Thứ Bảy, 28 tháng 12, 2019

Vẻ đẹp xứ Thanh qua thơ và nhạc

Vẻ đẹp xứ Thanh qua thơ và nhạc
Vẻ đẹp của quê hương Xứ Thanh từ  xa xưa đã từng được khắc họa trong thơ, nhạc và xứ Thanh còn có một cái tên vừa kiêu sang, vừa mạnh mẽ  đó là “Thanh Kỳ Khả Ái”. Cái tên “Thanh Kỳ Khả Ái” từ đâu mà có?.
Cầu Hàm Rồng. Ảnh: Trần Đàm
Nếu có một lần bạn lên ngắm cảnh động Hồ Công, xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Lộc, bạn sẽ thấy có một tảng đá nằm chắn ngay trên lối đi, có khắc bốn chữ Hán rất lớn: “Thanh Kỳ Khả Ái”.
Động Hồ Công là một trong “đệ nhất động” mà nhiều tao nhân, mặc khách đã đến thăm ngắm và đề thơ. Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều người đặt câu hỏi, câu “Thanh Kỳ Khả Ái” ca ngợi xứ Thanh xinh đẹp, đáng yêu đó là của ai đặt tên cho mảnh đất này, và khắc tác vào đá? Theo nhà nghiên cứu văn hóa Hương Nao thì bắt đầu từ việc tìm hiểu bài thơ khắc trong động Hồ Công của Chúa Trịnh Sâm có nội dung như sau:
“Trùng trùng nẻo đá lượn quanh co/ Đỉnh núi nhô cao một Ngọc Hồ/ Đá hóa cóc già châu tỏa sáng/ Son phai tượng cũ tuyết loang mờ/ Bóng mây chấp chới hình tiên bước/ Hang nắng lung linh dáng hỏa lò/ Đất phúc xưa nay bao thắng tích/ Nhọc chi tô điểm “Võng Xuyên đồ”. Nhà nghiên cứu văn hóa Hương Nao khẳng định: “Qua bút tích khắc thơ trên động Hồ Công của Chúa Trịnh Sâm và căn cứ vào ngày, tháng, năm ông có mặt ở đó giúp chúng ta xác định được chính xác bốn đại tự “Thanh Kỳ Khả Ái” được khắc trên phiến đá nguyên khối, trên đường đi tới động Hồ Công là của Chúa Trịnh Sâm.
Chúa Trịnh Sâm tuần du khắp nơi, được thưởng ngoạn nhiều thắng cảnh nước non đất Việt, với tâm hồn thi sĩ, những cảm xúc đã được ông chép lại hoặc cho các quân, tướng khắc tạc trên đá. Cũng với phong cách thích cảnh tiêu giao và yêu quý quê hương, đất nước, trong lần nhà chúa có chuyến công du tới vùng Nga Sơn, ông cũng đã có thơ đề trước cửa Thần Phù: “Đêm trăng bơi thuyền qua Thần Phù/ Gió nhẹ triều dâng trăng sáng trôi/ Lênh đênh chiếc lá thuận dòng xuôi/ Làn sông ngấn biếc bờ đôi phía/ Rặng núi hang xanh bóng giữa vời/ Thấp thoáng mâm châu am cổ hiện/ Thập thình chày ngọc giọt thu rơi/ Bàn về La Viện xưa đè sóng/ Biển cạn trời yên chuyện cũ rồi”. Bài thơ tả đêm trăng nhà chúa bơi thuyền qua cửa Thần Phù sóng lặng, biển êm nên cảnh sắc càng lung linh, tuyệt đẹp bởi “gió nhẹ’, “trăng sáng”, “đôi bờ sông ngấn biếc”, bằng ngôn ngữ tinh tế, ông đã “vẽ” nên bức tranh đẹp bởi thiên nhiên hoang sơ và hữu tình. Cũng trong dịp này, ông còn đến hang Từ Thức và đề thơ trong động: “Rời thuyền thửa hứng viếng Từ Công/ Cửa động y nguyên khóa ánh hồng/ Xiêm ráng vách treo rờn gấm vóc/ Phượng reo đá gõ vọng cung thương/ Duyên tiên từ thuở ba sinh hẹn/ Bể khổ nay đà mấy độ dâng/ Chớ bảo Dao Trì ngày thấm thoắt/ Chơi đây nào khác dạo Bồng Hang”. (bản dịch Hương Nao). Người xưa phương tiện chính là thuyền bè, nhưng không có nghĩa là không có con đường bộ nào khác ngoài sông biển.
Tuy nhiên, trong những chuyến công du nhàn tản, họ vẫn chọn đường biển cho gần nơi cần đến. Hơn thế, sông nước, núi non, hang động, cây lá, vốn là chủ thể làm nên những cảm xúc thẩm mỹ cho thi sĩ có cảm hứng sáng tác. Trong những vần thơ đó, nổi lên chủ đề chính là ngợi ca cảnh đẹp của xứ sở quê hương.
Vua Lê Thánh tông từ Thăng Long về bái yết Sơn Lăng (Lam Kinh) rồi đi thuyền rồng trên sông Mã để quay ra. Khi qua Hàm Rồng, thấy cảnh đẹp, ông cho thuyền ngự neo lại ven bờ rồi lên động Long Quang ngắm cảnh đẹp nơi đây. Ngài có thơ đề động Long Quang rằng: “Sườn non xanh đẹp dạ bồi hồi/ Xa ngắm bao la cảnh đất trời/ Những tưởng lễ rồi phong Tráp Ngọc/ Nào ngờ lạc lối tới Thiên Thai/ Mây nhàn ngập đất không người quét/ Sương núi trăm hàng chắn nắng soi/ Sóng cuối ven rừng duyên dáng lượn/ Như mời khách quý đến thăm chơi”.
Tản Đà tên thật Nguyễn Khắc Hiếu (1889 - 1939), người làng Khê Thượng, xã Sơn Đà (Ba Vì, Hà Nội ngày nay) với bài thơ “Nhớ cảnh cầu Hàm Rồng” đã để lại cho đời sau một văn bản thấm đẫm tâm tình đối với cảnh đẹp của Thanh Hóa, để hôm nay, mỗi lần đọc lên, chúng ta như thấy khung cảnh xưa vẫn hiện diện trong đời sống hiện đại hôm nay: “Ai xui ta nhớ Hàm Rồng/ Muốn trông chẳng thấy cho lòng khôn khuây/ Từ ta trở lại Sơn Tây/ Con đường Nam - Bắc ít ngày vãng lai/ Sơn cầu còn đỏ chưa phai?/ Non xanh còn đối, sông dài còn sâu?/ Còn thuyền đánh cá buông câu?/ Còn xe lửa chạy trên cầu như xưa?/ Lấy ai viếng cảnh bây giờ?/ Mà hay cảnh có đợi chờ cùng nhau?/ Ước sao sông cứ còn sâu,/ Non cao còn cứ giữ màu xanh xanh,/ Khung cầu còn cứ như tranh,/ Hỏa xa cứ chạy bộ hành cứ đi,/ Xuân sang cỏ cứ xanh rì/ Thuyền ai chài lưới con chì cứ tung...” .
Học cách biểu đạt tình yêu quê hương của người xưa, các nhà thơ hiện nay, mỗi người thể hiện một cách, nhưng đều có điểm chung là từ tình yêu đất và người xứ Thanh mà thi cảm tràn lên ngòi bút. Trong bài thơ “Cứ về Thanh Hóa một lần” của nhà thơ Nguyễn Minh Khiêm đã đưa bạn đọc đến với từng danh lam, thắng tích xứ Thanh thông qua những vần thơ: “Cứ về Thanh Hóa một lần/ Thì em hiểu hết người dân xứ này/ Vì sao hát lại “dô huầy”/ Vì sao nhiều lúc đò đầy vẫn sang/ Vì sao đi cấy sáng trăng/ Vì sao hạt cát cũng vang trống đồng”. Ngoài việc muốn giới thiệu điệu “hò sông Mã” với nhịp phách nhanh, mạnh, quyến rũ, bạn đọc sẽ còn ngạc nhiên về một pho cổ tích về đất và người trên quê hương xứ Thanh qua thơ Nguyễn Minh Khiêm: “Đâu cũng thần núi, thần sông/ Đâu cũng truyền thuyết thêu trong, dệt ngoài/ Ngõ quê rung tiếng Trạng cười/ Rạ rơm ăm ắp những lời giao duyên/ Đá mơ Từ Thức lên tiên/ Lưới chài rách cũng vớt lên gươm thần...”.
Nhà thơ Văn Đắc khi tới đất luyện binh của Bà Triệu đã có thi cảm với người mình yêu: “Đến đây rồi, ơi Triệu Sơn/ Hoa sim tím, có tím hơn những mùa? Lượn vòng biếc giải núi Nưa/ Rừng xa, dốc dựng hẹn chờ người lên...”. Nhà thơ Trịnh Anh Đạt trong bài thơ “Rau má” lại có một câu thơ mang tính khái quát tài hoa về con người xứ Thanh mộc mạc đáng yêu: “... Vĩ nhân và các đời vua/ Cũng từ rau má ốc cua nên người...”. Nhà thơ Huy Trụ trong bài thơ Sông Mã, có một khổ thơ ám ảnh lòng người khi nói về những khó khăn, gian khổ của mảnh đất này: “Một tiếng gà giữa ngã ba Bông/ Dân sáu huyện cùng nghe, người sáu làng cùng thức/ Một tiếng huầy dô xô con đò dọc/ Người trên bờ áo ướt đẫm mồ hôi...”.
Nhạc sĩ Đồng Tâm đã viết nên hình ảnh chàng trai Thanh Hóa đã chinh phục được người con gái phương xa bằng một bài hát tự hào, kiêu hãnh: “Em có về làm dâu quê anh/ nơi hàng dừa xanh xanh thẳm trời quê/ Em có về làm dâu quê anh/ nơi đồng xanh xanh ngô lúa/ Nơi Sông Mã xanh trong/ câu hò Sông Mã qua bao nắng hè/ bao thác ghềnh với bao bến bờ....!”.
Bên cạnh những nhạc phẩm về xứ Thanh, có một bản nhạc khác biệt và ấn tượng bởi nhịp Rốc tốc lực, âm vực mạnh, người nghe hát như đang chơi vơi trên con thuyền hư thực giữa sóng nước Mã giang sơn thủy hữu tình: “Ai về Thanh Hóa/ Dô tả dô tà/ Thanh Hóa anh hùng sáng ngời hò khoan/ ế dô khoan ta hò khoan/ Miền quê Lê Lợi/ ế dô khoan ta dô khoan/ Đã lừng sử sách/ Dô tả dô tà ế dô khoan là dô khoan/ huầy khoan/ hò khoan/.../ Càng hăng đánh giặc/ ế dô khoan ta dô khoan/ Chứ ta càng sản xuất thắng to/ Dô tả dô tà...” .
Trong bài viết nhỏ này, không thể kể hết những tác phẩm thơ, nhạc ngợi ca đất Thanh Kỳ Khả Ái đã ghi dấu ấn trong lòng người dân xứ Thanh và bạn bè cả nước. Những tác phẩm trên chỉ là một trong nhiều tác phẩm của các bậc vua, chúa, tao nhân mặc khách từng khắc đá đề thơ và các thi sĩ đã góp phần làm nên hồn cốt của mảnh đất có trầm tích văn hóa lâu đời, địa linh nhân kiệt và làm nên một danh xưng xứ Thanh đang ngày càng phát triển như hôm nay.
Viên Lan Anh
Theo http://baothanhhoa.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Khơi lên ngọn khói chiều no ấm Đường đê cong, dáng mẹ hao gầy/ Chân bám bùn trong chiều mưa gió/ Lại có ngày nắng như đổ lửa/ Mẹ trở về ...