Thứ Ba, 31 tháng 12, 2019

A.X. Puskin: Mặt trời của thi ca Nga

A.X. Puskin: Mặt trời của thi ca Nga
Ngày 6-6-1799, năm cuối cùng của TK XVIII cách đây vừa tròn 210 năm tại Mátxcơva của nước Nga, một cậu bé đã ra đời và sau này trở thành thi hào vĩ đại của dân tộc, một nhà thơ lớn của nhân loại - đó là Alêcxanđrơ Xécgâyevit Puskin.
Puskin - Mặt trời thi ca Nga.
Dường như đất nước Nga và văn học Nga đã trao cho Puskin một sứ mệnh lịch sử hết sức trọng đại là làm người tổng kết sự phát triển của toàn bộ nền văn học Nga trải qua tám thế kỷ trước đó và cũng đồng thời làm người mở đường, người khởi xướng và người đặt nền móng - một nền móng vững chãi để xây dựng nên lâu đài văn học Nga đồ sộ và tráng lệ - mở đường cho văn học Nga thế kỷ XIX tiến tới những đỉnh cao huy hoàng.
Đại văn hào Nga Xô Viết Măcxim Gorki đã từng coi Puskin là mùa xuân văn học của nước Nga, là “khởi đầu của mọi khởi đầu”. Nhà phê bình văn học Nga nổi tiếng Bêlinxki đã viết về ông: “Puskin thuộc về những hiện tượng vĩnh viễn sống và vận động, không dừng lại ở thời điểm thần chết bắt gặp, mà vẫn tiếp tục phát triển trong ý thức của xã hội.”
A.X.Puskin đã sống một cuộc đời ngắn ngủi và vinh quang, vẻn vẹn chỉ có 38 năm trên trần thế, song sự nghiệp sáng tác đồ sộ với một khối lượng hết sức lớn về thơ văn, kể cả truyện thơ, truyện ngắn, truyện dài và tiểu thuyết, kịch thơ… đã làm rạng rỡ cho nền văn học Nga, làm cho nhà thơ trở thành một ngôi sao sáng chói trên bầu trời văn học châu Âu và thế giới suốt nửa đầu TK XIX.
Sinh trưởng trong một gia đình quý tộc giàu sang ở Mátxcơva, theo lệ thường thì ông có đủ mọi điều kiện thuận lợi về dòng dõi gia đình, địa vị xã hội để ăn học và thành đạt trên con đường công danh, để rồi có thể trở thành một viên quan đại thần hay một viên tướng của triều đình phong kiến Nga hoàng thời ấy. Nhưng kỳ lạ thay, ông đã đi trên đôi chân của chính mình, của dân tộc mình và đã trở thành một nhà thơ chân chính nhất của nhân dân Nga vĩ đại.
Thời thơ ấu của Puskin đã trôi qua êm đềm dưới bầu trời văn học gia đình. Cha của Puskin là một nhà quý tộc có học thức và say mê thơ văn, chú ruột của Puskin là một nhà thơ có tiếng thời ấy và chính ông là một trong những người đầu tiên sớm đưa cháu - Puskin vào thế giới thi ca. Những tủ sách lớn của gia đình và những buổi đàm đạo văn chương, thơ phú của các bậc cha chú với các nhà văn, nhà thơ lớn đương thời đã nhen nhóm và khơi dậy lòng yêu văn học nghệ thuật của Puskin. Tuy nhiên còn có một điều hết sức quan trọng đã giúp nhà thơ sau này phải kể đến nền văn học dân gian từ bao đời nay đã góp phần nuôi dưỡng cho tâm hồn nghệ sĩ, tâm hồn nhà thơ ngay từ khi còn thơ ấu.
Bà nhũ mẫu, ông lão bộc… là những gia nhân - nông nô đã đem vào tòa nhà quý tộc của gia đình Puskin những làn điệu dân ca, những câu chuyện cổ tích. Chính họ là những nhịp cầu nối liền nhà thơ với nhân dân, mở cửa cho nhà thơ đến với tâm hồn Nga và ngôn ngữ Nga kỳ diệu.
Nói đến Puskin, trước hết người ta nghĩ ngay đến nhà thơ trữ tình trác việt, tác giả của hàng nghìn bài thơ tuyệt diệu về các chủ đề: tình yêu cuộc sống, đấu tranh cho tự do, lao động nghệ thuật, thiên nhiên, đất nước, triết lý cuộc đời.. Puskin, tác giả của: Anh yêu em đến nay chừng có thể, Gửi Kern, Buổi sáng mùa đông, Gửi Tsrađêép, Gửi tới Xibir, Nhà tiên tri, Tửu thần ca, Những dòng thơ viết đêm không ngủ… Puskin, tác giả của những truyện thơ đầy hấp dẫn: Người tù Kápkaz, Rútxlan và Lútmila, Đoàn người Digan, Lệ đài Batsixarai, Pôntava, Kỵ sĩ đường… Song nói tới Puskin, nhân loại sẽ nghĩ ngay đến thi hào đồ sộ, tác giả của tiểu thuyết bằng thơ nổi tiếng thế giới Épghênhi Ônheghin. Với tác phẩm đồ sộ này, Puskin đã lao động bằng cả khối óc và con tim trong khoảng 8 năm trời ròng rã. Trong tác phẩm Épghênhi Ônheghin với 5275 câu thơ, người nghệ sĩ tài hoa bậc nhất của nước Nga này đã sử dụng một cách tài tình và sáng tạo một thể loại kết hợp là tiểu thuyết - thơ, Puskin “kể” và Puskin “hát” cho chúng ta nghe về thiên nhiên, về đất nước và con người Nga. Chúng ta thâm nhập vào thế giới nghệ thuật huyền diệu của Puskin vào một buổi đầu thu lá xanh loáng thoáng điểm vàng:
Trời đã thoáng hơi mùa thu mát ẩm
Và đã ít những hôm trời nắng ấm
Ngày ngắn hơn, ngắn hơn mãi từng ngày
Và trong rừng, rất huyền bí lá cây
Đã buồn bã bắt đầu rơi lặng lẽ…
Nói đến Puskin, người ta nghĩ ngay đến cây bút văn xuôi mẫu mực đã viết nên những tiểu thuyết đầy sức lôi cuốn như Đubrốpxki, Người con gái viên đại úy, Những truyện ngắn của Benkin… Nhưng nói đến Puskin, người ta còn nghĩ đến kịch tác gia trứ danh với những vở kịch mang đậm tính xã hội sâu sắc như Bôrit Gôđunốp và một loạt Bi kịch nhỏ...
Như trên đã nói, Puskin có một vị trí đặc biệt quan trọng trong văn học Nga: vị trí của người mở đầu. Thật vậy, ở tuổi 21, Puskin đã dẫn đầu chủ nghĩa lãng mạn Nga và khi 26 tuổi Puskin đã dẫn đầu chủ nghĩa hiện thực Nga. Có thể nói hơn ai hết Puskin hiểu rất rõ nhiệm vụ của mình đối với văn học nước nhà. Puskin hiểu rằng mình phải sáng tạo ra một nền văn thơ dân tộc có thể dùng làm vũ khí sắc bén để phản ánh trung thành cuộc sống và đấu tranh cho chủ nghĩa nhân đạo cao cả, cho một tương lai sáng sủa hơn. Bạn đọc có thể tìm thấy trong hầu hết các tác phẩm của nhà thơ lớn này một bản sắc Nga, một tâm hồn Nga, một thiên nhiên Nga và đặc biệt là ngôn ngữ Nga trên nhiều cung bậc khác nhau qua các thời đại, các biến cố lịch sử của những câu chuyện tâm tình riêng tư của đông đảo nhân dân tự bao đời.
Vào một buổi chiều mùa đông Nga ảm đạm ngày 10 tháng 2 năm 1837 trong một cuộc quyết đấu bảo vệ lòng tự trọng và những giá trị tự do, nhân phẩm con người, nhà thơ yêu quý của chúng ta đã ngã xuống. Tổn thất lớn lao này đối với dân tộc Nga không gì có thể bù đắp nổi. Hàng vạn người đã xuống đường để vĩnh biệt nhà thơ. Con chim họa mi đã ngừng hót. “Vầng mặt trời của thi ca Nga đã lặn”.
Nhưng không phải vậy, các tác phẩm của thiên tài Puskin mỗi ngày lại một sống động thêm, rạng rỡ thêm, bất chấp thời gian và không gian. Trong hơn hai mươi năm sáng tạo không ngừng nghỉ vì một nền văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc Nga, những tác phẩm bất hủ của ông với nhiều thể loại khác nhau từ hơn hai thế kỷ nay đã từng làm rung động biết bao trái tim nhân loại và đã nâng nhà thơ lớn của nước Nga lên hàng những nhà thơ, nhà văn lớn của nhân loại, bên cạnh U.Sêchxpia (Anh), V.Gơthe (Đức), Ô.Banzắc và V.Huygô (Pháp), R.Tago (Ấn Độ)…
Đối với Việt Nam, tên tuổi Puskin và các tác phẩm của thi hào, sau hàng trăm năm mới đến với đất nước chúng ta, cách xa quê hương ông hàng vạn dặm, đã được đón tiếp một cách nồng hậu và sâu sắc. Chúng ta cảm ơn nhà thơ Tế Hanh đã nói hộ chúng ta điều này: “Nhân dân Việt Nam chúng tôi biết Puskin chậm nhưng khi biết thì yêu liền và tình yêu ấy ngày càng đậm đà và sẽ còn mãi mãi…”.
Năm nay, nhân dân Nga và nhân loại toàn thế giới, trong đó có Việt Nam, long trọng kỷ niệm 210 năm ngày sinh của ông - thêm một bằng chứng chứng minh rằng tâm hồn và di sản quý giá của Puskin không chỉ thuộc về quá khứ, mà ông đang sống cùng hiện tại và sẽ mãi mãi sống cùng tương lai.
Nguyễn Hữu Giới 
Theo https://baomoi.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2 MƯỜI SÁU Trên mênh mông vùng đồi xứ Ai Len Tôi được Ban lãnh đạo khu sáng tác mang tên nh...