Thứ Sáu, 27 tháng 12, 2019

“Phù Sa” bồi đắp quê hương

"Phù Sa" bồi đắp quê hương
(Phù Sa - Thơ Lê Phương Nguyên) 
Buổi họp mặt văn nghệ sĩ Phật giáo tại tu viện Phước Hoa, nhân lễ Đại tường cố hòa thượng Thích Thông Quả tại Long Thành, Ninh Giang Thu Cúc được nhà thơ Lê Phương Nguyên tặng thi phẩm Phù Sa.
Cái tựa của tập thơ làm cho người đọc hình dung trước mắt mình là một vùng đất cát phì nhiêu màu mỡ cho cây xanh trái ngọt, nuôi nấng cả một khối quần sinh đang tồn tại trong không gian no ấm trong lành…
Đó là tầng nghĩa thứ nhất, và không phải chỉ có chừng ấy, chỉ có tâm niệm ấy như người đọc đã dàn trải ở phần trên – bởi càng đi sâu vào nội dung của một trăm lẻ hai bài thơ (102) nhiều thể loại trong Phù Sa, chúng ta thấy tác giả đã trải qua nhiều cảm trạng, nhiều nỗi niềm của một kẻ sĩ bất phùng thời; đang “Vỗ gươm mà hát/ Nghiêng bầu mà hỏi*”. Hỏi ai? - Hỏi mình và hỏi những kẻ “Cùng một lứa…” hỏi trời đất trăng sao, hỏi minh quân lương tể, hỏi cỏ cây hoa lá, bởi theo tác giả đều có chung một tâm trạng cảm hoài…
Trong hoàn cảnh “Một chiếc cùm lim…/Ba vòng xích sắt**…/ thì ta là Người hay Người là ta để thành Quốc tặc và Anh hùng:
“Tài hoa đến tả tơi đời
Hồn kiêu bạt quá cõi Người khó dung
Đất trời cũng đất trời chung
Nào ai Quốc tặc Anh hùng nào ai?”
(QT VÀ AH - LPN)
Người đọc cảm khái với “Nỗi lòng phù sa”
“Từ Núi theo Sông ta về cuối bãi
Rồi lắng mình - không góp mặt trùng dương”
Aha! Tiết tháo và khí phách làm sao!
Tâm cảm vô cùng với những vần thơ gan ruột.
“… Núi sông đã nhuốm màu tan vỡ
Lạnh lắm! Nhân gian tiếng thở dài…”
(ĐN - LPN)“… Lòng ta lặng chết cõi hư vô,
Gác kiếm buông xuôi mộng hải hồ;
Nợ nước khốn cùng chưa trả được,
Tình nhà như dứt một đường tơ!...”
(ĐB - LPN)
“…Phiêu bạt trong trời muôn thuở trước,
Hậu Đình vong quốc khúc còn vương…”
(ĐB - LPN)
Đọc hai câu trên tôi bỗng nhớ hai câu thơ cổ của nền văn chương Trung Hoa xa xưa
“Thương nữ bất tri vong quốc hận
Cách giang do xướng Hậu Đình hoa”
Người đàn bà nhân vật trong hai câu thơ trên đáng bị đánh đòn phải không?!
Là con dân của một đất nước có bốn nghìn năm văn hiến; với bao lớp tiền nhân đã chiến đấu và chiến thắng thù trong giặc ngoài, đã từng tuốt gươm thiêng bình Chiêm phá Tống để cơ đồ Đại Việt được vững vàng bên bờ Thái Bình Dương hùng vĩ. Oai hùng là vậy, lịch sử đã ghi nhận những chiến công hiển hách của ông cha; và lịch sử cũng rất công bằng khi phán xét những đứa con nảy nòi phản bội dân tộc quê hương - có một Trần Hưng Đạo bảo vệ đất nước chống Nguyên Mông thì lại có một Trần Ích Tắc bán nước cầu vinh, mồm xoen xoét câu mị dân hại nước phản phúc giống nòi để hậu sinh phải quặn lòng khi lật trang sử cũ.
“… Sang sông đã vội đốt cầu
Khói xây chiến tích dấu màu vô ơn…”
(XTLS - LPN)
Và cứ thế - tác giả miên man nỗi sầu vô tận, trong ngóng khách tri âm không có buổi tương phùng.
“Ta, cây Ngô đồng trên vùng đất khổ
Mỏi mòn trông chẳng thấy Phượng hoàng đâu…”
Sự mòn mỏi trông đợi chưa được đáp hồi (hay không được), nhưng tác giả vẫn ôm niềm chung thủy đợi chờ:
“… Cây Ngô đồng đã quen trời mưa bão
Mà Phượng hoàng ơi, Em đã bay xa
Em cứ bay cao… mong đừng lảo đảo
Còn có anh đứng đợi giữa quê nhà…”
Vâng, anh vẫn kiên gan cùng tuế nguyệt mong ngày đoàn tụ - “Ngô đồng” vẫn đứng vững dù “giông bão” khắc nghiệt, dù “lũ quét” tàn bạo - “Ngô đồng” vẫn vươn cao tấm thân bảy thước để đón Phượng hoàng về đậu cho trọn niềm tri kỉ tri âm:
“… Năm tháng qua đi, sống cùng sỏi đá,
Cuộc tồn sinh, dâu bể phất tay cười!
Cây Ngô đồng không mơ bờ bến lạ,
Ngày em về, Sông Núi sẽ thêm vui!...”
(PHVNĐ - LPN)
Xin vô cùng ngưỡng mộ sự chung thủy trung trinh của cây Ngô đồng…
Với mảng thơ tự sự về những sinh hoạt thường nhật của cá nhân; tác giả Lê Phương Nguyên đã không đổi hình mượn bóng, không ẩn dụ hoán dụ trong bút pháp, mà chữ nghĩa thẳng băng đào cùng tát cạn:
“Ăn cơm uống nước xong rồi
Dâng hương, đốt thuốc, nhìn trời đếm sao
Tàn hương ta mới quay vào
Mở internet đón bao sự đời;
Sự đời có lắm chuyện vui
Mà sao đất nước của tôi vẫn buồn…”
(HĐTĐTLX - LPN)
“… Mở cửa ra nhìn núi vẫn còn,
Lòng vui, lót dạ mấy lưng cơm,
Chè xanh một bát thơm mùi lá,
Vác cuốc ra vườn chân dẫm sương…”
(LN - LPN)
“Vườn rau ao cá đủ cơm ăn
Xin cảm ơn đời lúc khó khăn
Trà vối lưng bình, hương nhẹ thoảng
Thuốc rê dăm điếu, khói lâng lâng
Chiều buông, sách mở tìm men Thánh,
Đêm xuống, đèn khêu đợi bút Thần.
Vương vấn nợ đời chưa trả được,
Nên lòng còn thẹn với tri âm…”
(CTNV - LPN)
Toàn bộ tác phẩm với một trăm lẻ hai bài thơ (102), duy nhất chỉ có một bài thất ngôn bát cú luật Đường viết theo lối thuật sự, cập luận rất “ngôn chí”.
“… Chiều buông mở sách tìm men Thánh
Đêm xuống, đèn khêu đợi bút Thần”
Đó là thái độ sống, là xuất xử của một kẻ sĩ, của một ẩn sĩ; người xưa đã từng quan niệm “Loạn thế độc thư cao”, đúng vậy!
Toàn tập phù sa đã đem lại cho người đọc niềm trở trăn theo từng con chữ, từng ý tưởng, từng thực tế trải nghiệm của người thơ Lê Phương Nguyên. Ta đắng lòng cay mắt khi đọc “Cuộc hội ngộ đau lòng” (trang 19), ta đồng cảm xót xa khi dán mắt vào “Mơ cố hương” (trang 21), còn nữa và còn nữa…
Nhưng thôi, người đọc chỉ xin dẫn trích một số bài tiêu biểu – kẻo không, lại bị kết tội là đa ngôn, đa quá.
Cuối cùng, xin có một lời gan ruột kính được tâm sự chia sẻ với các khách thơ, với các người thơ - bởi chúng ta cùng mang chung một nghiệp dĩ “trời đày” là làm thơ, vì thế hãy vì đời, hãy vì người, và hãy vì thơ, mà làm cái điều Lê Phương Nguyên ao ước, đó là:
Giữ Lửa
Mùa mưa đến giữ cùng nhau chút lửa
Để cho lòng bếp ấm chín niêu cơm
Để được nhìn mái tranh chiều khói tỏa,
Thời gian trôi không lạnh nữa trong hồn…
Xin cảm ơn cuộc đời, cảm ơn những hồn thơ đích thực… Vô cùng cảm ơn người thơ Lê Phương Nguyên.
Ninh Xuân Thư Trang 
tàn thu Đinh Dậu 2017
Ninh Giang Thu Cúc
Theo https://vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Truyền kỳ Nguyễn Công Trứ: Sinh ra không khóc, không thèm nhìn đời Vừa mới lọt ra khỏi lòng mẹ, cậu bé Nguyễn Công Trứ đã tỏ ngay sự ngô...