Thạch thi nơi chùa cổ ở Hà Nội
Hà Nội có nhiều ngôi chùa tọa lạc ở nơi thắng cảnh thiên
nhiên tuyệt đẹp, có núi đá cao vời, động biếc cẩm tú. Trong đó phải kể đến những
“tiểu sơn lâm”: chùa Hương, chùa Thầy, chùa Tử Trầm...
Những chốn lâm tuyền này từ bao đời nay đã trở thành nguồn
thi hứng cho tao nhân mặc khách, để lại kho di sản văn học đồ sộ là vô vàn những
bài thơ chữ Hán, chữ Nôm được khắc lên vách núi đá, vách hang động.
Những bài thơ Nôm khắc trên vách động chùa Trầm
Hương Sơn, nơi tiểu sơn lâm mà có đại kỳ quan liên tục đi vào
thơ ca lồng lộng của rất nhiều thi nhân, để lại những áng thơ trác tuyệt. Ngày
nay, động Phật tích chùa Hương còn hiện hữu rất nhiều bia ma nhai, đó là những
mảng vách động mặt mài nhẵn rồi khắc chữ, lưu giữ nhiều bài thơ cổ.
Mùa xuân năm Canh Dần (1770), chúa Trịnh Sâm từ Phủ chúa ở
kinh thành Thăng Long đi xe loan về Hương Sơn, choáng ngợp trước phong cảnh tuyệt
đẹp kỳ vĩ nơi đây, ông đã cho khắc vào vách núi Hương Tích dòng chữ “Nam Thiên
đệ nhất động”. Đến nơi nào trong quần thể thắng cảnh, ông cũng làm thơ vịnh rồi
sai thợ khắc vào vách đá, cả thảy 5 bài. Trên vách động Tiên Sơn và Tuyết Sơn,
nét chữ uyển chuyển như phượng múa rồng bay, nay vẫn còn rõ nét. Ở bài
thơ Thăm động Tiên Sơn viết theo thể Đường luật thất ngôn bát cú, có
những câu:
Chở mây quanh quất lồng hương Phật
Gõ đá vang lừng trổi nhạc tiên
Bảo cái đùn đùn trên bảo tọa
Kim quan chăm chắm trước Kim Liên.
Mùi “hương Phật” và âm thanh “nhạc tiên”, vẽ nên vẻ đẹp phiêu
linh chốn thiền môn. Mây núi lồng hương Phật, thoắt hiện thoắt ẩn quanh quất
bay tỏa vào không gian. Nhũ đá động Tiên Sơn không những đặc biệt về vẻ đẹp, mà
còn đặc biệt về âm thanh. Gõ vào nhũ đá ta nghe thấy tiếng trống, tiếng mõ, tiếng
đàn, tiếng chuông… vang lừng.
Ở bài Vịnh cảnh Tuyết Sơn có những câu đặc sắc: “Gió
quyến cầm thông, thông lợp tán/ Mây vờn vách đá, đá in tranh/ Non cao Phật hiện
phô kim tướng/ Động thẳm, rồng quanh lắng ngọc kinh”. Mây vờn vách đá,
vách đá in hình dáng bóng mây. Cảnh sống động mà bút pháp cũng rất biến hóa,
hình ảnh quấn quyện với âm thanh không rời. Hai bài thơ chữ Nôm viết theo thể
thất ngôn bát cú Đường luật, bút pháp cổ điển mà vẫn gần gũi với đương đại. Cổ
điển trong ngôn ngữ mà gần gũi trong cảm xúc, hình ảnh thơ vừa tả thực vừa kỳ ảo,
cho thấy một hồn thơ trác việt thấm đượm triết lý Phật giáo.
Đặc biệt bài Vịnh núi Hinh Bồng, cảnh quan mà Trịnh
Sâm mô tả hơi khác với ngày nay khiến cho nhiều người đặt câu hỏi, phải chăng
cách đây khoảng 300 năm, ở chân núi này có con suối lớn chảy qua, không
phải là suối Yến. Vì rất có thể trải qua thời gian, do tác động của thiên nhiên
mà cảnh vật đã bị biến dạng. Nên thơ ông mới có cảnh: “Non xanh nhường thấy
non không đất/ Suối biếc nhìn qua suối gặp trời/ Đá nhuốm ráng trời nghìn gấm
điểm/ Sóng rung dải nhũ vạn châu rơi...”. Vì động Hinh Bồng ở xa suối Yến,
thế mà một chiều đứng trên động, ông thấy cả trời xanh in xuống nước, thấy ánh
chiều chiếu vào vách núi như hoa thêu gấm dệt. Còn dòng suối thì rộng, sóng gợn
lăn tăn ánh vàng như có hàng vạn hạt kim cương lấp lánh, như ai đó, đang rung
nhẹ dải nhũ cho muôn hạt châu rơi. Cảnh đẹp quá, qua thơ ông thấy như bức tranh
vẽ cảnh thiên nhiên đầy sắc màu và sức sống.
Ở thôn Long Châu, xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ ngoại thành
Hà Nội có một dãy núi đá vôi cao chót vót nổi lên giữa đồng bằng với chu vi hơn
3.000m và ngọn núi cao nhất tới hơn 400m. Truyền thuyết, thuở xa xưa, ngôi sao
Tử vi từ trên trời bỗng nhiên rơi xuống giữa vùng đất bằng phẳng, hóa thành năm
ngọn núi đá, người đời đặt tên Ngũ Nhạc sơn, ngày nay là danh thắng Tử Trầm.
Trên núi còn dấu tích của những ngôi chùa cổ và trong lòng núi có những hang động
to rộng. Bên ngoài có dòng suối ngự uốn lượn quanh tạo nên cảnh “sơn thủy hữu
tình”. Hang Trầm (động Long Tiên) là một động to đẹp ở dưới chân núi đá do hai
mỏm đá lớn ngang sườn núi chầu vào nhau để hở một chỗ thông thiên ở trên đỉnh.
Cách bài trí ở trong hang cũng theo tầng lớp giống như một tòa Tam bảo mà ta vẫn
gặp, nhưng điều độc đáo của chùa Hang là tất cả đồ khí đều bằng đá.
Vừa là hang động, vừa là ngôi chùa thờ Phật được thế ưu đãi
tuyệt đối của thiên nhiên, nơi đây đã từng là điểm tham quan hội tụ của những mặc
khách tao nhân. Biết bao thi nhân đã từng đến vãn cảnh, vịnh thơ khắc vào vách
đá để lại ngày nay trong lòng hang rải rác những bài thơ tồn tại dưới dạng ma
nhai đã bị rêu phong cỏ cây phủ kín. Người ta bạt đá cho phẳng một khoảng hình
chữ nhật rồi khắc chữ trực tiếp chứ không trang trí hoa văn. Hầu hết những bài
văn, bài thơ ở đây đều viết bằng chữ Nôm nên có người đã gọi núi Trầm là núi
thơ Nôm. Tác giả của những bài thơ này thuộc nhiều thành phần ở nhiều địa
phương khác nhau, do vậy mà lối viết chữ Nôm cũng có những điểm không giống nhau.
Vào thời Hậu Lê, Hồng Lô tự khanh Thượng thẩm tòa án sát sứ
Tiến sĩ Nguyễn Văn Bân cung đề tại đây nhiều bài thơ được đánh số. Ông ngợi ca
cảnh đẹp Tử Trầm: “Cung Trầm văng vẳng cánh mây sa/ Tô điểm non xanh lại đậm
đà”. Đến thế kỷ XIX, Trần Mỹ là quan Án sát Hà Đông cung đề những
câu thơ: “Kìa cảnh Bồng Lai nổi giữa đồng/ Tử Trầm chốn ấy phải hay không/
Động Tiên hương ngất lồng mây tỏa/ Bia Trịnh rêu phong lẩn đá chồng…”.
Chùa Thầy ở Sài Sơn, huyện Quốc Oai là thắng cảnh nổi tiếng của
nước ta. Chính các thế hệ đến thăm khu danh lam thắng cảnh chùa Thầy cũng trở
thành một cái vốn cho một cảnh trí khi để lại những câu thơ có giá trị. Phan
Huy Ích (1782-1840) tác giả bộ “Lịch triều hiến chương loại chí”, quê ở Sài
Sơn, có bài Trên núi Thầy mùa xuân ngắm cảnh khắc vào vách núi. Bài
thơ có cái cao của núi, cái đẹp của cảnh, cái ấm áp yêu thương làng xóm với đồng
bào:
“… Thái Lão sương tan thềm đã phẳng
Bối Am mây vén ngọn thông già
Ráng pha sườn núi, tranh khôn vẽ
Chim hót lùm hoa, nhạc khéo hòa…”
Phạm Quý Thích (1759-1825) đỗ tiến sĩ, có những câu thơ rất
tao nhã về chùa Cao trên núi Thầy: “Khách lên chuông giục lưng trời/ Báo
tin sư tới, nẻo đồi chim kêu”. Cũng ở núi Sài Sơn này, ta được hội ngộ cả
- Thần Siêu (Nguyễn Văn Siêu 1795-1872), Thánh Quát (Cao Bá Quát 1809-1855), nữ
sĩ Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du, trạng Bùng Phùng Khắc Khoan, Trạng nguyên Nguyễn
Thượng Hiền đều nổi tiếng thơ hay, có nhiều bài thạch thi ngày nay còn lưu giữa
trên núi Sài Sơn, ngợi ca cảnh trí nơi này. Đặc biệt, cái “tử vận” om của
bài “Hang Cắc Cớ” đã được nữ thi sĩ Xuân Hương dùng một cách kỳ thú, chấp tất cả
những nhà kỹ thuật của ngôn từ: “Tạo hóa sinh ra khéo khéo phòm/ Nứt ra một
lỗ hỏm hòm hom/ Kẽ hầm rêu mốc trơ toen hoẻn/ Luồng gió thông gieo vỗ phập
phòm…”.
Muốn vào hang Cắc Cớ phải có đuốc, có đóm lửa để soi đường.
Càng xuống hang càng cao, càng rộng, càng sâu với nhiều ngóc ngách, đường lại
trơn, khách trẩy hội phải nắm chặt tay nhau cho khỏi ngã và khỏi lạc. Vào bên
trong, ta phải trèo mấy bậc gạch và lách qua khe đá, mới đến một nơi nhỏ hẹp tối
om, có vẻ huyền bí. Ở thành hang, lờ mờ nhìn kỹ, sẽ thấy những vết tương truyền
là do trán và chân tay Từ Đạo Hạnh để lại, ông giải xác mà hóa ở đây.
Từ sân chùa Cao, nếu du khách đi ngược chiều hang Cắc Cớ sẽ đến
chợ Trời nằm trên đỉnh núi Sài Sơn, bốn bề là thành đá lởm chởm. Bài thơ Chợ
Trời được khắc vào đá ở núi Thầy, dưới có ghi rõ: Sáng tác năm Hồng Đức thứ
7 (1476), tác giả là Thiên Nam động chủ, tức Lê Thánh Tông. Lê Thánh Tông, năm
thế kỷ trước, lúc văn chương tiếng Nôm vẫn đang còn ở trình độ phôi thai, mà Lê
Thánh Tông đã sáng tác được một bài thơ thật là lưu loát và thanh thoát.
“Bầu trời thú lạ cũng nhiều nơi
Chẳng thú đâu hơn thú chợ Trời
Sáng sớm mưa tan trưa nắng đứng
Chiều hôm mây họp, tối trăng chơi…”
Những chuyến ngao du vãn cảnh cổ tự Hà Thành của biết bao tao
nhân mặc khách thời xưa đã để lại cho những quần thể chùa này những “thạch thi”
sáng giá, chất chứa nỗi niềm với vẻ đẹp giang san. Chính vì lẽ đó, thạch thi
trên vách động, vách đá của các ngôi chùa đã làm rung động tâm hồn của không ít
độc giả từ xưa đến nay, gây ấn tượng lý thú với đông đảo du khách mỗi khi hành
hương về đất Phật.
Chu Minh Khô
Theo https://giacngo.vn/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét