Thứ Năm, 27 tháng 4, 2017

Chùm truyện rất ngắn của Trần Huy Thuận

Chùm truyện rất ngắn của Trần Huy Thuận
Con không giống cha, nhà có...phúc! 
Nghe tin vợ Kèo sinh con đầu lòng, Cột cùng mọi người trong cơ quan kéo đến chúc mừng. Ai trông thấy mặt đứa bé cũng khen rối rít: "Ôi! Sao mà nó giống anh Kèo đến thế không biết! Giống quá thể cơ nhé! Cứ ngắm kỹ mà xem: cái mũi hếch, y hệt mũi bố nhé! Chân cũng hơi vòng kiềng, lại thêm đôi mắt một mí nữa, đích thị "thằng cu Kèo con" rồi, bố với con cứ như hai giọt nước ấy, không lẫn vào đâu được!
Trong khi mọi người hồ hởi tán dương như thế, thì... Kèo ngồi thu lu một chỗ, mặt buồn rười rượi, chẳng nói chẳng rằng gì cả. Thấy lạ, Cột mới lân la ngồi cạnh, hỏi:
- Vợ đẻ con trai đầu lòng mà cậu không vui là nghĩa làm sao? Chẳng nhẽ cậu lại muốn vợ cậu đẻ con gái?!.
- Con nào chả là con! Kèo dấm dẳng trả lời Cột.
- Thế cậu buồn về nỗi gì? Thằng bé lại giống cậu như đúc nữa chứ!
Như bị chạm nọc, Kèo quát lên với Cột:
- Thì chính là vì nó gióng cha nó đây quá, giống đến không có lấy một điểm nào không giống, cho nên mới là... khốn nạn, hiểu chửa?!..
- Cậu làm sao thế? Cậu nói cậu buồn, cậu... khốn nạn vì con trai cậu giống cậu như đúc ư? Liệu tớ có phải đưa cậu đi khám thần kinh không đấy?!. Kèo thủng thỉnh trả lời:
- Cậu mới là kẻ phải đi khám thần kinh đấy! Hãy để tớ giải thích cho mà nghe. Cuộc đời tớ, cậu còn lạ gì, phấn đấu suốt bấy nhiêu năm, rốt cuộc vẫn chỉ là thằng nhân viên quèn. Có mỗi một niềm hy vọng, đặt cả vào đứa con. Vậy mà vợ đẻ ra, nó lại giống y hệt bố nó là cái thằng Kèo khốn khổ khốn nạn này đây!
- Ơ hay! Thế chả nhẽ cậu lại muốn con cậu... giống ông hàng xóm à?
- Đồ thần kinh! Không phải giống hàng xóm, mà là giống... thủ trưởng cơ! Cậu chẳng hiểu gì cả!.. Tớ là cái loại "ngu lâu" mà tớ cũng sớm nhận ra để tổng kết được rằng: Trong cái cơ quan như cơ quan này, hầu hết những đứa được thăng quan tiến chức, thì con nó cũng phải có những nét giống... thủ trưởng của ta! Đấy, con thằng..., rồi thằng... và cả thằng... nữa,... chúng nó chả giông hệt thủ trưởng là gì?
Cột ngẩn người ra: ờ... ờ... nhỉ!
Trầm ngâm một lát, Kèo nói tiếp:
- Mà tớ nói điều này, cấm cậu không được bép xép với ai nhé. Bép xép là toi đấy nghe không! Rồi Kèo thì thào: Cậu hay đến nhà thủ trưởng, cậu không để ý đấy thôi, chứ "quý tử" và "cách cách" của ổng, đứa nào chả giống... thủ trưởng cấp trên của ổng?!.
Chiếc ghế và Văn hóa ngồi
Con người mới sinh ra vốn chỉ biết nằm, chưa biết ngồi. Lớn lên một chút, bắt đầu học lẫy, học bò rồi học ngồi. Ngồi vững mới học đứng, học đi. Đi đứng vững vàng rồi, con người lại trở lại làm quen với sự... ngồi: ngồi ăn, ngồi học, ngồi chơi, ngồi làm việc, ngồi dậy học, ngồi làm lãnh đạo, ngồi chỉ huy thiên hạ,...Gần như có tới phân nửa thời gian trong cuộc đời mỗi chúng ta, giành cho... ngồi!
Từ xa xưa, cái sự ăn đã thường gắn chặt với cái sự ngồi: "ăn trông nồi, ngồi trông hướng", "ăn trên ngồi chốc". Sự gắn bó đó có lẽ bởi chỗ ngồi nhiều khi là tiền đề, là điều kiện, là môi trường,... cho cái sự ngồi!
Nhưng gắn bó chặt chẽ nhất với sự "ngồi", chắc chắn vẫn phải là ... cái ghế! Không có ghế, người ta chỉ còn nước ngồi... bệt xuống đất!
Ghế cũng có đẳng cấp của ghế: Đơn sơ, giản dị, bình dân là chiếc "ghế đẩu". Loại ghế này có mặt nhiều nhất ở các ngôi nhà của những người nghèo. Nhà giầu thì dùng "xa-lông". Loại ghế này không chỉ có chỗ ngồi êm ái, mà còn có cả chỗ dựa lưng vững chắc. Sang trọng và "thời thượng" là bộ "xa-lông" Tầu làm bằng đủ thứ gỗ quý, được khảm trai, có tay vịn khuỳnh ra như ngai vàng của các vua chúa ngày xưa và được tạo nên bởi những người thợ lão luyện. Ôi! thật thoải mái khi được ngồi trên những bộ xa-lông như thế!..
Thông thường, muốn có ghế ngồi trong nhà, chủ nhân phải bỏ "tiền túi" ra mua, hoặc phải bỏ công sức ra đóng. Cũng rất thông thường, với người có chức có tước, thì chả cần mua, cũng chả cần đóng, ghế vẫn cứ tự tìm đến, thậm chí tranh nhau tìm đến nữa là đằng khác!
Nhưng có loại ghế phải được đề bạt hoặc thăng chức, mới được ngồi, đó là ghế "sếp" - một dạng "công sản quốc gia"! Loại ghế này, về danh nghĩa thì không mất tiền mua, nhưng đôi khi lại phải "mua" bằng rất nhiều tiền, bằng nhiều cách khác nhau.
Có một thực tế khá phổ biến chung quanh cái ghế công quyền: Khi chỉ mới phong thanh có tin ai đó chuẩn bị rời ghế để về hưu, thì cái ghế ấy đã không còn hoàn toàn là của anh ta nữa rồi! Không chỉ người kế nhiệm anh nghĩ thế, mà có khá nhiều người trong cũng như ngoài cơ quan, nghĩ thế! Quả là một thực tế đáng buồn về "nhân tình thế thái" của thời buổi kinh tế thị trường đầy đua tranh và cám dỗ này! Cái đạo lý "ăn quả nhớ kẻ trồng cây" hình như đã lỗi thời! Đấy là chưa kể đến những chuyện diến ra đằng sau ... bóng của những cái ghế quyền lực. Tại đấy, đôi khi... ngập ngụa mùi phấn son; mùi tanh tưởi gươm giáo, súng ống; cùng rất nhiều mùi tởm lợm khác: nịnh hót, xúc xiểm, lường gạt, phản trắc,...
Lại có chuyện ngược lại: có những cái ghế, đáng ra không nên ngồi nữa, thậm chí không được phép ngồi nữa; mà vẫn có người vẫn cố ý... ngồi, bằng rất nhiều cách, từ chữa giảm tuổi đến chạy vạy nơi này, nơi kia để được ngồi thêm, dù chỉ là mấy tháng! Không chỉ ngồi ì, ngồi lì; còn sẵn sàng trơ trén, ban phát những "lời vàng, ý ngọc", bất chấp sự thờ ơ lạnh nhạt của cử tọa!
Lại có loại người đã thực sự rời bỏ ghế rồi, mà cứ như người bị bệnh "mộng du": vẫn tìm mọi cách ngồi vào cái ghế   thời đương chức! Họ thực sự quên mình vốn là "dân thường", đã trở về làm "thường dân" rồi!
Hãy ngồi đúng chỗ! Xưa có câu: "y phục xứng kỳ đức", nay cũng nên thêm: "ghế xứng kỳ tài"!
Quả rằng, khi nói cái ghế ở công sở cũng là "công sản quốc gia" thì có vẻ "chấp nhặt quá". cho nên gần đây, thiên hạ chỉ nói nhiều đến những là "biệt thự công", "xe ô tô công",...Nhưng xin thưa rằng, cái ghế là vật dụng nhỏ nhoi còn tham, còn khó rời bỏ, thì nói làm chi đến cái...lớn?!.
Bé, muốn ngồi vững phải tập ngồi. Còn người lớn thì sao? Lâu nay chúng ta hay nói đến từ "nô bộc", cán bộ là "nô bộc của dân"! Nhưng cứ ngồi lên cái "ghế nô bộc" là nhiều người quên ngay! Hàng ngày ăn lương dân, ở nhà dân, đi xe dân,... mà cứ nghĩ mình đang ở trên dân, cứ tưởng mình thuộc một tầng lớp khác, được "Trời" cho cái quyền... ban phát ân huệ với dân! Cho nên, không chỉ bé mới phải học ngồi, mà người lớn, muốn thực sự làm nô bộc của dân, cũng phải học... ngồi! Nhà nước cần phải nhanh chóng tổ chức những lớp học như thế!
 Cái lẽ thứ hai khiến người lớn cũng phải học ngồi, ấy là "ăn trông nồi, ngồi trông hướng" – cha ông ta đã dậy thế! "Ghế trên ngồi tót sỗ sàng" (Kiều-Nguyễn Du), không phải là kiểu ngồi của người có học!
Nhưng bây giờ ít người muốn học ngồi lắm! Không muốn vì lẽ: dưới "cái nhìn lợi nhuận", thì "cái ăn", "cái ngồi" thuộc phạm trù... "thời cơ". Cứ dềnh dang hết "trông nồi" lại "trông hướng" thì còn đâu là cơ hội?!. "Ăn trên ngồi chốc" mới thực sự là điều cần phải phấn đấu!
Chọn hiền tài
Thành phố nọ đang khuyết một chân trưởng phòng chăn nuôi. Nhiều người ngấp nghé mong được cấp trên quan tâm đề bạt, nhưng chỉ có hai anh Kèo và Cột là đáng được xem xét hơn cả. Cái khó là không biết nên chọn ai, vì hai anh này đều có mặt mạnh, mặt yếu sàn sàn nhau, đúng như các Cụ nói: "kẻ tám lạng người nửa cân"! Cân nhắc mãi, thủ trưởng vẫn không sao quyết định được nên chọn ai, bỏ ai. Cuối cùng, ngài nghĩ ra một cách: đem việc đó về bàn với thủ trưởng bà, xem "quý phu nhân có cao kiến gì không?
Quý phu nhân chỉ quen việc chạy chợ, con cá mớ rau thì thạo, chứ không thạo việc công đường; nhưng nhiều khi cũng có những ý tưởng đột xuất, giúp thủ trưởng gỡ được nhiều thế bí trong công việc lãnh đạo của ngài!
Lần này được hỏi ý kiến, chỉ suy nghĩ loáng một cái, quý phu nhân đã đưa ra một chiêu tuyệt hảo:
- Muốn biết tường tài, phải đưa tướng ra chiến trường. Để đánh giá đúng năng lực một con người, không gì bằng thực tế công việc của anh ta! Do đó, tôi có kế thế này: Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến ngày gả chồng cho con hai nhà ta, tuy ông với tôi đã thống nhất không bầy vẽ tiệc tùng gì rườm rà lôi thôi, vừa đỡ tốn kém vừa tránh được thiên hạ đàm tiếu; nhưng chí ít cũng phải có mươi mâm tiếp họ hàng dưới quê lên. Vì vậy, theo tôi là ta cứ bắt một đôi lợn giống của phòng chăn nuôi Thành phố, giao cho hai anh Kèo, Cột, mỗi anh nuôi cho một con. Hẹn đến ngày nhà mình có viẹc, mang lên... ta sẽ "nghiêm thu". Hôm đó, ai tài hơn ai tất sẽ rõ! 
Thủ trưởng vỗ tay khen: "Giỏi! Giỏi! Bà nó quả là cao kiến!"
Thế là, trước hôm cưới "cách cách" một ngày, y hẹn, cả Kèo và Cột đều đem lợn của mình đến nhà thủ trưởng tỉ thí! Kèo khéo chăn nuôi đến mức, nuôi có hơn một tháng mà con lợn giống đã nặng tới hơn ... tạ rưỡi! Kèo phải thuê ôtô tải mới đưa được chú lợn to đùng bát vại ấy đến nhà thủ trưởng! Ai trông thấy cũng trầm trồ ngạc nhiên và hết kời khen ngợi tài chăn nuôi của Kèo, Kèo tự đắc lắm! Còn ai trên đời này có thể nuôi lợn tăng trưởng đến mức ấy được? Phennày cái ghế trưởng phòng chăn nuôi, chắc chắn phải về tay Kèo rồi!
Mọi việc tưởng như đã ngã ngũ. Nhưng bỗng ... Cột xuất hiện! Anh ta không dùng ôto đưa lợn đến, mà chỉ có một chiếc rọ nhựa cắp nách. Trong rọ là một chú lợn bé tí bé tẹo, bé hơn cả cái con lợn giống anh ta nhận về nuôi! Thấy Cột vô duyên thế, thủ trưởng cười đến chẩy cả nước mắt, nước mũi: "Thôi thôi, thế là anh Cột thua rồi. Hãy nhìn... "ngài ỉn" của anh Kèo kia mà xem! Nuôi như thế mới là nuôi chứ!..
Thoáng nhìn qua con lợn trong rọ, thủ trưởng bà thấy ngay là nó không chỉ có rất bé, mà còn cứng đơ đơ như lợn.... chết rồi! "Thế này là thế nào?..". Thoáng một câu hỏi hiện lên trong óc phu nhân. Nhưng bằng kinh nghiệm phán đoán nhạy cảm nữ giới của mình, bà đã hiểu:
- Ông thật vớ vẩn, thua là thua thế nào? Con lợn của anh Cột tuy có bé đấy, nhưng là bé... hạt tiêu đấy! Cứ bắt cân lên mà "cân" xem, nó chẳng ... gấp trăm lần con lợn nhà anh Kèo ấy chứ! Làm lãnh đạo mà ông cứ đánh giá cán bộ hồ đồ như thế, chả trách!.. Nói rồi, bằng một động tác rất sành điệu, thủ trưởng bà đưa cả hai tay ra ôm lấy chiếc rọ lợn từ nách Cột, âu yếm vỗ về: "Ôi lợn vàng lợn bạc, lợn về với ta, ta cho ăn cơm vàng cơm bạc chứ không phải ăn cám hôi nhà người nữa nghe chưa!". Đoạn, quay sang Cột nói:  "Thôi anh cứ yên tâm về mà chờ quyết định của tổ chức nhé! Chỉ nội tối nay là ông ấy nhà tôi sẽ ký cho anh đấy!".
Thì ra cái con lợn của Cột không phải lợn thịt, cũng không phải lợn bình thường; mà là lợn được Cột đặt mua ở mãi phố hàng Bạc trên thủ đô Hà Nội kia! Vàng bốn con chín hẳn hoi đấy, mặc dù nó chỉ nặng có độ... bốn mươi lượng gì đó thôi!...
Trần Huy Thuận
Theo http://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị Đèo Prenn ngun ngút sắc trời// Hờ hững ngang chiều dải lụa nàng tiên rơi mùa hội trẩy/ Lả lướt theo ...