Thứ Hai, 4 tháng 5, 2020

Sao anh không về chơi thôn Vỹ

Sao anh không về chơi thôn Vỹ...
Hàn Mặc Tử (Nguyễn Trọng Trí) từng sống mấy năm ở Huế khi còn rất trẻ: từ 1928 đến 1930. Đó là hai năm học cuối cùng cấp tiểu học ở nội trú tại trường Pellerin (còn gọi là trường Bình Linh, thành lập năm 1904, do các sư huynh dòng La San điều hành), trường ở rất gần nhà ga tàu lửa Huế. Thời gian này, cậu học trò 17, 18 tuổi chăm lo học hành, ở trong trường, sinh hoạt trong tầm kiểm soát nghiêm ngặt của các sư huynh.
Mộ nhà thơ Hàn Mạc Tử ở Quy Nhơn
Cùng nằm trên một trục lộ Jules Ferry ấy là các mốc điểm: nhà ga, trường Pel lerin, trường Quốc Học, trường Đồng Khánh, Câu lạc bộ thể thao dưới nước, cơ sở nhà hàng khách sạn Morin, Tòa Khâm sứ Pháp, Đập Đá, Vỹ Dạ, biển Thuận An...
Từ trường Pellerin đi xuống qua Đập Đá là tới Vỹ Dạ, đoạn đường ấy chưa đến hai cây số, có thể thả bộ đi đi về về (cũng như nữ sinh Đồng Khánh nếu nhà ở Vỹ Dạ, có thể đi bộ ngược lên trường mình hàng ngày và suốt năm).
Như vậy cậu Trí, học trường Pellerin hai năm ấy, chắc hẳn cũng có vài lần xuôi về Vỹ Dạ ngắm nhìn phong cảnh, dù bản thân chưa đầy hai mươi tuổi, bởi Vỹ Dạ thời buổi ấy hãy còn hoang sơ nhưng nổi tiếng là một nơi dừng chân mát mẻ, đẹp đẽ.
Cậu chưa biết để mắt đến ai, nhưng khung cảnh Vỹ Dạ đã như in vào lòng cậu học trò xa nhà và nhạy cảm.
Học xong ở Huế, về lại Quy Nhơn, Nguyễn Trọng Trí gặp Hoàng Thị Kim Cúc. Rồi, vì gia đình di chuyển, vì công việc, chàng thanh niên vào Sài Gòn, còn Hoàng về Huế.
Hàn Mặc Tử nhớ Huế, nhớ một người ở Huế, da diết ngóng tin, ngày ngày chờ chực văng vẳng đâu đây:
Sao anh không về chơi thôn Vỹ...
Đây là câu mở đầu cho bài thơ “Ở đây thôn Vỹ Dạ”.
Câu mở đầu thật nhẹ nhàng. Một lời nói tự nhiên thốt lên. Nó nhẹ nhàng tự nhiên đến nỗi, dù có dáng vẻ là câu hỏi, nó chẳng cần đến dấu chấm hỏi ở cuối câu.
Và đã không cần dấu hỏi ở cuối câu thì chữ “sao” ở đầu câu cũng nhạt mất ý nghĩa của “tại sao”, “vì sao” thường bắt gặp.
Quả tình đây không phải là câu hỏi, và nó cũng chẳng cần đến câu trả lời.
Nói ra để nói ra, chứ không phải để hỏi. Cho nên câu nói ra ấy là một lời ướm thử, một lời mời gọi, tương đương với: “Hay là anh về chơi thôn Vỹ”, “Anh thử về chơi thôn Vỹ”, “Anh về chơi thôn Vỹ một chuyến xem sao”.(1)
- Sao anh không về chơi thôn Vỹ…
Câu đầu tiên ấy đã chứa đựng ngay cái chủ quan khẳng định của nhà thơ: thôn Vỹ là địa điểm xứng đáng cho khách sành điệu đến chơi và hiểu ngầm: chứ đâu phải chờ đợi tôi lên tiếng mời mọc?

Nhưng cái chủ quan ấy, ở đây, không gây chõi, không gây chống nơi cảm quan của người đón nhận câu thơ, bởi lẽ cái chủ quan ấy chẳng qua đã từng bắt gặp sự đồng tình nơi nhiều người khác và đã hun đúc trở thành một kinh nghiệm, một xác tín.
Ướm một lời mời như trên đây bao hàm ý nghĩa người mời đã từng nếm trải cảnh đời ấy và nay đem ra giới thiệu.
Tuy là lời mời, nhưng nó chứa chất một sự khẳng quyết bao trùm lời mời, cho nên nó dễ dàng thuyết phục như chuỗi luận lý của tam đoạn luận.
Sao anh không về chơi thôn Vỹ… Đây là một vế trong chuỗi tam đoạn luận lẻ vế:
Người sành điệu thì tìm đến nơi hữu tình
Anh là người sành điệu (hiểu ngầm)
Vậy anh phải đến nơi hữu tình (hiểu ngầm: thôn Vỹ)
hoặc là:
Huế có thôn Vỹ (nổi tiếng)
Anh về Huế
Anh phải về thôn Vỹ
Tác giả mở lời mời anh: “anh” tức là bạn, một người nào đó. Nhưng tất nhiên không phải bất cứ ai. Bởi lẽ giữa đời vẫn có những người không để mắt đến thiên nhiên vì tính tình, vì công việc… Nhưng “anh” ở đây cũng không bó hẹp vào một loại, một lớp người nào, mà chỉ một số người tương đối rộng, giống như thể ta ngầm bảo: miễn anh là người có tấm lòng, miễn anh có đôi mắt, miễn anh có đôi chân…
Lời mời mọc ấy cũng chỉ là dóng lên cho ai đó muốn nghe.
Và lời mời phát ra cũng tỏ lộ tấm lòng đang rộng mở, phơi phới, yêu đời của người cất tiếng.
Người mời rõ ràng đang nhìn đời bằng màu hồng, đang dạt dào yêu đời, hay là, nói tắt một tiếng, đang yêu.
Sao anh không về chơi thôn Vỹ…
Đại từ anh trong câu mở này, tuy nghe nhẹ nhàng êm ái, tuy nghe dễ dàng như không, vẫn có vị trí không thể nào thay thế bằng một đại từ nào khác.
Nếu giả sử, thay thế nó bằng “em” thì tác giả tự loại mình ra khỏi cuộc chơi, hoặc giả thử, thay thế nó bằng “ta” thì chữ “ta” này gây thiệt thòi lớn cho nhà thơ vì nó chỉ được việc cho độc thoại và không thiết lập đối thoại là điều mong ước của Hàn.
Chữ anh được dùng ở đây có thể có nhiều nghĩa mà nghĩa nào cũng tương thích: hoặc “anh” một cách phiếm chỉ cũng được, và lúc bấy giờ có thể ngỏ với bất cứ ai mà mình sẽ chuyển hóa thành người đồng điệu, thành kẻ tri âm để cùng gặp gỡ trong cảnh đẹp, cận bóng yêu kiều. Hoặc, nghĩa thứ hai, mình tự nói với mình, tự nhắn, tự lặp lại để thúc đẩy hành động. Hoặc nữa, nghĩa thứ ba, là câu như của người trong cuộc, như của người yêu gửi gắm cho mình, hoặc do mình tưởng tượng đọc ra từ tấm bưu ảnh mà Hoàng đã gửi tặng Hàn. Nếu hiểu theo cách thứ ba thì đây là một lối “ăn gian” tình cảm xét ra cũng vô tội của nhà thơ.

Nhưng đây không phải là một lời mời trịnh trọng, không phải mời về thăm viếng một cách lớn lao, khệ nệ, không phải mời về chiêm bái một hình tượng nào, thậm chí không phải mời về thưởng thúc một món ngon vật lạ thổ sản của Vỹ Dạ. Không, không phải mời về vì bấy nhiêu thứ ấy, mà là:... về chơi...
Một cuộc “về chơi” không mục đích, không hành lý mang theo, không ý tưởng tâm tình “giắt sẵn”. Về một cách không có gì mang theo và tâm hồn cùng trí não mở rộng sẵn sàng đón nhận.
... về chơi...
Có một số động từ (rất giống giới từ) bao hàm ý nghĩa định hướng sự xê dịch của bước chân hoặc của phương tiện xê dịch: về, lên, xuống, ra, vào, qua, lại, tới...
Có khi do địa hình, có khi do kiến trúc đô thị, những từ ấy thay đổi linh động.
Cũng có khi do vị trí đất đứng của người nói, hoặc người nghe. (2)
“... về chơi...”: “về” dùng trong trường hợp trên - dưới (đồi Thiên An về biển Thuận An), xa - gần (tôi sẽ về thăm bạn), không gian lớn - nhỏ (các bạn đi phố rồi về nhà tôi một lát), phố - làng (từ Huế về Vỹ Dạ).
Kể từ 1930, Hàn giã từ Huế vào làm việc ở Quy Nhơn. Và tại đây, Hàn biết có thiếu nữ Hoàng Thị Kim Cúc ở cùng đường Khải Định với mình. Hàn gặp Hoàng hai lần nhưng không trò chuyện gì được.
Đến năm 1936, Hàn về Huế, gặp Hoàng tại Hội chợ Huế. Hàn đánh bạo về thăm Hoàng tại Vỹ Dạ nhưng không gặp.
Suốt một đời cút bắt với người trong mộng, Hàn đoạn trường mong ngóng mỗi một câu:
Sao anh không về chơi thôn Vỹ…
Câu bình thường ấy, lời mời gọi bình thường ấy, suốt đời không đến với Hàn.
Mà, vạn nhất nó có đến, thì đã chậm mất rồi! Hàn sẽ không thể quay về Huế được nữa, Hàn đã bệnh nặng và ngày cuối đời sẽ không còn bao xa.
Sao anh không về chơi thôn Vỹ…
Thôn Vỹ?
Thôn Vỹ không là gì cả. Ấy vậy mà nó đã từng có một thời làm xao xuyến con tim của bao tao nhân mặc khách trên con đường sưu tập cái đẹp của cảnh vật, cái đẹp của tâm hồn trên đất nước mình. Đơn cử trường hợp này đây với những vần thơ, hình ảnh, những lời nhắn gửi, con người ẩn hiện, những tình cảm phiêu phất nhưng mặn mà, tạo thành một câu chuyện, một bài thơ, một giai thoại đẹp như truyện cổ tích.
Chú thích:
(1) Sao anh không về chơi thôn Vỹ…: chữ “sao” ở đây, ta cũng có bắt gặp trong những trường hợp tương tự:
- “Họ bảo nhau: Nó lần đầu tiên đến Huế, -+chẳng thông thuộc đường sá. Sao ta không lên ga đón nó nhỉ!”
- “Còn sớm chán. Sao ta không vào quán bên đường ăn lót dạ rồi đi tiếp.”
- “Hội chợ mới khai trương. Sao mình không đánh một vòng bên trong xem có gì lạ không.”
- “Khoan ăn món ấy đã, sao ta không bắt đầu bằng món này kẻo nguội.”
Trong những câu nói như trên đây, chữ “sao” nhạt hẳn tính nghi vấn mà nghiêng nặng về tính mời mọc.
(2) Thí dụ câu: “Chiều một mình qua phố....” (Trịnh Công Sơn).
... qua... khiến người ngầm hiểu rằng có hai bên (bên này và bên kia). Ở đây là bờ Nam và bờ Bắc, hay là như người ta thường nói hiện nay: Nam sông Hương và Bắc sông Hương. Giống như thể trước đây, trước 1975, người ta gọi tả ngạn và hữu ngạn. Như vậy, người bên này “qua” bên kia hoặc ngược lại. Và thông thường ở giữa hai bên là một cây cầu.
“Vào” và “ra” chỉ định di chuyển từ tỉnh này sang tỉnh nọ: “vào” chỉ di chuyển theo hướng Bắc - Nam và “ra” theo hướng ngược lại là Nam - Bắc. (Trong khi tiếng Pháp dùng chữ “xuống” và “lên” theo vị trí của tỉnh thành ấy trong bản đồ).
 24/7/2012
BỬU Ý
Theo http://tapchisonghuong.com.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tưởng chừng như

Tưởng chừng như (Nói với Gaston,  15.Dec.2013-15.Dec.2020) Đập cổ kính ra tìm lấy bóng Xếp tàn y lại để dành hơi (Khóc Bằng Phi, Vua Tự Đứ...