Nhiều lời Đức Phật dạy trong kinh điển có thể
được nhìn thấy qua nhà thơ Bùi Giáng.
Toàn thân Bùi Giáng chính là Khổ Đế hiển lộ qua
cái được thấy. Tương tự, với Tập Đế.
Nụ cười của Bùi Giáng chính là Đạo Đế hiển lộ an lạc qua
cái được thấy. Tương tự, với Diệt Đế.
Bùi Giáng đùa giỡn ca ngâm với lời lời ẩn nghĩa
chính là diệu chỉ tâm không dính mắc của Kinh Kim Cang, hiển lộ qua
cái được thấy và cái được nghe.
Bùi Giáng đi đứng nằm ngồi giữa phố như không một
nơi để tới chính là diệu chỉ sống với cái Như Thị của Kinh Pháp Hoa, hiển
lộ qua cách thõng tay vào chợ.
Bùi Giáng viết xuống chữ nghĩa xa lìa có/ không,
dứt bặt đúng/ sai, hễ viết xuống là gửi vào tịch lặng bờ kia chính là diệu chỉ
gương tâm rỗng rang của Bát Nhã Tâm Kinh.
Đó là hình ảnh nhà thơ Bùi Giáng trong tâm tôi nhiều
thập niên qua.
Bùi Giáng là nhà thơ, là dịch giả, là nhà bình luận văn
học. Ông sinh ngày 17 tháng 12/1926 tại huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam;
từ trần ngày 7 tháng 10/1998 (thọ 71 tuổi) tại Sài Gòn. Như thế, vài tuần nữa
là tròn hai mươi năm nhà thơ Bùi Giáng qua đời.
Bản thân tôi, khi còn là một cậu học trò lớp Đệ Lục (bây
giờ là lớp 7) đã say mê đọc Bùi Giáng. Tôi đọc đi đọc lại những cuốn Bùi Giáng
viết về Bà Huyện Thanh Quan, về Chinh phụ ngâm và Quan ÂmThị Kính, về
truyện Kiều và truyện Phan Trần, về Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, về Chu Mạnh Trinh,
và về một số người khác.
Trong đó, khi ra đề bài cho học sinh trung học, Bùi
Giáng từng hỏi, thí dụ tương tự như (tôi chỉ nhớ lờ mờ,
không nhớ chính xác): vào vườn Tao Đàn chơi, em sẽ nói gì nếu tình cờ gặp
thi sĩ Chu Mạnh Trinh; nếu phải biện hộ cho Hoạn Thư về những hành
vi đối với nàng Kiều, em sẽ nói gì… và vân vân.
Lúc đó, tôi hình dung rằng Bùi Giáng phải là một nhà
giáo hàng ngày trang phục nghiêm túc, phải mang kính trắng, phải đi xe đạp
hay xe mô-bi-lét, sáng đi chiều về tại một trường trung học nào đó ở Sài Gòn;
hay, khác đi, hẳn phải là một nhà văn ngồi hàng ngày ở nhà xuất bản. Lúc đó,
tôi muốn tìm mua hết các sách về văn học của Bùi Giáng, thế là nhiều
lần tôi đi xe đạp tìm địa chỉ nhà xuất bản Tân Việt – lúc đó, ghi sau bìa sách
giảng văn – nằm gần Tân Định trên đường Phan Đình Phùng (hay Phan Thanh Giản?),
một con đường xuyên từ Chợ Lớn tới Tân Định. Lần nào đi ngang cũng thấy cửa
đóng, mà trông không có vẻ gì như nhà xuất bản hay nhà in, chỉ nhìn như nhà dân
thường, mà phải là giai cấp trung lưu trở lên.
Sau nhiều lần đi ngang, một lần tôi liều mạng,
tới gõ cửa. Một người đàn ông mở cửa, nhìn tôi ngạc nhiên, nói rằng đây
không phải nhà xuất bản nào hết, cũng không có thầy giáo nào tên Bùi Giáng
trong nhà. Thế là cậu học trò lủi thủi, phóng lên xe đạp, biến mất với
lòng thất vọng, tiếc là mình tới địa chỉ đó trễ mất nhiều năm. Và rồi nhiều
năm sau, khi lên bậc Đại học, qua lại trong các sân trường Văn Khoa,
Vạn Hạnh… gặp nhiều cuốn sách khó hơn, cả thơ và bình luận triết học,
của Bùi Giáng, mới biết rằng ông là một nhà thơ bụi đời, ăn mặc dị
thường, được nhiều người cho là điên, thường mang túi xách rách rưới y hệt truyện
kể về Tế Điên Hòa Thượng, thường tới lui Đại học Vạn Hạnh và
các sân chùa. Lòng tôi vẫn suy nghĩ rằng, một nhà bình giảng văn
học cực kỳ sắc bén như ông, hiển nhiên từng dòng thơ không thể
nào cạn cợt như người đời thường.
Một lần tới quán cà phê Nắng Mới trước khuôn
viên Đại Học Vạn Hạnh, tôi được các bạn chỉ một người đi lang thang
trên đường Trương Minh Giảng và nói đó là nhà thơ Bùi Giáng.
Thế đó, ngó Bùi Giáng là thấy Khổ Đế liền. Tôi
nghĩ, hóa ra, Kinh Phật không khó hiểu tí nào.
Và rồi, ông mỉm cười với mấy tên sinh viên đang ngồi
bên các ghế thấp hè phố. Thế đó, nụ cười Bùi Giáng đã hiển lộ Đạo Đế,
tràn ngập an lạc. Tôi nghĩ, không ngờ Kinh Phật được tuyên thuyết ngay
giữa phố chợ như thế.
Niềm an lạc khi nhận ra Tứ Diệu Đế lúc
đó lan khắp toàn thân của tôi, toàn thân mát rượi. Nhưng
mình không hiểu hết mọi chuyện. Lúc đó, lại quay sang bàn chuyện học thi với
các bạn. Nhiều thập niên sau, tôi mới từ từ nhận ra ba đời chư
Phật không lìa đâu xa, ẩn nghĩa đang nằm ngay trong đời thường quanh
mình. Thỉnh thoảng, tôi lại tìm đọc thơ của ông, đôi khi lại vẽ ông. Và
bây giờ, với lòng biết ơn, xin viết về ông.
Xin mời đọc toàn văn bài thơ sau trong thi tập Bài Ca Quần Đảo
(1973) của Bùi Giáng, để thấy nửa đầu là Khổ/ Tập Đế, nửa sau là Diệt/Đạo Đế:
Có lẽ (I)
Người nằm ngủ thấy gì
Thấy rất nhiều nắng lạ
Những chùm bông rất xanh
Có lẽ bông là lá
Người nằm ngủ thấy gì
Chẳng thấy gì hết cả
Ngài thử nằm ngủ đi
Bài thơ trên có thể làm người học Phật giựt mình, vì gợi
nhớ một bài kinh. Bài thơ chia làm hai phần: phần đầu nói về giấc ngủ có mộng,
thấy nắng, thấy hoa và lá; phần sau là giấc ngủ không mộng. Đức Phật có ít
nhất hai bài kinh giải thích về giấc ngủ có mộng và không mộng.
Trong Kinh SN 10.8 (Sudatta Sutta), khi Sudatta hỏi Đức
Phật ngủ đêm qua nơi vườn và được trả lời, bản Anh dịch Sujato, dịch
như sau:
A brahmin who is fully extinguished
always sleeps well.
Sensual pleasures slide off them,
they’re cooled, free of attachments. (1)
DỊCH:
Một bậc phạm hạnh đã hoàn toàn tịch diệt
luôn luôn ngủ ngon.
Niềm vui ái dục biến mất [trong tâm] rồi,
họ tịch lặng thanh lương, xa lìa mọi dính mắc.
Kế tiếp, tới Kinh AN 3.35 (Hatthaka Sutta), kể rằng lúc
đó Đức Phật đang cư ngụ trong một vườn cây simsapa, dưới mặt
đất là gập ghềnh dấu chân bò trong khi tuyết rơi, gió lạnh,
Hoàng Tử Hatthaka xứ Alavi tới thăm, hỏi rằng Đức Phật có ngủ
ngon không. Đức Phật nói rằng ngài ngủ ngon. Hatthaka thắc
mắc rằng vì sao có thể ngủ ngon trong khi trời lạnh, mặt đất gồ
ghề.
Đức Phật nói, bản dịch Bodhi, trích:
He always sleeps well,
the brahmin who has attained nibbāna,
cooled off, without acquisitions,
not tainted by sensual pleasures.(2)
DỊCH:
Vị đó luôn luôn ngủ ngon,
bậc Phạm hạnh đã thành tựu Niết bàn
đã tịch lặng thanh lương, không còn gì để tìm
và không nhiễm gì bởi niềm vui ái dục.
Có phải Bùi Giáng luôn luôn ngủ ngon, ngay cả trên hè phố
gập ghềnh? Chúng ta không rõ. Nhưng, bất kỳ ai trong cõi này cũng đều
biết rằng không tình cờ mà chúng ta có giấc ngủ không mộng.
Phải tu ráo riết lắm, phải tu thậm thâm lắm, mới ngủ không
mộng.
Bài thơ Mắt Buồn của Bùi Giáng cũng có phong cách tương
tự bài thơ nêu trên, cũng hai phần: với nửa đầu bài thơ là Khổ/ Tập hiển
lộ qua các hình ảnh ba cõi bất an như: hao mòn, chiêm
bao, náo động, bão giông, khóc đêm, triền miên trôi; với nửa sau là
Diệt/ Đạo, ly nhất thiết tướng, buông bỏ toàn bộ [sắc thanh hương
vị xúc pháp]… để rồi trở về hiện tại [bây giờ], tự quán sát
với mắt trí tuệ[riêng đối diện tôi], khởi tâm Bồ tát đi
vào cõi này để kham nhẫn mắt lệ từ bi [khóc người một
con]. Bài thơ dị thường này toàn văn như sau.
Dặm khuya ngắt tạnh mù khơi (Nguyễn Du)
Bóng mây trời cũ hao mòn
Chiêm bao náo động riêng còn hai tay
Tấm thân với mảnh hình hài
Tấm thân thể với canh dài bão giông
Cá khe nước cõng lên đồng
Ruộng hoang mang khóc đêm mồng một giêng
Tạ từ tháng chạp quay nghiêng
Âm trang sử lịch thu triền miên trôi
Bỏ trăng gió lại cho đời
Bỏ ngang ngửa sóng giữa lời hẹn hoa
Bỏ người yêu bỏ bóng ma
Bỏ hình hài của tiên nga trên trời
Bây giờ riêng đối diện tôi
Còn hai con mắt khóc người một con.
Một bài thơ khác cũng có thể làm các Phật tử giựt
mình. Nhan đề “Chào Nguyên Xuân” tức khắc gợi tới hình ảnh của an
lạc, của ánh sáng tuệ giác, của một pháp vô vi, không do tạo tác mà
nên [nguyên = vốn sẵn, lìa sinh diệt]. Đó là Niết Bàn. Bài thơ chở
theo một nỗi buồn man mác, khi nói về lẽ vô thường [tóc
xanh phai màu], về con đường [sinh tử luân hồi], về bờ nước
[gương tâm] vốn vô ngã nhưng lại hiện lên bóng ta và bóng người [chấp
có ta, có người], có năm ngón nhỏ phơi bày bóng con [bàn tay có 5 ngón,
là pháp hữu vi, có già chết; còn bóng con là pháp vô vi, không thấy
được nhưng không lìa hữu vi mà có], có Khổ Đế với khóc đời bạc
mệnh, nhưng nơi tịch lặng của Niết Bàn hễ nói nữa là sai… Bài thơ lạ
lùng này, toàn văn như sau.
Chào Nguyên Xuân
Xin chào nhau giữa con đường
Mùa xuân phía trước miên trường phía sau
Tóc xanh dù có phai màu
Thì cây xanh vẫn cùng nhau hẹn rằng.
Xin chào nhau giữa lúc này
Có ngàn năm đứng ngó cây cối và
Có trời mây xuống lân la
Bên bờ nước có bóng ta bên người
Xin chào nhau giữa bàn tay
Có năm ngón nhỏ phơi bày bóng con
Thưa rằng những ngón thon thon
Chào nhau một bận sẽ còn nhớ nhau
Xin chào nhau giữa làn môi
Có hồng tàn lệ khóc đời chửa cam
Thưa rằng bạc mệnh xin cam
Giờ vui bất tuyệt xin làm cỏ cây
Xin chào nhau giữa bụi đầy
Nhìn xa có bóng áng mây nghiêng đầu
Hỏi rằng: người ở quê đâu?
Thưa rằng: tôi ở rất lâu quê nhà
Hỏi rằng: từ bước chân ra
Vì sao thấy gió đàn xa dặm dài?
Thưa rằng: nói nữa là sai
Mùa xuân đang đợi bước ai đi vào
Hỏi rằng: đất trích chiêm bao
Sá gì ngẫu nhĩ mà chào đón nhau
Thưa rằng: ly biệt mai sau
Tới đây, là một bài thơ rất ngắn, nhan đề Bao Giờ. Bài thơ
ông làm chỉ ghi lại những cái được thấy đang trôi chảy trong
dòng thời gian vô thường, mà không hề đưa ra đánh giá hay
tư lường [cái được thấy: chì đen, chép thơ, tường trắng, lá lục hồng, than hồng,
đốt, từng phút từng giờ]. Và rồi, Bùi Giáng so sánh việc ông làm thơ
y hệt như cười và khóc bâng quơ [tôi cười tôi khóc bâng quơ], và hỏi rằng độc
giả có nhận ra ẩn nghĩa không [có ngờ chi không].
Chúng ta dễ dàng nhớ tới bài Kinh Bahiya
Sutta, nơi đó Đức Phật dạy cho ngài Bahiya pháp tức khắc xa lìa tam
giới [không với đó, không trong đó] và do vậy, giải thoát:
“Bahiya, ông nên tu tập thế này: Trong cái được thấy
sẽ chỉ là cái được thấy; trong cái được nghe sẽ chỉ là cái được nghe; trong cái
được thọ tưởng sẽ chỉ là cái được thọ tưởng; trong cái được thức tri sẽ chỉ là
cái được thức tri... thì rồi Bahiya, ông sẽ không là ‘với đó.’ Này Bahiya, khi
ông không là ‘với đó,’ thì rồi Bahiya, ông sẽ không là ‘trong đó.’ Này Bahiya,
khi ông không ‘trong đó,’ thì rồi Bahiya, ông sẽ không ở nơi này, cũng không ở
nơi kia, cũng không ở chặng giữa. Thế này, chỉ thế này, là đoạn tận khổ đau.”
Bài thơ Bao Giờ của Bùi Giáng toàn văn như sau.
Bao Giờ
Bằng bút chì đen
Tôi chép bài thơ
Trên tường vôi trắng
Bằng bút chì trắng
Tôi chép bài thơ
Trên lá lục hồng
Bằng cục than hồng
Tôi đốt bài thơ
Từng phút từng giờ
Tôi cười tôi khóc bâng quơ
Người nghe người khóc có ngờ chi không.
Trong nhiều năm qua, người viết trong những lúc rãnh rỗi, đã
vẽ nhà thơ Bùi Giáng vì lòng kính mộ, vì lòng biết ơn. Trong đó có một tấm
tranh trao tặng nhà văn Đào Hiếu năm 2014, khi vị tôn túc trong làng
văn này từ VN sang chơi Quận Cam, ghé nhà thăm. Đó là tấm vẽ bằng mực Tàu trên
giấy trắng, tấm duy nhất có bộ ria kiểu Hitler cho ngài Bùi Giáng.
Hôm nay, xin gửi hết 8 tấm tranh lên mạng, không giữ bản quyền,
để bất kỳ ai cũng có quyền sử dụng. Nét vẽ vụng về, không hiển lộ được Khổ
Đế (huống gì là Đạo Đế), nhưng như thế đã là tận lực.
Những dòng chữ này và các nét vẽ này xin trân trọng cúng
dường một nhà thơ lớn, và cũng là người tự thân hiển lộ được Tứ
Diệu Đế.
GHI CHÚ:
(1) Kinh SN 10.8: https://suttacentral.net/sn10.8/en/sujato
Nguyên Giác
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét