Thứ Năm, 27 tháng 4, 2017

Văn học nghệ thuật trên hành lang sáng tác đương đại

Văn học nghệ thuật trên 
hành lang sáng tác đương đại
Vận hội mới mở ra - định mốc lịch sử - khi gia nhập WTO là dân tộc ta đã đích thực hòa nhập vào cộng đồng quốc tế. Không chỉ thương mại, kinh tế mà gần như mọi mặt, bên cạnh… Đều cần thái độ nghiêm túc nhìn lại bản thân để kịp thời thích ứng với giá trị phải nâng cao, đã đến lúc vượt qua các tiêu chí vốn đã quen trong cơ chế "tự thân định tính, tự thân định lượng"  như thuở nào. Có như thế mới sánh được các cường quốc trên năm châu bốn biển. Văn học nghệ thuật cũng không thể là ngoại lệ.
Dưới con mắt khách quan thế giới, mọi sản phẩm dù là sản phẩm trí tuệ, tinh thần đều có cơ hội ngang nhau - một cách công bằng - không đặc ân riêng tư, bao cấp. Cũng không chủ tâm áp đặt phân biệt nào. Những thứ ấy là rào cản lạc hậu khiến nghiêng lệch giá trị thực của sản phẩm, không phản ánh trung thực chất lượng. Đây mới là đánh giá mang tinh thần khoa học của văn minh đương đại. Thứ mà chúng ta đang bất cập.
Không phủ nhận những thành tựu nhất định đã đạt được trong văn học nghệ thuật nước nhà, thậm chí tôn vinh. Song tất cả đó, hầu hết chỉ mới nói lên giá trị nội địa, quốc gia. Đã đến lúc - trễ còn hơn không - điểm lại một số vấn đề trong các phương cách sáng tác hiện nay. Từ đó rút ra kinh nghiệm thực hành, âu cũng là việc nên làm trên tinh thần hướng đến tương lai.   
A/ Ghi nhận hoặc không - tất nhiên - đó là quyền của nhà sáng tác văn học nghệ thuật. Song lắng nghe ý kiến dư luận, quan tâm mọi phản ánh về tác phẩm là thể hiện đích thực đạo đức của những ai chọn cảm xúc nhân văn làm hành trang sáng tạo.
Thiên tài như Nguyễn Du cũng bày tỏ ưu tư khi tự hỏi "Bất tri tam bách dư niên hậu. Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như" Ba trăm năm sau có còn ai thương tiếc ông chăng? Điều ấy nói lên rằng, dẫu thế nào đi nữa tiên sinh vẫn tôn trọng dư luận và trông chờ đồng cảm ở đời sau.
Mặc dù Gabriel Garcia Marquez, tác giả "Trăm năm cô đơn" từng tuyên bố, trong sáng tác văn chương - hay nói chung các ngành nghệ thuật - tính khiêm nhường không cần thiết. Ngẫm cho cùng, không phải không hữu lý. Câu nói mang ẩn ý sâu sắc, hết sức tinh tế. Kỳ thực nó tôn vinh đức tính tự trọng chứ không hề ca ngợi thói tự tôn rởm bao giờ.
Nghĩa gián tiếp "tính khiêm nhường không cần thiết" là để hàm ý sự vượt qua, không ươn lười nhượng bộ những trở lực, quán tính lâu ngày khiến tàn lụi biến chất, làm ruỗng mòn ý thức sáng tạo.
Khi nói tính khiêm nhường không cần thiết cũng có nghĩa rất nên xem lại trong tác phẩm đã tồn tại nhiều ít? Sự nhượng bộ các quán tính đã thành thói, đã "đóng khớm"  vào tiềm thức sáng tác. Đó là khi nhà sáng tác chấp nhận tình trạng "xơ hóa" nghệ thuật của mình mà bất lực trước thách thức vượt qua để sáng tạo. Sự sáng tạo đúng nghĩa là không để bị "xơ hóa" song vẫn duy trì được ý đồ nghệ thuật như mong muốn. Thực hiện thành công nơi đây cũng đồng nghĩa nâng cao bản lĩnh, vượt qua chính mình. Tuy nhiên không phải ai cũng làm được và làm được một cách dễ dàng.
"Tính khiêm nhường" thì ngược lại, cho thấy nhà sáng tác đang đứng - hoặc tự thỏa mãn - chỉ ở một nấc thang cố hữu, nhất định nào đó trong nghệ thuật. Giả như chỉ số tồn tại "xơ hóa" ấy quá lớn, quá lâu dài thì thực tế sau mỗi lần hoàn thành tác phẩm, là thêm lần nhà sáng tác tự làm mờ đi chủ thể sáng tạo của mình.
Người thưởng thức chưa hẳn đều mù mờ về tình trạng này, song phía nhà sáng tác thì không ít. Sự cầu thị và biết lắng nghe dư luận là cần thiết giúp cải tạo tình hình sáng tác lỗi thời, nhàm chán ấy.
B/ Trong khi chờ đợi xuất hiện và tự khẳng định được - một cách ổn thỏa, danh chính ngôn thuận - các khuynh hướng mới, rõ nét cá biệt và tương ứng với vận hội mới của dân tộc, thì chúng ta - gồm người thưởng thức và những nhà sáng tác nghệ thuật - đều chưa tuyên bố được gì thêm ngoại trừ những khuynh hướng thuần dưỡng trong môi trường nghệ thuật cố hữu được tôn vinh, khẳng định. Môi trường đã và đang chiếm lĩnh các không gian sinh hoạt nghệ thuật. Nhiều lắm, bên cạnh hiện hữu thêm một số hiện tượng mới, ít nhiều gây tiếng vang song vẫn quá sớm để có thể đi đến một xác quyết đích thực nào đó về những hiện tượng nầy…
Thế nhưng trong tình hình như vậy, quả thực vẫn tồn tại một số thuộc tính chung về sáng tác không giới hạn là đã thành, hay chưa thành khuynh hướng. Đã được hoặc chưa hề được khẳng định, tôn vinh. Điều đáng nói là trong khi bản tính - hay thuộc tính căn bản - của chúng vẫn rất nhiều dị biệt… Sở dĩ gọi "hành lang sáng tác" cốt để nói đến chỗ gặp gỡ hay thuộc tính chung của những chủ thể sáng tác vốn rất riêng, rất khác nhau ấy.
Có thể thấy rõ:
1* - Sự lập lại về đề tài là hiện tượng rất phổ biến. Dễ dàng nhận ra rằng, giá trị riêng của bản thân một hình tượng nghệ thuật vốn tốt đẹp đến đâu thì thực tình cũng không bù đắp nổi cho sự nghèo nàn về khả năng sáng tác. Nhất là khi nhà sáng tác mang một phần chủ tâm khai thác giá trị riêng vốn có của hình tượng ấy, nhằm đánh động cho sáng tác của mình. Có câu "Dụng tinh, bất dụng đa". Nói lên trình độ nghệ thuật là ở tinh hoa và chất lượng chứ không phải căn cứ vào số lượng và sáng tác theo hành lang "nhái lại", "ăn theo". Tất nhiên, có những văn nghệ sĩ chân chính sáng tạo khi họ đã đi đầu trong nắm bắt hình tượng để đưa vào sự nghiệp sáng tác. Bên cạnh, có thể còn có người đi sau thể hiện đề tài cũ, song nói lên được các phát hiện mới với giá trị đáng kể. Đấy đều là cung cách sáng tạo chân chính cả.
Kỳ dư, tình trạng lập lại rồi sẽ bị đánh giá thấp - về mặt nghệ thuật - là  cố nhiên. Không ấu trĩ cố tình nhầm lẫn giá trị nghệ thuật của nhà sáng tác với giá trị riêng bản thân hình tượng làm đề tài. Giá trị riêng của hình tượng thì khi nào cũng y nguyên, không thay đổi. Ngược lại, giá trị và tài năng của nhà sáng tác bị giảm sút nếu không nói bộc lộ nghèo nàn qua thói quen vay mượn. Sáng tác chuyên xuất hiện ở hành lang loại nầy không hề thiếu.
Lấy ví dụ, thời gian gần đây, nở rộ phong trào lập lại hình tượng Bồ Đề Đạt Ma trong sáng tác nghệ thuật… Nhất là ở một số ngành hội họa. Người ta đua nhau khai thác song không nói lên điều gì mới lạ ngoài việc "biến tấu lại" những nội dung căn bản vốn từng được các nhà Thiền họa sáng tác trong nhà chùa từ rất lâu. Sao lục và "mới hóa" một phần hình tượng nầy bỗng chốc thành "thời trang nghệ thuật" hồi nào không hay?
Chưa hết, thư pháp chữ quốc ngữ "trên mọi nẻo đường"…Từ lịch treo tường, minh họa bìa sách cho tới thiệp chúc mừng, hoặc lồng khung triển lãm… Hiện đang dần "thất sủng" và thoái trào. Dân tộc tính và tự tôn dân tộc là lý luận được thích nghi ngay lập tức cho vô số tác phẩm vội vã, kém nghệ thuật ra đời. Đồng ý chúng đã có một thời, nhưng vang bóng thì chưa!  
Sự cầu tài, thói háo danh thường thiết lập căn cứ trên bộ phận người thưởng thức thiếu trình độ hoặc dễ tính để lấy đà phát triển. Người ta quên rằng các loại căn cứ này rồi sớm muộn cũng phải vượt cấp, bỏ lại sau lưng các giá trị phù phiếm. Thực tình mà nói, tính tái khẳng định bao giờ cũng sẽ đến và đến sau nhằm loại bỏ các giá trị ảo xuất hiện ở phong trào. Chỉ rất ít trong số đó là thực có giá trị để tồn tại lâu dài. Những nhà thư pháp chân chính.      
2* - Lạm dụng minh triết phương đông một cách cẩu thả, cạn cợt. Trước vận hội khách phương tây tìm về phương đông để tham vấn văn minh văn hóa nơi đây. Nhanh chóng bắt chụp được cơ hội hứa hẹn ấy… Bộ phận không ít nhà sáng tác đã tự rơi vào tình trạng đáng tiếc, mang tính nhất thời. Họ quá vội vã mà quên rằng, trước khi minh triết phương đông được "xuất khẩu" thì giá trị của các loại sáng tác nhân danh nó - một cách đúng đắn nhất - nên thông qua thẩm định của người thưởng ngoạn đông phương. Để xem những bộ phận "trích dẫn" từ minh triết ấy đã đích thực chưa? Hay có khi, chỉ  là "Tam sao thất bổn" do một phần hạn chế kiến thức của nhà sáng tác. Ở đây có sự chủ quan, coi thường trình độ và kiến thức ngưòi thưởng ngoạn trong nước. Đồng thời bộc lộ rõ giá trị chưa đủ căn bản tư duy về minh triết phương đông của nhà sáng tác.  
Lấy ví dụ về một biểu tượng ở vòng tròn Thái cực, thì Lưỡng nghi - hai con cá theo kiểu gọi bình dân - chứa bên trong có hướng quay theo chiều nào? Thuận hay ngược kim đồng hồ? Chiều nào đại diện cho minh triết phương đông, và chiều nào thì không phải thế?
Đồng ý nhà họa sĩ có quyền thể hiện theo ý đồ, thông điệp riêng song không thể không trả lời được các "toát yếu" khi nhân danh minh triết phương đông trong tác phẩm của mình. Với người thưởng thức có căn bản, thì chỗ hạn chế kiến thức dưới mức đòi hỏi ấy của nhà sáng tác về đề tài đang nói là không quá khó để nhìn ra. Rất tiếc, các sai lầm loại này tuy chưa quá nhiều nhưng vẫn cứ tồn tại. Từng chễm chệ ở phòng triển lãm tranh danh giá…
Ai cũng biết, minh triết phương đông uyên áo như thế nào! Đủ để đích thực làm chủ được nó, e rằng không phải quá dễ dàng như người ta ngộ nhận. "Giới thiệu" văn minh văn hóa phương đông, vô tình lắm lúc trở thành giới hạn! 
Một thời, nhất là từ thập niên 80 mãi cho tới bây giờ có "mốt" đưa thiền, đưa kinh Dịch vào nghệ thuật. Nhiều nhà sáng tác say sưa nói về thiền, về quẻ… Y như một sở đắc đã thành tựu, để làm thơ, viết văn, vẽ… Họ nói về ngộ nhập, sự thấu đắc huyền cơ song nhìn cho rõ thì bộ phận đa số chỉ mượn tạm hoặc dựa vào sao lục tư liệu một cách nghiệp dư, đột xuất hơn là đang ở tư cách các hành giả Huyền học phương đông chính cống Kinh nhà Phật từng nói, thiền mà còn biết, còn nói mình thiền thì nhất thiết đấy chưa phải là thiền. Phân biệt rõ từ Như-lai-thiền cho tới Phàm-phu-thiền (kinh Phật đều có giảng) là cả một trời một vực.
Lịch sử Thiền tông, nhất là đời Ca Diếp cho biết trong rất nhiều đệ tử xuất chúng của Thích Ca, thì chỉ mỗi mình ông được ấn chứng đạt quả thiền qua "Niêm hoa vi tiếu". Còn đời nay? Dường như để thành tựu công phu thần kỳ nầy thì chẳng mấy khó khăn!?
Thuở xưa ở Trung hoa, Nhật…Các họa sư lừng danh thuộc họa phái Thiền tông cũng vẽ rất nhiều, như Thập mục ngưu đồ chẳng hạn…Nhưng không ai "tự tuyên bố" đó là "Tranh thiền" cả. Ngày nay chúng ta biết, nói tới chẳng qua do người đời thưởng lãm nhận chân, truyền tụng mà thành ra danh nghĩa. Từng có giai thoại một họa sư Thiền tông khi được hỏi có phải ông là người đã vẽ nên một bức thiền họa? Họa sư đã lấy làm ngơ ngác, trả lời "Thiền nào? Thiền là cái gì tôi không hiểu".                 
Thành ra, vận dụng minh triết phương đông không chỉ riêng ai, song  rất dễ vô tình gây phản cảm. Nhà sáng tác chân chính có trình độ không hề chạy theo phong trào một cách cạn cợt, cẩu thả. Lão Tử đã từng nói "biết nói biết, không biết nói không biết. Thế mới gọi là người hiểu biết vậy".
Trong học thuật phương tây, một nhà thông thái thường được tôn vinh là học giả. Song ở phương đông - nhất là trong các bộ môn Huyền học - danh vị học giả chưa nói lên được gì về thực chất ứng dụng như đòi hỏi. Vì thế còn có một danh vị khác, luôn đi đôi với Huyền học chân-chính-ứng-dụng, gọi chung là các "Hành giả phương đông". Vâng, hành giả chứ không chỉ mới là học giả.       
3* - Tự tôn dân tộc một cách võ đoán, nông cạn. Thực ra, đấy không  phải là phương cách để nhanh chóng làm "sáng lên" dân tộc tính trong tác phẩm. Ngược lại, tự tôn dân tộc phải đi đôi với kiến thức và tư duy nghiêm chỉnh. Nếu không, giá trị chỉ quanh quẩn ở tầm vóc quốc nội.
Trong văn chương hiện nay, không phải bất cứ nhà văn nào cũng làm chủ được tất tần tật các từ gốc Hán Việt. Với vinh danh chuyên gia về chữ nghĩa, thiết tưởng hạn chế này không hề quá nan giải. Ấy thế, vẫn tồn tại một bộ phận lập ngôn bất cập qua thơ văn…
Do ở thói quen tâm lý cứ mặc nhiên coi đấy như một phần sản phẩm ngoại lai - thiếu dân tộc tính. Cho nên dùng thì phải dùng, song ở đây bệnh chủ quan coi thường đã ăn sâu vào tiềm thức. Việc tuy nhỏ mà nói lên điều đáng tiếc không nhỏ!            
Tự tôn dân tộc là cần thiết, song vô tình phủ nhận kiến thức phổ thông là thiếu khoa học. Xét cho cùng đấy cũng là một phần nguyên nhân giới hạn trong sáng tác hiện nay. Tình trạng rất thiếu đồng bộ trong ý thức làm chủ các từ Hán Việt.
Phải công bình nói ngay rằng, chưa hẳn bất kỳ từ thuần Việt nào cũng có thể xử lý đưa vào trong sáng tác một cách thuận lợi nhằm thay thế từ Hán Việt tương đương, phần nhiều ngắn gọn hơn. Nhất là khi đã qua rồi các thời kỳ cấp bách của đất nước, lúc cần thông tin hết sức bình dân để cho phép dài dòng nói, viết. Dân trí cao hơn, khuynh hướng sử dụng từ Hán Việt đang phục hồi vị trí của nó là hữu lý. Còn viết, thẩm định văn chương? Tất nhiên, không lạm dụng nếu vẫn có thể thay thế bằng từ thuần Việt đảm bảo đủ ý nghĩa, nhất là không dài dòng hơn từ Hán Việt tương đương. Song nói gì thì nói, từ Hán Việt phải chuẩn.
Từ Hán Việt rất quan trọng trong sáng tác. Để sử dụng không thể không lĩnh hội tính đa nghĩa loại từ bác học nầy. Đó là chưa nói lắm lúc phải sử dụng vì không tìm ra từ thuần Việt tương đương. Ví dụ, câu "Bức họa có thần" là đã ổn, song muốn thay "thần" bằng một chữ thuần Việt tương đương để dân tộc tính tăng lên thì e rằng bất khả. Ngoài ra, đáng nói là khi sử dụng từ Hán Việt mà có thể còn nhiều từ cùng một cách phát âm, mà rõ ràng kỳ thực - trong gốc Hán- chúng đều khác chữ viết và đương nhiên khác nghĩa.         
C/ Tóm lại, tuy chưa hẳn quá nhiều song cũng không phải ít nhà sáng tác đương đại lắm lúc còn gặp nhau trên các "hành lang sáng tác" nói trên. Cho dù bản chất các khuynh hướng rất có thể khác nhau đấy, song tồn tại chung là có thực. Điều này chỉ ra thêm một phần nguyên nhân cho tình trạng hiện đang làm giới phê bình văn học nghệ thuật khắc khoải "Tại sao vẫn chưa thấy xuất hiện, chưa khẳng định được những tác phẩm lớn - nhất là về văn học - đủ sức chinh phục thế giới đương đại, việc mà khá nhiều nước chung quanh ta, kể cả ở  trong khối Asian  làm được"?
Tất nhiên chúng ta có quyền hy vọng song không chỉ có thế, mà cần nhìn lại mình thật rõ, không tránh né trước khi tiếp tục đổi mới cách sáng tác. Trong khi đất nước bước vào một vận hội mới gia nhập WTO, nhiều ngành hoạt động khác đều đã ít nhiều tiến bộ... Riêng sáng tác văn học nghệ thuật vốn có nhiều lợi thế hơn so các ngành khác nhưng chưa thể hiện được sức mạnh cấp độ quốc tế là vì sao? Và ai? Nhận chịu trách nhiệm này trước văn-học-sử nước nhà. Chắc chắn rằng không phải ở lớp trẻ đang sáng tác hôm nay.
Thực ra mãi cho đến giờ phút nầy thì hy vọng là hy vọng chung, không còn cứ là nhà sáng tác già hay trẻ hoặc buộc phải đứng ở thành phần này, nằm trong tư cách nọ…Như từng lầm tưởng trước đây nữa. Từ khi gia nhập WTO là lịch sử đã sang trang mới. Chờ đợi thì vẫn là chờ đợi chung, song nhìn vào thực tế - một cách công bình, không bảo thủ - giới sáng tác trẻ cần được khuyến khích thể nghiệm nhiều hơn là cứ bị chăm chăm phê phán nặng nề.
Cho dù thế nào thì gánh nặng thừa kế cũng đang dần đặt lên vai họ. Đã đến lúc giới sáng tác trẻ cần nhận được sự công minh về sứ mệnh ủy thác - tất nhiên - mọi người vẫn tiếp tục công việc của mình và có quyền phê phán, xây dựng trên tinh thần thông cảm. Bởi ngoài gánh nặng thừa kế do cha anh trao xuống phải hoàn thành kia(!?), còn có nhiệm vụ dành cho thời đại riêng mà họ sẽ chính thức làm chủ sau nầy.
Rất có thể, đấy là những người phải mang vác đến hai lần gánh nặng. Bao dung với giới sáng tác trẻ hôm nay nào khác gì tự bao dung với những gì mà thế hệ đi trước còn nan giải, phân vân...? Ông cha ta đã nói "Con dại, cái mang". Nếu không kỳ vọng vào thế hệ trẻ của nước nhà thì kỳ vọng vào ai trong trong tương lai?.
Thành nội - Huế 
Trần Hạ Tháp
Theo http://www.vanchuongviet.org/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị Đèo Prenn ngun ngút sắc trời// Hờ hững ngang chiều dải lụa nàng tiên rơi mùa hội trẩy/ Lả lướt theo ...