Ngày xưa Hoàng Thị…
Sài Gòn có một quán café “Hoa vàng“, trước kia còn gọi là “Động
hoa vàng”. Quán nằm ở Ngã Tư Bảy Hiền, trang nhã, tĩnh mịch và rất nên thơ.
Khách thường là những người đứng tuổi. Ai vào, nếu dể ý một tí sẽ thấy một “lão
nông” ngồi lặng lẽ ở góc nhà. Đó chính là thi sĩ Phạm Thiên Thư, tác giả của những
bài thơ nổi tiếng được Phạm Duy phổ thành những tình khúc bất hủ.
Mỗi khi căn phòng vang lên giai điệu mượt mà “Em tan trường về,
đường mưa nho nhỏ, anh theo Ngọ về…”, ông lại nhắm mắt, ngồi bất động như một vị
thiền sư, thả hồn về những dĩ vãng xa xưa…Ngày ấy, trên con đường trải nắng
vàng, cậu học trò lặng lẽ theo sau cô gái tên Ngọ đi học về, nàng mặc áo dài trắng,
tay ôm cặp, mái tóc xõa ngang vai… Chàng si tình, để lại những vần thơ xót xa
và lung linh mãi đến sau này…
“… Em tan trường về
Cuối đường mây đỏ
Anh tìm theo Ngọ
Dấu lau lách buồn…
… Em tan trường về
Đường mưa nho nhỏ
Trao vội chùm hoa
Ép vào cuối vở…”
Có thể nói rằng, vào những năm của thập kỷ 70, bài thơ “Ngày
xưa Hoàng Thị...” là một tuyệt tác. Sau khi Phạm Duy phổ nhạc, tác phẩm đã trở
thành một hiện tượng tại miền Nam. Thanh Thúy là ca sĩ đầu tiên thể hiện thành
công bài hát này. Lúc bấy giờ, trên các báo phát hành ở Sài Gòn, người ta thường
nghi vấn và đặt dấu hỏi, nhân vật chính trong “Ngày xưa Hoàng Thị” là ai? Một
vài người tự nhận là mình, số khác lại bình thơ rồi cho rằng nhân vật chính
trong thơ là cô A hoặc cô B nào đó… Đến khi các phóng viên gặp Phạm Thiên Thư hỏi
chuyện, ông nói rằng, người đẹp trong ca khúc là cô Hoàng Thị Ngọ, nhưng không
hiểu tại sao nhiều người thời bấy giờ vẫn không tin?
Quê ông ở Kiến Xương, Thái Bình nhưng lại sinh ra ở Lạc Viên,
Hải Phòng. Năm 1954, khi mới 14 tuổi, ông theo cha mẹ di cư vào miền Nam, cư ngụ
tại khu Tân Định, Sài Gòn. Đó là một căn nhà nhỏ nằm đằng sau chợ Tân Định cách
trường Trung học Văn Lang, nơi ông học, gần một cây số. Học xong Tú tài, Phạm
Thiên Thư theo học trường Phật học Vạn Hạnh, chọn cửa Phật làm chốn dừng chân
và gửi hồn vào cõi Thiền.
Nhà thơ Phạm Thiên Thư, người đã thi hóa Kinh Phật, ông xuất
hiện trong làng thơ như một người tu sĩ, rao giảng Phật Pháp bằng thi ca như
Kinh Ngọc, Kinh Hiền, Kinh Thơ, Chiêu Hồn Ca, Đoạn Trường Vô Thanh,... Thơ Phạm
Thiên Thư nửa đời, nửa đạo, tâm linh khác thường, làm cho độc giả lãng đãng và
ngẩn ngơ:
“… Em làm trang tôn kinh
Anh làm nhà sư buồn
Đêm đêm buồn tụng đọc
Lòng chợt nhớ vương vương
Đợi nhau từ mấy thuở
Tìm nhau cõi vô thường
Anh hóa thân làm mực
Cho vừa giấy yêu đương…”
Thế giới thi ca Phạm Thiên Thư giúp chúng ta khám phá
thêm những cửa ngõ mới lạ, phong phú về tôn giáo, tình yêu và thiên nhiên. Bài
thơ “Ngày xưa Hoàng Thị…” ra đời trong lúc ông mới chập chững bước vào làng thơ
nên nhiều người nghĩ đó là bài thơ đầu tay. Thật ra, bài thơ đầu tiên chính là
bài “Vết chim bay”, lúc ông mới 24 tuổi, còn nương náu ở cửa chùa.
Ngày ấy, có một nữ sinh thường vào sân chùa tìm nơi tĩnh lặng
để học bài. Cô đẹp và thánh thiện như ánh sáng của Quan Thế Âm Bồ Tát, Phạm
Thiên Thư đem lòng thương mến. Hai người quen nhau độ mươi ngày, một buổi chiều
như bao buổi chiều khác, ông ngồi ở hiên chùa đợi mãi nhưng chẳng thấy bóng
dáng cô. Nàng ra đi chẳng một lời từ biệt để lại sự đơn côi và nuối tiếc cho
chàng trai mới lớn. Mười năm sau, khi trở lại chùa xưa, tình cờ nhìn thấy nét
phấn trắng ghi tên hai đứa vẫn còn trên gác chuông, lòng bâng khuâng chuyện cũ,
Phạm Thiên Thư đã viết nên bài thơ này:
“Ngày xưa anh đón em.
Nơi gác chuông chùa nọ.
Con chim nào qua đó.
Còn để dấu chân in…
Anh một mình gọi nhỏ.
Chim ơi biết đâu tìm…”
Tình yêu trong thơ Phạm Thiên Thư thánh thiện, nhẹ nhàng và
kín đáo. Chút bẽn lẽn, khẽ chạm mà không dám “tay trong tay” vì sợ tình sẽ tan
biến thành khói sương. Đạo Phật ảnh hưởng và tạo nên một không gian ái tình
riêng trong thơ Phạm Thiên Thư. Nó làm cho người đời ngỡ ngàng, đắm say trong
thế giới thi ca huyền diệu của thi sĩ.
Theo ông, Hoàng Thị Ngọ trong bài thơ “Ngày xưa Hoàng Thị” chỉ
là kỷ niệm, một mối tình thoảng nhẹ vu vơ thời trai trẻ. Trong những năm Tú tài, ông đã để ý một cô bạn học cùng lớp tên là Hoàng Thị Ngọ, cô gái đó quê gốc Hải
Dương và ở gần nhà ông. Sau này, Phạm Thiên Thư tìm lại cố nhân nhưng người
hàng xóm cho biết, bà Ngọ đã bán nhà và dọn đi nơi khác từ lâu.
Ngày ấy, mỗi khi xếp hàng vào lớp, cô gái đứng ở đầu hàng bên
nữ, nổi bật, mái tóc dài xõa trên bờ vai mảnh dẻ. Ông chỉ im lặng ngắm nhìn.
Khi tan trường, cô gái một mình trên đường về nhà, ông lại là kẻ lẽo đẽo theo
sau: “Cô ấy ôm cặp đi trước, tôi đi theo nhưng không dám lên tiếng. Trong
bóng chiều tà, ánh nắng hắt qua hàng cây, cô ấy lặng lẽ bước, gây cho tôi những
cảm xúc bâng khuâng khó tả. Cứ thế, tôi chỉ biết lặng lẽ đi theo sau cô ấy hàng
ngày, giấu kín những cảm xúc của mình không cho bất cứ ai biết”. Và một lần đắm
chìm trong cảm xúc ấy, ông đã cầm bút viết lên bài thơ “Ngày xưa Hoàng Thị”.
Những năm sau này, mỗi khi đi ngang lại con đường của một thuở
yêu đương, hình ảnh cô gái với mái tóc xoã ngang vai lại hiện về trong ông:
“Em tan trường về.
Đường mưa nho nhỏ.
Chim non giấu mỏ.
Dưới cội hoa vàng...”
Giờ đây, Hoàng Thị Ngọ đã định cư ở Mỹ. Hơn 50 năm, nơi
phương trời xa xôi ấy, cô nữ sinh có còn nhớ…
“… Tìm xưa quẩn quanh
Ai mang bụi đỏ
Dáng em nho nhỏ
Trong cõi xa vời
Tình ơi! Tình ơi!”
Một lần, có người hỏi ông “Thế khi nào mọi người mới biết tới
những bài thơ của bác?” Phạm Thiên Thư trả lời: “Ấy là khi chúng tôi nhờ
nhạc sỹ Phạm Duy phổ nhạc 10 bài Đạo ca do tôi viết lời, Phạm Duy gặp và tình cờ
đọc được tập thơ của tôi. Tôi cũng không nghĩ Phạm Duy lại thích bài thơ Ngày
xưa Hoàng thị đến thế, ông đề nghị phổ nhạc bài thơ đó. Dĩ nhiên được một nhạc
sĩ nổi tiếng như Phạm Duy để ý đến bài thơ của mình thì có gì hạnh phúc bằng.
Và tôi cũng bất ngờ nghe lại bài thơ của mình khi đã phổ nhạc. Nhạc sĩ đã tôn
bài thơ lên rất nhiều qua những giai điệu nhạc bay bổng”.
Cha Phạm Thiên Thư tuy làm nghề bốc thuốc Bắc nhưng thỉnh thoảng
vẫn làm thơ. Ông còn nhớ, cha ông đã từng đạt giải Nhì về thơ do một tờ báo ở
Hà Nội tổ chức. Phạm Thiên Thư làm thơ để trải lòng mình chứ không làm thơ
chuyên nghiệp. Vì vậy mãi đến năm 1968, ông mới tự xuất bản tập thơ đầu tiên,
chủ yếu để tự đọc, tặng một số bạn bè thân. Thật ra, trong cuộc đời sáng tác,
Phạm Thiên Thư chẳng muốn ai biết về mình...
Thoáng hương qua
Năm 1964, nhà thơ Phạm Thiên Thư xuống tóc, đi tu ở một ngôi
chùa với Pháp danh là Thích Tuệ Không. Trong 9 năm tu hành (1964 -1973),
ông đã chứng kiến một cuộc tình giữa chú tiểu và một cô bé Phật tử. Chàng 16 tuổi
và nàng cũng ngần tuổi đấy. Tình yêu vừa chớm như những bông hoa vừa mới nở. Cứ
mỗi lần, chú tiểu đánh chuông, cô bé đứng bên nhìn và tụng niệm. Trong những lời
khấn nhỏ ấy, cô nguyện cầu cho hai đứa được bên nhau mãi mãi…
Ðầu xuân em lễ chùa này
Có búp lan vàng khép nép
Vườn trong thoáng làn hương bay
Bãi sông lạc con bướm đẹp
Mùa xuân quen nhau, mùa hạ cùng em đi lễ… Rồi mùa thu, mùa
đông, hai người vẫn yêu thương tha thiết, bốn mùa hẹn nhau trong ngôi chùa cổ,
có lò hương với làn trầm nghi ngút:
Vào hạ em lễ chùa này
Trên đồi trái mơ ửng chín
Lò hương có làn trầm bay
Chiến tranh loạn lạc, cuối mùa đông năm ấy, cô bé chết vì bom
đạn của chiến tranh. Trong mưa bay và gió lạnh, chú tiểu gạt nước mắt đưa tiễn
người yêu trong chiếc áo quan đơn sơ và mộc mạc như chính tình yêu của họ:
Sang đông em lễ chùa này
Ngoài sân có mưa bụi bay
Hắt hiu trong cành gió bấc
Vườn chùa rụng cánh lan gầy
Cuối đông đưa em tới đây
Trong lòng áo quan gỗ trắng
Tóc em tợ óng làn mây
Cội hoa tưởng ai trầm lặng
Gia đình đưa xác cô an táng sau chùa, nơi những bông hoa vẫn
còn nở. Mỗi buổi chiều, chú tiểu đến bên mộ, thắp hương và ngồi mãi cho đến khi
hoàng hôn buông xuống…
Em vừa nằm xuống đất này
Vườn trong có bông đào nở
Con bướm chập chờn hương bay
Quơ sợi râu vàng bỡ ngỡ
Nắm đất nào vừa lấp mộ
Có con chim hót đầu cành
Tiếng tan trên giòng suối xanh
Nước ơi sao buồn nức nở
Mỗi cuộc tình đều có những kết thúc khác nhau. Có người đến đỉnh
cao của hạnh phúc, tràn ngập niềm hân hoan vô bờ bến. Có kẻ rơi xuống vực sâu của
bất hạnh, ôm lấy đơn côi trong im lặng và nước mắt. Cho dù âm dương cách biệt
ngàn trùng, tình yêu ấy vẫn tươi đẹp, sáng lung linh và huyền diệu. Cõi người vẫn
tin rằng, họ vẫn yêu thương nhau, con tim vẫn thổn thức một lời hò hẹn từ kiếp
trước.Và như thế, trong ánh sáng huyền diệu của Phật Pháp, họ không còn bên
nhau nữa nhưng tình yêu vẫn lóng lánh như những giọt sương còn đọng lại trên những
bông hoa nở sớm sau sân chùa.
Câu chuyện hoàn toàn có thật, Phạm Thiên Thư xúc động và sáng
tác bài thơ nổi tiếng: “Thoáng hương qua“. Sau này, Phạm Duy phổ thành nhạc phẩm
“Em lễ chùa này” và ca khúc đã đi vào lòng người cho mãi đến giờ. Sau này, Phạm
Duy còn phổ nhạc thêm một số bài thơ tình khác của ông như: Đưa em tìm động hoa
vàng, Gọi em là đoá tình sầu,… Tất cả những ca khúc này đều nổi tiếng và được mọi
người biết đến.
Sau 1975, Phạm Thiên Thư lui về ở ẩn. Từ năm 1976 đến 1981, để
mưu sinh, Phạm thi sĩ mở quán hớt tóc ở Lăng Cha Cả. Giai đoạn (1981 - 1983),
ông bán tạp hóa, rượu thuốc, trà đá… ở đường Lý Chính Thắng. Sau 1983, Phạm
Thiên Thư nghiên cứu, sáng lập và truyền bá môn dưỡng sinh Phathata (Pháp
- Thân - Tâm).
Audio:
* Ngày Xưa Hoàng Thị -
Thái Thanh
* Đưa Em Tìm Động
Hoa Vàng - Thái Thanh
* Em Lễ Chùa Này -
Ý Lan
* Gọi Em Là Đóa Hoa
Sầu - Duy Quang
* Pháp Thân -
Thái Thanh.
Ghi chú:
- Phạm Thiên Thư từng đi tu (từ 1964-1973) và rồi hoàn tục,
nên có kiến thức khá thâm thúy về đạo Phật. Ông được coi là "người thi hóa
kinh Phật" (dịch kinh Phật ra thơ) và là tác giả của nhiều bài thơ phảng
phất triết lý mà ông đã tin theo.
- Năm 1973, ông đoạt giải nhất văn chương toàn quốc với tác
phẩm Hậu truyện Kiều - Đoạn trường Vô Thanh.
- Năm 1973-2000: Nghiên cứu, sáng lập và truyền bá môn dưỡng
sinh Điện công Phathata (viết tắt chữ Pháp - Thân - Tâm)...
Trương Văn Khoa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét