Người đàn bà trên cỏ
(Giới thiệu tập thơ Lời cỏ hát của
Trần Thu Hà, Nxb Hội Nhà
văn, 2018)
Một chiều không buồn không vui, có một người đàn bà đi lang thang trên những
cánh đồng quê để thả hồn phiêu du giữa đất trời hoa cỏ. Người bắt gặp những
ngút ngàn cỏ xanh. Ừ thì gặp cỏ trên đồng. Tất nhiên! Và người thử buộc hồn mình
vào kiếp cỏ âm thầm xem thử, bỗng nghe rộn giữa lòng khúc hát của một kẻ lang
thang: Tôi buộc hồn tôi vào cỏ - Cỏ hoang hát khúc không nhà (Tôi và cỏ).
Nhưng cỏ thì muôn trùng thân cỏ, người đàn bà đã chọn cho mình khúc hát cỏ may.
Bay bay về trời cao rộng lại vương vương ghim nhớ ghim thương những cuộc tình trần: Ngày
gió lên em thả cánh diều - Mang thương nhớ gửi bầu trời cao rộng - Có đóa cỏ
may bất ngờ nghiêng cánh mỏng - Theo diều bay về phía mặt trời lên (Lời cỏ
may). Tiện tay, người bứt một nhánh cỏ cầm tay, đặt trên môi nhấm nháp. Hăng
hăng, nồng nồng, thơm thơm, mằn mặn...
Có một bận, người đàn bà vướng cỏ may, để từng cọng cỏ ghim
vào hồn những cánh buồn lặng. Cỏ hờn không đón gió vì nắng đã đi hoang. Những
cánh cỏ may cần say nắng để sống với ruộng đồng, nhưng chiều ấy, nắng đã đi
hoang, gió muốn thế chân nắng chiều, nhưng người không muốn, bởi cơn mưa bất chợt
đã kéo về: Có một bận cỏ may không đón gió - Xếp cánh buồn lặng lẽ dưới mưa
giăng - Nắng đi hoang xao xác tận cung Hằng - Cuội trốn biệt gốc đa già cô quạnh (Có
một bận). Mưa tự nhiên trên đồng cỏ vắng hay mưa thấm buốt lòng người vì nắng
đã hoang di? Ôi! Cung Hằng xao xác, Cuội nhớ trần gian đã bỏ về với đàn trâu,
chỉ gốc đa già cô đơn khiến cả không gian vô hạn lượng từ đất đến trời trống
hoang một cõi…
Là đàn bà ai chẳng muốn bình yên với cuộc đời mình. Người đàn bà trên đồng cỏ
kia cũng thế. Một nụ cười rạng rỡ, một sớm mai tỉnh giấc giữa an lành, những nụ
hồng chớm nở lấp lánh cười trong e ấp sương đêm: Bình yên đến từ nụ cười rạng rỡ
- Mỗi sớm mai thức dậy giữa an lành - Em lặng ngắm những nụ hồng chớm nở - Mỗi
cánh mềm còn đọng hạt sương đêm (Bình yên). Người đàn bà trên cỏ cũng đầy ắp
khát khao. Tự chống lại sự tàn phá của thời gian bằng ước mơ kéo hồn mình về với
thời bé dại. Cứ mỗi lần khát khao là mỗi lần thấy mình trẻ lại và tự nói với
mình: Nhớ nghe em ta không có tuổi chiều - Chỉ có tuổi ban mai ngày rực rỡ.
Niềm khát khao quá lớn mà trẻ con thì lại quá ngây ngô. Mâu thuẫn ấy tự đẩy người
đàn bà về phía bi kịch, thấy mình như kẻ hoang tình vô phương định: Sau
khao khát ta hóa thành đứa trẻ - Sau ngây ngô ta như kẻ hoang tình (Em). Và
vì thế, người đàn bà trên cỏ cứ mải một đời đi tìm lấy chính mình. Mình tìm
mình mà mình chẳng thấy mình. Bi kịch tâm hồn đã đến:
Tôi tìm tôi giữa cơn mơ
Một bi kịch vinh hạnh - Một bi kịch cứu chuộc tâm hồn: Bi kịch
của Thơ!
Là một cô giáo Văn dạy chuyên Văn Trường THPT chuyên Lê Khiết
yêu nghề và được học trò quý mến,vậy mà Thu Hà vẫn cứ mải mê đi tìm lấy chính
mình để gặp phải bi kịch thơ ca hỏi có lạ đời không kia chứ!
Thì thắc mắc làm gì hổng biết! Có lạ đời mới có thơ. Xưa nay
thơ đâu có đồng hành cùng sự cam chịu lẽ sống thường nhật quen quen công thức ấy
bao giờ! Bất cứ một sự quẫy đạp tâm hồn nào để bung nổ thành thơ cũng đều xuất
phát từ nỗi khát khao và mâu thuẫn tự chính lòng mình (mâu thuẫn nội tâm tự tại
của chủ thể thơ) và mâu thuẫn giữa hồn thơ với hiện thực khách quan, buộc mình
phải cất lên thành tiếng (mâu thuẫn tự khách thể dội về).
Không biết có phải do bị ám thị không, mà thú thật, khi đọc
thơ Trần Thu Hà, ít nhất là trong tập thơ này, tôi cứ thấy hiển hiện lên trong
đầu mình cái ánh mắt trong veo và nụ cười tươi của chính người đàn bà trên cỏ ấy.
Nó hồn nhiên, tươi tắn, không vướng vít quá nhiều tâm trạng của những nhà thơ nữ
- thông thường là... rất đa đoan đang tự quằn quại mình trong một trần ai đương
đại quá lắm loạn cuồng. Thơ của cô giáo dạy Văn này mềm như cỏ và thanh tao như
cỏ. Trong và xanh một sắc màu nữ tính (Tất nhiên!). Sắc màu nữ tính trong xanh
chính là cái tính nữ nghiêng về phía truyền thống và phần nào đó nghiêng về
phía đặc trưng nghề nghiệp: Gặp một nụ cười xinh - Thấy lòng thêm rộng mở
- Gặp cồn cào nỗi nhớ - Thấy yêu người yêu ta... (Gặp)… Rất ít liên quan đến
những trang thơ đòi nữ quyền khá mạnh mẽ và táo bạo (thậm chí là táo tợn) của
không ít những nhà thơ nữ đương đại...
Như cọng cỏ may, Trần Thu Hà luôn ghim giữ hồn thơ mình giữa mến thương cuộc sống,
nên ta có thể tìm ở hồn thơ đa cảm này những câu thơ dễ thương, gụi gần cứ như
là đang nói hộ. Đó là những câu thơ về quê hương, cha, mẹ, về con, về tuổi học
trò... Rất riêng mà cũng rất chung: Cha già khi nhớ khi quên - Vừa nắm tay rồi lại
hỏi: - “Con Hà về sao không nói?” - Mẹ cười: “Nó ở ngoài hiên” (Về
nhà)... Điều đáng quý là thơ Trần Thu Hà dù trong sáng, giản đơn, nặng vần theo
thơ truyền thống nhưng không bị trôi xuôi tuồn tuột theo nhịp chảy của vần mà
níu giữ được những ý tình sâu đậm. Sau lớp ngôn từ ngỡ chừng giản dị là cả chiều
sâu thâm trầm của dáng tháp cổ nghìn năm, đẫm triết lý từ những lời đá vọng: Em
trộm khắc vào đêm mảnh ghép nào vương - Nghìn năm tuổi văng vẳng lời đá vọng -
Nghìn năm tuổi dâng khát khao cháy bỏng - Lửa bùng lên từ phía mặt trời lên -
Đêm tháp cổ sâu hơn nghìn năm tuổi... (Đêm tháp cổ)...
Nhưng với thơ, “hiền như cô giáo em” thì cũng dễ bị học trò
“lừa phỉnh”. Mình cứ bằng tình thương và trách nhiệm viết cho các em những lời
thơ trong sáng của tuổi học trò, đôi lúc thành thói quen nghề nghiệp trong thơ
thì chính nó sẽ trở thành lực cản khiến hồn thơ không dám tự do tung phá. May
quá, dù chỉ là những cơn sóng nhỏ lặn dưới đáy của bề mặt tĩnh lặng, trong xanh
của Lời cỏ hát, tôi vẫn nhận ra sâu kín bên trong cô giáo Trần Thu Hà còn có
một hồn thơ đầy khát khao quẫy đạp của một thiên tính nữ. Tôi thích những ý tưởng
“quẫy đạp” này để chao lên những vòng sóng thơ làm sinh động hơn lên trên cái mặt
hồ trong veo, tĩnh lặng ấy. Đây rồi:Lang thang về đâu - Bóng nắng cuối ngày
nhàn nhạt - Khi mà mọi hướng đi đều khóa lại - Chỉ còn gió và bóng tối - Chờ
nhau (Dặn nắng). Vâng, trong đời này, ai chẳng một lần “say nắng”. Biết
say và biết tự dặn lòng đã tạo nên một ghim giữ Trần Thu Hà (như bút hiệu Hoa Cỏ
May mà Hà tự nhận), đó chính là điểm nhấn của tính nữ trong thơ: Dẫu có hoang
mang - Dẫu có nát nhàu những giấc mơ màu tím - Thì nắng ơi - Cũng đừng vội đi
hoang... (Dặn nắng). Nhưng cũng xin nói thêm chút nữa rằng: Người thơ ơi!
Hãy đừng tự “dặn” mình nhiều quá. Hãy cứ điên đảo “ngũ cung”, loạn cuồng nhịp
điệu: Có người đàn bà tự vấn trong đêm - Nụ cười hóa đá - Khắc nỗi niềm riêng -
Có người đàn bà ray rứt trong đêm - Đôi môi mím chặt - Ngậm bao ưu phiền - Có người
đàn bà lặng lẽ trong đêm - Giấu vào bóng tối - Tin yêu mỏi mòn... (Ngũ
cung). Đoạn thơ ngắn mà cho người đọc cảm được độ dài của đêm có năm canh, người
có năm cung bậc tâm hồn với nhiều trở trăn, ẩn uất thì chính người thơ đã tạo
nên một liên tưởng đầy thi vị cho người tiếp nhận...
Chính vì những lẽ trên, tôi đoan chắc rằng, với thơ, Trần Thu Hà vẫn đang tự đi
tìm mình. Có một sự dùng dằn giữa sự yên phận và những khát khao. Và chính sự
dùng dằn này tạo nên tính phân thân trong suốt tập thơ Lời cỏ hát. Có
lúc người đàn bà trên cỏ kia rất tỉnh, rất lý trí: Bận lòng làm chi nặng nợ
đa mang - Giữ bình thản bớt đi phần day trở - Ai chẳng có những phút giây lầm lỡ
- Thời gian rồi sẽ tỏ cuộc nông sâu (Bài học không có sẵn). Cũng có lúc
nàng khát khao nhoài khỏi mạn thuyền tìm phút giây mãn nguyện:Đêm bên bờ sông
Hương - có người đàn bà nhoài người khỏi mạn thuyền - khỏa nước hắt lên khuôn mặt
mình - mãn nguyện (Đêm bên bờ sông Hương). Và vì thế, nàng tự giấu, tự giữ cho
riêng mình một nỗi buồn không dứt: Buồn này - ai biết hỏi ai - Thì thôi cất
nhé - gia tài riêng ta... (Gia tài). Cặp Lục bát truyền thống, nghiêm túc
đã bị cắt ngang, đoản nhịp, xáo trộn giữa chừng chính là tâm trạng phản kháng,
muốn bung ra của hồn thơ người đàn bà trên cỏ ấy.
Và khi Lời cỏ hát ra đời, người đàn bà trên cỏ Trần
Thu Hà vẫn đứng giữa những dùng dằn, trăn trở ấy. Xin trân trọng giới thiệu Lời
cỏ hát- tập thơ riêng đầu tiên của Trần Thu Hà cùng bạn đọc xa gần và mong rằng:
Người đàn bà trên cỏ hãy dứt khoát hơn lên, thổ lộ cho hết những quẫy đạp thiên
tính, sớm tìm được chính mình trong đoạn đường thơ phía trước. Tôi muốn...
Vâng! Tôi muốn và tôi tin để mạnh dạn kết thúc bài viết và mạo muội chơi trò
nghịch lý“lẩy Kiều” đoạn thơ trên của Trần Thu Hà như sau: Cứ bận lòng những nặng
nợ đa đoan - Ít bình thản tăng thêm phần day trở - Ai chẳng có những phút giây
lầm lỡ - Rồi thơ mình sẽ rõ cuộc nông sâu...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét