Thứ Ba, 31 tháng 12, 2019

Tập truyện ngắn Giữa trần gian và địa ngục

Tập truyện ngắn Giữa trần gian và địa ngục, 
(gồm 18 truyện) dày gần 200 trang khổ 13x20
Gần  đây được Nguyễn Đình Bổn trao cho tập truyện ngắn Giữa Trần Gian và Địa Ngục, với yêu cầu viết cho đôi lời nhận xét; vì thâm tình khó chối từ…, nhưng trong thâm tâm tôi rất khốn đốn như kẻ phải chìa vai đảm đương gánh nặng quá sức mình.
Nhân đây cũng xin thú thật Khổng Đức chỉ là con mọt sách yếu đuối chứ chẳng có khả năng gì. Do đó những gì tôi viết ra chỉ là dịch ý, lời của các danh nhân, các bậc tiền bối; có khen hay chê  cũng chỉ là do tính chủ quan của một độc giả. Bạn đọc cũng nên nhận định theo chủ quan của mình hơn là  tin nghe theo người khác.
Giờ thì xin vào đề: do không có khả năng bao nhiêu mà muốn có đôi nhận xét về tập truyện (gồm 18 truyện) dày gần 200 trang khổ 13x20, tôi phải đọc đến ba lần, mỗi lần phải có khoảng cách thời gian 3, 4 ngày, rồi còn phải đọc các sách tham khảo nói về nghệ thuật văn chương, về tiểu thuyết, bấy giờ mới có một nhận định chung.
Tập truyện GTGVĐN là một tập truyện mang tính chất nửa hư nửa thực, hay lấy thực làm hư, lấy hư làm thực, hay coi đó là sự kết hợp giữa mộng với thực cũng suông. Có một số truyện giống như Liêu trai hay chịu ảnh hưởng của Liêu Trai chí dị của Bồ Tùng Linh (Trung Quốc) và Truyền Kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ (Việt Nam), như Truyền kỳ, Người và quỷ, Độc huyền, Tình nhân, Tình hoa, v...v... Nhưng dù ảnh hưởng Liêu trai hay Truyền kỳ, lấy hư làm thực hay ngược lại cũng phải có một óc tưởng tượng đặc biệt; nhưng tưởng tượng dù phong phú đến đâu cũng chưa đủ để trở thành một tiểu thuyết gia, mà còn cần phải có nhiều yếu tố nữa, như phải có kinh nghiệm sống, có con mắt quan sát tinh vi, có trái tim đầy cảm xúc…
Vì tưởng tượng không phải là lấy không làm có, thoát ly khỏi thế giới hiện thực, mà thủy chung tưởng tượng vẫn là dùng thế giới hiện thực làm cơ sở. Hay nói một cách khác, tưởng tượng gì cũng được từ hữu đến vô, từ thực đến mộng, cõi dương biến thành cõi âm, dù thiên đàng hay địa ngục, người là quỷ là ma, hay quỷ ma thành người cũng không sao, nhưng vẫn không ra ngoài chất liệu chủ yếu của tiểu thuyết chính là cuộc đời. Bởi vì con người, nói như Heidegger là “ hiện hữu tại thế” (être dans le monde).
Vô tình hay cố ý mà hoàn cảnh xã hội đã đẩy Nguyễn Đình Bổn nghiêng về siêu hình; nhan đề quyển sách Giữa trần gian và địa ngục tự nó đã nói lên điều đó. Đi sâu vào nội dung, các truyện đã đặt những sinh linh trong hoàn cảnh cụ thể và cố gắng tìm cách giải đáp cho các vấn đề nền tảng như nhân quả, sự biến đổi của cuộc đời (Truyền kỳ, Hoa lạ, Tình hoa)… Ai là người có thể giải thích, chứng minh những hành động, sự hân hoan, đau khổ và chết chóc? Nhân vật thường là một nhân chứng và một sự kêu gọi hoài nghi mang tính siêu hình (Tình nhân, Kiếp bèo)... Người muốn sống với nghệ thuật, yêu cái đẹp... đơn giản là thế mà cũng không được yêu, phải chăng đây là một sự phản ảnh những tai ách của thời đại? Ngay truyện mang tên nhan đề sách GTGVĐN, thân phận người phụ nữ sống không chỗ sống, muốn chết cũng không cho chết, bị đày ải vào Uổng tử thành, mà cũng có yên đâu, nơi nào cũng bị bọn quan liêu của Uổng Tử tước đoạt :
“Phải lột cho sạch tất cả những gì mà nó mang vào đây!”
Nguyễn Đình Bổn cũng tự tạo cho mình một phong cách hiện đại, không nhằm thẩm tra khảo sát thực tại (la réalité) mà là nhắm vào sự sinh tồn, sự hiện hữu. Và sinh tồn hay hiện hữu không phải là dĩ vãng đã trôi qua, mà là môi trường khả năng của con người, tất cả những gì mà con người có thể trở thành, một cách khiêm tốn mà nói, nó giúp cho chúng ta thấy chúng ta là ai – khả năng của chúng ta là gì? Như trong truyện Đuổi quỷ: với quan ngự y là hình ảnh tượng trưng cho tri thức, cuối cùng vẫn phải đầu hàng với quỷ là thứ vô hình đầy mưu mô, lắm thủ đoạn thầm lén gây tác hại cho chúng sinh...
Tiểu thuyết (nói chung cả truyện ngắn, Trung Quốc gọi là đoản thiên tiểu thuyết) là sự trầm ngâm suy tư về tính hiện hữu nhìn xuyên qua những nhận vật tưởng tượng. Không phải là ngẫu nhiên mà có nhiều nhà phê bình đã lưu ý đến những thể thức tiểu thuyết ngày nay, dường như thi ca đã xâm nhập vào địa hạt của tiểu thuyết; nên trong GTGVĐN cũng có khá nhiều hơi hướng của thi ca. Đọc truyện Kiếp bèo dễ khiến độc giả nhớ đến bài thơ của Yến Lan:
Sông vẫn sông xưa nước đổi nguồn
Uống vào khang khác vị quê hương
Cái chất thơ đó chính là những gì ẩn tàng ở bên trong hay ở phía sau câu chuyện, như truyện Gà nhập: người có thể biến thành vật, thì tư tưởng và hành động của nó có còn là bản chất (essence) người nữa không hay cũng bị tha hóa mất rồi? Đặc biệt có truyện Người và quỷ, theo cách nhìn của riêng tôi là một truyện khá xuất sắc. Một giai nhân đã bị một pháp sư bỏ bùa quyến rũ, cưới về làm vợ; nhưng rồi vì tuổi tác và nghề nghiệp không lo cho vợ chu đáo để nàng phải chịu cảnh cô đơn. Sau đó lại thu nạp một con quỷ thanh niên làm nô lệ. Người vợ của pháp sư, vốn là người chịu cảnh ưu sầu lại thầm yêu con quỷ đó; nhưng bản chất nó là nô lệ lao động không mơ màng gì đến giai nhân mà còn thẳng thừng tuyên bố :  “Một con quỷ tầm thường, không phải là quỷ vương quỷ quan. Mà là một con quỷ nô lệ thì không có quyền sở hữu bất cứ điều gì”, hay là chỉ nhắm vào cứu cánh là phải giết cho được vị pháp sư để tự giải thoát cho chính bản thân? Cuối cùng con quỷ nô lệ đạt được nguyện vọng là giết chết pháp sư. Nó rời khỏi cảnh nô lệ, rời bỏ gia đình pháp sư, giai nhân chạy theo tiếng gọi tình yêu, con quỷ cũng chẳng thèm đoái hoài? Đến đây là sự lưng chừng im lặng, nó trông chờ vào sự sáng tạo bổ sung hay khám phá của độc giả vượt qua những sự vật được tác giả dựng nên? Đó cũng là niềm thích thú thẩm mỹ khi chúng ta khám phá được cái chiều sâu hay cái tinh chất của hiện hữu; bấy giờ độc giả đã kết hợp với tác giả làm sáng tỏ cái chân lý vĩnh hằng: chân lý ấy chính là những qui luật theo đó  vận hành guồng máy nhân loại. Quỷ nô lệ ở đây thực chất là lao động chân tay, vô sản thuần túy, đời đời bị bọn pháp sư chính là tri thức lắm mưu lược, lại có những công cụ bùa phép bắt làm nô lệ, muốn giải thoát khỏi ách nô lệ thì phải tìm cách tiêu diệt kẻ có bùa phép mà thôi. Giai nhân là biểu tượng của nghệ thuật, muốn tồn tại cũng không sao tồn tại dược, hay chỉ tồn tại trong u sầu quằn quại cô đơn?
Còn trong Khoảng đời ngụ cư, câu kết của truyện là phản ảnh thảm kịch của một thời đại: Kẻ đã sống một cuộc đời ngụ cư ngay chính trên quê hương mình cho đến chết. Truyện Mùa nước son cũng như Lão gù ở ngã ba sông là những bi kịch của cuộc sống hiện tại. Tác giả dùng nhiều phương ngữ đưa vào ngôn ngữ truyện ngắn cũng là một loại sáng tạo.
Ưu điểm của tập truyện GTGVĐN là qua mỗi truyện ít nhiều đều có vấn đề đặt thành ẩn dụ khúc khuỷu - nhưng trước sau vẫn không vận dụng đến một thứ vũ khí tối hiểm tối độc là Sex như một số tác giả đương đại, thế là đáng phục đáng ghi nhận lắm rồi.
Để kết luận cho bài viết tôi xin mượn lời của Tam Ích nói về truyện ngắn “Ba sao giữa trời” của Bình Nguyên Lộc để chỉ cho phong cách của Nguyễn Đình Bổn trong tập truyện “Giữa trần gian và địa ngục: “Lời văn duy nhiên (naturalisme) đượm một hương vị khinh khoái, nhẹ nhàng, một thứ châm biếm kín đáo đối với những giá trị hiện hữu trong đời sống đương phản chiếu một thứ đạo đức giả nghìn kiếp của con người”.
Khổng Đức
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2 MƯỜI SÁU Trên mênh mông vùng đồi xứ Ai Len Tôi được Ban lãnh đạo khu sáng tác mang tên nh...