Một sắc hoa ban - Đa sắc tâm hồn
Nguyễn Anh Tuấn có các bút danh Mai An Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn
Yên Thế. Tốt nghiệp khoa Văn Đại học Sư phạm Hà Nội, anh lên dạy học ở Tây Bắc,
gắn bó đời trai trẻ với vùng cao nghèo khó Sơn La ngót chục năm. Trở về quê nhà
Hà Nội, anh được biết đến là một đạo diễn điện ảnh và truyền hình có năng lực
sáng tạo. Từ tuổi ngoài hai mươi trẻ trung và nhiều phiêu bạt, gian khổ, anh đã
làm thơ, viết văn. Anh trước tiên là một nhà văn với nhiều tác phẩm văn xuôi
đáng được chú ý, ngoài kịch bản phim là tiểu thuyết, truyện ngắn… Và với thơ,
tác giả này đang khiến nhiều đồng nghiệp và độc giả nói chung thật sự ngỡ ngàng (1).
Với Vài lời tự bạch, Mai An Nguyễn Anh Tuấn (MANAT) đã
giúp độc giả hiểu thêm về một thế giới khác của anh: “Sau khi đã đi hết tuổi
trẻ của mình/ đi gần hết những đắng cay, tủi hận, khát thèm, mơ mộng/ để đến
với một bản hoang vắng bên sông Đà/ sắp chìm trong nước lạnh”, tôi đã có
trong tài sản chữ nghĩa hơn năm trăm bài thơ. Nhưng xét cho cùng, đó chỉ là
những cuộc “chơi thơ” riêng tư, và tôi đã coi thơ là cái gốc của việc làm
phim mình theo đuổi. Ngoài ra, những gì chưa/hoặc không đưa được vào phim ảnh,
tôi dốc cả vào văn xuôi và thơ - giống một sự giải tỏa cần thiết của nội tâm…
Trước sự động viên của một số người anh, người bạn thân thiết, tôi quyết định
lựa chọn để in tập thơ này, tập thơ riêng đầu tiên và cũng là duy nhất…”
Mấy dòng tâm sự của MANAT cho thấy rằng nhà giáo, nhà đạo
diễn kiêm biên kịch điện ảnh này không chỉ say mê và có trách nhiệm cao đối với
các nghề nghiệp anh đã trải nghiệm mà Thơ cũng choán phần lớn tâm hồn, sức lực,
thời gian của anh. Thơ là cội rễ trong đời sống tinh thần của anh.
Tập thơ Một sắc hoa ban chỉ chọn ra 111 bài thơ
và 1 trường ca từ tài sản lớn 500 bài thơ của tác giả. Sách 230 trang, xếp
bài kín hết, nếu để thoáng như cách trình bày của sách thơ hiện nay, thì tập
thơ này phải có độ dày khoảng từ 500 đến 550 trang. Năm phần thơ có thể soạn
in ra thành 3 tập riêng.
1. Xúc cảm đa phức
MANAT ngợi ca hoa ban và con người vùng cao Tây Bắc bằng một
giọng thơ thương cảm, một nỗi buồn tiếc ẩn đau mà trong trẻo, lắng đằm. Cái đẹp
của hoa ban Tây Bắc là cái đẹp cao cả nhưng buồn đến cháy lòng. Khói
nương quẩn quanh nỗi buồn vạn thuở (Điều chưa kịp nói). Anh nhiều yêu mà
ít vui. Tự giằng xé nội tâm nhưng kìm nén được xúc cảm, do vậy nhà thơ đã
tránh được nhược điểm thật thà, quá lời hoặc bế tắc. Thơ anh chủ yếu là thơ
truyền thống nhưng không cũ, không đơn điệu, bằng phẳng. Thơ anh có niềm vui,
hy vọng, mơ ước, tất cả đặt vào thiên nhiên, con người Tây Bắc nhưng đan xen
và bao trùm - cứ như là mâu thuẫn - vẫn có những nỗi niềm gan ruột theo hướng
ngược lại, bắt buộc phải bộc bạch, chúng trào dâng, chiếm lĩnh độc giả. Với
dân bản, với học trò, với người anh yêu, với cộng đồng xã hội khi vào vai một
công dân, với gia đình… MANAT đều trải lòng.
Như đã nói, đây là cuốn sách thơ kép. Bởi vậy, hiện thực
khách quan mà chủ thể hướng đến không chỉ là nỗi niềm về Tây Bắc - Sơn La -
hoa ban, dẫu rằng xúc cảm về cái đẹp - mà hoa ban là một biểu tượng tiêu biểu
- đã hướng dẫn và chi phối những xúc cảm khác. Trước tiên, phải nói đến cái đẹp
là hoa - hoa ban, cái đẹp của con người, dân bàn vùng cao bình thường nhất, kể
cả những người miền xuôi lên đây, như chính tác giả. Nhưng cái đẹp buồn. Như
có tiếng nức nở, giọt nước mắt chợt ẩn chợt hiện đằng sau những trang thơ:
Tuổi trẻ anh đi qua những bản nghèo/ Phố huyện buồn ngủ
quên trong mây núi/ Nơi có những cuộc chia ly vồi vội/ Giọt lệ nào hóa đá giữa
hang sâu (Lời hẹn hò với núi). Thứ cây nào như ban, quẩn quanh gai
góc/ Từ lưng vực sâu dâng tới ngang đèo/ Ta ngỡ tưởng vươn tay hái được/ Mà
ngàn năm còn đứng giữa cheo leo…(…). Không chỉ một lần anh khóc giữa mênh
mông/ Ngày đốt nương mịt mù cành hoa ban cháy khét/ Không chỉ một lần anh xót
xa thảng thốt/ Trước vệt ban rừng biến mất giữa thung xa…(Khúc hát hoa ban -
Trường ca).
Cái đẹp là nhân dân, Tổ quốc, thể hiện đậm đặc ở phần III.
Tại đây, nội dung hiện thực được trải rộng ra nhiều hướng. Nhà thơ có một
góc nhìn Trung Quốc, phẫn nộ với Tội ác hồn nhiên, đã sống những Đêm
mưa Hà Nội, từng Ghi ở chùa Tây Phương, đến Thăm Côn
Sơn, mở lòng Giữa thành phố phương Nam, xót thương lắm Em bé
miền Trung, ngược về Xứ Lạng, v.v. Anh nặng lòng trăn trở, xót thương với
tất cả những gì anh đang quan tâm nhất trên đất nước này: Dẫu chúng mình
kỷ niệm thật thiêng liêng/ Em đừng quên những ngôi nhà đổ sụp/ Máu đang chảy
dọc nẻo đường đói khát/ Anh làm thơ như một kẻ vô tình. (Lại một mùa mưa
Tây Bắc).
Thêm nữa: gia đình thân yêu. MANAT viết về bà, bố, mẹ, con
và những người thân khác rất xúc động. Chiêm ngưỡng hình ảnh người bà trong
lòng người cháu sẽ thấy hình ảnh người cháu trong cuộc đời người bà: Cả
cuộc đời sống thanh bạch, mỏi mòn/ Bà giữ trọn cả tình thương nhân hậu/ Vui,
giận, lo, buồn... mắt già nhìn đau đáu/ Bao thăng trầm như một bóng mây
qua... (...) Có những phút giây nhìn tận đáy tâm hồn/ cháu thấm thía quý
thương mỗi ngày bà đang sống/ cháu thấy ngợp trước lòng bà lồng lộng/ Thêm một
vì sao đã tắt giữa trời khuya.
2. Hình tượng tâm hồn
Đối với không ít tác giả, khi viết về vùng cao, người ta
hay nói nhiều đến phong tục - tập quán, tâm lý, nếp sinh hoạt của các dân tộc
thiểu số. Thêm nữa, ca dao, dân ca, tục ngữ, thành ngữ, lời nói của dân bản,
cũng là một phần của đời sống muôn vẻ, lạ lẫm, lý thú mà người đọc dễ bị hút
hồn giữa các trang văn. Đọc thơ MANAT - một tác giả đã sống gần chục năm ở Tây
Bắc, rất yêu, rất am hiểu và viết rất hay về vùng đất này trong văn xuôi, lại
không thấy như thế. Đọc thơ anh, độc giả được giao cảm với tâm hồn anh để đến
với hồn Tây Bắc. Nhà thơ Nguyễn Nguyên Bảy đã rất nhạy cảm và tinh tế khi đọc
thơ MANAT. Anh lưu ý đến tâm hồn thơ của một tác giả là người em kết nghĩa của
mình. MANAT rất ít khi sẻ chia tâm sự với ai ngoài trang thơ. Nhưng đối với
anh Bảy thì Tuấn đã không thể không nói. Cả hai anh em đều hiểu rằng tiếng
lòng em, vùng thiêng của em, em rất ít khi chia sẻ. Tuấn đáp lời anh: “Anh muốn
đọc tâm hồn chứ gì ? Cái đó em gửi trong thơ”. Trong một bài viết về thơ MANAT (in ở cuối tập thơ), Nguyễn Nguyên Bảy đã giãi bày: “Xin mẹ cho con
thăng hoa hồn, đi men theo thơ Tuấn, mà đón gặp tâm hồn em”. Bên cạnh ý kiến
của nhà thơ Nguyễn Nguyên Bảy, nhà phê bình, TS Chu Văn Sơn cũng nói đến chất
tâm hồn của thơ, người thơ MANAT (in ở cuối sách).
Có thể nói hai người đọc vừa nêu là những người đầu tiên phát hiện ra phẩm chất tâm hồn trong thơ MANAT. Thật vậy, như nhiều nhà thơ khác, MANAT trình bày con người tinh thần của mình trong thơ. Thơ là con người - tinh thần - mỹ cảm thật nhất của anh, là thế giới tâm hồn anh.Trước khi tiếp cận tâm hồn, hình tượng tâm hồn, độc giả đã tiếp cận Người Thơ. Đó là một chàng trai thuần Hà Nội - dáng cao gầy, dễ gây thiện cảm ngay đối với người mới gặp - đã ngơ ngác, ngẩn ngơ trước vẻ đẹp của cảnh trí thiên nhiên và con người Tây Bắc mà hoa ban - vật thể và hồn hoa - được anh dùng làm biểu trưng, khiến anh đa cảm đến mềm lòng, dễ chạnh buồn, để rồi thêm giàu niềm tin, khát vọng. “Mộng lãng du đưa anh đi qua bao nẻo rừng/ Bao con suối, bao dòng sông, bao khoảng trời xa lạ/ Đâu cũng là Đất Nước nghèo trong câu ca và rơm rạ/ Lán nứa mái tranh che tạm nỗi cơ hàn/ Những mái đình chùa cong trĩu nặng kiếp nhân gian/ Những cơn đói của anh nối tiếp những cơn đói của ông cha hàng thế kỷ/ Và nỗi buồn vui của anh có muối mặn gừng cay của bao đời thường không đếm xuể/ Có những khi anh ngẩn ngơ trước một điệu dân ca đồng bằng/ Giữa trưa nắng chói chang, trên vùng quê mới/ Núi lại núi, mây giăng vời vợi/ Em ở đâu sau núi và thời gian... ( tr. 55)
Trong thơ MANAT, do xúc cảm thi ca cuồn cuộn đã lấn át sự
việc hoặc chuyện kể với những chi tiết cụ thể đời thường, vì vậy độc giả có cảm
giác như là chỉ thấy tâm hồn. Hoạt động sáng tạo thi ca của MANAT đã tạo nên
hình tượng tâm hồn của tác giả. Bên dòng sông mùa lũ, anh độc thoại: Sông
Hồng mùa lũ đục ngầu, miên man cuộn chảy. Anh nhìn phía thượng nguồn xa tít tắp…
Hỡi chàng trai không còn trẻ nữa, bao dòng sông, bao con suối anh đã đi qua?
(…). Cùng những rác rến bèo bọt, những năm tháng lỗi lầm và hèn đớn trôi
đi…Anh ngược dòng tìm đến thượng nguồn sông, tới đầu con suối. Để sống, dù một
ngày thôi, giữa cái nơi không có thù hằn, đố kỵ, bon chen. Để sống, dù một chốc
lát thôi, với ngọt ngào dịu êm vô tận của mối tình đầu… Cũng chính ở thơ
văn xuôi như thế, hình tượng tâm hồn được thể hiện một cách trực tiếp: Tôi
đã sống qua bao trăn trở, hoài niệm, khát khao bay bổng, quên rằng cái ăn là
nỗi lo thường trực của nhiều người kể cả tôi, và tôi đã thi vị hóa cái nghèo,
cái đói, tệ hơn, lẩn tránh vào sách vở và đủ loại triết lý siêu hình. Và cứ
thế, tôi đến với hôm nay. Với bản vắng. Sắp chìm trong nước lạnh… (Giữa
bản vắng).
So sánh với những thể loại khác thì thơ gắn với tâm hồn tác
giả nhiều nhất, nói được rõ nhất, trực tiếp nhất cái tôi, nhân cách, tâm hồn
tác giả. Những dẫn chứng ở trên hẳn còn rất thiếu, nếu muốn đầy đủ thì cần
nêu ra hầu hết các bài thơ.
Trong trẻo và vẫn còn nguyên sơ, đó là tâm hồn mỹ cảm thi
ca của MANAT. Nặng lòng trải ra nhiều ngả riêng - chung. Xót tiếc, ngậm ngùi
và ước mong, khát vọng. Ấy cũng là tâm hồn Tuấn trong thơ. Ngơ ngác (lời
tự bạch) mà vẫn ý thức sâu sắc về chính mình về con người đời thường, con người
công dân, con người sự nghiệp, tức là trí tuệ vẫn hướng dẫn tâm hồn Tuấn
trong thơ.
3. Biểu tượng đơn và kép
Thơ MANAT tạo nên ấn tượng và ám ảnh bởi những biểu tượng...
Hoa ban, sương, trăng là ba biểu tượng thơ đơn. Hoa ban là biểu
tượng mẹ, hình tượng nội trội nhất, được tác giả trân trọng, nâng niu, yêu
thương như đối với một sinh thể vừa vật chất vừa tinh thần gan ruột của mình,
như một kiểu Nàng Thơ. Biểu tượng này cần được đề cập trong một bài riêng. Ở
đây, có thể dễ dàng nói đôi điều về hai biểu tượng khác: sương, trăng và một
biểu tượng kép: trăng - sương.
Sống ở miền cao Sơn La ngót chục năm ròng, sau đó vì
công việc làm phim lại quay trở lại đó nhiều lần, MANAT đã hòa thấm tâm hồn,
máu thịt, cuộc đời anh vào thiên nhiên, con người nơi ấy. Anh nói nhiều đến
sương - một hiện tượng thiên nhiên rất hay xảy ra ở vùng cao. Những trận
cháy rừng, những đêm sương muối (tr. 12). Hoa đào sương trên thảo nguyên
mênh mông (tr.14). Đâu những ngày sương muối lạnh tê người (tr.18). Bắt
đầu từ sương giá những năm dài (tr.19). Bâng khuâng những chiều
sương… (tr.20). Những mái sàn khuya bàng bạc màu sương (tr. 23). Hoa
chỉ đẹp khi phơi mình trong nắng/ Cả rừng sương qua đêm (tr.27). Em
lên đỉnh núi mờ sương (…)/ Đêm đêm một ngọn đèn dầu/ Ủ trong sương núi, thắp
vào mộng mơ… (tr.29). Tự bao giờ em đến bên anh/ Như rừng ban trắng
muốt/ Sáng một dải mờ sương (tr. 37). Mở cửa gian phòng lạnh giá
hơi sương/ Anh lại thấy một ngôi sao không tắt (…)/ Sao như mắt em buồn rầu
và tinh nghịch/ Nhìn qua trời sương lạnh nói chi hoài (tr.42). Núi
lặn mình trong sương (tr.43). Những trưa chói chang, những
lúc sương chiều (tr.47). v.v...
Và Trăng. Trăng dõi theo mọi xúc cảm và cử chỉ của con người.
Trăng chia ngọt sẻ bùi cùng dân bản và tác giả. Trăng tỏa sáng hầu hết các
trang thơ: Tiếng nhị khuya man mác cả vầng trăng (tr.9). Vầng
trăng lạnh, tiếng hổ gầm, sói hú (tr.18). Và khi trăng lên từ lòng
núi đá/ Tiếng hát lại bay tới những tầng sao… (tr.23). Ai giắt lên cao một
mảnh trăng rừng (tr.45). Bên dòng sông trăng phủ đầy lối hẹp (tr.46). Anh
lại miên man nhớ vầng trăng thuở ấy (…)/ Tuổi thơ rung trong mỗi ánh trăng rằm (tr.77). Những
bước chân đây đó bến trăng thanh… (tr.83). Bóng ma không làm ai sợ sệt/ chỉ
khiến vầng trăng vụn nát… (tr.110). Người bôn ba chốn thị phi, nơi trận mạc/
Rồi trở về với bóng trăng cô tịch (tr.125). Sau cơn mưa - trăng giấu
nụ hôn đầu (tr.160).
Mùa hoa ban, mùa củ mài, măng đắng/ Cũng là mùa của sàn gió, sàn trăng (…). Những đêm trăng nghe dạt dào tiếng hát (…) (Khúc hát hoa ban - Trường ca). v.v... Tập thơ có riêng hai bài về trăng (Núi và trăng, Trăng rừng).
Nhìn về tổng thể xúc cảm thơ và hình tượng thơ, thấy tác giả
vô tình hay hữu ý đã tạo nên biểu tượng thơ kép trăng - sương.
Đối với MANAT, trên vùng cao Tây Bắc, quê hương thứ hai của
anh, sương và trăng luôn luôn ở bên nhau, ở trong nhau. Sương cùng trăng thêu
dệt nên vẻ đẹp Tây Bắc - vẻ đẹp trong trẻo và buồn. Em gái quay sa đêm
trường sương giá/ Tiếng nhị khuya man mác cả vầng trăng (tr.9). Tôi
cứ đi lang thang trên con đường vắng lặng/ ngập trăng sương không biết để làm
gì (tr.21). Sương trăng buông tựa hoa thêu gấm dệt (tr.
24). Nhớ em/ Tay nắm trong tay/ Tìm em/ Rừng lại tỏa đầy sương
trăng (tr.32). Anh nhớ em/ Sương rừng giăng giá buốt/ Mảnh trăng
nghiêng thêm lạnh một căn phòng (tr.40). Một câu vào loại hay nhất của tập
thơ: Sương chập chờn tỉnh thức giữa mùa trăng (tr.202). v.v...
Người viết những dòng này không muốn tin đây là tập thơ duy
nhất của MANAT. Tác giả này đã đạt được nhiều thành tựu trong sáng tạo nghệ
thuật điện ảnh và phim truyền hình, bên cạnh văn xuôi. Nhưng hẳn là hiếm có một
độc giả chân chính nào yêu thơ, am hiểu thơ lại vô tâm đối với Một sắc
hoa ban khi biết đến tập thơ này. Nếu tác giả nói đây là tập thơ duy nhất
của mình thì chỉ là duy nhất dành nhiều nhất cho Tây Bắc - hoa ban. MANAT còn
mấy trăm bài chưa công bố. Và anh có thể viết thêm- trên cơ sở một năng lượng
sáng tạo không chịu bó mình trong giới hạn. Riêng mảng thơ văn xuôi thế sự -
triết lý của MANAT trong tập thơ này cũng có nhiều điều đáng nói, nhưng người
viết tạm thời chưa bàn tới...
Chú thích:
1. Ở cuộc thi thơ “Nhịp sống mới trong thơ” do Báo Người Hà
Nội tổ chức đầu năm 2014 (Chủ tịch Hội đồng Chung khảo là nhà thơ Bằng Việt),
MANAT được trao giải Nhì (không có giải Nhất) với ba bài thơ: Túp lều
trên đỉnh Pha Đin, Đôi cánh thiên nga, Tội ác hồn nhiên. Trong cuốn Vườn
năm nhà, Tủ sách Thơ bạn thơ do Lý Phương Liên - Nguyễn Nguyên Bảy
chủ biên, Nxb Hội Nhà văn, quý I, 2016, tác giả này được chọn 30 bài thơ. Những
bài ấy đều có trong tập Một sắc hoa ban.
2. Các tập truyện của MANAT: Thung lũng buồn, Người tù
áo sạch (Nxb Thanh niên, 1991-1993) - Nỗi niềm đường xa, Lũ muộn (Nxb Hội nhà văn, 2004-2007)
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét