Xuân thấp thoáng sau nhiều tháng thu đông đằng đẵng. Giã từ bão lụt,
Huế chờ đợi những giọt nắng nguyên sơ trên cánh cổng tân niên. Một mệnh đề mới
về thời gian đang rộng mở. Đây cũng là lúc thích hợp để chuẩn bị nhiều hứa hẹn
mới với tương lai. Sắc xanh vừa trở lại trên từng ngọn cỏ úa trong vườn. Đâu
đó…Hoàng mai đã bắt đầu nhú búp.
Vượt qua hệ quy chiếu ba chiều nguyên thủy, Einsten trực nhận về
kích chiều thứ tư của vũ trụ. Chiều thời gian. Vật lý và thi ca tìm thấy
tiếng nói chung từ đó. Bất chấp tất cả, xuân hạ thu đông vẫn tuần tự xoay vần để
thời gian vẫn là điệp khúc bốn mùa miên viễn. “Thiên hà ngôn tai. Tứ thời hành
yên. Thiên hà ngôn tai”. Khổng Tử khi san định Kinh Dịch, ông đã ngạc nhiên,
bừng tỉnh: “Trời có nói gì đâu! Bốn mùa vẫn cứ xoay vần đúng độ. Trời có nói gì
đâu”. Vâng, trong muôn vàn biến dịch vẫn có điều bất biến. Giữa trăm ngàn lẽ động
luôn tồn tại mặt tĩnh ẩn tàng. Thời gian là chân lý của mọi chân lý. Là kẻ đóng
dấu lên tất cả để khẳng định sự ấn chứng sau cùng.
Khí xuân làm cỏ cây nảy nở. Con người cũng tâm sự, giao tiếp nhiều
hơn.
“Ăn nên đọi, nói nên điều.
Có người quân tử khăn điều vắt vai”.
Không biết từ bao giờ - qua những câu thường đàm, thành ngữ - phạm
trù thời gian đi vào tâm thức Huế bằng những hình thái đặc thù, đa diện. Ẩn dưới
từng câu nói đơn giản, khi hiểu theo cung cách Huế, là bóng dáng trầm mặc của một
phần văn hoá nơi
đây.
“Ra năm, ngày rộng tháng dài”. Vâng, câu nói đầu xuân còn có nghĩa
ngoài chiều dài, thời gian ở đây còn có thêm chiều rộng. Thật lạ lùng, dù chỉ tồn
tại qua cảm nhận song thứ chiều rộng ấy chưa hẳn đã quá hoang đường, xa lạ. Thời
gian sắp đến của năm mới bao giờ cũng dài, rộng và thênh thang hơn dẫu tháng
năm chẳng có gì thay đổi.
Quả thực Huế trong mùa mưa, bầu trời thấp xuống và không gian cô đặc,
nhỏ hẹp đến bất ngờ. Mỗi một bức trường thành cứ tưởng như dày dặn hơn, hóa hiện
những bức tường mưa chất ngất. Bây giờ, khi mà nắng mới đã giao mùa. Ngàn mây
trắng thênh thang lơ lững. Là lúc Huế chợt rộng ra trên mặt thoáng của sông
dài. Màu xanh lam bóng núi hiện hình tận chân trời khói tỏa.
Sự “co giãn không gian” Huế theo mùa trong năm luôn là nguyên nhân gây
cảm xúc bâng khuâng đầy bất ngờ, xa vắng. Điều ấy cắt nghĩa vì sao Huế gần gũi
với thi ca? Ngày nay, nhịp văn minh đô thị đang dần chiếm hữu những
khoảng không gian thi ca ấy.
Câu thành ngữ hàm chứa biết bao hy vọng, dự kiến được gửi gắm ở
ngày mai. Mặt khác, giúp đánh giá lại, ngầm nhắc nhở nhau về hiện thực. Trong
đó triết lý lạc quan hướng về tương lai nhưng không hề ảo vọng. Triết lý ấy
luôn cho thấy, chấp nhận hiện thực và công nhận hiện thực là hai mệnh đề
chưa bao giờ đồng nghĩa. Phải chăng tiến bộ của văn minh nhân loại cũng đã và
đang được xây dựng ngay trên nền tảng ấy. Kỳ lạ thay một trong những thuộc tính
nổi bật của văn minh nhân loại là phục chế và bảo lưu tối đa những nền văn minh
xưa cũ! Hồi ức quá khứ bỗng nhiên được trân trọng ngang hàng bảo vật. Là thứ
“quặng mỏ tinh thần” vô giá.
“Sông có khúc, người có lúc” thành ngữ so sánh các thời kỳ đột
biến của đời người không mấy khác sự biến động phức tạp một dòng sông. Mặc
nhiên, dòng sông còn biểu tượng cho dòng chảy thời gian, dòng sống hay mệnh vận
của con người. Hương giang trầm lắng, xanh trong như hôm nào. Những hình ảnh cuồng
nộ mới đâu đây biến mất như chuyện kể một giấc mơ. Từng chiếc thuyền rồng tiếp
tục cuộc tuần du của những khách viễn phương. Đứng ở Nghinh Lương đình, chùa
Thiên Mụ bất cứ lúc nào có thể nhìn thấy nhiều quý khách phương Tây tất bật chỉa
ống kính thu hình lên hai bờ cây lá. Hình ảnh Kinh thành Huế xanh rêu, lặng lẽ
kia vẫn không ngừng đổ bóng xa hơn, đậm hơn lên trong lòng nhân loại.
Nhìn dòng chảy trôi đi…Ta cảm nhận được lẽ huyền vi của tạo hoá.
Thoắt có thoắt không, trong không gian tĩnh lặng mơ hồ có tiếng vọng từ nội tâm
sâu thẳm. Ngôn ngữ của thời gian. Là hồi ức ban sơ cùng kỷ niệm của đời người.
Phải chăng sau tất cả biến động thăng trầm, con người Huế vẫn luôn cố lắng nghe
âm vang muôn đời trong đất đai, thành quách. Tiếng vọng của mùa xuân. Mọi thứ
có thể sẽ nhạt nhoà song tiếng vọng ấy vẫn muôn đời tồn tại. Tiếng vọng vượt thời
gian, mang tần số của nhịp tim người xa Huế.
“Chuyện từ đời tù huy, tù huýt”. Là chuyện đã lùi sâu vào quá khứ…Khi
mà gợi tưởng đã không còn cầm chắc như gợi tưởng về âm thanh một đồ chơi ấu thơ
thuở trước. Con tu huýt nặn bằng đất sét quê hương. Độ lùi của thời gian bây giờ
được thông qua mã số một âm thanh kỳ thú, huyền hồ…
Huế nhiều chợ quê nhưng đã dần thiếu vắng đi con tò he, những
chiếc còi tu huýt hoặc trống giấy lung tung màu đỏ, xanh
hàng mã. Chẳng khác gì tuổi ấu thơ đã qua… Chúng cũng một đi không trở lại. Còn
lại những gì? Nhan nhản một đại dương đồ chơi vô cảm. Những thứ cơ điện hoá,
mang thông điệp “ngoại hành tinh viễn tưởng”, xa lạ hẳn với con người. Tuổi thơ
hôm nay rất thiếu ân cần với thiên nhiên ngay nơi chốn giàu có thiên nhiên như
Huế. Mãi đến khi lớn lên, cầm chắc chẳng có ai trong trẻ thơ hôm nay phải bồi hồi
nhắc lại từng trò game điện tử? Nhưng chính lúc ấy chúng sẽ không còn kinh ngạc
vì sao người lớn luôn say sưa kể lại chuyện tát cá, tìm chim… Các thú vui hoa
niên ở tận những miền quê, xa điện đường đô thị.
“Gạo tháng giêng, tiền tháng chạp”. Trong mỗi cuối năm, khi các bà
mẹ Huế gặp gỡ nhau, câu chuyện mua sắm rất có thể sẽ bắt đầu qua câu tâm sự ấy.
Bão lụt, mưa gió thất thường qua nhiều tháng thu đông khiến lúa gạo trở thành mối
ưu tư khi trời quang, mây tạnh. Mùa lúa mới còn xa, chờ gieo mạ… Nước vẫn trắng
mênh mông trên những cánh đồng dọc thôn trang heo hút. Người Huế lo giỗ tết gia
tiên giữa thời khắc đầy nghiệt ngã trong năm. Ít ai hiểu, khi vất vả làm “cúi
khói, lọi lưng” là lúc nhà nông yên tâm không còn lo thiếu đói, mất mùa. Lọi
lưng nhưng vui vì đòn xóc nặng trĩu lúa vàng nhờ gặt hái xum
xuê. Cúi khói hay đầy nhà rạ rơm để ngày ngày bếp lửa vẫn có người
cúi lưng thổi khói lam chiều. Vâng, từ thời điểm tháng bảy, nước dẫy lên
bờ người Huế làng quê đành bó gối, khoanh tay vì bão lụt tràn qua…
Để có được nụ cười và hơi ấm gia đình, bây giờ hoa trái của nương
vườn trở thành niềm cứu rỗi…Mới hay rằng, vườn Huế ngoài khung cảnh trầm mặc
thanh nhàn kia, còn chất chứa thứ tình cảm sâu đậm không thể nói nên lời. Với
người Huế, chẳng phải ngạc nhiên khi phải rời bỏ gia nương (nhà, vườn)
là cả một chia lìa đau xót.
“Gia nương lút cút mẹ già.
Bên tê sông chàng đợi, thiếp theo qua răng đành”.
Vì thế, khi bước đi lấy chồng người con gái Huế ngày xưa, chỉ ước
mơ thực tế.
“Thì thôi, trăm đỉnh ngàn chung…
Chi bằng hai chữ gia nương bên chồng”.
Khúc ruột miền Trung thắt lại thành chiếc eo mềm dịu. Gợi tưởng
hình ảnh đầy cảm xúc những người phụ nữ giỏi giang, chịu đựng. Phụ nữ Huế một đời
tần tảo nắng mưa “Những người thắt đáy lưng ong. Đã giỏi chìu chồng lại khéo
nuôi con”. Đời sống gia đình Huế qua muôn ngàn cuộc bể dâu, nhờ thế vẫn giữ
được nếp riêng, rất ít khi phải xô bồ giao động.
Một mùa xuân mới bắt đầu. Tất cả đặt hy vọng vào những tháng
ngày rộng mở. Ai cũng nguyện thầm may mắn. “Gặp may xưa” là
cách nói khiêm nhường của những người đang may mắn. Cũng có nghĩa, nhờ vào phước
đức của ông, cha từ xa xưa để lại. Riêng bản thân, không hẳn đã tài
giỏi hơn những người chưa dự phần may mắn…
Khi đã rạch ròi câu chữ, ta không còn nhìn thấy ở đây một lý lẽ thần
quyền nào như những người chưa thấm nhuần tâm thức Huế. Vượt lên trên còn cho
thấy, ở đây còn một niềm tin mãnh liệt vào đạo đức xử thế. Niềm tin vào lẽ phải
của con người. Sự kính ngưỡng tổ tiên và không quên quá khứ.
Người Huế - nhất là trong những dịp Tết đến, xuân về - trân trọng sự
gặp gỡ hai hạng người đặc biệt… Hoặc tượng trưng cho hồn nhiên dễ mến của trẻ
thơ, hoặc tử tế hiền lành như những bô lão vui cười dễ tính. Những hạng người
âý vô hại không tiểu tâm, thường đem an lành cho kẻ khác. Sự lựa chọn thật đơn
giản, không mảy may đề cao vật chất danh uy… Nhưng đấy lại là biểu tượng đích
thực nhất của đạo đức dân gian. Thứ đạo đức vô cùng cụ thể chẳng cần nghi lễ
cao xa hoặc triết luận đưa con người vào hư văn, mê tự… Cũng từ đó “Gặp may
xưa” với quan niệm người Huế - trước hết và trên hết - phải là gặp gỡ những
cái Tâm an lành theo ngữ nghĩa bình dân.
Như một lời chào “rất Huế” xin hãy chúc may xưa khi gặp
nhau trên ngưỡng cửa mùa Xuân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét