Thứ Hai, 25 tháng 5, 2020

Khái Hưng: Sự nổi loạn của trái tim

Khái Hưng: Sự nổi loạn của trái tim
Chúng ta bắt gặp một Nhất Linh đang đau khổ, dằn vặt trên con đường đi tìm lý tưởng và hạnh phúc hay một Thạch Lam vừa mơ mộng vừa hiện thực tỉnh táo thì không thể thiếu đi một Khái Hưng, con người sôi nổi lạc quan với những ảo tưởng trong nỗi buồn man mác, xao xuyến và băn khoăn. 
Văn học Việt Nam giai đoạn 1932 - 1945 là sự hội tụ và tỏa sáng của những gương mặt tài năng cùng với sự xuất hiện của trào lưu lãng mạn, điều này đã giúp cho văn học lúc bấy giờ mang trên mình một bộ mặt mới, đó là giải phóng và đề cao cái Tôi cá nhân mà trước đây vẫn chưa có ai hay tác phẩm nào làm được.
Đôi nét về cuộc đời và phong cách sáng tác của Khái Hưng
Nhà văn sinh năm 1986, gốc ở làng Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo thuộc tỉnh Hải Dương, bút danh Khái Hưng được ghép từ các chữ cái của tên thật là Trần Khánh Giư. Khái Hưng đã nói về bút danh của mình rằng:
“Tên thật của tôi là Trần Khánh Giư, hai chữ Khánh Giư, sắp theo lối anagramme thành ra Khái Hưng, chứ không có gì lạ.”
Ông xuất thân trong một gia đình quan lại, cha giữ chức Tuần phủ và kết hôn với năm bà vợ nên có nhà nhiều dòng dõi con cháu. Khi lớn lên, Khái Hưng theo học chương trình Pháp ở trường Trung học Albert Sarraut tại Hà Nội, ông còn có tài hội họa nhưng chẳng mấy chốc đã từ bỏ.
Sau này ông đã dừng lại việc học của bản thân khi vừa đỗ tú tài I rồi về Ninh Giang mở bán đại lý dầu hỏa. Trải qua nhiều thăng trầm thì cuối cùng Khái Hưng quyết định trở lại Hà Nội rồi làm giáo viên giảng dạy tại trường tư thục Thăng Long và tại đây ông đã cuộc gặp gỡ với Nhất Linh.
Tuy nhà văn sinh ra trong một gia đình quan lại và cha vợ là Tổng đốc Bắc Ninh nhưng Khái Hưng lại lựa chọn cho bản thân một cuộc sống tự lập, vừa đi làm vừa viết báo.
Theo ông mà nói thì nghề văn, nghề báo như là một nguồn sống cao quý để bản thân có thể dâng hiến nỗi niềm và tâm tư một cách trọn vẹn vào trong đó.
Chân dung nhà văn Khái Hưng.
Trong quãng thời gian này, ông đã làm việc với tờ báo thương mại của Chu Mậu, một nhà buôn có thế lực dùng báo làm phương tiện để quảng cáo cho nhãn hàng may mặc của mình. 
Tuy nhiên, Khái Hưng vẫn chưa tìm được “mảnh đất” để bộc lộ được hết tài năng mà bản thân có nên ông đã chuyển sang viết cho tờ báo Phong Hóa từ số một đến số mười ba do Phạm Hữu Ninh, hiệu trưởng trường Thăng Long chủ trương.
Sau này, trong lúc Nhất Linh đang thương lượng với Phạm Hữu Ninh về việc mua lại tờ báo Phong Hóa thì ông tình cờ đọc được một bài khảo luận đăng trên tờ Văn học tạp chí với bút danh Bán Than. Ngay lập tức, Nhất Linh đã nghĩ đến đồng nghiệp của mình là Khái Hưng.
Và quả thật không sai, hai con người đã nhanh chóng có một cuộc gặp gỡ, tuy có sự chênh lệch về tuổi tác nhưng những tâm hồn đồng điệu ấy đã trở thành đôi bạn trong cuộc sống, nghiệp dĩ và cả văn học. Nhất Linh đã viết trong lời đề từ của tác phẩm Đoạn tuyệt rằng:
“Tặng Khái Hưng, tác giả Nửa chừng xuân, nhà văn cùng quan niệm với tôi về xã hội hiện thời.”
Năm 1932, Nhất Linh chính thức chủ trương tờ báo Phong Hóa, hơn một năm sau Tự Lực văn đoàn được thành lập với ba thành viên trụ cột là Nhất Linh, Khái Hưng và Hoàng Đạo. Đây chính là cột mốc lớn trong sự nghiệp sáng tác của ông.
Là một trong những cây bút chủ chốt của Tự Lực văn đoàn, người ta thường ví văn của Khái Hưng như hoa thơm trong vườn thượng uyển. Ông viết nhiều thể loại như kịch, truyện ngắn, truyện dài, phê bình văn học nhưng thành công nhất có lẽ là tiểu thuyết.
Ông để lại cho đời không ít tác phẩm và chúng ta không thể phủ nhận được sự ảnh hưởng của Khái Hưng lúc bấy giờ. Việt Nam giai đoạn 1932 - 1945 dấy lên yêu cầu đổi mới nền văn học, theo dòng chảy của tự nhiên ấy thì các thi nhân đã chuyển mình và hướng ngòi bút của bản thân đến gần hơn với con người.
Bên cạnh trào lưu văn học hiện thực, phê phán một xã hội mục rữa và thối nát thì trào lưu văn học lãng mạn nổi lên như một sự đan xen giúp cho cuộc sống ấy bớt đi ít nhiều khắc nghiệt. Khái Hưng là một trong những cây bút có hai yếu tố trên kết hợp và hòa quyện.
Khi Tự lực văn đoàn được thành lập thì trên tờ Phong hóa đã công bố chín tôn chỉ và một trong số đó cũng chính là quan niệm và phong cách sáng tác của Khái Hưng: 
“Trọng tự do cá nhân.”
Văn chương Khái Hưng được chia làm hai phần là văn học cổ điển và văn học châu Âu cấp tiến, nói như nhà nghiên cứu văn học hiện đại và văn học dân gian Việt Nam Vũ Ngọc Phan thì ông là văn sĩ của thanh niên Việt Nam cũng như Alfed de Musset là thi sĩ của thanh niên Pháp thuở xưa.
Chính điều này đã khiến cho các tác phẩm của ông đều có sự giải phóng cái Tôi cá nhân đồng thời qua đó nhà văn lên án chế độ phong kiến hủ tục, quan liêu. Để khi đến với tiểu thuyết của Khái Hưng, chúng ta có thể một lần nữa khẳng định lại được giá trị trong sáng tác về cả hai khía cạnh là nội dung lẫn nghệ thuật.
Khái Hưng xem ái tình là nỗi tuyệt vọng
Ông thường xây dựng những mối tình buồn sầu đến thảm thương trong đa phần các tác của mình và trong truyện dài Nửa chừng xuân, Khái Hưng đã viết:
“Ái tình là bông hoa thơm không bao giờ kết quả.”
Khi đến với tập truyện ngắn Anh phải sống cũng vậy, ông đã dịch những câu thơ từ tập thơ của Félix Arvers để dành cho nhân vật Văn Châu Linh, đó là một mối tình không bao giờ hé môi của của chàng thi sĩ:
“Lòng ta chôn một khối tình
Tình trong giây phút mà thành thiên thu
Tình tuyệt vọng, nỗi thảm sầu
Mà người gieo thảm như hầu không hay
- Tình tuyệt vọng.”
Một tình cảm bị đè nén suốt năm năm, Văn Châu Linh nhìn người mình yêu cứ thế mà kết hôn với bằng hữu thân thiết nhất. Không những thế ở phần Sóng gió Đồ Sơn, Bạch Tuyết được Văn Hải đem lòng yêu say đắm mà viết thư rằng:
“Thưa Bạch Tuyết tiểu thư. Từ khi được giáp mặt hoa đào, ngày đêm tôi âu sầu tưởng nhớ. Đã nhiều phen mượn giọt mực đen, tờ giấy tím để giải tỏa tấm gan vàng với người mắt xanh.”
Chàng thi sĩ đã phải lòng người con gái đó kể từ buổi đầu gặp mặt, mỗi ngày anh đều đứng trước cửa nhà hàng để liếc trộm dung nhan của nàng. Nhưng ngặt nỗi, Bạch Tuyết lại không chịu đồng ý mà cứ trêu đùa tình cảm ấy, Văn Hải cảm thấy trái tim mình thật khổ sở, sau mấy năm trời vẫn đơn phương mãi một bóng hình.
Bìa tập truyện Anh phải sống của Khái Hưng.
Anh dần quen với nỗi mất ăn, mất ngủ, bỏ ngay cả việc học trước mắt và cuối cùng thì Văn Hải đã nhận ra rằng, ái tình chính là một lời vĩnh biệt làm tan nát lòng người.
Hay trong Đợi chờ, vì Phụng có hứa với Linh mỗi năm sẽ về vườn cam rám đỏ dưới luồng gió heo may để cùng nhau tái ngộ nên anh đã chờ mãi, năm nào cũng ở đó mong ngóng đến rạo rực cả lòng làm man mác cả linh hồn vạn vật. Trên ngọn đồi xa có làn mây bạc cùng Linh đợi người năm ấy, lòng anh tựa vạn vật âm ỉ mong ngóng mùa Xuân về.
Và trong số những tác phẩm trên thì không thể không điểm đến Hồn bướm mơ tiên, tác phẩm đầu tay của Khái Hưng và cũng là của Tự Lực văn đoàn. Đó là một cuốn tiểu thuyết lý tưởng kể về câu chuyện tình lãng mạn, tuyệt vời và bay bướm tựa như các truyện ngắn của nhà văn Ivan Tourgueniev.
Tác phẩm đầu tay Hồn bướm mơ tiên của Khái Hưng.
Cuốn sách mang giá trị nghệ thuật cao, tâm lý nhân vật được thể hiện sâu sắc qua sự đấu tranh, giằng co giữa tình yêu và lòng mộ đạo ở nội tâm một người đệ tử xuất gia và Hồn bướm mơ tiên chính là phát súng đầu tiên trên văn đàn, đánh dấu sự mở đầu cũng như bành trướng của các cây bút có lối viết lãng mạn, mơ mộng lúc bấy giờ:
“Yêu nhau trong linh hồn trong lý tưởng.”
Đó là khi Ngọc ở chùa Giáng Long được hơn mười ngày, mối quan hệ giữa chàng và Lan, một chú tiểu giả trai ngày càng thân thiết, gần gũi. Hữu cảnh sinh tình âu cũng là điều tất yếu, ở đây đã có mối tình chớm nở trong trái tim của Ngọc:
“Phải tay thần Ái tình mới có cho bày trí một cảnh u ám, buồn rầu nên cảnh dịu dàng ngộ nghĩnh thật, lên ở chùa mới biết yêu, mới biết yêu là có thú vị.” 
Để rồi yêu nhau thì lại hơn mười phần phụ nhau, muốn lên chùa thoát tục nhưng vì bản tính con người khó mà xóa bỏ nên người ta gọi đó là ái tình, là linh hồn bất vong bất diệt.
Qua ngòi bút của Khái Hưng thì Lan và Ngọc chính là hai con người thể hiện cho hai thế giới hoàn toàn đối lập. Ngọc đại diện cho người trần tục nên đối với chàng thì tình yêu mới là quan trọng. Khi tình cảm ấy dần nhen nhóm trong tim thì Ngọc đã có một sự tranh đấu giữa lương tâm và tội lỗi.
Bìa cuốn sách Hồn bướm mơ tiên.
Còn Lan là người tiêu biểu cho sự xuất thế nên con người ấy cho rằng tình yêu là cái ảo tưởng của hạnh phúc, sự thể hiện của chốn trầm luân và nó chỉ là một sự nhỏ nhen so với lòng bác ái của Đấng từ bi:
“Trên đời chỉ có lòng bác ái mới là đáng kể.”
Khái Hưng rất thành công trong việc đi sâu vào tình cảm con người, ông tập trung khái quát những gì đẹp đẽ nhất từ tận sâu đáy lòng của họ. Trải qua bao truân chuyên và vượt ra khỏi giới hạn của bản thân để rồi phần kết truyện, Ngọc đã nói rằng:
“Tôi không có gia đình nữa. Đại gia đình của tôi nay là nhân loại, là vũ trụ, mà tiểu gia đình tôi là hai linh hồn đôi ta, ẩn núp dưới bóng từ bi Phật tổ.”
Đối với Khái Hưng mà nói thì yêu chính là luật chung của vạn vật, là bản tính của Phật giáo, con người yêu nhau là yêu từ trong gốc rễ của linh hồn.
Cũng vì thế nên văn của Khái Hưng luôn hướng đến cuộc đời với những gì đẹp đẽ nhất, Hồn bướm mơ tiên là cuốn sách mở đầu trào lưu văn học lãng mạn trong tiểu thuyết và cũng là định hướng cho ngòi bút của ông. 
Một tài năng chưa bao giờ kết thúc
Khái Hưng luôn để nhân vật của mình sống giữa hai sự đối cực, bên cạnh Hồn bướm mơ tiên thì Nửa chừng xuân cũng là một minh chứng cho điều trên.
Cuốn sách mang trên mình sự lãng mạn tiến bộ, đấu tranh cho quyền sống cá nhân, phê phán đại gia đình phong kiến đồng thời tố cáo bọn quan lại và địa chủ trọc phú ở vùng nông thôn.
Tác phẩm viết về một mối tình trong thời kỳ chuyển mình của xã hội nước ta, đó là sự giao thoa giữa cái cũ và cái mới, từ xung đột đến những nhân vật trong đó sẽ làm nổi bật lên được ngòi bút của Khái Hưng. Hàn Thanh tán tỉnh Mai làm vợ bé trong khi mối quan hệ giữa Mai và bà Án, mẹ của anh có sự xung đột.
Cuốn sách Nửa chừng xuân của nhà văn Khái Hưng.
Đó là cuộc đấu tranh để bảo vệ hạnh phúc lứa đôi ngoài lễ giáo phong kiến, cuộc đấu tranh giữa cũ và mới ấy đã có lúc khiến các nhân vật trung tâm đi vào phía đối lập rõ rệt. Như lúc Huy nói thẳng vào mặt bà Án lúc bà lên Phú Thọ khuyên Mai về làm vợ bé cho Huyện Lộc:
“Thưa cụ, cụ tức là cái biểu hiện, tứa là một người đại diện cho nền luân lý cũ. Mà tâm trí chúng cháu thì đã trót nhiễm những tư tưởng mới. Hiểu nhau khổ lắm, thư cụ. Cụ với bọn hậu sinh chúng cháu như hai con sông cùng một nguồn, cùng chảy ra bể, nhưng mỗi đàng chảy theo một phía dốc bên sườn, gặp nhau sao được.”
Mai là cô gái hiếm có trong buổi đương thời, nàng giàu lòng vị tha và mang trên mình một khuôn mẫu Công - Dung - Ngôn - Hạnh. Tuy vậy nhưng nàng vẫn được xem như một nạn nhân của xã hội phong kiến chỉ biết đem cái nhân hậu, cái thanh cao ra mà chống đỡ chế độ đa thê đến cùng.
Cuộc đời Mai một phần nào đó rất giống với nhân vật Thúy Kiều trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, cả đời nàng chỉ biết thờ hai chữ hy sinh, hy sinh cho gia đình và cả mối tình đầu mặc dù hạnh phúc của bản thân đã kết thúc ở tuổi nửa chừng xuân.
Hàn Thanh hay bà Án đều là hiện thân cho chế độ luân lý cũ, họ nhanh chóng bị đào thải vì đó là quy luật của tự nhiên, cái mới sẽ chiếm chỗ và thay thế nó. Anh từng nói với Mai rằng, anh hiểu, anh yêu, anh trọng cái giá trị tự do cá nhân nhưng Lộc lại bị khuất phục trước uy quyền của lễ giáo.
Hình ảnh bìa cuốn sách Nửa chừng xuân.
Nửa chừng xuân có một tư tưởng tiến bộ nhưng vẫn còn rụt rè, đó là nỗi tâm tình và giải thoát bản thân hướng đến hạnh phúc đích thực. Khái Hưng đã tài tình đưa cái mới vào nếp sống cũ mà không làm mất đi tính chất nguyên bản của nó, họ biểu trưng cho tình yêu được lý tưởng hóa, đề cao tự do hôn nhân.
Không chỉ dừng lại ở đó, Khái Hưng còn là người có trí óc sáng tạo không ngừng. Khi viết Tiêu Sơn tráng sĩ, ông đã phóng tác nó từ Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô Gia Văn Phái và Sơ kính tân trang của Phạm Thái để từ đó viết lên những trang văn mang đậm lý tưởng anh hùng của những thanh thiếu niên xông pha ra chiến trận.
Ở tác phẩm còn phảng phất cái không khí nghĩa hiệp của những tiểu thuyết chương hồi Trung Quốc như Tam quốc chí hay Thủy Hử, còn phải kể đến đến sức ảnh hưởng từ Ba người ngự lâm pháo thủ của Alexandre Dumas.
Từ đó chúng ta có thể thấy được, Khái Hưng đã rất khéo léo, tài tình khi kết hợp những yếu tố ảnh hưởng của phương Đông và phương Tây để thành công xây dựng nên một cuốn tiểu thuyết “anh hùng nghĩa sĩ” theo kiểu Việt Nam.
Tác phẩm Tiêu Sơn tráng sĩ.
Nhân vật của Khái Hưng luôn được đặt trong sự lựa chọn mang nghĩa cực đoan.
Một là họ phải chịu đựng mà sống ngay cái đích chắc chắn hay khuôn khổ nhất định mà theo Nửa chừng xuân thì đó là suốt đời làm nô lệ hoặc sẽ trở thành “những con lợn không có tư tưởng” để rồi tồn tại và biến mất không một dấu ấn.
Hai là họ sẽ biến thành kẻ trác táng và phóng đãng, sống theo tiếng gọi của Đời mưa gió, tràn đầy tự do, bản lĩnh và cá tính. Những con người đó luôn sống cho mình, vì mình và đi ngược lại với dòng chảy của chúng nhân.
Tiểu thuyết Khái Hưng luôn truyền bá những triết lý và tư tưởng tinh thần của xã hội. Băn khoăn là một tác phẩm như thế, nhà văn Dương Nghiễm Mậu đã nhận xét về cuốn sách rằng:
“Có thể nói đây là tác phẩm đầu tiên ở Việt Nam thuộc trường phái “tiểu thuyết mới”.
Khái Hưng bắt đầu từ việc tiếp thu sự mô phỏng nhóm thơ la Pléiade rồi dùng các thủ pháp trong văn học Pháp như phương thức để phát triển cái riêng của bản thân. Ông hướng ngòi bút đến cái đẹp về kẻ mạnh, kẻ giàu, kẻ có quyền, kẻ thắng trong các cuộc cạnh tranh cướp đoạt.
Bìa sách Băn khoăn của Khái Hưng.
Đối với Thanh Đức, nhân vật chính của truyện thì đồng tiền là trên hết, là sự vạn năng bởi lẽ nó mua được người đẹp một đêm, mỏ vàng, nhà cửa, nhân nghĩa và cả phẩm giá con người. Điều này đã khiến cho Hoàng, người anh họ của Đức đã phải thốt lên rằng:
“Kim tiền! Trời đất ơi! Kim tiền! Kim tiền làm cho người ta quên hết ghét, yêu, thù, tức chỉ để nghĩ đến nó, chỉ nhớ đến nó, chỉ chạy theo nó. Kim tiền vạn tuế!… Sống mãi trong cái xã hội này một ngày kia tôi điên thật!”
Cùng quay lại với Hồn bướm mơ tiên, cuốn sách phảng phất không khí của truyện Nôm Việt Nam thế kỷ XVIII là Quan Âm Thị Kính. Ở đó có một tình yêu luôn được giác ngộ bởi trái tim bác ái và giàu lòng hy sinh, từ đó kích thích một sự cao thượng trong đại gia đình nhân loại.
Đồng thời Hồn bướm mơ tiên còn truyền bá tư tưởng Phật giáo, cái tên còn gắn với một bài thơ đầy cảm hứng Phật giáo của Lê Thánh Tông:
“Gió thông đưa kệ tan niềm tục
Hồn bướm mơ tiên lần sự đời.”
Những tác phẩm của Khái Hưng bất kể là thể loại nào đều có đủ sức để chứng minh được tinh thần giá trị xã hội, ông đem hết tinh lực, tài trí ra sức làm việc cho đời, bênh vực cái mới, cái tiến bộ đồng thời lên tiếng phá bỏ đi những quan niệm khắt khe và lạc hậu.
Tuy nhiên không phải tác phẩm nào của ông cũng đều nằm trong phạm trù chủ nghĩa lãng mạn. Với sự sáng tạo nghệ thuật, giới hạn giữa hiện thực và lãng mạn trong văn Khái Hưng luôn có phần nào mờ nhạt để từ đó nhà văn có thể khắc họa rõ nét hơn hình ảnh những con người và cả xã hội. 
Kịch ngắn Một em bé khổ sở của Khái Hưng.
Khái Hưng hay Tự Lực văn đoàn đều như một ngọn cờ nhân văn lớn, dẫn đầu ở thời kỳ ấy. Đó là những trang viết đấu tranh đòi quyền sống cho lớp người đói khổ và sự vươn lên, gào thét đòi giải phóng cái Tôi cá nhân ra khỏi khuôn khổ cũng như chuẩn mực của xã hội lúc bấy giờ.
Ở con người ấy có một lòng yêu nước tha thiết nhưng vì đi sai đường bày tỏ nên cuối cùng lại trở thành phản động. Khái Hưng mất nhưng danh thơm vẫn còn, thế giới văn nhân nghệ thuật ghi đậm nét tên người. Chúng ta sẽ luôn nhớ trong lòng một nhà văn Khái Hưng với những gì tài hoa và đẹp đẽ nhất.
Minh Minh
Theo https://revelogue.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...