Cõi người trong truyện ngắn
Đi vào thế
giới của truyện ngắn, có thể nói là đi vào những khoảnh khắc hiện hữu, ở đó hiện
thực rộng lớn của cuộc sống đã được thâu tóm trong một cái nhìn cô đọng, đặc
quánh những ưu tư của nhà văn về Cõi Người. Thế nên, khi bàn về truyện ngắn,
không phải ngẫu nhiên, Edgar Allan Poe quan niệm: “Trong cấu trúc tổng thể của
nó, không có một từ nào mà sự thể hiện khuynh hướng trực tiếp hoặc gián tiếp của
nó không được nhà văn sắp đặt trước. Với ý nghĩa đó, bằng tài năng và sự chăm
sóc kỹ lưỡng của nhà văn, tác phẩm như một bức tranh hiện lên với trọn vẹn màu
sắc, đưa lại cho người đọc sự thỏa mãn đầy đủ nhất”. Poe đã rất đúng khi
xác quyết công phu của mỗi nhà văn khi kiến tạo truyện ngắn và hiệu quả lan tỏa,
tác động không nhỏ đến bạn đọc của thể loại này. Truyện ngắn thường mang lại bức
tranh về cuộc sống dài và rộng hơn khuôn khổ chật hẹp về mặt hình thức của nó,
điều này có thể thấy qua truyện ngắn của nhiều nhà văn như: John
Steinbeck, Hemingway, Tchekop, Jane Joyce, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Nguyễn
Minh Châu, Lê Minh Khuê… Những truyện ngắn trong tập Vàng trên biển đá đen của
Elena Pucillo Truong (do Trương Văn Dân dịch từ nguyên tác tiếng Ý) cũng không
nằm ngoài quy luật sáng tạo này.
Tập Vàng trên biển
đá đen chỉ gồm mười bốn truyện, nhưng ngay từ những nhan đề của truyện đã gợi
cho bạn đọc nhiều liên tưởng thú vị, hấp dẫn về cuộc sống, con người trong cõi
nhân sinh. Đó là những câu chuyện mà ở đó ẩn chứa bao buồn vui của Cõi Người trần
thế với đủ cả hỉ, nộ, ái, ố, ai, lạc, dục mà mỗi phận số là một chứng nhân như:
Con chim nhỏ trong lồng; Dải ruy băng màu tím; Phía sau sự thật; Búp bê bằng
sáp; Chút hơi ấm cuối cùng; Trên đỉnh núi thiêng; Thư viết cho mẹ; Cuộc Săn mồi;
Cuộc hẹn ở sân ga; Giấc mơ thu ngọt ngào; Đợi chờ; Món quà đặc biệt; Vàng trên
biển đá đen; Dòng máu nhiễm độc.
Không viết về những gì lớn lao huyễn
hoặc, xa lạ với cuộc sống con người, truyện ngắn của Elena như những lời tâm
tình nhẹ nhàng thủ thỉ về những câu chuyện đời thường đang diễn ra đâu đây
trong Cõi Người gần gũi: Đó là sự rạn vỡ của cuộc sống gia đình nơi tưởng
chừng là thành trì vững chắc của những tình cảm thiêng liêng, vậy mà giờ đây những
tình cảm ấy cũng đang bị mai một, bị bào mòn; Đó còn là trạng thái cô đơn với
những âu lo, khắc khoải của con người trong một xã hội còn quá nhiều điều bất ổn,
với những nghịch lý buộc con người phải lựa chọn mà sự lựa chọn nào cũng dẫn đến
bi kịch… Đây chính là một thông điệp hiện sinh mà các truyện ngắn của Elena thức
nhận cho con người trước cạm bẫy của cái ác, cái xấu, cái giả dối, trí trá được
ngụy trang bằng những mặt nạ nhân nghĩa mỹ miều mà nếu không cảnh giác với nó
con người sẽ rơi vào hố thẳm…
Song, dù viết về những
chuyện quen thuộc đời thường nhưng Elena luôn có cái nhìn tinh tế, đa diện, nhiều
chiều với những phát hiện sâu săc, mới lạ về cõi nhân sinh trong sự chuyển động
không ngừng của nó. Có lẽ chính điều này đã làm cho truyện của chị ấm nồng hơi
thở cuộc sống, tạo nên sức hút riêng khó lẫn của ngòi bút Elena.
Nhìn tổng thể, truyện ngắn
của Elena đã phác họa gương mặt xã hội công nghiệp như một bức tranh lập thể
loang lổ, một khối vuông rubic hỗn loạn muôn màu, trong đó mối quan hệ giữa con
người với con người ngày càng trở nên lạnh lùng, rời rạc, nhiều giá trị của Cõi
Người bị hủy hoại nghiêm trọng trong đó có nền tảng văn hóa gia đình. Với trải
nghiệm cuộc sống sâu sắc, Elena đã thấu hiểu thân phận những con người sống trong
bi kịch gia đình khi các thuần phong mỹ tục vốn là những giá trị truyền thống về
văn hóa đã được tôn vinh ngày nào nay đang bị chà đạp không thương tiếc.
Nỗi đau ấy như những vi mạch thấm trong từng trang viết của nhà văn và bật
lên những tiếng kêu thảng thốt giữa sa mạc cuộc đời mà đồng tiền được tôn thờ
như một thứ “đạo”, còn tình cảm thiêng liêng giữa cha mẹ và con cái thì bị vùi
lấp một cách tàn nhẫn. Nạn nhân của những bi kịch này không ai khác, họ là những
bà mẹ, ông bố bị những đứa con mình từng hết mực thương yêu bỏ rơi trong cô độc. Những truyện ngắn Con chim nhỏ trong lồng; Dải ruy băng màu tím; Chút hơi
ấm cuối cùng để lại trong lòng người đọc bao day dứt, tiếc nuối, cay đắng, xót
xa về sự rạn vỡ, mất mát tình cảm quá lớn giữa những người ruột thịt máu mủ
trong gia đình. Truyện ngắn Elena đã khẩn thiết rung hồi chuông cảnh tỉnh đối với
Cõi Người đang đứng trước thảm họa nhân tính bị hủy diệt bởi những tham vọng và
đam mê vật chất tầm thường, như một thứ vi trùng hủy hoại tâm hồn nhân loại; Cõi
Người trong truyện ngắn Elena là một Cõi Người mang đậm chất nhân văn - một chất
nhân văn như những tia sáng soi chiếu, cứu rỗi lương tri con người đang chìm
sâu trong tội lỗi.
Truyện ngắn của
Elena đã vượt qua giới hạn của những phạm trù đạo đức luân lý của một dân tộc để
vươn đến những giá trị nhân văn mang tầm nhân loại mà rõ nhất là tiếng nói hướng
đến khát vọng tự do cho con người. Tác phẩm Con chim nhỏ trong lồng là một minh
chứng cho vấn đề này. Câu chuyện tái hiện sinh động trạng thái tâm lý u uất
của một bà mẹ bị con trai và con dâu ruồng bỏ, ghẻ lạnh. Hình ảnh “con chim nhỏ
trong lồng” đã cho thấy bi kịch đớn đau nhất của bà mẹ không chỉ ở sự đối xử ghẻ
lạnh của con cái mà chính là nỗi đau bị tước đoạt mất tự do. Những đứa con ích
kỷ, vô lương chỉ biết bản thân mình mà không hề quan tâm đến cảm xúc của Mẹ, bỏ
mặc bà quay quắt trong bốn bức tường, trở thành một tù nhân trong chính ngôi
nhà của mình. Bà cảm thấy “sống như một kẻ lạ mặt trong nhà của mình vì đứa con
dâu mới thật là bà chủ, là người quyết định, và bằng thủ đoạn tàn nhẫn và nham
hiểm nó còn cướp mất lòng yêu thương của đứa con trai rồi từng ngày, từng ngày
nó còn xéo nát từng mảnh tim tôi”. Bà mẹ khốn khổ rơi vào thảm trạng cô độc triền
miên, cảm giác “tôi sống mà như đã chết... sống như một kẻ lạ mặt trong nhà của
mình” là cảm giác rợn ngợp, ghê sợ nhất đối với một con người mà đáng thương
hơn, bà lại là một người mẹ nhạy cảm và rất giàu ân nghĩa.
Không phải ngẫu nhiên trong tác phẩm Con chim nhỏ trong lồng,
hơn một lần chi tiết “chiếc khung hình” ghi nhận kỷ niệm tình yêu, tình cảm vợ
chồng của bà mẹ được tác giả miêu tả lặp đi lặp lại: “cái mà tôi cần chính là
chiếc khung hình đặt trên chiếc bàn nhỏ bên giường (…) tôi bỏ khung hình vào
túi áo, đó là kho tàng của tôi”. Có lẽ, trong hoàn cảnh bi đát của thực tại bà
mẹ chỉ còn biết nâng niu tấm hình duy nhất còn lại khi cùng “chồng đứng ôm nhau
quay lưng về phía biển trong một buổi sáng rực rỡ ánh mặt trời”, như nâng niu một
báu vật, như muốn lưu giữ một chút hạnh phúc cuối cùng còn lại trong Cõi Người
mà bà trân quí để có thêm niềm an ủi và nghị lực tồn tại trong những ngày còn lại
của cuộc đời. Elena đã rất tinh tế khi chia sẻ cùng nhân vật của mình những nỗi
đau, sự tiếc nuối và khát vọng hạnh phúc vốn là những hằng số của phận người
trong kiếp nhân sinh.. Với sự nghiệm sinh trong “bao nhiêu năm làm kiếp con người”
(lời nhạc Trịnh Công Sơn) cùng với sự tinh tế của một người phụ nữ vốn mang
trong tâm thức mình sự hợp lưu của hai nền văn hóa Đông - Tây, ELena muốn chia
sẻ với chúng ta một thông điệp nhân văn của một tâm thức hiện sinh: Ai cũng có
một thời tuổi trẻ hạnh phúc và cũng có một tuổi già sống trong lặng lẽ, cô độc.
Và cuộc sống chính là hành trình đi đến cái chết. Qui luật ấy không có ngoại lệ.
Vì thế, người trẻ hãy hiểu và trân trọng quá khứ của những người già, bởi đó là
quy luật, rồi cũng sẽ đến lượt mình nếm trải…
Một điều không thể không nói đến đó là sự sắc sảo của ngòi
bút Elena trong miêu tả tâm lý của một bà mẹ bất hạnh. Sự căng thẳng, mệt mỏi,
bức bối của bà mẹ được nhà văn tái hiện sinh động theo lược đồ tăng dần để khắc
họa rõ hơn bi kịch mất tự do của bà mẹ. Bị dồn đẩy đến chân tường của sự cô độc,
héo mòn giữa bốn bức tường, cuộc sống chẳng khác nào địa ngục, bà mẹ tội nghiệp
giãy giụa mong tìm lối thoát khỏi vòng vây, sinh lực của bà mẹ như ngọn đèn dầu
leo lét, cạn kiệt theo ngày tháng: “Tôi thấy khó thở và không ngủ được… Nhiều
đêm tôi mò mẫm đi dọc theo tường nhà, như muốn tìm một lối thoát không hề có… Sự
khiếp đảm và kinh hoàng đẩy tôi qua lại giữa những chồng gạch xây cao, như con
chim bị nhốt trong lồng đang tuyệt vọng tìm cách vượt qua những chấn song để
tìm tự do. Cũng như chim, ý thức về sự bất lực của mình, tôi đành phải quy
hàng, rồi thẫn thờ và mệt nhọc quay lại giường ngủ. Mở to mắt, tôi trừng trừng
nhìn bóng đêm rồi nước mắt cứ trào ra, ướt gối. Bằng những ngón tay run rẩy tôi
siết chặt cái kho tàng của mình, phút giây chớp nhoáng của niềm hạnh phúc, như
thể nó sẽ giúp tôi thoát khỏi nơi đây, giải phóng khỏi những niềm đau...”.
Giọng tự sự chậm rãi, với sự tưởng tượng phong phú, Elena đã hóa thân vào
nhân vật, để dẫn dụ người đọc cảm nhận từng khoảnh khắc của sự tù túng, đớn đau
tan nát cõi lòng và khát vọng tự do ở con người, dù đó chỉ là những mong ước
trong tuyệt vọng…
Kết thúc truyện ngắn Con chim nhỏ trong lồng là
hình ảnh bà mẹ: “Thả mình bay qua khung cửa sổ, rơi tự do trong không khí. Trên
môi tôi vẫn nở một nụ cười, thật ngọt ngào, để khỏi phải hét lên, sợ làm phiền
người khác”. Cái kết khiến người đọc bàng hoàng thương xót, đồng thời
cũng nhận ra đây là kết cục không tránh khỏi của một tấn bi kịch trong một xã hội
mà ở đó nhân vị con người không có chỗ đứng. Cái chết của bà mẹ có thể xem là một
cách giải thoát (dù đó là cách giải thoát đầy tiêu cực), và cũng là một kết cục
tất yếu trong một Cõi Người mà chính ngay cả những người ruột thịt cũng không biết thương yêu nhau bởi mải mê chạy theo những thứ vinh hoa phù phiếm,
vô nghĩa. Niềm tâm tư của bà Cụ khi tìm đến với cái chết để được tự do trong thế
giới vĩnh hằng, để thoát khỏi những dằn vặt, khổ tâm và hơn nữa là để đỡ “làm
phiền người khác” như cách bà suy nghĩ không khỏi làm lòng ta xa xót và trí ta
không khỏi nhưng ưu tư về thân phận con người?!. Truyện ngắn Elena vì thế đã vượt
lên khuôn khổ của những bài giáo huấn đạo đức thường tình để vươn đến một tầm
cao triết luận mang màu sắc hiện sinh và phải chăng, đây cũng là cách xử lý nghệ thuật đầy dụng ý để chuyển tải tư tưởng nhân văn của tác giả?!
Nếu Con chim nhỏ trong lồng khiến bạn đọc cảm thương sâu sắc
cho thân phận một người mẹ bị chính con mình bỏ quên trong đơn độc thì Chút hơi
ấm cuối cùng lại là một câu chuyện thương tâm về người cha bị con cái “lãnh đạm,
khinh thường và bạc bẽo” và đây cũng là một dạng khác của bi kịch gia đình và
bi kịch phận người trong sân khấu của Cõi Người đầy rối ren. Trong truyện tác
giả tập trung khắc họa hình ảnh người cha khốn khổ chạy trốn khỏi những nơi
“hoành tráng” (như bệnh viện, ngôi nhà của các con) nhưng hoang lạnh, thiếu vắng
yêu thương. Trong sự tuyệt vọng tột cùng, người cha bấu víu chút “hơi ấm cuối
cùng” bằng cách trở về quá khứ cùng giấc mơ hạnh phúc bên người phụ nữ mình yêu
thương đã “không còn trên cõi đời này nữa”. Dưới ngòi bút của Elena chân dung
người đàn ông bất hạnh hiện lên lúc chới với đắm chìm trong hoài niệm, khi u uất
trở về thực tại đầy day dứt, xót xa: “Em yêu ơi, em có biết sự cô đơn là
một căn bệnh trầm kha? (...) Anh không thể tưởng tượng là em sẽ đau đớn như thế
nào khi nhìn thấy những đứa con cười chế diễu khi nhìn những bức hình của chúng
mình âu yếm bên nhau, chứng kiến những quyển sách yêu thích bị ném đi tung tóe.
Chúng đã vứt đi mọi thứ, như loại bỏ mình, bởi vì sự hiện hữu của chúng mình
lúc tuổi già đang làm phiền chúng (…). Đủ rồi! Anh không muốn phung phí những
giây phút cuối cùng này để nghĩ đến những kẻ vô tình bạc nghĩa (…). Khô khốc và
tham lam, đấy chính là những thứ mà các con đã trở thành (…) Nhưng nỗi đau lớn
nhất vẫn là bị bao vây bởi đám diều hâu tham ác này, chúng đang chờ đợi và thèm
rỏ dãi đoạn kết đời anh để thừa hưởng gia tài, rồi sau đó còn lớn tiếng rêu rao
là đã ở kề cận cha mình cho đến phút lâm chung! Bọn khốn kiếp! Giả nhân giả
nghĩa!”. Còn gì khổ tâm, phiền não hơn khi những người làm cha, làm mẹ nhận ra
sự vô cảm, vô ơn, giả dối, tàn nhẫn của những đứa con mà họ đã đứt ruột sinh
thành, nuôi nấng?!
Với cách xử lý nghệ thuật tinh tế, khéo léo, sử dụng phương
thức tự sự kiểu độc thoại nội tâm, giọng điệu trần thuật khi nhỏ nhẹ, dịu dàng,
khi giận dữ, đau khổ tác giả đã giúp bạn đọc hình dung rõ “con người bên trong
con người” với thế giới tinh thần bị tổn thương đau đớn đến tê dại của người
cha có những đứa con phản phúc, vô đạo. Truyện ngắn Chút hơi ấm cuối cùng đã lột
mặt nạ những đứa con độc ác, tàn nhẫn, tột cùng vô liêm sỉ trong xã hội kim tiền
láo nháo. Đồng thời, với trách nhiệm và lòng yêu thương con người, Elena gửi đến
bạn đọc thông điệp mang ý nghĩa cảnh báo mạnh mẽ: ma lực đồng tiền và những
ham muốn, tham lam vật chất luôn ẩn tàng sức mạnh hủy hoại nhân tính một cách lạnh
lùng, tàn khốc nhất; nếu mỗi chúng ta không giữ bản lĩnh trước ám ảnh lấp
lánh ma mị của đồng tiền, sự lôi cuốn của vật chất thì cuối cùng con người cũng
chỉ là một con vật vô cảm, không có trái tim mà thôi, và cõi Người sẽ đến ngày
tận thế!
Ở thế kỷ XIX, nhà văn hiện thực vĩ đại người Pháp Honoré de
Balzac (1799-1850) cũng đã từng cảnh
báo nhân loại về sức công phá khủng khiếp của đồng tiền đối với tình nghĩa cha
con qua tiểu thuyết bất hủ Lão Gôriô. Thời nay, với cách thể hiện mới mẻ theo
quan niệm của riêng mình qua những trang văn đầy cảm xúc, Elena Pucillo Truong
khiến bạn đọc ghê sợ ma lực của đồng tiền và sự công phá của nó với những giá
trị văn hóa tưởng như bền vững, thiêng liêng nhất. Và khi biết sợ cái xấu, cái
ác có nghĩa là con người sẽ tìm về với cái thiện, cái đẹp, có ý thức trân trọng,
giữ gìn những gì thuộc giá trị nhân văn và đây cũng là điều mà truyện ngắn của
Elena thức nhận nơi người đọc. Và phải chăng đó chính là thành công và là niềm
hạnh phúc lớn nhất của người cầm bút trong việc thực hiện thiên chức của mình!?
Cũng đề cập đến vấn đề tình cảm gia
đình nhưng trong Dải ruy băng màu tím Elena lại tìm cách cắt nghĩa một phương
diện khác trong cách ứng xử của con cái với cha mẹ trong xã hội hiện đại: dù
không vì tiền bạc tàn nhẫn chà đạp lên tình cảm gia đình nhưng nếu con cái
không ý thức được hết trách nhiệm và niềm hạnh phúc khi được sống bên cha mẹ
thì cuối cùng cũng sẽ chuốc lấy những ân hận, đau khổ.
Công cuộc mưu sinh, mải mê kiếm tìm
tương lai, hạnh phúc trên xứ người khiến nhân vật “tôi” phải trả giá quá đắt.
Sau mười năm bôn ba để trở thành “một người đàn ông trưởng thành và rất tự hào
về những điều mình thực hiện”, khi trở về quê hương, xứ sở anh ta phải đối diện
với tấn bi kịch gia đình hết sức đau lòng: “Chẳng còn ai cả. Ba, mẹ... họ đã chết
cách nhau chỉ vài tháng và thi thể được chôn cất trong hai nấm mộ nghèo nàn.
Trên đó chỉ có một tấm bia ghi tên, lấm láp bùn đất. Họ đã chết cách đây năm
năm, còn tôi, giờ đứng trước hai nấm mồ lạnh lẽo để nhìn hàng chữ, những con số...
“ mất ngày...” “ từ trần ngày...”. Họ đã quá già và hai trái tim cằn cỗi đã
không còn chịu nổi”. Lương tâm cắn rứt, nỗi ân hận muộn màng của người con khiến
trái tim người đọc như bị bóp chặt trước bi kịch này: “Năm năm chồng chất những
nỗi đau, hao tốn, nhưng vì nó đời tôi còn có một mục đích. Còn bây giờ... Hình
như tôi chẳng còn lý lẽ gì để tin về những điều mình làm. Mỗi buổi sáng thấy
bóng mình trong gương mà như thể đang nhìn một con người khác: Hàm râu mọc dài,
má hóp, hai hốc mắt trũng sâu và không còn ánh sáng. Tôi không còn là tôi nữa.
Tôi không còn lịch sử, một cuộc đời ở phía sau lưng. Tệ hơn nữa là tôi cũng chẳng
nhìn thấy vì điều gì để sống trong tương lai. Như thể tôi cũng bị chôn vùi
trong hai huyệt mộ ở quê nhà”...
Những dằn vặt khổ đau, trống rỗng, mất
điểm tựa, mất niềm tin của nhân vật cho chúng ta thấm thía sâu sắc một kinh
nghiệm sống: Gia đình, nhất là bố mẹ, cho dù ở đâu trong hoàn cảnh nào cũng luôn
luôn là nguồn an ủi, động viên, là nơi tiếp thêm sức mạnh cho mỗi con người.
Không còn cha mẹ và gia đình con người trở nên bơ vơ, mất phương hướng. Chính
vì vậy, vòng cuốn của công việc mưu sinh có nghiệt ngã đến đâu chúng ta cũng
không được xao nhãng, lãng quên sự gắn bó với gia đình, với những người thân của
mình. Tiền bạc, sự giàu có không thể thay thế, không thể mua bán/ đánh đổi/ lấy
lại những gì thuộc về tình cảm quý giá của cuộc đời mỗi con người. Hãy trân trọng
mỗi phút giây hiện hữu bên những người thân yêu trong gia đình, nhất là với những
đấng sinh thành, bởi vì khi thời gian lấy đi sức khỏe và tuổi tác của cha mẹ
thì mãi mãi những đứa con sẽ phải chia xa họ vĩnh viễn, và khi đó sự hối hận và
những dòng nước mắt nhớ thương chỉ còn là trò diễn vô nghĩa của cuộc sống mà
thôi! Thiết nghĩ, trong xã hội hiện đại ngày nay, khi con người ngày càng bị
trói chặt vào vòng vây của công việc và tham vọng cá nhân thì lời nhắc nhở trên
như một sự cảnh tỉnh, định hướng cho những lựa chọn mang tính văn hóa của mỗi
người.
Tấn bi kịch sống trong cô độc và chết thảm thương của những
bà mẹ, ông bố trong truyện ngắn Con chim nhỏ trong lồng, Chút hơi ấm cuối cùng,
Dải ruy băng màu tím gợi bạn đọc suy ngẫm về trách nhiệm, tình yêu thương của
con cái với cha mẹ lúc tuổi già, rộng hơn nữa là cách đối nhân xử thế bao dung,
độ lượng, vị tha giữa con người với con người. Phải chăng, từ những câu chuyện
dung dị nhưng đầy ý nghĩa này, Elena muốn chia sẻ với bất cứ ai đang sống trong
Cõi Người: Khi nền tảng giá trị văn hóa gia đình bị phá vỡ, đồng thời sẽ kéo
theo sự băng hoại của hàng loạt các giá trị văn hóa nhân văn khác. Do vậy, để
yêu thương những gì lớn lao hơn, trước hết con người phải biết yêu thương những
người thân trong gia đình của chính mình - và chỉ khi nào gia đình-tế bào của
xã hội thực sự là chỗ dựa tinh thần, là nguồn sống của mỗi người thì mỗi người
mới có thể cảm nhận được hạnh phúc và những giá trị đích thực của cuộc sống mà
thôi!
Khác với kiến tạo tiểu thuyết, lao động nghệ thuật
để kiến tạo một truyện ngắn buộc nhà văn phải khéo léo xoay trở trên một “mảnh
đất” chật hẹp. Chính vì sức khái quát bức tranh đời sống là nguyên tắc của việc
kiến tạo truyện ngắn nên điều này đòi hỏi mọi yếu tố cấu thành tác phẩm phải chặt
chẽ, cô đọng, phải được chọn lọc tới mức tinh xảo. Đây là công việc khổ sai của
kẻ “phu chữ” (từ dùng của Lê Đạt). Đọc truyện ngắn của Elena, có thể nhận thấy
nhà văn đã có ý thức “nén” câu chữ một cách tối đa để mang lại hiệu quả cho bạn
đọc khi tiếp nhận tác phẩm. Những truyện Trên đỉnh núi thiêng, Đợi chờ, Cuộc hẹn
ở sân ga, Món quà đặc biệt, Vàng trên biển đá đen, Dòng máu nhiễm độc… đã tuân
theo quy luật khắc nghiệt này. Với những “mảnh vỡ” tưởng như rất nhỏ bé, truyện
của Elena góp phần tạo nên chân dung đa diện của Cõi Người. Cuộc sống bộn bề
đan xen nhiều cung bậc: niềm vui và nỗi buồn, hy vọng và thất vọng, cái ác và
cái thiện, cái tốt và cái xấu, cao cả và thấp hèn… tất cả sẽ trở thành chất liệu
để nhà văn thể hiện thái độ và suy tư của mình về thân phận, về cuộc đời. Và
đây cũng là điều chúng ta cảm nhận được từ vũ trụ văn chương của Elena.
Với giọng kể chậm rãi, cuốn hút, hấp dẫn, nhiều tình tiết được
dàn dựng bất ngờ, truyện ngắn Phía sau sự thật phát hiện và khẳng định một vấn
đề có tính qui luật mà không phải trong cuộc sống ai cũng nhận ra, thậm chí nhiều
khi có người còn bị bề ngoài hào nhoáng đánh lừa. Và qui luật này đã được Elena
khái quát như một tất yếu: “Nhiều khi bề ngoài chẳng phải là sự thật”- không
nên đánh giá con người chỉ qua bề ngoài, bởi đơn giản nhiều khi nó chỉ là những
lớp mặt nạ được sơn phết mà thôi.
Búp bê bằng sáp là câu chuyện có dung lượng rất ngắn nhưng
hàm súc và ấn tượng, tác giả tỏ thái độ châm biếm, không chấp nhận một kiểu phụ
nữ bị biến thành con “búp bê bằng sáp” đẹp nhưng vô hồn, vô cảm, sống thụ động,
thiếu cá tính, sống theo ý muốn của người khác chứ không phải sống cuộc sống của
chính mình. Khi nhân vật nhận ra sự vô nghĩa của kiếp người: “Bây giờ thì tôi
thực hoàn hảo cho anh! Một con búp bê để trưng bày cho người khác biết về sự
giàu sang và vị trí xã hội của anh. Lạnh lùng. Tách biệt. Mang khuôn mặt
vô cảm như sáp và không hề biểu lộ cảm xúc” thì cũng là lúc “tôi” tự kết
thúc một cuộc đời làm “búp bê” cho kẻ khác nhào nặn. Và phải chăng đây
cũng là một tấn bi kịch của con người trong Cõi Người mà Elena đã thể hiện để
làm phong phú cho bức tranh nhân thế trong thế giới văn chương của mình mà nếu
không có sự quan sát cuộc đời tinh tế của một nhà văn giàu lòng nhân ái thì
không dễ gì phát hiện được. Bởi trong xã hội hiện nay có bao người đang tự nguyện
để người khác “nặn” mình thành một thứ “búp bê bằng sáp” để được hưởng những
hư danh rẻ tiền mà người đời ban phát. Truyện ngắn Elena vì thế có giá trị
như một thứ “thuốc thử” để thanh lọc nhân cách và tâm hồn con người - giúp con
người nhận ra chính mình để sống bản lĩnh, tốt đẹp hơn vốn là một phẩm tính mà
văn chương đích thực hướng đến.
Với tấm lòng bao dung, nhân hậu, trong truyện ngắn của mình,
Elena Trương bao giờ cũng dành cho những nhân vật phụ nữ bất hạnh một con đường
mở - con đường để nhân vật tự nhận thức và sám hối. Trong tận cùng bi kịch là sự
lựa chọn giữa sống vô nghĩa và chết có nghĩa, tác giả đã để cho nhân vật dám chết
để khẳng định nhân phẩm của mình: “Những cánh hoa máu trên môi tôi và màu máu
tươi lấm lem loang đầy trên cánh tay... và với nụ cười cuối cùng, tôi buông người
xuống nệm, sẵn sàng cho màn diễn cuối. Máu chảy sẽ làm trái tim tôi băng giá”.
Người phụ nữ này chọn cái chết để giải thoát mình khỏi “một cuộc hôn nhân được
sắp xếp như tất cả những cuộc hôn nhân”, “lấy nhau mà không có tình yêu hay đam
mê”- “Chết” ở đây không có nghĩa là kết thúc mà chết là sự giải thoát khỏi cảnh
“cá chậu, chim lồng”, chết để vươn tới khát vọng và bầu trời tự do của riêng
mình...
Truyện ngắn Trên đỉnh núi thiêng tái hiện những suy nghĩ và cảm
xúc phức tạp của con người khi con người vượt qua được thử thách của chính
mình. Có lẽ qua câu chuyện chinh phục độ cao “đỉnh núi thiêng” thành công của một
cô gái trẻ tuổi, Elena muốn gửi đến chúng ta một thông điệp giản dị, quen thuộc
nhưng chưa bao giờ cũ: Chiến thắng chính bản thân mình là chiến thắng khó khăn
nhất nhưng cũng là chiến thắng mang lại cảm giác hạnh phúc, tự hào nhất!
Vàng trên biển đá đen là một phát hiện của tác giả về Cõi Người
trên “cao nguyên đá”: “cuộc sống thật khó nhọc và đầy bi thảm”. Thiên nhiên
trên vùng cao nguyên đá Hà Giang qua ngòi bút của Elena trở nên vừa quen, vừa lạ...
vừa khắc nghiệt vừa nên thơ. Đây là một truyện ngắn cho thấy vốn sống phong phú
của nhà văn Elena. Tấm lòng rộng mở và những quan sát đời sống tinh tế của chị
thấm đượm một tinh thần nhân văn cao quý.
Có một điểm đặc biệt, trong truyện ngắn của Elena hình ảnh
người Mẹ luôn trở đi trở lại: Thư viết cho Mẹ, Cuộc hẹn ở sân ga, Đợi chờ, Món
quà đặc biệt. Trong mỗi câu chuyện, Mẹ hiện lên với nhiều dáng vẻ, tính cách
khác nhau: hiền dịu, cô đơn, chịu thương chịu khó, tinh tế, khéo léo, nhẫn nhịn
chịu đựng, hy sinh… chung quy, hình tượng Mẹ trong truyện ngắn Elena là sự kết
tinh giá trị văn hóa vĩnh hằng: trong Cõi Người đầy khó khăn, vất vả, nhiều cạm
bẫy, Mẹ luôn luôn là chỗ dựa tinh thần lớn lao nhất cho những đứa con, mẹ là niềm
tin, là sức mạnh để con tự tin đi trên con đường nhiều thách thức, hướng tới
tương lai. Ngay cả khi đã yên nghỉ ngàn năm, mẹ vẫn là bến đợi vĩnh viễn và duy
nhất của mỗi con người…
A. Tônxtôi từng nhận
định: “Truyện ngắn là một trong những thể tài văn học khó nhất. Về nội dung
cũng như về tư tưởng, nó không khác gì tiểu thuyết… chỉ có điều do ngắn nên khó
hơn…Truyện ngắn đòi hỏi một công phu lao động lớn”. Ngắn ở truyện ngắn đồng
nghĩa với cô đọng, tinh chất - nhìn vào đó có thể thấy cuộc sống hiện ra với đủ
sắc màu của nó. Sự thách đố ở đây là năng lực khái quát được bức tranh cuộc sống
rộng lớn trong một dung lượng ngôn từ tối giản nhất! Truyện ngắn của Elena
Pucillo Truong đã vượt qua những thử thách cam go ấy. Mỗi truyện ngắn trong Vàng
trên biển đá đen là một “lát cắt” sinh động về đời sống, sự sáng tạo những kết
cấu truyện chặt chẽ, cách trần thuật giản dị, ngắn gọn, tạo dựng tình huống một
cách tài hoa đã mang lại sự hấp dẫn riêng có của truyện ngắn Elena Pucillo
Truong. Mỗi truyện ngắn là một sự cắt nghĩa, một phát hiện mới, tinh tế về cuộc
sống, con người trong xã hội hiện đại phong phú, phức tạp, đầy bất an, thử
thách lòng người…
Từ góc nhìn của tư duy sáng tạo,
nhà văn Elena Pucillo Truong luôn có ý thức làm mới ngòi bút của mình để đem đến
cho người đọc những khoảnh khắc thú vị bất ngờ của hiện hữu. Đằng sau mỗi câu
chuyện về những điều tưởng chừng rất nhỏ của mỗi thân phận là những thông điệp
về Cõi Người muôn màu, muôn vẻ, vừa quen vừa lạ. Thông điệp đó có lúc là lời cảnh
báo, có khi là sự ngợi ca, phê phán, đồng tình, lúc lại là nỗi ưu tư, niềm
trắc ẩn, mong ước, tin yêu, hy vọng… và trên hết là tinh thần trân trọng những
giá trị nhân văn, nhân bản với khát khao tha thiết hướng về những gì tốt đẹp nhất
cho con người và vì con người… Những điều đó chính là cơ sở làm nên giá trị đặc
sắc trong truyện ngắn của Elena Pucillo Trương và cũng là sức hút “vẫy gọi” bạn
đọc đến với thế giới văn chương của Chị. Truyện ngắn Elena, vì thế là những sẻ
chia của những tâm hồn đi tìm sự tri âm muốn vươn đến khát vọng chân thiện mỹ ở
xã hội hiện đại đầy biến động. Hy vọng bạn đọc sẽ tìm thấy những điều tốt
đẹp ấy khi đến với tập truyện ngắn Vàng trên biển đá đen của nữ văn sĩ Elena
Pucillo Truong...
Hà Nội, thu 2017
Elena Pucillo Truong
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét