Thứ Tư, 26 tháng 4, 2017

Tên tự, tên hiệu các tác gia Hán Nôm Việt Nam - Một công trình khoa học nghiêm túc và giá trị

Tên tự, tên hiệu các tác gia Hán Nôm Việt Nam 
Một công trình khoa học nghiêm túc và giá trị
Những năm qua, với tư cách là trung tâm nghiên cứu di sản Hán Nôm của cả nước, Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã liên tiếp cho ra mắt bạn đọc hàng loạt công trình nghiên cứu giá trị. Một trong những công trình thuộc loại đó, là quyển Tên tự, tên hiệu các tác gia Hán Nôm Việt Nam do PGS.TS. Trịnh Khắc Mạnh biên soạn (Nxb. KHXH, H. 2002). Quyển sách này không chỉ cần thiết đối với giới nghiên cứu, mà còn vô cùng thiết thực đối với thầy và trò các trường học.
Khi đọc sách về các tác gia Hán Nôm thời trung đại, ta thường gặp những khái niệm danh, húy, hiệu, tự. Chẳng hạn, Nguyễn Du hiệu là Thanh Hiên, tự là Tố Như; Phạm Đình Hổ hiệu là Đông Dã Tiều, tự là Tùng Niên; Trần Nguyên Đán hiệu là Băng Hồ v.v... Vậy, danh, hiệu, tự là gì? Chúng có quan hệ với nhau như thế nào? Tất cả đều được giải đáp trong phần Lời nói đầu của cuốn sách.
Có lẽ, tác giả quá khiêm tốn mà đặt cho phần nghiên cứu này nhan đề như vậy. Thực ra, tuy chỉ có 14 trang, nhưng Lời nói đầu xứng đáng là một công trình khoa học khá sâu về danh, hiệu, tự. Người viết đã ngược tìm đến tận ngọn nguồn của cách đặt tên húy, hiệu, tự; đã chỉ ra mối quan hệ giữa chúng, cũng như ý nghĩa của việc đặt tên, hiệu, tự và cách sử dụng danh, hiệu, tự trong giao tiếp, trong trước thuật. Để minh họa cho lý thuyết của mình, người viết đã tường giải một cách cụ thể bằng những dẫn chứng từ Trung Quốc đến Việt Nam. Vì sao Gia Cát Lượng lại có tự là Khổng Minh, Bao Chửng là Hy Nhân, Tào Tháo là Mạnh Đức, Lý Tuấn là Thường Kiệt, Chu Anlà Linh Triệt, Nguyễn Quý Đức là Bản Nhân, Nguyễn Trãi là Ức Trai,Ngô Thì Sĩ là Ngọ Phong. Nguyễn Thiếp là La Sơn v.v...? Đáp án đã có trong Lời nói đầu.
Phần thứ hai dầy 509 trang. ở đây tác giả đã cung cấp 1.016 tên tự, hiệu, danh của gần 700 tác giả Hán Nôm Việt Nam thời trung đại. Để có được số liệu chính xác này, soạn giả đã sử dụng những thư tịch hiện đang lưu trữ tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Dĩ nhiên, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm không phải đã thu thập được hết thư tịch Hán Nôm thời trung đại. Vì thế tác giả giải thích: “còn thư tịch Hán Nôm ở địa phương cũng như các loại hình văn bản khác (...), chúng tôi chưa có điều kiện đi sâu” (tr.17). Khổng Tử nói: “Biết bảo là biết, không biết bảo là không biết, ấy là người biết vậy!” Có lẽ đây là phẩm chất cần có của một người nghiên cứu. Hơn nữa, nắm chắc tính chất phức tạp của các văn bản Hán Nôm, soạn giả lượng trước những khó khăn mà công trình sẽ gặp, nên viết: “Trong quá trình biên soạn, chúng tôi cố gắng tra cứu và đối chiếu với nguyên bản Hán Nôm. Nhưng sự ghi chép trên các văn bản gốc cũng có chỗ không thống nhất. Nhiều khi một tên người, tên tự, hoặc tên hiệu (...) mỗi sách viết một kiểu (...). Do vậy, những sai sót không thể tránh khỏi”. Sự thận trọng là một phẩm chất vô cùng quan trọng đối với người nghiên cứu.
Cùng với tính khoa học thận trọng là sự trung thực trong nghiên cứu. Chỉ những người có bản lĩnh mới làm được. Tôi đã từng viết một số bài về tệ “đạo văn”. Vì thế tôi đánh giá cao nhân cách khoa học này của tác giả công trình Tên tự, tên hiệu các tác gia Hán Nôm Việt Nam. Xin đọc Lời nói đầu của tác gia: “Trong quá trình biên soạn (...), chúng tôi đã tham khảo các sách vở, tài liệu, thư tịch của những người đi trước để tiếp thu và chỉnh lý (...). Nhân đây chúng tôi xin được bày tỏ sự biết ơn vô hạn”. Vì sao tôi phải trích lại đoạn trên? Bởi vì có những công trình gần như tiếp thu trọn vẹn thành tựu nghiên cứu vài chục năm trời của một tập thể, nhưng chủ biên của chúng chỉ nói một câu ngon ơ...
Sự trung thực của tác gia công trình Tên tự, tên hiệu... còn được thể hiện ở việc sòng phẳng chỉ ra công lao giúp đỡ của từng đồng nghiệp. Tác gia viết: “Trong quá trình biên soạn (...), chúng tôi đã nhận được sự giúp đỡ của đồng nghiệp như PGS. Trần Lê Sáng đã tham gia làm một số phiếu, PGS. Phan Văn Các và NCV. Nguyễn Văn Nguyên đã tham gia đọc sửa bản thảo, ThS. Nguyễn Hữu Mùi và CN. Nguyễn Đức Toàn tham gia làm đối chiếu...” (tr.17).
Công bố 1016 tên tự, tên hiệu của gần 700 tác giả Hán Nôm Việt Nam đòi hỏi người biên soạn không chỉ bỏ nhiều công sức, mà cái chính là phải có khoa học để tránh nhầm lẫn. Sáu tác gia Hán Nôm là Nhữ Sĩ Bá, Phạm Hồng Nghi, Phạm Thanh, Trần Huy Phác, Vũ Huy Tấn và Vương Duy Trinh cũng có hiệu là Đạm Trai. Thậm chí 7 người cùng có hiệu Tĩnh Trai là Đặng Huy Trứ, Lê Hữu Thanh, Hoàn Kim Tích, Ngô Thì Điển, Nguyễn Hàm Ninh, Trần Đình Túc và Trần Sầm. Trong những trường hợp như vậy nếu không thận trọng và khoa học dễ bị nhầm lẫn.
Phần thứ ba gồm 4 bảng tra: Bảng tra tên tự hiệu bằng tiếng Việt xếp theo ABC; Bảng tra tên tự hiệu bằng chữ Hán xếp theo số nét từ 1 đến 29 nét; Bảng tra theo họ và Bảng tra tác phẩm. 
Đối với các loại sách công cụ như quyển Tên tự tên hiệu... thì các bảng tra cứu là vô cùng cần thiết; chúng giúp độc giả chỉ cần biết một trong 4 yếu tố (tên tự, hiệu bằng tiếng Việt, bằng chữ Hán, và họ hoặc tác phẩm của một tác gia Hán Nôm nào đó) là có thể tìm ra ngay tác giả mà mình đang cần. Riêng Bảng tra tác phẩm, PGS.TS. Trịnh Khắc Mạnh đã cung cấp 1758 tác phẩm liên quan tới 700 tác gia Hán Nôm Việt Nam. Ta hãy hình dung xem, người biên soạn đã phải tốn vào đây bao nhiêu công sức. Tuy nhiên, trong khoa học, công sức được định lượng bằng giá trị sử dụng. Bốn bảng tra cứu vừa làm cho bộ sách thêm sang, vừa làm cho bộ sách tăng thêm giá trị sử dụng. Hơn nữa, tất cả các tên húy, tự, hiệu và tên tác phẩm đều được in kèm với chữ Hán. Điều đó càng làm cho tính khoa học của bộ sách được nâng cao.
Những điều chúng tôi trình bày trên kia đều đưa tới một kết luận rằng, quyển Tên tự, tên hiệu các tác gia Hán Nôm Việt Nam là một công trình khoa học nghiêm túc, giá trị và thiết thực với giới nghiên cứu cũng như đối với thầy và trò các trường học. Sẽ có người hỏi rằng, vậy bộ sách này chẳng có gì thiếu sót chăng? Xin thưa, ngọc còn có vết huống chi công trình tên tự, tên hiệu phức tạp như thế, tránh sao khỏi sai sót. Nhưng tôi thích lời Khổng Tử: “Trạch kỳ thiện” - chọn lấy cái hay, cái tốt của người ta mà học. Vì lẽ đó tôi chỉ nêu ra những điều khả thủ mà tôi thu lượm được. Mong rằng Viện Nghiên cứu Hán Nôm ngày càng nhiều công trình khoa học có chất lượng xứng đáng như quyển Tên tự, tên hiệu các tác gia Hán Nôm Việt Nam.
Nguyễn Đăng Na
Theo http://hannom.org.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị Đèo Prenn ngun ngút sắc trời// Hờ hững ngang chiều dải lụa nàng tiên rơi mùa hội trẩy/ Lả lướt theo ...