"Áo hương lãng đãng bên trời cũ"
Từ quê nhà xứ Quảng ông phiêu bạt vào Quy Nhơn, Sài Gòn rồi
ngược lên phố núi Pleiku để rồi cuối đời lại hành phương Nam, ở nơi thành phố
mà tuổi trẻ ông từng dấn thân trong phong trào sinh viên yêu nước xuống đường đấu
tranh vì hòa bình. Dù ở đâu thì Xuân Trường vẫn luôn “Áo hương lãng đãng bên trời
cũ”…
Nhà thơ Xuân Trường (ảnh), tên thật Nguyễn Trường, sinh ngày
12-12-1949 tại Đại Phong, Đại Lộc, Quảng Nam. Cha mất sớm trong chín năm loạn lạc
chống Pháp, anh em của ông sống nhờ vào sự tần tảo của người mẹ giữa vùng quê
nghèo khó. Cố gắng học hết bậc tiểu học, đến năm 13 tuổi ông được mẹ gửi vào
cho người cậu ở Quy Nhơn để tiếp tục nuôi ăn học.
Tốt nghiệp Tú tài phần hai Ban Toán, ông lại tiếp tục xuôi về
Nam vào học Trường Đại học Khoa học Sài Gòn. Vừa đi học vừa đi làm thêm để sống,
ông còn tích cực tham gia hoạt động yêu nước của lực lượng sinh viên xuống đường.
Từ trong phong trào tranh đấu vì hòa bình, ông được trui rèn
thêm bản lĩnh của một người con xứ Quảng vốn từng trải qua nhiều cơ cực. Cũng từ
đây, tình bạn của ông với nhiều đồng đội sát cánh bên nhau đã hình thành và
thân thiết mãi sau này.
Do hoàn cảnh khó khăn, năm 1970 Xuân Trường quay trở ra Bình
Định, dạy học ở một trường trung học tư thục để kiếm sống, đồng thời tiếp tục học
hàm thụ Ban Văn minh Việt Nam của Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn. Hai năm sau,
ông lại chuyển lên Pleiku dạy học, rồi xây dựng gia đình.
Đến tháng 3-1975, sau khi Tây Nguyên được giải phóng, ông đã
tham gia ngay công tác quân quản ở thị xã Pleiku, góp phần ổn định tình hình và
xây dựng cuộc sống mới ở vùng cao này. Được tổ chức tạo điều kiện, ông trở lại
giảng đường và học tốt nghiệp Đại học Tài chính, chuyển sang làm cán bộ quản lý
kinh tế lâm nghiệp, xúc tiến đầu tư thương mại, cải cách hành chính của tỉnh
Gia Lai cho đến khi về hưu. Chính nhờ gắn bó với vùng cao nguyên này mà Xuân
Trường cảm nhận được vẻ đẹp nên thơ kỳ diệu khó ai nắm bắt được:
Chiều Yarung làm bằng sương khói thác
Với nguyên sinh thăm thẳm của đại ngàn
Và trong xanh sông Ba mùa hóa đá
Thương ta ngồi mường tượng thuở
hồng hoang.
Với nguyên sinh thăm thẳm của đại ngàn
Và trong xanh sông Ba mùa hóa đá
Thương ta ngồi mường tượng thuở
hồng hoang.
Gần 35 năm thăng trầm, buồn vui ở cái xứ sương mù trời thấp,
để lại trong lòng ông rất nhiều kỷ niệm khó phai. Khi còn học trung học ở Quy
Nhơn, Xuân Trường có quen rồi yêu một nữ sinh, đến lúc ông vào Sài Gòn học thì
cô gái ấy về Pleiku dạy học, cuộc tình vẫn tiếp diễn qua thư từ. Ông cứ tưởng
như vậy là xong vì mình còn hai bàn tay trắng, đường sá lại xa xôi cách trở của
thời chiến tranh.
Thế nhưng một ngày nọ, theo lời ông: “Thật bất ngờ cô gái ấy
đã gửi thư bảo tôi về Pleiku đi đến hôn nhân, vì cô đã từ hôn một người cùng
quê mà gia đình đã buộc cô kết hôn nhân. Khi về Pleiku, tôi thật sự xúc động
trước sự đợi chờ, thủy chung của người mình yêu. Gia đình cô cũng niềm nở đón
tiếp tôi. Ngày cưới, xe đi qua vùng chiến trận đèo An Khê, tôi như nghe tiếng đạn
pháo xuyên qua niềm hạnh phúc của mình. Vất vả, sợ hãi rồi cuối ngày cũng đến
Pleiku. Cô gái ấy chính là người bạn đời của tôi bây giờ”.
Cho đến nay, Xuân Trường đã xuất bản 5 tập thơ: Chùm
thương nhớ, Tìm xưa, Không gian em, Nắng trầm tư, Chiếc cằm nũng đôi và
đang chuẩn bị cho ra mắt tập thơ mới trong năm 2016. Ông hiện là hội viên Hội
Nhà văn TP. Hồ Chí Minh và Hội Nhà văn Việt Nam. Hành trình làm thơ của Xuân
Trường cũng có những chuyện kỳ lạ.
Ông cho biết: “Tôi yêu thơ rồi làm thơ khi còn tuổi học trò
và sinh viên xuống đường tranh đấu. Đến sau năm 1975, tôi công tác ở một môi
trường không thuận lợi cho thơ nên thỉnh thoảng mới sáng tác và cũng không thể
hiện ở đâu cả. Cứ lặng thầm như vậy đến khi chuyển công tác qua doanh nghiệp rồi
lâm nghiệp. Đi nhiều biết nhiều, gần gũi với thiên nhiên, hiểu được sâu hơn
thân phận mỗi con người, nên tôi mới viết nhiều và chia sẻ với bạn bè. Có một vị
chủ tịch tỉnh biết tin, hay nhắc lãnh đạo ngành coi chừng tôi làm thơ bỏ bê
công tác. Ngược lại, có anh chuyên viên văn phòng ủy ban tỉnh lại bảo thơ là
góc cuộc đời nên động viên tôi cứ tiếp tục…”.
Gắn bó sâu sắc với Pleiku nhưng Xuân Trường vẫn khôn nguôi nỗi
niềm quê nhà. Trong bài thơ Quê cũ đầy xúc động viết khi trở lại thăm
đất mẹ sinh thành với bao kỷ niệm ngọt đắng thuở ấu thơ, ông nhẹ nhàng mà day dứt:
“Ta về quê cũ hôn lên gió
Đưa đón mây quê để tiễn mùa
Áo hương lãng đãng bên trời cũ
Ngọt ngào cay đắng đã thành xưa”
Đưa đón mây quê để tiễn mùa
Áo hương lãng đãng bên trời cũ
Ngọt ngào cay đắng đã thành xưa”
Trở về để rồi lại bắt đầu một hành trình mới, như ngày xưa
ông rời quê hương xứ Quảng để bắt đầu cuộc đời phiêu bạt và lấy thơ làm một
trong những điểm tựa cho cuộc đời mình: “Tôi nhắm mắt viết chiều lên ký ức/
Những câu thơ chưa hết chuyện ban đầu”. Và trên mỗi bước đi, quê nhà luôn là nỗi
canh cánh, nguồn cảm hứng cho những câu thơ hay bất ngờ hiện ra trong ông:
“Nắng đan vòm nhớ quê nhà
Mây xanh chia nắng con phà làm đôi
Nụ cười nghiêng mát phía tôi
Ai quăng con sóng bồi hồi sang em”.
Mây xanh chia nắng con phà làm đôi
Nụ cười nghiêng mát phía tôi
Ai quăng con sóng bồi hồi sang em”.
Xuân Trường là con người sống chân thành, nhiệt tình với bạn
bè và nhiệt huyết với thơ. Có lẽ nhờ vậy mà ở ông có nét hồn nhiên trẻ trung
hơn hẳn so với tuổi giữa lục tuần. Đúng như ông bày tỏ: “Thơ chưa thật sự nuôi
tôi được ngày nào nhưng thiếu thơ có lẽ đời tôi trở thành vô nghĩa.
Tôi đến với thơ vô tư, như một cách dấn thân yêu đời vậy
thôi. Tôi nghĩ rằng trong thời kỳ văn minh của con người hiện nay, mọi thứ vô
cùng đa đoan trong đời sống thường ngày, nên thơ rất cần để giải tỏa áp lực cuộc
sống và làm nhẹ lòng mình”.
10/1/2016
PHAN HUỲNH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét