Nói đến các nhà thơ nữ ở phía nam miền Trung, bạn đọc nhớ
ngay đến Lê Khánh Mai ở tỉnh Khánh Hòa, Trần Thị Huyền Trang ở tỉnh Bình Định...
Tập thơ đầu tiên của Lê Khánh Mai (Trái chín) ra mắt từ năm
1990. Hai tập thơ sau đáng chú ý là: Cổ tích xanh (NXB Thanh niên,
2000) và Đẹp buồn và trong suốt như sương (NXB Hội Nhà văn, 2005).
trong số tất cả 7 cuốn sách có một tập tiểu thuyết và một tập truyện ngắn. Tuy
nhiên, Lê Khánh Mai chỉ được chú ý về thơ và chị vượt lên khá mạnh mẽ về thể loại
này khoảng chục năm qua.
1- Một giọng biển riêng táo bạo
Viết về biển, Lê Khánh Mai đến sau nhiều tác giả nhưng chị đã
biết "đi tắt, đón đầu", thuyết phục người đọc, có vẻ như là "hơn
cả tuyệt vời" ở một số trường hợp. Như những câu này: "Con sóng
rơi đầu con sóng lại chồm lên/ chai lỳ những vết thương, chai lỳ muôn khát vọng/.../ Giữa
biển thầm mặt đất/ ta con sóng buồn luôn tự vỡ mình ra (Biển thầm)..
Đây là một bài thơ tứ tuyệt khá ấn tượng trong tập "Cổ
tích xanh":
Sóng dồn từ đâu muôn kiếp trước
chất lên, từng trận đổ ầm ào
Đêm ở biển nghe đất trời vỡ nát
Nghiêng phía nào cũng cuồn cuộn lo âu
Có thời gian vừa là vô tận của quá khứ kỳ bí lại vừa là khoảnh
khắc dữ dằn của hiện tại.Có không gian không chỉ là đại dương mà còn là cả mặt đất
và bầu trời. Có âm thanh mang kích cỡ vũ trụ: tiếng sóng đổ ầm ào hết đợt này đến
đợt khác ngỡ như không dứt, tiếng vỡ nát của đất trời..., cả tiếng cuồn cuộn lo
âu trong lòng người. Cứ tưởng rằng trong đêm ở biển, tác giả không thể vẽ nên
hình ảnh, mà chỉ nghe được âm thanh, hóa ra cả bài thơ là cảnh biển dữ dằn, là
hình ảnh con người cô đơn, nội tâm xoáy cuộn thảng thốt, lo âu. Và đây là hình
tượng ẩn dụ về một "con thuyền nhỏ/ tả tơi/ về gối bãi (Bài Con
thuyền nhỏ, tập Cổ tích xanh):
Thuyền đã neo bờ
sao sóng còn xô mãi...
và run rẩy
úp vào ngực cát
Con thuyền gối bãi bao hàm hình ảnh lẫm liệt của chính nó
trong quá khứ chưa xa và hình ảnh biển khơi hãi hùng vừa mới tạo ra nó. Một âm
bản làm nên cấp số nhân cho dương bản.
Như đã nêu, là con người của quê hương Khánh Hòa, sống ở
thành phố biển Nha Trang, Lê Khánh Mai viết nhiều về biển, chị có bài, đoạn, có
câu thơ xuất sắc về biển. Hơn thế nữa Lê Khánh Mai không chỉ là giọng biển. Biển
là hiện thực trực giác, biển còn là bối cảnh, là hình tượng ẩn dụ giàu mỹ cảm về
thế giới khách quan trong thơ chị
2- Chủ thể mang nội cảm cực đoan được trao cho khách thể kỳ vĩ
Lời đề tập Đep, buồn... (rút trong bài Tâm khúc) được
tác giả xem là tuyên ngôn sáng tạo của mình:
Thắp lên niềm kỳ vọng bầu trời
tôi ký thác hồn mình nơi cao xanh vời vợi
Tác giả nói như thế và đã làm đúng nhu thế
Nội cảm trong thơ Lê Khánh Mai là nội cảm hướng ngoại. Bằng
chứng là thơ chị có nhiều không gian kỳ vĩ (vũ trụ, trái đất, đỉnh trời, mái trời,
cõi vô biên, ngàn khơi v.v...). Và chủ thể đã trao nội cảm của mình cho khách thể ấy,
một chủ thể cực đoan đi đến tận cùng giới hạn.
Đây là cơn giông đổ về lúc nửa đêm/ sấm vỡ òa/ mưa trút
đá/ cây lá vặn mình rên tơi tả/ trời đất say cuồng giao hoan. Đây là bão Xứ
Trầm Hương được biểu đạt bằng những câu lục bát đạt hiệu quả thẩm mỹ cao, chinh
phục hoàn toàn trái tim nguòi đọc: "Gió tuôn sập đổ mái trời/ mưa
nghiêng trút cả ngàn khơi nước về/ ruộng vườn bầm dập ủ ê/ mù giăng trắng
lóa tứ bề chớp vây (tập Đẹp, buồn...). Thơ Lê Khánh Mai có nhiều động
từ, trạng từ, tính từ tác động mạnh đến thính giác, thị giác, cảm giác khi tác
giả hướng đến khách thể kỳ vĩ: vỡ òa, vỡ tan, đầy trời vỡ nát, nát đời
mình, trút, vặn tả tơi, trời đất say cuồng, gai xé toạc đêm đen, gồng, dồn, đổ ầm
ào, xối mặt ngừời, vắt kiệt mình, gió tuôn sập đổ mái trời, bầm dập, biếc tận
cùng, căng mình, tiếng kêu máu vỡ, bật máu đường cày, giấc mơ rướm máu, rượu
vang đỏ như máu, nghiệt ngã, xoáy lên, gieo đầm đìa, tê dại, chất ngất, nhiệt
cuồng, quay cuồng trong xoáy nước, lạnh toát, gào rú gió mưa, buốt nghẹn, chói
gắt, cô lạnh, cuồng thét, xiết, nghiến, bạo liệt,, kiệt cùng, sóng cuồng bỏng
rát v.v...
Nhà thơ nữ táo bạo hướng đến vũ trụ, sử dụng vũ trụ như một
hình tượng ẩn dụ đặc biệt. Đó là: "Người trong cõi vô biên/ tự gánh lấy
chính mình/ gồng lên vai vũ trụ (bài Nhận thức). Hoặc đây là một người đàn
bà sinh con: "Dường như trái đất mang thai/ sắp sinh nở một bình
minh bé bỏng/ dường như bầu trời là cái chong chóng/ xoáy lên trận bão kinh
hoàng (bài Cánh buồm, tập Cổ tích xanh). Hoặc: "Tôi chạy trốn một người/
một người chạy trốn tôi/ Trái đất dèn cù xoay tít" (Bài Hình trái đất).
Hoặc: "Với tình yêu trái đất không tròn/ nghiệt ngã muôn vòng quay đẩy
ta về hai cực" (bài Đẹp, buồn và trong suốt như sương trong tập cùng tên)
Bên cạnh không gian vũ trụ,một không gian thiên về tưởng tượng,
có không gian biển, đất và trời là những khách thể cũng kỳ vĩ, được cảm nhận bằng
trực giác
Khi sáng tạo Lê Khánh Mai đã vắt kiệt mình: "tôi đã vắt
kiệt mình để nuôi một giấc mơ" (bài Giấc mơ tôi hái). Chị hiểu sâu sắc
rằng "không sống khác không thể nào viết được" (bài Nhà thơ nữ
bứt phá, tập Đẹp, buồn...). Chị từng nói: "Tính cách miền Trung chắt chiu
mà rộng mở, đằm sâu mà mạnh mẽ, bộc trực mà ân tình, đam mê mà tỉnh táo, ẩn nhẫn
mà vượt thoát" (Tạp chí Thơ, số 23, tháng 5-2005). Thơ Lê Khánh Mai là
như thế, cũng còn khác thế, hơn thế. Như bạn đọc đã biết, không chỉ là giọng biển
tài hoa, có nghề, Lê Khánh Mai còn vượt thoát ra khỏi thành phố biển Nha Trang
quê hương chị, nhằm tiếp tục hiện đại hóa thơ mình hơn nữa. Hiện đại hóa đến mức
quyết liệt, táo bạo không chỉ về hình thức - kỹ thuật mà chính là về mặt tâm thức
sáng tạo.
Nha Trang, 3-5 - Hà Nội,14-5-2007
Phạm Đình Ân
Nguồn: BÁO
VĂN NGHỆ - HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM
Số 21,
26-5-2007
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét