Thứ Sáu, 15 tháng 5, 2020

Đun nồi hương cũ

Đun nồi hương cũ...
Thơ nôm Nguyễn Trãi (1) có câu:
"Giậu thưa thưa, hai khóm cúc
Giường thấp thấp, một nồi hương".
Nồi hương đặt bên giường? Đọc rồi thắc mắc, thử tìm.
Ngoài đời, không thấy. Trong sách ta, thoạt tìm cũng không thấy. Đã chập chờn nghĩ hay cụ Ức Trai tạm mượn nó trong sách Tàu, nhưng lại gạt ngay: thơ Quốc âm thi tập có rau muống, mồng tơi, dọc mùng, bèo, củ ấu, khoai, núc nác v.v..., có thả, ương, cấy, phát, cuốc, vãi, vun v.v..., Nguyễn Trãi tả cảnh quê mình thực lắm, lẽ nào lại đi rước vào thơ một cái nồi "made in China"!
Nồi hương có xuất hiện trong văn thơ Việt chỗ nào khác nữa chăng, chuyện hãy tạm để đấy.
Năm 1293, sứ nhà Nguyên Trần Phu sang Thăng Long, trinh sát văn hóa mấy tháng liền, mắt thấy tai nghe tới đâu ghi ghi chép chép tới đó, thành sách An Nam tức sự. Sách có chỗ kể: "Bên cạnh giường bao giờ cũng có một cái lò đốt lửa rừng rực (...) để tránh khí ẩm bốc lên". (2)
Chắc chắn sứ Tàu chỉ chép những chuyện phổ biến ở nơi đi sứ mà hiếm hoặc không có ở Tàu, tức những chuyện lạ đối với người Tàu. Cái lò đặt bên cạnh giường đích thị là lò Việt Nam.
Trần Phu qua sau Tết, đất Bắc đã bớt lạnh, nhưng cái "rét nàng Bân", "rét tháng ba, bà già chết cóng", rét của những đợt gió mùa đông bắc khiến tổ tiên ta thích có một cái lò "rừng rực" đặt bên cạnh chỗ nằm của mình. Nằm bên lửa vẫn là cách chống rét của đồng bào thiểu số ở miền cao cho đến tận bây giờ. Người Kinh đời Trần còn giữ tục ấy, không biết lặng lẽ bỏ nó đi lúc nào...
Sẵn lò sẵn lửa, nếu đặt luôn lên đấy một cái nồi hương thì vừa được ấm vừa được thơm! Liệu có phải chính cái thứ lò "đập" vào mắt Trần Phu hơn trăm năm sau đã nấu nồi hương đặt bên cạnh giường Nguyễn Trãi chăng?
Mùi thơm tức là mùi... đẹp. Từ lúc có tâm hồn, biết thích cái Đẹp, mũi nhân loại luôn hóng những thứ mùi thơm.
Ở ta xưa kia, muốn thân thể đầu tóc thơm tho thì nấu nước có bỏ cỏ thơm, rễ thơm, lá thơm vào mà tắm, gội. Còn nếu muốn làm không gian quanh mình có mùi dễ chịu thì hoặc thắp vài nén hương hoặc, cầu kỳ hơn, gầy một lò hương, tức bỏ trầm vào lư mà đốt.
Thắp hương với đốt trầm có gốc Tàu? Dù sao, người Việt Nam vốn có một cách gây thơm thứ ba, chắc chắn của riêng mình.
Côn Sơn, khoảng giữa thế kỷ 15...
"Ở thế nhiều phen thấy khóc cười". Nguyễn Trãi chán thấy, bèn xin được thôi ở.
"Rũ bao nhiêu bụi, bụi lầm
Giơ tay áo đến tùng lâm".
Ra khỏi triều đình, giũ bụi khỏi áo, rồi giơ tay áo lên mà đứng trên mây bay về rừng thông như một ông tiên!
Tiên về núi thì
"Dầu phải dầu chăng mặc thế
Đắp tai biếng mảng sự vân vân".
Nghe chi "sự vân vân" nữa, phải quá.
Trong "con am" thanh vắng, kẻ ở ẩn khi ra sân xem hoa nở, khi vào cạnh giường thăm nước trong nồi hương đang sôi riu riu. Ngắm đẹp ngửi thơm, sao khỏi sinh thơ. Thơ sinh hễ đắc ý:
"Ngâm được câu thần, dửng dửng ca".
Ca rằng:
"Giậu thưa thưa, hai khóm cúc
Giường thấp thấp, một nồi hương
Vượn chim kết bạn non nước quạnh
Cầm sách cùng nhau ngày tháng trường"...

Chỉ kết bạn với vượn với chim, chỉ gẩy đàn, đọc sách, xem hoa, ngửi hương, nhưng ngày tháng trên non của Nguyễn Trãi dĩ nhiên rồi cũng không được "trường".
Bao nhiêu năm sau ngày kẻ thích nằm thơm rời hẳn chốn "bụi lầm" thì cái nồi hương mộc mạc đặt bên giường người Việt nó cũng chán đời mà thôi "ở thế"?
Trở lại với chuyện tìm nồi ta trong sách ta. Hàng mấy trăm năm sau Nguyễn Trãi, cái nồi hương nó có vào thơ Việt Nam lần nữa đấy. Trong Kiều.
"... Ngày pho thủ tự đêm nồi tâm hương". (3)
Lần này, hương là hương lòng, không phải hương sả, hương chanh. Có lẽ đến cách nay khoảng 200 năm thì cái nồi cũ kỹ ấy đã "lìa giường" lâu rồi. Nguyễn Du đưa nó vào thơ, như thể đun chút hương lòng cho nó!. 
Chú thích:
(1) Xem Nguyễn Trãi toàn tập.
(2) Trần Phu, An Nam tức sự, Lê Mạnh Hùng trích dịch, tạp chí Thế Kỷ 21, Mỹ, 7-2001.
(3) Câu 1930.
2008
Thu Tứ
Theo http://chimviet.free.fr/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chuyện cha con người đốt than

Chuyện cha con người đốt than 1.  Tôi còn nhớ, khi ấy, từ mấy chục năm trước, trên đường từ Long Xuyên, Châu Đốc về Thất Sơn, ngồi trong c...