“Thi sĩ Bích Khê là người có đôi mắt rất mơ, rất mộng, rất ảo,
nhìn vào thực tế thì sự thực sẽ thành chiêm bao, nhìn vào chiêm bao lại
thấy xô sang địa hạt huyền diệu”. Đây là lời phẩm bình của Hàn Mặc Tử được
Hoài Thanh dẫn lại trong “Thi nhân Việt Nam” khi giới thiệu về Bích Khê (1).
Riêng tôi, nhìn những bức chân dung Bích Khê còn lại, ấn tượng đầu tiên chính
là đôi mắt sáng và tròn với đầy vẻ ngạc nhiên, ngỡ ngàng… Hình như, chỉ có đôi
mắt ấy mới phát hiện ra cái gì trên đời (dù là cái bình thường, cái đẹp hay cái
xấu xa, gớm ghiếc, ghê tởm phàm trần…) cũng mới, cũng muốn hỏi, cũng đáng để ngạc
nhiên, để “Ô lên!” cho đời nghe, người thấy... Chính điều này đã dẫn tôi đến
công việc thống kê của một người nghiên cứu.
Đo đếm để thống kê là công việc khô khan nhất của người làm
tiểu luận văn chương, nhưng khi đã tìm ra những minh chứng mình cần đi tìm để
bênh vực, khẳng định cho mục đích của mình thì quả là niềm vui đến và lúc ấy thấy
lòng dạt dào thi vị. Chỉ với 2 tập thơ nhỏ (Tinh huyết và Tinh hoa), tôi đã thống
kê được trong thơ Bích Khê có đến 165 từ liên quan đến “Đôi mắt” (Mắt: 68 từ,
Mi: 04 từ, Khóc: 35 từ, Lệ: 30 từ, Châu: 28 từ); 110 thán từ (18 “Ô!”, 7 “Ồ!”,
52 “Ơi!”, 33 “Ôi!”) và có tổng cộng đến 111 dấu chấm hỏi (?) và 309 dấu chấm
than (!).
Cái đôi mắt hình chữ “O” tròn, sáng, sắc của Bích Khê như là
một minh chứng để nhận ra: dường như nhìn đời, Bích Khê thấy cái gì cũng lạ.
Thiên nhiên lạ, con người cũng lạ, cả cái đẹp “dâm” và “cuồng” của xác thịt
cũng cứ mãi lạ lùng, cứ mãi đắm mê, cứ mãi mãi ngạc nhiên. Có lẽ như thế chăng
mà ai đọc thơ Bích Khê, cả người cùng thời (Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Hoài
Thanh), cả người thời sau (Thanh Thảo, Trần Đình Sử, Phạm Xuân Nguyên…) đều mãi
thấy Bích Khê luôn hiện đại. Mỗi phát hiện thơ là một tiếng “Ồ” đầy kinh ngạc.
Bản thân tôi cũng là người mải mê đọc Bích Khê và mãi mãi thấy lạ lùng để bây
giờ lại bất chợt reo lên “Ô! Mắt Bích Khê”.
1. Ô cặp mắt đa tình ngời sắc kiếm!
Câu thơ này của Bích Khê thể hiện rõ ràng nhận xét của Hàn
thi sĩ: “Thi sĩ Bích Khê là người có đôi mắt rất mơ, rất mộng, rất ảo,…”, nghĩa
là rất lãng mạn, đa tình, nhưng cũng chính câu thơ này đã tạo nên sự mâu thuẫn
trong đôi mắt ấy qua hai vế đối lập: “đa tình - ngời sắc kiếm”. Ánh mắt sáng quắc,
ngời lên vẻ ngạc nhiên kỳ thú với tất cả những ngỡ ngàng.
Chính vì thế mà “đôi mắt mùa thu” của Bích Khê không mơ màng
thu mà lại “xanh tợ ngọc”; “lưới lông mi” không rủ buồn thị giác mà đầy cảm giác
“rờn rợn ánh tơ đêm”. Sáng tỏ, rờn rợn với “ánh” nhìn rất sắc cho dù là “mắt
mùa thu”: Đâu đôi mắt mùa thu xanh tợ ngọc?/ Lưới lông mi rờn rợn ánh tơ
đêm (Mộng cầm ca)
Nhìn vào mắt ấy, ta tưởng chừng có thể nhìn thấy tận cùng đáy
mắt, tận cùng tấm lòng chàng. Mắt Bích Khê cứ thế: trong - sáng - sắc: Ôi!
Cặp mắt của người trong tựa ngọc/ Sáng như gươm và chấp chóa kim cương! (Cặp
mắt). “Tựa ngọc”, “ngời sắc kiếm”, “sáng như gươm” lại “chấp chóa kim
cương” thì rõ ràng mỗi “cái ngó” đã là “sao”, “mỗi liếc yêu” đã “phảng phất
hương” bay huyền diệu. Phát hiện ra “mùi hương” từ một cái “liếc mắt” quả là một
độc đáo của Bích Khê đáng để được ngạc nhiên: Mỗi cái ngó là một vì sao mọc!/ Mỗi
liếc yêu là phảng phất mùi hương (Cặp mắt). Mắt lại “chứa hào quang” để dẫn dắt
hồn người vào “thế giới thiêng liêng”: Mắt ấy chứa hào quang sáng ngợp/ Dẫn
hồn ta vào thế giới thiêng liêng (Cặp mắt).
Chính vì lẽ đó mà mắt Bích Khê hòa trộn vào mắt giai nhân. Giai nhân đẹp bởi “mắt mơ”, nhưng dẫu có “mơ” vẫn không đượm buồn mà chứa chất cả một trời “ngây thơ” để thi sĩ ôm chầm lấy nó: Anh tính ôm chầm lấy mắt mơ/ Lấy môi lấy má…lấy ngây thơ (Ảnh ấy). Nước mắt Bích Khê hòa trộn vào nước mắt giai nhân trong “Ảnh ấy”. Nhà thơ tự mê đắm với cảm xúc chính mình: Anh úp mắt vào đôi mắt ấy,/ Rồi không ngăn được, lệ anh tuôn… (Ảnh ấy).
Chính vì lẽ đó mà mắt Bích Khê hòa trộn vào mắt giai nhân. Giai nhân đẹp bởi “mắt mơ”, nhưng dẫu có “mơ” vẫn không đượm buồn mà chứa chất cả một trời “ngây thơ” để thi sĩ ôm chầm lấy nó: Anh tính ôm chầm lấy mắt mơ/ Lấy môi lấy má…lấy ngây thơ (Ảnh ấy). Nước mắt Bích Khê hòa trộn vào nước mắt giai nhân trong “Ảnh ấy”. Nhà thơ tự mê đắm với cảm xúc chính mình: Anh úp mắt vào đôi mắt ấy,/ Rồi không ngăn được, lệ anh tuôn… (Ảnh ấy).
Nhưng tỉnh táo lại sau cơn xúc động, nhà thơ đã khóc thương
cho chính mình bởi đã nhận ra sự thật phũ phàng: Nước mắt tràn trên đôi mắt
ấy,/ Nào hay anh khóc, phải em đâu! (Ảnh ấy). Và tác giả tự trả lời cho
mình: -Đời mô em khóc vì anh khóc/ Cho lệ lòng anh bạc vẻ sầu (Ảnh ấy).
Ngấm nỗi đau nhân thế, nhưng với nhà thơ thì một lần được
khóc thật với chính xúc cảm của mình là một lần sáng bừng lên thi tứ. Giai nhân
hòa trộn cùng người thơ, nước mắt thật của nhà thơ lai láng trên mắt giai nhân,
nhạt nhòa trên tấm ảnh giai nhân. Và trong phút giây đốn ngộ ấy, nhà thơ chợt cảm
thấy: với nhà thơ, được khóc thật, là một niềm hạnh phúc, vì suy cho cùng, cái
cặp đôi: “giai nhân - tài tử” cũng chỉ “nòi tình”, cũng là chỉ một mà
thôi: Anh khóc mắt anh trong mắt ấy/ Để rằng: -Em khóc với anh đây! (Ảnh
ấy). Thi nhân với giai nhân hình như là một, như trộn hòa làm một, tài hoa bạc
mệnh như Kiều, như Tố Như, như Tiểu Thanh, như Khuất Nguyên… và kể cả “phu
nhân” Hồ Xuân Hương của chính Bích Khê nữa: Lạ sao! Cả rạp không ai khóc/ Chỉ
có mình cô khóc với cô (Cùng một cô đào hát bộ).
Đọc Bích Khê, ta có cảm giác, người thơ lãng mạn, mê đắm cũng
từ đôi mắt và “rợn người”, rung động cả châu thân cũng từ đôi mắt, và, có thể
nói thật hơn, đúng bản chất hơn, thì “cuồng và dâm” cũng từ đôi mắt: Bỗng
đôi mắt hiện hình - Đôi mắt ngọc/ Ôi đôi mắt! -Toàn thân tôi rởn ốc!/ Cả
linh hồn óc não phổi tim gan (Châu). Đến cả “vùng tang”, cả cái chết cũng xuất
phát từ đôi mắt: Ôi mắt người! mắt người! hiện rõ rệt:/ Ta gào lên…
chấn động cả vùng tang (Cặp mắt). Giữa nỗi đau ứ lệ cũng hóa thành ánh sáng “ngời
châu”, cũng hóa thành âm nhạc vang âm “sóng nghê thường” và cũng hóa thành những
chuỗi ngọc ngà: Mắt ngời châu rung ánh sóng nghê thường;/ Lệ tích lại
sắp tuôn hàng đũa ngọc (Tranh lõa thể).
Đến đây thì rõ ràng chủ nghĩa tượng trưng thấm đẫm trong thơ
Bích Khê: giữa cái chết “vùng tang” và cái đẹp “ đôi mắt ngọc” đã trộn hòa làm
một.
2. Ô trời hôm nay sao mà xanh!
Với mình, với đời, với thơ, Bích Khê đã thế, khiến ta cứ ngỡ
chàng chỉ ngạc nhiên, tròn mắt trước nỗi buồn đời, buồn mong manh phận người,
buồn “thân bệnh” của phận mình… Nhưng không, cái sự ngạc nhiên đến xoe tròn mắt
kia còn là sự ngạc nhiên đến ngỡ ngàng, đến lạ lùng khi Bích Khê đối diện cùng
thiên nhiên. Nỗi buồn thu với Bích Khê cũng lạ đến vô cùng. Lá thu rơi vàng là
một thi ảnh thường gặp nhiều, nỗi buồn cũng là một chủ đề thường trực trong Thơ
Mới, thế nhưng, bằng cái nhìn của ánh mắt tượng trưng, Bích Khê đã biến những
lá vàng kia thành cả một trời vàng: “Vàng rơi! Vàng rơi”, cho nên khi gặp những
nỗi buồn vàng cả trời thu ấy, chàng cũng ngạc nhiên thốt lên: Ô! Hay buồn
vương cây ngô đồng/ Vàng rơi! Vàng rơi: thu mênh mông (Tỳ bà).
Cả “nắng vàng” cũng đưa “hương” lạ, “nắng vàng thơm” ngân lên
cả âm điệu “rung rinh”. Hay chính là “những cánh hồng” đang “đơm” hoa, hoa hồng
“rung rinh” trong “nắng vàng thơm” thành vũ điệu, thành âm nhạc: Ô! Nắng
vàng thơm… rung rinh điệu ngọc,/ Những cánh hồng đơm, - những cánh hồng
đơm (Nhạc). Mà không ngỡ ngàng, ngạc nhiên sao được?
Mắt không xoe tròn ngạc nhiên sao được? khi mà người thơ nhìn sắc màu “lam nhung”, “xanh nhung” bình thường cũng hóa thành chuỗi màu sắc tượng trưng, mới lạ chưa hề gặp trong thơ Việt. Đó là màu “lam nhung” của “lưng chừng trời”, “xanh nhung” của “màu phơi nơi nơi”. Thơ Mới hiện đại, ngoài Bích Khê, cũng chưa ai có cách so sánh, ví von lạ lùng đến thế. Bảo làm sao không tròn mắt ngạc nhiên để thốt lên những thán từ “ô” nối tiếp: Lam nhung ô! Màu lưng chừng trời;/ Xanh nhung ô! Màu phơi nơi nơi. (Hoàng hoa). Rồi cái màu “lam” của trời bình thường mà ta thường gặp kia, Bích Khê lại nhận ra một màu “lam ứ đặc tình thu” thì quả là đáng ngạc nhiên cho cả người đọc đương đại. Chàng reo lên “Ô kìa!” một cách ngạc nhiên cũng đúng thôi. Đến “hồn không động mà say” để nhận ra trong cơn “say” đời ấy lại thấy tự nhiên nó cứ vô tình, chàng bèn buột miệng: “Chà! đôi chim khướu vẫn bay tung trời”: Trời lam ứ đặc tình thu,/ Ô kìa! Mây bạc nặng lùa về tây./ Hồn sao không động mà say!/ Chà! Đôi chim khướu nó bay tung trời… (Cuối thu).
Mắt không xoe tròn ngạc nhiên sao được? khi mà người thơ nhìn sắc màu “lam nhung”, “xanh nhung” bình thường cũng hóa thành chuỗi màu sắc tượng trưng, mới lạ chưa hề gặp trong thơ Việt. Đó là màu “lam nhung” của “lưng chừng trời”, “xanh nhung” của “màu phơi nơi nơi”. Thơ Mới hiện đại, ngoài Bích Khê, cũng chưa ai có cách so sánh, ví von lạ lùng đến thế. Bảo làm sao không tròn mắt ngạc nhiên để thốt lên những thán từ “ô” nối tiếp: Lam nhung ô! Màu lưng chừng trời;/ Xanh nhung ô! Màu phơi nơi nơi. (Hoàng hoa). Rồi cái màu “lam” của trời bình thường mà ta thường gặp kia, Bích Khê lại nhận ra một màu “lam ứ đặc tình thu” thì quả là đáng ngạc nhiên cho cả người đọc đương đại. Chàng reo lên “Ô kìa!” một cách ngạc nhiên cũng đúng thôi. Đến “hồn không động mà say” để nhận ra trong cơn “say” đời ấy lại thấy tự nhiên nó cứ vô tình, chàng bèn buột miệng: “Chà! đôi chim khướu vẫn bay tung trời”: Trời lam ứ đặc tình thu,/ Ô kìa! Mây bạc nặng lùa về tây./ Hồn sao không động mà say!/ Chà! Đôi chim khướu nó bay tung trời… (Cuối thu).
Đến cái màu trời xanh thiên nhiên vốn như là cái sự bình thường
của quy luật tự nhiên, vậy mà Bích Khê vẫn “Ô” lên như mới bắt gặp lần đầu. Mà
cũng đúng thôi, vì chính nhà thơ đã phát hiện ra cái “sao mà xanh kia” là để
chàng thể hiện được cái lạ điểm trên nền trời xanh ấy có “ngọc trăng xây vàng
trên muôn cành”: Ô trời hôm nay sao mà xanh!/ Ngọc trăng xây vàng
trên muôn cành (Nghê thường). Cho đến cả cái “nhớ thương” vốn dĩ của con người,
chàng cũng “ồ” lên lạ lẫm: Ồ lạ! làm sao thương nhớ quá!/ Đêm nay
trăng ngủ ở bên đường (Tân hôn). Đọc kỹ thì nhận ra, không phải chàng lạ vì cái
sự nhớ thương mà bởi chính chàng đang “thương nhớ” vầng trăng say “ngủ ở bên đường”.
Đến cả trong cơn “mộng”, hay đúng ra là hết mộng rồi, chàng kể
lại “cơn mộng” mà giọng chàng vẫn vẫn cứ “Ô” lên, “A” lên như mới vừa bắt gặp
điều gì. Cái lạ của Bích Khê chính là đây: Ồ! Mộng đêm thu, mây vút xa/ Say
sưa lộ sắc cạnh Đào hoa:/ A ta! Lý Bạch! Hồn ba lệ!/ Rượu nốc vào:
rung khúc đập ca…/ Muôn dặm sông Ngân, con mộng lớn,/ Ô! là đài điện
ánh trân châu… (Mộng).
Cả cái áng “mây trắng bay về núi Thạch” quê chàng như muôn
năm mây bay về núi, vậy mà chàng vẫn cứ ngỡ như là chuyện mới, chuyện lạ. Chàng
cứ ngạc nhiên hỏi hoài, hỏi mãi: Mây trắng bay về núi Thạch chưa? (Chùa
Ông Thu Xà). Người xa không trở lại cái “làng cũ buồn thu quạnh” quê chàng ở
Thu Xà, chàng cũng cứ ngớ ngẩn mãi đánh dấu hỏi thắc mắc, ngạc nhiên: Nơi
đây: làng cũ buồn thu quạnh/ Anh có khi nào trở lại chưa? (Làng em). Cả đến
chính lòng chàng cũ như cái “bến đò xưa” mà ai chưa hiểu lòng chàng, chàng vẫn
cứ mãi hỏi tại sao: Lòng ta bến đò xưa/ Bóng trăng sao chẳng tỏ?(Trăng
sáng bến đò xưa).
3. Ô! Tiên nương trong tình xuân đầy ứ
Trong tập thơ “Tinh huyết”, Bích Khê có hẳn một phần mang tên
“Đẹp và Dâm”. Trong lời tựa tập thơ “Tinh huyết”, Hàn Mặc Tử đã “phân chất” thơ
Bích Khê theo ba tính cách (Thơ tượng trưng - Thơ huyền diệu - Thơ trụy lạc). Ở
lời Bạt tập thơ này, Trọng Miên cảm nhận “Tôi yêu Baudelaire đắm đuối, say sưa
Hồ Xuân Hương sôi nổi, thì Bích Khê tuôn ra những lời nóng hổi, mê man nhủ cùng
tôi chung một tấm tình thơ ngây ngất…
Tinh huyết vang dội một nỗi đau khổ tuyệt vọng phủ qua màu sắc trụy lạc ồ ạt như muốn chảy tràn vào đường gân, mạch máu của tôi”(2). Chế Lan Viên cũng đã từng bảo “Khê không làm được chuyện ấy nên đành phải “làm” trên giấy”. Nghiên cứu về Bích Khê, Trần Đình Sử có một có nhìn khá sắc sảo về “Ngôn ngữ thân thể trong thơ Bích Khê”, Phạm Xuân Nguyên thì gọi: “Bích Khê -… Thơ lõa thể”, Đà Linh thì “Từ Bích Khê nghĩ đến một góc “nu” trong thơ”… Như vậy, từ chính Bích Khê cho đến các nhà nghiên cứu đều nhận ra cái chất “Dâm”, “Lõa thể” trong thơ, nhưng có lẽ cũng chính là Hàn Mặc Tử đã nhận ra “bộ mặt thật” của cái “Dâm” trong thơ Bích Khê rằng: “Ở địa hạt dâm cuồng nầy, ta thấy thi sĩ Bích Khê hoàn toàn là Baudelaire. Vì trong tác phẩm chàng, gợi dục tính thì ít, mà làm cho người ta ghê rởn đến gớm guốc cái cảnh trần truồng khả ố thì nhiều” (3). Bích Khê không mê đắm trong dục vọng, dâm cuồng mà là phát hiện những vẻ đẹp “Lõa thể” của giai nhân là vẻ đẹp tỏa hương ngất ngây, vang đầy âm nhạc và ngời ánh sắc kim cương: Ô! Côi lầu mây ánh gì kim cương/ Áo nàng thơ ngây nao nao nghê thường (Nhạc). Lúc nào phát hiện ra, chàng cũng ngỡ ngàng, ngạc nhiên, “ô” lên đầy thú vị: Ô nàng tiên nương! - hớp nhạc đầy hương (Nhạc).
Tinh huyết vang dội một nỗi đau khổ tuyệt vọng phủ qua màu sắc trụy lạc ồ ạt như muốn chảy tràn vào đường gân, mạch máu của tôi”(2). Chế Lan Viên cũng đã từng bảo “Khê không làm được chuyện ấy nên đành phải “làm” trên giấy”. Nghiên cứu về Bích Khê, Trần Đình Sử có một có nhìn khá sắc sảo về “Ngôn ngữ thân thể trong thơ Bích Khê”, Phạm Xuân Nguyên thì gọi: “Bích Khê -… Thơ lõa thể”, Đà Linh thì “Từ Bích Khê nghĩ đến một góc “nu” trong thơ”… Như vậy, từ chính Bích Khê cho đến các nhà nghiên cứu đều nhận ra cái chất “Dâm”, “Lõa thể” trong thơ, nhưng có lẽ cũng chính là Hàn Mặc Tử đã nhận ra “bộ mặt thật” của cái “Dâm” trong thơ Bích Khê rằng: “Ở địa hạt dâm cuồng nầy, ta thấy thi sĩ Bích Khê hoàn toàn là Baudelaire. Vì trong tác phẩm chàng, gợi dục tính thì ít, mà làm cho người ta ghê rởn đến gớm guốc cái cảnh trần truồng khả ố thì nhiều” (3). Bích Khê không mê đắm trong dục vọng, dâm cuồng mà là phát hiện những vẻ đẹp “Lõa thể” của giai nhân là vẻ đẹp tỏa hương ngất ngây, vang đầy âm nhạc và ngời ánh sắc kim cương: Ô! Côi lầu mây ánh gì kim cương/ Áo nàng thơ ngây nao nao nghê thường (Nhạc). Lúc nào phát hiện ra, chàng cũng ngỡ ngàng, ngạc nhiên, “ô” lên đầy thú vị: Ô nàng tiên nương! - hớp nhạc đầy hương (Nhạc).
Thấy sự đẹp, chàng “ráp” đến xem, và “Ồ” lên khi nhận ra bóng
dáng giai nhân trong đêm trăng huyền diệu: Tôi ráp lại xem. Ồ! Sự lạ!/ Một
người thiếu nữ hiện trong trăng (Hiện hình). Và cái đẹp của giai nhân được Bích
Khê miêu tả đầy vẻ sáng láng như “ngọc thạch”, “trân châu”; thanh khiết, trong
và êm như “mã não”, “hổ phách”. Không biết là cái gì, chàng lại “Ồ” lên, ngạc
nhiên với những câu hỏi nối hàng: Ồ là ngọc thạch hay trân châu?/ Mã
não hay là hổ phách đây? (Nghê thường). Giai nhân hay là “âm thanh” của nhạc?
Hay là “hơi thở” của “hoa hồng”? “hoa hồng” mà tỏa ra “hơi thở” thì đầy quyến
rũ xác thịt, nhưng “Hơi thở của hoa hồng mơ mộng” thì rõ ràng là đã thoát mùi
quyến rũ trần tục để vươn lên cái cao siêu của hơi thở muôn hoa. Chính điều đó,
chứ không phải điều gì khác hơn, khiến hồn thơ ngất ngây “âm thanh” trong tiếng
nói của “Ngọc Kiều” (Âm nhạc) cùng “hơi thở của hoa” (Hội họa). Và vì vậy, cảm
khoái của bích Khê là cảm khoái của thi ca, hương hoa và nhạc họa: Âm
thanh gì sắp sửa… Ngọc Kiều ơi!/ Hay hơi thở của hoa hồng mơ mộng?(Mộng cầm
ca).
Này là dáng lượn của tuổi “tầm xuân” trong vóc thân nàng “Tố
Nữ”. Trân trọng gọi cái đẹp là “Tố Nữ tầm xuân”, chàng vẫn sợ còn vướng mùi trần
tục nên chàng lại ngạc nhiên xoe tròn khi tiếp xúc để trân trọng đẩy nàng “Tố Nữ”
kia nhòa đi trong hội họa “Ô tiên nương”. “Tiên nương lại ngự nơi này” thì rõ
ràng chàng chỉ đắm mê cái đẹp siêu thoát của sự “lõa thể tinh thần” với “chén
ngọc lưu ly”, với “màu sen ẻo lả” chứ không hề là của xác thịt lõa lồ từ một
con người cụ thể: Dáng tầm xuân uốn trong tranh Tố Nữ,/ Ô tiên nương! Nàng
lại ngự nơi nầy?/ Ồ hai tay rơi chén ngọc lưu ly;/ Ồ hai chân nở màu sen ẻo lả
(Tranh lõa thể). Đến cả ngắm “nàng Xuân Hương” cụ thể “ngực để trần”, Bích
Khê vẫn chỉ ngắm ở cõi Tiên xa trên “sông Ngân” chứ không hề là nàng Xuân Hương
trong buồn the “Da trắng vỗ bì bạch” như ta từng nghĩ. Chính vì thế, chàng tự
nhận Xuân Hương là vợ vẫn chỉ là hai kẻ thoát phàm trần lên cõi Tiên mê say
trong khúc nhạc Nghê Thường thánh thiện: Hai tôi vừa ghé bến sông Ngân:/
Ô! Nàng Xuân Hương ngực để trần (Nghê thường). Cho nên, chàng muốn trưng
bày “lõa thể” mà chỉ là “lõa thể ngôn từ nghệ thuật” chứ không hề là sự lõa lồ.
Đây, ta xem chàng hành động nhé: Anh tính - kề tay lên trái tim/ Ta đòi
nóng hổi với say im. Nhưng đó chỉ là hành động của khát vọng, vì thế: Nhưng
chao! Sao chỉ không gian lạnh?/ Không bóng! Không hình! - không có em (Tỳ
bà). Nghĩa là… chỉ là một sự “tính”, sự “đòi” thuộc dạng khát khao, chứ
không hề là và có lẽ, không bao giờ là thực tế. Vì vậy, xin đừng nhầm chàng
“Dâm” cho dù cả lúc chàng đang “say nghiền”, đang “đã nư khoái lạc”…
Tất cả chỉ là một “chiêm bao”. Ai “coi” chàng “sex” thì cứ mở to mắt mà “coi” - Chỉ là giấc chiêm bao của chàng thì ai chen vào mà “quay camera” để làm “chứng lý” tố cáo chàng là “dâm tục”. Chàng biết sẽ không ai “buột tội” nổi mình, mà lại còn đứng trên “cõi chiêm bao” để “đã nư khoái lạc”: Ô coi! Hồn đương say nghiền/ Đã nư khoái lạc trong miền chiêm bao! (Mơ tiên). Đúng rồi! Trắng án cho chàng rồi vì đó chỉ là một giấc “Mơ tiên” mà chỉ có chàng mơ chứ chưa ai là kẻ phàm trần đạt tới.
Tất cả chỉ là một “chiêm bao”. Ai “coi” chàng “sex” thì cứ mở to mắt mà “coi” - Chỉ là giấc chiêm bao của chàng thì ai chen vào mà “quay camera” để làm “chứng lý” tố cáo chàng là “dâm tục”. Chàng biết sẽ không ai “buột tội” nổi mình, mà lại còn đứng trên “cõi chiêm bao” để “đã nư khoái lạc”: Ô coi! Hồn đương say nghiền/ Đã nư khoái lạc trong miền chiêm bao! (Mơ tiên). Đúng rồi! Trắng án cho chàng rồi vì đó chỉ là một giấc “Mơ tiên” mà chỉ có chàng mơ chứ chưa ai là kẻ phàm trần đạt tới.
Hãy nghe chàng nói, hãy xem chàng tả:… Một bàn chân ve vuốt một
bàn chân!/ Mát làm sao! Mát rợn cả châu thân./ Máu ứ lại, máu dồn lên
giữa ngực (Bàn chân). Cái sự “ve vuốt”, cái sự “mát rợn cả châu thân”, cái
“chelestorol trong máu” làm ngừng đập con tim để có thể dẫn đến “tử nạn”
kia cùng chỉ là chuyện của “Một bàn chân ve vuốt một bàn chân!”, chứ
hoàn toàn không phải là hai thân hình vuốt ve khi “lõa thể”. Cho nên, cuộc phàm
trần trong mắt Bích Khê cũng trở nên “từ bi”, thánh thiện. “Tình xuân đầy ứ”
cũng chỉ là cái “phồn thực” trong hình thể thoát xác phàm của một “Tiên
nương”: Ô! Sắc phàm trên bộ mặt từ bi;/ Ô! Tiên nương trong tình xuân
đầy ứ (Sọ người).
“Lồng ngực” với “đôi tuyết lê” quyến rũ cũng chỉ là sự quyến
rũ của “Mùa âm nhạc” tượng trưng. Đời trần phơi “lộ hàng” ra đó cũng chỉ
được nhà thơ phát hiện ra với tất cả những ngạc nhiên, “ấp úng”, “e dè”. Chỉ
còn lại là “cặp má đồng tiền ngây thơ lạ” và vẫn là “hữu xạ tự nhiên
hương”: Mùa nhạc gẫm nao nao trong lồng ngực;/ Đôi tuyết lê ấp úng bởi
e dè;/ Xuân dậy thì đương độ khởi đê mê/ Ô cặp má đồng tiền ngây thơ
lạ!/ Hương da thịt còn thơm hơn chất xạ (Cô gái ngây thơ).
Chính là như thế, nên tất cả những cái “lõa thể” từng bị người
đời hiểu nhầm là lõa lồ, là “dâm”, là “trụy lạc xác thịt” đều được Bích Khê gọi
tên bằng những định danh vô cùng trang trọng. Họ chỉ là cái hình hài “lõa thể”
của những “Tiên nương”, “Ngọc Kiều”, “Tố Nữ”, “Châu”, “Nàng Xuân Hương”… mà những
kẻ phàm trần chẳng thể nào với tới. Ngay trong chính sự nghiệp sáng tác của
Bích Khê, ta vẫn dễ dàng nhận ra sự đối lập trong việc đặt tên các tập thơ và
các phần trong tập thơ “Tinh huyết”. Hai tập thơ chính của Bích Khê được chàng
đặt tên là “Tinh huyết” (tinh túy thổ ra như máu huyết) và “Tinh hoa” (tinh túy
đã qua chắt lọc thể hiện ra). Tập thơ “Tinh huyết” có 3 phần thì tên của ba phần
đều là những cặp đối lập: “Đẹp và Dâm”, “Nhạc và Lệ’, “Cuồng và Ánh sáng”.
Nghĩa là: “Đẹp” - “Nhạc” và “Ánh sáng” đối lập cùng “Dâm” - “Lệ” và “Cuồng”.
Có lẽ, chính sự mâu thuẫn này đã khiến Bích Khê từng bị hiểu
nhầm, bị ruồng rẫy, trở thành “đỉnh núi lạ” đứng sững giữa nhân gian mà nhân
gian thì mấy người hiểu hết… Quả đúng như Hàn Mặc Tử nhận xét: “sự trần truồng,
dâm đãng đã nhường lại cho ý vị nên thơ của hương, của nhạc, của trăng, của tuyết” (4).
Chính “đôi mắt” chữ “O” xoe tròn lúc nào cũng ngỡ ngàng, ngạc nhiên đầy dấu
hỏi (?), dấu than (!); phát hiện ra điều gì cũng đều buột miệng la lên: “Ô!”, “Ồ!”,
“A!”, “Ôi!”, “Ơi!” ấy đã cho ta nhận ra: chính Bích Khê đã biến cái phàm tục do
“đôi mắt mình” phát hiện giữa cuộc đời thành cái “rất mơ”, “rất mộng”, “rất ảo”…
và nâng lên thành cái đẹp, thành nhạc, thành họa, thành ánh sáng, thành “chiêm
bao”, thành bao điều “huyền diệu”... Tất cả những điều này, rõ ràng Thơ Mới chỉ
có Bích Khê.
Và... vì lẽ đó, Bích Khê rất gần với chúng ta hôm nay và sẽ vẫn
còn mãi mãi tạo nên sự ngạc nhiên, lạ lùng với người đọc mai sau...
Chú thích:
(1) và (4) - Thi nhân Việt Nam - Hoài Thanh, Hoài Chân (tái bản
lần thứ 25), Nxb Thanh Hóa, 2006, tr.227-228
(2) và (3) - Bích Khê - Tinh hoa, Tinh huyết, Nxb Hội Nhà văn,
2008, tr.283, 284, 286.
(*) - Thơ trích trong bài viết và dùng để thống kê số liệu từ
“Thơ Bích Khê tuyển tập”, Hội Nhà văn Việt Nam - Hội VHNT Quảng Ngãi, 2005.
Mai Bá Ấn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét