức vũ điệu contredanza cubana – tức điệu nhảy
contredanse của Anh quốc pha trộn với vũ khúc dân gian của người bản xứ.
Khi trở về quê hương, Sebastián Iradier sáng tác hai giai điệu mang
tên La Paloma và El Arreglito, như để nhớ về một miền đất còn giữ được những
nét tinh khôi, nơi con người còn hồn nhiên như cây cỏ và luôn đắm mình trong
ánh mặt trời, bên bờ biển Carribe ngàn năm sóng vỗ. Nếu El Arreglito được ưa
chuộng ngay lập tức thì La Paloma phải chịu số phân long đong hơn, thậm chí
Sebastián Iradier còn qua đời trước khi kịp chứng kiến đứa con tinh thần của
mình trở thành tuyệt phẩm để đời.
Thực ra, có nhiều giai thoại xung quanh La Paloma và cho đến ngày
nay người ta vẫn chưa thể biết được chính xác nỗi nhớ trong ca khúc này dành
cho đối tượng nào. Nhiều người nghiêng về giả thuyết hoài niệm của tác giả về đất
nước Cuba, nhưng hình tượng cánh chim câu trắng (trong tiếng Tây Ban Nha,
paloma là chim bồ câu) lại được ví như sứ giả gửi niềm thương nhớ của một người
con viễn xứ về quê nhà. Bên cạnh đó, việc ông Sebastián Iradier từng được mời
sang Paris dạy thanh nhạc cho một người đồng hương là hoàng hậu Eugénie de
Montijo của vua Napoleon Đệ tam, càng làm cho giả thuyết về “tình hoài hương”
trở nên vững chắc hơn.
Chính quãng thời gian ở Paris của Sebastián Iradier đã có ảnh hưởng
không nhỏ lên La Paloma sau này. Mặc dù nét giai điệu chính của ca khúc hoàn
toàn mang âm hưởng contredanza cubana (ở bên ngoài Cuba nó thường được gọi là
habanera hoặc havanaise) nhưng phong cách của La Paloma lại ẩn chứa nét thanh
tao, quý phái, du dương, bay bổng của cung đình châu Âu. Bởi một trong các yêu
cầu khi dạy nhạc ở “kinh đô ánh sáng” chính là việc sáng tác các đoản khúc có cấu
trúc đơn giản, hài hòa, dễ tập đàn và dễ lọt tai giới quý tộc trong mỗi dịp tiệc
tùng.
Sau khi La Paloma và El Arreglito ra đời, điệu habanera thậm chí
còn đi vào nhạc cổ điển qua nhiều sáng tác bất hủ của các tác giả Pháp, mà nổi
danh nhất có lẽ phải kể đến vở nhạc kịch Carmen của George Bizet, trong đó aria
Habanera đã trở thành huyền thoại (mượn cảm hứng từ chính ca khúc El Arreglito
của Sebastián Iradier). Cũng không thể bỏ qua đoản khúc Havanaise của
Saint-Saens, viết cho violin và dàn nhạc hay Vocalise-Étude en forme de
Habanera của Maurice Ravel...
Có lẽ nhờ lý do này mà La Paloma đã thực sự vượt qua cả không gian
và thời gian, vẫn đứng vững cho tới ngày hôm nay như một bài hát được ưa chuộng
nhất, được trình tấu lại nhiều nhất. Nhiều nhà phê bình âm nhạc còn cho rằng
đây chính là ca khúc “hit” đầu tiên có sức lan tỏa ở tầm cỡ thế giới. Sau khi
ông Sebastián Iradier qua đời khoảng một năm, La Paloma bắt đầu được phổ biến
ra khu vực Trung Mỹ và nhanh chóng chiếm được cảm tình của nhà vua Maximilian xứ
Mexico. Phiên bản tiếng Đức và tiếng Pháp xuất hiện cuối thập niên 1860, trong
đó phần hòa tấu do dàn nhạc quân đội Pháp chơi vào năm 1899 thậm chí được xếp
vào danh sách những bản ghi âm hoàn chỉnh đầu tiên trong lịch sử.
Ca khúc được cover theo hàng trăm phong cách khác nhau, rất nhiều
ban nhạc và nghệ sĩ ít tên tuổi đã mang đến cho La Paloma những sắc thái riêng
biệt.
Cho đến ngày nay, không còn mấy ai nhớ hoặc biết đến “gốc gác” của
La Paloma là điệu habanera, bởi khi được hòa âm lại theo nhịp tango, rumba hay
cha-cha-cha, nó vẫn giữ được nguyên vẹn sức hấp dẫn đến tột cùng. Với đại đa số
người nghe nhạc hiện đại, phiên bản La Paloma quen thuộc nhất chắc chắn thuộc về
“ông hoàng tình ca” Julio Iglesias. Không biết có phải vì cùng quê hương với
tác giả Sebastián Iradier hay không nhưng quả thật Julio Iglesias đã truyền tải
được hết tâm tình gửi gắm trong từng nốt nhạc, chất giọng ấm áp, mượt mà của
ông hoàn toàn đủ sức dẫn dắt cảm xúc của người nghe thăng hoa.
La Paloma qua giọng hát ngọt ngào của ông hoàng tình ca Julio
Iglesias vẫn là phiên bản phổ biến và được ưa chuộng nhất.
Ngoài Julio Iglesias, nữ danh ca gốc Hy Lạp Nana Mouskouri cũng là
một người thể hiện La Paloma rất thành công, đặc biệt, phiên bản bà hát chung
ca khúc này với Julio Iglesias thực sự gây ấn tượng rất mạnh cho công chúng.
Không chỉ hát La Paloma rất hay, Nana Mouskouri còn song ca bài này
với cả Julio Iglesias và Mireille Mathieu.
Với người Pháp, chắc chắc Mireille Mathieu là cái tên gắn liền với
La Paloma, và rất tình cờ, giọng ca vàng một thuở cũng từng song ca với Nana
Mouskouri chính ca khúc này. Thật đáng ngạc nhiên, mặc dù nổi tiếng như vậy
nhưng La Paloma lại không gây được nhiều tiếng vang ở Mỹ. Chỉ có vua nhạc rock
Elvis Presley và danh ca Dean Martin là hai nghệ sĩ tên tuổi nhất thể hiện ca
khúc này với hai lời tiếng Anh khác nhau, mang tên No More và The Dove.
Ở Việt Nam, La Paloma cũng rất được ưa chuộng với tên gọi Cánh buồm
xa xưa, cho đến nay vẫn còn chưa ngã ngũ do Phạm Duy hay Từ Vũ đặt lại lời Việt.
Dù không sát với nguyên tác nhưng Cánh buồm xa xưa cũng là những tiếng lòng đay
đả về tình yêu và nỗi nhớ quê hương vời vợi. Những người hát Cánh buồm xa xưa
được ưa thích và tìm nghe nhiều nhất có lẽ là ba giọng ca vàng: Lệ Thu, Khánh
Ly và Duy Quang.
Với người Việt Nam, ca khúc La Paloma đã gắn liền với hình ảnh cánh
buồm qua phần ca từ được chuyển soạn lại đẹp như một bức tranh.
Các phiên bản hòa tấu được ưa chuộng nhất dĩ nhiên thuộc về những
dàn nhạc semi-classic danh giá nhất, như Paul Mauriat và Mantovani của quá khứ,
André Rieu của hiện tại. Cả ba dàn nhạc đều tận dụng tiếng đàn dây mướt mải để
khắc họa nỗi nhớ miên man và dùng bộ gõ và guitar acoustic hoặc bộ hơi để mang
đến âm hưởng Latin cho ca khúc, đặc biệt André Rieu còn có thêm dàn đồng ca để
tăng thêm độ hoành tràng cho bản nhạc. Năm 2004, La Paloma đã đi vào sách kỷ lục
Guiness khi trở thành ca khúc được hát bởi dàn đồng ca lớn nhất thế giới, lên đến
88.600 người ở Hamburg, Đức.
Sau một thế kỷ rưỡi, dù mức độ phổ biến của La Paloma cũng trải qua
nhiều thăng trầm nhưng nó chưa bao giờ bị quên lãng. Đâu đó trên thế giới, ca
khúc này vẫn được chơi lại hàng ngày, được biến tấu thành pop, rock, opera,
jazz, thậm chí được nhiều địa phương coi là một ca khúc dân gian của chính họ.
Những niềm thương nỗi nhớ chất chứa trong La Paloma chẳng khác nào cánh bồ câu
trắng muốt bay mãi trên biển cả thời gian, không bao giờ ngừng nghỉ...
Minh Ngọc
Theo http://nghenhinvietnam.vn/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét