Thứ Ba, 24 tháng 12, 2019

Nguyễn Bính và Hàn Mặc Tử - Những điểm tương đồng và khác biệt thú vị

Nguyễn Bính và Hàn Mặc Tử - Những điểm 
tương đồng và khác biệt thú vị
1. Phong trào Thơ mới là cuộc cách mạng thơ ca, chuyển thơ Việt Nam từ trung đại sang hiện đại. Thắng lợi lớn nhất của phong trào Thơ mới là sự hình thành, phát triển và cộng hưởng của sáu, bảy mươi nhà thơ trẻ tài danh, là sự ra đời và tồn tại lâu dài của mấy trăm thi phẩm có giá trị. Nguyễn Bính là một trong những thi nhân trụ cột của phong trào Thơ mới. Thơ Nguyễn Bính được đánh giá cao vì khả năng lan tỏa, khuếch tán rất tự nhiên. So sánh Nguyễn Bính với các nhà thơ khác cùng thời, như trường hợp Hàn Mặc Tử, là để cùng lý giải những điểm tương đồng và khác biệt độc đáo của họ trong đời sống văn chương có quá nhiều những hiện tượng và biểu hiện phức tạp. 
2. Nguyễn Bính và Hàn Mặc Tử là hai nhà thơ lớn, có vị trí quan trọng, được khẳng định rõ ràng trong phong trào Thơ mới và trong thơ Việt Nam hiện đại. Từ trước đến nay, Nguyễn Bính luôn được giới phê bình - nghiên cứu văn học ưu ái. Trong công trình Thi nhân Việt Nam 1932 -1941 [1] nhằm tổng kết thành tựu 10 năm của Thơ mới, tác giả Hoài Thanh - Hoài Chân đã nhận xét về Nguyễn Bính bằng nhiều lời khen ngợi! Nguyễn Bính và Hàn Mặc Tử còn được chọn đưa vào chương trình giảng dạy các cấp, kể cả chương trình dạy học ở miền Nam giai đoạn 1954 - 1975. Tiếng vang của phong trào Thơ mới cộng với việc được giảng dạy, ca ngợi là một trong những lý do quan trọng khiến thơ Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử tồn tại lâu dài trong ký ức của nhiều thế hệ. Trong cuộc hiện đại hóa thơ ca Việt Nam, cả Nguyễn Bính lẫn Hàn Mặc Tử đều thể hiện xuất sắc năng lực khám phá và thể hiện cái tôi cá nhân độc đáo, khả năng diễn đạt phong phú ngôn ngữ tiếng Việt hiện đại.
Trong công trình Ba đỉnh cao Thơ mới, nhà phê bình văn học Chu Văn Sơn đã có cách chọn lựa và phân biệt khá thú vị về ba nhà thơ tiêu biểu của phong trào Thơ mới:
“Xuân Diệu thì mới nhất, còn Nguyễn Bính quen nhất, trong khi Hàn Mặc Tử lại lạ nhất. Về sắc điệu trữ tình, một người là ‘thi sĩ của tình yêu’, một người là ‘thi sĩ của thương yêu’, còn người kia là ‘thi sĩ của đau thương’. Người này cầm cờ nhóm "Xuân Huy", người kia lĩnh xướng "dòng thơ quê", người còn lại cai trị "trường thơ loạn” [2].
Theo đó, có vẻ như Nguyễn Bính và Hàn Mặc Tử đối lập nhau, vì Nguyễn Bính tiêu biểu vì “quen nhất”, còn Hàn Mặc Tử độc đáo ở sự “lạ”. Tuy nhiên, sự “quen - lạ” ở đây chỉ là cách định danh theo kiểu tối giản cho dễ hiểu. Vì đánh giá Nguyễn Bính quen thuộc là xét ở bình diện tiếp nhận của người đọc, còn cái “lạ” của Hàn Mặc Tử chính là tư duy thơ độc đáo, là phong cách nghệ thuật của nhà thơ.
Nói về các đặc điểm riêng của Nguyễn Bính và Hàn Mặc Tử; mỗi người đều có những phát hiện và ý kiến bàn luận. Nếu Hàn Mặc Tử làm thơ trong khoảng 10 năm và nổi tiếng ở thời kỳ Thơ mới phát triển đỉnh cao là giai đoạn 1936 - 1939, thì con đường sáng tạo của Nguyễn Bính dài hơn. Tác giả Tương tư làm thơ khi mới 12, 13 tuổi và khẳng định vị trí quan trọng chủ yếu ở chặng đường thơ 1940 - 1945. Năm 1940, Hàn Mặc Tử từ giã cuộc đời về với Cõi Chúa trong đau đớn, bệnh tật, khi mới 28 tuổi. Nhà thơ “chân quê” Nguyễn Bính đi qua được mốc lịch sử 1945, viết tiếp nhiều bài thơ cho giai đoạn sau, nhưng cũng vội lìa bỏ cõi trần khi mới 48 tuổi (năm 1966). Tuy nhiên, xét xu thế vận động của nghệ thuật, nhiều người vẫn nhận định Trường Thơ Loạn (Bình Định) trong đó có Hàn Mặc Tử đã góp phần chính trong việc chuyển thơ Việt Nam từ lãng mạn sang khuynh hướng tượng trưng, siêu thực ở giai đoạn cuối của Thơ mới. Trong khi đó, Nguyễn Bính trước sau vẫn nằm trong khung lãng mạn thuần khiết của Thơ mới giai đoạn đầu.
Điều mọi người dễ đồng cảm là xếp Nguyễn Bính vào trường phái “chân quê”, vào nhóm các thi sĩ chuyên khai thác và ca ngợi cảnh điền viên thôn dã. Thơ Hàn Mặc Tử, ngược lại, càng lúc càng thâm nhập sâu vào thế giới siêu hình, với các biểu tượng trăng, hồn, máu đầy bi thương, ám ảnh. Thế nhưng xét từ nguồn gốc cảm hứng nghệ thuật, sự chi phối của văn hóa truyền thống, cách chọn đề tài hay hiện thực phản ánh; chưa hẳn hai nhà thơ đã khác nhau hoàn toàn.
Như vậy giữa hai đỉnh cao Thơ mới là Nguyễn Bính và Hàn Mặc Tử không phải là khoảng cách khác biệt, mà chính là sự tương đồng trong đời sống sáng tác và tư tưởng nghệ thuật. Đặt Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử trong từ trường Thơ mới, còn có thể phát hiện rằng những điểm khác biệt của hai tác giả cũng chính là những điểm tương đồng và ngược lại.
Khảo sát tập trung vào ba đề tài hai nhà thơ cùng quan tâm là: mùa xuân, thôn quê và sự ra đi (thời gian, không gian và di chuyển), có thể phát hiện ra nhiều điều thú vị mới từ tác phẩm của hai nhà thơ.
Thứ nhất là với đề tài mùa xuân. Nguyễn Bính nổi tiếng vì có nhiều bài thơ hay viết về Tết và mùa xuân như: Mưa xuân, Rượu xuân, Nhạc xuân, Thơ xuân, Xuân tha hương, Mùa xuân xanh, Xuân về... Còn nếu phải thống kê một chữ "xuân" trong thơ Nguyễn Bính e rằng con số này không nhỏ. Ngay trong bài Cô lái đò dù không được xếp vào mảng đề tài thơ xuân cũng có ít nhất là 6 chữ “xuân”. Đọc thơ Nguyễn Bính mới thấy nhà thơ đã từng tin yêu, khao khát ở cuộc đời biết bao. Con người hay mộng ước, dễ thất tình ấy đã được mấy mùa xuân như ý?
Mưa xuân được viết năm 1936. 40 câu thơ 7 chữ thể hiện câu chuyện tình yêu của một cô gái mới lớn rất duyên dáng, lôi cuốn. Yếu tố tự sự kết hợp dòng cảm xúc da diết đã làm gia tăng hiệu quả thuyết phục cho thi phẩm. Mưa xuân là bài thơ hay về mùa xuân của Nguyễn Bính. Xuân về, Thơ xuân là những bài thơ xuân đúng nghĩa nhất của Nguyễn Bính, là thơ Tết, thơ mong ước. Trong cảnh trăm hoa khoe sắc, vạn vật nức xuân tâm, lòng thơ của thi nhân cũng bồi hồi lai láng:
Lòng tôi như cánh hoa tiên ấy
Một áng thơ đề nét chẳng phai
(Thơ xuân)
Nhưng đến Rượu xuân, Nhạc xuân, Xuân tha hương... thì tâm tình xuân của Nguyễn Bính đã nhuốm vị chua cay. Đọc Rượu xuân có 8 câu nhưng thấy nhà thơ đa mang quá. Đã "cao tay nâng chén rượu hồng" mừng xuân, mừng  em đi "lấy chồng xuân nay", nhưng còn trách móc, hờn dỗi:
Em đi dệt mộng cùng người
Lẻ loi chỉ một góc trời riêng anh.
Nhạc xuân có câu cuối đẹp nhưng vô cùng ám ảnh về sự “còn - mất”:
Giờ đây chín vạn bông trời nở
Riêng có tình ta khép lại thôi.
Nhiều người vẫn nghĩ so với Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử ít viết về mùa xuân. Nhưng, thống kê trong các tập thơ của ông, chỉ tính các bài thơ có chữ Xuân và Tết cũng có khá nhiều, như: Ăn Tết, Ngày Tết xa nhà, Ngày xuân đi chơi đề thơ ở Chùa, Sớm mồng một Tết đi xe lửa ra Huế, Sầu xuân, Xuân hứng, Cưới xuân - cưới vợ, Xuân như ý, Xuân đầu tiên, Đêm xuân cầu nguyện... Trong các bài thơ xuân của Hàn Mặc Tử, bài Mùa xuân chín được đánh giá cao hơn cả. So sánh hai thi phẩm Mùa xuân xanh (Nguyễn Bính) và Mùa xuân chín (Hàn Mặc Tử) sẽ thấy rõ các điểm giống mà khác độc đáo của hai nhà thơ.
Mùa xuân của Nguyễn Bính được bao phủ trong màu xanh. Định nghĩa mùa xuân là mùa xanh cảm giác vẫn chưa đủ, nên thi sĩ phải thêm chữ “cả” nhấn mạnh, khẳng định. Tám câu thơ 7 chữ, câu nào cũng có màu xanh. Từ cảm giác choáng ngợp, ngất ngây trong sắc xanh bao la, không gian xuân được mở rộng từ cao xuống thấp (trời xanh -> lá xanh -> đồng lúa xanh -> cỏ xanh), từ gần đến xa, rồi xa lại gần (từ đồng tôi -> đồng nàng -> đồng quanh; từ tôi -> lũy tre làng -> dải thắt lưng xanh -> tôi). Trong con mắt nhìn yêu thương của tác giả Lỡ bước sang ngang ta thấy chan chứa một tình xuân, một niềm hy vọng thanh tân. Vậy nên câu thơ thứ 6 (Tôi đợi người yêu đến tự tình) là câu duy nhất trong bài không nhắc đến màu xanh nhưng chính màu xuân xanh lại bắt đầu từ đây, gây chú ý trong một chữ “đợi” giản dị.
Mùa xuân xanh của Nguyễn Bính là một mùa hy vọng. Nó bắt đầu bằng tâm trạng chờ đón tình xuân thật hạnh phúc - tha thiết và tin yêu. Điểm nhấn của bài thơ là hình ảnh “cái thắt lưng xanh” như một tín hiệu xuân phấp phới từ đằng xa - ở cuối bài.
Cũng viết về mùa xuân như Nguyễn Bính, cũng sử dụng các chất liệu quen thuộc như cỏ xanh, trời xanh, cô gái và tuổi xuân xanh; nhưng bức tranh xuân trong Mùa xuân chín của Hàn Mặc Tử tạo ấn tượng chủ yếu bằng cảm giác hơn là màu sắc. Nói như nhà phê bình Đỗ Lai Thúy: thơ Hàn Mặc Tử là sự hòa sắc của cả lãng mạn, tượng trưng và siêu thực, nhưng lại phảng phất phong vị Đường thi và một chút không khí Liêu trai [3]. Nhan đề hai bài thơ giống nhau, chỉ khác một chữ (tính từ): “xanh” và “chín”. Nhưng từ một chữ ấy hé mở ý đồ nghệ thuật của hai nhà thơ.
Nếu Mùa xuân xanh của Nguyễn Bính là bản hòa tấu nhiều cung bậc màu xanh (cao - thấp, xa - gần) và cảm xúc (yêu thích - say đắm - hồi hộp), thì Mùa xuân chín của Hàn Mặc Tử mở đầu và kết thúc bằng diễn trình của nắng (từ “làn nắng ửng khói mơ tan” buổi sáng đầu xuân đến “nắng chang chang” cuối xuân chuyển sang hạ). Mùa xuân chín của Hàn Mặc Tử không phải một trạng thái, mà là sự vận động, chuyển đổi của một quá trình. Bức tranh mùa xuân của hai tác giả ở phần đầu tương đối giống nhau: một bên là đồng quê tươi xanh, một bên là làng quê đầm ấm. Nhưng nếu màu xanh trong thơ Nguyễn Bính thân quen và tất yếu, thì trong thơ Hàn Mặc Tử cái thực và cái ảo luôn chồng lấn, biến đổi. Mở đầu bài thơ Mùa xuân chín là khung nền màu nắng ửng hồng huyền ảo của một buổi mai xuân khi sương khói vừa tan, có những mái nhà tranh màu vàng đậm nhạt điểm xuyết “lấm tấm”. Hai câu đầu rất cổ điển nhưng đến câu thơ thứ ba đã hiện đại, nhất là chữ “trêu” tinh nghịch đặt giữa câu (Sột soạt gió trêu tà áo biếc). Cảm giác ngượng nghiụ, hồi hộp khi chờ đón tin xuân. Mùa xuân đang đến, đang đến... Dấu chấm đột ngột mà rụt rè giữa câu thơ thứ tư tựa như dấu chân mùa xuân đang đến: im lặng mà âm vang! Mùa xuân quen thuộc mà lạ đến ngỡ ngàng. Xuân in bóng trên giàn thiên lý: bất ngờ, lộng lẫy. Chữ  “bóng” hư ảo đứng cạnh, khiến chữ “xuân” rất thực thành khoảnh khắc nhiệm màu, kỳ diệu của tâm linh. Còn nghe âm vang xao xuyến đâu đây lời thơ Hàn Mặc Tử trong Xuân như ý :
Chàng ơi! Chàng ơi! Sự lạ đêm qua
Mùa xuân đến mà không ai biết cả!?
Tình xuân e ấp như cô gái quê đang độ xuân thì. Đến đây cảm xúc đã ngân lên thành giai điệu:
Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời,
Bao cô thôn nữ hát trên đồi.
Từ “cỏ non” trong Truyện Kiều của Nguyễn Du đến “cỏ” trong Thơ mới và trong thơ đương đại là những đường xanh kết nối thú vị trong trường liên tưởng thi ca. Trong Mùa xuân xanh, cỏ bình yên, đợi chờ, hy vọng (cỏ nằm trên mộ đợi thanh minh). Trong Mùa xuân chín, là sóng cỏ: cuồn cuộn, nhấp nhô, uốn lượn. Cỏ không bình yên! Tiếng hát như hương xuân dâng tràn, quấn quít, lan tỏa trong không gian. Cỏ thật không là cỏ, bài ca chẳng phải bài ca và mùa xuân là tất cả những gì trong trẻo, nên thơ, quyến rũ nhất của đất trời vạn vật kết tinh, tụ hội nên. Trái xuân chín tới, hương vị xuân ngọt ngào, đắm đuối, nhưng bên trong đã có chút dự cảm xót xa. Thi sĩ nào cũng quá nhạy cảm với số phận ngắn ngủi của cái Đẹp.
Không hốt hoảng như Xuân Diệu:
Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua
Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già
(Vội vàng)                                          
nhưng thời gian cũng làm nhà thơ khắc khoải. Những đoạn liên tưởng hết sức ngẫu nhiên đan xen (Ngày mai trong đám xuân xanh ấy.../ Chị ấy năm này còn...) làm tình xuân đột nhiên sâu lắng xuống và tứ thơ dường như được khơi gợi từ đây. Ngày mai mùa xuân sẽ không còn nữa, những cô gái đẹp cũng sẽ phai nhạt tuổi xuân. Khúc du xuân cũng là khúc chia ly - chia ly tuổi xuân xanh. Dành tới cả một đoạn thơ 4 câu để miêu tả tiếng hát, nhà thơ như muốn níu kéo, giữ lại một cái vô hình đang tan biến: âm thanh của tình yêu, của mùa xuân. Chút tình quê tha thiết làm nên sự thiên vị đó. Tuổi xuân của các cô gái quê mình ngắn ngủi biết bao. Mới đây còn e thẹn ngại ngùng khi mặc áo mới đón xuân, giờ đã sắp giã từ tuổi xuân đi theo chồng. Dòng hồi ức quay về quá khứ, nhưng thời gian vẫn đang chảy tới tương lai. Ngày mai của các cô gái sẽ là chị ấy hôm nay? Và nét đẹp xuân thì, tươi non hôm nay chính là hình bóng “chị ấy” hôm qua?
Kết thúc bài thơ Mùa xuân xanh là chi tiết cái “thắt lưng xanh” tượng trưng cho vẻ đẹp thanh xuân, cho hội ngộ yêu thương. Kết thúc bài thơ Mùa xuân chín cũng nói về người phụ nữ, người chị tần tảo, nhưng là câu hỏi; không phải để hỏi mà như đang tự vấn trong ký ức ngậm ngùi. Chữ "khách xa" giống với "khách đường xa, khách đường xa" trong Đây thôn Vỹ Dạ. Có lẽ 28 năm của cuộc đời ngắn ngủi, đau đớn, Hàn Mặc Tử vẫn nghĩ mình là khách, là hành nhân, đi tìm một mùa xuân vĩnh cửu, không chói chang trắng xóa bờ bãi cô đơn, không nhức nhối đau thương.
Nếu Mùa xuân chín có cấu trúc phức hợp, tạo sự vận động dưới bề mặt tĩnh, tạo sự đan xen của hai yếu tố thực và ảo, thì Mùa xuân xanh của Nguyễn Bính có cách sắp xếp giản dị nhưng chặt chẽ, linh hoạt dựa vào điểm nhìn của nhân vật trữ tình. Bài thơ chỉ có 2 khổ, khổ đầu tả sắc xuân, khổ thứ hai tả tình xuân. Câu thơ “Cỏ nằm trên mộ đợi thanh minh” nằm ở vị trí giữa bài thơ, như vô tình mà ám ảnh khôn nguôi! Trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, chẳng phải số phận nhân vật chính Thúy Kiều cũng bắt đầu từ ngôi mộ nàng Đạm Tiên trong tiết Thanh Minh đó sao? Bài thơ không nhắc đến sự vận động của thời gian và nhiều người đọc ngộ nhận bức tranh xuân của Nguyễn Bính vô cùng tĩnh lặng. Nhưng chữ “đợi” lặp lại hai lần trong bài thơ thể hiện trạng thái âu lo và những dự cảm bất an được giấu kín bên trong câu chữ. Sự vượt trội của Nguyễn Bính chính là ở chỗ này, bên trong cái giản dị, dễ hiểu luôn hàm chứa chiều sâu của thân phận con người và nỗi cô đơn ám ảnh. Sức gợi từ câu thơ thứ 5 trong bài cũng giống như hai đoạn liên tưởng trong bài thơ Mùa xuân chín.
Như vậy, Nguyễn Bính cũng như Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu và các nhà Thơ mới nói chung, đều là những người nhạy cảm với bước đi của thời gian. Đây cũng là chỗ mâu thuẫn, khác biệt giữa truyền thống phương Đông và văn minh Phương Tây. Trong cơn va chạm đó, nếu Xuân Diệu “vội vàng” gia tăng cả tốc độ và cường độ chạy cho kịp với thời gian, thì Hàn Mặc Tử tìm kiếm sự phi thường vượt ra khỏi cái giới hạn bình thường của thời gian. Với Nguyễn Bính, nhiều người vẫn nghĩ ông tìm về thời gian quá khứ và làng quê làm cứu cánh, chỗ dựa. Nhưng tác phẩm Mùa xuân xanh trả lời rằng một mùa xanh miên man là hình ảnh trong mơ ước, còn thực tế con người hiện đại của nhà thơ vẫn chờ đợi một tình yêu đích thực với cuộc sống thực.
Thứ hai, Nguyễn Bính là nhà thơ viết nhiều và viết hay về đồng quê, nếp cũ, đến mức tên nhà thơ đóng đinh với đề tài này. Nhưng, thực tế cả Nguyễn Bính và Hàn Mặc Tử đều quay về quê kiểng, cội nguồn bằng tâm hồn của người Việt trong cơn chuyển dịch đô thị hóa diễn ra vào những thập niên đầu thế kỷ XX. Chỉ cần mở tập Tâm hồn tôi (1940) của Nguyễn Bính là đã thấy hầu hết các bài thơ trong đó khai thác vẻ đẹp của làng cảnh, nếp sinh hoạt nông thôn như: Bến sông, Cây bàng cuối thu, Chân quê, Chờ nhau, Chùa vắng, Giấc mơ anh lái đò, Hoa cỏ may, Người hàng xóm, Qua nhà, Thư gửi thầy mẹ, Thi vị, Xuân về,... Hàn Mặc Tử trong tập Gái quê cũng có nhiều bài thơ hay, chân chất về tình quê, tình làng như: Tình quê, Gái quê, Lòng quê, Duyên muộn, Đời phiêu lãng, Một đêm nói chuyện với gái quê,... Điều thú vị là trong khi Nguyễn Bính vẽ nên nhưng câu chuyện đời sống điền viên đậm màu cổ tích, đẹp lãng mạn và thi vị; thì Hàn Mặc Tử bao giờ cũng mô tả thật và thường xen trong đó những suy tư, liên tưởng về số phận người nông dân. Bài Tình quê là một trong những bài thơ hay, được nhiều biết của Hàn Mặc Tử. Bài thơ thể 5 chữ, tiết tấu linh hoạt, lời thơ trong sáng, cảm xúc lãng mạn:
Trước sân anh thơ thẩn.
Đăm đăm trông nhạn về;
Mây chiều còn phiêu bạt
Lang thang trên đồi quê
nhưng xen trong thơ bài còn có những câu thơ gợi nhớ về nỗi buồn khổ, hay tâm sự đau thương của con người, như:
Tiếng buồn trong sương đục
Tiếng hờn trong lũy tre...
Và:
Với ngày xuân hờ hững
Cố quên tình phu thê...
Trong bài Lòng quê cũng có những câu da diết nỗi niềm:
Không biết ở thôn quê
Em có gầy như liễu
Hay buồn như đám mây....
Cảm xúc của nhà thơ dành cho người phụ nữ, người chị, người em gái quê luôn xuất phát từ lòng yêu thương, sự thấu hiểu chân thành. Bài Duyên muộn của Hàn Mặc Tử khiến người đọc liên tưởng đến hình ảnh người chị quê tần tảo trong truyện ngắn của Thạch Lam, Thanh Tịnh giai đoạn trước 1945:
Người nói duyên em đã muộn màng
Bởi vì nghèo khó chẳng xênh xang
Nhưng xuân em chín từ năm ngoái
Há phải vì em áo nối quàng.
Suy cho cùng, tình yêu quê hương, nguồn cội cũng chính là tình đất nước, tình dân tộc. Theo lý giải của nhà nghiên cứu Hoàng Thị Huế trong Thơ mới: Nhìn từ quan hệ văn hóa - văn học [4], các nhà Thơ mới trong đó có Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử đã xuất phát từ cảm quan văn hóa dân tộc, kết hợp với tư tưởng mới của phương Tây, phát hiện ra thiên nhiên, đất nước với những vẻ đẹp, màu sắc mới. Nếu Hàn Mặc Tử bộc lộ tình thương yêu những người nghèo khó, thân phận bi thảm, thì Nguyễn Bính khách quan hơn. Thơ ông vẽ nên cảnh trầu - cau, bến - thuyền, anh lái đò, cô gái dệt lụa, ươm tơ vàng óng, giậu mồng tơi, cánh đồng xanh, cái yếm đào, hội chùa... thanh bình, hạnh phúc, bằng màu sắc hiện đại, bằng cái nhìn thú vị, mới mẻ. Đối với bài Tương tư, nhiều người thường chỉ phân tích thôn Đoài, thôn Đông, lá xanh - lá vàng - đầu đình - đò giang, đến đường làng - hàng cau - vườn trầu và bướm hoa..; mà quên mất tâm trạng “chín nhớ mười mong” của kẻ tương tư. Bài Chân quê cũng vậy. Vấn đề không phải là chuyện cái áo hay trang phục bề ngoài của cô gái. Qua thể hiện của nhà thơ, người đọc thường bênh vực cho truyền thống và thói quen, cho rằng “cái áo tứ thân, cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen” là đẹp và hợp với cô gái quê hơn cả. Nhưng ai cũng hiểu “khăn nhung, quần lĩnh, áo cài khuy bấm” mới là hiện đại, tân thời. Mà thường cái gì mới cũng có sức hấp dẫn, lôi kéo. Tội lỗi là do cô gái đã “vượt biên” ra khỏi lũy tre làng, thay đổi môi trường sống nên suy nghĩ, tư tưởng cũng thay đổi. Cái áo mặc ngoài có thể thay dễ dàng, còn tâm hồn con người bên trong khi đã khác (Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều), thì sự mất mát sẽ là tất yếu. Thi phẩm Chân quê độc đáo ở chỗ nó vẽ nên một bức tranh quê rất êm đềm, thi vị, có con đê đầu làng, có nàng thôn nữ, có lễ chùa, có “hoa chanh nở giữa vườn chanh”, có gia đình đầm ấm với “thầy u”- con trẻ và có tình yêu bộc lộ kín đáo, ý nhị. Đằng sau tấm hình đẹp thấm đẫm hồn quê ấy, không thể không nhận ra sự thay đổi tất yếu của thời đại, của con người. Nguyễn Bính cũng như Vũ Đình Liên với Ông đồ đã bày tỏ nỗi e ngại trước những xáo trộn do tác động của quá trình đô thị hóa, do ảnh hưởng của văn minh phương Tây. Nguyễn Bính giống Đoàn Văn Cừ, Bàng Bá Lân, Anh Thơ ở ý thức lưu giữ các giá trị văn hóa dân tộc; nhưng khác nhiều người ở chỗ miền quê không chỉ là hiện thực (hay hiện thực của quá khứ) mà nó được nuôi dưỡng trong chính tâm hồn ông. Nhà thơ không “đi tìm thời gian đã mất” vì ông luôn có nó, dùng nó để cắt nghĩa thực tại.
Đề tài quê hương hay làng quê có tính truyền thống trong văn chương xưa nay. Cả Nguyễn Bính và Hàn Mặc Tử đều quan tâm đến đề tài này. Nhưng có vẻ như Hàn Măc Tử thiên về tả thực hơn cả Nguyễn Bính. Trong bài Đây thôn Vỹ Dạ, ở khổ thơ đầu, cảnh vườn Vỹ Dạ được tả rất thực, từ không gian, thời gian, màu sắc, đường nét và cả địa điểm cũng được xác định cụ thể. Bài thơ độc đáo ở chỗ tư duy thơ vận động rất nhanh từ cái rất thực đến cái siêu thực. Nguyễn Bính ngược lại, ông chọn chốn quê bình yên, như cách bù trừ cho tâm trạng cô đơn, xáo động khi dấn thân giang hồ và bị lạc lõng nơi đô thị. Giống như Vũ Bằng viết Thương nhớ mười hai trong áp lực nhớ thương đất Bắc khôn nguôi và nỗi đau đất nước bị chia cắt; Nguyễn Bính cũng viết về miền quê, chốn cũ khi đã từ bỏ “vườn cam, mái gianh”, đã trót “dan díu với kinh thành”. Đề tài “Chân quê” là cách lựa chọn khôn ngoan đúng sở trường của nhà thơ, để không bị trộn lẫn với rất nhiều giọng điệu khác trong dàn hợp xướng Thơ mới. Trong khi Hàn Mặc Tử có khi còn kêu gọi “Sao anh không về chơi thôn Vỹ?”, Nguyễn Bính dù luôn đắm đuối với đời sống thôn quê thi vị, vẫn thể hiện cái nhìn tỉnh táo từ thực tại:
Quê nhà xa lắc xa lơ đó
Ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay
(Hành phương Nam)
Hay xót xa tự hỏi:
Trăng đầy ngõ, gió đầy thôn
Anh về quê cũ có buồn không anh?
(Anh về quê cũ)
Có thể khẳng định rằng không phải cứ viết trong thơ: đồng ruộng, cây đa, con đò, trầu cau... là thành quê, thành chân chất, mộc mạc. Nguyễn Bính là nhà thơ thể hiện thành công nhất đề tài làng quê, nhưng đó còn là cái cớ, là phương tiện để nhà thơ bộc lộ cảm xúc, khám phá cái tôi, con người cá nhân của thời đại mới. Bên trong hình ảnh đồng quê thi vị là nỗi sầu đô thị của thi nhân. Vây nên, thơ Nguyễn Bính và Hàn Mặc Tử đều có chung tâm trạng mâu thuẫn là vừa tha thiết gắn bó với quê hương, vừa có cảm giác cô đơn, xa cách với chính quê hương mình.
Thứ ba, cả Nguyễn Bính và Hàn Mặc Tử đều thể hiện việc đi đó, đi đây, sự dịch chuyển, nhưng với thơ Nguyễn Bính đây là đặc tính. Nguyễn Bính được mệnh danh là “kẻ nghiện sông hồ”, là nhà thơ của nỗi buồn tha hương, ly hương. Ca ngợi đời sống bình yên thôn dã, song trong nhiều tác phẩm Nguyễn Bính là dày đặt những địa danh, những chuyến đi từ Nam tới Bắc có thực. Nhà thơ viết như ghi chép lộ trình cụ thể:
Chúng tôi hai đứa xa Hà Nội
Bốn tháng hình như kém mấy ngày
Lăn lóc có dư mười mấy tỉnh
Để rồi nằm mốc ở nơi đây
(Giời mưa ở Huế)
Tuy không gọi chuyện lên đường là để “thay đổi thực đơn cho giác quan” như Nguyễn Tuân, nhưng Nguyễn Bính cũng thích sự trải nghiệm và khám phá cái mới. Có khi từ Bắc nhân vật trôi dạt trời Nam (Hành phương Nam), có khi Tết đến mà nương náu tận miền biên cương heo hút (Tết biên thùy):
Ngồi xếp bằng tròn trong ải lạnh
Nửa đêm trừ tịch bỗng dưng sầu
(Tết biên thùy)
Cảm giác lạc lõng, nhớ nhà, nhớ người thân cũng đầy dư vị:
Chén rượu tha hương, trời: Đắng lắm!
Trăm hờn, nghìn giận một mùa đông
Chiều nay ngồi ngắm hoàng hôn xuống
Nhớ chị làm sao, nhớ lạ lùng
(Xuân tha hương)
Bài thơ Chú rể là anh là bài thơ vui, tả nhân vật là người thích ngao du, vẫy vùng:
Xưa anh là kẻ nghiện sông hồ
Đây đó lan dài gót lãng du
Về chẳng có kỳ, đi chẳng hẹn
Như  mây mùa thu, lá mùa thu...
Trong thơ Nguyễn Bính, các nhân vật, sự vật đều rộn ràng đi - về với nhiều lý do và không có lý do. Trong Mưa xuân, cô gái náo nức đi xem hội và buồn bã, thất vọng quay về - một dải đê mà khi thấy gần, khi thấy đi rất xa! Trong Chân quê, là chuyện bỏ quê lên thành phố và khi quay về, từ đầu làng đã làm người yêu hoang mang vì ăn mặc đổi khác. Trong Hoa và Rượu là chuyện người con trai đam mê giang hồ bỏ quê, bỏ mối tình thời thơ ấu. Đến cả chiếc lá cũng bay lìa cành, cả đàn kiến cũng xôn xao trên thêm cũ, cả trên trời cũng “tha hồ mây trắng bay”... Có lẽ sự vận động biến đổi nhanh chóng của thời đại mới và quá trình đô thị hóa, đã khiến các nhà Thơ mới tích cực dấn thân, có nhu cầu tìm kiếm cái mới. Nhưng điều kiện xã hội, môi trường sống không làm họ thỏa mãn, nên họ dễ hy vọng và cũng thường thất vọng. Bên trong thái độ tự giễu cợt mình, có khi là nỗi đau bất đắc chí:
Hỡi người đi gió về mưa
Có xây dựng nổi cơ đồ gì không?
Đã đành nhớ núi thương sông
Nằm đây xa cách muôn trùng ải quan
(Nam Kỳ cũng gió và mưa)
Cũng như Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử thường nhắc các địa danh như: Đà Lạt, Phan Thiết, Huế, Sông Hương, Vỹ Dạ,.. Thi sĩ hay nói chuyện đi, chuyện “xê dịch”, nhưng mục tiêu đi hay đích đến bao giờ cũng mơ hồ, khó xác định. Câu thơ thể hiện quan niệm thơ Hàn Mặc Tử rõ nhất là:
Đi đi... đi mãi nơi vô định
Tìm cái phi thường, cái ước mơ
(Đời phiêu lãng)
Nhà thơ thường lặp đi lặp lại những từ “khách”, “khách đường xa” và cũng hay nói về mất mát, chia ly:
Ta là khách bơ vơ phàm tục
Nhớ cầm trăng cung bậc tiêu tao
Không ai trang điểm má đào
Cho ta say chết đêm nào đêm nay.
(Say chết đêm nay)
Họ đã xa rồi khôn níu lại,
Lòng thương chưa đã, mến chưa bưa...
Người đi, một nửa hồn tôi mất,
Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ
(Những giọt lệ)
Nhớ khi xưa ta là chim Phượng Hoàng
Vỗ cánh bay chín tầng trời cao ngất
Bay từ Dao Ly đến trời Đâu Suất; [...]
Sao tan tành rơi xuống vũng chiêm bao
Trăng tan tành rơi xuống một cù lao
(Phan Thiết, Phan Thiết)
Nhạy cảm về cuộc đời ngắn ngủi khiến thơ Hàn Mặc Tử thường vẽ nên chuyến đi đến tương lai buồn và cô đơn:
Một mai kia ở bên khe nước ngọc
Với sao sương, anh nằm chết như trăng
Không tìm thấy Nàng Tiên mô đến khóc 
Đến hôn anh và rửa vết thương tâm
(Duyên kỳ ngộ)
Tôi vẫn còn đây hay ở đâu
Ai đem tôi bỏ dưới trời sâu
Sao bông phượng nở trong màu huyết
Nhỏ xuống lòng tôi những giọt châu”
(Những giọt lệ)
Trong khi Nguyễn Bính mang thân phận “con chim lìa đàn”, thì Hàn Mặc Tử là ngôi sao cô đơn bay vụt qua bầu trời huyền bí. Họ cùng ở trong bầu trời Thơ mới, mộng ước giống nhau, nhưng đường đi khác nhau. Nguyễn Bính trong thơ và trong đời thực đều đi xa nhiều chuyến, trải nghiệm nỗi ly hương, nhớ nhà nhiều lần, khát khao tìm kiếm cái mới và thất vọng cũng không ít. Nhưng Hàn Mặc Tử phần lớn là phiêu lưu trong mộng ảo. Nhà thơ hướng đến thế giới siêu hình và sự giải thoát thân xác ra khỏi những giới hạn khổ đau của hiện thực.
3. Nguyễn Bính và Hàn Mặc Tử là những đỉnh cao của Thơ mới. Họ không tách biệt mà gặp nhau ở tài năng. Họ vượt trội so với nhiều nhà thơ cùng thời cũng nhờ tài năng. Xét từ phương diện tiếp nhận văn học, thơ Nguyễn Bính và thơ Hàn Mặc Tử không phải khác nhau ở đề tài hay nội dung viết về cái gì, mà quan trọng hơn là viết hay về cái gì và cách biểu hiện cảm xúc chân thực, lôi cuốn người đọc.
Lý giải về sức sống mãnh liệt và sự lan tỏa của thơ Nguyễn Bính không thể nghĩ đơn giản là Nguyễn Bính viết giống ca dao, nên dễ đọc, dễ thuộc. Hơn nửa thế kỷ đã đi qua từ khi nhà thơ từ bỏ cuộc đời, nhưng thơ ông vẫn tiếp nối sự sống cho ông và sẽ còn sống lâu hơn nữa. Một điều cần chú ý và cần khẳng định là tính giải trí rất cao đi kèm với các giá trị lớn khác trong thơ Nguyễn Bính.
Nguyễn Bính nói về tình yêu rất tự nhiên mà duyên dáng, kiểu như:
Giá đừng có dậu mồng tơi/ Thế nào tôi cũng sang chơi nhà nàng (Cô hàng xóm)
hay nói đến tâm sự thất tình đau khổ mà vẫn rất sang trọng, phóng khoáng và sâu sắc:
Chiều nay, thương nhớ nhất chiều nay/ Thoáng bóng em trong cốc rượu đầy/ Tôi uống cả em và uống cả.../ Một trời quan tái mấy cho say” (Một trời quan tái)
Thơ Nguyễn Bính không cần gọt tỉa kỳ khu, không triết lý nặng nề, không có nhiều ẩn dụ, biểu tượng, nhưng không hời hợt, nông cạn. Ông đem đến cho người đọc sự chia sẻ, sự đồng cảm và hơn hết là niềm vui vì được hưởng thụ chữ nghĩa, sự thõa mãn về nhu cầu cảm xúc cá nhân.
Chú thích:
[1] Hoài Thanh, Hoài Chân: Thi nhân Việt Nam. Nxb. Văn học (tái bản theo bản in đầu 1942 của Nguyễn Đức Phiên); H, 1988; mục “Nguyễn Bính” từ trang 343 đến 350; tr.343 ghi Nguyễn Bính sinh năm 1919?
[2] Chu Văn Sơn: Ba đỉnh cao Thơ mới (Xuân Diệu - Nguyễn Bính - Hàn Mặc Tử). Nxb. Giáo dục, H., 2003 (trích “Lời mở đầu sách).
[3] Đỗ Lai Thúy: Con mắt thơ. Nxb. Lao Động, H., 1994, tr.149.
[4] Hoàng Thị Huế: Thơ mới: Nhìn từ quan hệ văn hóa - văn học. Nxb. Hội Nhà văn, H., 2014, tr.217-247.
6/8/2018
Nguyễn Thị Thu Trang
Nguồn: Trăm năm Nguyễn Bính, Truyền thống và Hiện đại. Nhiều tác giả. 
Hội thảo khoa học về Nguyễn Bính do Viện Văn học và Trường Đại học 
Văn Lang tổ chức. NXB Hội Nhà văn, 7-2018
Theo https://trieuxuan.info/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2 MƯỜI SÁU Trên mênh mông vùng đồi xứ Ai Len Tôi được Ban lãnh đạo khu sáng tác mang tên nh...