Thứ Sáu, 27 tháng 12, 2019

"Cùng tử ngộ gia hương"

"Cùng tử ngộ gia hương"
... Lời thơ “Giao Cảm” nhẹ như sương
Đạo lý chở chuyên tự mạch nguồn
Thuật ngữ giáo điều không diễn giải
Mà nghe thấm đẫm vị an nhiên
Sáng mồng Ba Tết Đinh Dậu lên chùa Phi Lai ở Biên Hòa đảnh lễ Tam Bảo và hầu thăm tăng chúng, tôi được Hòa thượng Thiện Đạo tức nhà thơ Lăng Già Tâm trao tặng tập thơ có tựa đề “Giao Cảm”.
Cuối năm Bính Thân nhận khá nhiều sách báo tặng tôi cứ điểm qua và xếp lại đợi ra năm ngày rộng tháng dài sẽ nghiền ngẫm. Nhưng sáng thứ ba của 365 ngày năm Đinh Dậu được tặng món quà văn chương tôi cảm nhận được niềm hạnh phúc từ đấng bậc sứ giả của Như Lai ban phát cho một Phật tử tại gia. Tôi cho đó là một khởi đầu tốt đẹp từ đời đến đạo và từ đạo đến đời, vì thế tôi ưu tiên đọc đi đọc lại, chiêm nghiệm từng câu chữ của tập thơ này sau ngày hạ Nêu.
Lăng Già Tâm - cái bút hiệu nghe đã đượm mùi thiền triết - vi diệu như dòng Tào Khê ngọt mát chốn thiền môn.
Với bài tứ tuyệt “Vô Ngôn” tôi đọc từng từ của hai câu cuối:
Trăng xưa vờn biển mộng
Ta về trong mênh mông
(Vô Ngôn - Lăng Già Tâm)
Và:
Rồi một sớm mai hồng
Đất trời bỗng sáng trong
Dòng suối ven bờ cỏ
Niềm vui rộn trong lòng
(Dòng suối nguồn - Lăng Già Tâm)
Một hồn thơ trẻ trung, hồn nhiên, tinh khôi như nắng lụa đầu xuân trong một con người mà thực tế đang gánh vác nhiều trách nhiệm với Đạo với Đời. Công việc của một thạch trụ già lam giữa hai quê một kiểng...
“Ý Xuân” gởi gắm tâm tình của một cõi lòng rộng mở với vô lượng an lạc vô lượng yêu thương đến muôn loài muôn vật.
... “Nguyện cầu hết thảy chúng sanh
Từ bi trí tuệ an lành nơi nơi
Thương nhau chín bỏ làm mười
Cho cây hạnh phúc kết lời yêu thương” ...
(Ý Xuân - Lăng Già Tâm)
Hơn ai hết tác giả là người hiểu rõ sự vô thường sinh tử giữa cõi Diêm Phù Đề đầy vui buồn vinh nhục, khổ đau, tranh danh, đoạt lợi, rồi cuối cùng:
... “Có - không nào để phân trần
Đến đi rồi cũng một lần ai ơi”
(Vô Ngôn - Lăng Già Tâm)
Để tưởng niệm vị ân sư đạo cao đức trọng qua bài “Tỏa sáng Ca Sa”, người đọc cứ suy nghĩ là tác giả đang suy niệm về quy luật kế thừa tuy hai mà một, thầy trước trò sau...?!
Ca Sa hiện nét chân thường
Sắc không tròn ý, con đường hóa thân
Sen vàng nở đóa phù vân
Tử sanh bao thuở cũng ngần ấy thôi
Ngao du mấy độ luân hồi
Lời vàng tỏa sáng nụ cười chân tâm
Ứng thân vào cõi hồng trần
Hóa duyên khép lại, pháp thân hướng về
Tiêu dao cực lạc hương quê
Vô sanh pháp hội đề huề diệu âm...
Lành thay! Lành Thay!
“Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách” huống gì tác giả là bậc sĩ phu tuy xuất thế gian tu hành miên mật. Nhưng không vì vậy mà quên đi bổn phận công dân, với chí làm trai, với nỗi đau khi nước nhà lâm cảnh nồi da xáo thịt:
... “Đường tên đạn, hận cơn quốc biến
Mảnh tình này ai biến làm đôi
Nước non, non nước chung lời
Ngâm câu ký vãng, tiền người quan san”
(Quan Hà - Lăng Già Tâm 1972)
Ai là người có chút tâm huyết với non sông đất nước thì làm sao quên được Quảng Trị mùa lửa đạn 1972, bởi thế tác giả Giao Cảm đã thắt lòng khi hạ bút:
... “Có còn không em
Cây đào nghiêng mé nước
Bụi chuối sau vườn
Con trâu nhơi cỏ bên đường
Là thương là nhớ là vương chút này
Khói nhà ai đi lạc lõng chiều mây
Mẹ già bới đất vùi thây con mình...”
(C.Đ.X. - Lăng Già Tâm 1972)
Không hẹn mà hai tâm hồn thơ nhạc gặp nhau ở tứ thơ và lời nhạc “Bà Mẹ Gio Linh”...
Nỗi thống khổ của đồng bào khiến người thơ xốn xang đau nhức, chia sẻ nỗi niềm:
... “Thôi em, đừng khóc nữa
Ruột thắt gan cào
Để hôm nào anh về bên ấy
Góp chút tình người vun xới lại vườn rau
À ơi, non nước một màu
Đau thương gói gọn, nhịp cầu thênh thang”
(C.Đ.X. 1972)
Vâng! Nhịp cầu thênh thang để chia cắt và nhịp cầu thênh thang để nối lại hai bờ sông núi cho người với người đắng đót mến thương nhau...
Tác giả nguyên là nhà giáo, là hiệu trưởng của một ngôi trường Trung học của Phật giáo Việt Nam, trải nhiều dâu bể biến thiên ngôi trường không còn tồn tại, thầy trò bạn tác lạc lõng mười phương nhưng không vì thế mà họ quên nhau. Trong buổi họp mặt sau gần nửa thế kỷ ly tan, nhà giáo Thích Thiện Đạo đã hoan hỉ cất lời thơ đoàn tụ:
... Gió muôn phương, gió sẽ về thôi
Mái trường xưa, ôi! Lung linh màu phấn
Thơm giấy học trò và đậm nét thời gian
Trang sách cũ trinh nguyên lời hẹn ước
Để bây giờ và cho mãi xa xôi...
Mời anh mời chị
Mời các em cạn chén chung tình
Rượu đời có vị đắng cay
Rượu mình mình cứ đong đầy tình chung...
(Đ.N.T.G. - Lăng Già Tâm)
Ôi! Đẹp quá tình bạn lữ và tình sư đệ!
Là một nhà giáo, một tu sĩ, một nhà thơ nhưng trước hết tác giả là một người con, người con ấy đã quạt nồng ấp lạnh song thân cho tròn đạo hiếu đến lúc quy luật tử sinh chi phối... Có sự chia ly nào không đau buồn kia chứ, nhưng nhờ Phật lực tăng huy, Pháp luân thường chuyển, nên người thơ ghìm mình tránh tình cảm phàm phu, mà:
... “Chắp tay sen nở mười phương
Ba về tắm lại cội nguồn quê xưa
Ba ơi, thương mấy cho vừa
Hợp tan dâu bể, tiễn đưa quặn lòng”
(T. B. C. T. - Lăng Già Tâm)
Mẹ ơi, trong cõi vô cùng
Mẹ chừ xa lắm, tấc lòng quặn đau
Ngày xưa mẹ hát con nằm
Bây giờ con khóc mẹ nằm thiên thu...
Tay tiên nhẹ vén mây mù
Bát công đức thủy, ngao du liên đài...
Mẹ ơi, trong cõi trần ai
Có con dế nhỏ đêm dài kêu sương
(T. D. K. S. - Lăng Già Tâm)
Đúng vậy, dù chúng ta có già bao nhiêu, “lớn” bao nhiêu thì khi mất mẹ vẫn là con dế nhỏ mồ côi, là “chú dế mèn rụng càng run rẩy thở, ai dang tay đỡ nhẹ vuốt ve êm...” Xin đồng cảm và sẻ chia nỗi niềm mất mẹ!
Tập thơ Giao Cảm với 58 bài nhiều thể loại không phải để đọc cho vui, mà đọc để chiêm nghiệm, để hiểu thêm tâm sự buồn vui giữa thăng trầm thế sự từ trong đạo đến ngoài đời mà nhà thơ tu sĩ Lăng Già Tâm đã kinh qua.
Xin trân trọng cảm ơn món quà xuân đầy đạo vị và xin mượn khổ thơ cuối trong bài thơ Xuân Tự Tại của nhà thơ đế kết thúc bài cảm nhận:
... Vạn cổ quy lai, hề nhất phương
A ha! Cùng tử ngộ gia hương
Hốt kiến bạch đầu, sanh tử đoạn
Vạn cổ quy lai, hề nhất phương...
(Xuân Tự Tại - Lăng Già Tâm)
Ninh Xuân Thư Trang đầu xuân Đinh Dậu
Cùng tử Ninh Giang Thu Cúc.
Ninh Giang Thu Cúc
Theo https://vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Khơi lên ngọn khói chiều no ấm Đường đê cong, dáng mẹ hao gầy/ Chân bám bùn trong chiều mưa gió/ Lại có ngày nắng như đổ lửa/ Mẹ trở về ...