Thứ Năm, 26 tháng 12, 2019

Da thịt của núi rừng

Da thịt của núi rừng
Cái năm ấy tôi gầy xanh và ho, những cơn ho rạc rài. Gió mùa từ trong núi thổi ra cũng gày rộc. Mùa đông hanh khô trên non cao, gió đói mùi hoa, đói mùi quả đã đành, gió đói cả mùi cỏ dại. Sương muối giết dần cỏ bằng những đêm trăng mờ đục như mắt người già.
Ho thế, ốm nhách thế, tôi vẫn phải leo dốc theo cha hàng ngày. Leo đến tức ngực thì tôi bật ra những câu hỏi: “Trời ăn gì mà xanh thế?”, “Ăn tiếng chim hót”, “Chim ăn gì mà hót?”, “Chim uống nước suối”, “Suối uống gì mà trong thế?”, “Suối uống rừng”… Con hỏi với một bước chân, cha đáp bằng một bước chân, mãi chưa hết dốc. Đến đấy, cha tôi trỏ tay nói lảng:
– Con nhìn kìa, chỗ mới bị sạt vì trận lũ hôm qua ấy là vết thương của rừng, như vết gai cào chân con.
Từ hôm ấy, tôi nghĩ núi rừng có da có thịt.
Tháng Giêng, mưa xuân về, đất như chiếc bánh giầy khô được thả vào chảo mỡ bắt đầu nưng nức. Mẹ già tóc bạc như lau, gậm gậm bàn chân bè bè - cả một đời không đi giày, đi dép, đủ cảm nhận hết mọi cung đường khổ ải - nhoẻn cười quay lại bảo con cháu: “Đất này như đứa con gái phổng phao rồi, hơ hớ rồi, gieo cây sinh nở được rồi”. Rồi mẹ cứ thế nói chuyện với đất khi tra những hạt ngô giống xuống các hốc. Chẳng phải bàn, mấy bữa sau ngô lên xanh non. Lúa nương, cây bông lục tục mọc lên. Trong khi, những loài cỏ, cây dại ở đâu ngoi lên, núi rừng như con thú mạnh khỏe và có bộ lông rậm rạp. Cứ thế, bốn mùa qua đi như phép thử, dù mưa nắng khắc nghiệt đến chừng nào, núi rừng vẫn chứng minh được cái bản năng phải sinh tồn, mời gọi mùa màng trong cuộc giao hoan kì lạ.
Một dạo, người trong xóm núi của tôi xoay ra nhiều nghề lạ. Những quả núi như con chim rừng bị bắt vào lồng hoảng loạn lao đầu vào nan lồng đến toét đầu, chảy máu. Núi lở lói, mưa nắng vài năm vẫn không che phủ được phần xót đau ấy. Hết đá, đến đất. Đi qua nghe phong thanh người ta bàn: “vục đất lên mà ăn”, người già tưởng nói bóng gió.
Một ngày, rừng cạn dần bóng xanh, suối đói, thưa tiếng chim, da trời xanh ngằn ngặt gắt gay chứ không còn dịu dàng. Người ta bắt đầu chia đất ra các món như đụng lợn ngày tết ở đồng bằng. Đất nào về bán cho người trồng hoa trong chậu cảnh của nhà cao tầng. Hoa mọc trong chậu với búi rễ bò loanh quanh nên sắc hương cũng thất thường, có lẽ mùa màng nhớ đất rừng mỗi độ xuân về. Loại đất rẻ rúm nhất được đổ vào lấp móng nhà, làm đường. Đất “tan đàn xẻ nghé”, mẹ già đứng ở đầu sàn ngóng người ta chở đất xuôi dốc về phố huyện. “Đất đi hết rồi”, da thịt như bị dao cắt bởi những ngôi nhà. Những quả đồi mất chân móng dần sụt lở trong mùa mưa, đất như mặt người bị gấu vồ sần sùi đến sợ.
Dị tật ấy sẽ không bao giờ lành, người xóm tôi biết thế. Những miếng ăn gấp gáp vội vã từ rừng rồi cũng nghẹn tắc ở cổ. Người trẻ trắng mắt rồi đói vàng mắt. Người già lặng thinh như ngày không gió. Đất như người đàn bà đã dạn dĩ mỗi độ xuân về. Không ai bỏ hạt ngô giống, cây dại cũng đi đâu hết cả. Nghe ai đó bảo, ở nơi khác người ta trồng tam giác mạch, trồng hoa mào gà để làm giàu bằng hoa, làm đẹp, làm sang bằng hoa. Bắt đầu chán các loại hoa cảnh cầu kì, một bộ phận hoài cổ quay về hoang dại, tìm bình an trong thảo mộc…
Đất nhọc nhằn rồi cũng đến lúc mất giá bị bỏ rơi. Mưa xuân về, cỏ lại mọc lên dữ dằn, gai góc hơn. Tôi bỏ giày lại bước trên gai, được cái vết xước rỏ máu mà sao thấy lòng tha thiết thế, rưng rưng thế. Chỗ mấy hòn đá kia là mộ mẹ già. Mộ mẹ già đắp lên da thịt đất đai như cái nắm thuốc cả đời bà đắp cho người trong vùng khỏi bệnh. Người ta thường hỏi thuốc của bà làm từ thứ lá gì thì bà không nói. Có nói người ta cũng không hiểu, có hiểu cũng có làm được đâu, dám làm đâu? Lành vết đau rồi, cứ thế núi rừng lại có da có thịt, háo hức đón mưa về…
2/11/2019
Bùi Việt Phương
Theo http://vannghethainguyen.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2 MƯỜI SÁU Trên mênh mông vùng đồi xứ Ai Len Tôi được Ban lãnh đạo khu sáng tác mang tên nh...