Thứ Bảy, 28 tháng 12, 2019

Tiểu thuyết Biên thành của Thẩm Tùng Văn dưới góc nhìn phê bình sinh thái

Tiểu thuyết Biên thành của 
Thẩm Tùng Văn dưới góc nhìn 
phê bình sinh thái
Thẩm Tùng Văn (1902-1988) - nhà văn hiện đại Trung Quốc, quê ở huyện Phượng Hoàng, tỉnh Hồ Nam - người được mệnh danh là “hậu kỳ lãng mạn” chân chính bậc nhất của văn đàn Trung Quốc. Ông viết khá nhiều tiểu thuyết, tự truyện, trong đó Biên thành (1) là cuốn tiểu thuyết xuất sắc, được xếp vào danh sách hai mươi tác phẩm vĩ đại nhất thế kỷ XX của Trung Quốc. Trong bài viết này chúng tôi sẽ đọc lại Biên thành dưới góc nhìn phê bình sinh thái, một khuynh hướng phê bình mới nổi lên từ cuối thế kỷ XX. Cảm hứng đọc lại này gợi lên từ bước chuyển ngoạn mục, đầy tính thích ứng của một bộ phận phê bình văn học trong bối cảnh khủng hoảng môi trường toàn cầu.
Phê bình sinh thái là một phương pháp phê bình văn học được định hướng về chủ đề môi trường nên nó có những nét đặc thù. Thứ nhất, người viết phê bình luôn tìm kiếm mối quan hệ giữa văn hóa và tự nhiên (cũng có tác giả dùng cặp đôi khái niệm văn minh và hoang dã thay cho văn hóa và tự nhiên) trong các tác phẩm họ lựa chọn. Trong bối cảnh chủ nghĩa tư bản ngày càng mạnh, mối quan hệ này càng trở nên vênh lệch, nhiều xung đột. Ở những quốc gia đông dân và có nền kinh tế phát triển người ta cho rằng thiên nhiên dường như nhanh chóng bị văn hóa “nuốt chửng”. Có lẽ, để giảm thiểu tình trạng tàn phá môi trường, con người phải tìm cách khắc chế những phong tỏa từ văn hóa, văn minh đang cản trở các hoạt động bảo vệ môi trường và khắc phục những tổn thương môi trường do chính con người gây nên. Nét đặc thù thứ hai của phương pháp phê bình này là xu hướng lấy sinh thái làm trung tâm (ecocentrism). Truyền thống văn hóa phương Tây lâu đời luôn coi con người là trung tâm (anthropocentrism). Nhà triết học Hy Lạp Protagora (thế kỷ V trước công nguyên) từng đưa ra tuyên bố nổi tiếng: “Con người là thước đo của tất cả mọi thứ”. Trong sách Sáng thế, loài người được ban cho quyền thống trị cá dưới biển, chim trên trời và mọi sinh vật di chuyển trên mặt đất. Tất cả điều này, cùng với nhiều hơn nữa những hình ảnh và lời nói giống như thế, dường như trao cho chúng ta một sự cho phép mang tính văn hóa cao nhằm đưa ra quan điểm lấy con người là trung tâm hơn là lấy sinh thái làm trung tâm. Thế nhưng các nhà phê bình sinh thái lại có một chủ trương đối lập. Họ đề xướng quan niệm lấy sinh thái làm trung tâm và coi đó là kim chỉ nam hoạt động của phê bình sinh thái/ văn học sinh thái - ít nhất như là một động thái trong tưởng tượng.
Trở lại với Biên thành của Thẩm Tùng Văn, chúng ta có thể thấy rằng tác giả có khuynh hướng thoát ly xã hội hiện đại để quay về với tự nhiên, ca ngợi tự nhiên, giải phóng tâm hồn, phê bình văn minh, loại bỏ tư tưởng lấy con người làm trung tâm… Đây chính là những khía cạnh sinh thái đáng suy ngẫm trong tiểu thuyết Biên thành.
Biên thành viết về cuộc sống và số phận của dân tộc thiểu số tỉnh Hồ Nam. Câu chuyện xoay quanh nhân vật ông quản đò, cô cháu gái của ông tên Thúy Thúy và con chó vàng. Cô cháu Thúy Thúy, sau khi mồ côi cha mẹ, được đưa đến sống cùng ông ngoại làm nghề lái đò. Ở tuổi mười bốn, Thúy Thúy đã là cô gái xinh đẹp, khả ái. Cậu cả Thiên Bảo của gia đình chủ bến đem lòng thương yêu Thúy Thúy, nhưng cô chẳng hề để ý tới việc này. Thực ra, trái tim cô thầm lặng hướng theo cậu hai Na Tống, cho dù chàng trai đã được gia đình sắp xếp cho cuộc hôn nhân với một gia đình danh giá nào đó. Cuộc tình tay ba chưa có lối thoát thì cái chết đã cướp đi cậu cả Thiên Bảo trong một chuyến đi thuyền. Thúy Thúy bị coi là kẻ mang vận đen cho gia đình chủ bến, tình yêu của nàng và Na Tống rơi vào tuyệt vọng. Trong một đêm mưa gió, người ông quá lo lắng, đau buồn cũng sớm lìa bỏ cõi đời. Na Tống chẳng tìm ra cách giải quyết nào cho số phận tình yêu, chàng ra đi không một lời hẹn ước. Thúy Thúy ở lại với con đò cô đơn, ngày ngày thả hồn mình lãng đãng theo cảnh trời mây non nước ở bến sông, chờ mong người con trai có thể sẽ về mà cũng có thể chẳng bao giờ quay về. Đó là nội dung chính của Biên thành. Khi tiếp xúc với tác phẩm, độc giả có cảm giác được vỗ về, yên ủi bởi vẻ hữu tình của cảnh vật thiên nhiên; sự bình yên ở đời sống giản dị nơi phố núi của người dân tộc thiểu số đất Hồ Nam. Nhịp sống chậm rãi của con người, cảnh vật trong tác phẩm cũng là sự thể hiện, là dấu hiệu cho thấy thái độ quay lưng với xã hội hiện đại, thoát li và tìm về với tự nhiên của tác giả. Cảnh và tình trong tác phẩm được nhà văn miêu tả hết sức chân thực, lãng mạn. Sông, núi là những hình ảnh tự nhiên xuất hiện nhiều nhất trong tác phẩm, làm “nền cảnh vật thiên nhiên” cho câu chuyện tình lãng mạn của cô thiếu nữ Thúy Thúy. Hình ảnh Thúy Thúy đợi chờ người yêu trên con đò cô đơn giữa đại ngàn sông núi ám ảnh, lay động tâm trí người đọc…
Từ góc nhìn của phê bình sinh thái, có thể thấy trong Biên thành mối quan hệ giữa trữ tình lãng mạn với thiên nhiên rộng lớn hiện lên rất rõ nét. Nội dung sinh thái nổi bật trong tác phẩm có hàm ý “trách móc” nền văn minh hiện đại đã làm tổn thương thế giới tự nhiên. Tác giả đề cao sự bình dị, chỉ ra giới hạn của đời sống nô dịch vật chất, tôn vinh sự phong phú vô hạn của đời sống tinh thần, kêu gọi con người quay về với tự nhiên thuần khiết, đánh thức khả năng phản tư, khám phá lại thế giới tự nhiên, phản ứng trước trào lưu hiện đại…
Thôn quê trong Biên thành là thị trấn Trà Đồng yên ả: “Từ Tứ Xuyên tới Hồ Nam, về phía đông có một con đường cái quan. Con đường này dẫn tới một tòa thành nhỏ trên ngọn núi nằm sát địa giới phía tây tỉnh Hồ Nam, tên gọi là Trà Đồng, thì gặp một con suối. Cạnh suối có cây tháp nhỏ màu trắng, dưới chân tháp chỉ có một ngôi nhà. Cái nhà này cũng chỉ có một ông già, một bé gái và một con chó vàng” (tr.13). Cảnh quê hương Trà Đồng hiện lên xinh đẹp với ba nhân vật chính được tác giả giới thiệu ở đầu câu chuyện ngắn gọn và nhẹ nhàng như vậy. Trà Đồng dưới ngòi bút của nhà văn là một thị trấn nhỏ, xinh xắn, yên bình: “Mùa đông ban ngày mà vào thành, chỉ thấy trước cửa nhà nào cũng phơi quần áo và rau cải. Khoai lang phần nhiều còn để cả dây treo dưới mái hiên […] Tất cả cứ mãi mãi yên tĩnh như thế, người dân nào hàng ngày cũng sống trong cảnh tĩnh mịch như thế. Một chút yên tĩnh làm tăng thêm sức suy nghĩ của người ta về sự đời, tăng thêm những giấc mộng. Sinh tồn trong tòa thành nhỏ này, mỗi người tự nhiên nhất đều có cuộc sống của riêng mình, có niềm chờ mong tất nhiên về yêu ghét đối với sự đời. Nhưng người ta nghĩ gì? Ai mà biết được” (tr.25 - 26).
Người dân Trà Đồng và các tỉnh lân cận mỗi khi qua đò đã quen với hình ảnh cuộc sống gắn kết sông nước của ông quản đò, cô cháu gái và con chó vàng. Cô cháu gái Thúy Thúy, sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này được miêu tả là ngấm đậm chất phong thủy nơi đây: “Thúy Thúy lớn lên trong gió nên da dẻ hơi ngăm đen, trước mắt đều là non xanh nước biếc nên mắt sáng như thủy tinh. Thiên nhiên vừa nuôi dưỡng, vừa dạy dỗ em nên em thơ ngây, hiếu động chẳng khác nào một con thú nhỏ” (tr.17). Ngay từ đầu truyện, tác giả đã cố ý miêu tả thật kỹ lưỡng, tỉ mỉ cảnh vật và cuộc sống miền quê Trà Đồng để độc giả có được ấn tượng thật đẹp về chốn làng quê Trung Hoa - nơi bình yên, tĩnh tại, đối lập hoàn toàn với cuộc sống hiện đại thị thành. Con sông Dậu Thủy thanh mát, êm đềm chảy xuyên qua thị trấn như chính nhịp sống yên ả vốn có của con người nơi đây: “Nếu ngược dòng đi lên thì chỗ sâu đến năm ba trượng, nước đều trong vắt nhìn thấy cả đáy. Chỗ sâu ban ngày được mặt trời soi xuống khiến nhìn thấy rõ những viên đá trắng nho nhỏ dưới đáy sông, cả đá mã não có hoa văn cũng vậy. Cá bơi lội dưới nước chẳng khác nào nổi giữa không khí. Hai bên bờ có nhiều núi cao, trong núi có nhiều nứa nhỏ có thể dùng làm giấy, lâu năm thành màu xanh biếc rất bắt mắt. Nhà gần sông phần nhiều trồng đào, trồng hạnh…” (tr.23). Cảm quan sinh thái, tâm sự “vọng cố hương”, “tìm về đất tổ” toát lên qua những trang miêu tả cảnh vật, đời sống sinh hoạt bình dị ở Biên thành. Thúy Thúy, nhân vật chính trong truyện, sống gần gũi với thiên nhiên, ngày ngày thong dong chơi đùa bên bến nước, ít tiếp xúc với con người đô thị: “Em lại ngoan ngoãn như con nai vàng trên đầu núi, không bao giờ nghĩ đến điều tàn nhẫn, không bao giờ buồn bã hoặc tức giận” (tr.7). Miêu tả này như một biểu hiện của sự phản kháng văn minh, nơi em sống là nơi bình yên, nơi giao hòa với vạn vật thiên nhiên; còn văn minh là hiện đại nhưng tù túng, nơi con người bị nhốt vào bầu sinh quyển ô nhiễm, phải đối diện với buồn bã, giận hờn, khốn khổ và bất hạnh! Chủ đề hương thôn trong mĩ học của Thẩm Tùng Văn là “tự nhiên” được đặt tại quê hương Thương Tây, “văn minh” đặt tại thành phố, vì vậy đã hình thành mô hình sáng tác “trữ tình hương thôn, phê bình thành thị”. Xét cho cùng, mô hình này xuất phát từ thế giới quan mĩ học của chủ nghĩa lãng mạn, do đó, được xem như một phương diện sinh thái của tác phẩm Biên thành.
Chất thơ - hội họa - âm nhạc, theo tinh thần hòa âm của thẩm mĩ sinh thái được xem là đặc trưng, là biểu hiện đầu tiên khi bạn đọc tiếp xúc với tác phẩm. Chất thơ trong tiểu thuyết Biên thành biểu hiện qua hình ảnh, ngôn từ tha thiết, giàu sức gợi. Có những đoạn văn đọc lên uyển chuyển, nhịp nhàng như thơ: “Ánh trăng như ánh bạc, chiếu sáng khắp nơi; dưới ánh trăng, rừng tre trên núi trở thành màu đen. Tiếng côn trùng rỉ rả bên người dày đặc như tiếng mưa rơi. Thỉnh thoảng không biết tự nơi nào, bỗng một con oanh cỏ gù gù trong cổ họng; lát sau, có lẽ con chim nhỏ này hiểu ra là đã nửa đêm, bèn nhắm đôi mắt nhỏ lại mà ngủ yên” (tr.133).
Phong vị lãng mạn còn được tác giả làm nổi bật khi khai thác chất nhạc trong tiểu thuyết. Âm nhạc trong Biên thành được biểu hiện xuyên suốt tác phẩm: tiếng hát của người ông, Thúy Thúy, người quản ngựa, tiếng sáo, tiếng hót của chim muông… Cả tiểu thuyết tựa khúc nhạc buồn day dứt. Tác giả đã để cho các nhân vật của mình hát rất nhiều như một cách để tự sự, trải lòng với chính bản thân họ cùng đời sống yên bình nơi phố núi.
Chất hội họa với những đường nét, bảng màu thiên nhiên rực rỡ, sáng bừng tựa bức tranh phong cảnh: “Trời hửng sau mưa, nắng đã chiếu ran rát lên vai, lên lưng. Lau lách và thủy dương liễu bên bờ suối, rau trong vườn đều tươi tốt, xanh um, mang theo chút sinh khí hoang dại. Châu chấu xanh nhảy trong bụi cỏ, cánh đập không khí kêu rào rào. Tiếng ve non trên đầu cành đã bắt đầu rền vang. Màu xanh biếc hai bên núi phả vào rừng tre, trong đó có tiếng chim vàng, sẻ trúc và đỗ quyên ríu rít. Thúy Thúy ngắm nhìn, lắng nghe, cảm nhận và suy nghĩ…” (tr.116). Tất cả những gì đẹp nhất của tác phẩm đều đến từ tự nhiên. Âm thanh, sắc màu của tự nhiên hòa quyện với con người, giúp con người có một đời sống thanh sạch, bình thản, được là chính mình.
Từ cảnh quan sinh thái Trà Đồng, Thẩm Tùng Văn đã xác định bản chất cảnh quan sinh thái của tác phẩm nằm ở những miêu tả về năng lực tri giác, cảm nhận cái đẹp của sông suối, đồi núi, chim muông, mây, sao, mặt trời, mặt trăng, trái đất… Các biểu tượng thiên nhiên này hòa hợp, gắn kết, bổ trợ cho những miêu tả, khắc họa tâm lý và đời sống của các nhân vật trong tiểu thuyết. Trà Đồng là một thị trấn có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, sông núi hữu tình, người nào có dịp qua đây đều bị lôi cuốn, say mê: “Nếu lữ khách nào có chút hứng thú với thơ và tranh thì hãy nằm co trong chiếc thuyền nhỏ trên dòng sông này, làm một chuyến du hành trong một tháng, ắt không đến nỗi cảm thấy nhàm chán. Đó là vì nơi nào cũng có dấu tích kỳ lạ, nơi thì là sự bạo gan, nơi thì là sự tinh xảo của thiên nhiên, không nơi nào không khiến cho người ta say đắm” (tr.24).
Có thể nói, Thẩm Tùng Văn đã dùng cách viết lãng mạn có xu hướng sinh thái để gợi ra nguy cơ tiềm ẩn trong tiến trình văn minh hóa. Những biểu tượng tự nhiên được sử dụng, khai thác trong tác phẩm chính là cầu nối giữa văn học và sinh thái, tạo nên một Biên thành đầy quyến rũ, lạ lẫm, xanh mát, bình yên.
Trong tiến trình “xanh hóa” văn học, tiểu thuyết Biên thành của Thẩm Tùng Văn thực sự là một tác phẩm được viết ra theo khuynh hướng lấy tự nhiên làm trung tâm. Từ đầu đến cuối tác phẩm là những bức tranh thiên nhiên đồng quê đẹp đẽ, hoang sơ, thuần khiết. Từ góc độ phê bình sinh thái, khảo sát Biên thành, chúng ta sẽ thấy “thôn quê”, “tự nhiên” được viết theo phong cách lãng mạn là những nội dung nổi bật nhất. Một “tinh thần chuyển động ngược thời đại” - quay lưng với xã hội hiện đại, trở về với “hương thôn”, phản đối đô thị - cùng với bút pháp miêu tả chân thực, sống động, tinh tế, giàu tính biểu cảm đã khiến cho những áng văn mô tả thiên nhiên trong Biên thành trở thành những trang viết duy mỹ mẫu mực, sống mãi trong lòng nhiều thế hệ độc giả.
Ghi chú:
1. Thẩm Tùng Văn (2006), Biên thành, Phạm Tú Châu dịch, Nxb Đà Nẵng.
16/10/2019
Nguyễn Phương Thảo
Theo http://vannghequandoi.com.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2 MƯỜI SÁU Trên mênh mông vùng đồi xứ Ai Len Tôi được Ban lãnh đạo khu sáng tác mang tên nh...