Thứ Bảy, 1 tháng 6, 2019

Mẹ ơi - Con nhớ tiếng đàn

Mẹ ơi - Con nhớ tiếng đàn... 
(Nhân đọc bài thơ Mẹ của Vũ Trọng Quang)
Mẹ là dòng sữa ngọt ngào từ cõi thiên địa trùng trùng tụ về trong bầu thơm mát. Mẹ sinh con, nuôi dưỡng con bằng dòng sữa ấy. Và tiếng ru cũng theo nhịp võng mà đu đưa. Mẹ ru con bằng lời ca dao. Mẹ ru con bằng những nhọc nhằn khốn khó… Mẹ! Tiếng gọi yêu thương mà bất kỳ trẻ thơ nào cũng từng mấp máy đôi môi non tơ để cất lên âm điệu thiêng liêng gọi đấng sinh thành.
Có rất nhiều bài thơ, bài hát thành công khi viết về người Mẹ bởi những cảm xúc chân thành dâng trào như suối… Bài thơ Mẹ của nhà thơ Vũ Trọng Quang (…) cũng là một thành công vượt trội khi viết về người mẹ kính yêu.
Đó là bà Mẹ, như các bà Mẹ khác trong chiến tranh. mà cuộc đời đã gắn liền với sự chia ly, mất mát… như một định mệnh. Mẹ của nhà thơ cũng đã hằng bao đêm dài ru con ngủ trong cơn tao loạn diễn ra trên đất nước mình. Chiến tranh gây nên bao cảnh chia lìa.Thân phận con người trong chiến tranh mỏng manh như lá. Nhưng bà Mẹ kính yêu của nhà thơ lại là một hình tượng nghệ thuật, tạo nên những cảm xúc thẩm mỹ thâm trầm sâu lắng còn vì lẽ: Mẹ đã gắn liền với cây đàn Mandolin, với những dây đàn mỏng manh như những phận đời nghiệt ngã đắng cay…
Từ khi Mẹ bỏ núi rừng
là buông thân phận xuống đường trầm luân
Bà mẹ của nhà thơ ngụ ở miền rừng núi… Ý thơ nằm trong câu lục bát đầu thi phẩm đã nói điều ấy. Vùng nào thì không rõ. Nhưng cần gì phải rõ. Nơi nào cũng là đất nước Việt Nam, rừng núi Việt Nam.
“Từ khi”, là khi mẹ đã con bồng con dắt. Thương con, muốn các con có cuộc sống an lành, Mẹ đành bỏ quê hương, bỏ núi bỏ rừng, bỏ luôn giấc mơ nghệ sĩ... Mẹ đành buông rơi “thân phận xuống đường trầm luân”… Mẹ xuôi Nam.
Cõi trầm luân trong lời của Phật đầy khổ ải, buồn đau. Cõi trầm luân gây buồn cho bao tấm lòng người mẹ. Trong đó có Bà Mẹ quê của Phạm Duy, Bà mẹ Ô Lý của Trịnh Công Sơn, bà Mẹquê của Vũ Trọng Quang… và của bao người khác. Trót sinh làm người trong thời chiến tranh, sống chết dễ như trở bàn tay, rồi cũng phải đành…vì còn bao điều phải lo toan, phải chấp nhận. Mẹ không thể cưỡng cãi số phận. Lời thơ như một mặc định cho thân phận điêu linh.
Chia ly. Thời khắc đau buồn của lịch sử chiến tranh Việt Nam. Kẻ xuôi Nam, người ngược Bắc. Đợi chờ gì một cuộc trùng phùng sau đó mấy mươi năm hoặc có thể sẽ dài lâu hơn nữa. Mấy mươi năm, con dân hai miền cùng chung thân phận lưu đày trên quê hương. Thân phận bị giày xéo bởi chiến tranh ác liệt, gây nên bao cảnh lầm than…
Đôi tay mảnh gầy của mẹ ôm những đứa con non nớt lên tàu xuôi Nam. Không có chồng bên cạnh. Một cuộc chia ly đầy nước mắt khi phải rời bỏ làng quê, rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn, rời bỏ miền xanh thẳm của một thời thiếu nữ…
Tay bế tay bồng, mẹ xuôi Nam. Lúc ấy, không biết liệu chừng mẹ có thét lên tiếng thở than thống thiết như tiếng còi tàu ly biệt? Dòng sông Bến Hải trong xanh kia vô tình có biết mình là chứng nhân cho bao cuộc chia ly không hẹn ngày trùng phùng? Dòng sông trữ tình ấy nào biết đã mang trong mình bản án chia cắt lịch sử nước Nam?Và nào biết, đã làm lòng Mẹ của Vũ Trọng Quang và của bao bà Mẹ khác, héo hon, tan nát.
Tay ôm con, tay mẹ cũng ôm đàn chạy loạn. Những hình ảnh dường như đối lập nhau nhưng lại cùng nhau tạo nên vẻ đẹp lạ lùng của người thiếu phụ. Chiếc đàn Mandolin bé nhỏ, cổ điển mà giàu âm điệu ngân nga đã theo mẹ suốt thời con gái. Nhưng lúc này đây, sao lại có hình ảnh cây đàn trong chốn nhiễu nhương binh lửa?
“Mẹ ôm những đứa con xuôi tàu vào Nam vẫy tay chào dòng sông trữ tình chia cắt lịch sử mang theo cây đàn Mandolin mang theo bộ Tiểu thuyết thứ bảy mang theo thơ TTKH “Mà từng thu chết từng thu chết” mang theo giấc mơ thời thiếu nữ cùng cuộn len với đôi kim đan bầu bạn đan thời gian thành chiếc áo màu rừng bao la biển vô tận”.
Đoạn thơ rất giàu sức gợi. Nhà thơ không dùng dấu câu để diễn tả sự ngắt quãng, sự nhấn nhá, mà viết tiếp nối để diễn tả hình ảnh đang hiện nhanh, tạo cho người đọc tâm lý tiếp nhận sự dồn dập của ý thơ đang chảy tràn trên bề mặt văn bản, chảy tràn trong cảm xúc của nhà thơ.
Hình ảnh cây đàn và hành động ôm đàn chạy loạn biểu trưng cho tâm hồn, tính cách của một người thiếu nữ có học, yêu thích âm nhạc, tiểu thuyết, thơ ca, đúng như lời nhà thơ đã viết về những sở thích của Mẹ. Một hình ảnh tuyệt đẹp và lạ lùng...
Trong nguy khó, âm nhạc vẫn có thể làm nên điều kỳ diệu. Âm nhạc xoa dịu lòng người. Âm nhạc cứu rỗi đau thương… Hình ảnh người mẹ chạy loạn với cây đàn Mandolin “Một tay ôm con một tay ôm đàn không còn tay nào mẹ vẫy chào khu rừng ãng mạn khói lửa” đã từng một lần xuất hiện trong bài thơ “Ngôi nhà” của Vũ Trọng Quang.
Điều quan trọng Mẹ đã làm là quyết định cho cây đàn kỷ niệm cùng xuôi Nam với Mẹ. Một hình ảnh thật lãng mạn và bi mỹ trong thơ ca. Thi tứ, thi ảnh… ngồn ngộn, đầy chất hiện thực của cuộc sống đời thường đã khắc khảm vào thơ. Mẹ của nhà thơ cũng bình thường, giản dị như bao bà mẹ Việt Nam khác, nhưng, có ai xuôi Nam thời loạn ly mà mang cả cây đàn trong quang gánh như bà mẹ tao nhã của nhà thơ Vũ Trọng Quang?
Tôi cũng có Mẹ mê ca hát. Mẹ hay hát bài Gấm vàng: Gấm vàng, một cuộn gấm vàng. Dâng lên chín bệ may áo choàng giai nhân…Gấm ái gấm ân, gấm của sông Ngân… Mẹ tôi cũng mê Tiểu thuyết thứ bảy, mê Phụ Nữ ngày nay với những tiếu thuyết ướt át của Quỳnh Dao, của bà Tùng Long (và tôi đã từng lén đọc). Mẹ tôi cũng mê: “Hai sắc hoa tigôn” của TTKH. Và mẹ tôi cũng mê đan len. Cho tới tận bây giờ, tuổi đã trên 80, mẹ tôi vẫn miệt mài đan những chiếc áo thời gian lớn dần cho các cô con gái trở thành thiếu nữ…
Nhưng có một điều chắc chắn rằng, mẹ tôi không chìm sâu trong ly loạn, mẹ tôi không lên tàu xuôi Nam với cây đàn dây khoan dây nhặt… Mẹ tôi không phải chịu cảnh “Và từng thu chết từng thu chết, vẫn giấu trong tim bóng một người”. Và mẹ tôi cũng không đan chiếc áo màu rừng núi… để chồng mặc trong cuộc chiến huynh đệ tương tàn. Chính vì thế, đọc những dòng thơ của nhà thơ Vũ Trọng Quangviết riêng cho Mẹ mà nghe thương cảm tột cùng…
Xuôi Nam. Ga đầu là sự ly biệt với quê hương. Nhưng ga cuối cũng không là ga Hạnh phúc. Bởi một đứa con trong đàn đã bị thất lạ dù “gà Mẹ” đã hết lòng bảo bọc con thơ trong đôi cánh mỏng manh. Và cây đàn Mandolin đã đứt đi một sợi buồn chính là hình ảnh tượng trưng cho một đứa con của Mẹ đã vĩnh viễn chia xa, có khi là vĩnh viễn đi về cõi khác...
Đau lòng thay khi hình dung khuôn mặt mẹ thất thần hồn vía, hình dung mắt mẹ lệ nhòa như sương giăng. Và tiếng mẹ khản đặcthê thiết gọi con, giọng như vọng từ dưới đáy vực sầu:
“Khi đến ga cuối bắt đầu cuộc sống khác một đứa con thất lạc dây đàn Mandolin đứt đi một sợi đôi mắt Mẹ đẫm nhoà sương mù tiếng kêu tìm con khản giọng”.
Hình ảnh “cây đànMandolin” đứt dây trong bài thơ cứ được lập đi lập lại và cứ làm người ta nhoi nhói tim đau. Mỗi lần đàn đứt dây là báo hiệu cho một sự chia lìa vĩnh viễn giữa mẹ và những núm ruột yêu thương. Nhưng đó lại là là một thi ảnh đẹp, biểu tượng cho nét đẹp tâm hồn đã sống cả đời trong tử biệt, sinh ly.
Nỗi buồn lại chồng chất nỗi buồn. Con thất lạc. Chồng bặt vô âm tín. Máu xương này, da thịt này đều là của người Việt mình kia mà. Sao nỡ cắt tay? Sao nỡ nồi da xáo thịt? Ai chẳng muốn làm người công dân tốt? Ai chẳng muốn làm tròn trách nhiệm với non sông? Người cha của nhà thơ Vũ Trọng Quang cũng thế.
Cha đi chiến đấu trên rừng. Tình yêu mẹ dành cho cha là những đêm dài nhớ nhung sau những ngày tần tảo nuôi con khuya sớm. Là tấm áo len màu rừngmẹ đan trên đôi tay yêu thương để gửi cho cha. Là chiếc áo màu biển mênh mông… như tấm lòng thủy chung của Mẹ.
Nhưng có ngờ đâu. Nghịch cảnh. Chiến tranh đã cướp đi của Mẹ tất cả, biến Mẹ thành một người phụ nữ chờ chồng mòn mỏi thời gian. Và cuối cùng, Mẹ đã trở thành góa phụ khi nhận được hung tin về cái chết bi ai của chồng:
Máu xương cha gửi lại rừng
nghìn thu đổi lấy anh hùng nghìn thu

Lời thơ nghe như xé lòng. Thân xác cha đã gửi lại nơi núi rừng mịt mùng xa thẳm. Cái chết nghìn thu hoang lạnh đổi lấy bốn chữ “anh hùng nghìn thu”, nghe sao chao chát bời bời. Điệp ngữ “nghìn thu, nghìn thu…” cứ dội vào tâm can và thổn thức mãi nơi phía trái lồng ngực của người đọc. Hình tượng thiên thu được đẩy lên cao chót vót mà cũng trầm sâu muôn trượng…
Thuở xưa, theo truyền thuyết, vì trấn giữ nước non nên đôi uyên ương lạc Long Quân và Âu Cơ đành chấp nhận chia xa, mang theo con, kẻ núi rừng, người biển cả… Hai nơi xa thẳm đều là nhà, đều là giang sơn tươi đẹp. Nhà thơ sử dụng thi liệu nguồn cội để nhắc nhớ sự phân ly nhưng giữa câu chuyện xa xưa và chuyện người Mẹ của Vũ Trọng Quang hoàn cảnh hoàn toàn không giống nhau.
Bà Mẹ yêu thơ ca đàn hát của Vũ Trọng Quang không theo mẹ Âu Cơ mang con lên rừng, bởi trong tim Mẹ có một nỗi đau khác in hình dấu vết cấu cào. Hằng đêm. Hằng đêm. Mang trái tim rách toác vì khổ đau, mẹ không đem con lên rừng vì nơi mảnh rừng kia, mẹ sợ phải “nhìn vết máu loang lổ trên ngực cha”, dù là nhìn trong “tâm tưởng”. Tấm ngực ấy, mẹ làm sao quên được.
Mẹ ở biển mà nhớ rừng có xác thân cha. Mẹ ở biển mà nhớ rừng một thời thiếu nữ... Nên đêm đêm, cây đàn Mandolin lại bầu bạn cùng mẹ cho vơi nhớ vơi thương. Để mẹ một đời “vẫn giấu trong tim bóng một người”. Ừ! thì phải nuốt nước mắt mà giấu kín cõi lòng. Vì làm sao có thể thổ lộ cùng ai. Dù cả với con mình.
“Mẹ không theo Âu Cơ mang con lên rừng lên ngàn sợ nhìn vết máu nơi ngực Cha còn đó Mẹ đeo khăn đẹp trước biển tiếng sóng không át được tiếng bung dây đàn Mandolin đứt thêm một sợi “Vẫn giấu trong tim bóng một người”
Phải yêu kính và hiểu mẹ vô cùng vô tận thì nhà thơ mới có những câu thơ hay đến vậy. Ta ngẫm, ta hình dung… và buồn thương.
Đời mẹ muộn phiền. Quang gánh nặng trĩu trên vai chiều hôm sớm mai. Đôi chân nhọc nhằn năm nắng mười mưa khổ nhọc. Đời mẹ tần tảo, chắt chiu nuôi một đàn con nheo nhóc vì thiếu cha, những mong các con sẽ an bình bên mẹ. Nhưng ngờ đâu, khi mẹ so dây, ngón tay nhấn xuống phím đàn cho dây đàn ngân lên, vang xa… thì dây đàn lại đứt. Số phận nghiệt ngã vẫn phủ chụp xuống đời Mẹ không buông tha.
Đứa con thứ hai bất ngờ bị trúng đạn lạc ngay tim khi cả nhà đang vui ngày tết. Tiếng sóng dữ dội ầm ào ngoài kia làm sao sánh được tiếng bung đứt đột ngột của dây đàn. Thêm một dây đàn đứt lìa. Bà mẹ thảng thốt điên cuồng. Sự so sánh nào cũng khập khễnh, nhưng so sánh ở đây quá đắc. Mẹ đau đớn cất tiếng thét thất thanh, khác nào tiếng kêu của gà mẹ khi thấy diều hâu quặp gà con bay đi.
”Đứa con thứ hai bất ngờ trúng đạn ngay tim trong ngày vui tết dây đàn Mandolin đột ngột đứt một sợi hơn cả sự đớn đau tiếng kêu của gà mẹ thất thanh mất gà con bị diều hâu tấn công quặp bay đi”
Thời buổi tao loạn. Hòn tên mũi đạn không có mắt. Nhưng sao lại lạc ngay vào quả tim bé bỏng của con trai? Còn đau đớn nào hơn. Tim con vỡ toác. Tim mẹ cũng nát tan. Hình ảnh vết đạn trên ngực cha suốt đời ám ảnh mẹ. Giờ lại thêm vết đạn trong tim con. Mẹ xé cả tim gan mà kêu gào trời đất, mà thù hận chiến tranh.
Vết đạn trên ngực Cha
vết đạn ngay trên tim một đứa con
chiến tranh và Mẹ
Chiến tranh và Mẹ. Mẹ hằng đêm quỳ gối nguyện cầu cho tim người nguội lửa chiến tranh và nuôi dưỡng hòa bình cho mọi người có cuộc sống an lành.
Rồi theo bánh xe thời gian, chiếc áo len trên đôi que đan của mẹ cũng dần lớn nhanh. Đời mẹ gian lao, chỉ mong cho con yên vui mà khôn lớn, mong cho con giàu lòng yêu người và làm thơ thương Mẹ, dù có khi, theo tâm sự của nhà thơ, toàn là những câu thơ về những điều vô bổ về địa ngục thiên đàng… Nhưng thực ra, đó còn là những lời sầu đau về quê hương, tích tụ từ nỗi đau của Mẹ, của thân phận bé nhỏ lạc loài ngay giữa quê hương.
“Con làm thơ cho những điều vô bổ thiên đàng địa ngục bình an xung đột chạy theo bước xuân thì con gái không diễn tả nổi bước trầm luân bán buôn cơm áo gạo tiền bon chen nuôi con cùng với dây đàn Mandolin sót lại Mẹ làm mất bộ Tiểu thuyết thứ bảy quên đi những câu thơ TTKH.
Hình ảnh thơ như cuống quýt chạy theo bước chân trầm luân bán buôn cơm áo gạo tiền bon chen của mẹ. Là bước chân xâu xé cuộc đời mẹ để nuôi con cái lớn dần, để vui để buồn cùng những dư âm của bộ Tiếu thuyết thứ 7 đã mất. Vui buồn cùng những “dây đàn Mandolin” còn sót lại. Không biết đứa con trai thi sĩ của Mẹ là dây gì mẹ ơi!
Mẹ là người đàn bà đánh đàn, người đàn bà đan áo,người đàn bà có chồng là“ anh hùng ngàn thu”, là người đàn bà có những đứa con dần bỏ mẹ ra đi… Mẹ gánhnỗi buồn thân phận cá nhân nhưng cũng chính lá nỗi buồn của dân tộc.
Bước đi của thời gian sẽ chữa lành vết thương tâm hồn cho con người. Nhưng thời gian cũng lấy đi bao sức lực của con người, kể cả trí nhớ. Mẹ già theo năm tháng. Mẹ quên bao chuyện xưa nay. Cả những câu thơ trong “Hai sắc hoa tigon”, Mẹ cũng trả lại cho TTKH.
Quên là nhớ, phải không Mẹ hiền?. Nhưng là nỗi nhớ về những ký ức gim sâu trong tim. Đôi que đan ngày xưa giờ cũng thành nỗi nhớ. Nhớ con thơ dần lớn, nhớ chồng và tấm áo len màu rừng… Bàn tay Mẹ co quắp thế kia mà, làm sao cầm que đan được nữa? Rã rời đau. Những cơn tai biến cuộc đời đã hành hạ Mẹ tận ngõ ngách tim buồn. Giờ lại là những cơn tai biến tuổi già đưa Mẹ về những ngày như con trẻ. Nhìn Mẹ, lòng con trai như xát muối biển khơi.
”Bây giờ Mẹ và chiếc áo len cũ kỹ nằm giường cơn tai biến biến đời sống trở thành thực vật thời gian trôi trên đôi mắt Mẹ nhìn ánh sao trên bầu trời khóc cười ngây ngô trẻ thơ đưa Mẹ trở về khởi điểm- giường nằm không là chiếc thuyền Mẹ mong ước trở lại dòng sông dòng đời chia cắt năm xưa vẫn còn va chạm”
Đôi mắt mẹ vẫn chơm chớp nhìn con qua lại, nhưng hình như Mẹ không nhận ra con trai thi sĩ của Mẹ nữa rồi. Thời gian không còn ý niệm nơi Mẹ nữa rồi..
Hãy ngồi dậy mà đan áo mẹ ơi!
Hãy ngồi dậy mà đàn Mandolin ơi Mẹ!
Hãy ngồi dậy mà gánh gồng mùa Xuân!
Mẹ quay về khởi điểm là vui hay buồn? Mẹ nằm bất động trên gường chứ nào phải trên chiếc thuyền xanh giữa dòng sông xanh. Dòng sông chia cắt lịch sử năm xưa giờ đã không còn chia cắt. Nhưng sao Mẹ có thể quay về?
Hình ảnh”dây đàn cuối cùng” trở lại trong đoạn kết bài thơ như một hình tượng về người mẹ nghệ sĩ, người mẹ yêu con, ôm cả đời các con và ôm cả đời đàn trong tuổi đời mênh mông lau sậy của Mẹ. Dây đàn cuối cùng đã chùng, Mẹ cũng đã “như chuối chín cây. Gió lay mẹ rụng, con phải mồ côi, Gió lay mẹ rụng, Con phải mồ côi…” *
“Dây đàn cuối cùng Mandolin không lên dây chùng xuống
Chỉ còn Mẹ gió lay chuối chín cây và tiếng thời gian trôi
MẸ ĐÃ RA ĐI VỀ CÕI KHÁC VỚI CHA TÔI

Tiếng thời gian của Mẹ cứ trôi như tiếng thở than. Thanh âm dây đàn cuối cùng rồi cũng đứt. Rồi Mẹ cũng đã ra đi về cõi khác với Ba, với các em. Một sớm mùa Thu.
Bài thơ tự do như một chuỗi ngân dài diễn tả những cung bậc thăng trầm của đời Mẹ. Những ý thơ xâu kết nhau bằng sự dẫn dắt của mạch cảm xúc và bằng những ngôn từ giản dị nhưng hàm ý sâu xa, đã dẫn dắt người đọc đi vào một không gian liên tưởng để rồi chìm vào nỗi niềm sâu thẳm trong tâm hồn và cuộc đời Mẹ. Và đọng lại nơi tâm thức người đọc là hình ảnh cây đàn… muôn điệu dần dần “đứt dây”, và hình tượng đẹp đẽ của người mẹ.
Vũ Trọng Quang đã viết vào cuối bài thơ những lời như có nước mắt: “Mẹ đã ra đi về cõi khác với Ba tôi!”. Nhưng hình như, trong sâu thẳm tâm hồn người con trai thi sĩ, còn có lời này nữa: “Mẹ ơi! Mẹ ơi! Con nhớ tiếng đàn…”
Lời bài hát.
 Phan Thiết 12/12/2018
Nguyễn Thị Liên Tâm
Theo http://www.vanchuongviet.org/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bùi Minh Vũ: Tiếng thơ siêu thực chính ngọ

Bùi Minh Vũ: Tiếng thơ siêu thực chính ngọ Bùi Minh Vũ, cũng giống như rất nhiều người làm thơ hôm nay trăn trở, quyết liệt (nếu không muốn ...