Dân trí Tôi đến với thơ Duy Thảo từ lâu lắm. Nhiều lần đọc,
tôi cứ bất giác nghĩ về màu xanh trong thơ ông và đã thử cầm bút khảo sát số lần
tác giả sử dụng gam màu này. Ngoài những con số thống kê, thì kết quả thu được
cuối cùng không ngoài cảm tính từ trước.
Màu xanh là gam màu được Duy Thảo sử dụng nhiều nhất với mật
độ dày đặc những từ ngữ chỉ màu xanh và liên quan đến màu xanh, bất kể điều đó
có phải là dụng ý của tác giả hay là sự chọn lựa tự nhiên của quá trình sáng tạo.
Cho nên, thay vì tìm đếm, tôi chỉ đọc, để thầm hưởng những vẻ đẹp của “cốt cách
cỏ hoa” trong những sắc xanh tỏa ra từ hồn thơ Duy Thảo.
“Cốt cách cỏ hoa” là tên một bài thơ ghi lại những cảm tác,
suy tư của Duy Thảo trước cỏ hoa “vườn Nguyễn”, “vườn Kiều”. “Cốt cách cỏ hoa”
gợi về nghĩa chiết tự của tên ông. Ông họ Phan, sinh ra và lớn lên ở làng khoa
bảng Đông Thái vang danh cả nước, lấy tên thật làm nghệ danh viết báo, làm
thơ: Duy Thảo, nghĩa là “chỉ là/ có cỏ”. Bút danh của ông toát lên một bản
lĩnh sống, một bản lĩnh văn hóa, toát lên một cốt cách vừa nhẫn nại, khiêm nhường
vừa mạnh mẽ, quyết liệt; vừa bình dị, lành hiền vừa ngang tàng, kiêu hãnh. Cốt
cách ấy, bản lĩnh ấy được tãi ra, hiện hình sinh động trong thế giới nghệ thuật
thơ ông. “Cốt cách cỏ hoa” còn gợi nhiều liên tưởng xa hơn, nghĩa là không chỉ
là cỏ, không chỉ có cỏ - và có lẽ liên tưởng này đúng với sức biểu đạt của thơ
ông hơn cả.
Nhà thơ Duy Thảo trước vườn nhà
Trước hết, đó là màu xanh thiên nhiên, màu của sự sống - màu
xanh của sông biển, đất trời, hoa lá, cỏ cây,... Sắc màu ấy hiện lên qua cách cảm
nhận cuộc sống bằng sự tinh tế, say mê trong quan sát, ngắm nhìn.
Nhà xưa cách sông La chỉ vài mảnh vườn và một dải đê, nên
dòng sông sinh dưỡng máu thịt thiêng liêng luôn hiện lên trong thơ ông với nhiều
nét riêng. Xanh mát lành như đặc sản hến Thượng: “Xanh đến xanh leo lẻo/ Mát tận
cùng ruột gan” (Ngược nguồn con nước). Khoáng đạt hòa vui cùng sự chuyển mình của
đất quê trù phú: “Màu xanh xanh đến nõn nà/ Dòng vui từ bến Tam Soa đổ về” (Dọc
bãi sông La). Yên bình, thơ mộng phủ lên bao vui buồn đời đời kiếp kiếp dân
quê: “Con đê vẫn cỏ xanh rờn/ Trải bao ký ức vui buồn, quê ơi” (Nét xuân quê).
Khắc khoải nỗi niềm sâu lắng trong giai điệu đặc trưng: “Một dòng trôi êm ả/
Hai bờ nghiêng hiền hòa/ Trong xanh trầm tĩnh ấy/ Ai đặt tên sông La?” (Bến Tam
Soa, sông La). Và xoa dịu những buốt xót đau thương, mất mát: “Nhịp cầu quê nối
đôi bờ nội ngoại/ Nước xanh trong gội bớt nỗi đau đời”(Mưa ngâu). Từ sông La,
tâm hồn Duy Thảo dễ cảm, dễ hòa cùng vẻ đẹp những dòng sông khác của quê hương
xứ sở: “Đi trong chiều sông Tiêm/ Xanh một vùng bỡ ngỡ/ đập tràn giăng dải lụa/
cuốn theo bao sợi mềm/ đôi bờ thành khung cửi/ dệt anh vào mắt em” (Chiều sông
Tiêm).
Cũng bởi khởi phát từ dòng xanh quê hương, hồn thơ Duy Thảo dễ
rung động và cảm nhận những vẻ đẹp của cuộc sống xanh tươi rộng lớn. Bằng trái
tim mẫn cảm mà sâu sắc của chàng trai làng Đông Thái, hành quân qua miền đất Tổ
“Vườn xanh nhãn chuối Vĩnh Tường”, Duy Thảo sớm nhận ra bến đỗ của đời mình, đã
neo đậu, kết mối tình duyên đằm thắm bền bỉ với người con gái Mê Linh: “Anh về
Vĩnh Phú quê em/ Bởi sâu nghĩa nước, nặng thêm tình nhà” (Quê em). Người trai ấy
bay bổng cùng màu mây vờn trên nền trời xanh thăm thẳm khi về với biển: “Con đường
về biển Cẩm Xuyên/ Mơn man ngọn gió mát mềm hàng dương/ Trời xanh cho đỉnh mây
vờn” (Về biển Thiên Cầm). Rồi thư thái cùng cây lá yên bình: “Biển như dồn gió
về đây/ Trời như dịu nắng cho cây xanh rờn” (Trước đền Bà Hải). Lại nao nức với
màu lộc biếc tháng hai mời gọi hội xuân: “Tháng Hai lộc biếc xanh rờn/ Em về lễ
hội chùa Hương anh chờ” (Về hội chùa Hương). Thảnh thơi thả hồn trong cảnh nước
non Ngàn Hống: “Đỉnh cao choàng mây trắng/ Sườn dọc trải thông xanh/ Thung dài
giăng suối biếc/ Người đi trong hữu tình” (Nước non Thiên Tượng)…
Với màu xanh phủ đầy, cảnh trong thơ Duy Thảo thường hiện lên
thanh dịu, tươi mới, hữu tình. Được nhìn bằng đôi mắt “xanh non, biếc rờn” nên
màu xanh hiện lên với muôn vàn sắc thái như chính cuộc sống phong phú diệu kỳ.
Có “xanh non”, “xanh rờn”, “xanh leo lẻo”, “xanh biếc”, “xanh trong”, “xanh lam”,
“xanh ngắt”, “xanh thắm”, “xanh mát”, “nõn lụa”, “trắng xanh”,… Không chỉ đất
trời, cỏ cây, hoa lá,… mà còn có màu xanh của vảy cá, màu xanh của lửa hàn, màu
xanh của nắng, màu biếc của gió, màu xanh của đôi mắt giữa đại ngàn Tây Nguyên
hùng vĩ hoang sơ đang đổi mới: “Đông vui cảng cá, ấm câu cười/ Con mú, con
thu,… nằm chen lớp/ Trắng xanh làn vảy, đỏ mang tươi” (Chuyện biển), “Đêm xanh
lóe chớp lửa hàn” (Tiếng hát bàn tay), “Nắng xanh hẳn mát lời Than Thở” (Thông
xanh Đà Lạt), “Gió choàng áo biếc, cây reo la đà” (Tam Đảo sau mưa), “Xin lưu
giữ vết bùn tươi đất đỏ/ Để nhớ ai xanh đôi mắt cao nguyên” (Xanh Chư Quynh).
Đó là màu của sự sống, là những vẻ đẹp của sự sống được cảm nhận và thể hiện bởi
người cầm bút luôn gắn bó máu thịt, luôn thiết tha yêu từng dáng nét, sắc màu,
từng khoảnh khắc của sự sống.
Không chỉ gắn bó, cảm nhận, say ngắm, Duy Thảo còn luôn nắm bắt
kịp thời từng biến chuyển đa chiều của sự sống này. Nắm bắt không chỉ theo kiểu
cập nhật, bắt nhịp, mà nắm bắt ở những chiều bản chất, ở phía những cội nguồn
tinh tế, sâu xa. Nắm bắt, rồi ngẫm ngợi, trở trăn. Rồi có cả vận vào, dằn vặt.
Và rồi, hy vọng những điều lành. Thế nên, từ màu xanh sự sống được
quan sát và miêu tả trong thơ, ta gặp màu xanh sức sống phản ánh thế
giới nội cảm của Duy Thảo. Ông sống và viết luôn nghiêm cẩn với quan niệm: “Thấy
ngàn việc, mong nhìn ra một việc/ Nghe trăm lời, muốn chọn được một câu/ Viết
mươi dòng, cố tìm ra một chữ/ Chút nghề riêng làm bao kẻ bạc đầu” (Nghề riêng),
bởi “Nghề thơ, nghiệp báo một đời đa mang” (Với mình).
Là người thơ có cốt cách, nên thơ Duy Thảo, chìm sâu/thấm quyện
trong kể tả bao giờ cũng là đời sống nội tâm, mang chở tâm sự. Ông mượn màu
xanh gợi tả dáng nét xưa, để gợi nỗi nhớ về: “Mảnh vườn xanh biếc tuổi thơ” (Vườn
xưa), “Cỏ non gợi mái tóc thề/ Cây xanh nhớ nét chân quê dịu hiền” (Quãng đường
xuân). Nhuốm vào những hoài niệm, màu xanh trở thành màu của ký ức, của một thời
tuổi trẻ giàu mơ mộng ám ảnh suốt đời người: “Đành như người đã qua rồi/ Trong
tôi còn lại khoảng trời xanh xưa” (Khoảng trời xưa). Vận vào suy tư, màu xanh gợi
nhắc niềm tri ân: “Mỗi gié lúa trên đồng quê xanh ngắt/ Đều thấm ơn bao nhiêu
giọt mồ hôi” (Mừng chiến thắng trời quê). Thể hiện niềm vui sống, khát vọng sống:
“Tôi về giữa Sài Gòn giải phóng/ Sáng mai nay xanh đất xanh trời/ Hồn xanh mát
giữa dòng vui vô tận/ Sài Gòn ơi! Khát vọng của tôi ơi!” (Trọn niềm tin). Thể
hiện sức đổi thay, trỗi dậy của những vùng quê: “Sương tan như thực, như mơ/ Đồi
xanh tít tắp những lô luống chè” (Làng đồi vào xuân), “Đất xưa cằn gốc, khô
cành/ Giờ vui ruộng tốt, vườn xanh bốn mùa” (Về Can Lộc).
Toát lên niềm hy vọng: “Lụt bão qua rồi, vợi nỗi đau/ Vườn xanh chồi biếc, ruộng xanh màu/ Ríu ran tiếng trẻ vui trường mới” (Qua bão), “Lá rụng vàng sân tóc bạc úa/ Vận đen đau yếu sám mồi da/ May còn hồng phúc mắt xanh lại/ Để ngắm cành đào xuân nở hoa” (Xuân cảm). Màu xanh là màu của quyết chí hồi sinh: “Làng sau bão đắm chìm trong toan liệu/ Bắt hạt mầm lên kịp với chồi xanh” (Gặp sau cơn bão).
Toát lên niềm hy vọng: “Lụt bão qua rồi, vợi nỗi đau/ Vườn xanh chồi biếc, ruộng xanh màu/ Ríu ran tiếng trẻ vui trường mới” (Qua bão), “Lá rụng vàng sân tóc bạc úa/ Vận đen đau yếu sám mồi da/ May còn hồng phúc mắt xanh lại/ Để ngắm cành đào xuân nở hoa” (Xuân cảm). Màu xanh là màu của quyết chí hồi sinh: “Làng sau bão đắm chìm trong toan liệu/ Bắt hạt mầm lên kịp với chồi xanh” (Gặp sau cơn bão).
Là người “một đời đa mang”, nhiều trở trăn về cuộc sống, tâm
hồn Duy Thảo có thiên hướng tựa vào, vin vào, tìm về, hướng về, hướng đến cái sắc
màu bình yên, thanh dịu, mát lành để tìm phút nghỉ, để lắng lại, lắng lòng, để
như được tiếp thêm sức sống, và lại có thể ngẫm ngợi, đồng cảm, lại “toan liệu”
cho người cho đời, “toan liệu” để góp phần tạo dựng, khởi dựng… Nói đó là màu của
điều lành, điều vui, của sức sống là vì vậy!
Màu xanh trong thơ Duy Thảo còn là màu của giá trị sống.
Viết nhiều về màu xanh vừa là lựa chọn tự nhiên thuộc về bản năng nghệ sĩ, thuộc
về cá tính sáng tạo vừa như là sự lựa chọn có dụng ý dụng tâm của tư duy nghệ
thuật Duy Thảo. Thế giới đa sắc, cuộc sống không chỉ có màu xanh. Khi mượn thơ
để nói lên tiếng lòng trong những va chạm với muôn mặt đời sống, ông cũng có sử
dụng nhiều màu sắc khác để thể hiện sự tương phản hoặc hài hòa: “Như ruột dưa hồng/
Giấu vào xanh vỏ” (Giấu), “Bom đạn bao lần cây vẫn thắm/ Như tình đồng đội
giữ trời xanh” (Hoa hồng), “Mây buông yếm trắng lưng đèo/ Gió choàng áo biếc,
cây reo la đà” (Tam Đảo sau mưa),... Dù vậy, màu xanh vẫn là gam màu đáng chú ý
nhất trong thế giới nghệ thuật thơ, nơi “cốt cách cỏ hoa” phát lộ. Căn cốt thơ
Duy Thảo là xanh, dòng thơ ông khởi từ nguồn xanh, không gian thơ Duy Thảo mang
hình hài xanh của những giá trị văn hóa của nguồn cội đất quê sông quê giàu trầm
tích (Chẳng biết là ngẫu nhiên hay là sự gặp gỡ của những giá trị, khi nhiều nền
văn minh trên thế giới cũng xem màu xanh là màu của trí tuệ thông thái, màu của
những giá trị bền vững xuyên thời gian!).
Với một hồn thơ xanh, Duy Thảo thể hiện suy cảm về những vẻ đẹp
sâu xa, đa chiều của cuộc sống. Đó là màu của tình yêu lứa đôi hòa vào, góp
thành vẻ đẹp sáng tươi của cuộc đời: “Về phép thăm em mươi bữa/ Ra đi lòng xốn
xao lòng/ Tình đời khơi sâu thêm mạch/ Kênh dài mải miết xanh trong” (Về phép).
Đó cũng là màu của tuổi trẻ, của ký ức hoa niên, như “Tôi đang vào tuổi bảy
mươi/ Thầy hai mươi lẻ của thời xuân xanh” (Thưa thầy) hay “Xin ai giữ lại khoảng
trời xanh xưa” (Khoảng trời xưa). Là màu của kỷ niệm và cũng là để phong kín kỷ
niệm trong cái xốn xang trở về lối cũ, trong lời giã biệt/ tự thú ngậm ngùi có vẻ
rất phong tình/ tình tứ lại đồng thời xuất hiện cảm giác bối rối chân thành rất
riêng, rất Duy Thảo: “Tôi trở lại sau tháng năm cách biệt/ Lối mòn xưa, cỏ phủ
kín xanh rờn./ Câu giã biệt như là thêm có lỗi:/ - Về già rồi sao cứ nhớ nhau
hơn!” (Lối xanh).
Chân thành, gan ruột, bộc trực, không ưa màu mè là thiên tính
của Duy Thảo. Và mười năm làm lính chiến lại càng khiến cho nét tính cách ấy
thêm cứng cỏi, đằm sâu. Bởi vậy mà màu áo lính xuất hiện rất nhiều trong thơ
ông, “Tha thiết quá ơi màu xanh giản dị” (Về thăm làng pháo). Duy Thảo dành hẳn
một bài thơ ký thác những hoài niệm, suy tư về/từ màu áo lính. Màu áo lưu dấu
tình đồng chí đồng đội thiêng liêng của những chiến binh “Một thời thắm thiết
màu xanh/ Cái màu áo lính trở thành nhớ thương”; màu của sự gắn bó, sẻ chia, của
điểm tựa yên bình “Cái màu tin để mà yêu/ Xa rồi để nhớ, gặp nhiều để mong/ Khi
đời nặng gánh bão giông/ Gặp màu áo lính nghe lòng nhẹ rơi…”; màu của ký ức
luôn luôn tươi mới, là giá trị vững bền còn lại khi những chiến công hay danh lợi
qua rồi “Chỉ còn màu áo lính thôi!/ Xanh tươi che mát cuộc đời thế gian” (Màu
áo lính). Chính chất lính ấy giúp người thơ Duy Thảo bền chí, vững bước, vững
bút, vững lòng khi “đi qua chiến cuộc về nơi ngỡ ngàng” thời hậu chiến, rồi thời
đổi mới mở cửa “Bao điều bạc phếch lòng tin/ Chỉ còn quê kiểng giữ xanh lời thề”
(Cõi về).
Duy Thảo tin vào màu xanh “quê kiểng” như tin vào chính mình,
tin vào những giá trị tốt đẹp cốt lõi, bền vững thường hằng giữa nhân tình điên
đảo, giữa thế thái xoay vần luôn khiến ông day dứt trở trăn “Cái thời tôi viết
nhắc tôi/ Đêm đêm trở gió trái trời đêm đêm” (Cái thời tôi viết). Với Duy Thảo,
“xanh” đã trở thành một tiêu chí, một thang bậc giá trị sống. Và, hẳn nhiên,
xanh trở thành tiêu chuẩn định giá vẻ đẹp và sức sống của thơ: “Rồi anh lại tìm
về bến mặn/ Thiên Cầm ơi! Ngàn hẹn, ngàn chờ/ Cho biển xanh da, cho em xanh
tóc/ Sóng vỗ bạc đầu cho xanh câu thơ” (Bến mặn), “Bao mùa xuân qua nhanh/ Tóc
ta giờ bạc trắng/ Vẫn mong được dâng đời/ Câu thơ tình xanh thắm” (Xuân cảm).
Giá trị ấy, tín niệm ấy thậm chí còn hóa thân thành biểu tượng “lối xanh” với
bài thơ “Lối xanh”, tập thơ “Lối xanh” và cả tuyển thơ “Đi dọc lối xanh” nữa.
Biểu tượng “lối xanh” cứ trở đi trở lại, như một lối về hoài niệm vườn Thúy,
như một dòng trong lành yên bình giữa muôn dòng ngầu đục, như một cõi lành giữa
cõi sống xô bồ hỗn tạp tính toan: “Lối mòn xưa, cỏ phủ kín xanh rờn!” (Lối
xanh), “Tôi tìm đến bạn bè xưa thân ái/ Qua Lối xanh dù gai góc rậm rì/ Trên lối
ấy dù người còn, kẻ mất/ Vẫn nguyên lành kỷ niệm buổi phân ly” (Khúc hát ngày về).
Thiên tính xanh Duy Thảo nhiều khi xuất thần chạm vào thiền
tính. Tựa vào thiên nhiên biếc xanh trường cửu, nhìn cây lộc vừng quen thuộc vẫn
mọc nơi bờ ruộng bờ ao được “về chốn phù hoa” với thân phận cây cảnh, nhà thơ
viết những dòng nhẹ tênh mà lắng sâu ngẫm ngợi: “Ờ thì ra cây cỏ/ Vốn xanh biếc
muôn đời/ Lúc nghèo người bỏ mặc/ Lúc sang người đón chơi” (Lộc vừng).
Và đây là những dòng tứ tuyệt vừa có cái lắng trong đắc đạo vừa có cái động cựa của đời, vừa thể hiện cảm thức xuyên thời gian vừa thể hiện ý thức về hạn độ nghiệt ngã của thời gian: “Thời gian mở trước mắt người/ Sau lưng, ngoái lại quãng thời gian qua/ Đường đời cột mốc xanh xa/ Lá vàng là dấu chân ta rụng đầy.” (Xanh xa). Chạm vào thiền tính, nhưng thơ Duy Thảo vẫn neo chặt vào những giá trị rất đời. Cốt cách thơ ông là vậy, luôn mang nặng nỗi đau đời, lo đời nên thơ luôn cất lên cái khao khát thanh lọc, thanh dịu, gieo mầm những giá trị sinh thái bền vững: “Chỉ ghét những loài sâu/ Chuyên đục cành, khoét ruột/ Từ cánh rừng xanh tốt/ Nay cháy khô nhựa đời…// Không sợ trời bắt đứng/ Chỉ sợ đất bắt nằm/ Ta là mầm là hạt / Giữa đất trời mùa xuân” (Lời của cây). Nhà thơ gieo mầm đạo lý, gieo những giá trị nhân văn bằng những hành vi văn hóa thanh cao mà nồng hậu: “Gặp thầy, người gọi bằng anh/ Còn tôi hai tiếng chân thành mà thôi” (Thưa thầy), “Dù chỉ một câu thơ/ Mong thành làn gió mát/ Dù chỉ một mẩu tin/ Mong góp mùa gieo hạt” (Nguyện),...
Và đây là những dòng tứ tuyệt vừa có cái lắng trong đắc đạo vừa có cái động cựa của đời, vừa thể hiện cảm thức xuyên thời gian vừa thể hiện ý thức về hạn độ nghiệt ngã của thời gian: “Thời gian mở trước mắt người/ Sau lưng, ngoái lại quãng thời gian qua/ Đường đời cột mốc xanh xa/ Lá vàng là dấu chân ta rụng đầy.” (Xanh xa). Chạm vào thiền tính, nhưng thơ Duy Thảo vẫn neo chặt vào những giá trị rất đời. Cốt cách thơ ông là vậy, luôn mang nặng nỗi đau đời, lo đời nên thơ luôn cất lên cái khao khát thanh lọc, thanh dịu, gieo mầm những giá trị sinh thái bền vững: “Chỉ ghét những loài sâu/ Chuyên đục cành, khoét ruột/ Từ cánh rừng xanh tốt/ Nay cháy khô nhựa đời…// Không sợ trời bắt đứng/ Chỉ sợ đất bắt nằm/ Ta là mầm là hạt / Giữa đất trời mùa xuân” (Lời của cây). Nhà thơ gieo mầm đạo lý, gieo những giá trị nhân văn bằng những hành vi văn hóa thanh cao mà nồng hậu: “Gặp thầy, người gọi bằng anh/ Còn tôi hai tiếng chân thành mà thôi” (Thưa thầy), “Dù chỉ một câu thơ/ Mong thành làn gió mát/ Dù chỉ một mẩu tin/ Mong góp mùa gieo hạt” (Nguyện),...
Không cầu kỳ kiểu cách mà luôn ấm nóng đằm sâu, mộc mạc giản
dị mà lan tỏa hiền hòa, bản lĩnh người thơ Duy Thảo là thế! Thực hiện dòng suy
cảm Duy Thảo - Cốt cách cỏ hoa này, người viết có chủ ý chọn trích một
số câu thơ viết về màu xanh tiêu biểu nhất của ông thôi, nhưng thật khó, buông
câu nào cũng không đành bởi cái tình, nỗi trở trăn trĩu nặng, chân thành trong
mỗi ý tứ. Làm thơ, Duy Thảo không dụng công tìm chữ, ông chỉ cố ghi lại thật
nhanh, chuyển tải thật kịp thời, giãi bày thật trong sáng những cảm nghĩ mà
trái tim và khối óc mẫn cảm của ông nhận biết, phát hiện, ngẫm suy trong những
va đập với đời. Trong suốt hành trình hơn nửa thế kỷ làm thơ tính từ thời điểm
bài “Mừng chiến thắng trời quê” vang danh trên sóng thơ Việt, Duy Thảo trước
sau vẫn là chính mình, “cốt cách cỏ hoa” của ông chỉ chọn hình thức mộc mạc,
trong sáng, lắng sâu để hóa thân. Ông chưa từng chạy theo những ảo ảnh cách tân
để viết những câu thơ khiến người đời sửng sốt vì lạ. Thơ ông tự tin, bình dị
xanh. Giá trị, sức sống của thơ ông cất lên từ những điều bình dị ấy! Bởi thế,
có thể hình dung Duy Thảo trong làng thơ núi Hồng sông La như hình ảnh cây đa đầu
làng vững bền cội rễ, tỏa bóng mát yên lành bất kể gió mưa xoay chuyển muôn chiều.
* Thơ trích trong các tập: Đi dọc lối xanh (NXB HNV. 2008), Nỗi
xưa (HNV. 2008), Mưa giao mùa (HNV. 2014), 80 bài thơ Duy Thảo (HNV. 2018).
Nguyễn Thanh Truyền
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét