Thứ Bảy, 23 tháng 5, 2020

Áo tứ thân - Nét văn hóa đặc biệt của phụ nữ Kinh Bắc xưa

Áo tứ thân - Nét văn hóa đặc biệt 
của phụ nữ Kinh Bắc xưa
Những tà áo tứ thân, cùng dải yếm đào ,chiếc nón quai thao và đôi guốc mộc của phụ nữ kinh Bắc khi xưa giờ chỉ còn phảng phất trong hoài niệm…
Hình ảnh những cô gái với chiếc áo tứ thân ở những vùng nông thôn Bắc Bộ từ lâu đã đi vào thơ ca và trở thành biểu tượng cao đẹp của người con gái Việt Nam thời xưa. 
Áo tứ thân - Nét văn hóa đặc biệt của phụ nữ Kinh Bắc xưa  
Hình ảnh cô gái với chiếc áo tứ thân ngày xưa. 
Điển hình như trong bài Chùa Hương của thi sĩ Nguyễn Nhược Pháp, hình ảnh cô gái trong chiếc áo truyền thống được khắc họa khá sinh động: 
"Khăn nhỏ, đuôi gà cao
Em đeo dải yếm đào
Quần lĩnh, áo the mới
Tay cầm nón quai thao". 
Chiếc áo tứ thân được cấu tạo bởi phần lưng áo gồm hai mảnh vải cùng gam màu ghép lại với nhau, phía trước có hai thân tách rời ra và được buộc lại với nhau, thả trước bụng để tạo sự mềm mại và uyển chuyển khi mặc. Phía trên phần ngực không gài hết mà để lộ chiếc yếm thắm ẩn ở bên trong. 
Chiếc nón quai thao luôn được các cô gái 
thời đó sử dụng với bộ trang phục này. 
Áo tứ thân dài gần chấm gót thường đi kèm với chiếc quần lĩnh đen và thắt lưng lụa màu. Đi cùng với chiếc áo tứ thân là cái khăn vuông mỏ quạ. Ngoài ra còn có chiếc nón quai thao được dùng như phụ kiện diện cùng với bộ trang phục. 
Những chiếc áo tứ thân như này thường có màu sắc tự nhiên, do được các bà, các mẹ khi đó sử dụng củ nâu, lá bàng giã nhỏ hay bùn dẻo dưới ao để làm màu nhuộm. 
Những chiếc áo tứ thân đều mang màu sắc tự nhiên được nhuộm bằng các nguyên liệu thiên nhiên sẵn có. 
Tất cả những điều đó đã tạo ra bộ trang phục đơn giản, tế nhị và kín đáo, mang đậm sắc thái Á Đông. 
Ngày nay chúng ta khó có thể tìm được hình ảnh người con gái diện bộ trang phục đặc biệt này, có chăng chỉ là những hình ảnh được dựng lại trên sân khấu hay phim ảnh. 
Cụ Mai (68 tuổi, làng Mông Phụ, xã Đường Lâm, Hà Nội) chia sẻ với PV: “Trước kia chúng tôi đều mặc chiếc áo tứ thân hàng ngày, nhưng nó nhìn đơn giản lắm, không có được sặc sỡ và màu mè như những chiếc áo các anh chị thường thấy trên tivi đâu. Hồi đó nhà tôi nghèo lắm, 4 chị em tôi được bố mẹ may cho mấy bộ mà cứ chung nhau mặc đi mặc lại đến bạc cả màu, sờn cả chỉ...” 
Khi được hỏi tại sao bà không giữ thói quen mặc trang phục truyền thống đó nữa, bà Mai cười nói: “Thời đại thay đổi rồi, giờ chẳng ai mặc như thế nữa đâu, mấy bà già như chúng tôi cũng chuyển sang mặc quần áo cho tiện với phù hợp với xã hội thôi chị ạ!”. 
Hình ảnh phụ nữ Kinh Bắc cuối thế kỷ XIX. 
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử cùng với sự giao thoa giữa các nền văn hóa trong quá trình hội nhập, khiến cho văn hóa “mặc” của phụ nữ Việt cũng có nhiều sự thay đổi để phù hợp với sự phát triển của xã hội. 
Bởi vậy, những tà áo tứ thân, những dải yếm đào hay những chiếc nón quai thao với đôi guốc mộc chỉ còn phẳng phất trong hoài niệm… 
Hình ảnh quen thuộc mang dấu ấn của một thời kỳ lịch sử. 
Tuy nhiên, không phải những bộ trang phục mang dấu ấn của một phần lịch sử đã hoàn toàn biến mất. Ở nhiều ngôi làng cổ hiện nay vẫn còn một số người cao tuổi còn lưu giữ những chiếc áo tứ thân được làm thủ công thời đó. 
Đây là những minh chứng sống cần được bảo tồn để thế hệ sau này có một cái nhìn toàn diện về làng quê, cũng như hình ảnh những người phụ nữ tần tảo của làng quê Việt Nam xưa. 
Chiếc áo tứ thân sặc sỡ ngày nay chủ yếu được sử dụng trong trình diễn và trên sân khấu.
Bảo Yến
Theo https://sites.google.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Cây nghiêng bóng thẳm  Sim ngồi đầu hiên chải tóc cho mẹ mà mắt không thôi ngó cây sấu già trước nhà. Cây sấu này Sim nhổ ở hàng rào nhà...