Thứ Ba, 31 tháng 12, 2019

Nỗi đau của Chế Lan Viên

Nỗi đau của Chế Lan Viên
Bao nhiêu người đã viết về Anh Chế, có lẽ cũng đủ lắm rồi, giờ tôi chỉ xin ghi lại một đôi điều hiểu biết của mình hay qua sự kể lể của những người thân về anh ấy.
Không dám dài dòng, tôi chỉ xin xác minh về một bài thơ Anh Chế đã viết tại bệnh viện Chợ Rẫy ngày 9-9-1988 trước khi mổ phổi, đó là bài Hội An, nay đã đưa vào trang đầu của quyển Di Cảo Thơ Chế Lan Viên tập III. Nếu đó là bài thơ bình thường như bao bài thơ khác của Anh ấy thì tôi cũng nên im hơi lặng tiếng cho nó trôi qua với thời gian, tha hồ ai muốn hiểu sao cũng được. Đằng nầy trên bài thơ ấy Anh Chế lại viết mấy dòng như lời thanh minh:
“Tôi chẳng yêu ai ở Hội An cả, nhưng tôi yêu đô thị ấy. Tuổi thơ tôi đã ở đấy (sáu bảy tuổi). Nhân xem các tranh Lưu Công Nhân vẽ về cao lâu Hội An, tôi tặng riêng anh bài này.Cũng là tấm lòng tôi mến anh và tài năng anh”.
C.L.V
Chính tôi là người mang bài thơ này đem đến trao tận tay cho Mai Quốc Liên để đăng lên báo Quảng Nam – Đà Nẵng. Khi cầm trên tay bài thơ Hội An vừa ráo mực tôi đã bồi hồi, nhưng trước mặt Anh Chế không dám mở một lời vì anh đã viết trước một cái “chapeau“ như vậy, nói gì bây giờ, anh ấy lại đang bệnh, ngoài mặt chúng tôi – nói chung những bạn bè – trước mặt anh đều nói nói cười cười, nhưng sau lưng anh ai cũng thầm lo cho cơn bệnh ngặt nghèo của anh. Vậy có bao giờ dám mở một lời gì làm cho anh buồn giận, nên đã im rồi thì im luôn mãi đến giờ. Nhưng nay mười năm đã trôi qua, chúng tôi cũng đã qua tuổi thất thập từ lâu, nếu lại im luôn thì sau này sẽ có bao sự hiểu lầm, tưởng lời Anh Chế nói “Tôi chẳng yêu ai ở Hội An“ là thật… Vì chính nhà thơ đã viết ra giấy trắng mực đen. Đời biết đâu có lúc nhà thơ cũng phải dối mình dối người… Giờ xin các bạn yêu thơ hãy bình tĩnh đọc lại bài HỘI AN:
Hội An chẳng là quê
Mà là hương, khổ thế
Quên quê, ai có thể
Hương ư? Ôi dể gì
Fhephô, ta phe nào?
Ôi, A Di Đà Phật!
Cái phe toàn nước mắt,
Chỉ phô toàn khổ đau!
Yêu ở đâu thì yêu
Về Hội An xin chớ
Hôn một lần ở đó
Một đời vang thủy triều
Xin chớ hôn gần bể
Từng đêm sóng đuổi người
Hồn ta hóa tượng Hời
Nữa khôn rồi nửa dại
“Anh là khỉ chùa Cầu“
Mắng xong anh, em khóc
Hương chùa hay hương tóc
Mắng khỉ mà người đau
Thế rồi ta xa nhau
Anh lên đài Vọng Hải
Tìm em mùa hoa dại
Hoa đây còn em đâu?
Không cần gặp Thiên Tào
Đòi một đời hạnh phúc
Chỉ cần cùng nhau khóc
Một giờ trong cao lầu.
Người ta có thể quên quê mà không thể quên hương, vậy là hương gì vậy, hương đô thị ư? làm gì có chuyện đó, chỉ là hương tình yêu mới khắn khít đến khó quên thôi, dù là hương đắng cay đời độc bạc… Giữa hai phe ta chọn phe toàn nước mắt, toàn khổ đau. Không yêu mà sao đau nhiều quá vậy? Hay đã yêu, được yêu, đã nắm trong tay bao ngọc ngà châu báu của đời, rồi trong một trường hợp nào ngang trái đẩy đưa đã buông tay đổ vỡ, cắt chia đôi đường. Còn rõ ràng hơn “yêu ở đâu thì yêu về Hội An xin chớ“ là sao? Gái Hội An không đáng yêu ư? Nói như thế này thì Hội Liên Hiệp phụ nữ Quảng Nam chắc phải đưa đơn kiện nhà thơ chúng ta mất. Đã hết đâu nhà thơ còn giáng cho một đòn chí tử “Hôn một lần ở đó, một đời vang thủy triều“. Đã cấm yêu còn cấm hôn nửa sao, nụ hôn gì mà ác nghiệt sẽ kéo dài triền miên đến cả một đời, nhất là nếu hôn gần bể ,còn tai họa hơn là từng đợt sóng sẽ liên tiếp đuổi theo người gây rắc rối đến nỗi hồn người sẽ hóa thành tượng Hời… Nhưng không phải tượng để người người chiêm ngưỡng, rồi mua lậu bán chuôi cho khách nước ngoài kiếm đô la…; mà tượng sẽ trở thành người thật “nửa khôn rồi nửa dại“. Cái hôn gì mà ghê thế, phải chăng đó cũng là nụ hôn Anh Chế từng viết: ”Cái dấu môi son nhà thơ để lại… không ai chùi nổi đâu ,nhất là các triết gai hay trổ tài khôn dạy người… Chỉ có thể, rửa nó bằng nước của sông Mê, bến Lú.
Tưởng không cần phải dài lời minh chứng hẳn ai cũng biết phố Hội An đã để lại trong tâm hồn , không cả cuộc đời anh Chế một dấu ấn đau buồn khôn nguôi. So với Lầu Ông Hoàng – Phan Thiết của Hàn Mặc Tử chả thấm vào đâu, vì nổi đau của Tử chỉ là số tạo ra một sự thăng bằng giữa thể xác và tâm hồn nên phải có một Mộng Cầm ruồng bỏ, một Thương Thương si mê giả vờ… Trái lại nỗi đau của anh Chế là nỗi đau thật sự, nó xuất phát từ một thiên tình sử đầy lâm ly, tuy nhiên vãn đến được kết quả vẹn toàn hôn nhân, có con cái (hai trai một gái). Nhưng đến nữa đường thì đứt gánh “anh đường anh, tôi đường tôi“. Cuộc tình duyên này bắt đầu vào khoảng năm 1942 – 43 Anh Chế về dạy Việt Văn (lúc bấy giờ gọi là Langue Indigène ) tại trường Trung học tư thục Chấn Thanh ở Đà Nẵng, thì nhà thơ kiêm nhà giáo nầy đã lọt vào mắt xanh cô nữ sinh đang học lớp Đệ Tam (3è annéc - tức là lớp 8 bây giờ). Kể tuổi thầy mới 22,23, và trò thì đang độ 17 xuân xanh – dáng người thùy mị xinh xinh, vào thời đó mà con gái được học đến bậc trung học – chỉ còn một năm nữa lên đệ tứ là cao quý lắm đấy. Đến được bậc học nầy thì chồng của họ phải là kỷ sư, bác sĩ hay trạng sư…, cho dù anh Chế cũng đã là thi sĩ nổi danh. Đời vẫn quan niệm đúng như thi sĩ Nguyễn Bính đã căn dặn con gái tương lai của mình: ”con ơi chớ lấy chồng thi sĩ, nghèo lắm con ơi, khổ lắm con.” Nên dù tình yêu của đôi bạn trẻ rất khắng khít, gia đình bên gái không bao giờ muốn gả con cho nhà thơ trẻ này, tuy nhiên thầy trò họ đã được cái may là đang ở vào thập niên 40 - 50, tuổi trẻ phần đông đã chiếm được lợi thế, không còn là thời cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy.
Thiên tình sử này khá dài dòng và đã được nhà thơ tiền bối Quách Tấn, cũng là người đóng vai trò quan trọng trong cuộc hôn nhân đầu đời của Chế Lan Viên, thuật lại đầy đủ trong tập Quách Tấn: Bạn và thơ sẽ xuất bản nay mai, nên ở đây chúng tôi chỉ lướt qua.Và mùa hè năm 1943 thì anh Chế thành hôn với người yêu của mình, mối tình đầu đời này kéo dài đến ngày anh Chế bị lao phổi phải qua Bắc Kinh để điều trị (khoảng năm 1958 – 59 ). Lúc bấy giờ họ đã có  ba con. Thế mà phải ly dị vì chị đã buớc sang thuyền khác. Lỗi này ở ai để người sau phẩm bình, 18 năm sau - 1987 - anh Chế cỏn ghi lại nỗi khổ đau này trong sổ tay:
Anh như con hươu soi vào đâu cũng thấy cặp sừng mình không chỗ giấu
Mà chỉ có cặp sừng này là bảo vật, giấu sao hươu (Cẩn thận - cầm tay 2)
Có hiểu được cảnh ngộ ngang trái này mới hiểu được đời thơ của anh Chế, một nỗi đau không nói được, hay không dám nói dù nói bằng thơ, cho nên:
… Tả một môi son, có khi anh chỉ nói sắc sen hồ.
Phải dấu tình cảm đi như ém quân trong rừng vắng
… Đời anh chỉ là một tiếng khóc òa
Khóc nghẹn ngào trong thơ
Hạnh phúc với anh chỉ có hồi kết thúc ,nhắm  mắt lìa đời…
Thật là định mệnh. Vì từ năm 1937 – 40 Anh đã viết:
Khi cây chết ta là chim bơ vơ
Khi không gian đã hết những đợi chờ
Khi trưa xuống khóc trên lòng song bể
Ta muốn ta mai sau là hạt lệ
Khóc trên lòng hậu thế những đau thương (Khi cây chết – Di cảo II)
Những câu thơ này chúng ta chỉ được đọc trong DI CẢO THƠ của Anh, và hình như cũng chỉ đựoc viết ra trong những năm cuối đời trong sổ cầm tay giấu kỷ. Còn nhớ trong những ngày anh lâm bệnh nặng, trong dịp tổ chức đêm thơ, chúng tôi đến nhà anh kiếm ít bài thơ mới nhất chưa hề đăng báo hay xuất bản thành sách, chi Vũ Thị Thường có đưa một quyển sổ tay khá dày để tìm ít bài hay in vào cái “dépliant“ làm thiệp mời cho trang trọng. Lúc bấy giờ anh đã khi tĩnh khi mê , nhưng khi nhìn chúng tôi dở sổ tay anh ra xem và ghi chép, anh tỏ ý - xuyên qua tiếng nói thì thào là chớ nên đưa ra… Bây giờ thi di cảo đã ra đến ba tập mà nào có mấy ai chú ý hay biết đến những hòn máu, những nỗi đau, những tiếng hkóc nghẹn ngào, những vết thương lòng…
Những vết thương gây bởi mùi hương lâu lành hơn cả
Chửa lành ư? Lại phải có mùi hương
May quá! đấy là vết thương không chảy máu, không có hình, không có sẹo và anh có thể đi lại, tươi cười, dầu bị tử thương (chữa lành – cầm tay!)
Anh còn gọi đó là vết thương dại dột, ngu đần chờ gì được ở cái khôn rành, khôn sỏi của châm ngôn. Khi đau, ta tránh hết các thánh thần, danh nhân, vĩ nhân đi nhé!
Để vết thương tự uống hết máu mình…
Nhưng khi vết thương tự uống hết máu mình, thì cũng là nhắm mắt lìa đời…
Vậy ngày nào còn sống thì “hãy đẻo tâm hồn mình cho thanh con rối
Anh hóa gỗ hóa dây hóa dại khờ ngủ sắc
Tuồng tích ấy chú rối mình đủ khóc
Cần chi bàn tay nào đến giật  dây thêm…
Làm thơ ư? Anh chơi cái trò bi kịch không ra bi
Hài kịch chả ra hài
Nhưng đã là số phận rồi, cứ phải chơi thôi…
Anh đóng kịch để nói điều rất thật
Đập đầu để nói chuyện nội tâm…
Để cuối cùng là: Người diễn viên đóng nổi trăm vai, vai nào cũng giỏi
Chỉ một vai không đóng nổi: vai mình!
Tóm lại đời của Anh Chế là một nỗi đau khổ triền miên, mà Hội An hay Đà Nẵng là dấu ấn muôn thuở, hay như anh nói:
Từ đáy biển chiếc nhẫn vàng chói lọi (Hồi nào ném đi lại lặn xuống đi tìm)
Bảo sóng cồn cào là sóng nhớ chớ đâu quên
Nỗi đau trong thơ anh Chế mênh mông như một đại dương, bài viết ngắn gọn này chỉ là một gợi ý nhắc nhở cho người sau biết mổi lần mò và cũng gọi là một đáp đền nhỏ nhoi kẻ đã thụ hưởng của anh ít nhiều ân huệ.
Chú thích: Phephô là tên xưa của Hội An.
Khổng Đức
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2 MƯỜI SÁU Trên mênh mông vùng đồi xứ Ai Len Tôi được Ban lãnh đạo khu sáng tác mang tên nh...