Thứ Bảy, 1 tháng 6, 2019

Phân tích tác phẩm âm nhạc

Phân tích tác phẩm âm nhạc 
LỜI NÓI ĐẦU
Âm nhạc có nhiều môn học khác nhau.
Về thực hành gồm có: Ký âm, xướng âm, đàn, hát, chỉ huy, v.v...
Về lý thuyết gồm: Lý thuyết cơ bản, hòa âm, lịch sử, phức điệu, phối khí, phân tích tác phẩm, v.v...
Mỗi môn học giúp ta hiểu sâu vào một trong những lĩnh vực khác nhau của âm nhạc.
Phân tích tác phẩm là một môn Lý thuyết âm nhạc. Nó giúp ta hiểu được sự cấu tạo của tác phẩm âm nhạc, từ việc cấu tạo nên hình thức đến việc xây dựng tác phẩm âm nhạc.
Bất cứ loại hình nghệ thuật nào thì hình thức và nội dung đều có sự gắn bó với nhau. Nhưng, đặc biệt trong lĩnh vực âm nhạc thì hình thức và nội dung gắn bó rất hữu cơ với nhau, khó tách bạch.
Cho nên, ta có thể nói: Học phân tích tác phẩm âm nhạc là học hình thức âm nhạc, mà học hình thức âm nhạc của một tác phẩm nào là ta đã phân tích ý nghĩa và nội dung âm nhạc của tác phẩm đó rồi. Dĩ nhiên ta hiểu nội dung ở đây là nội dung âm nhạc của tác phẩm, chứ không chỉ bó hẹp trong nội dung ý nghĩa của văn từ trong lời ca của tác phẩm, cũng không chỉ riêng về mặt ý nghĩa triết học mà tác phẩm đạt tới (ánh sáng-bóng tối, thiện-ác, chính-tà, đẹp-xấu, v.v...), cũng không chỉ riêng về mặt tình cảm tác động với tâm sinh lí người nghe (vui-buồn, tĩnh-động, v.v...), mà nội dung âm nhạc là sự tổng hợp về sự nhận thức của con người qua âm thanh, nó rất trừu tượng, lại rất cụ thể. Diễn tả bằng lời thì không được, không hết, lại rất trừu tượng, mà chỉ có thể bằng âm thanh mới đầy đủ và cụ thể.
Có những tác phẩm âm nhạc có lời ca như những bài hát, nhưng cũng có những tác phẩm âm nhạc không có lời như những tác phẩm khí nhạc. Có những tác phẩm âm nhạc có tiêu đề (như: Ngày hội giả trang, Những bức tranh trong phòng triển lãm, Phiên chợ Ba Tư, v.v...), nhưng có những tác phẩm khí nhạc không có cả tiêu đề (như: Côngxéctô Đô thứ, Giao hưởng số 1, số 2, v.v...). Tất cả những tác phẩm âm nhạc ấy đều có nội dung âm nhạc cụ thể, đều có ảnh hưởng và tác động sâu sắc tới tâm tư tình cảm của con người.
Người nghe muốn hiểu được tác phẩm âm nhạc ngoài phần rung cảm của tâm hồn (nhạy cảm với âm thanh) còn cần phải có kiến thức âm nhạc, có trình độ phân tích được tác phẩm mới có thể hiểu thấu đáo, hiểu hết những ý đồ của tác giả và nội dung của tác phẩm. Môn phân tích âm nhạc giúp ta những kiến thức đó. Nó cần thiết đối với tất cả những ai làm công tác âm nhạc bởi vì:
- Người sáng tác học để nắm bắt được quy luật mà vận dụng sáng tạo.
- Người biểu diễn học để xử lí tác phẩm, truyền đạt ý đồ của nội dung tác phẩm cho người nghe.
- Người nghiên cứu học để mổ xẻ tác phẩm, đúc kết thành lí luận âm nhạc.
- Người giáo viên học để giảng dạy các tác phẩm âm nhạc. Vì phải có kiến thức âm nhạc tổng hợp, phải nắm được các quy luật cấu tạo nên âm nhạc, phải phân tích được tác phẩm âm nhạc mới hiểu được tác phẩm, mới hướng dẫn, giảng dạy được.
Môn học này có nhiều tên gọi: Khúc thức, Tác khúc; Hình thức âm nhạc; Phân tích tác phẩm âm nhạc, nhưng nội dung chỉ là một. Đó là môn học nghiên cứu cách cấu tạo nên âm nhạc, từ những nhân tố nhỏ nhất, cơ bản, đến những quy luật cấu tạo nên những tác phẩm âm nhạc đủ loại, từ đơn giản đến phức tạp, từ ngắn đến dài, đủ mọi hình thức...
Cuốn sách gồm hai phần:
Phần một: Kết cấu âm nhạc (3 chương đầu).
Phần hai: Hình thức âm nhạc (2 chương cuối).
Do yêu cầu của chương trình, do yêu cầu của xuất bản nên mỗi hình thức chỉ giới thiệu một tác phẩm. Khi học, nếu có điều kiện và yêu cầu cao hơn thì giáo viên giới thiệu thêm 4, 5 tác phẩm nữa với mỗi hình thức.
Mong rằng cuốn sách sẽ mang lại cho bạn đọc những điều thiết thực và bổ ích.
Phần 1: KẾT CẤU ÂM NHẠC
Chương 1. NHỮNG NHÂN TỐ TẠO NÊN ÂM NHẠC
A. BA NHÂN TỐ CHỦ YẾU
1. Giai điệu
Âm nhạc là nghệ thuật tác động tới đối tượng bằng âm thanh qua thính giác của con người, cũng như văn học tác động tới con người bằng từ ngữ. Từ 24 chữ cái, ta ghép thành các từ khác nhau, các từ đi liền nhau nối với nhau thành câu văn, bài văn, tác phẩm văn học, mang những nội dung ý nghĩa khác nhau. Có khi rất trìu mến, êm đềm như Trăng thanh gió mát; Anh chờ em, v.v… nhưng cũng có khi rất khốc liệt, mạnh mẽ như Đế quốc Mỹ cút đi; Thù này không đội trời chung, v.v... Cách ghép chữ cái thành từ, ghép từ thành câu, phải tuân theo những quy luật nhất định (văn phạm).
Trong âm nhạc cũng vậy, chỉ có 7 âm cơ bản và các âm phụ thuộc mang các dấu hóa, cộng là 12 âm khác nhau.
Ghép chúng lại, cho chúng những tiết tấu, nhịp điệu, với độ mạnh nhẹ, âm sắc, âm khu khác nhau, ta sẽ có ý nghĩa và nội dung âm nhạc.
Nếu ta ghép chúng lại theo chiều dọc, các âm chồng lên nhau, ta sẽ có chồng âm, các hợp âm.
Nếu ta ghép chúng lại theo chiều ngang, các âm nối tiếp nhau, ta sẽ có giai điệu âm nhạc.
1.1. Định nghĩa
Giai điệu âm nhạc là sự liên kết các âm theo chiều ngang bằng cao độ, trường độ, sắc thái, mạnh nhẹ khác nhau. Nó diễn đạt nội dung chủ yếu của âm nhạc bằng một bè.
Tùy cách ghép mà ta có những giai điệu muôn màu muôn vẻ.
Khi thì êm đềm, nhẹ nhàng, sâu lắng:
KHÚC LUYỆN TẬP SỐ 3 (TRISTESSE)
SÔ-PANH
Khi thì sôi nổi, mạnh mẽ, khốc liệt:
GIAO HƯỞNG SỐ 5
BÊ-TÔ-VEN
Allegro conbrio
1.2. Cách tiến hành độ cao của giai điệu
Độ cao của giai điệu gồm những bước nhảy khác nhau từ âm nọ tới âm kia.
Có ba bước nhảy khác nhau:
a) Bước nhảy tuần tự
Là cách ghép từ âm nọ tới âm kia bằng quãng đồng âm hoặc quãng 2 liền bậc (2 trưởng hoặc 2 thứ).
- Có khi tuần tự đi lên.
- Có khi tuần tự đi xuống.
- Có khi đi ngang.
- Có khi các âm được ghép với nhau bằng toàn quãng 2 thứ. Lúc này giai điệu trở thành những chuỗi crô-ma-tíc ngắn hoặc dài. Giai điệu này khí nhạc hay dùng, còn trong thanh nhạc ít thấy.
- Có khi các âm được ghép với nhau bằng các quãng 2 trưởng. Thông thường, người ta chỉ ghép hai quãng 2 trưởng liền nhau thôi, thỉnh thoảng có ba quãng 2 trưởng, còn hơn nữa thì không thấy có vì nó gây nên sự hỗn loạn về điệu tính và tạo nên những quãng nghịch ẩn trong giai điệu.
Hai quãng 2 trưởng (hay dùng)
Ba quãng 2 trưởng (ít dùng)
Nhiều quãng 2 trưởng (không dùng)
- Thường giai điệu được tiến hành xen kẽ giữa quãng 2 trưởng và 2 thứ:
THÁNG SÁU
(Trích Tổ khúc: Bốn mùa)
TRAI-CỐP-XKI
- Bước nhảy tuần tự là cơ sở của giai điệu phương Tây, còn trong âm nhạc phương Đông với các điệu thức ngũ cung (nói chung không có quãng 2 thứ) thì lối nối tiếp kết hợp giữa quãng 2 trưởng và quãng 3 thứ có thể coi là bước nhảy tuần tự vậy.
CHÈO (LƯU KHÔNG)
b) Bước nhảy cách quãng
Là cách ghép từ âm nọ tới âm kia bằng các quãng nhảy (nhảy quãng 3, 4, 5, 6, 7, 8, v.v...).
TIẾN QUÂN CA
VĂN CAO
Đôi khi nhảy cả quãng rộng ngoài quãng 8:
KHÓI TRỜI MÊNH MÔNG
TRỊNH CÔNG SƠN
Ta về nơi đây phố xưa dấu đạn. Con đường bên sông cỏ lá buồn tênh.
Đôi khi nhảy cả các quãng nghịch 7 thứ, 5 giảm:
HÀNH QUÂN XA
ĐỖ NHUẬN
CÂY ĐÀN GHI TA
XUÂN HỒNG
Chưa thấy có tác giả nào dùng bước nhảy các quãng nghịch 4 tăng hạy 7 trưởng.
Các quãng nhảy trong giai điệu cũng có ý nghĩa không ổn định như những hợp âm nghịch trong lối nối tiếp hòa âm. Nó cũng đòi hỏi phải có chuẩn bị và giải quyết.
- Chuẩn bị bước nhảy: Trước nó, giai điệu phải tiến hành bình ổn (đi ngang hoặc quãng 2 liền bậc), nếu cũng là bước nhảy thì phải ngược hướng.
- Giải quyết bước nhảy: Sau nó, giai điệu lại phải bình ổn trở lại (lại đi ngang hoặc tuần tự), nếu lại nhảy nữa thì cũng phải ngược hướng. (Thí dụ bài Tiến quân ca của Văn Cao).
- Bước nhảy quãng 4: Trước nó được chuẩn bị bằng một bước nhảy tuần tự (Mi - Rê), sau nó được giải quyết cũng bằng bước tuần tự (La - Si).
- Bước nhảy quãng 8: Trước nó được chuẩn bị bằng bước nhảy quãng 4 ngược hướng (Sol - Rê), sau nó được giải quyết cũng bằng một bước nhảy quãng 3 ngược hướng (Rê - Si). 
Riêng quãng 5 giảm, chỉ có một cách giải quyết là tuần tự bằng một quãng 2 thứ. (Thí dụ bài Cây đàn ghi ta của Xuân Hồng).
Quãng 4 đúng có khi nhảy được liên tục cùng hướng hoặc ngược hướng, vì nó là một quãng cơ bản của âm nhạc phương Đông.
Quãng 7 thứ đối với âm nhạc phương Tây thì là một quãng nghịch ít dùng, nhưng trong âm nhạc phương Đông lại là một quãng nhảy phổ biến được tiến hành thường xuyên trong giai điệu của dân ca và ca khúc mới.
HÀNH QUÂN XA
ĐỖ NHUẬN
Hành quân xa dẫu qua nhiều gian khổ.
Vai vác nặng ta đã đổ mồ hôi.
Mắt ta sáng, chí căm thù bảo vệ đồng quê ta tiến bước.
Đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi.
c) Bước nhảy hợp âm rải
 Là cách ghép từ âm nọ tới âm kia bằng các nốt nằm trong hợp âm ba. Do vậy giai điệu có thể tiến hành bằng nhiều bước nhảy cùng hướng với nhau, miễn là những bước nhảy đó bao gồm những nốt nằm trong hợp âm ba.
Dĩ nhiên cách chuẩn bị và giải quyết ở đây là phải theo từng hợp âm một, chứ không phải chuẩn bị và giải quyết từng quãng một.
PRÊ-LUÝT SỐ 6
SÔ-PANH
Đây là một sự sáng tạo của âm nhạc chuyên nghiệp, nó không có nguồn gốc từ âm nhạc dân gian, nó ra đời trong âm nhạc bác học, dần dần mới lan ra quần chúng. Nó có từ thời cổ điển (Bê-tô-ven hay dùng), đến thời kì lãng mạn được dùng rộng rãi hơn, và đến ngày nay nó đã trở thành một cách tiến hành giai điệu phổ biến. Cách nhảy theo hợp âm này trong âm nhạc phương Đông không dùng, vì hợp âm ba không phải là cơ sở hòa âm như ở phương Tây. Nhưng, thời gian gần đây, do giao lưu giữa hai nền âm nhạc Đông - Tây, nên các nhạc sĩ Việt Nam cũng đã tiếp thu, sử dụng nó để cấu tạo giai điệu trong các tác phẩm của mình, và cũng đã được quần chúng Việt Nam thừa nhận, ưa chuộng.
LÃNH TỤ CA
LƯU HỮU PHƯỚC
Trang nghiêm
Sao vàng phấp phới ánh hồng sáng tươi. Toàn Việt Nam đón chào ngày mới. Hồ Chí Minh xuất hiện trong ánh sao, xuất hiện đi cứu dân khổ đau.
1.3. Giai điệu có bè ẩn
Giai điệu có bè ẩn là những giai điệu có những bước nhảy hoặc những quãng nghịch mà nó được trì hoãn không giải quyết ngay sau đó, đợi đến khi xuất hiện một số nốt khác rồi mới giải quyết, tạo nên hai bè (hoặc ba bè) cùng tồn tại trong một giai điệu.
PHUY-GƠ
BẮC
Trong âm nhạc phức điệu rất hay dùng giai điệu kiểu này, nó tạo nên một sự ẩn náu của một hoặc hai bè khác nhau trong cùng một giai điệu, làm cho âm nhạc dễ phát triển và tạo điều kiện thống nhất trong kết cấu các phần của một tác phẩm.
Nó cũng tạo nên sự mâu thuẫn, không ổn định, vì hai bè hoặc nhiều bè ẩn có thể tạo nên những quãng nghịch hoặc những bước nhảy mà nó lại trì hoãn sau một số nốt nào đó mới giải quyết. Do đó, nó có tác dụng thúc đẩy cho âm nhạc phát triển.
Có thể phân tích giai điệu trên thành hai bè.
1.4. Ứng dụng
Có nhiều cách tiến hành độ cao của giai điệu (bước tuần tự, bước nhảy quãng, bước nhảy theo hợp âm). Khi ứng dụng nó vào thực tế các tác phẩm thì tùy tính chất, nội dung âm nhạc của từng tác phẩm và thủ pháp, phong cách của từng tác giả.
Có tác giả chỉ dùng một cách tiến hành độ cao của giai điệu cũng sáng tạo được những tác phẩm hay. Thí dụ:
- Chỉ dùng bước nhảy tuần tự:
TRIỆU BÔNG HỒNG
BÀI HÁT NGA
Dưới ánh nắng, sương long lanh, triệu cành hồng khoe sắc thắm. Mỗi sáng sớm, bông hoa tươi, em bên hoa cười trong nắng. Sẽ đến lúc cho hoa kia bao yêu thương lòng say đắm. Sẽ mãi mãi như hoa kia trao cho em suốt cuộc đời.
- Chỉ dùng bước nhảy theo hợp âm rải:
VAN-XƠ PHA-VÔ-RÍT
MÔ-DA
nhưng phổ biến nhất vẫn là cách kết hợp tất cả các bước nhảy:
THÁNG 6 (Trích Tổ khúc Bốn mùa)
TRAI-CỐP-XKI
Trong đoạn nhạc trên, tác giả đã kết hợp cả mấy bước:
- Bước nhảy tuần tự: Nhịp 2+3, 6+7, 12, 13, 16.
- Bước nhảy cách quãng:
Nhảy quãng 3: Nhịp 4, 5, v.v...
Nhảy quãng 4: Nhịp 4, 5, v.v...
Nhảy quãng 5: Nhịp 14, 15, 16, v.v...
Nhảy quãng 7: Nhịp 17, 20, v.v...
- Bước nhảy theo hợp âm rải: Nhịp 21.
- Tiến hành bè ẩn: Nhịp 19-20.
2. Tiết tấu
Giai điệu bắt nguồn từ tiếng nói, mô phỏng và nghệ thuật hóa tiếng nói. Tiết tấu bắt nguồn từ động tác, nó phản ánh và nhịp điệu hóa mọi cử động của con người từ sinh hoạt đến lao động v.v...
Có người nói: Tiết tấu như một chỗ đứng trên đó giai điệu bay bổng, cũng như con người hai chân có đứng vững thì hoạt động của cơ thể mới thoải mái tự do. Âm nhạc cũng vậy, nếu tiết tấu chưa vững, chưa hợp lí, thì chưa thể có giai điệu và cũng chưa thể phát triển được giai điệu. Cũng như ở phần giai điệu, chỉ với 7 tên nốt khác nhau với cách sắp xếp khác nhau, các nhạc sĩ đã tạo nên không biết bao nhiêu giai điệu khác nhau.
Tiết tấu cũng thế, chỉ với mấy hình nốt khác nhau như: tròn, trắng, đen, móc, các hình dấu lặng..., nếu kết hợp chúng lại bằng các cách khác nhau thì sẽ có vô vàn tiết tấu âm nhạc khác nhau.
2.1. Định nghĩa
Tiết tấu là sự nối tiếp các âm và các kết cấu âm nhạc bằng thời gian ngân vang của âm thanh (độ dài của âm và độ dài của kết cấu) có tổ chức và có quy luật.
Tiết tấu kết hợp với cao độ các âm, tạo nên ý nhạc, làm cho âm nhạc có tình cảm, có tính cách, có đặc điểm.
PRÊ-LUÝT SỐ 7
SÔ-PANH
Chính những tiết tấu đó được nhắc lại như những bước chân vững chắc để trên đó độ cao của giai điệu tha hồ thay đổi, phát triển.
2.2. Tiết tấu nối tiếp các âm
Đó là cách nối tiếp các âm bằng thời gian ngân vang (tức trường độ) của chúng.
Không có quy định bắt buộc nào về kết hợp, nhưng qua thực tiễn các tác phẩm ta thấy:
- Phổ biến và thông thường là cách kết hợp giữa các âm có trường độ trung bình: Trắng, đen, móc đơn.
MỘT NÉT CA TRÙ NGÀY XUÂN
NGUYỄN CƯỜNG
Đàn chim Mùa xuân gọi thênh thang đất trời.
- Kết hợp các âm có trường độ ngắn như móc kép, móc tam... thì ít khi kết hợp liên tục, mà thường xen kẽ với các âm có trường độ trung bình, nhất là trong ca khúc, vì giọng người chỉ có thể nhả lời phát âm chính xác với các trường độ trung bình. Còn đối với khí nhạc thì không hạn chế, vì có những nhạc cụ rất linh hoạt có thể biểu hiện được các loại trường độ ngắn (Tuy nhiên cũng hạn chế ở các nhạc cụ trầm). Trong thanh nhạc cũng có những giai điệu kết hợp các trường độ ngắn, nhưng đó là những tác phẩm khó, và khi đó lời chỉ dùng nguyên âm ở khu cao.
A-RI-A VI-Ô-LÉT-TA (Trích ca kịch Traviatta)
VÉC-ĐI
- Các âm có trường độ ngắn hơn biểu hiện động so với các âm có trường độ dài hơn biểu hiện tĩnh.
Vì thế các âm có trường độ dài hơn thường làm điểm tựa cho các âm có trường độ ngắn hơn. Đó là các trọng âm.
HÀ NỘI - MỘT TRÁI TIM HỒNG
NGUYỄN ĐỨC TOÀN
Tôi hát bài ca ngợi ca Hà Nội. Ôi Thủ đô xao xuyến trong trái tim tôi.
- Không như cao độ có tần số rung chính xác, trường độ chỉ là tương đối, không bắt buộc từng hình nốt phải có thời gian rung quy định là bao lâu, nó còn phụ thuộc vào nhịp độ của âm nhạc. Trong tác phẩm có nhịp độ Allergo thì sẽ có thời gian rung tương đương bằng ở tác phẩm có nhịp độ Largo, v.v... Nhiều khi nó còn phụ thuộc vào sự thể hiện tình cảm của người biểu diễn âm nhạc nữa (khi xúc động, nhịp tim sẽ đập nhanh hơn bình thường).
- Âm thanh có độ rung càng cao (các âm trên cao) thì thời gian rung càng ngắn (trường độ ngắn). Do đó, âm nhạc càng đi lên thì thông thường tiết tấu các âm có trường độ càng ngắn lại. Ngược lại, khi âm nhạc càng đi xuống thì tiết tấu càng chậm lại, các âm có trường độ dài hơn. Nếu giai điệu âm nhạc đi lên mà tiết tấu lại chậm lại thì nó sẽ gây ra một sự mâu thuẫn căng thẳng, đòi hỏi phải giải quyết và bổ cứu. Đây chính là một điểm mà các nhạc sĩ lợi dụng để tạo nên những điểm cao trào trong tác phẩm của mình.
BÀI CA HI VỌNG
VĂN KÝ
Về tương lai, đàn chim ơi cùng ta cất cánh kìa ánh sáng chân trời mới đang bừng chiếu bốn phương, gió mưa buồn thương mùa đông và mây mù.
2.3. Tiết luật
Trường độ của các âm, thời gian ngân vang của âm thanh được quy định ước lệ bằng các phách: Tròn = 4 phách; trắng = 2 phách; đen = 1 phách, v.v... Nhưng không phải các phách vang lên với cường độ, lực độ giống nhau, mà có phách mạnh, phách nhẹ, như nhịp tim đập có tiếng to tiếng nhỏ, hoặc như câu nói có trọng âm hay không.
Thí dụ: Trong câu hỏi: Anh có đi chùa Hương với tôi hôm nay không? Nếu ta nhấn mạnh vào chữ đi thì ý nghĩa của câu hỏi đó là hãy khẳng định có đi hay không. Nếu nhấn mạnh vào chữ chùa Hương thì là khẳng định địa điểm. Nếu nhấn mạnh vào chữ hôm nay thì là khẳng định thời gian. Có đi và đi chùa Hương, nhưng hôm nay hay ngày mai, hay thời gian nào khác.
Âm nhạc cũng vậy, âm thanh nối với nhau bằng trường độ các âm, nhưng cũng có những âm được nhấn mạnh hơn và những âm không được nhấn mạnh; những âm được nhấn mạnh giữ vai trò chủ đạo, làm điểm tựa, còn các âm khác giữ vai trò phụ thuộc.
Cùng một nét nhạc có trường độ, cao độ, sắc thái giống nhau, nhưng nếu đặt trọng âm vào các âm khác nhau sẽ mang những ý nghĩa khác nhau.
Trong thí dụ trên, hai nốt Rê và Rề được nhấn mạnh tạo nên nội dung ý nghĩa âm nhạc: chặt chẽ, dứt khoát, mang tính chất hành khúc (Marcia).
Còn trong thí dụ dưới, hai nốt La được nhấn mạnh, âm nhạc lại có một nội dung ý nghĩa khác: buông lơi, đùa nghịch, mang tính chất Scherzo. Con người đã đúc kết các kinh nghiệm âm nhạc dân gian truyền thống, đã biết tổ chức các âm nhấn, âm không nhấn, phách mạnh, phách nhẹ thành quy luật của tiết tấu. Đó là tiết luật, là các loại nhịp với các chỉ số nhịp:
2/4, 3/4, 4/4, 3/8, 6/8, 9/8, v.v…
Đó cũng là biểu hiện đầu tiên về tính tổ chức của tiết tấu.
2.4. Tiết tấu thuận
Âm thanh nối với nhau bằng trường độ các âm. Thông thường trong một giai điệu, âm nào có trường độ dài hơn (thời gian ngân vang lâu hơn) thì âm đó là trọng âm và làm điểm tựa cho các âm khác.
THÁNG SÁU (Trích Tổ khúc Bốn mùa)
TRAI-CỐP-XKI
Trong thí dụ trên, 3 âm Rê, Si, Sol đều có trường độ dài hơn các âm khác cho nên chúng là trọng âm. Dựa vào trọng âm đó mà người ta có thể định nhịp cho giai điệu. Giai điệu trên chỉ có thể là nhịp 4/4 chứ không thể là nhịp 3/8 hoặc 2/4 được.
HOA LÁ MÙA XUÂN
HOÀNG HÀ
Tôi là lá tôi là hoa tôi là hoa lá hoa mùa xuân.
Trong thí dụ trên, các âm Đô, La, Sol có trường độ dài hơn các âm khác nên nó là trọng âm (âm đầu nhịp). Vì vậy giai điệu đó có nhịp 2/4. Như thế là tiết tấu thuận.
2.5. Tiết tấu nghịch
Ngược lại với tiết tấu thuận ở trên là những tiết tấu nghịch.
Những âm có trường độ dài hơn lại không phải là trọng âm (không phải là âm đầu nhịp).
THẬT LÀ HAY
HOÀNG LÂN
Nghe véo von, trong vòm cây, hoạ mi với sơn ca.
- Nghịch phách, đảo phách cũng là những tiết tấu nghịch:
CHIM CÚC CU
BÙI ANH TÚ
Cúc cu cúc cu. Tiếng chim cúc cu, gù trên đồi sọ.
XÔ-NÁT SỐ 14
(Chương II)
BÊ-TÔ-VEN
- Chùm ba (trong các giai điệu có nhịp phân 2) hoặc chùm hai (trong các giai điệu có nhịp phân 3) cũng là những tiết tấu nghịch:
HÀ NỘI ĐÊM TRỞ GIÓ
TRỌNG ĐÀI - CHU LAI
Hà nội ơi xanh xanh liễu rủ mặt Hồ Gươm. Cô đơn sấu rụng ngoài ngõ vắng.
- Thay đổi nhịp bất thường cũng là biểu hiện của tiết tấu nghịch:
HÀ NỘI YÊU DẤU
NGUYỄN TÀI TUỆ
Nao nao chăng em với tiếng hát Ả Đào. Phố cổ nào đưa ta về lối xưa. Ôi! Nghe xao xuyến lòng ta.
Trong âm nhạc phải có lúc thuận, lúc nghịch. Quãng có quãng thuận, quãng nghịch; hợp âm có hợp âm thuận, hợp âm nghịch; tiết tấu cũng có tiết tấu thuận, tiết tấu nghịch. Trong tác phẩm, tác giả thường khai thác xen kẽ những yếu tố thuận, nghịch để gây sự tương phản, gây sự hứng thú không để nhàm chán trong tiến hành giai điệu.
2.6. Ngắt mạch tiết tấu
Trong giai điệu, trong các kết cấu âm nhạc (đoạn nhạc, câu nhạc, tiết nhạc) không phải lúc nào tiết tấu cũng liên tục, mà có từng mạch ta có thể ngắt ra được.
Có thể dùng các con số (số nhịp) để ghi sơ đồ ngắt mạch tiết tấu âm nhạc trong khi phân tích.
THÁNG 6
(Trích Tổ khúc Bốn mùa)
TRAI-CỐP-XKI
Câu nhạc trên có thể ngắt được như sau:
2+1 +1
THẬT LÀ HAY
HOÀNG LÂN
Nghe véo von, trong vòm cây, họa mi với sơn ca. Hai chú chim cao giọng hót hót líu lo vang lừng. Vui rất vui bay từ xa chim non tới hót theo. La la la la la la thật là hay hay hay.
Cả bài có 16 nhịp.
- Được ngắt làm hai câu, mỗi câu 8 nhịp.
- Mỗi câu được ngắt làm 2 tiết: mỗi tiết 4 nhịp.
- Mỗi tiết được ngắt thành 3 mạch: 1 +1 +2.
2.7. Hình tiết tấu
Sự kết hợp các trường độ trong tiết tấu có muôn hình, muôn vẻ, nhưng nó không kết hợp ngẫu nhiên, liên miên, mà có sự trùng lặp, nhắc lại, có chu kì dài và ngắn. Những chu kì ngắn diễn ra tạo nên những hình giống nhau về tiết tấu, ta gọi là hình tiết tấu.
NGÕ VẮNG XÔN XAO
TRẦN QUANG HUY
Moderato
Một ngõ vắng xôn xao nằm trong lòng phố lớn. Một tiếng nói yêu thương cho lòng thêm tơ vương. Một đám lá thu bay, rắc vương đầy ngõ vắng. Một chùm hoa trưa nắng xôn xao cả lòng tôi.
Những chu kì ngắn được diễn ra từng 4 phách một, hình thành hình tiết tấu của bài hát. Nó được lặp đi lặp lại cho đến hết đoạn nhạc.
Hình tiết tấu là hình thức bề ngoài của tiết tấu, nhưng nó đóng một vai trò rất có ý nghĩa trong tác phẩm âm nhạc. Nó là cơ sở của âm hình âm nhạc (hình tiết tấu + độ cao các âm) mà âm hình là những ý nhạc tạo nên nội dung của tác phẩm âm nhạc.
Hình tiết tấu cũng là một biểu hiện về tính tổ chức của tiết tấu.
2.8. Tiết tấu nối tiếp kết cấu âm nhạc
Tiết tấu không phải chỉ có một ý nghĩa hẹp là sự nối tiếp các âm mà còn có cả nghĩa rộng của nó là sự nối tiếp các kết cấu âm nhạc. Như một ngôi nhà phải có những viên gạch gắn với nhau thành bức tường, nhiều bức tường ghép lại với nhau thành căn phòng, nhiều căn phòng với nhau thành ngôi nhà. Một tác phẩm âm nhạc cũng vậy, mặc dù ngắn hay dài cũng phải gồm có nhiều bộ phận được gắn lại với nhau.
Nhiều âm hình gắn với nhau thành tiết nhạc.
Nhiều tiết nhạc gắn với nhau thành câu nhạc.
Nhiều câu nhạc gắn với nhau thành đoạn nhạc v.v...
Đó là những kết cấu âm nhạc.
Trong xây dựng, người ta dùng vôi vữa, xi măng để gắn các kết cấu xây dựng lại với nhau thành ngôi nhà. Còn trong âm nhạc người ta dùng tiết tấu để gắn các kết cấu âm nhạc lại với nhau thành tác phẩm âm nhạc.
Thí dụ: Tháng sáu (trích trong Tổ khúc Bốn mùa của Trai-cốp-xki) xem thí dụ trang 18.
- Những chu kì ngắn tạo nên các âm hình có hình tiết tấu giống nhau.
Các âm hình đó được gắn với nhau bằng tiết tấu một nhịp một (4 phách), trong đó có một trọng âm rơi vào nốt trắng.
- Những chu kì dài hơn tạo nên câu nhạc có những hình tiết tấu mở đầu giống nhau.
Tất cả sáu câu đều có hình tiết tấu mở đầu giống nhau, vì nó là những chu kì được nhắc lại, chỉ khác nhau về độ cao của giai điệu:
Câu 1 và câu 2 giống nhau, chỉ khác nhau một nốt Fa thăng và Fa bình.
Câu 3 và câu 4 giống nhau, chỉ khác nhau một nốt Fa và một nốt Rê.
Câu 5 giống hoàn toàn câu 1.
Câu 6 giống hoàn toàn câu 2.
Các câu đó được nối với nhau bằng tiết tấu:
- Câu 1 nối với câu 2 bằng tiết tấu 4 nhịp (16 phách)
- Câu 2 nối với câu 3 bằng tiết tấu 6 nhịp (24 phách)
- Câu 3 nối với câu 4 bằng tiết tấu 4 nhịp (16 phách)
- Câu 4 nối với câu 5 bằng tiết tấu 6 nhịp (24 phách)
- Câu 5 nối với câu 6 bằng tiết tấu 4 nhịp (16 phách)
- Câu 6 nối với câu tiếp theo bằng tiết tấu 6 nhịp (24 phách). Chúng tạo nên kết cấu của tác phẩm.
- Qua đó ta lại thấy có một chu kì dài hơn nữa. Đoạn a’ (câu 5 + 6) nhắc lại đoạn a (câu 1 + 2) hình thành những kết cấu khác của âm nhạc v.v...
Các tiết nhạc, các âm hình, các câu nhạc, các đoạn nhạc, đó là những kết cấu âm nhạc. Ở đây, chúng đã được gắn với nhau bằng tiết tấu để trở thành một tác phẩm âm nhạc thống nhất.
3. Hòa thanh
Hòa thanh là một nhân tố quan trọng của âm nhạc. Thông thường thì nó phục vụ cho việc cấu tạo nên sự hài hòa trong giai điệu, hài hòa giữa các kết cấu trong tác phẩm âm nhạc. Cũng có lúc, có thời kì, có tác phẩm nó đứng lên hàng chủ yếu, còn các nhân tố khác như giai điệu, tiết tấu phải phục vụ cho nó, nhất là trong âm nhạc hiện đại.
Đối với người thưởng thức âm nhạc thì nó đòi hỏi người nghe phải cảm thụ với một thính giác âm nhạc tinh tế hơn, học thức hơn, nhưng đồng thời nó cũng trìu tượng hơn một bước (so với hai nhân tố giai điệu và tiết tấu), tuy nó rất cụ thể, vang tới tai con người.
3.1. Định nghĩa
Hòa thanh là sự hài hòa âm thanh, hài hòa giữa các âm theo chiều ngang (là giai điệu), và theo chiều dọc (là các hợp âm), hài hòa giữa các kết cấu âm nhạc (giữa các tiết nhạc, câu nhạc, đoạn nhạc... với nhau) và hài hòa trong toàn bộ tác phẩm.
Có riêng một môn học Hòa âm để nghiên cứu tất cả các quy luật cấu tạo và nối tiếp các hợp âm. Ở đây chỉ nghiên cứu tác dụng của hòa thanh trong việc cấu tạo các giai điệu và trong kết cấu tác phẩm âm nhạc.
3.2. Hòa thanh trong cấu tạo giai điệu
Như đã nghiên cứu trong phần giai điệu, cách tiến hành độ cao của giai điệu, các bước nhảy của giai điệu, các quãng được nhảy, các quãng không được nhảy, các cách chuẩn bị và giải quyết các bước nhảy cũng là một quy luật của hòa thanh để tạo nên sự hài hòa trong giai điệu.
Giọng điệu cũng là một quy luật cơ bản của hòa thanh trong cấu tạo giai điệu. Vì giai điệu nào cũng phải viết trên một giọng nhất định (giọng Đô hay giọng Fa, v.v...) và một điệu nhất định (điệu trưởng hay điệu thứ v.v...). Cao độ các âm nối tiếp nhau, liên hệ với nhau không phải ngẫu nhiên, mà phải theo một quy luật tùy thuộc: Âm nọ hút âm kia, âm này phụ thuộc vào âm khác.
Tất cả các âm trong một giọng điệu nào đó (thí dụ: giọng Đô) đều phải phụ thuộc vào một âm chủ (âm I là âm Đô). Âm chủ chỉ đạo và chi phối các âm khác. Các âm khác đối với âm chủ, mỗi âm lại có một chức năng riêng, một sự phụ thuộc khác.
Tất cả những cái đó tạo nên sự hài hòa âm thanh trong giai điệu. Nó phục vụ cho nội dung âm nhạc lúc căng thẳng, lúc ổn định, lúc phát triển, lúc ngừng nghỉ, v.v...
Từng âm có những vị trí và tác dụng nhất định trong việc cấu tạo giai điệu:
Âm I (âm chủ): ổn định, thường chỉ xuất hiện lúc mở đầu và khi kết thúc, còn ở trong bài (giữa câu) ít khi xuất hiện. Nếu có xuất hiện cũng là những âm lướt ở những vị trí phụ, không phải trọng âm.
NHƯ NHỮNG GIỌT SƯƠNG
NGUYỄN VĂN HIÊN
Có những giọt sương trắng rơi trên áo anh. Mà chẳng hề rơi trên đầu súng. Có những hạt sương trắng rơi trên má anh. Đọng lại trong tim tôi tình yêu.
Đoạn nhạc trên, giai điệu được viết ở giọng Si thứ, nhưng âm chủ (âm I, nốt Si) chỉ xuất hiện ở cuối đoạn.
Âm V (âm át): là âm trọng tâm trong một giọng, là một âm chuẩn, có vị trí quan trọng sau âm chủ, cùng với âm chủ hình thành trục của giọng. Nó là một âm tương đối không ổn định so với âm chủ, thường là âm lấy đà để tiến vào âm chủ lúc mở đầu và kết thúc giai điệu. Nó còn là một âm trung gian để tiến hành đi lên hoặc đi xuống nối tiếp các âm, làm cho giai điệu hài hòa, hợp lý. Vì vậy, trong một giai điệu thì âm V xuất hiện nhiều lần và thường xuyên hơn so với âm I. Âm V hay dùng để kết thúc một kết cấu âm nhạc (kết câu).
Cũng trong đoạn nhạc trên, âm V (âm Fa thăng) xuất hiện nhiều, thường xuyên và nó làm nhiệm vụ kết câu 1 (nhịp thứ 4).
Cũng có khi nó thay âm chủ để kết thúc một đoạn nhạc hoặc toàn tác phẩm. Lúc đó, có thể tác phẩm đã được chuyển điệu (chuyển giọng âm V trở thành âm chủ).
BÁC HỒ - NGƯỜI CHO EM TẤT CẢ (Trích)
HOÀNG LONG – HOÀNG LÂN
Đồng ruộng cho bông lúa. Chim tặng lời reo ca. Anh bộ đội đến nhà, cho em lòng dũng cảm. Cô giáo cho bài giảng, yêu xóm làng thiết tha.
Âm V ở đây (là âm Sol) đã thay thế âm chủ (là âm Đô) để kết thúc đoạn nhạc (âm chủ mới, chuyển điệu).
Âm IV (hạ át) cũng là một âm có tầm quan trọng của giọng điệu (sau âm V). Nó cũng là một âm không ổn định, nhưng so với âm V thì nó điều hòa hơn, vì khi đi lên thì gặp âm V, còn khi đi xuống thì sẽ gặp âm III. Âm IV đóng vai trò điều hòa giữa sự bất ổn định của âm át và sự ổn định của âm chủ. Vì vậy, trong giai điệu nó thường xuất hiện trước, sau âm át, trước khi xuất hiện âm chủ.
- Có khi để chuẩn bị cho âm V xuất hiện khỏi gây sự bất ổn định đột ngột. 
NỤ HỒNG - TRẦN HỮU BÍCH
Nụ hồng trước ngõ nhà ai. Nở hoa bướm ong tìm lại. Ngọt ngào say đắm tỏa hương, cho đời thương lại càng thương.
Âm La (bậc 4 của giọng Mi) chuẩn bị cho âm Si (âm bậc V) xuất hiện.
 - Có khi xuất hiện lúc bắt đầu câu thứ hai hoặc đoạn thứ hai cũng làm nhiệm vụ điều hòa trước khi âm át xuất hiện để về chủ.
MÙA XUÂN
TRẦN HOÀN
Bàn tay anh thợ trẻ, như đã thấy quay vòng máy thêm bao lần. Niềm vui dâng lên ngập lối, mang hơi thở mới cùa mùa xuân.
Âm IV cũng thường là nốt bản lề dùng biến âm để đổi giọng cho giai điệu (chuyển điệu).
Xem thí dụ bài Bác Hồ - Người cho em tất cả. Bài đã chuyển điệu từ giọng Đô sang giọng Sol: Bậc IV của giọng Đô là nốt Fa đã được biến âm thành Fa thăng là nốt bản lề để giai điệu chuyển sang giọng Sol.
Âm III (âm trung): Là một âm để xác định rõ giọng này là giọng trưởng hay giọng thứ (nếu là quãng 3 trưởng hay 3 thứ so với âm chủ). Vì vậy, âm in thường xuất hiện ở đầu và cuối của giai điệu để xác định rõ giai điệu này ở giọng trưởng hay giọng thứ.
KHÚC LUYỆN TẬP SỐ 3 - SÔ-PANH
Âm III ở đây là nốt Sol thăng xuất hiện ở đầu và cuối câu nhạc đã xác định rõ khúc nhạc này được viết ở giọng Mi trưởng.
PHƯY-GƠ SỐ 2 - BẮC
Âm III (nốt Sol) đã kết thúc chủ đề (giọng Mi giáng trưởng).
- Âm III còn làm nhiệm vụ thay đổi sắc thái cho giai điệu khi nó biến âm đi lên hay đi xuống (đang là giọng thứ trở thành giọng trưởng hay ngược lại). Khi nó thay đổi thì giai điệu thay đổi sắc thái ngay, tuy các âm khác vẫn giữ nguyên trên cùng một âm chủ.
TIẾNG HÁT GIỮA RỪNG PẮC PÓ (Trích)
NGUYỄN TÀI TUỆ
Bát cơm mong chờ người già ước mơ. Líu lo i tờ môi đọng trẻ thơ. Bác ơi tóc sương bạc phơ. Núi cao suối sâu Thủ đô yêu dấu.
Giáng nốt Si xuống (âm III của giọng Sol) làm cho giai điệu thay đổi ngay sắc thái - mềm mại, tối hơn, đến khi hoàn lại nốt giai điệu trở lại cứng hơn, sáng hơn.
Âm VII (âm dẫn - âm dẫn lên): Là một âm đặc biệt không ổn định, vì so với âm chủ âm VII chỉ chênh nhau một quãng 2 thứ. Trong giai điệu, nó phải dựa vào âm V hoặc bị hút về âm chủ. Gọi âm VII là âm dẫn vì mỗi khi nó xuất hiện là ngay sau đó âm chủ xuất hiện. Trong giai điệu, không mấy khi người ta dùng âm VII để kết câu hay kết đoạn, cũng không dùng để mở đầu, mà chỉ dùng âm VII để chuẩn bị trước khi về chủ.
Xem thí dụ Mùa xuân của Trần Hoàn: Âm VII (nốt Đô thăng) xuất hiện để chuẩn bị cho âm chủ (âm I, nốt Rê) xuất hiện kết thúc đoạn nhạc
CÂY BÀNG TRƯỚC NGÕ - HÀN NGỌC BÍCH
Âm VII (nốt Si) xuất hiện suốt cả một câu nhạc để chuẩn bị cho âm chủ (nốt Đô) kết thúc cả tác phẩm.
Âm II (âm dẫn xuống): Là một âm phụ, lúc phụ thuộc vào âm IV để tạo nên sự điều hòa giữa âm át và âm chủ, lúc phụ thuộc vào âm V để tạo nên sự không ổn định tương đối so với âm át. Nó cũng là một âm bị hút về chủ (tuy không mạnh bằng âm VII) nên cũng thường được dùng để chuẩn bị cho âm chủ và kết.
Xem thí dụ Cây bàng trước ngõ: Âm II (là nốt Rê) phụ thuộc vào âm V (nốt Sol) tạo nên sự không ổn định chuẩn bị cho âm chủ xuất hiện (nốt Đô) để kết.
NGÕ VẮNG XÔN XAO - TRẦN QUANG HUY
Tôi yêu đời làm một bông hoa nắng. Tôi yêu người làm ngõ vắng dịu êm. Trong yên lặng mà lại mênh mông lắm. Khi xa rồi lòng bỗng thấy xôn xao.
Âm II (ở đây là nốt Fa thăng) cũng xuất hiện để chuẩn bị cho âm chủ (nốt Mi) về kết.
Âm VI (âm hạ trung) cũng là một âm phụ, lúc phụ thuộc vào âm IV để tạo sự điều hòa giữa âm át và âm chủ, lúc phụ thuộc vào âm chủ để đóng vai trò thay thế tạm thời.
- Trong ca khúc, thông thường âm VI chuẩn bị cho âm V xuất lên khỏi gây mất ổn định đột ngột.
Xem thí dụ Mùa xuân của Trần Hoàn: Âm VI (ở đây nốt Si giáng) xuất hiện lần đầu là do sự phụ thuộc vào âm IV (nốt Sol), xuất hiện hai lần sau đều chuẩn bị cho âm V (nốt La) xuất hiện.
- Âm VI cũng thường hay xuất hiện ở đầu một kết cấu sau của tác phẩm âm nhạc (đầu câu thứ hai hoặc đầu đoạn b) để làm nhiệm vụ điều hòa giữa hai kết cấu.
Xem thí dụ Ngõ vắng xôn xao: Âm VI (ở đây là nốt Đô thăng) xuất hiện ở đầu đoạn b và đầu câu thứ hai của đoạn b có nhiệm vụ điều hòa giữa hai câu của đoạn b và giữa hai đoạn (a và b) của tác phẩm.
3.3. Hòa thanh trong kết cấu tác phẩm
Như mục trên ta đã biết, bất cứ tác phẩm âm nhạc nào cũng được viết trên một giọng điệu nhất định (trừ các tác phẩm của trường phái phi điệu tính).
- Từ một giọng điệu nhất định, hình thành những hợp âm phục vụ cho kết cấu của âm nhạc:
Các hợp âm chính:
Bậc I: Hợp âm chủ T, t
Bậc IV: Hợp âm hạ át S, s.
Bậc V: Hợp âm át D.
Các hệ thống chức năng phụ thuộc:
Hợp âm chủ có các hợp âm phụ thuộc: DTIII, TSVI.
Hợp âm hạ át có các hợp âm phụ thuộc: SII, TSVI.
Hợp âm át có các hợp âm phụ thuộc: DTIII, DVII.
- Trong kết cấu âm nhạc, khi hết câu, hết đoạn thường được đánh dấu bằng những hợp âm chính D hoặc T. Kết câu ở D, kết đoạn ở T.
RÔNG ĐÔ (Trích Xô-nát số 8) - BÊ-TÔ-VEN
Đoạn nhạc trên được viết ở giọng Đô thứ. Kết cấu chia làm hai câu:
Câu 1: Kết ở D (Sol trưởng: Sol Si Rê Sol).
Câu 2: Kết ở t (Đô thứ: Đô Mi Sol Đô).
Trong nội bộ câu nhạc, không phải lúc nào giai điệu cũng ở trên một nền hòa thanh chủ hoặc át, mà nó cũng có sự tiến hành luân chuyển hòa thanh. Mỗi khi một nền hòa thanh mới xuất hiện đều đánh dấu một kết cấu âm nhạc (hoặc kết thúc, hoặc bắt đầu một kết cấu âm nhạc).
ĐƯỜNG LÊN TÂY BẮC
VĂN AN
Đường lên Tây Bắc xa xôi, nếp nhà sàn thấp thoáng. Đằng xa tiếng hát dân quân, suối reo bên đồi nương. Cùng bảo về quê hương, sức trai bền gan chiến đấu. Cây súng dân quân bao phen từng ghi máu thù. Giặc đến không mong ngày về, đồng quê vang tiếng hát ca.
Những dấu * biểu thị giai điệu chuyển trên một nền hòa thanh mới, đồng thời cũng đánh dấu những kết cấu mới bắt đầu.
Những dấu … biểu thị giai điệu được kết bằng những nốt thuộc những hợp âm khác nhau đánh dấu sự kết thúc của những kết cấu âm nhạc.
- Trong tác phẩm âm nhạc, không phải tác phẩm nào cũng chỉ được viết trên một giọng điệu, mà có khi còn chuyển giọng, chuyển điệu.
- Mỗi khi chuyển giọng điệu (gọi tắt là chuyển điệu) cũng là có sự thay đổi kết cấu âm nhạc (hoặc kết thúc, hoặc bắt đầu một kết cấu).
Thí dụ Bác Hồ - Người cho em tất cả: Âm nhạc đã được chuyển điệu (từ giọng Đô trưởng sang Sol trưởng) và sự chuyển điệu đó đã đánh dấu kết thúc một kết cấu - hết đoạn.
NHỚ VỀ HÀ NỘI - HOÀNG HIỆP
Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn hướng về Hà Nội. Hà Nội của ta, Thủ đô yêu dấu, một thời đạn bom, một thời hòa bình. Nhớ phố thâm nghiêm rợp bóng cây, tiếng ve ru những trưa hè.
Ở bài này, chuyển điệu (đang Mi trưởng thành Mi thứ) làm nhiệm vụ phân chia kết cấu âm nhạc: Đoạn a Mi trưởng; đoạn b Mi thứ.
Các ca khúc hoặc các tác phẩm nhạc không lời viết ở hình thức nhỏ như 1, 2, 3 đoạn đơn thì thông thường các tác giả chỉ sử dụng một giọng điệu. Nếu có chuyển giọng, chuyển điệu thì cũng chỉ gặp mấy dạng như trên.
Còn trong các tác phẩm lớn có kết cấu phức tạp, nhiều đoạn, nhiều chương thì hòa thanh đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong cấu tạo tác phẩm. Nó góp phần quyết định trong việc phân chia tác phẩm, vừa rõ ràng, mạch lạc trong kết cấu, vừa thống nhất toàn bộ tác phẩm, vừa hài hòa thuận tai... giúp người nghe hiểu thấu được tác phẩm.
Chuyển giọng, chuyển điệu trong tác phẩm không tùy tiện, mà phải tuân theo những quy luật nhất định (những quy luật hòa thanh, nối tiếp, liên kết các hợp âm; quy luật chuyển giọng, chuyển điệu, v.v..., phải học trong một môn học khác: môn Hòa âm).
Thí dụ: Hợp xướng bốn chương Tiếng hát biên thùy của Tô Hải có bốn chương: 
- Chương I: Giọng Mi thứ.
- Chương II: Giọng La trưởng.
- Chương III: Giọng La thứ.
- Chương IV: Giọng Sol trưởng.
Mỗi chương một giọng điệu khác nhau, những giọng điệu đó góp phần phân chia rõ rệt các chương với nhau, nhưng cũng chính những giọng điệu đó lại thống nhất các chương lại thành một tác phẩm chung.
Quan hệ giữa chương I với chương II là quan hệ họ hàng gần (như bậc I và bậc IV trong một giọng).
Quan hệ giữa chương II với chương III là quan hệ một giọng (La trưởng và La thứ).
Quan hệ giữa chương cuối và chương đầu là quan hệ anh em (hai giọng có cùng hóa biểu có thể thay thế lẫn cho nhau được).
Cái đó người ta gọi là Sơ đồ hòa thanh của một tác phẩm.
Trong tác phẩm Pi-a-nô Hành khúc Thổ Nhĩ Kỳ của Mô-da có sơ đồ hòa thanh như sau: a e a A fis A fis a e a cô-đa hoặc chương đầu Xô-nát số 1 của Bê-tô-ven có sơ đồ hòa thanh như sau: f b As b c b As f
Chỉ nhìn vào sơ đồ hòa thanh, ta đã có thể hình dung được kết cấu âm nhạc.
B. NHỮNG NHÂN TỐ KHÁC
Ngoài ba nhân tố chủ yếu là giai điệu, tiết tấu, hòa thanh, góp phần tạo nên âm nhạc, còn có những nhân tố khác nữa như nhịp tốc độ, lực độ, sắc thái v.v... Tuy những nhân tố này không phải là chủ yếu, nhưng trong tác phẩm không thể thiếu nó được. Nó góp phần xây dựng nên nội dung âm nhạc, nhấn mạnh thêm tính chất, đặc điểm, thậm chí có lúc còn thay đổi cả tính chất, nội dung âm nhạc.
1. Nhịp độ
Nhịp độ là sự chuyển động nhanh, chậm của âm nhạc. Nhịp độ được quy định bằng các từ chỉ nhịp độ ghi ngay đầu tác phẩm, đầu từng đoạn, từng chương hoặc từng phần của tác phẩm (những từ chỉ nhịp độ đã học trong môn Nhạc lí cơ bản).
2. Tốc độ
Tốc độ là quy định cụ thể về sự chuyển động của một đơn vị tiết tấu tính theo đơn vị thời gian là 1 phút. Nó được ghi ngay đầu tác phẩm hoặc đầu những đoạn, những phần được chuyển tốc độ.
Thí dụ:
… = 80: Quy định một phút có 80 phách, mỗi phách là một nốt đen.
… = 120: Quy định một phút có 120 phách, mỗi phách là một nốt trắng.
Giữa nhịp độ và tốc độ có sự liên quan chặt chẽ vói nhau, không thể có một bản nhạc ở nhịp độ chậm mà tốc độ lại nhanh được. Vì vậy, bây giờ người ta xóa bỏ ranh giới giữa hai khái niệm này, và gọi chung là nhịp độ.
3. Lực độ
Là độ to nhỏ của âm thanh, được quy định bằng những từ hoặc những kí hiệu, những chữ viết tắt ghi ngay dưới khuông nhạc, dưới những nhịp hoặc những nốt có yêu cầu lực độ cụ thể.
ALBUM ÂM NHẠC CHO THANH NIÊN - SU-MAN
(Những từ, những kí hiệu, những chữ viết tắt chỉ lực độ đã học trong môn Nhạc lí cơ bản).
4 Âm vực
Âm vực là những khu vực vang lên của âm thanh. Trong âm nhạc, người ta chia ra làm ba khu vực:
- Âm vực trầm.
- Âm vực trung.
- Âm vực cao.
Ở mỗi nhạc khí, ở mỗi giọng hát đều có những âm vực trầm, trung, cao khác nhau.
Thí dụ: Quãng 8 từ C đến C1
Đối với flutte là âm vực trầm, nhưng đối với kèn phagốt lại là âm vực cao.
Quãng 8 từ G1 đến G
Đối với giọng nữ là âm vực trầm, nhưng đối với giọng nam lại là âm vực cao.
Đối với từng nhạc khí hoặc từng giọng người, mỗi âm vực lại có một đặc tính riêng (vang, trong sáng, buồn, tối, khô, v.v...). Cùng một giai điệu, cùng một nhạc khí hoặc một giọng người biểu hiện, nếu đặt ở âm vực này hay âm vực khác, ta sẽ thấy âm nhạc khác nhau ngay.
5. Âm sắc
Âm sắc là màu sắc của âm do nguồn phát âm tạo ra. Thí dụ, cùng một âm Đô, nếu do nguồn phát âm khác nhau tạo ra như kèn đồng, kèn gỗ, đàn dây, đàn điện, hoặc giọng người phát ra thì âm Đô ấy có những màu sắc khác nhau. Lúc đó, âm nhạc cũng biểu thị một cảm xúc, một nội dung âm nhạc khác nhau. Mỗi một nhạc khí là một âm sắc riêng (các loại âm sắc đã học ở môn Nhạc khí phổ thông). Mỗi một giọng người cũng là một âm sắc riêng không giống nhau.
Thực ra, tất cả những nhân tố này đều do yêu cầu tự nhiên, nhu cầu nội tại tự thân của giai điệu âm nhạc. Nhưng cũng có khi họ yêu cầu chủ quan của người sáng tác, do ý đồ của tác giả muốn gây một xúc cảm đặc biệt, một ấn tượng khác lạ, một hình tượng riêng biệt nào đó, nên đã sử dụng những nhân tố này khác với yêu cầu tự nhiên của nó.
Thí dụ: Giai điệu Cò lả - dân ca đồng bằng Bắc Bộ
Con cò cò bay lả ơ lả a bay la. Bay từ từ cửa phủ, bay ra ra cánh đồng…
Một giai điệu êm dịu, tình cảm biểu thị một cái gì phẳng lặng đồng quê.
Nếu bây giờ thay đổi nhịp độ đang từ chậm rãi sang rất nhanh (Vivace, với tốc độ = 160 chẳng hạn), chắc chắn nội dung âm nhạc sẽ thay đổi, không còn là cảnh đồng quê êm dịu nữa.
Khi ta thay đổi lực độ đang từ nhỏ (p) sang mạnh (f hoặc ff), ta sẽ thấy tình cảm khó chịu, nhức nhối.
Khi ta thay đổi âm vực, đang từ âm vực trung, đổi sang âm vực trầm nghe sẽ thấy kệch cởm, thô thiển.
Nếu ta thay đổi âm sắc, giai điệu trên chỉ có âm sắc của cây sáo (nhất là sáo trúc) thì mới biểu đạt hết được nội dung, tình cảm, đặc điểm của âm nhạc. Nếu bây giờ ta thay bằng âm sắc khác của cây kèn đồng (trompette chẳng hạn), ta sẽ thấy nội dung âm nhạc sẽ khác xa biết chừng nào.
Chương 2. PHƯƠNG PHÁP CƠ BẢN XÂY DỰNG TÁC PHẨM ÂM NHẠC
Một tác phẩm âm nhạc không chỉ là những nhân tố riêng lẻ như đã biết ở chương I, mà nó là một thể thống nhất hữu cơ. Muốn vậy phải có phương pháp xây dựng từ những nhân tố riêng lẻ đó trở thành một tác phẩm âm nhạc hoàn chỉnh.
Âm nhạc là một môn nghệ thuật âm thanh qua thời gian (thời gian ngân vang các âm thanh), tác động tới đối tượng qua thính giác, không thể nhìn được, sờ được, mà chỉ có thể cảm được qua tai nghe. Vì vậy, muốn người nghe cảm thụ được ngay nội dung âm nhạc thì điều kiện đầu tiên tác phẩm phải đạt được là: Khúc chiết, mạch lạc, rõ ràng trong kết cấu; cô đọng, thống nhất trong nội dung.
Thông thường, một tác phẩm âm nhạc được xây dựng từ một hoặc nhiều ý nhạc.
Từ một hoặc nhiều ý nhạc được giới thiêu ban đầu, tác giả phát triển lên thành những kết cấu âm nhạc.
Những kết cấu âm nhạc đó được gắn lại với nhau thành một chính thể thống nhất nội dung tác phẩm.
Đó là phương pháp xây dựng nội dung tác phẩm âm nhạc.
Dưới đây là những phương pháp cơ bản:
1. Âm hình
- Âm hình là một ý nhạc, dựa trên ý nhạc ấy, người ta phát triển ra thành tác phẩm âm nhạc.
- Âm hình được cấu tạo bằng hai yếu tố chính là: Hình tiết tấu và thứ tự các quãng cao độ. Nó được diễn đạt chính bằng giai điệu và người nghe cũng dễ nhận thấy qua giai điệu.
TÌNH BIỂN - TRẦN QUANG HUY
Mai anh rời xa bờ quê hương tuyệt đẹp. Anh ra biển rộng ngoài khơi xa nghìn trùng.
Âm hình ở đây gồm có:
Hình tiết tấu: … … cộng với thứ tự các quãng cao độ: Âm thứ nhất liên kết với âm thứ hai bằng quãng đồng âm; Âm thứ hai liên kết với âm thứ ba bằng quãng ba đi xuống; Âm thứ ba liên kết với âm thứ tư bằng quãng đồng âm.
- Âm hình có thể gồm một hoặc nhiều mô-típ (motif) nhạc hợp thành.
Mô-típ là một tổ âm gồm có 1 phách mạnh (ở nhịp đơn) hoặc mạnh vừa (ở nhịp kép) và các âm xoay quanh nó.
- Có thể mô-típ được bắt đầu bằng phách mạnh:
GẨY ĐÀN LÊN HỠI NGƯỜI BẠN MỸ- PHẠM TUYÊN
Oa - Sinh -Tơn đêm nay. Nghe tiếng hát anh vang mọi nơi…
XÔ-NÁT PI-A-NÔ SỐ 13 - BÊ-TÔ-VEN
- Có thể mô-típ được bắt đầu bằng phách nhẹ:
HÀ NỘI MÙA THU - VŨ THANH
Anh nghe chăng trong lắng sâu nơi hồng trái…
- Có thể mô-típ chỉ là một âm (ở phách mạnh). Mô-típ này không thể là một âm hình được, mà chỉ là một nhân tố kết hợp với các mô-típ khác để trở thành một âm hình.
XÔ-NÁT SỐ 3 - BÊ-TÔ-VEN
- Âm hình là sự cô đọng của hình tượng âm nhạc. Vì vậy, tuy nó chỉ có độ dài vài nhịp (âm hình gồm nhiều mô-típ), thậm chí có âm hình rất ngắn, chỉ có một nhịp hoặc nửa nhịp - nhịp 4/4 (âm hình một mô-típ), nhưng nó bước đầu cũng nói lên được nội dung chính của âm nhạc. Có thể chỉ qua âm hình ta đã biết được:
- Về tình cảm: Trang nghiêm, lả lướt, vui hay buồn:
QUỐC TẾ CA
Vùng lên! Hỡi các nô lệ ở thế gian. Vùng…
CÂY ĐÀN GHI-TA - XUÂN HỒNG
Cây đàn ghi - ta của Đại đội Ba…
SÊ-RÊ-NÁT - SU-BE
- Về đặc tính dân tộc: Nga, Việt, hay dân tộc nào đó:
KÉO THUYỀN TRÊN SÔNG VON-GA - DÂN CA NGA
LÝ NGỰA Ô - DÂN CA NAM BỘ
Khốp con ngựa ngựa ô. Khốp con…
- Về phong cách âm nhạc: cổ điển nghiêm túc hay nhạc nhẹ, tác giả này hay tác giả khác.
MÙA XUÂN GỌI - TRẦN TIẾN
BẠCH LONG VĨ - ĐẢO QUÊ HƯƠNG - HUY DU
XÔ-NÁT SỐ 1 - BÊ-TÔ-VEN
- Về thể loại âm nhạc: Phức điệu hay chủ điệu:
PHƯY-GƠ SỐ 1 - BẮC
2. Âm hình chủ đạo
Trong các tác phẩm âm nhạc cũng có khi chỉ do một âm hình phát triển ra thành toàn bộ tác phẩm, nhưng cũng có khi, trong một tác phẩm (thậm chí trong một đoạn) lại do nhiều âm hình kết hợp lại, có những âm hình chính và những âm hình phụ.
Âm hình chủ đạo là âm hình chính trong tác phẩm. Nó là động lực thúc đẩy các âm hình khác phát triển, được nhắc lại, phát triển xuyên suốt tác phẩm và móc nối các kết cấu lại thành một chính thể thống nhất.
Âm hình chủ đạo có khi xuất hiện ngay từ đầu:
ĐƯỜNG CHÚNG TA ĐI - HUY DU
Việt Nam! Trên đưòng chúng ta đi. Dặm đường xa, ta đi giữa mùa xuân…
BIỂN SÁNG - PHẠM TRỌNG CẦU
Sống ru ngàn đời lời hát của biển khơi… 
MÙA CHIM ÉN BAY - HOÀNG HIỆP
Khi gió đồng ngát hương rợp trời, chim én liệng. Cây nảy đầy chồi xanh, mây trắng bay yên lành. Em chợt đến bên anh dịu dàng như cơn gió nhẹ mà lòng anh để ngỏ cho tình…
3. Chủ đề âm nhạc
Chủ đề âm nhạc là một ý nhạc hay những ý nhạc (âm hình) đã được phát triển đủ để phác hoạ rõ nét một hình tượng âm nhạc, một nội dung âm nhạc nhất định.
Có khi là một hình tượng đơn nhất (chủ đề một âm hình).
GIAO HƯỞNG SỐ 5 – BÊ-TÔ-VEN
Có khi là một hình tượng phức tạp (chủ đề nhiều âm hình). Đó là khi chủ đề muốn khắc họa một hình tượng mâu thuẫn nội tại:
XÔ-NÁT SỐ 10 - BÊ-TÔ-VEN
Chủ đề được diễn đạt bằng sự tổng hợp từ cả các yếu tố của âm nhạc: Giai điệu, tiết tấu, hòa thanh, âm sắc, nhịp độ, lực độ, v.v... Trong khí nhạc bao gồm cả giai điệu, phần đệm, bè trầm, bè nền, v.v... còn trong thanh nhạc, chủ đề thường chỉ có giai điệu.
Độ dài của chủ đề thường là một đoạn, cũng có khi là hai đoạn, ba đoạn đơn.
Trong nhạc phức điệu, chủ đề rất cô đọng, chỉ là một vài nhịp, dài nhất cũng chỉ 8 nhịp.
CHỦ ĐỀ PHUY-GƠ SỐ 15 - BẮC
4. Các thủ pháp phát triển
4.1. Thủ pháp nhắc lại
- Nhắc lại đơn giản là thủ pháp nhắc lại y nguyên một mô-típ, một âm hình hoặc một chủ đề nào đó không có thay đổi.
XÔ-NÁT SỐ 31 - BÊ-TÔ-VEN
HỒ TRÊN NÚI - PHÓ ĐỨC PHƯƠNG
Thuyền ta ngược, thuyền ta xuôi, giữa dòng nước bạc nhịp chèo ta bơi. Ai đắp đập? Ai phá núi? Cho hồ nước đầy là mặt gương soi.
Thông thường là thay đổi chỗ cuối:
GIAO HƯỞNG SỐ 3 - SU-MAN
4.2 Mô phỏng
Là thủ pháp phát triển một mô-típ, một âm hình hoặc một chủ đề bằng cách nâng lên hoăc hạ xuống một quãng nào đó.
HẠT MƯA MÙA XUÂN - TRƯƠNG NGỌC NINH
Gió đưa trên cành, hạt màu mưa xanh. Cười trong mắt ai, rộn ràng mùa xuân tới. Nước non tháng ngày, màu xanh cỏ cây. Trái tim dâng đầy tình yêu đắm say. Ngát xanh chân trời, hạt màu mưa xanh. Ngát xanh chân trời, hạt màu mưa xanh.
Phổ biến là mô phỏng quãng 4 và quãng 5, vì thứ tự các quãng không thay đổi (quan hệ cùng giọng). Còn mô phỏng các quãng khác (quãng 2, 3, 6, 7) trong tác phẩm cũng vẫn dùng được, nhưng quan hệ thứ tự các quãng cao độ có thay đổi.
PHUY-GƠ SỐ 1 - BẮC
Riêng mô phỏng quãng 8, vì giai điệu được nâng lên hoặc hạ xuống một quãng 8, tên nốt vẫn giữ nguyên không còn tính chất mô phỏng nữa, nhưng nó vẫn là một thủ pháp phát triển của âm nhạc.
4.3. Thay đổi âm vực
Là thủ pháp nâng lên hoặc hạ xuống một quãng 8.
GIAI ĐIỆU XCỐT-LEN - BÊ-TÔ-VEN
4.4. Trang sức
Là thủ pháp phát triển bằng cách trang sức thêm những nốt hoa mĩ ngoài hợp âm, trong hợp âm hoặc các nốt trì tục.
Trang sức bằng các nốt trong hợp âm:
XÔ-NÁT - BÊ-TÔ-VEN
Trang sức bằng các nốt ngoài hợp âm:
XÔ-NÁT – MÔ-DA
Trang sức bằng các nốt trì tục:
XÔ-NÁT - BÊ-TÔ-VEN
4.5. Thêm bớt nốt
Việc thêm bớt nốt không chỉ làm nhiệm vụ trang sức, mà thủ pháp này có khi còn làm thay đổi cả hình tiết tấu của âm hình.
CÂU CHUYỆN NHỎ CỦA TÔI - THANH TÙNG 
Ai trao em mùa xuân long lanh mùa xuân trong. Tôi nghe đất trời bỗng nhiên. Hát với em về mọi người, về ngày mai.
4.6. Kéo dài và rút ngắn trường độ
Là sự kéo dài hoặc rút ngắn trường độ của từng âm trong một âm hình. Thông thường là kéo dài hoặc rút ngắn gấp đôi. Lúc đó âm hình cũng được kéo dài hoặc rút ngắn gấp đôi.
Kéo dài:
GIAO HƯỞNG SỐ 2 - BÔ-RÔ-ĐIN
Rút ngắn:
GIAO HUỞNG SỐ 4 - TRAI-CỐP-XKI 
4.7. Đảo ảnh
Đây là thủ pháp soi gương về cao độ. Như tấm gương đặt trước vật, hình ảnh của vật sẽ hiện rõ trong tấm gương theo nguyên tắc đối xứng.
- Gương có thể đặt dọc:
KHÚC HÁT NÀNG SON-VÂY - GRÍCH
- Gương có thể đặt ngang:
PHUY-GƠ SỐ 22 – BẮC
Chủ đề
Đảo ảnh gương đặt ngang trên nốt Rê:
Gương đặt ngang trên âm La:
Gương đặt ngang giữa âm Fa và Sol: 
4.8. Giữ nguyên hình tiết tấu, thay đổi độ cao
Không như thủ pháp mô phỏng phải giữ nguyên cả quan hệ trường độ (hình tiết tấu) và quan hệ cao độ (thứ tự các quãng cao độ), thủ pháp này chỉ giữ lại nguyên hình tiết tấu thôi, còn thứ tự các quãng cao độ có thể thay đổi tự do.
THÀNH PHỐ TRẺ - TRẦN TIẾN
Em đi đâu về, mà tóc đầy me. Em ngồi em chải, nghĩ gì vui thế…
4.9. Tổng hợp và xé lẻ
Từ những âm hình riêng rẽ, tách rời nhau, ta nối chúng lại để cho chúng không còn tách rời nhau nữa. Thủ pháp đó gọi là tổng hợp.
Ngược lại, từ một âm hình đang là một ý nhạc có độ dài nhất định ta lại cắt ra để cho nó không liên tục nữa. Thủ pháp đó gọi là xé lẻ.
Tổng hợp:
BÉ BÉ BẰNG BÔNG - PHẠM ĐỨC LỘC
Bé bé bằng bông, hai má hồng hồng. Bé đi sơ tán bế bé em đi cùng…
Xé lẻ:
BÁC HỒ - NGƯỜI CHO EM TẤT CẢ
HOÀNG LONG - HOÀNG LÂN
Cho ánh nắng ban mai là những sớm bình minh. Cho những đêm trăng đẹp là chị Hằng tươi xinh. Cây cho trái và cho hoa. Sông cho tôm và cho cá.
4.10. Thay đổi âm sắc
Cùng một âm hình đó, cùng một nét nhạc đó, nhưng khi nhắc lại để phát triển âm nhạc, người ta dùng một thứ nhạc cụ khác để diễn đạt. Thủ pháp đó gọi là thay đổi âm sắc.
BÔ-LÊ-RÔ - RA-VEN
Lần đầu do sáo diễn tấu.
Lần 2: sáo + ôboa.
Lần 3: sáo + ôboa + clarinét, v.v...
Đó là những thủ pháp phát triển âm nhạc, phát triển mô-típ, phát triển âm hình, phát triển chủ đề. Những thủ pháp đó đều được dùng cả trong thanh nhạc và khí nhạc, nhưng cũng có những thủ pháp chỉ dùng trong khí nhạc (thủ pháp thay đổi âm sắc), cũng có những thủ pháp thanh nhạc cũng dùng nhưng ít (như đảo ảnh).
Có những thủ pháp mới nghe ta đã bắt được diện mạo của âm hình của ý nhạc, nhưng cũng có những thủ pháp phải nghe nhiều, nghe sâu, nghiên cứu kĩ mới thấy như đảo ảnh, kéo dài trường độ, v.v...
5. Cao trào âm nhạc
Giai điệu đi lên đến điểm cao nhất, đó là cao trào âm nhạc. Cao trào là chỗ căng nhất của tác phẩm. Người nhạc sĩ thường đặt vào đó và cũng muốn qua đó truyền đạt tới người nghe sự rung động đặc biệt.
Cao trào không phải chỉ đơn thuần là đỉnh điểm của cao độ, mà kèm theo đó thường là với lực độ lớn, thời gian ngân dài, hòa âm dẫn dắt phức tạp, v.v... cốt để gây ấn tượng đặc biệt, căng thẳng, chờ đợi, hồi hộp.
Cao trào càng căng thẳng bao nhiêu thì khi giải quyết càng thỏa mãn bấy nhiêu.
Cao trào là một điểm nghịch trong tác phẩm, cho nên cũng phải có tác động chuẩn bị và giải quyết.
Chuẩn bị
- Giai điệu đi dần lên theo từng nấc thang một.
- Âm hình xé lẻ tiến tới thoát li âm hình chính.
- Lực độ tăng dần tiến tới điểm cao có lực độ lớn nhất.
- Hòa âm thoát li dần hợp âm chủ, giọng chủ.
- Căng dần, không ổn định.
- Cao trào.
Giải quyết
- Giai điệu đi dần xuống.
- Dần dần trở lại âm hình chính.
- Lực độ giảm dần trở lại lực độ ban đầu.
- Dần dần trở lại giọng điệu chủ.
- Dần dần ổn định trở lại.
Có cao trào cục bộ và có cao trào toàn bộ. Cao trào của từng bộ phận gọi là cao trào cục bộ. Cao trào của cả tác phẩm gọi là cao trào toàn bộ.
BÀI CA HI VỌNG - VĂN KÝ
Về tương lai đàn chim ơi cùng ta cất cánh, kìa ánh sáng chân trời mới đang bừng chiếu bốn phương, gió mưa buồn thương mùa đông và mây mù sẽ tan.
- Cao trào trong ca khúc thông thường chỉ là một điểm (một âm nào đó cao nhất, căng nhất), mà cũng không phải bài hát nào cũng bắt buộc phải có cao trào.
Còn trong khí nhạc thì tác phẩm nào hầu như cũng phải có cao trào, có khi cũng chỉ là một điểm, nhưng cũng có khi cao trào kéo dài cả một câu, cả một đoạn, v.v..., tùy theo nội dung âm nhạc và ý đồ của tác giả.
Vị trí của cao trào thường rơi vào phía cuối của tác phẩm (2/3 tác phẩm) hoặc gần cuối, không cố định nhưng không bao giờ cao trào lại xuất hiện ngay đầu tác phẩm.
Chương 3. KẾT CẤU TÁC PHẨM ÂM NHẠC
Kết cấu âm nhạc là sự tổ chức sắp xếp các ý nhạc trong một tác phẩm sao cho mạch lạc, rõ ràng, giúp cho người nghe nắm bắt được ngay nội dung âm nhạc.
Kết cấu gồm có:
Các tiết nhạc.
Các câu nhạc.
Các đoạn nhạc.
Các chương nhạc, v.v...
Từng ý một có thể tách rời nhau; nhiều ý kết hợp với nhau thành một tiết nhạc; nhiều tiết nhạc kết hợp với nhau thành câu; nhiều câu kết hợp với nhau thành đoạn; nhiều đoạn kết hợp với nhau thành chương; nhiều chương kết hợp với nhau thành tác phẩm (tác phẩm nhiều chương).
Cũng như trong một bài văn, các ý tứ phải rõ ràng, mạch lạc, và con người đã quy ước với nhau bằng các dấu hiệu ngắt, như: dấu phẩy, dấu chấm, dấu cảm thán, dấu xuống dòng, dấu chấm hết, v.v...
Trong tác phẩm âm nhạc không có những kí hiệu riêng lẻ để phân chia kết cấu cho ta nhìn thấy được như các dấu phảy, dấu chấm..., nhưng nó cũng có những dấu hiệu để khi nghe ta có thể phân biệt được từng ý, từng câu, từng đoạn, từng chương nhạc.
A. NHỮNG DẤU HIỆU CỦA NGẮT
1. Ngắt ý
1.1. Ngắt ý bằng dấu lặng
Lặng ngắn hay lặng dài cũng có khi góp phần phân chia các ý tứ trong câu nhạc.
QUÊ HƯƠNG - GIÁP VĂN THẠCH
Quê hương là chùm khế ngọt, cho con trèo hái mỗi ngày. Quê hương là đường đi học, Con về rợp bướm…
1.2. Ngắt ý bằng sự ngưng lại
Ngưng lại ở một âm tương đối dài hơn so với các âm khác cũng có khi góp phần phân chia ý tứ trong âm nhạc.
VAN-XƠ - SÔ-PANH
1.3. Ngắt ý bằng sự thay đổi
Thay đổi âm khu, thay đổi lực độ, thay đổi âm sắc cũng có khi góp phần phân chia ý tứ trong câu. Nhưng những dấu hiệu này chỉ hay thấy trong các tác phẩm khí nhạc. Còn trong thanh nhạc thì hiếm, nếu có thì chỉ thấy trong 2 hợp xướng.
CA KỊCH NGƯỜI CÁ - ĐÁC-GÔ-MƯ-XKI
1.4. Ngắt ý bằng sự nhắc lại (nhắc lại những chu kì của âm hình)
Có khi cả một câu nhạc được phát triển liên tục không có dấu lặng, không có ngưng nghỉ ở một âm nào tương đối dài hơn so với các âm khác. Lúc đó, muốn phân chia được ý nhạc phải căn cứ vào sự nhắc lại những chu kì của âm hình. Đây mới là dấu hiệu phân chia ý nhạc quan trọng.
GIAO HUỞNG SỐ 6 - TRAI-CỒP-XKI
2. Ngắt câu
Cũng có chung những dấu hiệu như của ngắt ý:
 - Ngắt bằng dấu lặng.
- Ngắt câu bằng sự ngưng lại ở một âm tương đối dài hơn so với các âm khác.
- Ngắt câu bằng sự thay đổi âm vực lực độ, âm sắc, v.v...
Ngoài ra, còn có 2 dấu hiệu ngắt câu quan trọng:
2.1. Ngắt câu bằng sự nhắc lại (nhắc lại một chu kì dài hơn gồm nhiều ý nhạc)
Xem các thí dụ ở mục Tiết tấu nối tiếp kết cấu âm nhạc.
2.2. Ngắt câu bằng hòa thanh
Thông thường được kết câu bằng âm V, hoặc các âm nằm trong hợp âm bậc I. Xem các thí dụ của mục Hòa thanh trong kết cấu tác phẩm âm nhạc.
3. Ngắt đoạn
Ngắt đoạn cũng có chung những dấu hiệu như của ngắt ý và ngắt câu:
- Bằng dấu lặng.
- Bằng sự ngưng lại ở một âm tương đối dài hơn.
- Bằng sự thay đổi lực độ, âm khu, âm sắc...
Khi ngắt ý và ngắt câu, việc thay đổi âm vực, lực độ, âm sắc không mạnh dạn và không rõ ràng như khi ngắt đoạn. Thay đổi lực độ giữa hai ý, hai câu không thể là đột ngột mà thường là từ từ (mp, p, mf…), nhưng ở hai đoạn có thể thay đổi lực độ đột ngột từ p sang f hoặc ngược lại. Thay đổi âm sắc cũng vậy, giữa hai ý, hai câu thường chỉ thay đổi âm sắc trong cùng một bộ (bộ gõ hoặc bộ dây), nhưng giữa hai đoạn thì âm sắc thay đổi hẳn từ bộ nọ sang bộ kia, và là những âm sắc đối chọi nhau.
Ngoài ra, còn có những dấu hiệu riêng, quan trọng để ngắt đoạn.
3.1. Ngắt đoạn bằng sự thay đổi tốc độ
Hai ý trong cùng một câu, hai câu trong cùng một đoạn ít khi thay đổi tốc độ, nhưng hai đoạn trong cùng một tác phẩm có khi thay đổi hẳn từ Moderato sang Allegro hoặc ngược lại.
TÌNH BIỂN - TRẦN QUANG HUY
Ngày mai con tàu anh ra khơi. Mai anh rời xa bờ quê hương tuyệt đẹp.
3.2. Ngắt đoạn bằng sự thay đổi âm hình ý nhạc
Mỗi đoạn thường có một âm hình ý nhạc khác nhau để diễn đạt một nội dung âm nhạc mới.
NHƯ CÓ BÁC TRONG NGÀY ĐẠI THẮNG - PHẠM TUYÊN
Ba mươi năm dân, chủ cộng hòa kháng chiến đã thành công. Việt Nam – Hồ Chí Minh.
Nếu đoạn sau không phải thay đổi âm hình mà vẫn dùng âm hình cũ thì bắt buộc phải dùng các thủ pháp thay đổi khác nhau như thay đổi âm khu, thay đổi hòa thanh, v.v...
Thí dụ: Tháng sáu (trong tổ khúc Bốn mùa) của Trai-cốp-xki; Biết ơn chị Võ Thị Sáu của Nguyễn Đức Toàn.
3.3. Ngắt đoạn bằng kết trọn, kết hẳn
Có thể kết trọn trên bậc I, nhưng cũng có thể kết trọn trên các bậc khác (kết chuyển điệu).
HÀNH KHÚC NGƯỜI LÍNH - SU-MAN
3.4. Ngắt đoạn bằng thay đổi giọng điệu khi chuyển sang đoạn mới
SÔNG LÔ - VĂN CAO
Ai quan bến nắng hồng lặng nhìn màu nước sông Lô xưa. Trên dòng sông trở…
B. NHỮNG ĐƠN VỊ CỦA KẾT CẤU ÂM NHẠC
1. Tiết nhạc
Là đơn vị nhỏ nhất của kết cấu nhạc, là một phần của câu nhạc. Tiết nhạc bao gồm một hoặc hai âm hình kết hợp với nhau, có đầy đủ các phách mạnh, phách yếu, ít nhất phải có hai trọng âm (hai nhịp) trở lên, trong đó có một trọng âm kép).
Tiết nhạc 1 âm hình:
MÙA XUÂN GỌI - TRẦN TIẾN
Mùa xuân nói với em điều gì…
Tiết nhạc 2 âm hình:
NGÕ VẮNG XÔN XAO - TRẦN QUANG HUY
Một ngõ vắng xôn xao nằm trong lòng phố lớn…
1.1. Tiết gọn
Là tiết nhạc được nằm gọn trong các vạch nhịp.
TRIỆU BÔNG HỒNG - BÀI HÁT NGA
1.2. Tiết lệch
Là tiết nhạc không nằm gọn trong các vạch nhịp, mà đầu và cuối tiết nhạc nằm chung trong một ô nhịp với cuối tiết trước và đầu tiết sau. Thí dụ trong các bài Mùa xuân gọi và Ngõ vắng xôn xao...
1.3. Tiết mạnh
Là tiết nhạc có âm cuối cùng là trọng âm (âm rơi vào phách mạnh - như các thí dụ trên).
1.4. Tiết yếu
Là tiết nhạc có âm cuối cùng không phải là trọng âm (âm cuối cùng rơi vào phách nhẹ).
THỜI THANH NIÊN SÔI NỔI - BÀI HÁT NGA
1.5. Tiết chẵn
Là tiết nhạc có số trọng âm chuẩn (2 hoặc 4 nhịp - như các thí dụ trên).
1.6. Tiết lẻ
Là tiết nhạc có số trọng âm lẻ (3 hoặc 5 nhịp) hoặc có số trọng âm chẵn nhưng lại có số phách lẻ (không đủ nhịp).
LỜI RU TRÊN NƯƠNG - TRẦN HOÀN
Ngủ ngoan A Kay ơi! Ngủ ngoan A Kay ơi!...
THỀ QUYẾT BẢO VỆ TỔ QUỐC - HUY DU
Đế quốc Mỹ xâm lược Tổ quốc ta. Mối căm thù chất lên thành núi cao. Ngàn đau thương tràn dâng bốn bề…
Mở đầu và kết thúc tiết nhạc không bị hạn chế về hòa thanh có thể kết thúc tiết nhạc ở bất cứ âm nào, hợp âm nào, ở bất cứ vị trí âm trầm nào.
Người nghe dùng kí hiệu dấu phẩy (,) đặt trên khuông nhạc để đánh dấu tiết nhạc.
1.7. Tiết nhạc mở rộng
Là tiết nhạc đã được phát triển dài hơn so với những tiết trước và sau nó.
Có thể mở rộng tiết nhạc bằng cách:
- Nhắc lại mô-típ đầu:
TÙY HỨNG QUA CẦU - TRẦN TIẾN
Bằng lòng đi em anh đón qua cầu. Dầu cho cầu tre dẫu khó đưa dâu. Bằng lòng đi em, anh đón qua…
- Nhắc lại mô-típ cuối:
ĐẤT NƯỚC LỜI RU - VĂN THÀNH NHO
Qua bao gian lao Việt Nam ta. Ôi bao yêu thương Việt Nam ta. Ngàn lời ru trong bão giông, ngọt ngào sao câu dân ca…
- Cắt đôi tiết, ngân dài ở giữa tiết nhạc:
HÀ NỘI - MỘT TRÁI TIM HỒNG - NGUYỄN ĐỨC TOÀN
Người Hà Nội hôm nay ra đi. Mang trong lòng bao nhiêu mơ ước. Những ánh đèn qua ô cửa sổ. Bầu trời đêm cháy bỏng tình yêu. 
1.8. Tiết nhạc độc lập
Thông thường tiết nhạc chỉ là một phần của câu nhạc (mỗi câu nhạc có thể gồm hai tiết hoặc nhiều hơn), nhưng cũng có lúc câu nhạc chỉ có một tiết nhạc, lúc đó tiết nhạc là một tiết độc lập.
Tiết nhạc độc lập phải có các điều kiện sau:
- Âm cuối tiết phải tuân theo quy luật hòa thanh, không còn tự do như âm cuối của tiết thông thường - nghĩa là phải tiến hành kết.
- Một tiết phải có 4 trọng âm (4 nhịp - thường là 4 nhịp 2/4).
- Trong hình thức một đoạn nhạc có nhiều câu (không phải chỉ có hai câu) không có chu kì lặp lại từng đôi một.
NHƯ CÓ BÁC TRONG NGÀY ĐẠI THẮNG - PHẠM TUYÊN
Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng. Lời Bác nay đã thành chiến thắng huy hoàng. Ba mươi năm đấu tranh giành toàn vẹn non sông. Ba mươi năm dân chủ cộng hòa, kháng chiến đã thành công.
2. Câu nhạc
Là đơn vị của kết cấu âm nhạc, là một phần của đoạn nhạc, bao gồm một hoặc nhiều tiết nhạc hợp thành; câu nhạc phải có 4 trọng âm (2 tiết, mỗi tiết 2 trọng âm - 4 nhịp) trở lên, được tiến hành kết nửa hoặc kết trọn.
Thông thường và phổ biến nhất là câu nhạc gồm 2 tiết nhạc.
KHÁT VỌNG MÙA XUÂN - MÔ-DA
- Ít phổ biến hơn là câu nhạc gồm 4 tiết.
TIẾNG GỌI THANH NIÊN - LƯU HỮU PHƯỚC
Này thanh niên ơi! Quốc gia đến ngày giải phóng. Đồng lòng cùng đi hi sinh xá gì thân sống. Dù xông pha khói tên cùng nhau ta đứng lên, làm sao cho núi sông được luôn luôn vững bền…
Ít phổ biến hơn nữa là câu nhạc gồm 1 tiết. Đó là tiết nhạc độc lập phải có điều kiện (đã nói trong mục Tiết nhạc độc lập ở trên).
Hãn hữu lắm mới có câu nhạc gồm 3 tiết hoặc 5, 6 tiết.
ĐƯA ANH ĐI HÁI MĂNG RỪNG -HOÀNG TẠO
Trường Sơn khi nắng khi mưa rừng. Trên đây mưa nắng như không chia. Con suối mô trong khi mô đục. Nắng mưa năm tháng em đã từng. Nắng mưa năm tháng em đã từng…
Người ta dùng kí hiệu chữ V đặt trên khuông nhạc để đánh dấu câu nhạc.
2.1. Câu nhạc mở rộng V
Là câu nhạc đã được phát triển dài hơn so với câu trước nó. Thông thường là câu thứ hai hoặc câu kết thúc đoạn nhạc.
Có thể mở rộng câu nhạc bằng cách:
NHỚ VỀ HÀ NỘI - HOÀNG HIỆP
Nhớ phố thâm nghiêm rợp bóng cây. Tiếng ve ru những trưa hè. Và nhớ những công viên vừa mới xây, bước chân em chưa mòn lối. Ôi nhớ Hồ Gươm xanh thẳm, nơi Tháp Rùa nghiêng soi bóng, Thành cũ Thăng Long hồn nước non thiêng còn lắng đâu đây dấu xưa oai hùng, Hà Nội ơi!
VẦNG TRĂNG BA ĐÌNH - THUẬN YẾN
Trong lăng Bác vừa chợp nghỉ như sau mỗi việc làm. Trăng ơi trăng biết thế nên trăng bước nhẹ nhàng. Như đầy thuyền trăng ngân, rằm xưa sông Đáy hát. Dưới trăng thuyền Việt Bắc, Bác bận làm việc quân. Gió hàng tre dào dạt, quanh Lăng như đầy thuyền.
HẠT MƯA MÙA XUÂN - TRƯƠNG NGỌC NINH
Ôi mùa xuân, mầm sống sinh sôi, hoa trái cuộc đời. Lửa cháy tình yêu hẹn ước đợi chờ. Ngạt ngào hương mùa xuân đất nước. Ngát xanh chân trời, hạt màu mưa xanh. Ngát xanh chân trời, hạt màu mưa xanh.
- Mở rộng tiết nhạc sau: 
TRỜI HÀ NỘI XANH - VĂN KÝ
Thân thương quá nụ cười người Hà Nội. Đã qua rồi mà bồi hồi nhớ mãi, Hà Nội ơi!
- Nhắc lại một tổ ấm cuối cùng:
BÀI HÁT NA-PÔ-LI - TRAI-CỐP-XKI
2.2. Câu nhạc độc lập
Thông thường thì câu nhạc chỉ là một bộ phận của đoạn nhạc (một đoạn nhạc có nhiều câu). Nhưng cũng có trường hợp một đoạn chỉ có một câu nhạc, hoặc trong đoạn nhạc không phân chia được câu. Lúc đó ta gọi là câu nhạc độc lập. Muốn trở thành câu nhạc độc lập, phải có những điều kiện sau:
- Là kết cấu ở giữa tác phẩm âm nhạc: là đoạn phát triển, là trung gian giữa hai đoạn nhạc trước và sau nó.
- Phải có độ dài ít nhất bằng một câu nhạc trước nó.
- Phải tuân theo quy luật hòa thanh của một đoạn nhạc.
EM LÀ BÔNG HỒNG NHỎ - TRỊNH CÔNG SƠN
Trời mênh mông, đất hiền hòa. Bàn chân em đi nhè nhẹ đưa em vào tình người bao la…
3. Đoạn nhạc
Đoạn nhạc là một đơn vị cơ sở của kết cấu âm nhạc. Đoạn nhạc bao gồm một hoặc vài ý nhạc đã được phát triển một cách trọn vẹn.
Là một đơn vị cơ sở với ý nghĩa bản thân đoạn nhạc có thể là một hình thức của một tác phẩm âm nhạc độc lập (còn tiết nhạc và câu nhạc cũng là một đơn vị của kết cấu âm nhạc, nhưng chỉ là những đơn vị phụ thuộc. Một câu nhạc, một tiết nhạc không thể trở thành một tác phẩm âm nhạc độc lập được).
Đoạn nhạc được coi là phát triển một cách trọn vẹn thể hiện trên hai mặt sau:
- Hòa thanh phải được tiến hành kết trọn.
- Kết cấu phải được phát triển bằng hai câu nhạc cân xứng nhau.
XÔ-NÁT SỐ 5 - BÊ-TÔ-VEN
Đoạn nhạc trên được phát triển từ hai ý nhạc, kết cấu thành hai câu: Câu một 4 nhịp kết tạm ở bậc V (âm 3); câu hai kết trọn ở bậc V (chuyển điệu).
Thông thường đoạn nhạc gồm hai câu, nhưng cũng có khi đoạn nhạc chỉ có một câu, đó là câu nhạc độc lập (xem mục Câu nhạc độc lập). Cũng có khi đoạn nhạc gồm ba câu - một trong hai câu được nhắc lại (bài Bước chân trên dải Trường Sơn của Vũ Trọng Hối hoặc đoạn nhạc bài Ngôi sao cô đơn của Thanh Tùng). Cũng có khi đoạn nhạc gồm nhiều câu hơn - đó là những tiết nhạc độc lập.
Đoạn nhạc có nhiều hình thức (sẽ nói tới ở phần sau: Hình thức âm nhạc).
Đoạn nhạc cũng có nhiều loại, ba loại đoạn nhạc có tính chất khác nhau:
Đoạn trình bày (đoạn đầu).
Đoạn phát triển (đoạn giữa, đoạn sau).
Đoạn tái hiện (đoạn cuối).
3.1. Đoạn trình bày (đoạn a)
Là đoạn nhạc mở đầu một tác phẩm âm nhạc (khi tác phẩm có nhiều đoạn) hoặc là đoạn nhạc độc lập (tác phẩm chỉ có một đoạn) mang tính chất trình bày ý nhạc hoặc những ý nhạc sẽ triển khai trong tác phẩm.
- Trình bày ý nhạc, trình bày giọng điệu, trình bày tiết tấu và kết cấu tác phẩm. Do đó ổn định, ít có biến động về phát triển âm hình ý nhạc, về hòa thanh thay đổi giọng điệu, v.v... Cốt đạt hiệu quả cho người nghe nắm bắt được ngay nội dung âm nhạc mà tác phẩm muốn truyền đạt.
Thí dụ:
Xô – nát số 5 của Bê-tô-ven là một đoạn nhạc trình bày (đoạn đầu) trong chương II.
3.2. Đoạn phát triển (đoạn b)
Là đoạn nhạc tiếp sau đoạn trình bày mang tính chất phát triển âm nhạc.
- Phát triển âm hình ý nhạc: Thường xuất hiện những âm hình mới (phát triển từ âm hình cũ).
- Phát triển hòa thanh: Thường trên một nền hòa thanh mới, một giọng điệu mới không phải là giọng chủ, luôn thay đổi, không dừng lâu ở rnột giọng điệu nào.
- Phát triển kết cấu: Thường khác với kết cấu ở đoạn trước, hav bị xé lẻ cắt rời ra so với kết cấu ở đoạn trình bày. Có khi là kết cấu hai câu, mỗi câu hai tiết, nhưng cũng có khi là kết cấu tự do, chỉ có một câu nhạc, hoặc không phân chia được.
Nói chung, đoạn phát triển mang tính không ổn định, cốt gây nên sự xáo động so với đoạn trình bày, tạo nên tính tương phản trong âm nhạc.
HÀ NỘI MÙA THU - VŨ THANH
Thu đi dài năm tháng, vinh quang và duyên dáng, cho ta gương mặt sáng ngời. Dáng vóc của Thủ đô, Ôi sao yêu quý Hà Nội ơi!
Có khi nó là đoạn giữa của tác phẩm âm nhạc có hình thức ba đoạn như thí dụ trên, nhưng cũng có khi lại là đoạn sau của tác phẩm âm nhạc có hình thức hai đoạn. Lúc này nó vừa mang tính phát triển không ổn định (thể hiện ở câu 1), vừa mang tính ổn định để kết thúc tác phẩm (thể hiện ở câu 2).
Đoạn sau (đoạn phát triển) trong bài Khát vọng mùa xuân của Mô-da.
Khao khát mùa xuân yên vui lại đến sẽ thấy muôn hoa đẹp xinh. Này thời gian ơi những tháng năm đợi chờ đến đây ta đang mong chờ…
3.3. Đoạn tái hiện
Tái hiện là nhắc lại sau khi đã qua một giai đoạn phát triển nếu chỉ nhắc lại mà chưa qua giai đoạn phát triển thì chỉ là nhắc lại thôi, không gọi là tái hiện).
Đoạn tái hiện là đoạn trình bày được nhắc lại một lần nữa sau khi đã qua một đoạn phát triển.
Nó có đầy đủ tính chất như đoạn trình bày chỉ khác chút ít:
- Hòa thanh yêu cầu ổn định về chủ âm (khác với đoạn trình bày có thể kết chuyển điệu).
- Có thể mở rộng câu thứ hai trước khi kết - mở rộng cốt để khẳng định giọng điệu.
- Có thể kết bổ sung, kết vĩ - cũng để khẳng định chủ âm, gây hiệu quả ổn định hoàn toàn.
PRÊ-LUÝT CHO GHI-TA SỐ 37 - CA-RUY-LI
C. NHỮNG KẾT CẤU PHỤ
Ngoài những kết cấu chính, tác phẩm âm nhạc còn có những kết cấu phụ. Đó là những ý nhạc dùng để mở đầu, làm câu nối hoặc kết vĩ (vĩ thanh) trước, sau một tác phẩm âm nhạc, hoặc trước, sau một kết cấu âm nhạc. Tuy gọi là những kết cấu phụ nhưng nó là một bộ phận hữu cơ không thể thiếu được của một tác phẩm âm nhạc. Gọi nó là những kết cấu phụ vì không bắt buộc tác phẩm nào cũng phải có. Trong thanh nhạc - nhất là những ca khúc, nó có thể thay đổi tùy theo người phối khí, người chỉ huy dàn dựng và ca sĩ biểu hiện. Cũng là một bài hát, nhưng mỗi dàn nhạc đệm, mỗi ca sĩ biểu hiện lại có một câu dạo khác, một cầu nối khác hoặc kết một cách khác nhau.
1. Dạo đầu
Dạo đầu là một bộ phận âm nhạc dùng để mở đầu một tác phẩm âm nhạc trước khi đoạn trình bày xuất hiện, nhằm mục đích:
- Gây không khí cần thiết chuẩn bị cho người nghe tiếp thu nội dung âm nhạc.
- Tóm tắt nội dung âm nhạc sẽ trình bày trong tác phẩm.
- Chuẩn bị giọng điệu, âm hình, tiết tấu (đối với ca khúc) cho người nghe và cho ca sĩ biểu hiện.
- Dạo đầu có khi chỉ là một vài âm hình đệm xuất hiện trước:
THÁNG SÁU (Trích Tổ khúc Bốn mùa) - TRAI-CỐP-XKI
- Có khi là nhưng ý nhạc, những tiết nhạc cô đọng của nội dung âm nhạc xuất hiện trước:
VAN-XƠ SỐ 1 - SÔ-PANH
- Có khi lấy câu cuối của tác phẩm đưa lên làm dạo đầu:
ĐỊU CON ĐI NHÀ TRẺ - ĐÀO NGỌC DUNG
Có khi đưa hẳn một đoạn nhạc mới vào làm dạo đầu:
CHỜ EM TRONG CƠN MƯA – THẾ HIỂN
- Thông thường dạo đầu chỉ xuất hiện một lần hoặc hai lần (khi tác phẩm được biểu diễn lại), nhưng cũng có khi nó là một nội dung gắn bó hữu cơ với các kết cấu chính và tác giả cũng dùng nó để phát triển.
Thí dụ: Chủ đề mở đầu của Xô-nát số 8 của Bê-tô-ven, chủ đề mở đầu bản Giao hưởng số 6 của Trai-cốp-xki.
Trong ca khúc ít thấy trường hợp đó.
HỒ CHÍ MINH - ĐẸP NHẤT TÊN NGƯỜI - TRẦN KIẾT TƯỜNG
Dạo đầu bằng câu hò:
Phát triển thành cầu nối:
Phát triển thành kết vĩ:
2. Cầu nối
Cầu nối là một bộ phận âm nhạc dùng để nối giữa hai kết cấu chính của tác phẩm, nhằm mục đích:
- Liên kết các nội dung âm nhạc với nhau.
- Dẫn dắt người nghe tới một nội dung âm nhạc mới tương phản với nội dung trên.
- Giữ tiết tấu, nhịp độ giữa hai kết cấu để âm nhạc khỏi ngưng nghỉ rời rạc.
- Có khi chỉ là một ý nhạc ngắn:
THÁNG SÁU (Trích Tổ khúc Bốn mùa) - TRAI-CỐP-XKI
- Có khi là một ý nhạc của kết cấu trước phát triển dẫn dắt tới sự xuất hiện của kết cấu sau:
ALBUM THIẾU NHI SỐ 16 - TRAI-CỐP-XKI
- Có khi chỉ đơn thuần nhắc lại một ý nhạc trước.
- Có khi chỉ dùng tiết tấu đệm để nối hai kết cấu có tiết tấu khác nhau:
VẦNG TRĂNG BA ĐÌNH - THUẬN YẾN
Mênh mông mênh mông và thiêng liêng. Trong lăng Bác vừa chợp nghỉ như sau mỗi việc làm. Trăng ơi trăng biết thế nên vững bước nhẹ nhàng. Như đầy thuyền trăng ngân. Rằm xưa sông Đáy hát…
- Có khi là một nội dung âm nhạc mới:
LỜI RU TRÊN NƯƠNG - TRẦN HOÀN
Ả ơi mà ngủ cho ngoan. Lưng núi thì to mà lưng mẹ thì nhỏ… 
Trong một tác phẩm âm nhạc có khi có nhiều cầu nối khác nhau: cầu nối giữa hai câu, cầu nối giữa hai đoạn, cầu nối giữa hai phần... và thường nó chỉ xuất hiện có một lần (trừ khi tác phẩm được quay lại). Nhưng cũng có khi cầu nối có vị trí quan trọng ngang nhau như các chủ đề khác và cũng được phát triển trong tác phẩm: chủ đề nối giữa chủ đề I và chủ đề II trong bản xô-nát.
XÔ-NÁT PI-A-NÔ SỐ 2 - BÊ-TÔ-VEN
3. Kết vĩ (vĩ thanh)
Kết vĩ là một bộ phận âm nhạc thêm vào sau khi kết cấu chính của tác phẩm đã được kết, nhằm mục đích:
- Gây dư âm cho người nghe.
- Khẳng định thêm nội dung âm nhạc đã triển khai ở những kết cấu chính (như một thứ kết luận tóm tắt).
- Có khi chỉ là những họp âm chủ được nhắc đi nhắc lại:
VAN-XƠ SỐ 2 - SÔ-PANH
Có khi dùng âm chính ở đoạn đầu làm kết vĩ:
ANH VẪN HÀNH QUÂN - HUY DU
Dù thời gian phai sắc. Đất nước còn chia cắt. Vẫn bước đi không ngừng. Anh vẫn hành quân, như ngày xưa chiến dịch (Hưm.……).
- Có khi nhắc lại vài lần tiết nhạc cuối cùng, biến chúng thành kết vĩ:
VẪN HÁT RU EM – TRẦN LONG ẨN
Nghiêng vai vài lần gánh vác. Vẫn hát ru em nồng nàn. Nghiêng vai vài lần gánh vác. Vẫn hát ru em nồng nàn. Nghiêng vai vài lần gánh vác. Vẫn hát ru em nồng nàn.
- Có khi chỉ do ca sĩ trình bày (trong ca khúc) tạo nên một kết vĩ để khoe giọng và diễn đạt tình cảm của mình:
TÙY HỨNG QUA CẦU - TRẦN TIẾN
Ôi ngắm sông nhớ em buồn đến khóc. Mình anh ca điệu lí qua cầu. Bằng lòng đi em bằng lòng. Bằng lòng đi em bằng lòng. Bằng lòng đi, người em nhỏ xíu. Khúc dân ca bắc cầu em tới. Bằng lòng đi, người em nhỏ xíu. Khúc dân ca điệu lý qua cầu.
Dạo đầu, cầu nối, kết vĩ là những kết cấu phụ, nhưng không thể bỏ qua khi phân tích, vì nó vẫn là những bộ phận hữu cơ của toàn bộ tác phẩm âm nhạc. Có khi nó còn là những nét nhạc cô đọng mà người nghe nhớ hơn nét nhạc chính. Sở dĩ gọi là kết cấu phụ vì đây là những kết cấu không bắt buộc tác phẩm nào cũng phải có. Trong tác phẩm nhạc không lời thì những kết cấu phụ (nếu có) đều được ghi trong bản nhạc. Còn trong các tác phẩm thanh nhạc, các kết cấu phụ đều phải có, nhưng thông thường các tác giả không ghi vào bản nhạc, mà để dành phần sáng tạo đó cho từng ban nhạc, từng ca sĩ thể hiện. Đã không ghi trong bản nhạc thì không nhất thiết phải nhắc tới khi phân tích. 

Phần 2. HÌNH THỨC ÂM NHẠC
Chương 1. NHỮNG HÌNH THỨC CƠ BẢN
- Hình thức một đoạn
- Hình thức hai đoạn
- Hình thức ba đoạn đơn
A. HÌNH THỨC MỘT ĐOẠN
1. Định nghĩa
Hình thức một đoạn là hình thức của tác phẩm âm nhạc được cấu tạo bằng một đoạn nhạc gồm một hoặc nhiều ý nhạc (âm hình) đã được phát triển một cách trọn vẹn.
- Hình thức một đoạn nhạc được cấu tạo bằng một ý nhạc (một âm hình).
THẬT LÀ HAY - HOÀNG LÂN
Nghe véo von trong vòm cây. Họa mi với sơn ca. Hai chú chim cao giọng hót. Hót líu lo vang lừng. Vui rất vui, bay từ xa. Chim oanh tới hát theo. La la la. Là lá la. Thật là hay hay hay.
Bài Thật là hay là tác phẩm âm nhạc được viết ở hình thức một đoạn nhạc. Đoạn nhạc đó được cấu tạo chỉ bằng một ý nhạc có hình tiết tấu:
- Hình thức một đoạn nhạc được cấu tạo bằng hai ý nhạc:
XÔN XAO MÙA XUÂN - HUY TRÂN
Vừa phải - Tha thiết
Muôn cánh hoa đua nở, khoe sắc hương ngọt ngào. Chào mùa xuân đến thăm những cánh chim tuổi xanh. Trong nắng xuân chan hòa, bao cánh hoa đào nở. Gọi niềm mơ ước trào dâng trong tuổi xanh.... 
Đoạn đầu bài Xôn xao mùa xuân của Huy Trân có hình thức một đoạn. Đoạn nhạc đó được cấu tạo bằng hai ý nhạc.
- Ý nhạc một có hình tiết tấu.
- Ý nhạc hai có hình tiết tấu.
- Hình thức một đoạn nhạc được cấu tạo bằng ba, bốn hoặc nhiều ý nhạc.
ĐÊM TRƯỜNG SƠN NHỚ BÁC - TRẦN CHUNG
Vừa phải - Nhẹ nhàng
Đêm Trường Sơn. Chúng cháu nhìn trăng nhìn cây. Cảnh về khuya như vẽ. Bâng khuâng chúng cháu nghĩ: Bác như đã đến nơi này.
Đoạn đầu của bài Đêm Trường Sơn nhớ Bác được viết ở hình thức một đoạn nhạc. Đoạn nhạc đó được cấu tạo bằng nhiều ý nhạc:
Ý nhạc một: có hình tiết tấu (3 nhịp – tiết gọn)
Ý nhạc hai: có hình tiết tấu (4 nhịp - tiết gọn)
Ý nhạc ba: có hình tiết tấu (5 nhịp - tiết lệch)
Ý nhạc bốn: có hình tiết tấu (4 nhịp - tiết lệch)
- Dù hình thức một đoạn nhạc được cấu tạo bằng một hoặc nhiều ý nhạc, thì một hoặc nhiều ý nhạc ấy phải được phát triển một cách trọn vẹn. Trọn vẹn đây phải hiểu theo hai ý:
+ Phải trọn vẹn về kết cấu: Thông thường hình thức một đoạn có kết cấu hai câu. Hai câu là cơ sở tư duy đơn giản của con người để tìm hiểu sự vật, tìm hiểu thế giới.
Câu hỏi và câu trả lời: - Đây là cái gì?
- Đây là cái bàn.
Câu gọi và câu thưa: - Con ơi! - Dạ, con đây.
- Con ở đâu đấy? - Con ở trong bếp.
Câu đối và câu đáp: - Trời sinh ông Tú Cát.
- Đất nứt con bọ hung.
(Trạng Quỳnh)
Nếu chỉ có câu một là vế hỏi (hoặc vế gọi, hoặc vế đối) mà không có câu 2 là vế trả lời (hoặc vế thưa, hoặc vế đáp) thì chưa trọn vẹn về kết cấu.
Thí dụ câu đối:
Vế đối: Ai cổng hầu? Ai khanh tướng?
Trong trần ai, ai dễ biết ai?
Vế đáp: Thế Chiến quốc, thế Xuân thu.
Gặp thời thế, thế thời phải thế.
(Vế đối của Đặng Trần Thường, vế đáp của Ngô Thì Nhậm)
Hãy so sánh câu đối ấy với hình thjức một đoạn nhạc ta sẽ thấy rõ ý nghĩa trọn vẹn trong kết cấu âm nhạc.
+ Phải được tiến hành kết mới trọn vẹn. Mỗi loại hình nghệ thuật đều có dấu hiệu kết riêng. Trong âm nhạc dấu hiệu đó là hòa thanh: Kết phải về âm chủ, hợp âm chủ, và thường có công thức tiến hành các hợp âm kết như sau:
XÔ-NÁT SỐ 8 (chương III) - BÊ-TÔ-VEN
Trong ca khúc vì chỉ có một bè giai điệu nên khi kết không thể hiện rõ được công thức, nhưng dù sao cũng phải được kết về chủ.
Như những thí dụ trên:
Bài Thật là hay đã được kết ở âm chủ (bậc 1 giọng Đô trưởng).
Bài Xôn xao mùa xuân đã được kết ở âm chủ (bậc I giọng Sol trưởng).
Bài Đêm Trường Sơn nhớ Bác đã được kết ở âm chủ (bậc 1 giọng Mi thứ).
Cũng có khi kết không về âm I (âm chủ) mà lại về âm III của hợp âm chủ.
MÙA HOA PHƯỢNG NỞ - HOÀNG VÂN
... Hãy nhớ lấy lời người. Hãy nhớ lấy lời người. Mang trong, tim màu thắm khăn quàng. Mang trong tim màu thắm hoa phượng.
Cũng có khi lại kết bằng âm V của hợp âm chủ.
LÁ ĐỎ - HOÀNG HIỆP - NGUYỄN ĐÌNH THI
... Chào em em gái tiền phương ơi em gái tiền phương hẹn gặp nhé, giữa Sài Gòn.
Cũng có khi vẫn kết về chủ nhưng không phải âm chủ của giọng cũ mà về âm chủ của giọng mới (kết chuyển điệu).
HÀNH KHÚC NGƯỜI LÍNH TRẺ - SU-MAN
(Chủ mới giọng Rê trưởng)
2. Các dạng khác nhau của hình thức một đoạn
2.1. Hình thức một đoạn có kết cấu vuông vắn và một đoạn có kết cấu không vuông vắn
a) Hình thức một đoạn có kết câu vuông vắn
Là hình thức một đoạn nhạc có số câu chẵn (2 hoặc 4 câu); mỗi câu lại có số tiết chẵn (2 hoặc 4 tiết) mỗi tiết lại có số nhịp chẵn (2, 4 hoặc 8 tiết).
Thí dụ:
Bài Thật là hay là hình thức một đoạn có kết cấu vuông vắn, vì nó có 2 câu, mỗi câu có 2 tiết, mỗi tiết có 4 nhịp.
Bài Xôn xao mùa xuân cũng là hình thức một đoạn có kết cấu vuông vắn, vì nó có 2 câu; mỗi câu có 2 tiết; mỗi tiết có 2 nhịp (tiết lệch).
Bản Xô-nát số 5 Bê-tô-ven cũng là hình thức một đoạn nhạc có kết cấu vuông vắn, vì nó có 2 câu; mỗi câu có 2 tiết; mỗi tiết có 2 nhịp tiết lệch.
b) Hình thức một đoạn có kết cấu không vuông vắn
Là hình thức một đoạn nhạc có một trong các điều kiện sau đây:
- Có số câu lẻ (không chẵn). Cả đoạn chỉ có một câu (câu nhạc độc lập), hoặc cả đoạn có 3 hoặc 5 câu.
- Mỗi câu có số tiết lẻ (không chẵn) - 3 hoặc 5 tiết.
- Mỗi tiết có số nhịp lẻ hoặc số phách lẻ (tiết lẻ).
Thí dụ:
Bài Đêm Trường Sơn nhớ Bác là đoạn nhạc có kết cấu không vuông, vì tuy được chia làm 2 câu, mỗi câu 2 tiết, song từng tiết lại có số nhịp lẻ hoặc phách lẻ.
BƯỚC CHÂN TRÊN DẢI TRƯỜNG SƠN - VŨ TRỌNG HỐI
Ta vượt trên triển núi cao Trường Sơn. Đá mòn mà đôi gót không mòn. Ta đi nhằm phương xa gió ngàn đưa chân ta về quê hương. Ta về trong gió đang dâng triều lên. Máu thấm đường ta đi lẫn mồ hôi rơi tình quê tha thiết. Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình.
Bài Bước chân trên dải Trường Sơn là hình thức một đoạn nhạc không vuông vắn vì nó có số câu lẻ (3 câu) tuy rằng mỗi câu có số tiết chẵn và mỗi tiết cũng có số nhịp chẵn.
GỌI BƯỚM - ĐÀO NGỌC DUNG
Nhanh - Vui
Con bướm là con bướm xinh là con bướm là con bướm hồng. Con bướm là con bướm xinh là con bướm là con bướm trắng. Bướm ơi là bướm. Hỡi bướm hãy về đây chơi, ở đây có ngàn hoa thắm ngàn hoa thắm nở trên đất vàng. Bướm ơi về đây vui chơi cùng chúng em về đây vui chơi.
Bài Gọi bướm cũng là hình thức một đoạn không vuông vắn, vì câu thứ 2 có 3 tiết.
2.2. Hình thức một đoạn nhạc chuyển điệu và không chuyển điệu
a) Hình thức một đoạn không chuyển điệu (đoạn đóng)
Là hình thức một đoạn nhạc mà mở đầu và kết thúc ở cùng một giọng điệu.
Thí dụ:
- Bài Thật là hay mở đầu bằng giọng Đô trưởng, kết thúc cũng ở giọng Đô trưởng.
- Bài Xôn xao mùa xuân rnở đầu và kết thúc đều ở giọng Sol trưởng.
- Bài Gọi bướm và bài Bước chân trên dải Trường Sơn mở đầu và kết thúc đều ở giọng Mi thứ.
b) Hình thức một đoạn chuyển điệu ở đoạn mở
Là hình thức một đoạn nhạc mà mở đầu và kết thúc ở hai giọng điệu khác nhau…
Thí dụ:
Bài Hành khúc người lính trẻ viết ở giọng Sol trưởng nhưng kết thúc đoạn đó lại ở một giọng khác là giọng Rê trưởng.
Trong ca khúc thông thường là chuyển điệu gần (sang phía sau âm chủ của giọng mới là âm bậc V của giọng cũ).
Thí dụ đoạn đầu bài Bác Hồ - Người cho em tất cả (Nhạc Hoàng Long Hoàng Lân - Lời: phỏng thơ Phong Thu) viết ở giọng Đô trưởng nhưng kết thúc đoạn đó lại ở giọng Sol trưởng (Sol là bậc V của Đô).
Đoạn đầu bài Chiều thu nhớ trường (Cao Minh Khanh) viết ở giọng Rê thứ nhưng kết thúc đoạn đó lại ở giọng La thứ (La là bậc V của Rê).
Còn trong khí nhạc có khi chuyển sang bậc V (như bài Hành khúc người lính trẻ) nhưng cũng có khi chuyển sang các bậc khác nữa:
CA KỊCH I-VAN - XU-XA-NHIN (Phần mở đầu)- GLIN-CA
Trong thí dụ trên là hình thức một đoạn chuyển điệu sang bậc III (giọng kết Rê thứ so với giọng ban đầu Si giáng trưởng).
QUA-TUY-O - (Chương II) - BÊ-TÔ-VEN
Trong thí dụ trên là hình thức đoạn nhạc chuyển điệu sang bậc VII (giọng kết Rê trưởng so với giọng ban đầu Mi thứ).
BÀI CA CÔNG CHÚA - SU-BE
Bạn ơi có biết chăng ánh dương tỏa sáng chân trời. Ngàn hoa tươi đang hé môi cười cùng ai đó bạn ơi.
Trong thí dụ trên là hình thức đoạn nhạc chuyển điệu sang bậc III (giọng kết Sol trưởng so với giọng ban đầu Mi trưởng).
2.3. Hình thức một đoạn đơn và hình thức một đoạn kép, một đoạn phức
a) Hình thức một đoạn đơn
Là hình thức của tác phẩm âm nhạc được cấu tạo bằng một đoạn nhạc đơn giản. Cả đoạn chỉ có 2 câu, mỗi câu 2 tiết, mỗi tiết chỉ có 2 nhịp kép (4/4; 6/4; 6/8) hoặc 4 nhịp đơn (2/4; 3/8; 3/4). Có thể câu 2 được mở rộng bằng cách nhắc lại một tiết nhạc, hoặc thêm một hai nhịp để kết.
Thí dụ: Bài Thật là hay, bài Hành khúc người lính trẻ là hình thức một đoạn đơn, vì cả đoạn chỉ có 2 câu, mỗi câu 2 tiết, mỗi tiết 4 nhịp 2/4. Bản Xô-nát số 8 Bê-tô-ven cũng là hình thức một đoạn đơn, vì cả đoạn chỉ có 2 câu, mỗi câu 2 tiết, mỗi tiết 2 nhịp C. Bài Gọi bướm cũng là hình thức một đoạn đơn, vì cả đoạn có 2 câu, câu 2 có mở rộng thêm một tiết 4 nhịp 2 nữa.
b) Hình thức một đoạn kép
Là hình thức một đoạn đã được nhắc lại một lần nữa. Không phải nhắc lại nguyên si mà là nhắc lại có thay đổi.
Thường thấy mấy cách thay đổi khi nhắc lại như sau:
- Thay đổi kết.
- Thay đổi tiết cuối, câu cuối (hoặc mở rộng câu cuối).
- Thay đổi âm vực (mô phỏng).
- Thay đổi giọng điệu.
EM LÀ BÔNG HỒNG NHỎ - TRỊNH CÔNG SƠN
Em sẽ là mùa xuân của mẹ. Em sẽ là màu nắng của cha. Em đến trường học bao điều lạ. Môi hé cười là những nụ hoa.
Trang sách hồng nằm mơ màng ngủ. Em gối đầu lên những vần thơ. Em thấy mình là hoa hồng hoa nhỏ. Bay giữa đời làm mát ngày qua.
Thí dụ trên là hình thức một đoạn nhạc kép, vì nó là một đoạn nhạc được nhắc lại. Khi nhắc lại có thay đổi kết. Lúc đầu được kết chuyển điệu (kết ở bậc V giọng Rê trưởng). Khi nhắc lại được kết ở bậc I (giọng Sol trưởng).
ĐỊU CON ĐI NHÀ TRẺ - ĐÀO NGỌC DUNG
Con thương ơi! Con quý ơi! Nhà trẻ đó con nằm con chơi. Con thương ơi! Con quý ơi! Mẹ địu con đi nhà gửi trẻ. Nhà trẻ đó trên cao này bốn phương trời thổi gió hương bay. Trông dòng suối, trông bản làng. Nắng tươi vàng trải nương lúa vàng. Con thương ơi! Con quý ơi!
Thí dụ trên cũng là hình thức một đoạn kép: Khi đoạn nhạc được nhắc đã có mấy sự thay đổi:
- Âm hình đầu đã thay đổi âm vực bằng mô phỏng nâng lên một quãng 5.
- Câu thứ hai (khi nhắc lại) đã được mở rộng thêm một tiết nữa.
- Kết cũng thay đổi, lần đầu kết ở bậc V khi quay lại kết về bậc I (giọng Sol). 
GIAO HƯỞNG SỐ 3 (Chương II) – BÊ-TÔ-VEN
Thí dụ trên cũng là hình thức một đoạn nhạc kép: Lần nhắc lại, đoạn nhạc đã được nâng lên âm vực cao hơn (quãng 8), đã thay đổi giọng điệu (từ Đô thứ thành Mi giáng trưởng) và thay đổi tiết cuối, thay đổi kết.
c) Hình thức một đoạn phức
Là hình thức một đoạn nhạc có kết cấu tự do, phức tạp.
- Tự do trong kết cấu:
+ Có nhiều câu nhạc trong một đoạn.
+ Có khi chỉ có hai câu nhưng mỗi câu lại có nhiều tiết.
- Phức tạp trong kết cấu:
 Không do một hay hai âm hình phát triển ra mà do nhiều âm hình khác nhau. Do đó có khi phân câu phân tiết được, nhưng có khi khó phân câu phân tiết, thậm chí không phân được.
CON KÊNH TA ĐÀO - PHẠM TUYÊN
Con kênh ta đào chưa có nước chảy qua. Chỉ có nắng mùa hè nóng bỏng. Mồ hôi muối lưng áo em bạc trắng. Con kênh bây giờ chưa là con kênh xanh. Giọt mồ hôi tròn lăn trên đất long lanh. Tóc em búi gió vương xòa trên má. Trời quê hương rất quen mà rất lạ. Cứ xanh trong thăm thẳm ở trên đầu.
Thí dụ trên là hình thức một đoạn phức, vì đó là một đoạn có nhiều câu (mỗi câu là một tiết nhạc độc lập).
ĐƯA ANH ĐI HÁI MĂNG RỪNG - HOÀNG TẠO
Trường Sơn khi nắng khi mưa rừng. Trên đây mưa nắng như không chia. Con suối mô trong khi mô đục. Nắng mưa năm tháng em đã từng. Nắng mưa năm tháng em đã từng. Hành quân qua đây anh nghỉ lại. Cơm nước có bếp em sẵn đây. Các anh ưa thích món ăn măng. Em đưa đi hái cái măng non. Chúng em theo dấu cây măng mọc. Đưa anh đi hái cái măng rừng.
Trong thí dụ trên đoạn nhạc chỉ có 2 câu. Mỗi câu lại có nhiều tiết: Câu một có 5 tiết; câu 2 có 6 tiết. Đó là hình thức một đoạn phức. 
CUNG ĐÀN MÙA XUÂN - CAO VIỆT BÁCH
Em ơi vút lên một tiếng đàn. Kìa đàn đã so dây cung đàn đã lựa phím ớ ơ. Đất nước mình xôn xao mùa xuân đang nở rộ. Bình minh chiến thắng reo ca. Xuân về non nước bao la. Mầm sống ta ươm giữa đời. Tay anh nâng ngọn đèn em che ngọn gió anh nâng mầm trổ em trút nắng vàng.
Thí dụ trên là hình thức một đoạn phức có kết cấu tự do phức tạp. Cả đoạn gồm nhiều ý nhạc khác nhau nối tiếp nhau, khó phân tiết phân câu một cách chính xác được.
Câu 1 có 2 tiết khác nhau (một tiết 4 nhịp + một tiết 6 nhịp).
Câu 2 có 4 tiết khác nhau (một tiết 5 nhịp + một tiết 4 nhịp + một tiết 4 nhịp + một tiết 4 nhịp).
Câu 3 có 2 tiết khác nhau (một tiết 4 nhịp + một tiết 5 nhịp). 
3. Sơ đồ của hình thức một đoạn
3.1. Quy ước các kí hiệu dùng trong sơ đồ
Đoạn nhạc: Kí hiệu bằng các chữ: a, b, c...
Câu nhạc: Kí hiệu bằng các chữ: x, y, z...
Tiết nhạc: Kí hiệu bằng chữ t + con số: t1, t2, t3,...
Dấu phảy (’) đặt bên cạnh là kí hiệu những lần phát triển:
t1’ = tiết một đã được phát triển lần thứ nhất
t2” = tiết một đã được phát triển lần thứ hai
x’ = câu nhạc đã được phát triển lần thứ nhất
Dấu mũi tên lên là kí hiệu tiết nhạc, câu nhạc, đoạn nhạc đã được mở rộng.
Con số đặt dưới kí hiệu tiết nhạc là số nhịp và sự phân chia tiết tấu của tiết đó.
Các chữ cái in hoa và chữ viết thường ở dòng cuối là kí hiệu chỉ hòa thanh.
3.2. Sơ đồ hình thức một đoạn được cấu tạo bằng một âm hình
- Hành khúc người lính trẻ - Suman
- Thật là hay - Hoàng Lân
3.3. Sơ đồ hình thức một đoạn được cấu tạo bằng 2 âm hình (2 hình tiết tấu khác nhau)
- Xôn xao mùa xuân - Huy Trân
- Gọi bướm - Đào Ngọc Dung
3.3. Sơ đồ hình thức một đoạn cấu tạo bằng 3 âm hình (3 hình tiết tấu khác nhau)
- Xô-nát số 8 - Bê-tô-ven
- Bài ca công chúa - Su-be
4. Tính chất của hình thức một đoạn
4.1. Tính triết tí
Con người muốn tìm hiểu sự việc, sự vật gì thì đầu tiên người ta đặt câu hỏi:
- Đây là cái gì?
- Tại sao lại có 4 mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông?
Sau đó tìm câu trả lời:
- Đây là cái bàn.
- Tại vì trái đất quay xung quanh mặt trời.
Gọi và thưa, hỏi và trả lời chính là hình thức tư duy đơn giản của con người để tìm hiểu sự việc, sự vật và khám phá thế giới.
Đó là cơ sở của các hình thức nghệ thuật:
- Hát đối đáp, hát trao duyên (Trong dân ca Việt Nam).
- Đối câu đối - văn biền ngẫu (Trong vãn học cổ Việt Nam).
Đó cũng là cơ sở triết lí của hình thức một đoạn trong nghệ thuật âm nhạc (Xem mục định nghĩa hình thức một đoạn, mục giải thích ý nghĩa trọn vẹn).
4.2. Tính tương phản và thống nhất
Đây là một đặc tính của nghệ thuật âm nhạc.
Hai âm đi với nhau, hai nhịp liền nhau, hai tiết, hai câu, hai đoạn, hai chương nhạc nối tiếp nhau đều phải khác nhau, tương phản với nhau. Đó chính là động lực để phát triển âm nhạc.
Nhưng không phải khác nhau, tương phản với nhau như nước với lửa, mà vừa tương phản lại vừa phải thống nhất với nhau để cùng tổn tại, bổ sung cho nhau, thúc đẩy lẫn nhau trong một tác phẩm hoàn chỉnh.
Tính tương phản và thống nhất trong hình thức một đoạn nhạc thường được biểu hiện ở các yếu tố chính sau đây:
- Âm hình thường được nhắc lại (biểu hiện tính thống nhất), nhưng mỗi lần nhắc lại đểu được phát triển khác trước (biểu hiện tính tương phản). Hòa thanh thường được viết ở cùng một giọng điệu (biểu hiện tính thống nhất), nhưng những âm kết câu, kết đoạn thường khác nhau (biểu hiện tính tương phản). Cũng có những đoạn nhạc chuyển điệu - khi kết chuyển sang giọng điệu khác - (biểu hiện tính tương phản), nhưng giọng chuyển đó thường có họ hàng gần với giọng chính và nằm trong vòng chức năng của giọng chính (biểu hiện tính thống nhất).
- Kết cấu thường có chu kì nhắc lại từng câu một - câu 2 nhắc lại câu một - (biểu hiện tính thống nhất), nhưng thường nhắc lại có thay đổi chỗ cuối (biểu hiện tính tương phản). Cũng có khi không có chu kì nhắc lại từng câu một thì lại có chu kì nhắc lại từng tiết một (những tiết nhạc độc lập).
Cũng có khi câu 2 nhắc lại nguyên si câu một. Khi đó tính tương phản lại được biểu hiện ở trong nội bộ từng tiết một.
4.3. Tính ổn định và không ổn định
Đây cũng là một đặc tính của nghệ thuật nói chung và nghệ thuật âm nhạc nói riêng. Đây cũng là một yếu tố tạo nên sự tương phản và thống nhất của tác phẩm.
a) Tính ổn định thường được biểu hiện trên các mặt sau:
+ Trình bày và củng cố giọng điệu chính (ngay từ nhịp đầu, tiết đầu phải xuất hiện 2 âm trụ của giọng (bậc I,V) và âm xác định điệu của giọng (bậc III)).
+ Tiết tấu thuận, (trọng âm có trường độ dài hơn) kết cấu tiết mạnh.
+ Độ cao của giai điệu được tiến hành tuần tự.
+ Giai điệu ở âm vực trung.
+ Tốc độ đều (nhanh đều hoặc chậm đều).
+ Lực độ đều (mạnh đều hoặc nhẹ đều).
+ Có chu kì nhắc lại nhiều lần (nhắc lại âm hình, nhắc lại tiết, nhắc lại câu).
b) Ngược lại với những mặt trên là biểu hiện của tính không ổn định
+ Thoát li khỏi giọng điệu chính.
+ Hợp âm nghịch.
+ Tiết tấu nghịch (nghịch phách, đảo phách hoặc tiết yếu).
+ Độ cao của giai điệu tiên hành bằng những bước nhảy xa và đột ngột.
+ Giai điệu ở âm vực cao hoặc âm vực trầm.
+ Đột ngột tăng hoặc kìm tốc độ.
+ Lực độ tăng lên quá to (f, ff) hoặc xuống quá nhỏ (pp - ppp).
+ Kết cấu thay đổi liên tục không có chu kì nhắc lại.
Trong hình thức một đoạn nhạc thì mở đầu và kết thúc (đầu câu một và cuối câu hai) âm nhạc phải ổn định còn ở giữa đoạn (cuối câu một và đầu câu hai) âm nhạc thường không ổn định.
Thí dụ: Bài Gọi bướm - Đào Ngọc Dung.
Mở đầu và kết thúc rất ổn định vì:
- Giọng điệu được trình bày và củng cố: đã xuất hiện rõ ràng các âm trục của giọng (bậc I, bậc V Mi, Si) và bậc III (Sol).
- Nền hòa thanh là hợp âm thuận (hợp âm 3 chủ).
- Độ cao của giai điệu được tiến hành tuần tự. Có những quãng 3 (Si Sol) và quãng 5 (Si Mi) nhưng là các quãng của hợp âm chủ.
- Giai điệu ở âm vực trung. Tốc độ (hơi nhanh) và lực độ (mf) đều.
- Tiết tấu thuận: Âm La và âm Mi (tiết đầu) có trường độ dài hơn các âm khác đều là trọng âm, đầu nhịp. Tiết nhạc mạnh.
- Có nhiều chu kì nhắc lại. Ở câu đầu âm hình chủ đạo được nhắc lại 4 lần, tiết nhạc được nhắc lại 2 lần. Ở 2 tiết cuối, âm hình chủ đạo lại được nhắc lại 4 lần nữa.
Ở giữa tác phẩm (cuối câu một và đầu câu hai) âm nhạc không ổn định vì:
- Kết thúc câu một ở một âm không ổn định (Rê - âm bậc VII của giọng).
- Đầu câu hai âm nhạc đã thoát li khỏi giọng chính. Âm trụ không còn là Mi Sol Si nữa mà là Si Rê (có thể là âm I và âm III của hợp âm Si thứ - Si Rê Fa#; cũng có thể là âm III và âm V của hợp âm Sol trưởng - Sol Si Rê).
- Tiết tấu bị xé lẻ. Âm hình 2 nhịp ở đầu câu một (2) đã bị cắt thành từng nhịp một (1 + 1).
- Giai điệu chuyển lên âm vực cao với lực độ mạnh (mf).
5. Ứng dụng của hình thức một đoạn
- Có thể là hình thức của một tác phẩm độc lập:
+ Ca khúc thiếu nhi, luân vũ, ca khúc tập thể, hành khúc (hình thức một đoạn vuông vắn không chuyển điệu) v.v...
+ Đôi khi là hình thức của tác phẩm độc lập của một ca khúc trữ tình (một đoạn phức).
- Có thể là một bộ phận của tác phẩm có hình thức 2, 3 đoạn hoặc các hình thức lớn khác (hình thức một đoạn chuyển điệu, một đoạn kép).
- Không mấy khi là hình thức của tác phẩm khí nhạc độc lập. Trừ trường hợp nó là một bộ phận của một tổ khúc: Những bức tranh trong phòng triển lãm của Mút-xoóc-xki; 24 Prê-tuýt - Sô-Panh, v.v...
6. Sự nhắc lại của hình thức một đoạn
- Trong ca khúc một đoạn có nhiều lời, có thể nhắc lại nhiều lần.
- Trong luân vũ - những điệu nhảy tập thể - cũng có thể nhắc đi nhắc lại nhiều lần.
- Trong khí nhạc, ít có trường hợp một đoạn, là tác phẩm độc lập nên không có sự nhắc lại nhiều lần.
B. HÌNH THỨC HAI ĐOẠN
1. Định nghĩa
Hình thức hai đoạn là hình thức của tác phẩm âm nhạc được cấu tạo bằng hai đoạn nhạc: một đoạn trình bày và một đoạn phát triển (trình bày và phát triển âm hình, hòa thanh và kết cấu của tác phẩm). Hai đoạn đó liên kết với nhau vừa tương phản lẫn nhau vừa thống nhất với nhau để trở thành một tác phẩm hoàn chỉnh.
1.1. Đoạn trình bày trong hình thức hai đoạn - đoạn đầu của tác phẩm (đoạn a)
- Trình bày âm hình ý nhạc: Trình bày âm hình chủ đạo và những âm hình phụ (nếu có) và sự liên kết và quan hệ giữa các âm hình đó. Thường ở đoạn này chỉ có một hoặc hai âm hình (1 âm hình chủ đạo và 1 âm hình phụ), ít khi có đến 3, 4 âm hình.
- Trình bày hòa thanh: Trình bày giọng điệu của tác phẩm, chức năng luân chuyển hòa thanh thông qua các âm trụ, âm kết câu, kết đoạn.
- Trình bày kết cấu: Trình bày kết cấu 1 tiết nhạc, 1 câu nhạc và cả đoạn nhạc. Thường ở đoạn này được kết cấu bằng hình thức một đoạn đơn giản, vuông vắn hoặc không vuông vắn, chuyển điệu hoặc không chuyển điệu. Đôi khi có kết cấu một đoạn kép, ít thấy có kết cấu một đoạn phức.
1.2. Đoạn phát triển trong hình thức hai đoạn - đoạn sau của tác phẩm (đoạn b)
- Phát triển âm hình ý nhạc: Từ âm hình ý nhạc của đoạn a phát triển thành âm hình ý nhạc của đoạn b. Có khi có diện mạo một âm hình mới, có khi vẫn là diện mạo của âm hình cũ nhưng đã được phát triển trên một nền hòa thanh mới, một sắc thái mới, một kết cấu mới.
- Phát triển hòa thanh: Dựa trên chức năng của giọng chính để phát triển, có khi chuyển sang giọng mới (thường chuyển sang hệ thống D bậc V), có khi chuyển sang điệu mới (từ điệu thứ ở đoạn a chuyển sang điệu trưởng ở đoạn b hoặc ngược lại), có khi chỉ chuyển tạm sang giọng điệu khác - li điệu (thường là sang hệ thống S: bậc II; bậc IV; bậc VI).
XÔN XAO MÙA XUÂN - HUY TRÂN
Muôn cánh hoa đua nở. Khoe sắc hương ngọt ngào. Chào mùa xuân đến thăm những cánh chim tuổi xanh. Trong nắng xuân chan hòa, bao cánh hoa đào nở. Gọi niềm mơ ước trào dâng trong tuổi xanh. Xuân ơi xuân nói những gì. Xôn xao trong lòng trào dâng tiếng hát. Tha thiết yêu cuộc đời, trong tiếng ca rộn ràng, Đảng đang chắp cánh cho ta bay vào tương lai.
Bài Xôn xao mùa xuân của nhạc sĩ Huy Trân được viết ở hình thức hai đoạn.
Đoạn a (đoạn trình bày).
- Trình bày hai âm hình, ý nhạc:
+ Một âm hình chủ đạo. 
+ Và một âm hình phụ.
Hai âm hình đó liên kết với nhau theo thứ tự (chính + phụ) để trở thành 1 câu nhạc.
- Trình bày hòa thanh: Qua hóa biểu (1 dấu thăng), qua các âm trụ (Rế, Si, Sol), qua các âm kết (kết câu bậc V, kết đoạn bậc I) đã trình bày rất rõ giọng Sol trưởng.
- Trình bày kết câu: Trên cơ sở nhịp C (4/4), âm hình chủ đạo được mô phỏng xuống một quãng 2 để trở thành tiết nhạc đầu (2 nhịp). Âm hình phụ xuất hiện ngay sau đó (1 tiết - 2 nhịp). Hai tiết đó kết hợp thành 1 câu nhạc (4 nhịp). Câu nhạc đó được nhắc lại (có thay đổi nhịp cuối) để trở thành một đoạn nhạc (8 nhịp).
Đoạn này được kết cấu bằng hình thức một đoạn đơn giản, vuông vắn (vì có 2 câu, mỗi câu có 2 tiết, mỗi tiết có 2 nhịp), không chuyển điệu (vì mở đầu và kết thúc cùng một giọng Sol trưởng).
Đoạn b (đoạn phát triển).
- Phát triển âm hình ý nhạc: Từ âm hình chủ đạo, phát triển thành một âm hình có diện mạo mới.
- Phát triển hòa thanh: Ngay ở đầu đoạn b tuy không chuyển sang một giọng điệu mới (không thay hóa biểu) nhưng tiết nhạc đó được đặt trên một nền hòa thanh mới (Si thứ Mi thứ) ở đây rõ ràng đã được li điệu sang Mi thứ (quan hệ chức năng TS VI so với giọng chính).
- Phát triển kết cấu: ở đây vẫn là kết cấu của đoạn a, nhịp c, vuông vắn, không chuyển điệu, nhưng cũng đã được phát triển: Tiết nhạc đầu đoạn b không phải là 2 âm hình kết hợp thành (như tiết nhạc đầu đoạn a - 1 + 1) mà cả tiết nhạc là một âm hình (2). Tiết nhạc đó được phát triển (giữ nguyên hình tiết tấu, thay đổi cao độ) thành tiết nhạc thứ hai.
MÊ-LÔ-ĐI (MELODIE) - SU-MAN
Bài Melodie trích trong tập An-bom cho thanh niên của Su-man cũng được viết ở hình thức hai đoạn:
Đoạn a:
- Trình bày âm hình ý nhạc: chỉ có 1 âm hình.
- Trình bày hòa thanh: Giọng Đô trưởng (các nốt trụ: Mi Đô Sol; âm kết câu, kết đoạn: Sol - bậc V).
- Trình bày kết cấu: Nhịp C một âm hình là một tiết nhạc (2 nhịp - tiết gọn) tiết nhạc đó được mô phỏng lên quãng 3 có thay đổi nhịp cuối để kết về hợp âm Sol trưởng (bậc V). Câu nhạc đó lại được nhắc lại nguyên si để trở thành một đoạn nhạc có kết cấu vuông vắn (2 câu, 2 tiết, 2 nhịp) và là đoạn chuyển điệu (vì mở đầu là giọng Đô trưởng, kết thúc ở giọng Sol trưởng).
Đoạn b:
- Phát triển âm hình ý nhạc: Vẫn là âm hình của đoạn a nhưng đã phát triển còn có 3 âm, 1 nhịp.
- Phát triển hòa thanh: li điệu sang giọng Sol trưởng (quan hệ chức năng D - bậc V của giọng chính).
- Phát triển kết cấu: Âm hình 1 nhịp được mô phỏng lên quãng 3 để trở thành 1 tiết nhạc 2 nhịp 1 + 1. Đây là thủ pháp xé lẻ so với tiết nhạc ở đoạn a. Hai câu khác nhau (không như ở đoạn a - hai câu giống nhau), câu 1 (đoạn b) kết câu ở âm V; câu 2 kết trọn (bậc I giọng chính - Đô trưởng).
2. Các dạng khác nhau của hình thức hai đoạn
2.1. Hình thức hai đoạn có tái hiện và không có tái hiện
a) Hình thức hai đoạn có tái hiện: Là hình thức của tác phẩm âm nhạc được cấu tạo bằng hai đoạn nhạc mà ở đoạn b có tái hiện một câu hoặc một tiết nhạc của đoạn a. Thường tái hiện ở câu thứ hai của đoạn b.
Thí dụ: Xôn xao mùa xuân - Huy Trân
Mê-lô-di - Su-man.
Trong 2 thí dụ trên, câu 2 của đoạn b tái hiện lại cả một câu của đoạn a.
Khát vọng mùa xuân - Mô-da.
(Lời Việt: Tô Hải - Sách giáo khoa Hát nhạc 8)
Tiết đầu câu 2 đoạn b tái hiện lại tiết đầu câu 1 và câu 2 đoạn a.
Nay mùa xuân ơi, đến mau đây. Về cho thêm xanh lá cây rừng. Trở về dừng bên suối trong lành nhìn hoa đang hé tưng bừng. Khao khát mùa xuân yên vui lại đến sẽ thấy muôn hoa đẹp xinh. Này thời gian ơi những năm đợi chờ đến đây ta đang mong chờ.
b) Hình thức hai đoạn không có tái hiện: Là hình thức của tác phẩm âm nhạc được cấu tạo bằng hai đoạn nhạc mà ở đoạn b là những kết cấu mới, không tái hiện 1 câu, 1 tiết nào của đoạn a.
NHƯ CÓ BÁC TRONG NGÀY ĐẠI THẮNG - PHẠM TUYÊN
Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng. Lời Bác nay đã thành chiến thắng huy hoàng. Ba mươi năm đấu tranh giành toàn vẹn non sông. Ba mươi năm dân chủ cộng hòa kháng chiến đã thành công. Việt Nam Hồ Chí Minh. Việt Nam Hồ Chí Minh. Việt Nam Hồ Chí Minh. Việt Nam Hồ Chí Minh.
Trong đoạn b của thí dụ trên ta không thấy có tái hiện một câu, một tiết nào của đoạn a. Vì vậy đó là hình thức 2 đoạn không có tái hiện.
2.2. Hình thức hai đoạn chuyển điệu và không chuyển điệu
a) Hình thức hai đoạn chuyển điệu: Là hình thức của tác phẩm âm nhạc được cấu tạo bằng hai đoạn nhạc mà đoạn b chuyển hẳn sang một giọng điệu khác.
Thí dụ: Bác Hồ - Người cho em tất cả - Hoàng Long - Hoàng Lân
Cho ánh sáng ban mai là những sớm bình minh. Cho những đêm trăng đẹp là chị Hằng tươi xinh. Cây cho trái và cho hoa. Sông cho tôm và cho cá. Đồng ruộng cho bông lúa. Chim tặng lời reo ca. Anh bộ đội đến nhà cho em lòng dũng cảm. Cô giáo cho bài giảng, yêu xóm làng thiết tha. Cùng nhau vượt đường xa xa. Là chiếc khăn quàng thắm tươi. Cho em tất cả, Người mang cho em cuộc đời tươi sáng đầy ước mơ. Người cho em tất cả là Bác Hồ Chí Minh.
- Đêm Hồ Gươm - Trần Hoàn là đoạn nhạc chuyển điệu, vì đoạn a: giọng La thứ, đoạn b chuyển hẳn sang giọng La trưởng.
- Nụ cười - Lời Việt: Phạm Tuyên - cũng là hình thức đoạn nhạc chuyển điệu, vì đoạn a giọng Đô trưởng; đoạn b chuyển sang giọng Đô thứ.
b) Hình thức hai đoạn không chuyển điệu: Là hình thức của tác phẩm âm nhạc được cấu tạo bằng hai đoạn nhạc mà cả đoạn a và đoạn b đều chung một giọng điệu.
Thí dụ: Xôn xao mùa xuân - Huy Trân - cả đoạn a và b đều cùng chung một giọng Sol trưởng.
- Mê-lô-di - Suman - cả đoạn a và b đều chung một giọng Đô trưởng.
- Khát vọng mùa xuân - Mô-da - cả đoạn a và b đều cùng chung một giọng Rê trưởng.
2.3. Hình thức hai đoạn có điệp khúc
Là hình thức của tác phẩm âm nhạc mà đoạn b là đoạn điệp khúc. Điệp khúc là đoạn nhạc được cấu tạo đặc biệt có tính tập thể cho mọi người cùng hát, cùng biểu lộ một trạng thái tư tưởng tình cảm hoặc một hành động chung nào đó. Vì vậy đoạn điệp khúc có những đặc điểm sau:
- Đơn giản về âm hình ý nhạc: Thường chỉ có một âm hình cấu tạo bằng những mô-típ ít nốt, tiết tấu thuận.
- Đơn giản về hòa thanh: Không chuyển nhiều hợp âm. Thường chỉ luân chuyển giữa 2 hợp âm D-T.
- Đơn giản về kết cấu: Thường có hình thức 1 đoạn vuông vắn: tiết nhắc lại, câu nhắc lại.
- Âm vực hẹp: Thường ở âm vực trung, không quá quãng 8.
Thí dụ: Như có Bác trong ngày đại thắng - Phạm Tuyên.
Đoạn b là đoạn điệp khúc: Cả đoạn chỉ có 1 âm hình; âm vực quãng 8; tiết nhắc lại, câu nhắc lại.
Câu chuyện nhỏ của tôi - Thanh Tùng.
Hát với em về mọi người. Về ngày mai và ước mơ. Lại hát với em về cuộc đời. Ồ cuộc đời thật nên thơ.
Lại nói với nhau dù một lần, rồi buồn vui hay lãng quên. Để thấy trái tim mình ngập ngừng, ngập ngừng lời hát yêu em.
Đoạn b cũng là đoạn điệp khúc: Cả đoạn cũng chỉ có 1 âm hình; âm vực quãng 6; tiết nhắc lại, câu nhắc lại.
2.4. Hình thức hai đoạn đơn và hai đoạn phức
a) Hình thức hai đoạn đơn: Là hình thức của tác phẩm âm nhạc được cấu tạo bằng hai đoạn nhạc mà mỗi đoạn có hình thức một đoạn đơn giản.
Thí dụ: Xôn xao mùa xuân.
Khát vọng mùa xuân.
Như có Bác trong ngày đại thắng.
b) Hình thức hai đoạn phức: Là hình thức của tác phẩm âm nhạc được cấu tạo bằng hai đoạn nhạc mà mỗi đoạn có hình thức không phải là một đoạn đơn giản.
+ Có thể mỗi đoạn có hình thức một đoạn nhạc kép. Bài Đêm Hồ Gươm - Trần Hoàn là hình thức hai đoạn phức vì đoạn a có hình thức một đoạn kép và đoạn b cũng có hình thức một đoạn kép.
+ Có thể cả bài được nhắc lại 2 lần nhưng lần thứ 2 có thay đổi chỗ cuối. Bài Nụ cười cũng là hình thức hai đoạn phức, vì cả bài được nhắc lại 2 lần, lần nhắc lại có thay đổi một nhịp cuối.
(Hai trường hợp trên có thể gọi là hình thức hai đoạn kép cũng được).
+ Có thể cả hai đoạn a, b hoặc chỉ một trong hai đoạn đó có hình thức một đoạn phức. Bài Bác Hồ - Người cho em tất cả cũng là hình thức hai đoạn phức. Vì từng đoạn có hình thức một đoạn phức: Đoạn a 3 câu; đoạn b có hai câu nhưng câu thứ hai có nhiều tiết khác nhau.
NỤ CƯỜI
Nhạc: LIÊN XÔ
Lời việt: PHẠM TUYÊN
Cho trời sáng lên cùng với bao nụ cười. Cầu vồng thêm lung linh bao sắc ánh lên ở khắp nơi. Nụ cười tươi chúng ta cùng chung niềm vui. Trong cuộc sống đầm ấm yên vui ta cùng cất tiếng cười, để làn mây không bay đi xa. Những giọt mưa bay bay bên ta. Để dòng nước từ con suối con thành dòng sông xô. Tiếng cười vui luôn luôn bên ta. Tiếng cười sẽ luôn luôn ngân xa. Tiếng cười là bạn đường tháng năm của tuổi niên thiếu ta.
 Tiếng cười sẽ luôn luôn ngân xa. Tiếng cười vui luôn luôn bên ta. Tiếng cười là bạn đường tháng năm không thể nào xóa nhòa.
 Tiếng cười vui luôn luôn bên ta. Tiếng cười sẽ luôn luôn bay xa. Tiếng cười là bạn đường tháng năm vẫn tràn ngập lòng ta.
3. Sơ đồ hình thức hai đoạn
3.1. Sơ đồ đơn giản: a + b
3.2. Sơ đồ chi tiết
- Sơ đồ của bài Mê-lô-đi - Su-man
- Sơ đồ bài Xôn xao mùa xuân - Huy Trân
4. Tính chất của hình thức hai đoạn
4.1. Tính triết lí
Từ tư duy đơn giản của con người, để tìm hiểu sự việc, sự vật, chỉ biết hỏi và trả lời, đối và đáp (tính chất của hình thức một đoạn), con người đã tiến lên một bước, đã biết đặt 2 sự việc, sự vật cạnh nhau để so sánh tìm ra chân lí. Hình thức hai đoạn chính là phản ảnh hình thức tư duy đó của con người. Hai đoạn nhạc đặt cạnh nhau để so sánh (đoạn a và đoạn b) với nhau ta sẽ biết rõ được chúng hơn.
4.2. Tính tương phản và thống nhất
Trong hình thức hai đoạn, sự tương phản nổi bật rõ rệt ở hai đoạn a và b. Ta đặt chúng cạnh nhau, so sánh chúng với nhau cũng cốt để thấy được sự tương phản giữa chúng với nhau.
a) Sự tương phản giữa a và b thường được biểu hiện ở các mặt sau:
+ Về âm hình, ý nhạc: Thông thường ở đầu đoạn b người ta dùng những âm hình có diện mạo mới khác với âm hình của đoạn a (thí dụ: Bài Xôn xao mùa xuân - Huy Trân, hoặc bài Đêm Hồ Gươm - Trần Hoàn). Cũng có thể dùng âm hình cũ (có diện mạo của đoạn a) nhưng âm hình đó bắt buộc phải phát triển cho khác đi để tạo nên sự tương phản cần thiết (Thí dụ: Bài Mê-lô-đi – Su-man, hoặc bài Câu chuyện nhỏ của tôi -Thanh Tùng).
+ Về hòa thanh: Đoạn b có thể chuyển hẳn sang một giọng điệu khác. Thí dụ bài Bác Hồ - Người cho em tất cả - Đoạn a: Đô trưởng, đoạn b: Sol trưởng; bài Đêm Hồ Gươm - Đoạn a: La thứ, đoạn b: La trưởng. Có thể không chuyển hẳn sang giọng điệu khác thì cũng phải chuyển sang một nền hòa thanh khác (li điệu). Thí dụ bài Khát vọng mùa xuân - Mô-da. Đầu đoạn b tuy vẫn ở giọng Rê trưởng nhưng đã được tiến hành trên một nền hòa thanh khác: Mi thứ, Si thứ, Mi7 về La trưởng.
+ Về kết cấu: Tương phản rõ rệt nhất là kết cấu giữa 2 tiết nhạc của đoạn a và b:
Thí dụ:
Bài
Kết cấu tiết đầu
Đoạn a
Kết cấu tiết đầu
Đoạn b
Xôn xao mùa xuân – Huy Trân
Mê-lô-đi - Su-man
Đêm Hồ Gươm - Trần Hoàn
2+2
2
1+1
4
1 + 1
2
+ Về âm vực: Hai đoạn có hai âm vực khác nhau. Thí dụ: Xôn xao mùa xuân: Đoạn a ở âm vực cao; đoạn b ở âm vực trung. Bài Đêm Hồ Gươm: Đoạn a ở âm vực trầm; đoạn b ở âm vực cao. Bài Câu chuyện nhỏ của tôi: Đoạn a ở âm vực trầm; đoạn b ở âm vực trung.
+ Về sắc thái, độ mạnh nhẹ: Có thể hai đoạn có hai sắc thái hoặc mạnh nhẹ khác nhau. Thí dụ: bài Xôn xao mùa xuân đoạn a có sắc thái hoạt bát, vui, độ mạnh vừa (mf); đoạn b mềm mại hơn với độ nhẹ vừa phải (mp); Bài Đêm Hồ Gươm: đoạn a có sắc lặng lẽ, tình cảm; đoạn b sôi nổi mạnh mẽ hơn.
+ Về tốc độ: Có khi hai đoạn có tốc độ khác nhau, thường thì đoạn b có tốc độ nhanh hơn đoạn a. Thí dụ: bài Tình biển - Trần Quang Huy.
Đoạn a: Adagio – Tình cảm – (Slow)
Đêm nằm nghe tiếng sóng xa vọng về.
Đoạn b: Allegro mosso – (Rock)
Mai anh rời xa. Bờ quê hương tuyệt đẹp...
b) Sự thống nhất giữa hai đoạn a và b trong hình thức hai đoạn cũng thường được biểu hiện ở các mặt sau:
+ Thống nhất về âm hình ý nhạc: Âm hình của đoạn b phát triển từ âm hình của đoạn a. Nguyên tắc đó chính là đảm bảo sự thống nhất về âm hình ý nhạc giữa hai đoạn. Có thể sự phát triển đó khiến cho âm hình của đoạn b có diện mạo mới khác với âm hình của đoạn a. Nhưng nó vẫn phải mang một nét thống nhất nào đó với âm hình của đoạn a.
Thí dụ:
- Bài Câu chuyện nhỏ của tôi
Âm hình của đoạn a.
Âm hình của đoạn b.
Hai âm hình đó thống nhất một hình tiết tấu.
- Bài Xôn xao mùa xuân
Âm hình đoạn a.
Âm hình đoạn b.
Nếu ta thêm nốt vào cho âm hình đoạn b ta sẽ thấy hai âm hình đó có sự thống nhất với nhau.
- Bài Như có Bác trong ngày đại thắng
Âm hình đoạn a.
Âm hình đoạn b.
Hai âm hình có diện mạo khác nhau, nhưng vẫn có sự thống nhất: Thống nhất về âm vực (cùng ở âm vực cao); thống nhất về hai âm mở đầu (cùng là hai âm Si, Rê).
Việc thống nhất về âm hình ý nhạc trong hình thức hai đoạn còn được biểu hiện rõ ràng hơn khi ở đoạn b được tái hiện 1 tiết hoặc 1 câu của đoạn a (hình thức hai đoạn có tái hiện. Đây là nét đặc trưng và phổ biến của hình thức hai đoạn).
Thí dụ: Khát vọng mùa xuân; Xôn xao mùa xuân; Mê-lô-đi, v.v...
+ Thống nhất về hòa thanh: Thông thường và phổ biến ở hình thức hai đoạn là cả hai đoạn a và b đều cùng chung một giọng điệu. Đó là sự thống nhất rõ ràng dễ nhận thấy. Nhưng cũng có những tác phẩm mà ở đoạn b chuyển hẳn hoặc chuyển tạm sang một giọng điệu khác (chuyển điệu hoặc li điệu). Những lúc này sự thống nhất khó nhận thấy và nó nằm trong sự tương quan chức năng giữa giọng mới so với giọng cũ chính.
Thí dụ:
Bài Đêm Hồ Gươm: Đoạn a La thứ; đoạn b chuyển hẳn sang La trưởng - Tuy khác hóa biểu nhưng lại chung một giọng La.
Bài Nụ cười: Đoạn a Đô trưởng; đoạn b chuyển hẳn sang Đô thứ. Cũng khác hóa biểu nhưng vẫn thống nhất chung một giọng Đô.
Bài Bác Hồ - Người cho em tất cả: Đoạn a Đô trưởng; đoạn b chuyển hẳn sang Sol trưởng. Tuy khác hóa biểu, khác giọng nhưng hai giọng đó lại thống nhất chung một vòng chức năng: Sol trưởng là bậc V mang chức năng D của giọng chính là Đô trưởng.
+ Thống nhất về kết cấu: Kết cấu của đoạn b cũng được phát triển từ kết cấu của đoạn a. Nguyên tắc đó đảm bảo sự thống nhất về kết cấu giữa hai đoạn.
Có thể thống nhất về những âm lấy đà: Bài Khát vọng mùa xuân có 1 móc đơn lấy đà; Bài Đêm Hồ Gươm có 3 móc đơn lấy đà...
Có thể thống nhất về kết cấu giữa các tiết, các câu: Khát vọng mùa xuân: tiết đầu là tiết yếu cộng với tiết thứ hai là tiết mạnh thành một câu. Kết cấu đó thống nhất ở cả hai đoạn; Bài Nụ cười: tiết đầu là tiết mạnh cộng với tiết sau là tiết yếu thành một câu. Cả hai đoạn a và b đều thống nhất một kết cấu đó.
4.3. Tính ổn định và không ổn định
a) Mức độ ổn định: Trong hình thức hai đoạn (cũng như trong các hình thức nhiều đoạn khác) thì tính ổn định và không ổn định có những mức độ khác nhau.
- Mức độ ổn định và không ổn định trong nội bộ từng đoạn (như đã phân tích ở hình thức một đoạn).
- Mức độ ổn định và không ổn định giữa các đoạn với nhau: Đoạn a ổn định hơn so với đoạn b; đoạn b thì chỉ có câu một là không ổn định, còn câu hai lại ổn định vì nó là câu tái hiện (nhắc lại một câu hoặc 1 tiết của đoạn a) và là câu kết thúc tác phẩm.
b) Các yếu tố gây nên sự không ổn định ở đầu đoạn b trong hình thức hai đoạn cũng là những yếu tố chung của âm nhạc như đã phân tích ở hình thức một đoạn.
- Yếu tố hòa thanh: Thoát li khỏi giọng điệu chính hoặc dùng hợp âm nghịch.
Thí dụ: Đoạn b bài Mê-lô-đi - Su-man, đã thoát li khỏi giọng điệu chính (Đô trưởng) để chuyển sang giọng Sol trưởng (Rê - Đô - Si) nhưng cũng không củng cố giọng Sol trưởng (Fa thường: Mi - Rê). Vì vậy, âm nhạc ở đây không ổn định.
Thí dụ: Đoạn b bài Khát vọng mùa xuân - Mô-da, cũng đã thoát li khỏi giọng điệu chính (Rê trưởng) để chuyển tạm sang Mi thứ (Fa# -Sol, Rê# - Mi) nhưng cũng không củng cố giọng Mi thứ mà lại chuyển tiếp (Si thứ, Mi7 rồi La trưởng) nên âm nhạc ở đây cũng không ổn định.
- Yếu tố giai điệu: Đưa lên âm vực cao hơn, hoặc thấp hơn, hoặc có những bước nhảy đột ngột, v.v...
Thí dụ: Giai điệu ở đầu đoạn b bài Đêm Hồ Gươm - Trần Hoàn đã được đưa lên âm vực cao hơn (so với đầu đoạn a giai điệu ở âm vực thấp) cho nên âm nhạc ở đây không ổn định.
Thí dụ giai điệu ở đầu đoạn b bài Câu chuyện nhỏ của tôi (Thanh Tùng) cũng được đưa lên âm vực cao hơn so với âm vực ở đầu đoạn a cho nên âm nhạc ở đây cũng không ổn định.
Dĩ nhiên tính ổn định và không ổn định cũng là sự so sánh có tính chất tương đối giữa hai vật, hai sự việc ta đặt cạnh nhau mà thôi.
Và cả những yếu tố gây nên sự tương phản (như đã phân tích ở mục trên) cũng góp phần tạo nên sự không ổn định trong âm nhạc.
5. Ứng dụng của hình thức hai đoạn
Đây là hình thức rất phù hợp với tính cách và sự phát triển tâm lí tuổi trẻ (Tính ưa hoạt động, thích cái mới, thích sự tương phản...). Vừa biểu lộ được mình (đoạn a) lại vừa hòa hợp với tập thể (đoạn b), cho nên các ca khúc tuổi trẻ hiện nay (các ca khúc có phong cách nhạc nhẹ) phần nhiều - nếu không nói là đại đa số - đều có hình thức hai đoạn.
- Có thể là các tác phẩm độc lập (các ca khúc).
- Có thể là các khúc nhạc (có thể trích riêng ra biểu diễn độc lập) trong các tổ khúc như:
Bốn mùa - Trai-cốp-xki - Những bức tranh trong phòng triển lãm - Rim-xki Coóc-xa-cốp, hoặc các an bom cho thanh niên, cho thiếu nhi - Trai-cốp-xki; Su man v.v...
- Cũng có thể là một bộ phận của các hình thức khác (3 đoạn phức, v.v...).
- Cũng có thể là chủ đề của hình thức biến tấu hoặc xô-nát.
6. Nhắc lại trong hình thức hai đoạn
- Có thể nhắc lại từ đầu:
… a + b…
- Có thể nhắc lại đoạn b
a + … b:…
- Không mấy khi chỉ nhắc lại đoạn a.
C. HÌNH THỨC BA ĐOẠN ĐƠN
Hình thức ba đoạn (nói chung) khi phân ra các dạng khác nhau thì có một cặp: Hình thức ba đoạn đơn và hình thức ba đoạn phức, giống như ở hình thức một đoạn và hai đoạn có những cặp một đoạn đơn và một đoạn phức, hai đoạn đơn và hai đoạn phức. Tất cả các dạng khác nhau của hình thức một đoạn (kể cả một đoạn phức); tất cả các dạng khác nhau của hình thức hai đoạn (kể cả hai đoạn phức) và hình thức ba đoạn đơn đều là những hình thức cơ bản, bởi vì các tác phẩm âm nhạc kể cả thể thanh nhạc (các ca khúc) và thể khí nhạc (các tiểu phẩm nhạc không lời) đều dùng nó để cấu tạo nên tác phẩm. Còn hình thức ba đoạn phức là một hình thức có quy mô lớn với độ thời gian tương đối dài cho nên hiện giờ chỉ còn thấy áp dụng vào các tác phẩm nhạc không lời. Thời đại hiện nay không thấy tác giả nào viết ca khúc có hình thức ba đoạn phức nữa.
Vì thế chương trình được tách ra: Hình thức ba đoạn đơn học trong học phần này. Còn hình thức ba đoạn phức sẽ được giới thiệu trong phần sau: Phần II (các hình thức lớn).
1. Định nghĩa
Hình thức ba đoạn đơn là hình thức của tác phẩm âm nhạc được cấu tạo bằng ba đoạn nhạc: Đoạn đầu là đoạn trình bày; đoạn giữa là đoạn phát triển; đoạn cuối là đoạn tái hiện.
1.1. Đoạn trình bày trong hình thức ba đoạn đơn
Là đoạn đầu của tác phẩm (Kí hiệu: đoạn a).
Cũng giống như đoạn trình bày ở hình thức hai đoạn đơn. Cũng phải trình bày những nội dung chủ yếu của âm nhạc: âm hình, ý nhạc; hòa thanh; kết cấu v.v... (xem mục đoạn trình bày trong hình thức hai đoạn).
Là đoạn giữa của tác phẩm (đoạn b): Cũng mang những đặc điểm của một đoạn phát triển như ở hình thức hai đoạn, nhưng nó phát triển tự do hơn.
a) Tự do phát triển về âm hình ý nhạc
- Có thể phát triển từ âm hình của đoạn a.
- Có thể là những âm hình mới, không nhất thiết phải dựa vào âm hình đoạn a để phát triển.
b) Tự do phát triển về hòa thanh
- Có thể chuyển điệu (chuyển sang một giọng khác hoặc một điệu khác) như ở hình thức hai đoạn.
- Cũng có thể li điệu (không chuyển hẳn giọng điệu khác mà chỉ chuyển nền hòa thanh sang các hợp âm ở các giọng điệu khác nhau) như ở hình thức hai đoạn nhưng chuyển nhiều hơn và dài hơn. Ở hình thức hai đoạn li điệu thường chỉ ở một, hai hợp âm trong một, hai nhịp. Còn ở hình thức ba đoạn nền hòa thanh có khi chuyển liên tục qua nhiều hợp âm, kéo dài đến hết câu, hết đoạn.
c) Tự do phát triển về kết câu
- Có khi vẫn có kết cấu một đoạn nhạc, vẫn có thể phân chia được thành câu thành tiết độ dài bằng đoạn a.
- Có khi chỉ phân chia được tiết mà không tổ chức được thành câu (cả đoạn chỉ có một câu - xem tiểu mục Câu nhạc độc lập ở Phần I - trang 97), độ dài ngắn hơn đoạn a.
- Cũng có khi có kết cấu là một đoạn phức tạp gồm nhiều câu nhiều tiết độ dài dài hơn đoạn a.
1.3. Đoạn tái hiện trong hình thức ba đoạn đơn
Là đoạn cuối của tác phẩm (đoạn a; đoạn a’ hoặc đoạn c).
Trong hình thức hai đoạn (dạng hai đoạn có tái hiện) chỉ tái hiện 1 tiết hoặc 1 câu của đoạn a thôi, và tiết hoặc câu tái hiện đó nằm trong khuôn khổ của đoạn b (là 1 tiết hoặc 1 câu của đoạn b).
Còn ở hình thức ba đoạn đơn, tái hiện là nhắc lại cả đoạn a và nó không nằm trong khuôn khổ của đoạn b nữa, nó tách riêng ra thành một đoạn tái hiện.
- Có thể có tái hiện tĩnh: nhắc lại nguyên si đoạn a (da capo al fin), nếu có thay đổi thì chỉ thay đổi 1, 2 nhịp cuối hoặc một hợp âm cuối để kết về chủ. Trường hợp này đoạn tái hiện có kí hiệu là đoạn a.
- Có thể có tái hiện động: Không nhắc lại nguyên si đoạn a mà chỉ nhắc lại một tiết hoăc một câu của đoan a, rồi từ một tiết một hoặc câu tái hiện đó tác giả lại phát triển thêm thành ra kết cấu của đoạn tái hiện. Trường hợp này đoạn tái hiện có kí hiệu là đoạn a’.
- Cũng có thể không tái hiện lại âm hình ý nhạc của đoạn a (không nhắc lại một câu một tiết nào của đoạn a) mà chỉ tái hiện giọng điệu và kết cấu của đoạn a thôi. Trường hợp này đoạn có kí hiệu là đoạn c (vì không tái hiện âm hình ý nhạc của đoạn a nên ta không gọi nó là đoạn tái hiện mà chỉ là đoạn cuối của tác phẩm đoạn c).
1.4. Những thí dụ
SWEET DREAM - GIẤC MƠ DỊU DÀNG (Trích An-bum cho thiếu nhi) - TRAI-CỐP-XKI
- Bài Giấc mơ dịu dàng cũng là một tác phẩm âm nhạc (tiểu phẩm nhạc không lời) có hình thức ba đoạn đơn.
Đoạn đầu (a) đã trình bày một âm hình chủ đạo:
- Giọng Đô trưởng (phần hợp âm đệm, tay trái: Đồ Mi Sol).
- Nhịp 4 có kết cấu: 2 âm hình là 1 tiết; 2 tiết là 1 câu; 2 câu là 1 đoạn. Kết đoạn ở giọng chủ.
Đoạn giữa (b) đã phát triển, từ âm hình của đoạn a phát triển thành âm hình đoạn b:
- Chuyển sang giọng Sol trưởng (tuy không thay hóa biểu) giọng Sol trưởng là bậc V chức năng D so với giọng Đô trưởng.
- Kết cấu vẫn là một đoạn hoàn chỉnh, 2 câu mỗi câu 2 tiết.
Đoạn cuối (a) cũng là đoạn tái hiện tĩnh: nhắc lại nguyên si đoạn đầu.
EM ƠI, HÀ NỘI PHỐ
Nhạc PHÚ QUANG
Lời: Thơ PHAN VŨ
Em ơi, Hà Nội phố, ta còn em mùi hoàng lan, ta còn em mùi hoa sữa. Con đường vắng rì rào cơn mưa nhỏ. Ai đó chờ ai, tóc xòa vai mềm. Ta còn em, cây bàng mồ côi mùa đông. Ta còn em, góc phố mồ côi mùa đông. Mảnh trăng mồ côi mùa đông. Mùa đông năm ấy, tiếng dương cầm trong căn nhà đổ. Tan lễ chiều sao còn vọng tiếng chuông ngân. Ta còn em, một màu xanh thời gian, một chiều phai tóc em bay, chợi nhòa chợt hiện, người nghệ sỹ lang thang hoài trên phố, bỗng thấy mình chẳng nhớ nổi một con đường. Ta còn em hàng phố cũ rêu phong, và từng mái ngói xô nghiêng, nao nao kỷ niệm. Chiều Hồ Tây lao xao hoài con sóng, chợt hoàng hôn về tự bao giờ. Em ơi Hà Nội phố. Ta còn em mùi hoàng lan, ta còn em mùi hoa sữa, con đường vắng rì rào cơn mưa nhỏ. Ai đó chờ ai, tóc xòa vai mềm.
- Bài Em ơi, Hà Nội phố! cũng là một tác phẩm âm nhạc có hình thức ba đoạn đơn.
Điều đặc biệt ở bài này là đoạn b (phát triển) tự do phát triển về kết cấu: Một đoạn phức, có ba câu, mỗi câu có nhiều tiết, độ dài gấp nhiều lần đoạn a.
TUỔI ĐỜI MÊNH MÔNG - TRỊNH CÔNG SƠN
Mây và tóc em bay trong chiều gió lộng. Trời làm cơn mưa xanh dưới những hàng me. Em và lá tung tăng như loài chim đến và đã hát giữa phố nhà.
Ôm cuộc sống trong tay bên trời quá rộng. Tuổi thần tiên yêu dấu dưới ngôi trường kia. Em là đóa hoa lan hoa quỳnh hương trắng thơm ngát từ đất đai quê nhà có tình yêu.
Thời thơ ấu bướm hoa và chim, cùng mưa nắng. Em đứng bên trời tự do yêu đời thiết tha.
Bao đường phố em, qua nắng lên đứng chờ. Đường dài chân em đi đến những đến những miền xa. Thăm ruộng đất bao la những hàng quê cũ mùa cây trái níu chân về.
Như là những bông hoa trong thành phố này. Đường đời mênh mông quá búp non đầu cây. Em về giữa thiên nhiên em cười em nói. Như sóng đùa biển khơi.
Bài Tuổi đời mênh mông cũng là một tác phẩm âm nhạc có thức ba đoạn đơn.
Đoạn a: một âm hình giọng Rê trưởng.
Đoạn b: Chuyển hẳn sang giọng Rê thứ; âm hình mới. Đặc kết cấu được phát triển tự do: Chỉ có 1 câu, 3 tiết, độ dài ngắn nhiều lần đoạn a, chỉ có 6 nhịp (trong khi đoạn a là đoạn nhạc tiết cuối mở rộng thêm 1 nhịp, có độ dài tất cả là 17 nhịp).
Đoạn tái hiện (a) cũng là tái hiện tĩnh: Nhắc lại cả đoạn đầu, có thay đổi 2 nhịp cuối để kết về chủ ở âm vực cao.
2. các dạng khác nhau của hình thức ba đoạn đơn
2.1. Hình thức ba đoạn đơn đồng nhất và ba đoạn đơn tương phản
a) Hình thức ba đoạn đơn đồng nhất: Là hình thức của tác phẩm âm nhạc được cấu tạo bằng ba đoạn nhạc mà âm hình đoạn b được phát triển từ âm hình đoạn a.
Thí dụ: Bài Giấc mơ dịu dàng
Âm hình của đoạn b phát triển từ âm hình của đoạn a: Cùng 1 hình tiết tấu. Âm hình đoạn b ở âm khu trầm và ngược hướng với âm hình của đoạn a.
Âm hình đoạn a
Âm hình đoạn b
Bài Em ơi Hà Nội phố: Âm hình của đoạn b cũng được phát triển từ một mô-típ của âm hình đoạn a.
Câu 1 đoạn b
Câu 2 đoạn b
Câu 3 đoạn b
b) Hình thức ba đoạn đơn tương phản: Là hình thức của tác phẩm âm nhạc được cấu tạo bằng ba đoạn nhạc mà âm hình của đoạn b là âm hình mới không phát triển từ âm hình của đoạn a.
Thí dụ: Bài Tuổi đời mênh mông
Âm hình của đoạn a
Âm hình của đoạn b
2.2. Hình thức ba đoạn đơn chuyển điệu và ba đoạn đơn không chuyển điệu
a) Hình thức ba đoạn đơn chuyển điệu: Là hình thức của tác phẩm âm nhạc được cấu tạo bằng ba đoạn nhạc mà ở đoạn b chuyển hẳn sang một giọng điệu khác.
Thí dụ:
- Tuổi đời mênh mông
Đoạn a: Giọng Rê trưởng.
Đoạn b: Giọng Rê thứ.
- Giấc mơ dịu dàng
Đoạn a: Giọng Đô trưởng.
Đoạn b: Giọng Sol trưởng.
b) Hình thức ba đoạn đơn không chuyển điệu: Là hình của tác phẩm âm nhạc được cấu tạo bằng ba đoạn nhạc mà ở b không chuyển hẳn sang giọng điệu khác.
Thí dụ: Bài Em ơi, Hà Nội phố
Đoạn a: Sol thứ.
Đoạn b: Vẫn Sol thứ, nhưng có li điệu (trên nền hòa thanh các hợp âm ở các giọng điệu khác nhau) tiết đầu: Si giáng trưởng; tiết sau: Đô thứ; v.v...
BIỂN NHỚ - TRỊNH CÔNG SƠN
Ngày mai em đi biển nhớ tên em gọi về. Gọi hồn liễu rủ lê thê. Gọi bờ cát trắng đêm khuya. Ngày mai em đi đồi núi nghiêng nghiêng đợi chờ. Sỏi đá trông em từng giờ. Nghe buồn nhịp chân bơ vơ.
Ngày mai em đi biển nhớ tên em quay về. Gọi trùng dương gió ngập hồn. Bàn tay chắn gió mưa sang. Ngày mai em đi thành phố mắt đêm đèn vàng. Hồn lẻ nghiêng vai gọi buồn. Nghe ngoài biển động buồn hơn. Hôm nào em về bàn tay buông lối ngõ. Đàn lên cung phím chờ. Sầu lên đây hoang vu.
Ngày mai em đi biển nhớ tên em gọi về. Chiều sương ướt đẫm cơn mê, trời cao níu bước sơn khê. Ngày mai em đi cồn đá rêu phong rủ buồn. Đèn phố nghe mưa tủi hờn, nghe ngoài trời giăng mây luôn.
Ngày mai em đi biển có bâng khuâng gọi thầm. Ngày mưa tháng nắng còn buồn, bàn tay nghe ngóng tin sang. Ngày mai em đi thành phố mắt đêm đèn vàng. Nửa bóng xuân qua ngập ngừng, nghe trời gió lộng mà thương.
Bài Biển nhớ cũng là một tác phẩm âm nhạc có hình thức ba đoạn đơn không chuyển điệu: Đoạn b không chuyển hẳn sang giọng điệu khác nhưng có li điệu (trên nền hòa thanh các hợp âm khác nhau: Rê thứ, Mi Át).
2.3. Hình thức ba đoạn đơn có tái hiện và không có tái hiện
a) Hình thức ba đoạn đơn có tái hiện: Là hình thức của tác phẩm âm nhạc được cấu tạo bằng ba đoạn nhạc mà đoạn cuối nhắc lại cả đoạn đầu, hoặc chỉ nhắc lại một câu một tiết của đoạn đầu: 
- Nếu nhắc lại cả đoạn a thì gọi là tái hiện tĩnh.
- Nếu chỉ nhắc lại một tiết, một câu của đoạn a rồi phát triển thêm thì gọi là tái hiện động.
Thí dụ: Các bài Giấc mơ dịu dàng, Em ơi, Hà Nội phố và Tuổi đời mênh mông đều có hình thức ba đoạn đơn có tái hiện (tái hiện tĩnh).
TRỜI HÀ NỘI XANH - VĂN KÝ
Xanh xanh thắm bầu trời xanh Hà Nội. Hồ Gươm xanh như mái tóc em xanh. Thân thương quá nụ cười người Hà Nội. Đã gặp rồi mà bồi hồi nhớ mãi Hà Nội ơi! Ta chưa quên. Ta chưa quên một mùa thu Hà Nội vùng lên, Hồng Hà cuộn sóng. Ta chưa quên những ngày đêm mịt mùng khói lửa. Đêm pháo hoa anh lại gặp em. Trời “Điện Biên Hà Nội” chiến thắng.
Cho mãi mãi bầu trời xanh Hà Nội. Cầu Thăng Long soi bóng nước sông Hồng. Tiếng Người nói âm vang hồn sông núi. Hà Nội đi lên hôm nay trong nắng Ba Đình.
 Cho mãi mãi một tình yêu Hà Nội. Rồi sẽ quen một chút bỡ ngỡ ban đầu. Tiếng người nói xôn xao mùa xuân tới. Hà Nội reo vui hôm nay tiếng hát xây đời.
Bài Trời Hà Nội xanh cũng là một tác phẩm viết ở hình thức ba đoạn đơn có tái hiện nhưng là tái hiện động (a’), vì ở đoạn cuối chỉ nhắc lại môt tiết đầu của đoan a, rồi từ tiết nhạc nhắc lại đó tác giả phát triển tiếp thêm ba tiết nữa (khác với 3 tiết cuối của đoạn a) để trở thành một đoạn tái hiện động.
b) Hình thức ba đoạn đơn không có tái hiện: Là hình thức của tác phẩm âm nhạc được cấu tạo bằng ba đoạn nhạc mà đoạn cuối không nhắc lại cả đoạn a cũng không nhắc lại một tiết, một câu nào của đoạn a. Chỉ tái hiện giọng điệu hoặc kết cấu của đoạn a thôi.
DONNA-DONNA - FELICI
Allegretto
Đoạn a
Ánh đèn vàng hiu hắt. Khói trầm cay đôi mắt. Em nằm đó sao thôi cười thôi nói. Dáng buồn còn vương nét. Mắt huyền giờ đã khép. Em nằm đó như đang mơ mộng gì.
On a wagon bound for market. There's a calf with a mournful eye. High above him. There's a swallow winging swiftly through and free.
Đoạn b
Em theo mây bay quên cuộc đời. Đời đầy nghĩa thương đau. Mây đưa em bay đi tìm trời. Và nơi đó em có nhớ tôi.
How the winds are laughing. They laugh with their might. Laugh and laugh the whole day through and half the summer's night.
Đoạn c
Em ơi em ơi em hỡi người yêu dấu. Sao em yêu vội sớm ra đi. Em ơi em ơi em hỡi người yêu dấu. Đau lòng thay phút giây chia lìa.
Donna Donna Donna Donna Donna Donna Donna Don. Donna Donna Donna Donna Donna Donna Donna Don.
Bài Donna-Donna là một tác phẩm viết ở hình thức ba đoạn đơn không có tái hiện. Vì đoạn c không tái hiện cả đoạn a cũng không tái hiện một câu một tiết nào của đoạn a. Chỉ tái hiện giọng điệu kết câu:
Giữ nguyên giọng Rê thứ (như đoạn a).
Giữ nguyên kết cấu: một đoạn 2 câu; 1 câu 2 tiết, 1 tiết 2 nhịp (như đoạn a).
3. Sơ đồ của hình thức ba đoạn đơn
3.1. Sơ đồ đơn giản
a b a
a b a’
a b c
3.2. Sơ đồ chi tiết
Bài Tuổi đời mênh mông
4. Tính chất hình thức 3 đoạn đơn
4.1. Tính triết lí
Hình thức ba đoạn đơn là sự phát triển trực tiếp từ hình thức hai đoạn: Nếu kéo dài kết cấu tái hiện ở hình thức hai đoạn thành kết cấu 1 đoạn hoàn chỉnh nó sẽ tách khỏi đoạn b và trở thành đoạn tái hiện của hình thức ba đoạn đơn. Vì vậy tính triết lí của hình thức ba đoạn đơn cũng là: so sánh (như hình thức hai đoạn) nhưng ở hình thức hai đoạn chỉ so sánh để thấy sự tương phản (a≠b). Còn ờ hình thức ba đoạn đơn thì so sánh không những để thấy sự tương phản mà còn để kết luận và khẳng định (a≠b≠a).
4.2. Tính tương phản và thống nhất
Các yếu tố biểu hiện tính tương phản và thống nhất cũng giống như ở hình thức hai đoạn đơn nhưng rõ nét hơn và sâu sắc hơn.
a) Tính tương phản
- Đoạn b có thể có âm hình mới chứ không nhất thiết phải dựa vào âm hình của đoạn a để phát triển (Trời Hà Nội xanh).
- Kết cấu của đoạn b cũng có thể là kết cấu mới, không nhất thiết phải phát triển từ kết cấu của đoạn a, và nó cũng được phát triển tự do hơn, dài hơn hoặc ngắn hơn đoạn a (Em ơi, Hà Nội phố Biển nhớ). Hòa thanh cũng thay đổi nhiều hơn. Kéo dài suốt cả đoạn chứ không chỉ có một câu như ở hình thức hai đoạn (Giấc mơ dịu dàng).
- Ở hình thức hai đoạn thì có một câu (câu một của đoạn b) làm nhiệm vụ tương phản; còn ở hình thức ba đoạn đơn thì có cả một đoạn (đoạn b) làm nhiệm vụ tương phản.
b) Tính thống nhất
Không như ở hình thức hai đoạn: yếu tố thống nhất đã có ngay trong khi đang phát triển (câu một đoạn b làm nhiệm vụ tương phản, nhưng bản thân trong đó đã có yếu tố thống nhất: âm hình, hòa thanh kết cấu phải phát triển từ đoạn a). Còn ở hình thức ba đoạn đơn có khi trong đoạn phát triển (đoạn b) có những yếu tố thống nhất (hình thức ba đoạn đơn đồng nhất) nhưng có khi trong đoạn phát triển không có yếu tố thống nhất (hình thức ba đoạn đơn tương phản). Vì vậy cần có hẳn một đoạn làm nhiệm vụ thống nhất: đó là đoạn cuối, đoạn tái hiện.
Đoạn cuối có thể:
- Tái hiện tĩnh để thống nhất tác phẩm (a b a).
- Tái hiện động để thống nhất tác phẩm (a b a’).
Nhưng quan trọng hơn cả là: Nội dung chủ đề phải thống nhất (trong ca khúc biểu hiện ở lời ca). Giọng điệu phải thống nhất (trở lại giọng điệu đoạn a); Kết cấu phải thống nhất (trở lại kết cấu đoạn a) (a-b-c).
4.3. Tính ổn định và không ổn định
Hình thức ba đoạn đơn cũng là hình thức có nhiều đoạn nhạc kết hợp với nhau, cho nên cũng giống như ở hình thức hai đoạn, cũng có những mức độ ổn định khác nhau. Ở hình thức hai đoạn chỉ có một câu không ổn định (câu một đoạn b) còn ỏ hình thức ba đoạn đơn thì cả đoạn giữa (b) không ổn định so với đoạn đầu (a) và so với đoạn cuối (a’ hoặc c).
Những yếu tố gây nên sự không ổn định của đoạn giữa cũng là những yếu tố chung:
- Yếu tố hòa thanh (Giấc mơ dịu dàng; Tuổi đời mênh mông...)
- Yếu tố âm vực (Giấc mơ dịu dàng; Trời Hà Nội xanh...).
- Yếu tố kết cấu (Em ơi, Hà Nội phố; Tuổi đời mênh mông; Biển nhớ...).
5. Ứng dụng của hình thức ba đoạn đơn
Do tính chất và do sự tuần hoàn của hình thức a - b - a (hợp với quy luật phát triển tình cảm con người) cho nên hình thức ba đoạn đơn thường được các nhạc sĩ dùng để cấu tạo nên tác phẩm âm nhạc trữ tình.
- Các ca khúc lãng mạn, các bản tình ca thường có hình thức ba đoạn đơn.
- Các chương chậm trong các giao hưởng, xô-nát hoặc công-xéc-tô cũng thường có hình thức ba đoạn đơn (là phần trình bày của hình thức ba đoạn phức).
6. Nhắc lại trong hình thức ba đoạn đơn
- Có thể nhắc lại từ đầu.
- Có thể nhắc lại đoạn đầu rồi nhắc lại cả hai đoạn sau.
- Có thể chỉ nhắc lại hai đoạn sau.
- Không nhắc lại riêng đoạn giữa.
Chương 2. GIỚI THIỆU HÌNH THỨC LỚN
- Hình thức trường ca
- Hình thức ba đoạn phức
- Hình thức Rông-đô
- Hình thức biến tấu
- Hình thức Xô-nát
A. HÌNH THỨC TRƯỜNG CA
(Giới thiệu một hình thức đặc biệt của ca khúc Việt Nam)
Đây là một hình thức phát triển từ hình thức ba đoạn đơn không có tái hiện (a b c). Nó không quay lại a hoặc b hoặc c.
- Nếu quay lại a hoặc b hoặc cả a b thì trở thành hình thức ba đoạn phức:
ab - c - a (ba đoạn phức tái hiện a).
ab - c - b (ba đoạn phức tái hiện b).
ab - c - ab (ba đoạn phức tái hiện ab).
- Nếu quay lại c thì trở thành hình thức ba đoạn đơn mà đoạn ba được nhắc lại:
a b…: c:…
Đây cũng là hình thức phát triển từ hình thức biến tấu (Xem chương II): mỗi đoạn (không quay lại) coi như một Episode (đoạn chen E) của hình thức biến tấu.
Đây là một hình thức mà ca khúc Việt Nam ảnh hưởng các hình thức và thể loại âm nhạc của phương Tây. Nó có từ thời kì đầu của nền tân nhạc Việt Nam trong trào lưu nhạc lãng mạn thời tiền chiến (1930-1940) mà người đại biểu xuất sắc là nhạc sĩ Văn Cao.
Đây không phải ỉà một hình thức phổ biến trong thể loại ca khúc (của Việt Nam và của cả thế giới). Hiện nay không thấy có tác giả nào còn dùng nó để cấu tạo nên những ca khúc của mình nữa, nhưng vì có một số ít tác phẩm viết ở hình thức này vẫn còn lưu truyền trong đời sống âm nhạc của chúng ta, cho nên trong giáo trình chỉ giới thiệu hình thức này qua một tác phẩm mà thôi.
1. Định nghĩa
Hình thức trường ca là hình thức của tác phẩm âm nhạc được cấu tạo bằng nhiều đoạn nhạc khác nhau, mỗi đoạn một âm hình ý nhạc, một giọng điệu khác nhau, một tốc độ nhịp độ khác nhau. Thường được gắn bó với nhau bằng một nội dung miêu tả cụ thể (lời ca) và bằng sự quan hệ về hòa thanh (quan hệ giữa các giọng điệu) giữa các đoạn với nhau và toàn bài. Nó phải có ít nhất 4 đoạn.
2. Tính chất
2.1. Tính triết lí
Cơ sở triết lí của hình thức trường ca cũng giống như cơ sở triết lý của hình thức ba đoạn đơn: So sánh để kết luận nhưng không chỉ so sánh với một sự việc sự vật (như ở hình thức ba đoạn đơn) mà so sánh với nhiều sư việc, sự vật khác nhau (a ≠ b ≠ c ≠ d...).
Cũng là cơ sở triết lí của hình thức biến tấu: một sự việc, sự vật phải trải qua cả một quá trình phát triển, nhưng sự việc sự vật ở đây không phải là chủ đề âm nhạc (như ở hình thức biến tấu) mà là một số phận, một cuộc đời, một sự kiện cụ thể mà lời ca của ca khúc đặt ra (xem Hình thức biến tấu - mục tính chất - ở chương sau).
2.2. Tính tương phản và thống nhất của hình thức trường ca
a) Tính tương phản: Mỗi đoạn đều phải khác với đoạn trước và sau nó. Khác nhau về âm hình ý nhạc, có thể khác nhau về giọng điệu, có thể khác nhau về tốc độ, có thể khác nhau về cả nhịp điệu nữa.
b) Tính thống nhất: Đoạn nào cũng phải đề cập đến một nội dung miêu tả cụ thể (ở lời ca). Có thể chuyển điệu, nhưng giọng điệu chuyển phải phụ thuộc vào chức năng của giọng điệu chính (giọng điệu của đoạn a). Đoạn cuối phải cùng giọng điệu với đoạn đầu.
2.3. Tính ổn định và không ổn định của hình thức trường ca
Có 2 mức ổn định và không ổn định:
- Mức ổn định và không ổn định tương đối (mức thấp) trong nội bộ từng đoạn.
- Mức ổn định và không ổn định cao hơn giữa các đoạn với nhau.
- Mức ổn định và không ổn định đột biến giữa đoạn nọ với đoạn kia (không tuần tự đoạn sau cao hơn đoạn trước) tùy theo cảm xúc và ý đồ của tác giả. 
3. Giới thiệu tác phẩm trường ca Sông Lô của Văn Cao (1923 -1995)
SÔNG LÔ - VĂN CAO
Sông Lô sóng ngàn Việt Bắc, bãi dài ngô lau núi rừng âm u. Thu du bến sóng vàng từng nhà mờ biếc chìm một màu khói thu. Sông Lô sống ngàn kháng chiến cháy bờ lau thưa đã tàn thôn trang. Ai qua bến nắng hồng lặng nhìn mau nước sông Lô xưa. Trên dòng sông trở về đoàn người. Reo mừng vui trên sóng nước biếc. Trôi đầy sông bao đám xác thù. Dân hân hoan nghe sóng réo vi vu xa xa, đường ngập người vang gió lá vi vu hiền hòa. Sông mênh mông như bát ngát hát. Thây giặc trôi trở về ngập bờ. Sông gầm âm vang súng trái phá. Bao rừng thu như bát ngát cười. Dân hoan hô chiến sĩ pháo binh Việt Nam ghi công. Tiếng trái phá quân thù gục chìm dòng Lô. Đây dòng Lô. Đây dòng Lô. Đoàn quân thời chinh chiến ca rằng: Đây Von - Ga, đây Dương Tử, đây sông Lô, đây sóng căm hờn vút cao, sóng lấp lánh vàng sao, ngàn chiến sĩ sông Lô. Chiến sỹ sông Lô thân rừng áo sương đang ca rằng: Giờ mồ thực dân sóng lấp cát vàng. Chiến sĩ sông Lô oai hùng đấu tranh gào kêu vang sóng. Đây giặc Pháp tàn trong căm gan toàn dân. Về trong đêm gió rét. Từng sân vui bóng người quanh lửa hồng. Nền khô trơ than xám. Đêm chìm đợi ánh chiêu dương.
Vui hát ca hòa, vui hát ca hòa dân buông lưới. Phan Lương vui bóng thuyền. Lều dựng lên ven sông, bóng người sầm uất bến Then. Vui hát ca hòa, vui hát ca hòa chí kiến thiết bên sông Lô đắp nhà. Bao dân trong khu Mười mơ thành người sông Lô. Đời vui vút lên. Đời vui sướng về. Vui hát ca hòa, vui hát ca hòa chí chiến đấu. Đây tay trai Việt Bắc. Sông Lô đang xuôi mau tin về đồng lúa reo mừng. Rung trong bao hương đồng. Mừng một mùa chiến công.
Vui hát ca hòa, vui hát ca hòa dân vui nắng. Như chim xuân thấy mùa, và đài hoa lưu luyến. Xanh rừng đầy lá búp non. Vui hát ca hòa, vui hát ca hòa những lưới mắc. Ta vui khoang cá đầy. Tay ta tay dân chài xuôi ngược dòng sông Lô. Từng quăng lưới xa. Từng vây lưới giặc. Vui hát ca hòa, vui hát ca hòa với ánh sáng. Ta đang xây đời mới. Sông nuôi dân thiên thu đã hòa mạch máu bao người. Sông xuôi quanh co về hòa mạch cùng với xuôi.
Dòng sông Lô trôi. Dòng sông Lô trôi. Mùa xuân tới nước băng qua ngàn, nước in ven bờ xanh in bóng tre. Dòng sông Lô trôi.
Nhạc sĩ Văn Cao sinh ngày 15 tháng 11 năm 1923 tại thành phố cảng Hải Phòng trong một gia đình công nhân nghèo. Không khí hừng hực của phong trào cách mạng đã gợi hứng cho Tiến quân ca ra đời đốt cháy thêm khí thế sôi sục của những ngày khởi nghĩa tháng 8 lịch sử. Đồng thời với sự ra đời của Tiến quân ca là Chiến sĩ Việt Nam và Công nhân Việt Nam (1944-1945). 
Những ca khúc của Văn Cao lừng lẫy một thời trước và sau cách mạng. Đó là Thăng Long hành khúc, Bài ca chiến sĩ Hải quân, Không quân Việt Nam... đã đọng lại trong lòng đông đảo quần chúng.
Đặc biệt trường ca Sông Lô (1947) là tác phẩm đã để lại một dấu ấn rực rỡ. Đây là một hình thức độc đáo trong các thể loại thanh nhạc Việt Nam. Toàn bài chia làm nhiều đoạn, bằng nhiều tốc độ khác nhau, tác giả muốn vươn lên khỏi hình thức của thể loại ca khúc bình thường. Giai điệu đẹp, ca từ mang nhiều chất thơ, sự nối tiếp trong cấu trúc của đoạn hợp lí, khiến cho trường ca có sức hấp dẫn riêng, khá đặc biệt (Trích Nhạc sĩ Việt Nam - tập I - Nhà xuất bản âm nhạc 1989).
Không phải chỉ riêng Sông Lô, Văn Cao mới viết theo hình thức trường ca, mà trước đó trong phong trào tân nhạc tiền chiến - Văn Cao đã có Buồn tàn thu - 1940, Thiên Thai - 1941, Trương Chi - 1942... cũng được viết theo hình thức trường ca.
Cũng không phải chỉ riêng Văn Cao mới có hình thức trường ca mà một vài tác giả khác cũng viết thể loại này (Đỗ Nhuận - Nguyễn Văn Thương - Nguyễn Đình Thi).
Nhưng có lẽ Sông Lô là một tác phẩm có hình thức trường ca hoàn thiện nhất bởi vì:
- Các đoạn đều có những âm hình ý nhạc khác nhau, nhưng tất cả các âm hình ý nhạc ấy đều phục vụ cho một nội dung miêu tả chung dòng Sông Lô cụ thể.
- Các đoạn đều có những giọng điệu khác nhau, nhưng tất cả các giọng điệu ấy đều phụ thuộc vào giọng điệu chính và đều phát triển từ giọng điệu chính: giọng Rê trưởng.
- Các đoạn đều có những tốc độ và nhịp độ khác nhau, nhưng tất cả những thay đổi đó đều rất chính xác trong việc tạo nên một nội dung âm nhạc của riêng từng đoạn, một cơ thể chung của tác phẩm.
- Các đoạn đều có những hình ảnh cụ thể khác nhau, nhưng tất cả những hình ảnh ấy đều chỉ là những mặt khác nhau, những góc độ khác nhau của một hình tượng chung: Đó là dòng Sông Lô chảy từ thượng lưu đến hạ nguồn qua nhiều khúc quanh co, lúc hiền từ, lúc gào thét dữ dằn... rồi lại hiền từ chảy xuôi về biển. Đó là dòng Sông Lô đã chứng kiến một sự tích anh hùng quân dân liên khu X chiến đấu chống quân đội thực dân Pháp bảo vệ khu căn cứ địa Việt Bắc, bảo vệ dòng Sông Lô thanh bình thơ mộng (năm 1947).
Tác phẩm gồm có 6 đoạn nối tiếp nhau, có sơ đồ như sau:
Mở đầu + đoạn a (D) + đoạn b (G) + đoạn c (H) + đoạn d (h) + đoạn e (G) + đoạn h (D).
Mở đầu: Andante - Expressivo, giọng Rê trưởng, nhịp 4. Chỉ là một nét nhạc mở đầu không kết cấu thành câu thành đoạn như suối, đầu nguồn chưa thành dòng sông lớn, mục đích: giới thiệu giọng điệu chính của tác phẩm (giọng Rê trưởng), gây không khí lặng lẽ, êm đềm) chuẩn bị cho dòng suối lớn (đoạn a) xuất hiện.
Đoạn a: 12 nhịp. Từ nhịp số 5 đến nhịp số 16.
Âm nhạc rất ổn định. Kết hợp với nét nhạc dạo đầu tạo nên hình ảnh một dòng sông lớn dầu nguồn (một đoạn nhạc, âm hình dài cả 1 tiết, giọng chính: Rê trưởng), một dòng sông như các dòng sông sâu đó của Việt Nam (ngả về điệu thứ 5 âm dân tộc), êm đềm, lặng lẽ (giai điệu dàn trải, sắc thái p và mf) thanh bình hiền từ xuôi chảy (khúc thức đơn giản tiết nhắc lại, câu nhắc lại).
Đoạn b: 31 nhịp, Từ nhịp số 17 đến nhịp số 47.
Đoạn này có sự tương phản mạnh mẽ với đoạn a: Tốc độ thay đổi (Allegretto), giọng điệu thay đổi (Sol trưởng) âm hình thay đổi âm hình ngắn 2 nhịp, dứt khoát), sắc thái thay đổi (f). Đặc biệt đoạn này có dạng một đoạn kép, tác giả sử dụng 2 âm hình và 2 tiết tấu khác nhau trên là tiết chẵn (2 nhịp) dưới là tiết lẻ (3 nhịp) kết hợp trong một đoạn nhạc tạo nên sự tương phản trong nội bộ đoạn này; tạo nên 2 hình ảnh khác nhau: hình ảnh một đoàn quân hoạt động nhộn nhịp trên một dòng sông vẫn đang bình lặng êm ả.
Đoạn này ở giọng Sol trưởng nhưng khi kết tác giả lại kết ở bậc VII (một bậc không ổn định nhất của giọng) vừa gây tính không ổn định cho đoạn này vừa kết hợp để chuẩn bị cho đoạn sau chuyển điệu (âm lấy đà) sang giọng Si trưởng.
Đoạn c: 32 nhịp, từ nhịp số 48 đến nhịp số 79.
Nhịp lại thay đổi (nhịp 4), tốc độ lại thay đổi (tempo di marcia); giọng điệu lại thay đổi (Si trưởng); lực độ cũng thay đổi (ff); âm hình thay đổi (một âm hình mới đặc trưng của những khúc quân hành). Cùng là hình ảnh của một đoàn quân như ở đoạn b nhưng ở đây là tiếng hát tự hào cất lên từ trong trái tim của đoàn quân Sông Lô kiên quyết chiến đấu bảo vệ dòng sông quê hương của mình.
Đoạn d: 16 nhịp, từ nhịp số 80 đến nhịp số 95.
Vẫn giọng Si nhưng chuyển thành Si thứ; tốc độ chậm hẳn lại (Andante - Expressivo); giai điệu đưa xuống âm vực trầm. Tất cả những yếu tố đó làm cho âm nhạc ở đoạn này trầm lắng lại. Hình ảnh một dòng sông vừa trải qua một cơn sóng gió phong ba, hay tâm trạng con người vừa trải qua một sự mất mát hi sinh.
Tuy ở lời ca có câu Từng sân vui bóng người quanh lửa hồng gợi cho người nghe những đêm lửa trại thời kháng chiến chống Pháp, nhưng không phải những đêm liên hoan hát múa quanh đống lửa mà ở đây là một đêm lửa trại lặng lẽ, dồn nén, đợi chờ một biến cố gì đó sẽ xảv ra một trận chiến đấu khốc liệt nữa sẽ xảy ra ngày mai hay là một tin vui chiến thắng sẽ tới? Đặc biệt kết đoạn không về chủ âm mà lại chuyển điệu về hướng hạ át (bậc VI giáng) làm cho âm nhạc tuy có lo âu, hồi hộp, đợi chờ nhưng không căng thẳng.
Đoạn e: 64 nhịp, từ nhịp 96 đến nhịp 156.
Đúng là một tin vui chiến thắng đã tới. Đoạn này trở lại giọng Sol trưởng (đã được chuẩn bị ở cuối đoạn d); trở lại nhịp…, tốc độ lại nhanh mạnh (Allegro - Giocoso) chất liệu âm hình nhảy nhót vui vẻ. Đây là một vũ khúc của những người chiến thắng: vui vẻ, hồ hởi, tưng bừng. Đoạn này cũng có hai âm hình tương phản nhau.
Một âm hình sôi động, nhảy nhót và một âm hình bình yên lặng lẽ. Đó chính là hình ảnh của quân và dân đang múa hát mừng chiến thắng và hình ảnh của dòng Sông Lô (dòng sông cũng đang cất lên tiếng hát).
Đoạn g: 8 nhịp, từ nhịp 157 đến hết.
- Vừa có ý nghĩa như một đoạn tái hiện:
Tái hiện lại giọng điệu (Rê trưởng).
Tái hiện lại nhịp điệu (nhịp 4/4).
Tái hiện lại tốc độ sắc thái (Andante Expressivo).
Tái hiện lại âm hình (âm hình đoạn mở đầu).
- Vừa có ý nghĩa như một đoạn cô-đa kết luận tác phẩm: Qua bao biến cố, qua bao thác ghềnh bão tố, dòng sông lại thanh bình, êm ả trôi xuôi, giống như người dân Sông Lô lại trở lại cuộc sống thanh bình êm ả trên quê hương mình và có thể giống như cả đất nước mình đang trải qua một cuộc kháng chiến trường kì gian khổ nhưng sẽ có ngày đất nước lại trở lại thanh bình, đẹp đẽ, thơ mộng như dòng Sông Lô vậy.
B. HÌNH THỨC BA ĐOẠN PHỨC
1. Định nghĩa
Hình thức ba đoạn phức là hình thức của tác phẩm âm nhạc được cấu tạo bằng ba phần: Phần thứ nhất là phần trình bày có hình thức nhỏ nhất là hai đoạn hoặc ba đoạn đơn; Phần thứ hai là phần phát triển; Phần thứ ba là phần tái hiện; Phần thứ hai phải tương phản với phần thứ nhất và phần thứ ba.
1.1. Phần thứ nhất - phần trình bày (Phần A)
Cũng trình bày những nhân tố chủ yếu tạo nên nội dung âm nhạc của tác phẩm (âm hình chủ đề, hòa thanh, tiết tấu, v.v...) ít nhất phải trình bày hai chủ đề, vì vậy phải có hình thức hai đoạn hoặc ba đoạn đơn.
1.2. Phần thứ hai - phần phát triển (Phần B)
Phần này được phát triển tự do:
- Có thể là hình thức hai đoạn.
- Có thể là hình thức ba đoạn đơn.
- Có thể là hình thức một đoạn phức.
- Có thể là hình thức một đoạn chủ đề và các biến tấu.
- Có thể chỉ là những đoạn chen (Éspisode) không thành câu, không thành đoạn.
1.3. Phần thứ ba - phần tái hiện (Phần A)
- Có thể tái hiện nguyên si cả phần thứ nhất a b (nếu là hình thức hai đoạn), a b a (nếu là hình thức ba đoạn đơn).
- Có thể chỉ tái hiện đoạn a của phần thứ nhất rồi phát triển thêm để kết.
- Có thể chỉ tái hiện âm hình ý nhạc của đoạn a (mà không tái hiện cả đoạn a) rồi từ đó phát triển thêm để kết.
2. Các dạng khác nhau của hình thức ba đoạn phức
2.1. Hình thức ba đoạn phức có phần B là phần Trio
Trio là một truyền thống trong âm nhạc cổ điển: Phần giữa thường được biểu diễn bằng ba bè với ba nhạc cụ - Phần nhiều là ba nhạc cụ ở bộ gỗ - 2 ôboa và 1 pha gốt. Trio thường có hình thức hai đoạn hoặc ba đoạn đơn.
2.2. Hình thức ba đoạn phức có phần B là hình thức chủ đề (1 đoạn) và các biến tấu của nó.
2.3. Hình thức ba đoạn phức có phần B là những đoạn chen (Épisode).
Đoạn chen là những đoạn không ổn định cả về giọng điệu lẫn kết cấu, không rõ âm hình chính, phụ, không dừng lâu ở một giọng điệu nào, không có ranh giới rạch ròi giữa các tiết, các câu, không bao giờ được nhắc lại.
2.4. Hình thức ba đoạn phức có phần tái hiện tĩnh
Phần cuối (A) của tác phẩm nhắc lại nguyên si cả phần đầu (A) có thể chỉ ghi chữ da capo al fin).
2.5. Hình thức ba đoạn phức có phần A’ là phần tái hiện động
Phần A’ chỉ nhắc lại đoạn a hoặc một bộ phận của đoạn a rồi phát triển tiếp để kết thúc.
3. Tính chất của hình thức ba đoạn phức
3.1. Tính triết lí
Hình thức ba đoạn phức cũng là một dạng của hình thức ba đoạn nói chung nên cùng tính chất: So sánh để rút ra kết luận, ở hình thức ba đoạn đơn chỉ so sánh một sự việc (hoặc một sự vật) với một sự việc (hoặc một sự vật) khác, còn ở hình thức ba đoạn phức là so sánh một sự việc (hoặc một sự vật) với hai sự việc (hoặc hai sự vật) khác nhau để hiểu sâu hơn bản chất của sự việc sự vật đó.
3.2. Tính tương phản và thống nhất
Ở hình thức ba đoạn phức cả phần B làm nhiệm vụ tương phản và cả phần A’ làm nhiệm vụ thống nhất tác phẩm.
Các yếu tố tạo nên sự tương phản và thống nhất cũng là những yếu tố chung của âm nhạc như đã phân tích ở chương I. Hình thức ba đoạn phức là hình thức của thể loại khí nhạc (bây giờ không ai viết tác phẩm ca khúc có hình thức ba đoạn phức nữa) cho nên nó còn có một yếu tố đặc trưng của khí nhạc để tạo nên sự tương phản và thống nhất cho tác phẩm đó là yếu tố: Âm sắc. Dùng âm sắc để tạo sự tương phản sẽ có hiệu quả rõ rệt hơn và sâu sắc hơn.
Trong hình thức ba đoạn phức có hai sự tương phản khác biệt nhau:
Tương phản giữa đoạn a và b ở phần A. Đó là sự tương phản trong nội bộ (nhẹ hơn, ít hơn). Các tác giả thường dùng các âm sắc khác nhau trong cùng một bộ (bộ dây hoặc bộ gỗ).
Tương phản giữa phần A và phần B là sự tương phản có tính đối kháng (nhiều hơn, sâu hơn). Vì vậy các tác giả thường dùng âm sắc của hai bộ khác nhau để đối chọi nhau (dây đối chọi với gỗ, hoặc gỗ đối chọi với đồng, v.v...).
Tương phản về hòa thanh cũng có sự khác biệt.
Ở hình thức ba đoạn đơn nếu đoạn b có chuyển điệu thì cũng chỉ chuyển sang những giọng điệu phụ thuộc vào chức năng của giọng chính. Có nhiều tác phẩm đoạn b vẫn giữ nguyên giọng điệu của đoạn a không nhất thiết phải chuyển điệu.
Còn ở hình thức ba đoạn phức thì phần B bắt buộc phải chuyển điệu và có khi chuyển sang những giọng điệu xa không phụ thuộc vào chức năng của giọng điệu chính.
3.3. Tính ổn định và không ổn định
Cũng tuân theo những nguyên tắc cấu tạo tác phẩm âm nhạc: có tĩnh có động, ở hình thức ba đoạn phức tính ổn định và không ổn định biểu hiện trong từng phần một (trong nội bộ từng phần có lúc tĩnh - đoạn a - và có lúc động - đoạn b) và trong cả tác phẩm (phần A tĩnh - ổn định - so với phần B động - không ổn định - phần A’ lại tĩnh - ổn định).
Các yếu tố biểu hiện tính ổn định và không ổn định cũng là những yếu tố chung của âm nhạc như đã phân tích ở trên (Xem chương I - mục A - tiểu mục 4).
4. Các kết cấu phụ trong hình thức ba đoạn phức
Ở thể thanh nhạc, các loại ca khúc có thể có hoặc không có các kết cấu phụ, có khi ghi trong bản nhạc, có khi không ghi vào bản nhạc mà tùy từng ban nhạc có những mở đầu, cầu nối hoặc kết vĩ khác nhau.
Nhưng ở hình thức ba đoạn phức (thể khí nhạc) thì những kết cấu phụ (nếu có) đều được ghi trong bản nhạc và là một bộ phận hữu cơ của tác phẩm, và chúng cùng với các kết cấu chính tạo nên nội dung của tác phẩm, không thể bỏ qua khi phân tích và không thể tùy tiện khi biểu diễn. Ở hình thức ba đoạn phức có thể có các kết cấu phụ sau:
Mở đầu: Có thể mở đầu toàn bộ tác phẩm.
Có thể có mở đầu từng phần.
Cầu nối: Có thể có cầu nối giữa các đoạn trong từng phần.
Có thể có cầu nối từ phần B sang phần A’ (không có cầu nối từ phần A sang phần B).
Kết vĩ: Cô-đa kết thúc tác phẩm.
5. Giới thiệu tác phẩm Miền Nam quê hương ta ơi!
Đây là một tác phẩm khí nhạc (hòa tấu vi-ô-lông và pi-a-nô sáng tác của nhạc sĩ Huy Du trong thời kì kháng chiến chống Mỹ)
Thời kì này cả thế giới hướng về Việt Nam, cả Việt Nam đang hướng về miền Nam ruột thịt của mình. Ngày đêm hơn hai triệu người con của miền Nam tập kết và 17 triệu đồng bào miền Bắc đều nghĩ đến miền Nam (như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Miền Nam trong trái tim tôi”), luôn luôn thương cảm đồng bào Miền Nam đang rên xiết dưới họng súng và máy chém của quân Mỹ tay sai, nguyện dốc lòng dốc sức giải phóng miền Nam.
Nhạc sĩ Huy Du đã phản ánh được tâm tư tình cảm đó của thời đại trong tác phẩm của mình.
Tác phẩm được viết ở hình thức ba đoạn phức.
PHẦN A
(54 nhịp, từ ô nhịp số 1 đến ô nhịp số 54).
Phần này có hình thức ba đoạn đơn, nhịp C giọng La thứ.
Mở đầu (kết cấu phụ): 4 nhịp pi-a-nô - vừa chuẩn bị giọng điệu, âm hình đệm cho người nghe, đồng thời cũng gây được không khí chờ đợi; cũng minh họa được hình ảnh sông nước kênh rạch của miền Nam (Andante - Dolcissimo).
Đoạn a: 20 nhịp, từ nhịp số 5 đến nhịp số 24, gồm 3 câu:
Câu 1: 5 nhịp từ ô nhịp số 5 đến ô nhịp số 9.
Câu 2: 8 nhịp từ ô nhịp số 10 đến ô nhịp số 17. Câu này phát triển từ 1 mô-típ chủ yếu mở đầu của câu 1.
Câu 3: 7 nhịp từ ô nhịp 17 đến 1/2 ô nhịp số 24. Cũng được phát triển từ 1 mô-típ ấy.
Giai điệu được phát triển từ dân ca Nam Bộ mang tính ca xướng, êm dịu tình cảm. Tiếng Vi-ô-lông réo rắt lúc ở âm khu cao lúc ở âm khu trầm như xoáy vào lòng người những nhớ thương day dứt khôn nguôi.
Đoạn b: 9 nhịp, từ ô nhịp 24 đến 1/2 ô nhịp 33, cũng gồm có 2 câu:
Câu 1: 4 nhịp từ ô nhịp 24 đến 1/2 ô nhịp 27.
Câu 2: 5 nhịp, từ ô nhịp 27 đến 1/2 ô nhịp 33. Âm hình trên được mô phỏng xuống quãng 2 rồi phát triển mở rộng.
Cầu nối (kết cấu phụ) 9 nhịp, từ 1/2 nhịp 33 đến 1/2 nhịp 42. Từ mô-típ của đoạn b giai điệu phát triển dần lên cao đi tới cao trào (cao trào cục bộ của phần I - nhịp 39). Sau đó giải quyết cao trào, giai điệu đi dần xuống để chuẩn bị cho đoạn a tái hiện.
Đoạn này âm nhạc xáo trộn, gây sự tương phản với đoạn a (tương phản nội bộ) khắc họa nỗi lòng không yên của mọi người khi nhớ tới miền Nam.
Đoạn tái hiện (a’) 12 nhịp, từ ô nhịp 43 đến hết ô nhịp 54. Tái hiện động.
Câu 1: 4 nhịp từ ô nhịp 43 đến ô nhịp 46, vẫn nhắc lại mô-típ chủ yếu rồi phát triển.
Câu 2: 7 nhịp, từ ô nhịp 47 đến hết ô nhịp 54. Cũng vẫn dùng thủ pháp nhắc lại 1 mô-típ chính rồi phát triển mở rộng.
Đoạn tái hiện như nhắc nhở mọi người đừng quên miền Nam miền Nam luôn trong trái tim, trong suy nghĩ của chúng ta.
Kết thúc đoạn tái hiện đồng thời kết thúc phần trình bày (phần A) ở giọng La thứ. Kết trọn. Âm nhạc ngắt, nghỉ. 
PHẦN B
(62 nhịp, từ nhịp 55 đến nhịp 116).
Nhịp 6/8 giọng Đô trưởng Animato - Grazioso.
Có hình thức chủ đề và biến tấu.
Mở đầu: 2 nhịp 55+56: giới thiệu nhịp và giọng, chuẩn bị không khí vũ hội - vi-ô-lông pizz búng dây
Chủ đề: Có hình thức một đoạn; 2 câu; vuông vắn. 16 nhịp, từ nhịp 57 đến nhịp 72. Chủ đề mang tính vũ khúc.
Biến khúc 1: Biến tấu của chủ đề: Giai điệu đưa xuống phần tay phải pi-a-nô, lược bớt những ấm phụ chỉ giữ lại những âm chính. Vi-ô-lông đệm pizz. Cũng 16 nhịp, từ nhịp 73 đến nhịp 88.
Biến khúc 2: Chuyển điệu sang giọng La giáng trưởng. 22 nhịp, từ nhịp 89 đến nhịp 110. Giai điệu biến tấu từ mô-típ thứ 2 của chủ đề, thay nhau xuất hiện ở 2 bè pi-a-nô và vi-ô-lông.
Cầu nối: (Kết cấu phụ) tiếp ngay sau biến khúc 2 như một bộ phận phát triển của biến khúc 2 vừa làm nhiệm vụ kết luận (vĩ thanh) kết thúc phần B vừa làm nhiệm vụ dẫn dắt về phần A’ là phần tái hiện. Kết thúc phần này là một cao trào (nhịp 116 – cao trào của toàn bộ tác phẩm). Cao trào không giải quyết. Tác giả có chủ tâm dành việc giải quyết cao trào cho toàn bộ phần A’ là phần tái hiện.
Kết cấu phụ này dùng hòa thanh làm động lực phát triển:
- Mi giáng thứ (nhịp 111) đẳng âm bằng Rê thăng thứ (112).
- Fa thăng trưởng (nhịp 113) rồi Si trưởng (nhịp 114).
- Si 11 (hợp âm nghịch) như D11 của Mi trưởng (nhịp 116).
Cao trào dừng lại ở hợp âm Mi trưởng chính là D (bậc V) của La thứ sẽ tái hiện ở phần A’.
Cả phần B này tác giả muốn diễn tả một hoạt động con thoi nhộn nhịp: sản xuất - chiến đấu, vào Nam - ra Bắc, hoạt động khẩn trương vất vả gian khổ nhưng vẫn vui như ngày hội. Cao trào chưa giải quyết: cuộc chiến đấu chưa kết thúc vẫn đang tiếp diễn. Phần B được nối liền ngay sau phần A’ không có ngừng, nghỉ.
PHẦN A'
(Phần tái hiện)
Tempo I Appassionato. Trở lại nhịp C. Trở lại giọng La thứ.
Ở phần này tác giả chỉ tái hiện đoạn a của phần A mà không tái hiện cả phần A.
Cũng như ở đoạn a, cả hai câu của đoạn tái hiện này đều bắt đầu từ một mô-típ chính, nhưng ở đây tác giả đã kéo dài (gấp đôi) trường độ và đưa giai điệu lên một âm vực cao nhất của violon.
Một tình yêu thiết tha đối với miền Nam và một lòng tin tưởng sắt đá vào sự nghiệp giải phóng.
Tiếp ngay sau đó là một kết cấu phụ: Một cô-đa hoành tráng kết thúc tác phẩm. Cô-đa như một kết luận: quyết tâm sắt đá của chúng ta, quyết giải phóng hoàn toàn miền Nam khỏi tay bọn xâm lược và bọn tay sai; một lòng tin tưởng chắc chắn sự nghiệp sẽ hoàn thành; một khúc khải hoàn báo trước ngày chiến thắng.
5. Sơ đồ của hình thức ba đoạn phức
5.1. Sơ đồ đơn giản
5.2. Sơ đồ tác phẩm "Miền Nam quê hương ta ơi!"
6. Ứng dụng
- Đã có cơ sở triết lí, đủ độ dài để là hình thức của một tác phẩm độc lập.
- Có thể là một chương (chương chậm, chương III) trong các bản Xô-nát, các bản giao hưởng 4 chương, các bản công-xéc-tô, v.v...
- Cũng có thể là một bộ phận trong các tác phẩm lớn khác (nhạc Kịch - Vũ kịch).
Miền Nam quê hương ta ơi! – HUY DU
C. HÌNH THỨC RÔNG-ĐÔ
Chữ Rông-đô gốc từ tiếng Pháp (Rondeau) có nghĩa là vòng tròn. Rông-đô bắt nguồn từ những bài ca cổ có các phiên khúc và các điệp khúc (phiên khúc là các đoạn hát thay phiên nhau thay đổi lời ca - đôi khi thay đổi cả âm nhạc; điệp khúc là các khúc hát được nhắc lại nguyên si cả lời và nhạc). Sau đó Rông-đô biến thành các điệu luân vũ, quay vòng giữa múa tập thể (điệp khúc) với các đoạn múa đơn, múa đôi ít người (phiên khúc). Các nhạc sĩ chuyên nghiệp từ cuối thế kỷ XVII đã biến Rông-đô thành hình thức của tác phẩm âm nhạc. Đầu tiên là những tác phẩm dành riêng cho múa, sau đó trở thành tác phẩm âm nhạc độc lập tách rời khỏi các động tác múa (tuy rằng vẫn mang tính vũ khúc).
1. Định nghĩa
Rông-đô là hình thức của tác phẩm âm nhạc được cấu tạo bằng một điệp khúc được nhắc lại ít nhất ba lần. Giữa mỗi lần xuất hiện điệp khúc là những đoạn chen có những nội dung âm nhạc khác nhau tương phản với điệp khúc và tương phản lẫn nhau.
1.1. Điệp khúc (R)
Âm hình thường biểu hiện tính vũ khúc: Allegro, hoành tráng, vì nó xuất phát từ những luân vũ ca cổ, vì thực tế nó là điệp khúc được nhắc đi nhắc lại ít nhất ba lần, nên nó có đầy đủ tính chất mỗi đoạn điệp khúc và người ta kí hiệu là R (chữ đầu của từ Refrain - nghĩa là điệp khúc).
Điệp khúc có thể có hình thức một đoạn, hai đoạn hoặc ba đoạn đơn.
Hòa thanh luôn luôn kết trọn về giọng điệu chính.
1.2. Các đoạn chen (Episode, kí hiệu E1, E2, v.v...)
Tính chất là đoạn phát triển lại, là đoạn chen nên nó phát triển tự do.
a) Tự do về âm hình ý nhạc
- Có thể là những âm hình ý nhạc mới (các bản Rông-đô từ thời cổ điển về sau).
- Có thể là những âm hình ý nhạc được phát triển từ âm hình ý nhạc của điệp khúc (các tác phẩm thời cla-vơ-xanh cổ Pháp).
b) Tự do về kết cấu
- Có thể có kết cấu thành câu, thành đoạn, nhưng cũng có khi chỉ là hình thức một đoạn (Rông-đô cổ), có khi là những hình thức hai đoạn, ba đoạn đơn (Rông-đô phái cổ điển).
- Có thể có kết cấu không thành câu, thành đoạn (Rông-đô thời kì sau cổ điển).
- Có thể có độ dài bằng điệp khúc nhưng cũng có thể có độ dài lớn hơn.
c) Tự do về hòa thanh
Hòa thanh là yếu tố quan trọng trong việc tạo nên tính tương phản trong âm nhạc. Các đoạn chen phải tương phản với điệp khúc và phải tương phản lẫn nhau cho nên giọng điệu của các đoạn chen bao giờ cũng khác nhau và khác với giọng điệu của điệp khúc. Thông thường giọng điệu của các đoạn chen phải phụ thuộc vào chức năng của giọng điệu chính (điệp khúc).
- Có thể chuyển sang bậc V so với giọng chính chức năng D.
- Có thể chuyển sang bậc IV so với giọng chính chức năng S.
- Có thể chuyển sang bậc VI nếu giọng chính là trưởng, chức năng TS VI.
- Có thể chuyển sang bậc III nếu giọng chính là thứ, chức năng DIII.
- Có thể chuyển sang điệu thứ hoặc trưởng cùng tên với giọng chính.
2.1. Rông-đô cổ Pháp
Là hình thức của tác phẩm âm nhạc theo trường phái cla-vơ-xanh Pháp. Các bộ phận (điệp khúc và các đoạn chen) thường chỉ có hình thức một đoạn vuông vắn phục vụ trực tiếp cho các luân vũ.
2.2. Rông-đô cổ điển
Là hình thức của tác phẩm âm nhạc đã được các nhạc sĩ thời cổ điển Viên phát triển thành những tác phẩm âm nhạc độc lập, vẫn có tính vũ khúc nhưng tách rời khỏi các điệu luân vũ cụ thể. Các bộ phận (điệp khúc và các đoạn chen) thường có hình thức lớn hơn một đoạn: hai đoạn hoặc ba đoạn đơn và điệp khúc cũng có khi phát triển chứ không bắt buộc lúc nào cũng phải nhắc lại nguyên si.
3. Tính chất của hình thức Rông-đô
Hình thức Rông-đô phát triển trực tiếp từ hình thức ba đoạn phức.
- Phần phát triển của hình thức ba đoạn phức có khi phát triển rất dài gấp nhiều lần đoạn b (ở phần trình bày), còn ở hình thức Rông-đô đoạn chen thứ hai (E2) dù thế nào cũng không thể dài quá so với đoạn chen thứ nhất (E1).
- Phần tái hiện ở hình thức ba đoạn phức có khi nhắc lại cả phần trình bày (aba’) có khi chỉ nhắc lại 1 câu, 1 tiết rồi phát triển tiếp (a’), còn ở hình thức Rông-đô điệp khúc thường được nhắc lại nguyên si.
- Ở hình thức ba đoạn phức thì a chỉ nhắc lại nhiều nhất là ba lần, còn ở hình thức Rông-đô thì điệp khúc nhắc lại ít nhất là ba lần, còn nhiều nữa có thể nhắc lại 5, 6, 7, 8 lần.
Vì vậy tính chất của Rông-đô có nhiều điểm giống như hình thức ba đoạn phức.
3.1. Tính triết lí
Cũng là hình thức tư duy so sánh và kết luận, nhưng ở hình thức Rông-đô là so sánh với nhiều sự việc sự vật (ở hình thức ba đoạn phức chỉ so sánh với hai sự việc sự vật mà thôi) để tìm ra bản chất của sự vật và kết luận tới tận cùng chân lí.
3.2. Tính tương phản và thống nhất
Các đoạn chen chính là những bộ phận làm nhiệm vụ tương phản. Chúng phải tương phản với nhau và tương phản với điệp khúc như định nghĩa).
Điệp khúc được nhắc đi nhắc lại nhiều lần và luôn kết trọn ở giọng điệu chính làm nhiệm vụ thống nhất tác phẩm.
Các yếu tố tạo nên tính tương phản và tính thống nhất cũng là những yếu tố chung của âm nhạc (như đã phân tích ở các hình thức trên).
Đặc biệt đây là tác phẩm âm nhạc không lời nên yếu tố âm sắc luôn đóng một vai trò chủ yếu trong việc tạo nên tính tương phản và thống nhất của tác phẩm.
3.3. Tính ổn định và không ổn định
Đoạn điệp khúc ổn định so với các đoạn chen (không ổn định), nhưng mức độ không ổn định ở các đoạn chen có khác nhau. Thông thường thì mức độ không ổn định tăng dần cho đến đoạn chen cuối cùng (trước khi về điệp khúc lần cuối để kết thúc tác phẩm) là đoạn có cao trào với mức độ không ổn định cao nhất.
4. Các kết cấu phụ trong hình thức Rông-đô
- Đoạn mở đầu ít thấy có, thông thường các tác phẩm ở hình thức Rông-đô thường bắt đầu ngay bằng điệp khúc (vì nó mang tính vũ khúc sôi nổi, nhanh, có không khí ngày hội tưng bừng, nhẹ nhàng, ổn định).
- Cầu nối nếu có thì thường nối từ các đoạn chen về điệp khúc, ngược lại từ điệp khúc tới các đoạn chen thì ít thấy có cầu nối.
- Cô-đa ở Rông-đô cổ không có, thường kết ở điệp khúc, nhưng từ thời cổ điển thì cô-đa là một bộ phận hữu cơ và là một quy luật phát triển của Rông-đô. Cô-đa tổng kết các âm hình ý nhạc đã có trong các đoạn chen và dung hòa chúng với âm hình ý nhạc của điệp khúc để kết thúc tác phẩm.
5. Giới thiệu tác phẩm U-véc-tuya ca kịch “Các-men”
Các-men là vở nhạc kịch của Bi-dê (George – Bizet - nhạc sĩ Pháp 1838-1875) sáng tác dựa theo tác phẩm văn học cùng tên của nhà văn Prô-xpê Mê-ri-mê (nhà văn Pháp 1803-1890). Vở nhạc kịch ra đời trong trào lưu dân chủ, giải phóng phụ nữ, ca ngợi tự do yêu đương, đã yêu thì yêu say đắm và dù chết cũng không từ bỏ tình yêu của mình.
Tóm tắt nội đung: Các-men là một cô gái Bôhêmiêng làm việc trong một nhà máy thuốc lá.
Vì một vụ xô xát giữa các chị em công nhân trong nhà máy mà Các-men bị cảnh sát bắt giải về đồn. Trên đường về đồn, một anh cảnh sát bị Các-men dụ dỗ đã bỏ trốn cùng Các-men. Anh cảnh sát đó tên là Đông-giô-dê (Don-José). Hai người đã yêu nhau và Các-men đã lôi kéo người yêu vào những hoạt động phi pháp. Nhưng cuộc sống nay đây mai đó, du thủ, du thực, không phù hợp với Đông-giô-dê. Vì vậy tình yêu giữa hai người dần dần rạn nứt. Cho đến một hôm Các-men gặp Es-ka-mi-lô. Es-ka-mi-lô là một lực sĩ đấu bò tót đang trên đỉnh cao chiến thắng. Anh ta đi đến đâu là dân chúng, những người hâm mộ sùng ái, đi theo hò reo đến đấy. Không biết anh ta có thực lòng yêu Các-men không, hay chỉ trêu đùa như trêu đùa các cô gái. Anh ta hẹn gặp Các-men sau trận đấu bò tót. Các-men chờ đợi. Đúng lúc đó thì Đông-giô-dê tới van nài Các-men hãy quay trở lại với mình. Các-men kiên quyết cự tuyệt. Vì quá yêu Các-men mà Đông-giô-dê đã mất hết: bỏ vợ (anh ta đã có vợ), bỏ mẹ (mẹ đang ốm ở quê), bỏ sự nghiệp (anh ta đang là cảnh sát quốc gia) và vì ghen tuông. Cũng vì quá khích do không khí trận đấu bò tót đang diễn ra gay cấn nên Đông-giô-dê đã rút dao đâm chết Các-men. Vừa lúc trận đấu bò tót kết thúc, người hùng chiến thắng Es-ka-mi-lô bước ra khỏi sân đấu đến tìm Các-men.
Nhạc kịch có 4 màn và một khúc nhạc mở màn U-véc-tuya (Ouverture). Khúc mở màn này có hình thức Rông-đô.
R E1 R E2 R
Đoạn điệp khúc (R) Allegro - giọng La trưởng. Âm nhạc nhanh, mạnh, cả dàn nhạc tề tấu (tutti) miêu tả không khí tưng bừng, nhộn nhịp, sôi nổi của ngày hội đấu bò tót.
Ở trong vở nhạc kịch là chủ đề ngày hội đấu bò tót ở màn IV nơi Es-ka-mi-lô chiến thắng và nơi Các-men chết.
Đoạn chen 1: (E1) nhí nhảnh, sôi nổi, âm sắc sáo và bộ gỗ, giọng Pha thăng thứ, diễn tả quần chúng nhất là các em thiếu nhi diễu hành kéo nhau lũ lượt theo sau đoàn lực sĩ đấu bò tót.
Ở trong vở là chủ đề của đoàn thiếu nhi theo sau và bắt chước động tác của đoàn cảnh sát đi tuần tra (trước khi bắt Các-men).
Đoạn chen 2: (E2) Tempo di Marcia, giọng Fa trưởng. Âm nhạc mang tính hành khúc, âm sắc cello (nam tính) - giới thiệu nhân vật Es-ka-mi-lô to khoẻ, bước đi dõng dạc, hùng dũng, kéo theo sau cả một đoàn người hâm mộ, như một đoàn quân rầm rập diễu hành.
6. Ứng dụng
- Rông-đô có đủ độ dài và cơ sở triết lí để trở thành một tác phẩm độc lập (như hình thức ba đoạn phức).
- Có thể là 1 chương của liên khúc giao hưởng 4 chương (chương II hoặc chương III).
- Có thể là 1 bộ phận của tác phẩm lớn khác (nhạc kịch, vũ kịch,...).
D. HÌNH THỨC BIẾN TẤU
1. Định nghĩa
Hình thức biến tấu là hình thức của tác phẩm âm nhạc gồm có chủ đề và nhiều lần nhắc lại chủ đề đó, mỗi lần nhắc lại chủ đề lại được biến tấu khác nhau. (Có sách gọi là: Hình thức chủ đề và biến tấu).
1.1. Chủ đề (T-Thème)
- Có thể là biến tấu một chủ đề, có thể là biến tấu 2 chủ đề.
- Chủ đề có hình thức một đoạn, hai đoạn (phổ biến) và có thể là hình thức ba đoạn đơn (ít thấy).
- Hòa thanh đơn giản, kết trọn về chủ âm.
1.2. Các biến khúc (Variation)
- Có thể giai điệu chủ đề được trang sức bằng các âm trong hợp âm, ngoài hợp âm và các âm trì tục.
- Có thể bè trầm của chủ đề được giữ nguyên mà giai điệu thay đổi.
- Có thể giữ nguyên các chức năng nối tiếp hợp âm, còn thay đổi cả giai điệu cả bè trầm.
- Có thể giữ nguyên phắc-tuya còn thay đổi cả bè trầm, cả chức năng nối tiếp hợp âm cả giai điệu. Ngược lại có thể giữ nguyên tất cả mà chỉ thay đổi phắc-tuya)
- Có thể giữ nguyên kết cấu của chủ đề, giữ nguyên cả hình thức của chủ đề. Ngược lại có thể thay đổi kết cấu, thay đổi hình thức của chủ đề.
- Có thể giữ nguyên giọng điệu của chủ đề, ngược lại có thể thay đổi cả giọng điệu của chủ đề.
- Có thể giữ nguyên tốc độ, ngược lại có thể thay đổi cả tốc độ mỗi lần biến tấu.
- Có thể thay đổi âm sắc để biến tấu (đối với các tác phẩm viết cho dàn nhạc thì đây là thủ pháp quan trọng).
- Có thể liên kết các biến khúc thành từng nhóm có chức năng như các phần trình bày - phần phát triển - phần tái hiện ở hình thức ba đoạn phức hoặc xô-nát.
Đó là các thủ pháp biến tấu. Mỗi lần nhắc lại chủ đề có thể chỉ dùng một thủ pháp biến tấu, nhưng cũng có thể kết hợp nhiều thủ pháp biến tấu trong một biến khúc.
2. Các dạng khác nhau của hình thức biến tấu
2.1. Biến tấu nghiêm khắc
Là hình thức biến tấu mà các biến khúc đều được giữ nguyên giọng điệu và hình thức của chủ đề.
Dạng này còn có thể chia nhỏ ra các loại khác nhau.
a) Biến tấu giữ nguyên bè trầm: Ngoài đặc điểm chung là giữ nguyên hình thức và giọng điệu của chủ đề, các biến khúc loại này còn có đặc điểm là giữ nguyên bè trầm và giữ nguyên chức năng nối tiếp các hợp âm (các nhạc sĩ tiền cổ điển thường dùng).
b) Biên tấu giữ nguyên giai điệu: Có đặc điểm riêng là giữ nguyên giai điệu, chỉ thay đổi phần đệm, bè trầm, đôi khi thay đổi cả giọng điệu (thịnh hành ở thời cổ điển).
c) Biến tấu trang sức: Có đặc điểm riêng là thay đổi giai điệu bằng thủ pháp trang sức (cũng thịnh hành ở thời cổ điển và lãng mạn).
2.2 Biến tấu tự do
Là hình thức biến tấu mà các biến khúc không còn giữ nguyên giọng điệu (có thể thay đổi giọng điệu); không còn giữ nguyên hình thức (có thể thay đổi cả hình thức) của chủ đề nữa (xuất hiện từ thời cuối cổ điển).
Dạng này còn có thể chia nhỏ ra các loại khác nhau:
a) Biến tấu phát triển: Ngoài đặc điểm chung là không còn giữ nguyên giọng điệu và hình thức của chủ đề, các biến khúc còn có đặc điểm riêng là phát triển chủ đề, mà thường dùng thủ pháp thay đổi hòa thanh để phát triển.
b) Biến tấu âm hình: Có đặc điểm riêng các biến khúc chỉ phát triển từng âm hình (âm hình chủ đạo hoặc các âm hình khác).
c) Biến khúc mở rộng: Có đặc điểm riêng là các biến khúc được mở rộng về kết cấu. Có khi chỉ mở rộng thêm vài nhịp, có khi mở rộng hàng chục nhịp.
d) Biến tấu âm sắc: Có đặc điểm riêng là các biến khúc đều dùng thủ pháp chính là thay đổi âm sắc để biến tấu chủ đề.
e) Biến tấu tốc độ: Có đặc điểm riêng là dùng thủ pháp thay đổi nhịp hoặc thay đổi tốc độ để biến tấu chủ đề. Có khi chủ đề cùng một lúc có nhiều tốc độ khác nhau trong cùng một biến khúc (cận đại và hiện đại thường dùng).
2.3. Biến tấu 2 chủ đề
Là hình thức biến tấu có 2 chủ đề khác nhau. Có thể lần lượt biến tấu các chủ đề theo thứ tự A1 B1 A2 B2 v.v... (biến khúc 1: biến tấu chủ đề A; biến khúc 2: biến tấu chủ đề B, rồi tiếp tục lần lượt thứ tự như thế); Có thể biến tấu riêng từng chủ đề theo nhóm, nhóm A trước (A1 A2 A3...) rồi đến nhóm B sau (B1 B2 B3...) hoặc ngược lại.
3. Tính chất của hình thức biến tấu
3.1. Tính triết lí
Phương ngôn Việt Nam có câu: Sông có khúc, người có lúc. Con người ta không thể vui vẻ, mạnh khỏe suốt cả cuộc đời. Có lúc trái gió trở trời đau ốm bệnh tật, có lúc bi quan buồn chán, cũng như con sông không thể có con sông nào dòng chảy lại thẳng băng như dòng kẻ, sông cũng có khúc rộng, khúc hẹp, khúc chảy xiết, khúc lững lờ, v.v... Đó cũng là một quy luật tiến hóa của quá trình lịch sử. Hình thức biến tấu chính là phản ánh hình thức tư duy theo triết lí đó của con người. Có thể tác phẩm diễn tả một con người, một cuộc đời (chủ đề) thì con người đó, cuộc đời đó cũng phải trải qua những lúc vui lúc buồn, khi hạnh phúc khi đau khổ, những hoàn cảnh éo le khác nhau (các biến khúc) v.v... Có thể tác phẩm diễn tả một sự kiện, một chế độ xã hội thì sự kiện, chế độ xã hội đó (chủ đề) cũng phải trải qua những biến thiên của lịch sử, cũng có lúc thăng, lúc trầm, lúc thịnh, lúc suy (các biến khúc) v.v... để đến cuối cùng đi đến kết luận: con người đó, sự kiện đó, chế độ xã hội đó bản chất ra sao. Như câu phương ngôn khác của Việt Nam: Lửa thử vàng, gian nan thử sức.
Cái đó (chủ đề) có là vàng hay là cát. Người đó (chủ đề) là anh hùng hay kẻ tiểu nhân cũng phải trải qua cả một quá trình phát triển (các biến khúc) mới biểu lộ rõ được bản chất.
3.2. Tính tương phản và thống nhất
- Chủ đề được nhắc lại nhiều lần, đó chính là biểu hiện tính thống nhất của tác phẩm.
- Mỗi lần nhắc lại chủ đề đều phải biến tấu khác nhau. Đó chính là biểu hiện tính tương phản của tác phẩm.
Như vậy mỗi biến khúc đều mang trong bản thân mình cả nhiệm vụ tương phản và thống nhất tác phẩm. Khác với các đoạn chen ở hình thức Rông-đô chỉ có một nhiệm vụ tương phản (với điệp khúc và với nhau) và mức độ tương phản cũng tăng dần dần. Ở hình thức biến tấu các biến khúc cũng tương phản với chủ đề và tương phản lẫn nhau nhưng mức độ tương phản không phải là tăng dần.
3.3. Tính ổn định và không ổn định
Tính ổn định và không ổn định (trong hình thức biến tấu) nằm ngay trong chủ đề: chủ đề thì ổn định, nhưng mỗi lần nhắc lại chủ đề đều phải biến tấu khác đi có nghĩa là tính ổn định giảm đi mà tăng thêm tính không ổn định. Mức độ ổn định và không ổn định hòa cùng với mức độ tương phản của mỗi lần biến tấu lúc tăng lúc giảm không theo quy luật nào.
4. Giới thiệu tác phẩm biến tấu của Môda: Ah! Vous Dirai je maman!
Đây là một tác phẩm của Mô-da (W.A.Mozart người Áo 1756- 1791) sáng tác khi ông còn ở độ tuổi thiếu niên. Tác phẩm được viết ở hình thức biến tấu: một chủ đề và 12 biến khúc.
Chủ đề (T): Là một bài dân ca cổ của Pháp và của cả châu Âu. Tính chất nhí nhảnh, đơn giản, vui vẻ hơi có pha chút đùa cợt như những bài đồng dao của trẻ em Việt Nam. Khắp châu Âu hình như nước nào cũng có bài hát bằng tiếng nước mình theo giai điệu này. Không biết Mô-da lấy bài ca đó làm chủ đề cho tác phẩm của mình hay chính tác phẩm đã đi vào lòng người khắp nơi để chủ đề đó biến thành bài ca cho mọi người hát.
Giai điệu đơn giản: Gồm toàn nốt đen, âm vực chỉ quãng 6. Từ chủ âm lên quãng 5, quãng 6 rồi lần lượt trở về chủ âm.
Phắc tuya đơn giản; bè trầm cũng chỉ là những nốt đen đối với giai điệu.
Hòa âm đơn giản: chỉ dùng những hợp âm cơ bản: T D S T.
Kết cấu cũng đơn giản: Hai đoạn đơn, vuông vắn, có tái hiện. Mỗi đoạn 16 nhịp 2/4, có 2 câu; mỗi câu 8 nhịp, chia 2 tiết mỗi tiết 4 nhịp. Một câu nhắc lại 2 lần thành đoạn a. Câu có 2 tiết mới, cộng với câu tái hiện thành đoạn b.
Đây là hình thức biến tấu nghiêm khắc. Tất cả các biến khúc đều giữ nguyên hình thức của chủ đề: 2 câu đơn, vuông vắn, có tái hiện; đều giữ nguyên giọng điệu của chủ đề trong hầu hết các biến khúc: giọng Đô trưởng (trừ biến khúc 8 giọng Đô thứ).
Biến khúc 1:
Dùng thủ pháp trang sức bằng các âm nhấn để biến tấu chủ đề, giai điệu 1 nốt đen biến thành 4 móc kép. Bè trầm và chức năng nối tiếp hợp âm vẫn giữ nguyên. Phắc tuya cũng giữ nguyên ở tiết đầu mỗi câu, tiết sau có biến tấu chút ít. Nhịp độ hơi nhanh hơn (Allegretto) làm cho âm nhạc linh động hoạt bát hơn nhưng vẫn duyên dáng nhẹ nhàng.
Biến khúc 2:
Thủ pháp trang sức bằng các âm nhấn, 1 nốt đen thay bằng 4 móc kép được đưa xuống bè trầm. Còn giai điệu được tăng thêm những chùm hợp âm 3 nốt. Đặc biệt là tiết cuối cùng có thêm những hợp âm phụ làm tăng thêm màu sắc cho giai điệu. Nhịp độ tăng lên một chút nữa (Allegro) làm cho âm nhạc thêm rộn ràng hơn.
Biến khúc 3:
Giai điệu được trang sức bằng các âm trong hợp âm, 1 nốt đen ở chủ đề thay bằng chùm ba móc đơn (khác với biến khúc 1 và 2 là 4 móc đơn) bè trầm đưa xuống một quãng 8 và tăng thêm một âm trì tục, nhịp độ trở lại Allegretto, âm nhạc ở biến khúc này nhẹ nhàng hơn, hơi có chút day dứt nội tâm.
Biến khúc 4:
Thủ pháp trang sức bằng các âm trong hợp âm và chùm 3 móc đơn lại được đưa xuống thành giai điệu bè trầm, còn bè cao lại tăng cường các chùm ba nốt hợp âm, cộng với nhịp độ Allegretto và cường độ mạnh (f) làm cho âm nhạc ở biến khúc này có một vẻ quả cảm cương quyết.
Biến khúc 6:
Giai điệu thay nhau xuất hiện trước hết ở bè trầm với 4 âm 4 móc đơn liền bậc (đoạn a) rồi sau đó ở bè cao (câu một đoạn b) rồi lại xuống bè trầm (câu 2 đoạn b). Bè kia ngược lại là những chùm hợp âm 3 nốt móc đơn ngắt như những tiếng thét vui trong vòng quay nghịch ngợm hoặc như những tiếng roi quất cho cỗ xe ngựa kéo lao vút trong vòng chơi.
Biến khúc 7:
Giai điệu biến thành các âm liền bậc của gam đi lên còn bè trầm thì được tăng cường 2 âm. Đến đoạn b thì ngược lại: giai điệu là các âm liền bậc của gam đi xuống, còn bè trầm thì chập 2 âm lại thành một hợp âm 2 nốt. Nhịp độ nhanh (Allegro), cường độ mạnh (f) có chỗ rất mạnh (ff) làm cho âm nhạc ở biến khúc này có một vẻ gấp gáp hối hả.
Biến khúc 8:
Dùng phắc tuya của nhạc phức điệu để tạo nên âm nhạc nhiều bè, 3 bè canông: bè dẫn (bè 1-2 nhịp đầu Đô thứ - bậc I), bè đuổi (bè 2-2 nhịp dưới - Fa thứ - bậc IV), bè đối (bè 3-2 nhịp tiếp - Sol trưởng - bậc V). Đoạn b cũng vậy: bè một xuất hiện trước ở bè cao rồi đến hè 2 bè ở giữa cuối cùng đến bè 3 ở bè trầm được tăng đôi âm.
Thay đổi hẳn cả mầu sắc giai điệu (chuyển hẳn sang giọng Đô thứ).
Thay đổi hẳn cả nhịp độ (Andantino với sắc thái rất nhẹ (pp)).
Tất cả các thủ pháp đó làm cho âm nhạc ở biến khúc này như ngừng lại, như nín thở, như cỗ xe đang lao vun vút thì dừng hẳn lại, nghỉ ngơi.
Biến khúc 9:
Vẫn dùng thủ pháp phức điệu (3 bè canông). vẫn bè cao xuất hiện trước (Đô trưởng) rồi đến bè trung (Fa trưởng) với bè trầm (Sol trưởng) nhưng giai điệu trở lại dạng ban đầu của chủ đề - mỗi âm một nốt đen - trở lại giọng Đô trưởng, trở lại nhịp độ Allegro. Âm nhạc lại nhịp nhàng nhí nhảnh trong khúc đồng dao ban đầu.
Biến khúc 10:
Giai điệu lúc thì biến vào tay trái (trèo bè lên trên tay phải), lúc thì lẫn vào với phần đệm ở bè cao tay phải. Phắc tuya trở lại kiểu nhạc chủ điệu có bè giai điệu chính và hợp âm đệm có âm trì tục. Âm nhạc biến khúc này trở lại trạng thái của mấy biến khúc đầu.
Biến khúc 11:
Âm nhạc biến khúc này biến đổi nhiều.
Lúc thì có kiểu phức điệu, âm hình ngắn một nhịp một, bằng những móc dật, đuổi nhau từ bè cao xuống bè trầm (tiết nhạc đầu câu 1 và câu 2 đoạn a) lúc thì giai điệu lướt nhanh xuống bằng âm liền bậc như chạy gam trên một phần đệm cũng là những chùm hợp âm ngắt quãng (tiết sau câu 1 và câu 2 đoạn a).
Giai điệu đôi khi nhảy nhót trên một âm hình đệm như một vũ khúc (đầu đoạn b).
Nhịp độ chậm khoan thai (Adagio) nhưng có lúc còn chậm dần lại nữa, còn kìm nén hẳn lại nữa (Rallent...; Pìu riten), có lúc ngưng nghỉ tự do (…) rồi có lúc lại trở lại nhịp độ ban đầu (A tempo).
Sắc thái có lúc nhẹ (p) có lúc rất nhẹ (pp) có lúc lại đột nhiên mạnh (sf, rinf), có lúc mạnh dần cho tới mạnh nhất (f) ở cao trào.
Tất cả những cái đó tạo nên những cảm xúc thay đổi mang ít nhiều kịch tính trong biến khúc này.
Biến khúc 12:
Vẫn chỉ là 2 bè.
Giai điệu biến thành: âm chủ nốt đen cộng với lặng đen, cộng với âm láy rền làm đà vút lên ngay bậc V.
Bè trầm trang sức bằng những âm thêu âm lướt liên tục với các nốt móc kép.
Nhịp biến đổi thành 3/4
Nhịp độ nhanh (Allegro)
Sắc thái cực mạnh (ff)
Nối liền ngay với một cô-đa (12 nhịp cuối) tạo nên một biến khúc sôi động, náo nhiệt như một ngày hội để kết thúc tác phẩm.
Đây là một tác phẩm âm nhạc thuộc trường phái cổ điển Viên (cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX). Mô-da cũng như các nhạc sĩ khác thời đó sáng tác ra không phải để phục vụ cho quảng đại quần chúng bình dân mà chỉ để phục vụ cho một đối tượng rất hẹp: tầng lớp thượng lưu trí thức (một tầng lớp đã được giáo dục âm nhạc kinh điển). Địa điểm nghe nhạc thường ở trong cung đình hoặc các phòng khách sang trọng của các công tước bá tước chứ không phải ở nhà hát hoặc quảng trường, sân bãi như bây giờ.
Vì vậy các tác phẩm của họ đại đa số không có tiêu đề. Nếu có thì cũng không phải để minh họa cho nội dung tác phẩm mà chỉ là sự ghi nhận cảm xúc của tác giả khi sáng tác, hoặc hướng cảm xúc của người nghe cùng mạch với cảm xúc của tác phẩm.
Khi nghe nhạc không lời người nghe không phải theo dõi diễn biến của sự việc của số phận như xem kịch hoặc xem truyện, mà chính là để cảm xúc của mình hòa quyện với cảm xúc của tác phẩm qua suốt dòng âm thanh. Và mỗi người nghe qua đó lại có những ấn tượng, những hình dung, những liên tưởng khác nhau.
Qua tác phẩm biến tấu trên của Mô-da ta có thể có những hình dung và liên tưởng sau:
- Có thể chủ đề là một em bé tuổi còn niên thiếu niên rất trong trắng, đơn giản, nghịch ngợm, nhưng qua thời gian, qua bao biến đổi, lúc vui, lúc buồn, lúc nhảy múa ca hát, lúc suy tư trầm ngâm, có lúc rơi lệ, có lúc thủ thỉ thầm thì tâm tư, có lúc lại to tiếng tranh luận với bạn bè (qua tiến triển của các biến khúc), để đến cuối cùng trở thành một chàng trai cương nghị, cứng rắn đủ sức mạnh tự tin bước vào đời.
- Cũng có thể là một khúc đồng dao (như Chi chi chành chành hoặc Dung dăng dung dẻ của trẻ em Việt Nam). Bọn trẻ con vừa chơi vừa hát, có lúc ngồi xúm lại với nhau chơi ô ăn quan, chơi truyền truyền, chơi bi chơi đáo, có lúc lại tung tăng nhảy múa, có lúc rồng rắn đuổi nhau, thậm chí có lúc ngồi khóc với nhau, có lúc chơi cả trò Bịt mắt bắt dê, v.v... để đến cuối cùng cuộc chơi đến chỗ cao trào biến thành một ngày hội vui vẻ náo nhiệt.
Đó chỉ là những hình dung, những liên tưởng của tôi. Còn các bạn, các em! Các bạn các em hãy nghe đi! Hãy để cho cảm xúc của mình hòa cùng với cảm xúc của tác phẩm. Các bạn các em sẽ có những hình dung, những liên tưởng của riêng mình.
5. Ứng dụng của hình thức biến tấu
- Đây là một hình thức có quy mô lớn, có độ dài tùy ý tác giả có tác phẩm có đến 36 biến khúc) và nhất là có cơ sở triết lí sâu sắc nên nhiều tác giả ở nhiều thời kì đều áp dụng để cấu tạo nên tác phẩm độc lập của mình.
- Có thể chỉ là một chương của liên khúc giao hưởng (chương II hoặc chương kết).
- Cũng có thể chỉ là một bộ phận trong các tác phẩm lớn hơn nhạc kịch - vũ kịch).
E. HÌNH THỨC XÔ-NÁT (SONATE)
1. Định nghĩa
Hình thức Xô-nát là hình thức của tác phẩm âm nhạc được xây dựng trên sự tương phản của các chủ đề (ít nhất là 2) qua 3 phần liên kết chặt chẽ với nhau, liên tục tiếp nối nhau: Phần trình bày, phần phát triển, và phần tái hiện.
1.1. Chủ đề
Chủ đề của hình thức Xô-nát bắt buộc phải được cấu tạo bằng 2 âm hình hoặc 2 mô-típ tương phản nhau (Chủ đề của các hình thức khác có khi chỉ là một âm hình hoặc có khi là 2 hoặc 3, 4 âm hình nhưng không bắt buộc phải tương phản nhau).
Kết cấu của chủ đề phải cô đọng, chặt chẽ, rõ ràng. Phần lớn có hình thức một đoạn đơn giản, vuông vắn. Có thể có hình thức hai đoạn đơn, đôi khi có hình thức ba đoạn đơn. Hãn hữu có cả hình thức Rông-đô. Tốc độ của chủ đề bao giờ cũng nhanh (Allegro) và luôn mang tính khí nhạc không mấy khi mang tính ca xướng. Hòa thanh giọng điệu của chủ đề cũng phải đơn giản, ổn định, được kết hoàn toàn ở chủ âm đôi khi kết nửa, ít khi kết chuyển điệu.
1.2. Phần trình bày (phần I - phần đầu)
- Ít nhất phải trình bày 2 chủ đề: Chủ đề 1 (chủ đề chính hoặc chủ bộ) và chủ đề 2 (chủ đề phụ hoặc phó bộ).
- Trình bày lần lượt chủ đề 1 trước, chủ đề 2 sau.
- Chủ đề 1 trình bày ở giọng điệu chính, chủ đề 2 trình bày ở giọng điệu có quan hệ bậc V với giọng điệu chính (nếu giọng điệu chính là điệu trưởng); hoặc có quan hệ bậc III so với giọng chính (nếu giọng chính là điệu thứ).
- Nhất thiết phải có cầu nối giữa chủ đề 1 và chủ đề 2. Cầu nối làm nhiệm vụ: So sánh nêu bật sự tương phản giữa 2 chủ đề, dẫn dắt hành động từ cực nọ tới cực kia của 2 chủ đề; chuẩn bị cho đường nét giai điệu (bao giờ cũng ngược hướng) và chuẩn bị cho giọng điệu (bao giờ cũng khác) của chủ đề 2 xuất hiện.
- Cũng nhất thiết phải có đoạn kết của phần trình bày này. Đoạn kết nhằm mục đích: Tóm tắt những ý chính (về âm hình, về giọng điệu) của phần trình bày; tạo sự cân bằng sau khi đã trình bày sự tương phản của 2 chủ đề; chuẩn bị cho phần II (phần phát triển) là phần trọng tâm của hình thức Xô-nát xuất hiện. Đoạn kết này không kết ở giọng điệu chính mà kết ở giọng điệu của chủ đề 2.
1.3. Phần phát triển (phần II - phần giữa)
Phần này là phần trọng tâm của hình thức Xô-nát, là phần cọ xát, đấu tranh, giằng co giữa 2 chủ đề, luôn luôn không ổn định và căng thẳng.
Có thể phát triển riêng chủ đề 1; có thể phát triển riêng chủ đề 2; có thể phát triển cả 2 chủ đề: Chủ đề 1 trước rồi đến chủ đề 2 hoặc ngược lại; hoặc phát triển xen kẽ cả 2 chủ đề 1 và chủ đề 2.
Có kết cấu móc xích, đan xen và nối tiếp với nhau, không có ranh giới rõ ràng giữa các kết cấu (tiết, câu, đoạn, v.v...). Hòa thanh cũng luôn không ổn định, luôn luôn chuyển điệu, luôn gây xung đột giữa các giọng điệu, thường chuyển sang các giọng điệu xa, gây căng thẳng và không dừng lâu ở một giọng điệu nào
Thủ pháp phát triển chính là: Xé lẻ chất liệu các chủ đề, nhắc lại mô phỏng từng âm hình của các chủ đề, đưa các chất liệu ấy lên trên nền các giọng điệu khác nhau (Trừ giọng chính - giọng điệu của chủ đề 1)
Phát triển dần dần qua từng giai đoạn, từng nấc thang để tiến tới cao trào toàn bộ tác phẩm.
1.4. Phần tái hiện (phần III - phần cuối)
Là phần giải quyết sự căng thẳng không ổn định ở phần phát triển.
Là phần giải quyết cao trào toàn bộ tác phẩm.
Là phần điều hoà xung đột mâu thuẫn giữa 2 chủ đề 1 và chủ đề 2 bằng cách:
- Tái hiện lại theo thứ tự chủ đề 1 rồi đến chủ đề 2.
- Tái hiện lại giọng điệu: Chủ đề 1 trở lại giọng điệu chính; chủ đề 2 cũng phải trở lại giọng chính (đây là một yêu cầu bắt buộc, để điều hoà sự xung đột, mâu thuẫn giữa 2 chủ đề).
- Tái hiện lại cả kết cấu của các chủ đề. Có thể mở rộng phát triển thêm cũng cốt để tăng thêm tính ổn định, củng cố hơn nữa giọng điệu chính và giải quyết thoả đáng sự căng thẳng ở phần trên.
- Tái hiện lại cả cầu nối từ chủ đề 1 sang chủ đề 2. Tuy nhiên chủ đề 2 ở phần này đã có thay đổi giọng điệu, cho nên cầu nối cũng phải thay đổi để dẫn dắt chủ đề 2 về giọng điệu chính hòa hợp với chủ đề 1.
- Riêng đoạn kết phần trình bày thì ở đây biến thành cô-đa. Cô-đa trong hình thức Xô-nát có từ thời trưởng thành của Mô-da, đến thời Bê-tô-ven thì hoàn chỉnh và trở thành một kết cấu bắt buộc và là một bộ phận hữu cơ của hình thức Xô-nát.
Cô-đa là quá trình hoàn thành việc hòa hợp mọi mâu thuẫn, mọi tương phản của các chủ đề khác nhau ở phần trình bày.
Cô-đa là tóm tắt quá trình tiến triển đấu tranh lẫn nhau của các chủ đề ở phần phát triển.
Cô-đa không chỉ đơn thuần tổng kết nhắc lại mọi yếu tố, mọi chất liệu (Mô-típ - âm hình) tạo nên chủ đề, tạo nên sự tương phản ở 2 phần trên mà cô-đa còn có thể có đoạn phát triển. Đoạn phát triển được thỏa mãn hơn.
Cô-đa là sự khẳng định cuối cùng giọng điệu chính của tác phẩm. Cho nên hòa thanh của cô-đa thường đi về hướng hạ át rồi sau đó nhấn mạnh nhiều lần hợp âm Át về hợp âm chủ để kết thúc tác phẩm.
2. Các dạng khác nhau của hình thức Xô-nát
2.1. Hình thức Xô-nát không có phần phát triển
Là hình thức Xô-nát chỉ có phần trình bày và phần tái hiện mà không có phần phát triển. Sau khi kết thúc phần trình bày thì bắt đầu ngay phần tái hiện, có thể có một cầu nối ngắn không có ý nghĩa phát triển. Lúc này đoạn kết của phần trình bày có ý nghĩa như phần phát triển.
Dạng này còn có thể chia nhỏ ra 2 loại khác nhau:
a) Hình thức Xô-nát không có phần phát triển tốc độ chậm: Đây là một biến thể của hình thức Xô-nát. Ở loại này tốc độ của chủ đề không nhanh, không mang tính khí nhạc mà lại mang tính ca xướng. Do đó sự tương phản trong nội bộ chủ đề và tương phản giữa các chủ đề không cao. Có khi chủ đề hai chỉ là sự nhắc lại chủ đề một ở giọng điệu khác, hoặc là một biến tấu của chủ đề một. Do đó, nó không cần đến phần phát triển.
b) Hình thức Xô-nát không có phần phát triển tốc độ nhanh: Loại này tuy chủ đề vẫn mang tính khí nhạc, tốc độ nhanh, nhưng vì bản thân trong lòng phần trình bày đã có đoạn kết mang những yếu tố phát triển và trong lòng đoạn tái hiện cũng có cô-đa mang yếu tố phát triển nên cũng bớt hẳn phần phát triển.
2.2. Hình thức Xô-nát có phần tái hiện ngược hướng
Đây là hình thức Xô-nát mà phần tái hiện không theo quy luật thông thường là tái hiện chủ đề 1 trước, chủ đề 2 sau. Nó lại tái hiện ngược hướng, có nghĩa là chủ đề 2 lại tái hiện trước rồi mới đến chủ đề 1. Dĩ nhiên chủ đề 2 vẫn phải tái hiện với giọng điệu chính (giọng của chủ đề 1).
2.3. Hình thức Xô-nát trong các công-xéc-tô (concerto)
Chương I của thể loại công-xéc-tô thường được viết ở hình thức Xô-nát (từ Mô-da và nhất là Bê-tô-ven thì bao giờ chương I của thể loại công-xéc-tô cũng được viết ở hình thức Xô-nát), nhưng do đặc điểm của thể loại công-xéc-tô là một nhạc cụ độc diễn biểu diễn cùng với dàn nhạc hoặc một nhạc cụ khác đồng diễn. Tính chất thi đua, đối thoại đó làm nảy sinh một loại hình thức Xô-nát riêng.
Đó là hình thức Xô-nát có 2 phần trình bày: Một do nhạc cụ độc diễn và một do dàn nhạc hoặc nhạc cụ đồng diễn trình bày.
Đó là hình thức Xô-nát có thêm đoạn cadenza (đoạn dành riêng cho nhạc cụ độc diễn phô diễn kĩ thuật) trong phần tái hiện - trước Cô-đa.
2.4. Hình thức Rông-đô - Xô-nát
Là một hình thức tổng hợp những tính chất cơ bản của cả hình thức Rông-đô lẫn hình thức Xô-nát.
- Lấy ở hình thức Rông-đô sự quay trở lại điệp khúc sau mỗi lần đoạn chen (điệp khúc luôn ở giọng điệu chính).
- Lấy ở hình thức Xô-nát sự tái hiện cả hai chủ đề phải cùng ở giọng điệu chính.
Sự kết hợp đó như sau:
- Ở hình thức Rông-đô thì A là điệp khúc luôn ở giọng điệu chính, các đoạn chen E1, E2, E3 luôn luôn khác giọng điệu, không cùng giọng điệu với A.
Còn ở hình thức Xô-nát thì A là chủ đề 1 và B là chủ đề 2.
- A’ (tương ứng với điệp khúc nhắc lại lần thứ hai ở hình thức Rông-đô). Nếu ở hình thức Xô-nát bình thường thì nó (A’) là chủ đề 1 ở phần phát triển phải có giọng điệu khác A. Ở hình thức Rông-đô - Xô-nát nó (A’) lại cùng có giọng điệu với chủ đề 1 (A), nên nó nằm ở phần trình bày.
- B’ tương ứng với đoạn chen thứ 2 (E2). Nếu ở hình thức Xô-nát bình thường nó phải là cả một phần phát triển (phần II). Còn ở hình thức Rông-đô - Xô-nát nó biến thành một đoạn chen (không phát triển từ chủ đề 1 hoặc chủ đề 2).
- Chủ đề 2 (B’) ở phần tái hiện (hình thức Xô-nát) tương ứng với đoạn chen thứ 3 (E3). Nếu ở hình thức Rông-đô thì nó (B) phải có giọng điệu khác với A. Nhưng ở hình thức Rông-đô - Xô-nát nó lại bắt buộc phải cùng giọng điệu với A (chủ đề 1).
- Cô-đa (ở hình thức Rông-đô - Xô-nát) chính là điệp khúc nhắc lại lần cuối cùng (ở hình thức Rông-đô).
3. Tính chất của hình thức Xô-nát
3.1. Tính triết lí
Đấu tranh giữa 2 mặt đối lập trong một thực thể thống nhất để sinh tồn, để phát triển chính là triết lí của vạn vật, của vũ trụ mà các triết gia đã đúc kết được qua thực tế cuộc sống. Ngày phủ nhận đêm, đêm không thể tồn tại cùng lúc với ngày, nhưng phải có ngày và đêm thì mới có thời gian, mới sinh tồn vạn vật. Lá vàng rụng xuống thì lá xanh lại đâm chồi, cây cối mới phát triển. Con người ta cũng vậy, luôn luôn có sự đấu tranh giữa thiện và ác, giữa vui và buồn, giữa được và mất, giữa bệnh tật và sức khỏe, giữa man trá và thực thà. Có như thế mới là con người, có như thế mới dần dần trở thành hoàn thiện.
Hình thức Xô-nát chính là phản ánh tư duy triết lí sâu sắc đó trong tác phẩm âm nhạc. Luôn luôn tương phản với nhau, đấu tranh với nhau để cùng tồn tại trong một tác phẩm để cùng đưa tác phẩm phát triển từ mở đầu đến lúc kết thúc, chủ đề 1 và chủ đề 2 (trong hình thức Xô-nát) đã làm nhiệm vụ của các mặt đối lập cùng tồn tại trong một thực thể thống nhất (tác phẩm).
3.2. Tính tương phản và thống nhất
a) Tính tương phản: Cũng như các hình thức khác yêu cầu phải tương phản giữa các chủ đề với nhau, nhưng ở hình thức Xô-nát còn có mấy điểm đặc biệt:
- Đó là tương phản ngay trong nội bộ chủ đề (chủ đề Xô-nát phải có 2 âm hình tương phản nhau).
- Đó là 2 chủ đề còn phải tương phản với nhau bằng giọng điệu ngoài các yếu tố tương phản khác.
- Đó là yếu tố âm sắc. Nếu tác phẩm viết cho dàn nhạc thì chủ đề 1 phải để cho bộ dây và chủ đề 2 dành cho bộ gỗ diễn tấu.
b) Tính thống nhất: Không như ở các hình thức khác có tổ chức những kết cấu riêng làm nhiệm vụ thống nhất tác phẩm (ở hình thức 2 đoạn thì câu 2 đoạn b; ở hình thức ba đoạn đơn thì đoạn a tái hiện; ở hình thức ba đoạn phức thì cả phần tái hiện; ở hình thức Rông-đô thì là đoạn điệp khúc). Còn ở hình thức Xô-nát thì tính thống nhất nằm ở tất cả các phần: Phần trình bày có chủ đề 1, chủ đề 2; phần phát triển cũng phải phát triển cả chủ đề 1 và chủ đề 2; phần tái hiện cũng lại phải tái hiện cả chủ đề 1 và chủ đề 2.
Ngoài ra còn có 1 điểm biểu hiện tính thống nhất cao độ: Đó là chủ đề 2 ở phần trình bày phải chuyển điệu nhưng chỉ được chuyển sang những giọng điệu có quan hệ mật thiết với giọng điệu chính (xem tiểu mục chủ đề Xô-nát) và khi tái hiện chủ đề 2 bắt buộc phải về cùng giọng điệu với chủ đề chính.
3.3. Tính ổn định và không ổn định
Đây là hình thức phát triển từ hình thức ba đoạn phức. Cũng có ba phần: Phần trình bày, phần phát triển, phần tái hiện; cũng có lúc tĩnh lúc động trong từng phần; cũng có phần động hơn, phần tĩnh hơn, nhưng mức độ ổn định và không ổn định ở hình thức Xô-nát cao hơn.
- Trong phần trình bày:
+ Chủ đề 2 lại ổn định hơn so với chủ đề 1.
+ Các kết cấu phụ (đoạn mở đầu, đoạn nối, đoạn kết luận và đoạn phát triển - nếu có) đều không ổn định hơn so với chủ đề 1 và chủ đề 2.
- Trong phần phát triển: Liên tục không ổn định; liên tục căng thẳng, liên tục xung đột cho đến tận cao trào - cuối phần này.
- Trong phần tái hiện: Âm nhạc chỉ ổn định khi 2 chủ đề được tái hiện, nhưng lại không ổn định ngay vì vẫn có đoạn nối (tái hiện), lại có đoạn phát triển (nếu có), lại có đoạn cô-đa (phải có).
Cho đến tận vài nhịp cuối cùng kết thúc tác phẩm, âm nhạc mới ổn định lại.
4. Các kết cấu phụ của hình thức Xô-nát
Gọi là kết cấu phụ vì nó không có quy mô nhất định và không phải tác phẩm nào cũng có, nhưng trong hình thức Xô-nát thì những kết cấu phụ này (nếu có) cũng quan trọng và nó góp một phần rất tích cực trong phát triển âm nhạc toàn tác phẩm. Vì vậy người ta cũng coi nó như chủ đề.
- Chủ đề mở đầu (chỉ có mở đầu toàn tác phẩm chứ không mở đầu từng phần. Vì phần nọ tới phần kia là liên tục).
- Chủ đề nối (nối giữa chủ đề 1 và chủ đề 2).
- Chủ đề kết (kết luận phần trình bày).
- Cô-đa (kết luận phần tái hiện và kết luận toàn tác phẩm).
5. Giới thiệu chương I - Bản giao hưởng số 5 (Bê-tô-ven)
Bản giao hưởng số 5, giọng Đô thứ, op 67 (1805-1808) có lẽ là tác phẩm phổ cập hơn cả trong tất cả các giao hưởng của Bê-tô-ven. Nhiều khi người ta còn coi nó là bản giao hưởng hoàn hảo xuất sắc nhất của nhạc sĩ.
Sở dĩ bản giao hưởng số 5 thành công như vậy có lẽ là do sự phát triển đặc biệt rõ ràng tư tưởng chủ đạo của nó.
Người ta thường xác định nội dung bản giao hưởng này như sau: Từ bóng tối, tới ánh sáng, qua đấu tranh giành thắng lợi. Vả chăng, điều đó có thể là nội dung của nhiều tác phẩm của Bê-tô-ven.
Điều cơ bản ở đây là tư tưởng cách mạng được diễn đạt dưới một hình thức minh bạch rõ ràng.
Toàn bộ Bản giao hưởng số 5 hết sức cô đọng và súc tích. Chương I - Allegro con brio - được dựng lên đúng chỉ bằng một mô-típ 4 âm mà Bê-tô-ven đã nói: Số mệnh gõ cửa như vậy đó.
Có một số ít những nét nhạc đối lập với nó nhưng không chỗ nào chúng được đưa lên bình diện thứ nhất, trong khi đó nét nhạc đầu tiên này đã tạo nên sức sống cho tất cả các đoạn trong chương I của giao hưởng. Phương pháp triển khai mô-típ là một trong những khía cạnh mạnh mẽ nhất trong tài nghệ của Bê-tô-ven. Chính yếu tố đó đã được thể hiện tập trung đa dạng hiếm có trong chương nhạc này.
Chủ đề chính của tác phẩm là bằng chứng rõ ràng nói lên điều đó. Lối viết ngắt đoạn những nốt ngân bất thường, sự chuyển tiếp các mô-típ nhạc từ nhạc cụ này sang nhạc cụ khác; sự vắng mặt tính chất tương phản mô-típ ở những đoạn phát triển cường độ mạnh mẽ nhất, sự lặp lại thường xuyên một mô-típ hung dữ là những yếu tố nói lên sự căng thẳng cực độ của cuộc chiến đấu.
Bè phụ (chủ đề 2) mặc dù là một chủ đề mới, du dương dịu dàng những cũng vẫn bắt đầu bằng nét nhạc đe dọa luôn đi kèm với chủ đề:
Rõ ràng chủ đề nhạc dịu dàng của bè phụ (chủ đề 2) cũng xoay quanh quãng 5 (Si giáng - Pha) và quãng 5 đó chính lại là quãng 5 cuối cùng của mô-típ đe dọa do kèn cor diễn tấu vang lên ở đầu bè phụ (chủ đề 2). Như vậy sự tương phản này khẳng định thêm địa vị chủ yếu của mô-típ nhạc cơ bản. Ta không dẫn ra ở đây tất cả các biến dạng vô tận của mô-típ số mệnh nhưng cần nhấn mạnh tính chất kiên định của âm hình tiết tấu được giữ nguyên vẹn trong tất cả các biến dạng giai điệu và hòa thanh không những chương I mà trong tất cả các chương khác của giao hưởng.
Trên đây là đoạn trích trong tập khảo luân giới thiệu nhạc sĩ Bê- tô-ven của A-lô-xvang - Nhà xuất bản âm nhạc Mát-xcơ-va - Lan Hương dịch (phần giới thiệu giao hưởng số 5).
Giao hưởng này được Bê-tô-ven viết cho dàn nhạc giao hưởng. Dưới đây là bản chuyển biên cho pi-a-nô 2 tay của Lizt.
Tác phẩm có 4 chương:
Chương I Allegro
Chương II Andante con moto
Chương III Skerzo
Chương IV Allegro
Chương I được viết ở hình thức Xô-nát.
5.1. Phần trình bày (phần I)
Từ đầu tới ô nhịp số 123. Phần này được diễn tấu 2 lần.
a) Mở đầu: 5 nhịp đầu gồm 2 mô-típ 4 âm đột ngột vang lên với cường độ rất mạnh (ff): Chủ đề số mệnh đã xộc đến gõ cửa nhà anh như vậy đó.
b) Chủ đề 1: 16 nhịp - Từ nhịp 6 đến nhịp 21
Có hình thức 1 đoạn đơn: 2 câu - mỗi câu 2 tiết - mỗi tiết 4 nhịp 2/4, giọng Đô thứ.
Chủ đề được xây dựng từ mô-típ 4 âm số mệnh (mà A-lô-xvang gọi là mô-típ hung dữ). Tiết đầu mô-típ đó vang lên ở các cung bậc khác nhau - giọng Đô thứ; tiết sau cũng mô-típ đó vang lên ở các cung bậc giọng Sol trưởng. Hai tiết của câu 2 cũng vẫn mô-típ 4 âm đó nhưng chuyển hướng, ngược hướng nhau, đan xen nhau, mềm mại hơn tạo sự tương phản ngay trong nội bộ chủ đề. Chủ đề 1 được kết chuyển điệu (Sol trưởng - bậc V của đô thứ).
c) Chủ đề nối: Từ nhịp 27 đến nhịp 58.
Bắt đầu bằng 4 âm: “Hung dữ” (mô-típ của chủ đề 1) nhắc lại liên tiếp trên nền 1 hợp âm Sol bảy. Rồi phát triển dẫn dắt bằng giai điệu (1 nét nhạc ngắn 1 nhịp mô phỏng quãng 2 đi lên) và bằng hòa thanh (chuyển qua các hợp âm nghịch) để tới chủ đề 2.
d) Chủ đề 2: Cũng được mở đầu bằng mô-típ hung dữ cộng thêm 1 quãng 5 - Pha - Sol - (chỗ này thì A-lô-xvang gọi là mô-típ đe dọa). Chủ đề 2 được xây dựng bằng một nét nhạc mới 4 nhịp giọng Mi giáng trưởng (bậc III so với giọng chính, vì giọng chính là Đô thứ). Tính chất du dương dịu dàng tạo sự tương phản với chủ đề 1 như bóng tối và ánh sáng; như tử thần và niềm hi vọng. Chủ đề được nhắc lại nhiều lần nhưng lần nào cũng có sự đe dọa (4 âm ở bè trầm) như báo trước một sự đấu tranh giữa 2 thái cực: ánh sáng và bóng tối; cái chết và niềm hi vọng. Đồng thời cũng kết hợp luôn 2 mặt đối lập đó trong một thực thể (chứng minh cho tính triết lí của hình thức Xô-nát là đấu tranh giữa các mặt đối lập trong một thực thể thống nhất). Tiết cuối cùng của chủ đề 2 được mô phỏng mô tiến (Fa thứ - nhịp 78 - La giáng trưởng - nhịp 82) rồi chủ đề được xé lẻ tiến tới cao trào, cao trào bộ phận, cao trào của phần trình bày (ff - nhịp 94).
e) Từ nhịp 95 đến nhịp 123
Là sự giải quyết cao trào, nhưng giải quyết chưa triệt để (không về chủ âm giọng điệu chính của chủ đề 1) chỉ giải quyết tạm thời (vì kết về chủ âm giọng điệu chủ đề 2).
Là sự tổng kết những vấn đề, những mâu thuẫn đặt ra ở phần này: nét nhạc dịu dàng, nét nhạc nối, nhất là nét nhạc hung dữ, đe dọa, luôn luôn xuất hiện và kết thúc ở phần trình bày này ở hợp âm Mi giáng trưởng.
5.2. Phần phát triển - phần II
Từ nhịp 124 đến nhịp 251.
Kết cấu của phần này là một chuỗi các móc xích các yếu tố phát triển đan xen vào nhau liên tục không tách rời được.
Mô-típ 4 âm, số mệnh được phát triển vẫn là số mệnh gõ cửa nhưng gấp gáp hơn (2 mô-típ nối nhau liên tục - ff - chứ không ngắt ra làm 2 lần như lúc đầu).
Chủ đề 1 được phát triển: lúc đầu giữ nguyên kết cấu các chi tiết các âm như khi trình bày nhưng ở các giọng điệu khác nhau, sau đó xé lẻ và dần dần chỉ còn lại 4 âm số mệnh theo âm hình tiết tấu hung dữ cho đến hết phần này.
Chủ đề 2 cũng được xen kẽ phát triển song song với chủ đề 1 (nhịp 140 - nhịp 150), nhất là nét nhạc đe dọa - 4 âm số mệnh cộng với quãng 5 - được phát triển nhắc lại 2 lần với thái độ cực kì kiên quyết (nhịp 178 - nhịp 186).
Cao trào của phần này là cao trào của toàn bộ tác phẩm. Không phải là cao trào điểm (1 âm) mà là cao trào khu (cả một khu vực cao trào: từ nhịp 240 đến nhịp 251). Cao trào dừng ở họp âm Mi giáng trưởng - giọng điệu của chủ đề 2 - rồi tiếp luôn sang một hợp âm chờ (hợp âm Sol - thiếu âm DI) chờ để giải quyết về giọng điệu chính (Đô thứ) ở phần tái hiện tiếp ngay sau đó.
5.3. Phần tái hiện - Phần III
Từ nhịp 252 đến hết.
Lần lượt tái hiện:
a) Chủ đề 1: Tái hiện nguyên si các giọng điệu chính - không còn 4 âm số mệnh đến gõ cửa nữa.
b) Chủ đề nối: Cũng tái hiện lại như ở phần trình bày nhưng đến nhịp 297 thì dùng đẳng âm - âm Pha thăng thay cho âm Sol giáng ở nhịp 54 đoạn nối phần trình bày - để chuyển hòa âm chuẩn bị tái hiện chủ đề 2.
c) Chủ đề 2: Tái hiện theo đúng quy luật của hình thức Xô-nát: phải tái hiện ở giọng điệu của chủ đề 1. Ở đây chủ đề 2 đã được tái hiện ở giọng điệu Đô trưởng (giọng của chủ đề 1). Vẫn nét nhạc đe dọa xuất hiện trước, nhưng chỉ là khẳng định chứ không còn thấy tính chất đe dọa như ở phần trình bày và không còn gay gắt như ở phần phát triển nữa, vì nó đã được đồng nhất cùng giọng với chủ đề 1.
d) Cô-đa: Chủ đề kết ở phần trình bày bây giờ biến thành một cô-đa dài: từ nhịp 446 đến hết.
Không những chỉ là sự tổng kết những vấn đề đặt ra ở phần trình bày qua sự đấu tranh ở phần phát triển, mà nó còn mang trong lòng một đoạn phát triển tiếp theo, sự phát triển nghiêng về phía chủ đề 2 (ở phần II thì sự phát triển nghiêng về phía chủ đề 1 tuy rằng có phát triển cả chủ đề 2 và chủ đề nối). Đến cuối cùng chủ đề 1 lại vang lên nguyên vẹn một lần nữa (1 tiết nhắc lại 2 lần) như tái hiện trong lòng phần tái hiện.
Tất cả những cái đó như sự khẳng định một chân lí: Sự đấu tranh giữa 2 mặt đối lập không phải để phủ nhận nhau mà chính là để khẳng định nhau cùng tồn tại. Ánh sáng và bóng tối đấu tranh với nhau không phải để triệt tiêu nhau mà chính là để song song cùng tồn tại trong một thực thể thống nhất là thời gian.
Sự sống và cái chết trong con người cũng vậy: Luôn luôn đấu tranh với nhau, giành giật nhau từng phút giây cũng cốt để con người phát triển. Người này chết đi nhưng không phải là mất đi mà là biến vào thế giới khác. Cụ già chết đi trẻ em lại sinh ra. Loài người còn trường tồn vĩnh cửu trong trời đất.
6. Ứng dụng của hình thức Xô-nát
Do quy mô và tính chất của hình thức Xô-nát như thế cho nên người ta coi nó như một hình thức cao nhất của nghệ thuật âm nhạc (như tiểu thuyết dài nhiều chương của văn học). Vì vậy nó được các tác giả ở các thời kì hưng thịnh rực rỡ nhất của thế giới đều lấy làm hình thức cho tác phẩm lớn của mình. Các bản giao hưởng và các bản công-xéc-tô nếu có một chương thì chương đó phải là hình thức Xô-nát; nếu có nhiều chương thì bắt buộc chương I hoặc chương cuối phải có hình thức Xô-nát.
Cũng vì vậy Bê-tô-ven đã lấy tên Xô-nát để đặt cho một thể loại âm nhạc của mình: 32 Xô-nát cho pi-a-nô, bài nào cũng có một chương viết ở hình thức Xô-nát.
GIAO HƯỞNG SỐ 5
BÊ-TÔ-VEN
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Thị Nhung - Giảng nhạc - Nhạc viện Hà Nội - 1988
2. Nguyễn Thị Nhung - Thế Vinh - Lịch sử âm nhạc - Nhạc viện Hà Nội - 1985
3. Nhiều tác giả - Các thể loại âm nhạc - Lan Hương dịch - NXB Âm nhạc Hà Nội - 1981
4. Aiô- Svang - L.V Bê-tô-ven (Lan Hương dịch) - NXB Văn hoá Hà Nội - 1977
5. Xpa-xôbin - Khúc thức học - Nhà xuất bản Văn hóa - Nghệ thuật - 1970
6. Scrép-cốp. Phân tích tác phẩm âm nhạc - Ban nghiên cứu Âm nhạc - Vụ Nghệ thuật - 1969
7. Nguyễn Thị Nhung - Hình thức âm nhạc - NXB Âm nhạc và Đĩa hát 1978
8. Sô-panh - 24 Pre-luýt - NXB X-Côn-Balan - 1908
9. Sô-panh - Những điệu Van-xơ - NXB Hăng-ry lơ-moan Paris - 1964
10. Trai-cốp-xki - Bốn mùa - NXB Âm nhạc Mát-xcơ-va - 1983
11. Trai-cốp-xki - An-bom cho thiếu nhi - NXB Âm nhạc Mát-xcơ-va -1987
12. Su-man - An-bom cho Thanh niên - NXB Âm nhạc Mát-xcơ-va - 1987
13. L.V.Bê-tô-ven – 32 Xô-nát cho pi-a-nô - NXB Âm nhạc Mát-xcơ-va - 1978
14. L.V.Bê-tô-ven - 9 giao hưởng (Lít chuyển biên) - NXB Âm nhạc Mát-xcơ-va 1960
15. Gô-lê-mi-nốp - Những vấn đề của dàn nhạc - NXB Xô-phi-a Bun-ga-ri - 1986
16. Prô-xpe Mê-ri-mê - Các-men - NXB Ngoại văn - Hà Nội - 1986
17. Bằng Việt - Mô-da - NXB Văn hóa - Hà Nội - 1987.
Đào Ngọc Dung
Theo http://vnmusic.com.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Nhà văn Lê Lựu (1942 - 2022): Một đời thương Có câu danh ngôn rằng, một nhà văn đích thực khi trút hơi thở cuối cùng thì mới là lúc bắt ...