Nói với mùa thu
Hôm nay mình giới thiệu đến các bạn thi khúc “Nói Với
Mùa Thu” của Thi sĩ Kim Tuấn và Nhạc sĩ Thanh Trang.
Thi sĩ Kim Tuấn (1938-2003) là một nhà thơ nổi tiếng trước
1975. Ba ca khúc phổ thơ của ông nổi tiếng là “Anh Cho Em Mùa Xuân” (Nguyễn
Hiền), “Những Bước Chân Âm Thầm” (Y Vân), “Khi Tôi Về” (Phạm Duy).
Thi sĩ Kim Tuấn tên thật là Nguyễn Phước Vĩnh Khuê,
ông sinh tại Huế nhưng quê gốc ở Hà Tĩnh. Ông là hậu duệ 5 đời của Tùng Thiện
Vương Miên Thẩm nhà Nguyễn. Ông là con trai duy nhất của gia đình. Thuở nhỏ sống
cùng gia đình ở Phan Thiết. Lớn lên vào Sài Gòn học. Ông có tính cách hiền
lành; ngoại hình mập mạp, da hơi ngăm đen, nụ cười híp mắt. Năm 20 tuổi cưới
người vợ đầu là bà Hồ Thị Mộng Sương (em gái Hồ Đình Phương). Sau 1975 hai người
ly dị, bà Mộng Sương sang Pháp, ông cưới người vợ thứ nhì là bà Minh Phương và
có hai người con trai.
Ông làm thơ từ năm 13 tuổi. Bắt đầu có thơ đăng trên các tạp
chí đầu thập niên 1960. Tập thơ đầu tiên xuất bản là tập “Hoa Mười Phương”. Ông
từng có một thời gian nhập ngũ và làm thông dịch viên tiếng Anh cho Quân đoàn
II tại Pleiku. Thời gian này ông còn là phóng viên chiến trường với ký danh
Vĩnh Khuê. Sau thời gian làm việc ông thường về nhà phụ vợ bán thuốc tây tại
nhà riêng - hiệu thuốc cùng tên Kim Tuấn trên đường Phan Bội Châu.
Thi sĩ Kim Tuấn
Năm 1977, ông về Sài Gòn làm hiệu trưởng Trường Anh văn và dạy
nghề Thăng Long ở quận 4 - một ngôi trường do người Anh tài trợ dành cho trẻ em
lang thang và dạy học ở đó cho đến cuối đời. Ngày 11/9/2003, sau khi tham dự một
buổi văn nghệ phát quà Trung thu cho trẻ em nghèo tại trường, ông về nhà ăn
bánh, uống trà, ngắm trăng với vợ con rồi đột ngột bị nhồi máu cơ tim và mất
trên đường đưa đến bệnh viện.
Đa số thơ của ông đều là thơ năm chữ với vần điệu êm ả, dịu
dàng; mang nhiều hình ảnh đặc trưng của mỗi vùng đất mà ông viết. Cái hay của
thơ ông là nắm bắt được tính cô động, “kiệm lời” của thể thơ năm chữ.
Gồm 3 mảng chính: Thiên Nhiên - Chiến Tranh - Tình Yêu.
Thơ của ông được in trên nhiều báo, tạp chí trước và sau
1975. Ngoài ra ông còn được nhà thơ Du Tử Lê gọi là “chiếc cầu nối huy hoắc
giữa thơ ca và âm nhạc trước 1975” với nhiều bài thơ phổ nhạc đặc sắc mà
tiêu biểu là “Khi Tôi Về” (Phạm Duy), “Anh Cho Em Mùa Xuân” (Nguyễn
Hiền) và “Những Bước Chân Âm Thầm” (Y Vân).
Nhạc sĩ Thanh Trang thời trẻ
Nhạc sĩ Thanh Trang tên thật là Nguyễn Thanh Trang.
Ông sinh năm 1942 tại Thái Hà Ấp, Hà Nội, ông vào Nam năm lên 8 (1950) do thân
phụ thay đổi nhiệm sở.
Ông theo học Tiểu Học trường “Jaureguiberry” (sau 1956 đổi
tên thành “St-Exupery”) trên đường “Thevenet” (sau đổi thành đường Tú Xương,
con đường yên tĩnh, có những hàng cây thật đẹp, nằm sâu trong ký ức cậu học trò
nhỏ, sau này đã làm nền cho bài hát “Những Con Đường Thành Phố Tôi Yêu”.
Ông học Trung Học trường “Lycée Chasseloup Laubat” (sau đổi
tên thành “Jean Jacques Rousseau”), và tốt nghiệp Trung học ban “Sciences
Expérimentales”.
Ông vào Ðại Học Luật Khoa năm 1961. Bài hát “Duyên Thề” viết
khi ở năm thứ 2 Luật Khoa.
Ông tốt nghiệp Cử Nhân Luật Khoa năm 1963, và xong Cao Học
Kinh Tế năm 1966. Thời gian còn là sinh viên, ông cộng tác với Nhật Báo “Tự Do”
và một số nhật báo, tạp chí văn học khác với bút hiệu “Thanh Nguyễn” (bút hiệu
sau nay vẫn tiếp tục xử dụng trên các nhật báo ở Nam Cali như Người Việt, Viễn
Ðông, hoặc các Tạp Chí Thế Kỷ 21, Văn Học, Hợp Lưu…)
Ông nhập ngũ năm 1968 (cùng lượt với Lê Tất Ðiều, Dương Kiền,
Dương Cự v.v.), và rời Thủ Ðức cuối năm 68 để lên giảng dạy Luật và Kinh Tế tại
trường Võ Bị Quốc Gia Ðà Lạt (những bài “Tình Khúc Mùa Ðông” và “Huyền” viết
vào thời điểm này).
Cuối 1969, ông du học tại Hoa Kỳ môn “Development Economics”,
Ðại học Vanderbilt, tại Nashville, Tennessee (Luận án tốt nghiệp: “The
Absorptive Capacity of Foreign Aid”).
Trở về nước năm 73, tiếp tục giảng dạy Kinh Tế ở Võ Bị Quốc
Gia và Viện Đại Học Đà Lạt (Phân Khoa “Chính Trị Kinh Doanh”) cho đến tháng 4
năm 75 khi đơn vị di tản về Sai Gòn. Bị đưa vào trại cải tạo của nhà nước miền
Bắc từ sau 30 tháng 4, 1975 cho đến năm 1982.
Ông tái định cư tại Hoa Kỳ vào giữa năm 90 theo diện “Political
Refugee”.
Về những tác phẩm của ông, nhạc sĩ Thanh Trang chia sẻ với chị
Lê Thy:
“Ðàng sau bất cứ một tác phẩm nghệ thuật nào cũng có cái mà
tôi cho là quan trọng hơn cả: “Con người”. Bởi đàng sau những bài hát chị
nghe, toàn là những mẫu đời, những tình người có thật. Ai khác ra sao tôi không
biết, nhưng riêng tôi khi viết bài hát, không có lời lẽ nào thuộc dạng hư cấu,
vẽ vời hay tưởng tượng.” (Theo lethy@thuvientoancau)
Thi phẩm “Nói Với Mùa Thu” (Thi sĩ Kim Tuấn)
Bây giờ mùa thu rồi phải không em
ai qua áo lụa tóc nhung mềm
gót chân thềm cỏ cành xao động
mắt cũng buồn theo mưa lá bay
ai qua áo lụa tóc nhung mềm
gót chân thềm cỏ cành xao động
mắt cũng buồn theo mưa lá bay
Bây giờ mùa thu rồi phải không em
cây khô còn nhớ đứng bên thềm
rừng quen gió lạ mây giăng thấp
tuổi đã buồn che kín bóng đêm
cây khô còn nhớ đứng bên thềm
rừng quen gió lạ mây giăng thấp
tuổi đã buồn che kín bóng đêm
Bây giờ mùa thu rồi phải không em
có ai qua những phố không đèn
bóng trăng nào vướng trên dòng tóc
bước đã chùng trên những lối quen
có ai qua những phố không đèn
bóng trăng nào vướng trên dòng tóc
bước đã chùng trên những lối quen
Bây giờ mùa thu rồi phải không em
cho anh trời giá buốt tâm hồn
nước xanh rồi cũng mù sông biển
đời đã trầm luân đã lớn khôn
cho anh trời giá buốt tâm hồn
nước xanh rồi cũng mù sông biển
đời đã trầm luân đã lớn khôn
Bây giờ mùa thu rồi phải không em
ru thêm giấc mộng đến êm đềm
ru em sầu kín như ngày tháng
em đã xa và ta bỏ quên.
ru thêm giấc mộng đến êm đềm
ru em sầu kín như ngày tháng
em đã xa và ta bỏ quên.
Thi khúc “Nói Với Mùa Thu” (Nhạc sĩ Thanh Trang)
Bây giờ là thu rồi đó em
Ai qua áo lụa mắt nhung mềm
Bước chân hè phố hoen vạt nắng
Và mắt em gợi mùa lá xanh
Ai qua áo lụa mắt nhung mềm
Bước chân hè phố hoen vạt nắng
Và mắt em gợi mùa lá xanh
Bây giờ là thu rồi đó em
Cây khô nghiêng lặng đứng bên thềm
Gió quen rừng cũ mây về thấp
Sương trắng giăng mù vây kín đêm
Cây khô nghiêng lặng đứng bên thềm
Gió quen rừng cũ mây về thấp
Sương trắng giăng mù vây kín đêm
Mùa thu về những phố không đèn
Mùa thu về những lối đường quen
Mùa thu dịu như tóc nhung mềm
Mùa thu anh xót xa tình quê
Mùa thu về những lối đường quen
Mùa thu dịu như tóc nhung mềm
Mùa thu anh xót xa tình quê
Bây giờ là thu rồi đó em
Xôn xao mây lạc bốn phương chìm
Nước xanh hồ lũng khơi mờ biếc
Và nắng thu nhạt màu lãng quên
Xôn xao mây lạc bốn phương chìm
Nước xanh hồ lũng khơi mờ biếc
Và nắng thu nhạt màu lãng quên
Bây giờ là thu rồi đó em
Ru thêm cơn mộng đến êm đềm
Mắt xưa sầu biết như ngày tháng
Em đã xa và ta bỗng quên
Ru thêm cơn mộng đến êm đềm
Mắt xưa sầu biết như ngày tháng
Em đã xa và ta bỗng quên
Dưới đây mình có bài:
– Kim Tuấn, chiếc cầu nối huy hoắc giữa thi ca và âm nhạc
– Ðêm nhạc tình ca Thanh Trang
– Ðêm nhạc tình ca Thanh Trang
Cùng với 3 clips tổng hợp thi khúc “Nói Với Mùa Thu” do
các ca sĩ xưa và nay diễn xướng để các bạn tiện việc tham khảo và thưởng thức.
Túy Phượng
(Theo Wikipedia)
Kim Tuấn, chiếc cầu nối huy hoắc giữa thi ca và âm nhạc
Du Tử Lê
Nhìn lại 20 năm văn học, nghệ thuật miền Nam, dù đứng ở góc độ
nào hay, từ lăng kính chính trị nào, người ta cũng không thể phủ nhận sự giầu
có, dẫn tới thăng hoa tinh thần của hai lãnh vực văn chương và, âm nhạc.
Với tôi, hai lãnh vực này còn tìm đến nhau, hợp thành những
hôn phối tốt đẹp. Rực rỡ. Tôi muốn nói tới hiện tượng thơ được các nhạc sĩ soạn
thành ca khúc.
Nói tới thơ phổ nhạc, dù đã bao nhiêu năm trôi qua, hôm nay, ở
hải ngoại cũng như trong nước, giới thưởng ngoạn, thuộc nhiều thế hệ, vẫn còn ắp
đầy rung động khi được nghe “Mộng dưới hoa,” của Phạm Đình Chương, phổ từ thơ
Đinh Hùng. “Ngậm ngùi” của Phạm Duy, phổ từ thơ Huy Cận. “Tình quê hương” của
Đan Thọ, phổ từ thơ Phan Lạc Tuyên. “Trăng sáng vườn chè” của Văn Phụng, phổ từ
thơ Nguyễn Bính. “Bạn lòng” của Hoàng Trọng, phổ từ thơ Hồ Đình Phương. ““Ai bảo
em là giai nhân” của Anh Bằng, phổ từ thơ Lưu Trọng Lư. “Những bước chân âm thầm”
của Y Vân, phổ từ thơ Kim Tuấn. “Anh cho em mùa xuân” của Nguyễn Hiền, phổ từ
thơ Kim Tuấn. “Trên ngọn tình sầu” của Từ Công Phụng, phổ từ thơ Du Tử Lê. “Áo
lụa Hà Đông” của Ngô Thụy Miên, phổ từ thơ Nguyên Sa. “Chiều trên phá Tam
Giang” của Trần Thiện Thanh, phổ từ thơ Tô Thùy Yên… Và, còn nhiều, rất nhiều
những phối ngẫu vàng mười, giữa thi ca và, âm nhạc miền Nam, khác nữa.
Mỗi nhạc sĩ tôi chỉ chọn ra một trong nhiều ca khúc đi ra từ
thi ca thì, nhà thơ Kim Tuấn đã có tới hai bài gắn liền với hai tên tuổi lớn của
nền tân nhạc Việt Nam là Y Vân và Nguyễn Hiền.
Tôi nhớ, một nhà báo từng viết xuống rằng, Kim Tuấn là một
nhà thơ, có thơ được soạn thành ca khúc, nhiều nhất ở miền Nam.(1) Kết luận
này, theo tôi, tương đối gần với thực tế; nếu tính theo con số những ca khúc được
phổ biến và lưu truyền tới bây giờ. Tôi chỉ xin được bổ túc: Một người có thơ
được các nhạc sĩ tìm đến nhiều không kém là, nhà thơ Đinh Hùng. Rất nhiều ca
khúc nổi tiếng tới hôm nay, nhờ thơ của tác giả “Mê hồn ca” và, “Đường vào tình
sử”…
Có hơn một người từng hỏi tôi, nhà thơ Kim Tuấn giống như chiếc
cầu nối huy hoắc giữa thi ca và, âm nhạc; nhưng số người thực sự tìm đọc thơ
ông, dường không nhiều lắm! Đâu là câu trả lời nên có trước sự kiện có vẻ như
mâu thuẫn này?
Bằng vào ghi nhận riêng, có tính cách chủ quan của tôi thì:
– Thứ nhất: Thành tựu tốt đẹp của hiện tượng thơ phổ nhạc,
đã khiến một số nhà thơ trở thành nổi tiếng, trước khi tự thân thơ của họ, được
nhiều người biết tới.
– Thứ nhì: Sự nổi tiếng ấy, làm những nhà thơ kia, không
cảm thấy thoải mái khi phải tự động gửi thơ mình cho những tạp chí văn chương,
vốn được dư luận coi là những thước đo cấp độ, giá trị thi ca đương thời.
Điều đó, không có nghĩa họ không muốn phổ biến thơ mình, tới
quảng đại quần chúng. Bằng chứng họ vẫn gửi thơ cho những tờ báo nào, hỏi xin
thơ họ. Nhưng, những tờ báo kia, thường không được nhìn ngắm như một diễn đàn
có thẩm quyền về văn chương hoặc thi ca. Nói cách khác, giới thưởng ngoạn thi
ca, không phải là độc giả của những diễn đàn ấy.
– Thứ ba: Những nhà thơ ở trường hợp vừa kể, thường chờ
đợi những người giữ vai trò chủ biên các tạp chí văn học, ngỏ ý xin bài của
mình. Nhưng, thực tế của sinh hoạt 20 năm văn học, nghệ thuật miền Nam lại
không hề “mặn mà,” nếu không muốn nói là gần như không hề quan tâm tới những
nhà thơ có thơ phổ nhạc, thành công. Chưa kể, có người còn cho rằng, các nhạc
sĩ đã giết chết bài thơ khi biến nó thành ca khúc.
Điển hình cho quan điểm này, là họa sĩ, kiêm thi sĩ Tạ Tỵ. (Mặc
dù ông cũng có một vài bài thơ phổ nhạc. Cũng như ông chưa hề giữ vai trò chủ
biên một tạp chí văn chương nào thời miền Nam, trước 1975.)
Nhà văn Tạ Tỵ nhấn mạnh, ông chỉ muốn nói tới những bài thơ
hay. Những bài thơ có giá trị. Chứ không hề nhắc tới những bài thơ mà, nhạc sĩ
nhặt ra được ít câu, rồi thêm thắt (tay, chân, mắt mũi…cho bài thơ) để ca khúc,
khi được phổ biến thì, phân nửa hay hơn, là của nhạc sĩ. Ông nói, ông cũng
không muốn nhắc tới những bài thơ được các nhạc sĩ “đặt hàng,” theo kiểu: Với nội
dung thế này. Câu chuyện diễn ra theo thứ tự thế kia… Đầy đủ nhập đề, thân bài,
kết luận…
– Thứ tư: Thậm chí, trong sinh hoạt hàng ngày, nếu giới
nhạc sĩ thường gặp nhau ở nhà hàng Thanh Thế, Kim Sơn ở đường Nguyễn Trung Trực,
thì nhà văn, nhà thơ thường gặp nhau ở nhà hàng La pagoda, hay Givral…
Theo cách nói bình dân, nôm na thì đó là tình trạng “nước giếng
không đụng nuớc sông!” Mỗi giới đều có những “sân” riêng của mình. Họa hiếm lắm,
mới có người “đá” nhiều sân. Như trường hợp cố nhạc sĩ Hoài Bắc/ Phạm Đình
Chương. Lý do, bằng hữu thân thiết của họ Phạm, đa số thuộc giới văn chương như
Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Hoàng Anh Tuấn…
Những ghi nhận trên, giải thích phần nào sự kiện có rất nhiều
người biết nhà thơ Kim Tuấn, qua những ca khúc như “Anh cho em mùa xuân,” “Những
bước chân âm thầm” hay, “Khi tôi về” (nhạc Phạm Duy,) nhưng lại ít được đọc thơ
của ông - Dù, thơ Kim Tuấn được ấn hành thành tuyển tập, rất sớm. Phải đợi tới
đầu thập niên (19)70 qua trung gian của một người bạn, thơ Kim Tuấn mới bắt đầu
xuất hiện đều đặn trên bán nguyệt san Văn, thời nhà văn Trần Phong Giao còn là
Thư ký tòa soạn.
Căn cứ theo một số tài liệu phổ biến thì, nhà thơ Kim Tuấn
tên thật là Nguyễn Phước Vĩnh Khuê. Ông sinh năm 1938 tại Hà Tĩnh (2), là hậu
duệ của Tùng Thiện Vương/ Miên Thẩm. Ông trưởng thành tại Phan Thiết và,
Saigòn. Kim Tấn có một thời gian khá dài ở thành phố Pleiku. Đó là thời gian
ông tòng sự tại phòng Tâm Lý Chiến, Bộ Tư Lệnh QĐ/2. Sau biến cố 30 tháng 4-75,
ông trở lại Saigòn, làm hiệu trưởng một trường Anh ngữ, do một tổ chức văn hóa
của người Anh ở Luân Đôn trực tiếp bảo trợ…
Kim Tuấn làm thơ rất sớm. Cũng rất sớm, năm 1959, cùng với 9
tác giả khác, ông xuất bản tuyển tập thơ “Hoa mười phương.” Sau đó là những thi
phẩm kế tiếp như “Ngàn thương” 1969 (in chung với Định Giang;” “Dấu bụi hồng,”
1971; “Thơ Kim Tuấn,” 1974, ra đời.
Tính đến ngày từ trần là ngày 10 tháng 9 năm 2003, nhà thơ
Kim Tuấn còn có thêm nhiều thi phẩm khác…
Đa số thơ của nhà thơ Kim Tuấn là thơ vần điệu êm ả, dịu
dàng; với nhiều hình ảnh đặc thù của những vùng đất nước ông đã sống. Thỉnh thoảng
ông cũng có những bài thơ xuôi, thâm sâu, tạo được nhiều chú ý. Điển hình như
bài thơ xuôi nhan đề “Những điều ghi trong giấc ngủ” của ông, đã được nhạc sĩ
Phạm Duy chọn, để soạn thành ca khúc năm 1968, với nhan đề mới “Khi tôi về.” Ca
khúc này nằm trong loạt bài “Hòa bình ca” của Phạm Duy:
“Khi tôi về, con chim câu nằm trong tổ ấm - Dây thép gai đã hết
rào quanh đồn phòng ngự - Và người lính đã trở về cày đám ruộng xưa - Khi tôi về,
con diều bay đùa trong gió - Chốn quê nhà trên thảm cỏ xanh - Có lũ trẻ để bụng
lòi rốn đen, cười thanh bình - Khi tôi về, có con trâu rung mõ xa xôi như trong
giấc mộng - Khi tôi về, với hai tay tôi níu con tim tôi ôm lồng ngực - Khi tôi
về, giọng hát ru nối lại dĩ vãng trầm trầm như chưa tắt thở - Có người rủ nhân
loại đi xem địa ngục mà không ai trả lời - Khi tôi về, mẹ già vừa tóc bạc, đôi
mắt nhìn xa xôi - Mẹ tôi ngóng tương lai và quên hết ưu phiền - Con cò lại bay
trên đồng ruộng xanh - Tre già bảo nhau cúi đầu trầm ngâm - Cùng mùi khói lam
quen thuộc…”
(Trích ca khúc “Khi tôi về,” theo trang mạng Đặc Trưng)
(Trích ca khúc “Khi tôi về,” theo trang mạng Đặc Trưng)
Kim Tuấn làm thơ để phổ nhạc?
Nếu chỉ tính đến tháng 4-1975 thì, “Thơ Kim Tuấn” là thi phẩm
sau cùng của ông, được ấn hành bởi nhà xuất bản Gìn Vàng Giữ Ngọc, Saigòn,
1974.
Như những tập thơ của trước, tác giả “Nụ hoa vàng ngày xuân/
Anh cho em mùa xuân,” cho thấy ông nhuần nhuyễn với tất cả mọi thể thơ - Từ tự
do, lục bát, tới bảy và tám chữ. Ở thể loại nào, những bài thơ được viết ra của
Kim Tuấn, nếu không phảng phất nét riêng những nơi chốn ông đi qua, vùng đất
ông đã sống với thì, chúng cũng đậm đặc tính đời thường. Thơ ông tựa nhật ký,
ghi những điều ông muốn nói. Những cảm nhận ẩn, tang giữa hai hàng chữ, thậm
chí, trong từng hình ảnh, từng con chữ mà ông đã lựa chọn một cách chân, tiết.
Thí dụ bài thơ tự do nhan đề: “Buổi chiều ở Pleiku”:
“Buổi chiều ở Pleiku những cây thông già đứng lên cùng bụi mù
“tiếng phi cơ, tiếng xe và tiếng súng
“anh còn phút nào để nói yêu em (…)
“Buổi chiều ở Pleiku có anh và nỗi buồn
“có đêm, có ngày, có quan, có lính
“có jeep chở vợ đi chơi, có kẻ chờ xe đi làm
“có vui, có buồn, có mây, có núi
“có anh đứng nhìn ngày tháng đi qua
“buổi chiều ở Pleiku có cà phê và bạn hiền
“có biển hồ nước trong có lúc buồn soi mặt
“ôi mặt mình sao bỗng gớm ghê
“ôi đời mình sao nhìn muốn khóc
“ta với ta xa lạ vô cùng.”
(Trích “Thơ Kim Tuấn,” Gìn Vàng Giữ Ngọc, Xb, Saigon 1974.)
“tiếng phi cơ, tiếng xe và tiếng súng
“anh còn phút nào để nói yêu em (…)
“Buổi chiều ở Pleiku có anh và nỗi buồn
“có đêm, có ngày, có quan, có lính
“có jeep chở vợ đi chơi, có kẻ chờ xe đi làm
“có vui, có buồn, có mây, có núi
“có anh đứng nhìn ngày tháng đi qua
“buổi chiều ở Pleiku có cà phê và bạn hiền
“có biển hồ nước trong có lúc buồn soi mặt
“ôi mặt mình sao bỗng gớm ghê
“ôi đời mình sao nhìn muốn khóc
“ta với ta xa lạ vô cùng.”
(Trích “Thơ Kim Tuấn,” Gìn Vàng Giữ Ngọc, Xb, Saigon 1974.)
Hay lục bát, “Bài Pleime”:
“Nhớ em ta nhớ ngậm ngùi
“hương bay cỏ lạ đêm vùi gối chăn
“đã quên thân xác nhọc nhằn
“hố bom ven núi con trăng đứng nhìn.”
(Trích “Thơ Kim Tuấn,” Gìn Vàng Giữ Ngọc, Xb, Saigon, 1974.)
“hương bay cỏ lạ đêm vùi gối chăn
“đã quên thân xác nhọc nhằn
“hố bom ven núi con trăng đứng nhìn.”
(Trích “Thơ Kim Tuấn,” Gìn Vàng Giữ Ngọc, Xb, Saigon, 1974.)
Hoặc tám chữ, bài “Trên núi mình ta”:
“Ở trên núi ta buồn râu tóc mọc
“ngày thinh không chim gọi nắng ven rừng
“khe suối cạn năm ba bầy cá lội
“ta với đời nay bỗng đã quay lưng
“ngày thinh không chim gọi nắng ven rừng
“khe suối cạn năm ba bầy cá lội
“ta với đời nay bỗng đã quay lưng
“Trong giấc ngủ có em cười với mộng
“giật mình ra ly chén ngả nghiêng đầy
“ta lẻ bạn chén nào ta chúc bạn
“một ngày vui trên núi có ta đây
“giật mình ra ly chén ngả nghiêng đầy
“ta lẻ bạn chén nào ta chúc bạn
“một ngày vui trên núi có ta đây
“Ở trên núi khi sầu ta cúi mặt
“anh em còn đâu đó hãy mừng ta
“ly rượu nhỏ dẫu sao mời uống cạn
“lỡ mai rồi không gặp lúc chia xa.”
(Trích “Thơ Kim Tuấn,” Gìn Vàng Giữ Ngọc, Xb, Saigon, 1974.)
“anh em còn đâu đó hãy mừng ta
“ly rượu nhỏ dẫu sao mời uống cạn
“lỡ mai rồi không gặp lúc chia xa.”
(Trích “Thơ Kim Tuấn,” Gìn Vàng Giữ Ngọc, Xb, Saigon, 1974.)
Hoặc nữa, thơ bảy chữ, với bài: “Một chút buồn”:
“Quẩn quanh đời sống ta cười ngất
“rượu đã mềm môi cúi mặt sầu
“bên đèo đỏ gấc chiều chưa hết
“ai biết tin ai người ở đâu.
“rượu đã mềm môi cúi mặt sầu
“bên đèo đỏ gấc chiều chưa hết
“ai biết tin ai người ở đâu.
“Giấc say một chút buồn ghi dấu
“tình đã mù khơi cùng gió bay
“em đã mù khơi cùng cõi mộng
“ta đã mù khơi nào có hay.
“tình đã mù khơi cùng gió bay
“em đã mù khơi cùng cõi mộng
“ta đã mù khơi nào có hay.
“Mù khơi năm tháng đi cùng gió
“này chút sầu riêng ta tặng người
“cõi vui ta đó em nào biết
“đời đã già nua tuổi mấy mươi.”
(Trích “Thơ Kim Tuấn,” Gìn Vàng Giữ Ngọc Xb, Saigon, 1974.)
“này chút sầu riêng ta tặng người
“cõi vui ta đó em nào biết
“đời đã già nua tuổi mấy mươi.”
(Trích “Thơ Kim Tuấn,” Gìn Vàng Giữ Ngọc Xb, Saigon, 1974.)
Nhưng xuất sắc, mạnh mẽ nhất trong tất cả các thể loại thơ, ở
Kim Tuấn, là năm chữ.
Ở thơ năm chữ, Kim Tuấn không chỉ nắm bắt được yếu tính cô đọng,
“kiệm lời” của thể thơ này mà, ông còn không để mình rơi vào trường hợp “chiêu
hồn cổ” như Huy Cận, với “một chiếc linh hồn nhỏ - mang mang thiên cổ sầu!” (“Ê
chề,” H.C.) Hay gõ, đập cánh cửa quá khứ, cất tiếng tuyệt vọng, như Vũ Đình
Liên, với “những người muôn năm cũ - hồn ở đâu bây giờ? (“Ông đồ già,” VĐL.)
Ở thể thơ năm chữ, tôi thấy Kim Tuấn gần với Hồ Dzếnh. Kim Tuấn
không đóng vai “trích tiên” (kẻ tự cho rằng mình bị ông trời đầy ải xuống trần
gian ô trọc, xa lạ, để sống những ngày đoạ lạc,) mà, ông gần với Hồ Dzếnh, người
đã cho chúng ta bài thơ năm chữ nhan đề “Màu cây trong khói” (3) - Bài thơ
tiêu biểu cho một thứ hồn-chiều, hôm nay, vẫn còn thấy đâu đấy, nơi quê nhà.
Sau đó, bài thơ ấy đã được cố nhạc sĩ Dương Thiệu Tước, soạn thành ca khúc, với
nhan đề ngắn, gọn: “Chiều.” (4)
“Màu cây trong khói” của Hồ Dzếnh có những câu như: “Tôi là
người lữ khách - màu chiều khó làm khuây - ngỡ lòng mình là rừng - ngỡ lòng
mình là mây - nhớ nhà châm điếu thuốc - khói huyền bay lên cây.” (Trích “Màu
cây trong khói,” HD.)
Những câu thơ đời thường, dung dị kia, gần gũi làm sao với những
câu thơ, cũng năm chữ của Kim Tuấn. Như bài “Kỷ niệm” mà, cố nhạc sĩ Y Vân, khi
phổ nhạc, đã đổi tên thành “Những bước chân âm thầm”:
“Từng bước từng bước thầm - hoa vông rừng tuyết trắng - rặng
thông gia lặng câm - hai đứa nhiều hối tiếc - sương mù giăng mấy đồi - tay đan
đầy kỷ niệm - mưa giữa mùa tháng năm - dật dờ cơn gió thổi - một tháng không
trăng rầm - mây núi ôm trời thấp - giá rét về căm căm - cao nguyên mù đất đỏ…”
(Trích “Kỷ niệm,” K.T., Gìn Vàng Giữ Ngọc Xb, Saigòn, 1974.)
Hoặc bài “Nụ hoa vàng ngày xuân” cũng của Kim Tuấn, được nhạc
sĩ Nguyễn Hiền đổi thành “Anh cho em mùa xuân” sau khi soạn thành ca khúc:
“Anh cho em mùa xuân - bàn tay thơm sữa ngọt - dải đất liền
chim hót - người yêu nhau trọn đời - mái nhà ai mới lợp - trẻ đùa vui nơi nơi -
hết buồn mưa phố nhỏ - hẹn nhau cho cuộc đời - khi hoa vàng sắp nở - trời sắp
sang mùa xuân - anh cho em tất cả - tình yêu non nước này - bài thơ còn xao xuyến
- nắng vàng trên ngọn cây.” (Trích “Nụ hoa vàng ngày xuân,” K.T., Gìn Vàng Giữ
Ngọc Xb, Saigòn, 1974.)
Đó là những câu thơ mà sinh thời, nhạc sĩ Nguyễn Hiền từng
phát biểu, đại ý: Khi đọc chúng, ngay những người không rành về ký âm pháp,
cũng muốn cất tiếng hát, nói chi nhạc sĩ…
Phát biểu vừa kể của cố nhạc sĩ họ Nguyễn, cho thấy Kim Tuấn
không hề, dù chỉ một thoáng, ý hướng làm thơ để phổ nhạc. Thơ ông, tự thân vốn
đã là âm nhạc. Ông làm thơ chỉ để bày tỏ tấm lòng yêu cuộc sống, tha thiết ôm
trọn cuộc đời từng ngày buồn, vui; phút giây hạnh phúc hay đau khổ trên phần đất
ông được sinh ra. Cũng như nơi chốn ông đã đi qua. Cuộc tình ông đã đắm đuối, sống
cạn. Và, bằng hữu từng mang đến cho ông những tia nắng ấm, khoảng trời xanh
che, chắn những ngày đất, trời tâm hồn ông u ám…
Với Kim Tuấn, tình bằng hữu không chỉ được ghi nhận trong
thơ, như một tình yêu mà; ngoài đời, sinh thời, suốt mấy chục năm gập ghềnh
trên lộ trình nhân thế, dù ở hoàn cảnh nào, giai đoạn nào, ông cũng luôn cho thấy
bằng hữu đã chiếm cứ một phân quan trọng trong đời ông.
Như đã nói, Pleiku, những năm tháng thời chinh chiến, là một
trong những nơi chốn tác giả “Trên núi mình ta” sống lâu nhất và, cũng gửi lại
nhiều kỷ niệm nhất. Nơi đó, một cách kín đáo, ông chính là người đã góp phần dấy
lên những ngọn lửa sinh hoạt văn học, nghệ thuật rưng rưng rừng, núi, ở địa
phương này.
Kể từ ngày có sự hiện diện của Kim Tuấn, những buổi đọc thơ,
những cuộc triển lãm của những bằng hữu như các họa sĩ Dương Ngọc Sum, Nguyễn
Văn Hiền, Thái Tăng An…; các nhà thơ như Vũ Hoàng, Anh Hoa, Lâm Hảo Dũng; hay
những đêm nhạc của nhạc sĩ Hoàng Châu v.v…, đã lần lượt hình thành, lưu dấu.
Nói cách khác, Kim Tuấn, chính ông đã thêm phần nhan sắc cho Pleiku, cho vùng đất
đỏ ấy, một tâm cảnh khác.
Riêng ở lãnh vực này, tôi trộm nghĩ, tương lai, những người
viết sách địa phương chí cho Pleiku nói riêng, vùng cao nguyên trung phần nói
chung, trong phần sinh hoạt văn học nghệ thuật, không nên quên ghi ơn nhà thơ
Kim Tuấn. Như những người yêu văn chương, sẽ mãi nhớ ông, qua thơ, cũng như qua
các ca khúc, đi ra từ thơ của ông vậy.
Chú thích:
(1): Theo tác giả Hà Đình Nguyên (trong nước) thì nhà
thơ Kim Tuấn có tất cả 17 bài thơ được soạn thành ca khúc. Bài viết không ghi
rõ con số này, có gồm cả những bài thơ của Kim Tuấn, được phổ nhạc sau năm 1975
hay không?
(2): Một tài liệu khác, ghi năm sinh của ông là 1940, tại
Huế.
Tuy nhiên, theo nhà thơ Tô Mặc Giang, hiện cư ngụ tại miền Nam Cali, thân thiết với nhà thơ Kim Tuấn từ những năm giữa thập niên 1950 thì, năm sinh đúng của tác giả “Nụ hoa vàng ngày xuân” tức “Anh cho em mùa xuân” là năm 1938, tại Hà Tĩnh, chứ không phải 1940. Mặc dù nguyên quán của ông là Thừa Thiên/Huế.
Tuy nhiên, theo nhà thơ Tô Mặc Giang, hiện cư ngụ tại miền Nam Cali, thân thiết với nhà thơ Kim Tuấn từ những năm giữa thập niên 1950 thì, năm sinh đúng của tác giả “Nụ hoa vàng ngày xuân” tức “Anh cho em mùa xuân” là năm 1938, tại Hà Tĩnh, chứ không phải 1940. Mặc dù nguyên quán của ông là Thừa Thiên/Huế.
(3): Bài “Màu cây trong khói” in trong thi phẩm “Quê Ngoại,”
ấn bản đầu tiên, trong Tủ sách Nguyên Hà, nhà Á Châu Ấn Cục, Hà Nội, phát hành
năm 1942.
(4): Nhạc sĩ Dương Thiệu phổ nhạc năm 1951.
Nhạc sĩ Thanh Trang tâm tình với khán giả.
Hình: Văn
Lan
Ðêm nhạc tình ca Thanh Trang
Văn Lan
WESTMINSTER, California (NV) - Ðêm nhạc tình ca Thanh Trang
chính thức bắt đầu lúc 7 giờ tối Thứ Bảy, 14 Tháng Ba, tại phòng sinh hoạt nhật
báo Người Việt, Westminster.
Dưới sự điều khiển của hai MC Hoàng Trọng Thụy và Nhã Lan, cả
thính phòng như tràn ngập mùa Xuân khi ban hợp ca Sóng Xanh khai mạc đêm nhạc với
“Bài Hát Mùa Xuân,” bài hát được nhạc sĩ Thanh Trang sáng tác vào một ngày Xuân
giữa thập niên 1980, trong lúc đi quanh quẩn trên đường phố Sài Gòn.
Lúc đó, ông chợt ngậm ngùi nhớ những mùa Xuân xưa, và bài hát
như món quà Xuân ông gửi đến mọi người.
Tiếp theo là “Sài Gòn Nhớ Sài Gòn Thương,” qua phần trình bày
của ca sĩ Quang Tuấn, đưa người nghe về một Sài Gòn biết bao kỷ niệm với “Ai
bao năm gần với Sài Gòn mà hôm nay không ngậm ngùi tiếc nhớ…,” và anh đã xin lỗi
khi có những giọt nước mắt rơi khi nghe ca khúc này.
Kế tiếp là Bích Huyền với “Liễu Buồn Xanh Ngắt Mùa Thu” và
Thiên Nga trong “Xuân Tận Miền Xa,” phổ nhạc từ thơ của Kim Tuấn, trong giai điệu
Tango dồn dập, và thổn thức với tâm trạng người lính chiến ngày Xuân xa nhà.
Anh Dũng đến với chương trình và cả thính phòng im phăng phắc
thưởng thức giọng hát mạnh, trầm ấm của anh với “Duyên Thề” là bài tình ca đầu
tay được nhạc sĩ Thanh Trang sáng tác vào năm 1962 tại Sài Gòn khi ông đang học
năm thứ hai trường luật mà theo tâm sự của nhạc sĩ, nguồn cảm hứng đến từ một
quyển sách Phật, những tư tưởng trong đó khiến trong lòng ông như có một tiếng
thở dài nhẹ nhàng, và ca từ của bài hát như một triết lý về tình yêu của tuổi
thanh xuân, yêu người, yêu cỏ cây hoa lá,… yêu hết cả cuộc đời này, trong bài
hát không hề có bóng dáng của một người con gái bằng xương bằng thịt nào cả.
“Duyên chưa thành lời, một thoáng mơ rồi, người về không
nguôi…” Anh Dũng là người ca sĩ có duyên với nhạc phẩm này mà anh hay nghe từ
năm 1978 và sang Mỹ. Sau khi đậu hạng nhất kỳ thi tuyển lựa ca sĩ ở vũ trường
Ritz, anh đã hát bài này mỗi cuối tuần trong suốt hai tháng liền.
Tiếp theo là tiếng hát Minh Phượng với “Tình Khúc Mùa Ðông”
qua phần tự đệm piano, thanh âm cao vút của tiếng hát hòa quyện với tiếng đàn
làm người nghe như chơi vơi thổn thức.
Ban hợp ca Sóng Xanh với
“Bài Hát Mùa Xuân.” - Hình:
Văn Lan
Trong phần tâm tình với khán thính giả, nhạc sĩ Thanh Trang
tâm sự khi mỗi người chúng ta ly hương, ra đi, sẽ không mang theo được gì, cả bến
Kim Long, cầu Tràng Tiền,… mà hành trang mang theo duy nhất chỉ là giọng nói,
ví dụ như cái giọng nói của miền Bắc sông Hồng, miền Nam sông nước Cửu Long, giọng
Sài Gòn nhẹ nhàng và giọng Huế với cách phát âm thật đặc biệt theo như câu hát
ví von: “Học trò xứ Quảng ra thi, thấy o gái Huế chân đi không đành.”
Ông cũng nói chính quê nội của ông là miền Bắc và miền Trung
là quê ngoại, và như thế mỗi người đều có một dòng sông chảy trong người, dù tất
cả đều chảy ra biển nhưng bản chất, nguồn gốc của nó vẫn không hề thay đổi, bản
chất của mỗi người đều thể hiện qua giọng nói mang đậm nét quê hương của mình.
Phần tâm sự này để giới thiệu bài “Còn Nhớ Gì Khi Xa Huế,”
qua tiếng hát Ái Phương, cô gái Huế không sai đi đâu được khi hát “… Bên tai
nghe vẳng tiếng quê nhà. Một tà áo lụa mềm trong gió. Giọng người gợi về một
nơi xa!…”
Ca sĩ trẻ Hàn Phúc, mang dáng dấp một tài tử điện ảnh, mà
theo lời MC Nhã Lan, anh đã nhất định xin được hát bài “Một Ðời Tôi Hát” như một
tâm nguyện của người ca sĩ đem hết tấm lòng đến với khán thính giả. Và “Huyền,”
sáng tác của nhạc sĩ Thanh Trang hồi đầu năm 1969 tại Ðà Lạt, được Bích Huyền
trình bày bằng giọng hát mượt mà với ca từ thật sang trọng, quý phái. Cũng rất
là thiếu sót nếu không nhắc đến bà Lệ Hà, phu nhân của nhạc sĩ, trong thính
phòng thưởng thức những nhạc phẩm, trong đó có những bài được viết để riêng tặng
bà.
Nhạc sĩ Thanh Trang và phu nhân
Ảnh:
Văn Lan
Cả khán phòng như được dẫn dắt trôi đi bất tận theo những điệu
nhạc trầm bổng, du dương qua các điệu Valse êm nhẹ trữ tình, Tango sôi nổi, đến
tha thiết, từ song ca, hợp ca đến đơn ca, từ tiếng guitar tremolo réo rắt đến
tiếng saxo cao vút, tiếng piano rộn ràng, thỉnh thoảng góp thêm lời tâm tình của
chính tác giả Thanh Trang làm mọi người rộ lên những tiếng cười thoải mái.
Trước khi chương trình bắt đầu, dù mới hơn 5 giờ chiều mà
hàng người đã rồng rắn xếp hàng trước cửa phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt.
Có người từ xa về như San Diego, Los Angeles, Upland, Mission Viejo,… với nhiều
phát biểu thật dễ thương như vì yêu tiếng hát của Quang Tuấn, hoặc có ý kiến là
về đây để nghe nhạc Thanh Trang.
Bài “Có Sớm Ta Về,” qua phần trình diễn của ban hợp ca Sóng
Xanh, đã khép lại đêm nhạc tình ca Thanh Trang, với 24 bài hát được chọn lọc
trong đêm nhạc đã để lại trong lòng thính giả một nỗi niềm bâng khuâng.
Nhạc sĩ Thanh Trang nhận xét: “Thật không vui chút nào khi thấy
thính giả phải đứng nghe nhạc trong suốt mấy tiếng đồng hồ. Mong rằng sẽ có một
sự thoải mái hơn cho những lần tới.”
Văn Lan
Nói với mùa thu - Ca sĩ Quang Tuấn
Nói với mùa thu - Ca sĩ Tôn Nữ Liên Hương
Nói với mùa thu - Ca sĩ Tâm Hảo
18/5/2016
Trần Lê Túy Phượng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét