Thứ Ba, 24 tháng 12, 2019

Nhịp điệu trong thơ trữ tình

Nhịp điệu trong thơ trữ tình
Trong nhạc phẩm Tình khúc Ơbai, Trịnh Công Sơn đã viết:
“Tôi đi bằng nhịp điệu một, hai, ba, bốn, năm…
Em đi bằng nhịp điệu sáu, bảy, tám, chín, mười…
Ta đi bằng nhịp điệu, nhịp điệu không giống nhau
Ta đi bằng nhịp điệu nhịp điệu sao khác màu…”
Đó là sự khác nhau trong nhịp điệu, trong sắc màu cuộc sống. Bước chân của tôi, của em, của ta làm sao để có thể hòa nhịp giữa cõi vô thường… Những ca từ của Trịnh Công Sơn thật dung dị mà minh triết. Cũng như nhịp điệu cuộc sống, nhịp điệu thế giới thơ ca vô cùng phong phú. Nhận diện nhịp điệu trong thơ trữ tình còn là những trăn trở của nhiều nhà nghiên cứu phê bình văn học.
1. Khái niệm về nhịp điệu trong thơ
Cũng như “Thơ là gì?”, cho đến nay câu hỏi nhịp điệu trong thơ là gì thường còn mang tính chất cảm nhận của cá nhân. Theo Tự điển tiếng Việt cuả nhóm tác giả Minh Tân - Thanh Nghi - Xuân Lãm do nhà xuất bản Thuận Hóa, 1998) thì nhịp điệu là sự lặp lại một cách tuần hoàn các âm mạnh và nhẹ sắp xếp theo những hình thức nhất định. Theo GS TS Mã Giang Lân trong Nhịp điệu thơ hôm nay đăng trên Văn học nghệ thuật Đà Nẵng (nguồn google.com): “Theo nghĩa rộng nhất, nhịp điệu là hình thức phân bố trong thời gian những chuyển động nào đó, như vậy có thể nói về nhịp điệu của bất kỳ sự chuyển động, trong đó có âm thanh của bất kỳ thứ ngôn ngữ nào chúng ta nghe được mà không cần hiểu nghĩa. Nhịp điệu thể hiện tính chất đều đặn của chuyển động, sự cân đối của những độ dài về thời gian hay sự luân phiên dưới dạng chuyển động âm thanh (Ở đây không tính đến khái niệm nhịp điệu thường được áp dụng vào các quá trình sinh lý như thở, mạch đập của tim và những chuyển động như đi bộ...)”.
Tiến sĩ Phan Huy Dũng trong “Nhận diện nhịp điệu thơ trữ tình” (Giáo trình giảng dạy cho học viên cao học) không đưa ra khái niệm về nhịp điệu mà chỉ nêu vai trò, chức năng của nhịp điệu trong việc tổ chức một bài thơ trữ tình:“là nghệ thuật thời gian, cũng như âm nhạc, văn học nói chung cũng như thơ trữ tình nói riêng bao giờ cũng quan tâm tới vấn đề nhịp điệu”.
Trong bài Mấy ý nghĩ về thơ (1949), Nguyễn Đình Thi quan niệm: "Nhịp điệu của thơ không những là nhịp điệu bằng bằng, trắc trắc, lên bổng xuống trầm của tiếng đàn bên tai (...). Thơ có một thứ nhạc nữa, một thứ nhịp điệu bên trong, một thứ nhịp điệu của hình ảnh, tình ý, nói chung là của tâm hồn (...). Đó là nhịp điệu thành hình của những cảm xúc, hình ảnh liên tiếp hòa hợp mà những tiếng và chữ gợi ra như những ngân vang dài, ngay những khoảng lung linh giữa chữ, những khoảng im lặng cũng là nơi trú ngụ kín đáo của sự xúc động". (GS TS Mã Giang Lân, Nhịp điệu thơ hôm nay đăng trên Văn học nghệ thuật Đà Nẵng (nguồn google.com).
Maiacốpxki cho rằng: “Nhịp điệu là sức mạnh chủ yếu, là năng lượng của câu thơ”… Vậy thì có thể hiểu một cách đơn giản nhịp điệu như là sự rung động tâm hồn, là mạch cảm xúc được thể hiện ngoài lớp vỏ ngôn từ, tạo tác động, ấn tượng lên tâm thức người tiếp cận tác phẩm để thực hiện chức năng thông tin thẩm mỹ. Nói nhịp điệu trong thơ là sự chia cắt dòng âm thanh, sự phân đoạn câu thơ, dòng thơ giúp người đọc cảm thụ một cách trực tiếp. Mở rộng ra thì nhịp điệu trong thơ là một khái niệm chỉ một đơn vị ngôn ngữ nằm bên trong bản thân kiến trúc ngôn từ và qui định kiểu kiến trúc ấy, được khu biệt về quy tắc tổ chức âm thanh, là nhân tố vận động cả ở phương diện ngữ nghĩa và âm thanh. Nhịp điệu thay đổi tạo nên cảm giác lời thơ vận động nghệ thuật theo quy luật chủ quan của chủ thể sáng tác đồng thời tác động đến tâm lý tình cảm của chủ thể tiếp cận theo chức năng thông tin thẩm mỹ.
2. Vai trò và chức năng của nhip điệu trong thơ
Nếu không có nhịp điệu, sẽ khó có sự nhận thức đúng, về nội dung ý nghĩa của chuỗi âm thanh, chuỗi ngôn từ phát ra trong thời gian dài. Mạch cảm xúc có thể vô tận trong đời thơ của nhà nghệ sĩ nhưng lại có giới hạn trong bài thơ. Người ta không thể đọc bài thơ liên tục từ những từ ngữ đầu tiên đến kết thúc mà không ngừng nghỉ. Nhịp điệu gắn liền với chỗ ngừng, chỗ ngắt được phân bố hợp lý theo mạch cảm xúc để diễn đạt nội dung thẩm mỹ.
Nhịp điệu trong thơ được quy định quy ước chung của thể loại, song mặt khác lại tự vận động theo mạch cảm xúc riêng tạo nét chấm phá trong ý thơ. Ví dụ trong bài thơ Bạn đến chơi nhà của Nguyễn Khuyến, câu thơ thát ngôn bát cú Đường luật thường ngắt nhịp 4/3 hoặc 2/2/3, thế nhưng nếu tuân thủ lối nhịp điệu truyền thống ấy thì câu thơ thứ nhất sẽ hạn chế về nét nghĩa, về tứ thơ mà chỉ giữ chức năng thông tin về sự hội ngộ. Trong câu “Đã bấy lâu/nay bác tới nhà”, “lâu nay” không còn là một từ ghép đẳng lập thông thường nữa mà được tách thành hai khái niệm chỉ thời gian. “Lâu” là quá khứ, là niềm mong đợi thiết tha, “nay” là hiện tại, là niềm vui mừng khôn xiết trong cuộc hội ngộ đầy bất ngờ tạo. Nhịp thơ chuyển sang ¾ đầy sáng tạo. Nhịp 4 “nay bác tới nhà” như tiếng reo vang vừa hồ hởi, vừa thú vị. Hình thái nhịp điệu hiện thực hoá cấu trúc ý thơ, tứ thơ, tạo nên nhạc điệu. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều bài thơ trong âm hưởng tự nhiên của nó đã tạo nên nhạc điệu. Trong bài thơ Ngậm ngùi của Huy Cận, chỉ đọc mấy câu thơ, người đọc chừng như nghe được tiết tấu nhặt khoan, giai điệu trầm bổng du dương: “Cây dài bóng xế ngẩn ngơ/ Hồn em đã chín mấy mùa thương đau?/ Tay anh em hãy tựa đầu,/ Cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi…” (Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh - Hoài Chân, trang 131). Hay đến với Phạm Thiên Thư trong Ngày xưa Hoàng Thị, những câu thơ bốn chữ như nhịp guốc ai vang vọng, nhẹ nhàng sâu lắng, như tiếng nhạc giữa đường chiều: “Em tan trường về/ Cuối đường mây đỏ/ Anh tìm theo Ngọ/ Dáng lau lách buồn/ Tay nụ hoa thuôn/ Vương bờ tóc suối” (Phạm Thiên Thư).
Nhà thơ P.Êluya nói: “Thơ ca trước tiên là ngôn ngữ cất thành tiếng hát… ngôn ngữ hát lên, ở nó tràn đầy hi vọng, ngay cả khi nó hát những điều thất vọng”. Đó chính là tính nhạc trong thơ ca.
Theo Trần Thiện Khanh trong Nguyên lý cấu trúc của thơ (nguồn google.com) cho rằng: “Nhịp điệu trở thành ngôn ngữ đặc biệt của thơ, nó biểu hiện được bao ý tình mà từ ngữ không thể nói hết được. Nhịp điệu - một khi được cảm xúc hóa, cá tính hóa sẽ mài sắc cảm nhận, cảm giác của người đọc. Đọc bài thơ giàu tính nhạc, người đọc như được sống trong cảm giác mới mà trước đó chưa từng biết”. Cảm nhận được nhịp điệu của thơ sẽ tạo nên sự khám phá mới, thú vị.
Nhịp điệu trong thơ làm tăng thông tin thẩm mỹ của bài thơ. Nhịp điệu của thơ bao hàm các yếu tố giai điệu (trầm - bổng), tiết tấu (mau - thưa), nhạc điệu (tính nhạc của thơ), ngắt trong câu, dấu câu, ngừng hết câu, dòng thơ, nhấn (từ láy, vần, từ Hán Việt, điệp từ, từ địa phương...)  Nhịp điệu trong tác phẩm có thể được xem như một dạng từ đa nghĩa, một dạng từ đặc biệt không tồn tại trên cơ sở vỏ vật chất của từ ngữ, không tồn tại trong lớp vỏ âm thanh mà vẫn có nghĩa. Đặc biệt là lớp nghĩa tồn tại trong tư duy, trong cảm thức của người tiếp cận văn bản và mang giá trị biểu cảm sâu sắc. Nhịp điệu trong câu thơ là khoảng lặng không lời mà lại diễn đạt nhiều cảm xúc. Nhịp điệu không chỉ tách ý tách nghĩa mà còn thể hiện thế giới nội tâm của nhà thơ, thể hiện những cảm xúc được dấu kín, dè nén, mà không thể tìm thấy trong ngôn từ, trong âm thanh. Trong tập thơ Việt Bắc, Tố Hữu có viết: “Áo chàm đưa buổi phân ly/ Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay.” (Việt Bắc)
Cách ngắt nhịp 3/3 - 3/5 phá vỡ giai điệu truyền thống 2/2/2 - 4/4 nhẹ nhàng êm ái quen thuộc trong lục bát để tạo nên một nét nhấn, một phá cách độc đáo thể hiện sự dằn xé, day dứt trong nội tâm người đi và kẻ ở trong cuộc chia ly, càng tô thêm nỗi da diết luyến lưu để thể hiện tình cảm sâu lắng, khắng khít của người lính cụ Hồ với đồng bào dân tộc trong những ngày tháng bên nhau nơi chiến trường Việt Bắc. Đó là những cung bậc tình cảm không mô tả bắng lời, và chính người tiếp cận phải có một khả năng tư duy văn học mới cảm nhận được dụng ý người viết.
3. Tín hiệu nhận diện nhịp điệu trong thơ
Nhìn trên tổng thể có thể chia nhịp điệu thành 2 loại sau:
- Nhịp điệu được thực hiện qua các dấu câu, dòng thơ, câu thơ.
- Nhịp điệu thực hiện không thông qua dấu câu (nhịp thơ, vần, từ láy, từ Hán Việt…).
3.1. Tín hiệu để nhận diện nhịp điệu thông qua dấu câu, dòng, câu thơ
Đây là một tín hiệu hình thức dễ nhận biết, dễ cảm thụ. Trong Văn bồi dưỡng học sinh năng khiếu Trung học cơ sở do Nguyễn Đăng Mạnh (chủ biên), Đỗ Ngọc Thống, Nxb Giáo dục, 1997, có viết “Nhà văn Tô Hoài coi dấu câu là một loại từ, là hình thức của chữ trong tác phẩm...” (Sđd - trang 46).
3.1.1. Dấu câu: Nhiệm vụ của dấu câu là để tách tách nghĩa, tách dòng, tách khổ của câu thơ, bài thơ. Dấu câu còn là một phương tiện hữu hiệu để thực hiện “sự im lặng không lời” (Sđd-46) mà còn tạo nên “ý tại ngôn ngoại”, gợi ra biết bao điều mà từ không nói hết.
Trong bài thơ Sa-Na của Kim Nhường (Bài thơ đoạt giải nhất cuộc thi thơ Bút Mới do báo Tuổi Trẻ tổ chức lần thứ 5) có những câu thơ:
«Mai chị về phồ rồi, Sa-na
Mà thôi…
Em đừng tiễn nhé!
Gió Trà Vinh còn sợi nào thật khẽ
Vương bên ngoài lớp học chiều nay?»
(Kim Nhường)
Các dấu câu kết hợp nhau tạo nên nét duyên dáng trong nhịp điệu khổ thơ. Câu 1 nhịp 5/2, mà 5 tiếng đầu đi liền nhau như một lời trần tình, lời thông báo một cuộc chia ly và đọng lại trong nhịp 2 tiếng gọi thân thương qua tên của người học trò nhỏ Sa-Na tạo sự ngân vang một cái tên trìu mến. Đến câu thứ hai thì chính dấu ba chấm (...) là sự im lặng không lời, là sự xúc động mãnh liệt nên mọi lời nói trở nên nghẹn tắt. Không cần khai thác ngữ nghĩa của từ “mà thôi” thì chính dấu (...) cũng đủ để cảm nhận những xung động mãnh liệt trong lòng nhân vật trữ tình một sự ngập ngừng nuối tiếc, luyến lưu... Câu thơ thứ 4 kết thúc trong dấu chấm hỏi (?) là một dạng câu hỏi tu từ khơi gợi cảm xúc của người đọc để biến những ngọn gió vô hình thành hữu hình “sợi nào thật khẽ” cứ vương vướng chân người sắp cất bước chia xa.
Bài thơ Núi Đôi của Vũ Cao ở cuối nhiều đoạn thơ đếu kết thúc bằng dấu chấm hỏi (?) tạo nên hình tượng sâu xoáy trong lòng người đọc một tình cảm thủy chung son sắt của đôi lứa:
- “Mỗi bận dân công về lại hỏi
Ai người Xuân Dục Núi Đôi chăng?”
- “Núi Đôi bốt dựng kề ba xóm
Em vẫn đi về những bến sông?”
- “Ở đâu cô gái làng Xuân Dục
Đã chết vì dân giữa đất này?”
(Thơ Việt Nam 1945-1985, Nhà xuất bản Văn học, 1985)
Trong bài thơ Theo chân Bác, nhà thơ Tố Hữu đã ghi lại những cảm xúc thiêng liêng đến tận cùng của của một người sau 30 năm xa Tổ quốc:
“Bác về... Im lặng. Con chim hót
Thánh thót bờ lau vui ngẩn ngơ...”
(Tố Hữu)
Dấu (...) và dấu chấm (.) ngắt câu thơ thành 3 nhịp thơ riêng để diễn tả ba cảm xúc tưởng như khác biệt nhưng thống nhất trong câu thơ. Dấu (...) là tình cảm thiêng liêng, là sự xúc động đến bâng khuâng, bồi hồi, là những cảm xúc xao xuyến của người con trở về với Tổ quốc thân yêu. Dấu chấm sau từ “im lặng” để tách ra hai tâm trạng, hai thế giới: - Một thế giới của nội tâm xúc động và hân hoan của người con trở về với đất nước thân yêu; - Một thế giới ngoại cảnh tách biệt nhưng thống nhất trong giữa con người và thiên nhiên cùng hòa chung niềm vui ngày trở về.
Đối với dấu gạch ngang (-) Dấu gạch ngang phân nhịp điệu trong thơ thành hai phần (đẳng lập hoặc chú thích). Dấu (-) tạo quãng nghỉ và tác động đến thị giác người đọc sự chú ý làm tăng thêm ý nghĩa thẩm mỹ: “Đầu mùa xuân cùng em đi lễ/ Lễ chùa này - vườn nắng tung bay/ Và ngàn lau - vàng màu khép nép/ Bãi sông bay - một con bướm đẹp.” (Em lễ chùa này - Phạm Thiên Thư)
Trong hệ thống dấu câu, thì dấu hỏi (?) và dấu chấm cảm (!) luôn tạo ấn tượng và làm cho nhịp thơ ngưng đọng trong lòng người đọc những cung bậc tình cảm sâu lắng: “Anh bạn dãi dầu không bước nữa/ Gục lên súng mũ bỏ quên đời!” (Tây tiến - Quang Dũng).
Dấu chấm cảm (!) trong dòng thơ trên là niềm cảm xúc dạt dào, là sự lắng đọng, kết tinh của nỗi thống thiết, nghẹn uất, là khoảng nghỉ u uất, đọng trong lòng người đọc thành nỗi bi thương.
3.1.2. Dòng thơ
Nói đến nhịp điệu thơ phải nói đến sự chia cắt dòng âm thanh giúp cho người đọc cảm thụ một cách trực tiếp. Nhịp điệu trong thơ có thể hiện sự phân đoạn câu thơ, dòng thơ, tạo quãng nghỉ để cảm được nhịp điệu của bài thơ, nhờ đó mà hiểu thêm tứ thơ. Trong bài Màu tím hoa sim, Hữu Loan đã tạo những dòng thơ độc đáo:
Màu tím hoa sim
tím
chiều
hoang
biền
biệt.
(Theo Nguyễn Đăng Mạnh (chủ biên), Đỗ Ngọc Thống, Văn bồi dưỡng học sinh năng khiếu Trung học cơ sở, Nxb Giáo dục, 1997, trang 47)
Câu thơ được xé thành 6 dòng thể hiện một sự vỡ vụn, tan nát, là tâm trạng nghẹn tắc, đứt đoạn tưởng chừng như không gian vỡ vụn dưới chân, sắc tím màu hoa sim như những vết loang lỗ, như những mảnh vỡ của không gian, của thời gian, như cõi lòng tan tác và sắc chiều kia trở nên biền biệt, xa xăm hư ảo. Sự phân câu thơ thành những dòng tạo nhịp thơ như chùng hẳn lại để người đọc gậm nhấm tâm trạng đau khổ đến tột cùng của nhân vật trữ tình.
Chia thơ ra thành dòng không chỉ là tách ý, chuyển ý mà thuộc cách tổ chức tứ thơ, vần nhịp. Nhờ sự phân chia thành từng dòng thơ mà nội dung tư tưởng, tâm trạng, thái độ của nhân vật trữ tình được thể hiện đầy đủ. Trong bài thơ Lời Kỹ nữ, Xuân Diệu (Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh - Hoài Chân, trang 115) có cách sử dụng dâu câu, dòng thơ khơi gợi cảm xúc tiếc nuối xa vời:
“Xao xác tiếng gà. Trăng ngà lạnh buốt.
Mắt run mờ, kỹ nữ thấy sông trôi.
Du khách đi.
- Du khách đã đi rồi.”      
(Ngày Nay)
Mỗi bước chân người du khách xa dần để lại cả nỗi nhớ nhung tiếc nuối, đó là tâm trạng cô đơn của con người. Cái biên giới của chuyện gió trăng vay mượn kia không còn nữa, mà nỗi niềm khao khát hạnh phúc của đời người cứ dàn trải, lan dần trong dòng kết bài thơ.
3.1.3. Câu thơ: Bên cạnh dòng thơ còn là câu thơ cũng góp phần tạo nên nhịp điệu của bài thơ trữ tình. Bài thơ Sương rơi của Nguyễn Vỹ theo Hoài Thanh - Hoài Chân trong Thi nhân Việt Nam nhận định: “Người ta thấy Nguyễn Vỹ đã sáng tạo ra một nhạc điệu riêng để miêu tả một cái gì đương rơi. Cái gì đó có thể là giọt sương, cũng có thể là những giọt lệ hay những giọt gì vẫn rơi đều đều, chậm chậm trong lòng ta mỗi lúc vẩn vơ buồn ta đứng lặng một mình trong lặng lẽ.” (trang 93)
Sương rơi
Nặng trĩu
Trên cành
Dương liễu...
Nhưng hơi
Gió bấc
Lạnh lùng
Hiu hắt
Thấm vào
Em ơi,
Trong lòng
Hạt sương
Thành một
(Văn học tạp chí 1935)
Có lẽ trở lại với Tống biệt của Tản Đà để thấy nhịp điệu trong bài thơ thể hiện qua các sắp xếp từng câu thơ để cảm nhận vẻ khoan nhặt, thánh thót của bài thơ:
Tống biệt
Lá đào rơi rắc lối thiên thai,
Suối tiễn, oanh đưa, những ngậm ngùi.
Nửa năm tiên cảnh,
Một bước trần ai.
Ước cũ duyên thừa có thế thôi.
Đá mòn, rêu nhạt,
Nước chảy, huê trôi,
Cái hạc bay vút lên tận trời!
Trời đất từ nay xa cách mãi,
Cửa động,
Đầu non,
Đường lối cũ,
Nghìn năm thơ thẩn bóng trăng chơi.
(Tản Đà)
Các câu thơ dài ngắn kết hợp nhau theo mạch cảm xúc của tác giả, nhịp thơ có lúc nhanh mạnh, dồn dập như nhịp đập của trái tim, của khoảng không gian cách xa vô tận giữa đất và trời, có lúc rời rạc hửng hờ như những bước chân vô hồn, có lúc réo rắc những thanh âm lá rơi, suối chảy, chim hót, có lúc dìu dặt của nước chảy hoa trôi. Những câu thơ trở thành âm thanh của bản nhạc giao hưởng man mác buồn, man mác nhớ nhung, ngậm ngùi nơi thẩm tâm hồn thành một vết thương của kiếp đời kiếp người lưu lạc ngay trên chính quê hương mình (Nghìn năm thơ thẩn bóng trăng chơi).
3.2. Nhịp điệu thực hiện không thông qua dấu câu:
3.2.1. Vần: Tiếng Việt rất giàu nhạc tính do hệ thống thanh điệu và vần điệu tạo nên âm hưởng ngân vang trong thơ. Chính những chỗ gieo vần tạo khoảng nghỉ trong thơ. Đó cũng chính là nhịp điệu của thơ và nhất là thơ trữ tình. Đọc đoạn thơ trong Lỡ bước sang ngang - Nguyễn Bính, những điểm gieo vần lưng, vần chân góp cho câu thơ nhạc điệu buồn đến xót xa trong tiếng lòng ly biệt:
“Em ơi em ở lại nhà,
Vườn dâu em đốn, mẹ già em thương.
Mẹ già một nắng hai sương,
Chị đi một bước trăm đường xót xa.”
(Nguyễn Bính).
Các vần: “nhà - già” tạo giai điệu trầm, “thương - sương” tạo giai điệu bổng trên nền tiết tấu chậm của lời thủ thỉ tâm tình hai chị em.
Xét về vần, những câu thơ gieo vần bằng thường tạo nhịp điệu êm ái, du dương, nhẹ nhàng như đoạn thơ dẫn chứng của Nguyễn Bính. Còn đối với vần trắc, thường tạo nhịp điệu dằn xé, day dứt, mạnh mẽ. Trong Tống biệt hành có đoạn:
“Ta biết người buồn chiều hôm trước
Bây giờ mùa hạ sen nở nốt
Một chị, hai chị, cũng như sen
Khuyên nốt em trai dòng lệ sót.”
(Thâm Tâm).
Âm hưởng khổ thơ mạnh mẽ, dứt khoát cho một cuộc chia ly.
3.2.2. Thanh điệu: Bên cạnh vần điệu, hệ thống thanh điệu tiếng Việt tạo âm tiết lên bổng xuống trầm. Thử đọc hai câu thơ sau đây sẽ cảm nhận nét khác biệt trong thanh điệu tiếng Việt:
“Ô hay buồn vương cây ngô đồng
Vàng rơi vàng rơi thu mênh mông.”
(Bích Khê)
hay “Vó câu khấp khểnh bánh xe gập ghềnh” (Nguyễn Du). Những vần thơ Bích Khê với hàng loạt các thanh bằng diễn tả sự nhẹ nhàng, bâng khuâng pha chút chơi vơi của tâm trạng con người giữa mùa thu. Ngược lại trong câu thơ Nguyễn Du, hàng loạt các thanh trắc xuất hiện tạo cảm giác trúc trắc, khơi gợi cảm giác bước đi vào đời của Thúy Kiều như chông chênh gập ghềnh.
3.2.3 Nhịp thơ: Nhịp thơ tạo ra giọng điệu. Nhịp thơ trùng với khung đoạn ngừng nghỉ của lời nói nghệ thuật. Đường nét vận động của nhịp điệu, ngữ điệu thể hiện rõ tính nhạc của ngôn từ. Nhịp thơ cũng thể hiện quan niệm triết lý thẩm mỹ. Ví dụ thơ Đường luật của Trung Quốc nhịp thơ lẻ thường mang tính “cương” hào sảng, khí khái, thơ lục bát truyền thống Việt Nam thường là nhịp chẵn, nhịp đôi mang tính “nhu” nên giọng điệu mềm mại nhẹ nhàng.
3.2.3.1. Thơ lục bát: Nhịp chẵn (nhịp 2/2/2, 4/4) ở lục bát tạo ra giọng mềm mại, tha thiết như lời ru êm ái:
“Thì thôi tóc ấy phù vân,
Thì thôi lệ ấy còn ngần dáng sương.
Thì thôi mù phố xe đường,
Thôi thì thôi nhé đoạn trường thế thôi.”
(Đoạn trường vô thanh - Phạm Thiên Thư)
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, để tạo nét nhấn, một số tác giả có cách ngắt nhịp theo dụng ý riêng nhằm tạo ấn tượng. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du nhiều lần tạo nét chấm phá độc đáo qua cách ngắt nhịp:
- “Hỏi tên, rằng: “Mã Giám Sinh”
Hỏi quê, rằng: “Huyện Lâm Thanh cũng gần””
- “Người lên ngựa, kẻ chia bào,
Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san.”
(Nguyễn Du)
Những ví dụ trên là dụng ý nghệ thuật của thi hào Nguyễn Du, nhịp 2/1/3, 2/1/5 trong cách xưng hô của gã họ Mã vừa cộc cằn thô lỗ, vừa gian dối mơ hồ. những điều đó đối lập với từ “Giám Sinh” (Giám Sinh có thể là một chức quan nhỏ hay cũng có thể là một người đi học trường Quốc Tử Giám), với từ “viễn khách” ở phần giới thiệu trước đó (Đưa người viễn khách tìm vào vấn danh) thì nhịp 5 trong “Huyện Lâm Thanh cũng gần” gợi cho người đọc sự mơ hồ dối trá của gả họ Mã. Hay nhịp 3/3 trong trong cuộc chia tay của Thúy Kiều và Thúc Sinh. Có gì gấp gáp vội vàng ở người lên ngựa, có gì níu kéo ở kẻ chia bào. Phải chăng có cái gì đó thiếu minh bạch trong suy nghĩ của Thúc Sinh, có gì đó vô vọng trong tâm hồn Thúy Kiều. Nhịp thơ có phần mạnh mẽ mà day dứt. Bởi đến cùng mối tình của Thúc Sinh - Thúy Kiều cũng chỉ là mối tình vụng trộm “sắn bìm chút phận con con” (Nguyễn Du).
3.2.3.2. Thơ Đường luật: Nhịp thơ thất ngôn bát cú với lối ngắt nhịp 2/2/3 hoặc 4/3 (gọi chung là nhịp lẻ) tạo ra giọng điệu hào sảng, trang trọng:
“Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi
Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi
Túy ngọa sa trường quân mặc tiếu
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi.”
(Lương Châu từ - Vương Hàn)
Tuy nhiên ở một số trường hợp, sự thay đổi nhịp điệu tạo nên ý hàm súc. Hai câu kết trong bài thơ Qua Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan là một sự phá cách độc đáo:
“Dừng chân đứng lại trời non nước
Một mảnh tình riêng ta với ta.”
(Bà Huyện Thanh Quan)
Sự thay đổi nhịp thơ 4/1/1/1 ở câu thứ bảy của bài thơ khơi gợi cảm giác con người đang đối diện trước thiên nhiên vũ trụ: trời mây bao la, núi non trùng điệp, dòng sông trôi vô định. Nữ sĩ đưa ra cái hữu hạn bé nhỏ của đời người và cái mênh mông vô tận của đất trời. Chủ thể trữ tình đang đứng trước không gian ba chiều (trời, non, nước), con người như lạc loài chấp chới để rồi tự thu mình trong ốc đảo đơn lẻ của tâm hồn, của mảnh tình riêng vỡ vụn, nhặt nhạnh những vết tàn của quá khứ để tìm nguồn an ủi vỗ về cho nỗi đau chính mình (ta với ta).
3.2.3.3 Thơ song thất lục bát: Trong thơ song thất lục bát, hai câu thất tạo âm hưởng mạnh mẽ dứt khoát qua nhịp 3/4 được kết hợp hài hòa với nhịp chẵn của lục bát tạo nhịp điệu uyển chuyển:
“Thưở trời đất nổi cơn gió bụi
Khách má hồng nhiếu nỗi truân chuyên
Xanh kia thăm thẳm từng trên,
Vì ai gây dựng cho nên nỗi này.”
(Chinh phụ ngâm khúc – bản dịch Đoàn Thị Điểm).
3.2.3.4 Thơ tự do:
Nhịp thơ chỉ tác động vào tình cảm người tiếp cận để hóa thành giai điệu biểu đạt tình ý. Có lúc nhịp thơ góp phần vào bố cục câu thơ, dòng thơ, khổ thơ làm tăng khả năng diễn đạt tứ thơ. Đối với thơ tự do, nhịp thơ dàn trải theo cảm xúc của chủ thể sáng tạo nên rất đa dạng. Ví dụ trong Bài thơ về tiểu đội xe không kinh, Phạm Tiến Duật thể hiện:
“Không có kính không phải vì xe không có kính
Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi
Ung dung buồng lái ta ngồi
Nhìn đất nhìn trời nhìn thẳng.”
(Phạm Tiến Duật)
Câu 1 nhịp thơ liền một mạch như lời giải thích trong âm điệu bình thản pha chút ngang tàng của chủ thể trữ tình. Câu 2 ngắt nhịp theo nhịp 2/2/4 nhịp nhàng. Câu 3 nhịp 2/4 trong tư thế thanh thản, Câu 4 nhịp 2/2/2 mạnh mẽ khẳng khái. Sự kết hợp hài hòa ấy tạo nên nét đặc sắc cho bài thơ.
Hay trong bài thơ Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm, nhịp thơ hay chính là nhịp thở trong trái tim nhà nghệ sĩ:
“Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa…” mẹ thường hay kể
Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc
Tóc mẹ thì bới sau đầu
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn…”
(Trích trường ca Mặt đường khát vọng)
Nhịp thơ liền mạch trong triều cảm xúc dâng tràn rất tự nhiên, rất đằm thắm thiết tha mà mãnh liệt. Có cả những câu chuyện cổ tích, truyền thuyết, tập quán, lịch sử, văn học… cứ nối tiếp nhau tạo nên những giai điệu mượt mà phong phú tiết tấu.
3.2.4. Các phép tu từ nghệ thuật
Các biện pháp tu từ nghệ thuật cũng góp phần tạo nên nhịp điệu trong thơ, nhất là phép tu từ điệp ngữ. Chính điệp ngữ tạo nên tính hùng biện cho văn và nhạc điệu cho thơ. Bài thơ Vườn xưa của Tế Hanh là sự kết hợp độc đáo từ điệp ngữ đến điệp cấu trúc, điệp khổ thơ tạo nên nhịp thơ thánh thót, hài hòa và nhịp nhàng. Khổ cuối lặp lại hoàn toàn khổ đầu như tất cả cùng tồn tại chung trong mảnh vườn xưa, trong mái tóc bạc người mẹ già dẫu rằng hiện thực họ có xa xôi cách trở. Đó là mối tình gắn bó thủy chung không đổi của hai trái tim yêu thương. Khổ hai và khổ ba, khổ bốn và khổ năm điệp cấu tứ để nhấn mạnh diễn đạt khoảng cách địa lý cũng không ngăn nỗi tâm hồn hai người cùng hướng về mảnh vườn xưa để gặp nhau trong không gian ấm áp kỷ niệm với mái tóc bạc mẹ già, với nhành ổi gió thổi, với nước giếng trong vắt, có cả những sắc màu của của sen mùa hạ, cúc mùa thu…  
“Một ngày xuân em trở lại quê nhà
Nghe mẹ nói anh có về hái ổi
Em nhìn lên vòm cây gió thổi
Lá như môi thầm thĩ gọi anh về.
Lần sau anh trở lại một ngày hè
Nghe mẹ nói em có về bên giếng giặt
Anh nhìn giếng, giếng sâu trong vắt
Nước như gương soi lẻ bóng hình anh.
Mảnh vườn xưa cây mỗi ngày mỗi xanh
Bà mẹ già tóc mỗi ngày mỗi bạc
Hai đứa ở hai đầu công tác
Có bao giờ cùng trở lại vườn xưa.”
(Vườn xưa - Tế Hanh)
Cấu tứ bài thơ rất chặt, rất sắc, nhà thơ xây dựng những hình ảnh đối lập nhau tạo nên nhạc điệu vừa man mác buồn, vừa hiu hắt nhớ nhung vừa lạc quan tự tin để mỗi lời thơ hài hòa trong cung nhạc của khúc ca tình yêu.
Lối điệp vòng tròn trong những câu thơ mở đầu bài thơ Tiếng hát sông Hương tạo nhịp điệu câu thơ như cái vòng tròn lẫn quẫn trói chặt cuộc đời cô gái giang hồ, như số phận nghiệt ngã, như sự bế tắc không lối thoát:
“Trên dòng Hương giang
Em buông mái chèo
Trời trong veo
Nước trong veo
Em buông mái chèo
Trên dòng Hương Giang…”
(Tố Hữu)
Ngoài ra còn nhiều phép tu từ khác như so sánh, điển cố, ẩn dụ, hoán dụ, đảo ngữ… góp phần tạo nên nhịp điệu cho thơ.
4. Kết luận:
Nhịp thơ không chỉ là yếu tố bên ngoài, một yếu tố của hình thức cụ thể cảm tính mà còn là yếu tố bên trong tạo hình thức bài thơ. Nhịp điệu nằm bên trong bản thân kiến trúc ngôn từ và qui định kiểu kiến trúc ấy. Khám phá khoảng không vô hình tạo ra nhịp thơ đòi hỏi khả năng cảm thụ của người đọc. Bởi lẽ không khéo lại rơi vào trạng thái “thấy cây mà không thấy rừng” hoặc sẽ lạc vào “mê cung” của ngôn từ mà không cảm nhận được giá trị thẩm mỹ của thơ ca.
Kết thúc Tình khúc Ơ bai, Trịnh Công Sơn sử dụng những ca từ sâu lắng:
“Làm sao ta gặp
Làm sao ta gặp được nhau.
Để cho nhà nghệ sĩ và người cảm thụ gặp gỡ nhau trong nhịp điệu của thơ ca còn là vấn đề ưu tư trăn trở. Trong khả năng còn hạn chế, bài viết sẽ không tránh thiếu sót rất mong nhận được sự đóng góp của quý thầy cô. Xin chân thành cảm ơn.
Tài liệu tham khảo:
1. TS Phan Huy Dũng, Nhận diện nhịp điệu thơ trữ tình
2. Trần Thiện Khanh trong Nguyên lý cấu trúc của thơ (nguồn google.com)
3. GSTS Mã Giang Lân, Nhịp điệu thơ hôm nay, Văn học nghệ thuật Đà Nẵng (nguồn google.com)
4. Nguyễn Đăng Mạnh (chủ biên), Đỗ Ngọc Thống, Văn bồi dưỡng học sinh năng khiếu Trung học cơ sở, Nxb Giáo dục, 1997
5. Hoài Thanh - Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam, Nxb Văn học Hà Nội, 1988
6. Nhiều tác giả, Thơ Việt Nam 1945-1985, Nhà xuất bản Văn học, 1985.
 TP.HCM, tháng 8 năm 2009
Nguyễn Văn Thành
Theo https://vinhvien.edu.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2 MƯỜI SÁU Trên mênh mông vùng đồi xứ Ai Len Tôi được Ban lãnh đạo khu sáng tác mang tên nh...